Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
376
116.778.740

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Tình đất tình người qua tập bút ký "Sức sống U Minh Thượng"
Tập bút ký “Sức sống U Minh Thượng” của Thanh Xuân (công tác tại Báo Kiên Giang, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang) do Nhà xuất bản Văn Nghê thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, gồm 29 bài, phần lớn viết về đề tài cách mạng. Những vật, tên đất, tên làng đều có thật, đúng như những gì chị đã chứng kiến, cảm và nghĩ. Và đã làm bật lên tình đất, tình người nơi đây.

U Minh Thượng là môt vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ và trong hòa bình xây dựng, con người U Minh Thượng đã trải qua nhiều gian lao thử thách, và đã bộc lộ sự kiên trung, bất khuất cũng như tính cách trọng nghĩa khinh tài, thật thà, thẳng thắn, vị nghĩa, vị tha... Phải có một tình yêu say đắm và tấm lòng tri ân với mảnh đất và con người nơi mình đã gắn bó, chị mới có được những trang viết chân thành và giàu cảm xúc như thế. Có thể tạm chia tập bút ký ra làm hai mảng theo thời gian, mà mốc của nó là 30-4-1975. Những bài viết về cảnh và người U Minh Thượng trước 1975 trong kháng chiến chống Mỹ, và những bài viết về cuộc sống từ sau ngày thống nhất đất nước. Mỗi trang viết đều gắn với một con người, một chiến công, một sự kiện nào đó. Đầu mỗi bài bút ký đều có một tấm ảnh minh họa, tạo được sự chú ý cho người đọc.

 

Bài “Hạt phù sa nghĩa tình” viết về sự khắc phục hậu quả cơn lũ năm 2000 của nhân dân huyện Hòn Đất, chị đã có những nhận xét tinh tế và sự rung động đẹp: “Khi lũ rút đi rồi, còn lại những hạt phù sa dẻo quạnh, mát lành lắng lại - những hạt phù sa như sự kết duyên của đất và nước để tạo nên mầm xanh sự sống cho con người. Nào chỉ có hạt phù sa lũ để tạo nên châu thổ, vun đắp cho vườn cây xanh trái ngọt, mà còn là hạt phù sa của tình người, để cho cuộc đời có những mùa vàng của yêu thương và hạnh phúc (trang 8). Hoặc ở bài “Khi đất giữ chân người” viết về một xã Vĩnh Bình trước đây, nay là xã Minh Thuận, có một xóm Bắc của đồng bào của các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Sơn Tây... vào đây lập nghiệp từ những năm 1941 - 1942, và “trong bản trường ca giữ đất U Minh hôm qua và trong bài ca xây dựng quê hương đàng hoàng to đẹp hôm nay, đều thấm đẫm mồ hôi nước mắt và cả máu của những con người mọi miền đất nước” (trang 14), là một cách nhìn rất nhân văn. Chị đã reo vui khi thấy xóm nghèo này đang thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ khi các công trình về: điện, đường, trường, trạm đang đi vào giai đoạn cuối.

 

Hầu hết ở các bài bút ký, chị đều dùng bút pháp hồi tưởng để gắn quá khứ với hiện tại, ca ngợi truyền thống của cha ông. Và xót xa, băn khoăn, đau đáu một nỗi niềm khi thấy cuộc sống đô thị thời công nghiệp đang lấn dần những gì cần phải lưu giữ. Với bài “Chuyện buồn từ ngôi nhà cổ của một danh nhân”, chị đã gióng lên một tiếng chuông: Cần phải giữ gìn, trùng tu và giải quyết mọi tranh chấp để ngôi nhà thờ tự của danh nhân Huỳnh Mẫn Đạt - nhà thơ yêu nước Nam bộ cuối thế kỷ 19, được bảo tồn đúng với ý nghĩa của nó. Hoặc ở bài “Nguyễn Trung Trực - người anh hùng tiêu biểu của tuổi trẻ Nam bộ thế kỷ 19”, Thanh Xuân đã bật lên vóc dáng cao vợi của người anh hùng một thời đã làm cho giặc Pháp bạt vía kinh hồn: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa / Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” (Huỳnh Mẫn Đạt). Truyền thống ấy là ngọn lửa thôi thúc bao thế hệ con người Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Kiên Giang nói riêng trong đấu tranh và xây dựng cuộc sống hôm nay.

 

Cái khó của người viết bút ký là phải đi, nghe, nhìn, cảm, nghĩ và viết. Văn phong phải có sự cân nhắc vừa phải giữa tính văn chương và tính báo chí. Thanh Xuân đã kết hợp khá nhuần nhuyễn phong cách ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn chương, biết nhấn những sự việc và tình tiết quan trọng bằng lối văn giản dị mà trong sáng, ít lệ thuộc vào phương ngữ Nam bộ nên tính phổ biến cao. Một số nhân vật, sự kiện, tình tiết trong tác phẩm này đã cung cấp cho người đọc những điều lý thú, như: Chị Y trong tác phẩm “Sống như Anh” của Trần Đình Vân viết về Nguyễn Văn Trỗi chính là chị Bảy Thư, tức Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa hiện nay. Chuyện về nữ sĩ Mộng Tuyết - vợ của nhà thơ Đông Hồ, chuyện chị Võ Thị Thắng (nữ chiến sĩ năm xưa, có nụ cười rất lạc quan, vượt lên mọi tra tấn của kẻ thù trong lao tù) đã về tận vùng lũ ở Vĩnh Điều, Kiên Lương để phát hàng cứu trợ cho bà con. Hoặc chuyện chữa cháy rừng U Minh, chuyện thầy trò Trường Lý Tự Trọng khu Tây Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ, chuyện người anh hùng vỡ đất Tám Quang... Tất cả đều được chị sắp đặt, tỉa tót có lớp có lang, khi cần có thể viết thành một truyện ngắn hấp dẫn. Chất liệu về con người, cuộc sống trong mỗi bài ký ấy phong phú, chứng tỏ Thanh Xuân rất chịu khó đi, ghi chép và suy nghĩ để thể hiện nó thành tác phẩm.

LÊ XUÂN - Baocantho
Tin tức khác