Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
603
116.869.496
 
Đứa con của thần linh
Trần Quang Vinh
Chương 11

Đêm đã về khuya bà Đội vẫn trằn trọc khó ngủ. Nghĩ tới chuyện vong hồn mẹ đẻ của Gấm nói rằng Gấm sẽ đẻ con giai vai vế hơn người bà lại thấp thỏm hy vọng. Bà bỗng nảy ra ý định cho con dâu đi cầu tự để kiếm cháu đích tôn. Nghe nói con cầu tự là con thần con thánh thường tài giỏi hơn người. Lúc sinh thời cụ Tú có lần kể chuyện vua Đế Cốc bên Tàu cầu tự ở đền Cao Môi sinh được ông Hậu Tắc tài cao. Ngay cả Đức Khổng Tử là một bậc thánh nhân đại trí đại đức cũng được sinh ra nhờ người cha cầu tự ở núi Ni Sơn. Họ Đào bây giờ bị họ Nguyễn họ Lê ở Tây Lưu lấn át, cần phải có người học rộng tài cao làm trụ cột gây dựng lại vây cánh ở làng, ở tổng. Biết đâu còn lập được công danh địa vị như các bậc tiền bối ngày xưa.

          

Nhớ lời cụ Cử Hách nói với cụ Tú rằng, ông thầy Tàu cùng học với thầy Tả Ao nổi tiếng về địa lý từng đến tổng Hà xem long mạch trạch cát. Chính thầy là người chỉ vị trí xây miếu Tiên Công, nơi thờ phụng những vị tiền bối đến nơi đây quai đê mở đất lập ra bốn làng để hình thành tổng Hà trù phú sau này .

          

Bấy giờ giới chức sắc, bô lão các làng định dựng miếu Tiên Công ở cạnh hồ Mạch đầu làng Đông Lưu. Đây là nơi các vị Tiên Công tìm ra nước ngọt sau nhiều ngày lênh đênh trên biển nên đã neo thuyền ở lại lập nghiệp lâu dài trên cánh rừng sình lầy ngập mặn trước cửa sông Rừng. Việc đào móng xây miếu vừa bắt đầu thì dịch đau mắt đỏ bùng phát. Cùng thời điểm ấy xuất hiện ba người Tàu đi bán thuốc dạo, dân tổng Hà quen gọi là chú khách. Buổi trưa hôm ấy mấy chú khách dừng chân ở hồ Mạch xin nước uống. Một người nhỏ thó, mặt choắt, môi dày, nhìn đám thợ đào móng rồi bảo rằng vị trí này là mắt rồng. Xây miếu nơi đây sẽ ảnh hưởng đến long mạch, dân tổng Hà khó tránh khỏi toét mắt ba vành .

         

Đang lúc dịch bệnh, nghe chú khách nói vậy các bô lão rất kinh hãi, bèn mời họ làm thượng khách nhờ xem thế đất, phong thủy, tìm vị trí đắc địa xây miếu thờ các vị Tiên Công.

         

Ngày hôm sau thầy địa lý người Tàu cùng hai môn đệ được mời đi xem đất khắp tổng Hà. Ở Phong Lưu thầy khen đất này khí vượng, nếu sửa lại cổng đình hướng tây nam sẽ hưởng lộc đời đời. Đến Tây Lưu thầy đứng lặng trầm trồ bảo đúng là địa linh nhân kiệt! Chỉ tiếc là động long mạch nên nhân tài thường đoản mệnh. Hỏi có cách nào hóa giải được không? Thầy nhếch mép cười nửa miệng rồi thủng thẳng đọc câu sấm: “Bao giờ ngựa đá hóa rùa / Ếch làm hoàng tử thì cua hóa rồng”. Lại hỏi nghĩa là gì? Thầy nheo mắt nhìn về phía cống Vị ở cuối làng im lặng không trả lời.

        

Sang Bắc Lưu, thầy dừng bước ngắm cảnh đồng La. Nhìn thấy một gò đất cao ngay cạnh làng có ba cây si đại thụ nằm theo thế chân kiềng, chếch về hướng đông là một cây lộc vừng lả lướt buông tấm mành dát đầy hoa đỏ li ti. Thầy bảo dựng miếu Tiên Công trên gò hướng về phía tây là đắc địa.

         

Sau này người ta đồn rằng thầy địa lý người Tàu xem đất cho cả tổng đó chính là bạn đồng môn của thầy Tả Ao xứ Nghệ nổi tiếng về trạch cát, phong thủy. Riêng câu sấm lấp lửng đầy bí hiểm của thầy vẫn được truyền tụng qua nhiều đời với những cách lý giải khác nhau. Còn những điều thầy tiên tri đều được người ta mặc nhiên thừa nhận. Làng Phong Lưu từ lâu trở nên nổi tiếng về sự giàu có. Làng Tây Lưu xuất hiện nhiều nhân tài thành đạt trên quan trường, nhưng hầu hết đều qua đời dưới độ tuổi tứ tuần.

         

Bà Đội buông tiếng thở dài, nếu như những điều vong hồn mẹ đẻ mợ Gấm được ứng nghiệm thì cháu đích tôn của bà sẽ làm nên công danh sự nghiệp, nhưng như thế sẽ khó thoát khỏi vòng nghiệp chướng tài năng đoản mệnh của làng Tây Lưu, giống như ông Đội chồng bà cũng như biết bao vị tiền nhân lỗi lạc khác. Kiếp nhân sinh là sắc sắc không không, được mất khôn lường,  không ai thay đổi được định mệnh. Bà khẽ trở mình nhắm mắt lại. Có tiếng gà gáy xao xác đầu làng. Đêm tháng chạp thường ngắn ngủi trong nỗi lo toan tất bật của một người đàn bà đa đoan nhiều bổn phận. Bà vừa chợp mắt được một lúc thì nghe có tiếng người gọi ở cửa buồng. Mợ Gấm mếu máo bảo u ơi, u sang mà xem. Cậu Mùi, à, nhà con bị làm sao ấy, trông sợ lắm!

           

Bà Đội vội choàng dậy sai đi gọi chị Vú. Bà vào buồng vợ chồng cậu Mùi thấy con giai trần như nhộng đang bò lổm ngổm trên giường, miệng khóc hu hu. Bà gặng hỏi Gấm có làm điều gì trái ý cậu không? Gấm lấm lét nhìn đôi mắt lá răm sắc lẻm của mẹ chồng ấp úng thưa, con tỉnh dậy thấy cậu như thế, con sợ quá vội chạy ra ngoài.

          

Chị Vú tới mặc quần áo cho cậu Mùi, dỗ cậu nằm xuống ngủ. Khi cậu Mùi đã ngủ ngon chị Vú bảo cậu mê ngủ thôi mà, không làm gì phải sợ. Lần sau mợ cứ dỗ cho cậu ngủ. Cậu giống như đứa bé hay làm nũng, chiều chuộng tí chút là ngoan ngoãn ngay ý mà .

         

Trước lúc mợ Gấm lên giường ngủ tiếp chị Vú ghé tai nói nho, mợ phải giúp cậu việc làm chồng, không phải e thẹn gì cả. Cứ cởi quần áo, bảo cậu nằm đè lên rồi làm như thế… như thế…

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9    10    11   12   
Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 1682
Ngày đăng: 27.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện