Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
694
116.704.501
 
Số Phận Của Một Phác Thảo
Nguyễn Thanh Hiện

Nếu không có sự phản ứng của anh Bốn Trắc thì tôi cứ việc ung dung mà bước cho tới đỉnh vinh quang. Thường người ta làm địa chí một tỉnh, địa chí một nước. Nhưng bấy giờ thì tôi cho rằng chỉ cần làm một cuốn địa chí của làng, nhưng làm sao cho thật hay, là đạt được vinh quang trong trước tác. Nghĩ thế, tôi liền bắt tay vào việc làm phác thảo cho cuốn địa chí làng Cù, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Chưa có tấm bản đồ nào ghi tên làng tôi. Cũng chưa có sách nào nói đến làng tôi. Có nghĩa, khi cuốn địa chí làng Cù của tôi có mặt trong đám sách vở văn chương của đất nước là chuyện mới tinh đối với người đọc. Ở trong làng thì tôi thuộc hạng có chữ nghĩa. Nhưng quả tình là chưa có người nào có chữ nghĩa dám cả gan nghĩ đến chuyện làm một cuốn sách cho làng quê của mình. Phải nói một câu là nhờ khí thiêng sông núi của nơi chôn nhau cắt rốn mà tôi mới có được cái chí hướng trước tác ấy. Người làng tôi tuy chưa có ai ra làm vua, hay làm quan, nhưng nếu chép cho thật đầy đủ, chỉ mỗi mục nhân vật chí cũng đã chiếm mất một cuốn. Ông Sáu Sống, người chuyên thổi kèn đám chết, đã làm cho cả người lẫn bò trâu đều khóc mỗi khi tiếng kèn của ông nức nở cất lên giữa tiếng chiêng tiếng trống. Ông Hai Tự thì luôn âm thầm tự hào với cả nước rằng mình là hậu duệ  của một vì vua, bỡi theo lời truyền thì một cuộc tình đã diễn ra giữa chúa Nguyễn Hoàng với bà cao tổ của ông lúc chúa vào quê tôi khẩn đất, và khi chúa quay về Dinh Cát thì đã để lại cho bà ấy một giọt máu của họ Nguyễn. Còn như nói đến cuộc xiển dương hát ca trù do mẹ con  bà Lưu Thị Thường khởi xướng là đụng đến một câu chuyện dài dằng dặc kéo dài đến mấy chục năm, câu chuyện đã một thời nối liền đất quê tôi với đất kinh sư, phải chia ra thành chương hồi mới nói hết. Khi hình dung các đề mục của cuốn địa chí, tôi cứ thấy như mình sắp làm một công việc vô cùng lớn lao là thâu tóm toàn bộ cuộc đời vào ở trong sách. Có ai nói hơn tôi khi nói đến đám chim chuyên đánh hơi lũ thú rừng đêm đêm vẫn canh giữ trên bầu trời của đồng làng? Quê tôi là  miền bán sơn địa, đêm đến thì lũ thú trên dãy núi phía nam làng lại kéo xuống đồng làng phá lúa. Mà đám chim te te thính hơi thú hơi người  thì như đám vệ sĩ trời sai riêng xuống đây để xua đuổi lũ thú  xâm phạm của cải của con người. Có ai rành hơn tôi khi tả con đường làng bũn cát từng in dấu chân tôi tự buổi ấu thơ? Đâu đã có ai nói đến cội duối mấy trăm năm tuổi chỗ đầu làng, nếu có, người ta cũng chỉ nói vào mùa nam thổi lũ trẻ trong làng tụ về đây để ăn quả chín, hoặc là người ta chưa biết, hoặc có biết, nhưng lại cho là điều không đáng nói, vì đấy chỉ là chuyện những con ngựa đã được đem đến cột tạm nơi cội duối già ấy trong buổi rối ren của lịch sử, ngựa của chúa Nam Hà lúc chạy trốn chúa Bắc Hà, ngựa của tướng Tây Sơn lúc bị lực lượng của đám hậu duệ chúa Nam Hà truy đuổi. Vậy là tôi đã có dịp để dùng ngọn bút xuân thu mà vạch ra nghĩa lý trắng đen của quá khứ. Nhưng phải chờ đẻ đái xong, chú mới được đưa tôi vô sách. Chị Hai Lực nói. Đấy là người phụ nữ tôi gặp đầu tiên trong cuộc điền dã chẳng biết phải kéo dài đến bao lâu để lấy tư liệu cho cuốn địa chí của mình. Chỉ khác mẹ Âu Cơ là đẻ trứng, còn chị Hai Lực là đẻ con, nhưng ở làng Cù quả chẳng ai xứng danh hậu duệ của mẹ Âu Cơ hơn chị Hai Lực, bỡi chị đã đẻ trước sau cả thảy là mười bốn đứa. Lúc tôi đến lấy tư liệu thì chị ấy đang có chửa đứa thứ mười lăm. Tất  nhiên là các vị làm công việc vận động sinh đẻ có kế hoạch đã cười trừ với chị tự lúc chị mới đẻ đứa thứ ba thứ tư. Nhưng ai dám bảo là chị Hai Lực sinh đẻ không có kế hoạch? Ở trong làng, mọi người đều biết đám con của chị vẫn tăng trưởng bình thường, có nghĩa là chẳng có đứa nào nằm trong khung suy dinh dưỡng. Tôi muốn mở mục huyền thoại của làng để đưa chị Hai Lực vô đó. Cũng chỉ có  bấy nhiêu phương cách làm ra cơm áo (năm sào ruộng trên đồng làng, một cặp bò cày gồm một đực một cái, một con heo nái mỗi năm đẻ hai lứa, vài ba mái gà ta, với một mảnh vườn chuyên trồng cà trồng ớt, nhưng cũng chỉ trồng được vào mùa nắng, vì sang mùa mưa thì đất sẫy) mà chị Hai Lực vẫn cứ đẻ dài dài, chẳng có đứa nào bị đẻ non, cũng chẳng có đứa nào chết vì thiếu đói, thì chẳng phải là huyền thoại hay sao? Tôi nói là tôi chỉ đưa cái tinh thần huyền thoại ấy vô sách, còn chị đang mang thai thì cứ việc mang thai, nhưng chị nhất định không chịu. Tôi đã nói là chú không được đưa tôi vô sách. Còn khi xoay sang bí quyết đóng cày của anh Hai Lực, thì cũng bị anh ấy từ chối. Anh Hai Lực là thợ đóng cày có tiếng ở làng Cù. Cầm cây cày của Hai Lực bước theo đôi bò trên ruộng thì nghe êm tựa như chẳng cầm cày. Đấy là lời bình về kỷ thuật đóng cày của anh Hai Lực. Tôi muốn đưa chuyện đóng cày vô mục nông nghệ của làng, nhưng anh Hai Lực đã lập tức phản đối. Chú muốn lấy nồi gạo nuôi con của vợ chồng tôi, có phải không? Phải, nếu đưa cái bí quyết  đóng cày ấy vô cuốn địa chí, thì người ta sẽ chẳng còn thuê anh ấy đóng cày. Tôi cũng có hơi nản chí vì mới ra quân đã gặp trắc trở. Nhưng khi nghĩ đến hình ảnh cuốn địa chí của mình nằm ngang ngửa  giữa mớ sách vở văn chương thời đại là tôi lại thề trong lòng rằng dẫu tan xương nát thịt cũng phải làm cho xong sách.  Cứ nghĩ đến ngày tên tác giả của sách được gắn với bao nhiêu lời lẽ sang trọng ( tác giả, một nhà nghiên cứu có cỡ, tác giả, một cây bút lớn… vân vân) và có bao nhiêu là nhà nghiên cứu nước ngoài tìm đến gặp tôi, cứ nghĩ đến ngày ấy là tôi thấy mình tựa cái rún của vũ trụ. Vào một đêm mùa thu tháng tám có tiếng ếch nhái kêu mưa, ông Hai Thước khép cối xay lúa đã đánh thức tôi dậy. Tôi biết ông ấy tự hồi tôi mới lên bảy. Nói đúng hơn là toàn bộ lũ trẻ nít ở làng Cù cùng tuổi tôi đều biết ông ấy. Bỡi thời đó thì nhà nào cũng phải có một cái cối xay lúa, mà ông Hai Thước là ông thợ khép cối xay lúa. Chưa có cuốn từ điển tiếng Việt nào nói về việc khép cối xay lúa, nên tôi phải nói. Nhưng trước khi nói chuyện khép cối xay lúa thì phải biết cối xay lúa là cái cối thế nào. Thì thời đó nó là một bộ phận của văn minh nông nghiệp chứ còn gì nữa. Con người là không thể ăn thóc như con gà, nên đã phải nghĩ ra cái cối xay lúa. Muốn có gạo nấu, trước tiên người ta phải đem lúa ra xay cho tróc  vỏ, sau đó mới đem những lúa đã tróc  vỏ đổ vô cối giã mà giã. Từ đó mới có gạo để nấu cơm. Cũng từ đó mới có chuyện hò hát đối đáp, rồi từ hò hát đối đáp mà thành chồng thành vợ. Tức, giã gạo thì sinh ra thơ ca, sinh ra chồng vợ. Nhưng nói như vậy là đã đi hơi xa cái cối xay lúa. Thì thời đó nó là một thứ máy móc chứ còn gì nữa. Và có thể nói cái máy ấy là gòm có hai bộ phận, gọi là thớt cối trên và thớt cối dưới. Thớt cối dưới có lồng chứa thóc, được đặt trên một hệ thống chân đỡ to lớn gòm có ba chân. Thớt cối trên có hai tai nằm đối diện ở hai bên, coi như một thứ then truyền, bỡi vì người ta sẽ móc cái cần xay vào hai tai xay ấy để vận hành. Nhưng đấy mới chỉ là  phần vỏ, nhìn thấy bên ngoài. Linh hồn của cái cối xay lúa là hệ thống răng bằng gỗ được cơ cấu bên trong thớt trên và thớt dưới. Không có hệ thống răng này là không có cối xay lúa. Có nghĩa khi vận hành, tức là khi móc cái cần xay vào hai tai để quay phần thớt trên lên phần thớt dưới, thì hệ thống răng ấy nghiến vào nhau mà sinh ra việc làm tróc vỏ lúa. Cái cối xay lúa đúng nghĩa là cối xay lúa là khi vận hành thì cho ra gạo lứt, tức thứ lúa đã tróc hết vỏ. Khi vận hành không còn cho ra gạo lứt, mà cho ra lúa, hay làm nát lúa, là cối bị hư, là phải làm lại hệ thống răng của cối. Khép cối xay lúa là làm lại hệ thống răng ấy. Đêm nằm mơ thấy ông Hai Thước, thức dậy, là điềm lành. Thấy ông Hai Thước là thấy lại một nền văn minh cổ kính của tiền nhân. Nghĩ thế, tôi quyết định đưa ông ấy vô sách địa chí của làng.

 

Bảy tuổi tôi đã theo ông Hai Thước để coi khép cối xay lúa. Khi ông ấy  trút từ trong chiếc bao ra bộ đồ nghề xảm răng là tôi cảm thấy như mình sắp bước vào một thế giới mới. Với tuổi tôi hồi ấy, việc đem những mảnh gỗ mỏng nhỏ có cùng kích cỡ ráp vào lòng thớt cối đã được nện đầy đất để làm thành  một thứ trận đồ răng kỳ quái, việc tiếp đến là mang từng thứ đồ nghề trong bộ xảm răng ra  mà gõ  lên thế trận ấy để làm cho gỗ với đất nén chặt vào nhau, tiếng xảm ngắn dài nhặt lơi  trầm bỗng  tựa lời phù chú,  tất cả những sự việc ấy, những thao tác ấy, những biến cố ấy là thuộc về  thế giới của sự kỳ bí. Thì chẳng phải là ông Hai Thước có tài  thần thông chẳng biết nể sợ ma quỉ là gì đó sao? Cái ụ  mối đùn chỗ  gò chôn người chết  của làng vốn được coi là nơi lui tới của đám ma trơi ma xó, là chốn kiêng kỵ của người làng, và cũng chỉ có ông Hai Thước là  dám đến đó,  đào bới thứ đất  mối đùn rất dẻo đó  lên để mang về xảm lại bộ răng cối xay lúa của nhà tôi. Ông Hai đã  bắt con ma  về  xay lúa cho mình phải không? Tôi nhớ là lúc răng cối xảm xong, ông Hai Thước móc cần xay  lên cối  xay thử, tôi mới dám đánh tiếng hỏi. Ông ấy chỉ nhìn tôi cười. Rồi tiếp tục cho cối xay vận hành tiếp. Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng giờ nhắc chuyện khép cối  xay lúa, tôi lại thấy như ông Hai Thước đang xay lúa ở trước mặt mình. Không có bắt đầu. Cũng không có kết thúc. Chỉ có nghỉ, và không nghỉ. Khi làm ra hạt gạo cho mình,  con người lại làm ra một thứ thời gian theo cách của mình.

 

Là chú đang nói về chuyện gì? Nghe tôi đọc xong đoạn viết trên, anh Bốn Trắc hỏi. (Tôi đã quyết định đem bài viết về ông Hai Thước sang tham khảo ý kiến của anh Bốn Trắc là con trai của ông ấy) Tôi nói là mình đang làm sách địa chí của làng, và đã quyết định đưa vô sách lai lịch ông thợ khép cối xay là cha anh ấy. Anh Bốn Trắc hỏi sách địa chí của làng là sách thế nào? Tôi nói là sách chép những sự việc thuộc về làng Cù, như đọan văn vừa đọc cho anh nghe là chép về cha của anh, một ông thợ khép cối xay có tiếng trong vùng. Anh Bốn Trắc nói cha của anh là chẳng dính dáng chi tới chuyện ma quỉ, bùa chú. Tôi nói đấy chỉ là cách nghĩ về ông Hai Thước lúc tôi còn bé. Chú đã nghĩ không trúng về cha của tôi, với lại hồi ấy thì người ta gọi là chú chánh Thước, bác chánh Thước, chứ chẳng ai gọi ông khép cối xay này ông khép cối xay nọ như chú. Anh Bốn Trắc nói. Tôi có giật mình về chỗ thiếu sót này, và bảo là tôi sẽ sửa. Anh Bốn Trắc nói chẳng sửa gì hết, hãy để cho cha của anh được yên ổn  nơi chín suối. Tôi bảo hồi ấy người làng đã tôn vinh cha của anh bằng chức chánh, nên giờ đưa ông vô sách địa chí của làng là hợp tình hợp lẽ. Anh Bốn Trắc liền bảo bấy giờ cha của anh đã truyền nghề cho anh xong yên, nếu không có cái máy xát gạo ra đời, không chừng là anh cũng được phong cho chức chánh. Khi nghe tôi nói hãy cho tôi biết cách truyền nghề của ông Hai Thước để đưa vô sách địa chí của làng thì anh Bốn Trắc có vẻ  ngạc nhiên: Giờ kiếm đâu ra cái cối xay lúa cho chú học cách khép cối xay? Tôi bảo là cứ kể ra bằng lời, việc chi phải có cái cối xay? Anh Bốn Trắc nói đấy là chuyện tâm truyền, tức là phải  nhìn ông thầy mình làm để làm theo, chứ không thể diễn bằng lời, với lại trước khi chết, cha của anh đã dặn là chỉ truyền cho con cái trong nhà, chứ không được truyền ra ngoài. Giờ đâu còn ai dùng cối xay lúa mà phải giữ chuyện truyền nghề? Tôi thật lòng bảo. Không ngờ câu nói ấy đã làm cho con người hiền hơn đất nổi giận. Đấy là chuyện của nhà tôi, chú chẳng được xen vào. Anh Bốn Trắc  nói, và phủi đít đứng lên. Tôi có cố nhắc đi nhắc lại chuyện đưa ông Hai Thước vô sách địa chí là để cho anh ấy không còn giận tôi. Không ngờ là anh Bốn Trắc đã thẳng tay đuổi tôi. Để cha tôi được yên nơi chín suối, chú hãy về đằng nhà chú đi. Anh ấy vừa nói vừa phất tay, như hối tôi hãy ra khỏi nhà của anh.

 

Lúc cơm tối xong, vào ngồi ở bàn viết, ngọn bút xuân thu của tôi bắt đầu chao đảo. Đến nửa đêm thì không còn đứng trên giấy nổi nữa. Tôi đâu biết việc làng xóm vinh thăng nghề khép cối xay lúa cho ông Hai Thước lại trở nên thiêng liêng đối với con cháu ông như thế. Đến lúc này tôi  mới chịu thừa nhận rằng sự hiểu biết của mình ví như một hạt quark nhỏ nhoi mà cuộc sống thì rộng lớn như vật chất chứa trong vũ trụ. Đến khi nhận ra sự thật này tôi mới giật mình nhớ đến câu chuyện ngàn năm của nhân loại, câu chuyện về giới hạn của tri thức con  người.

 

Tôi đi chôn phác thảo cuốn địa chí với đỉnh vinh quang của mình vào một đêm mùa thu tháng tám có tiếng ếch nhái kêu mưa inh ỏi trên đồng làng./.

 

Giêng, 2008- Giêng, 2009

Nguyễn Thanh Hiện
Số lần đọc: 1599
Ngày đăng: 01.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng Khỏe - Lưu Quang Minh
Vòng Qua Chân Đồi - Trần Hữu Ngũ
Nóc Trời Và Đáy Cát - Nguyễn Hiệp
Diễm Xưa - Trần Yên Hòa
Bài Ca Của Tuyết Băng - Kinh Dương Vương
Quãng đời lấm láp - Phạm Đình Trọng
Người Thầy Dạy Búp Bê - Phan Trang Hy
Thế Kỷ Nào - Đặng Kim Côn
Ngôi Nhà - Võ Tấn Khanh
Good-bye days - Vũ Lập Nhật