Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
428
116.763.705
 
Người mua danh dự
Đào Phạm Thùy Trang

Ba tôi đi trên xã về, bật tó xe ngồi bệt xuống thềm ấm ức:

- Đù ngựa, tao chán cái cảnh này lắm rồi! Phải biết cái oai thư ký chủ tịch xã to như vậy, hồi đó tao cho tụi thằng Tuân, thằng Tuấn đi học Đại Học… ừ mà Đại học gì về làm thư ký chủ tịch xã ấy. Chứ không như bây giờ con làm kỹ sư,  bác sĩ mà cha bị người ta xem như cỏ rác! Đù ngựa, cái thằng thư ký đó, tao đẻ đuợc mấy đứa như nó mà nó dám kêu ông già ngoài sáu chục như tao bằng tên hỏi có tức không? Đực, ê Đực, Trần văn Đực… Cán bộ cán bè gì mà…

 

Tôi can ba “tai vách mạch vừng”, không khéo mang hoạ vào thân. Ba bỏ ra vườn mà coi bộ còn bực tức dữ lắm. Tội nghiệp ba tôi, ồn ào vậy mà nhát hít, mới “hù” có một câu là im re liền. Chắc ba giận nên nói vậy thôi, chứ người ta  đường đường là thư ký chủ tịch xã ai lại ăn nói kỳ cục vậy. Ba bảo: “Bây không tin thì đi họp thay tao một lần sẽ biết!” Đi thì đi chứ, nhưng hiềm nỗi thư mời đâu có ghi tên tôi, giấy tờ chỉ gọi ông Trần Văn Đực lên làm việc thôi mà.

 

Ba tôi là nông dân nhưng tư tưởng rất thoáng, ông thà “Hy sinh đời bố củng cố đời con” chứ không để cho chị em tôi cực nhọc. Ba từng nói: “Đời ba đói nghèo, bị trăm ngàn sĩ nhục vì thiếu chữ, đời các con phải nhờ cái chữ để vươn lên. Lo chết thân ba cũng không sao nhưng các con không ai được nãn chí”. Nhờ tâm niệm đó mà ngoài việc ăn và học, từ bé đến giờ chị em tôi không làm gì cả, phải ba mẹ có một hai đứa con đâu, những bốn tên, nheo nhóc như là trứng vịt, trứng gà, trứng cút ngày ngày được ấp ủ trong vòng tay yêu thương. Hai thằng em chí cao hơn nên trở thành kỹ sư, bác sĩ, tôi đầu óc làng nhàng nên chỉ là cô giáo trường làng, một công việc để sống như trăm ngàn công vịêc khác. Nhỏ em út nối bước hai anh và đang mài đũng quần trên ghế giảng đường. Chị em tôi tương lai sáng lạn chỉ có tay ba khô cứng bởi cuốc cày. Hai thằng em mua chiếc di động, “Để có trò chuyện với ba khi hai ba tháng con bận việc không về”, nhưng khi chúng hướng dẫn thực hành thì… ba cứ quên tới quên lui “Thôi dẹp! Di động di điếc gì mà rắc rối quá ! Nhớ tao về thăm, không thì thôi !”. Ba ném chiếc điện thoại lên bàn nghe cái “cộp”, thôi rồi, đi đứt cả hai triệu đồng, tôi tiếc hùi hụi.  “Ba không tân tiến gì hết” Hai thằng em làu bàu. “Tao không tân tiến chắc tụi bây tới giờ còn hôi mùi phân trâu chứ không thơm nức mùi văn phòng như vầy đâu con!” ba bảo.

 

Mà dạo này ba mẹ tôi cứ sáng sáng lên Uỷ ban “làm việc”, chiều chiều lại tới ngân hàng “làm việc” khiến ông bà không còn thời gian đâu lo chuyện nhà. Sự vụ có lớn lao gì cho cam. Bốn năm trước, gia đình tôi có vay tín chấp  từ quỹ Xoá đói giảm nghèo, rồi vì cần thêm tiền mở rộng sản xuất nên ba lấy “giấy đỏ” vay thế chấp. Nhưng ngân hàng nói, không thể cùng một lúc vay hai nguồn vốn, phải trả bên nguồn tín chấp mới có thể vay thế chấp. Vậy thì trả, nhưng ba không lấy một biên lai, biên  nhận nào, chỉ “đưa ngang” cho tay “Tổ phó tổ vay vốn” mà từ trước tới giờ tháng tháng hay tới nhà thu tiền lãi.

Bốn năm sau… đùng một cái ngân hàng Chính sách xã hội gởi giấy đòi… nợ! Ba chưng hửng. Giấy tờ sổ sách còn kia, làm sao chối cãi? Tên chủ hộ vay và người thừa kế đều là ba mẹ… nhưng chỗ chữ ký của chủ hộ vay là bị bút xoá xoá đi và ký chồng lên đấy. Màu giấy vàng đối lập với màu mực trắng mới tinh trông rất chướng. Và hàng tháng vẫn có người trả lãi đầy đủ dù ba không biết gì.

Tôi hỏi thăm vài đứa bạn ngoài ngành về điều kiện vay tín chấp, chúng bảo lương giáo viên bây giờ khá lắm rồi, còn muốn làm “nghề tay trái” sao? À… mà nghe đâu thằng Khôi bạn thời trung học của tụi mình bây giờ là Phó giám đốc Ngân hàng chính sách đấy!

 

Nếu thật là Khôi như lời các bạn nói thì tôi rất mừng, vì ngày xưa chúng tôi có một tình bạn khá tốt, tôi còn là học trò cưng của cô Mai Hương – mẹ Khôi.

 

*

…Những năm cấp III tôi và Khôi là bạn học. Khôi con cô giáo dạy văn nhưng lại học giỏi toán, tôi lại học “ẹ” toán nhưng rất yêu văn, cứ hay đến nhà Khôi mượn sách, truyện để đọc. Gặp tôi Khôi cứ trêu “ Mày đọc sách cho dữ mà học dở toán, làm bài cứ “cặp dê” tao hoài, tao nói mẹ tao không cho mày mượn sách nữa”. “Nhưng tao học giỏi văn, mày không chép mấy bài tập làm văn của tao đó sao?” Tôi cũng không vừa. “Vậy… bài ai nấy làm, mẹ tao dạy tao học giỏi văn, coi ai dạy mày học giỏi toán cho biết!” Khôi nói như “hù” nhưng không phải ai muốn giỏi văn cũng đều giỏi được, dù cô Mai Liên có là giáo viên dạy giỏi văn cấp tỉnh. 

 

… Năm mười hai lướt qua như một cái chớp mi. Môn Toán của tôi “nâng cao lên một bậc” là luôn được điểm trung bình (chắc nhờ giận Khôi dạo đó nên ráng học).

 

Chúng tôi cũng không có thời gian hờn giận nhau lâu khi phượng đã giương hàng trăm ngàn đôi mắt đỏ hoe trên tán lá. Rời trung học, bạn bè mỗi đứa đi mỗi nơi, tôi không biết Khôi học trường nào, ngành gì vì gia đình cô Mai Hương cũng không còn ở chổ cũ. Thoắt cái đã tám năm.

 

*

Để tiền nhà nước không bị thất thoát và cũng giữ uy tín cho mình, Khôi lần lượt tìm ra người nhận tiền của ba tôi hồi bốn năm về trước và mời gia đình tôi đến ký nhận.

 

Máy lạnh rè rè chạy, quạt  vù vù xoay, Khôi ngồi đó, trên chiếc bàn có tấm bảng kẻ to đùng dòng chữ “Phó Giám Đốc”. Ao sơ mi cà vạt ngay ngắn và đường bệ, sau gần nửa giờ đồng hồ cha con tôi chào Khôi mới hắng giọng:

- Chú Đực à, tụi cháu đã “kín đáo” làm việc với nhau rồi… đây này, người nhận tiền của chú đã hoàn trả lại, chú ký nhận vô biên lai này là xong!

 

Thế là hơn ba tháng  sống cảnh hồi hộp lo âu và những dị nghị của xóm làng đã kết thúc, nét mừng rỡ hiện lên mắt ba tôi rất hồ hởi, ông “cảm ơn cán bộ” thật to rồi chụp cây bút định “trảm” nhưng tôi ngăn lại: “Khoan đã ba” rồi quay sang Khôi:

- Khôi ạ, tôi muốn hỏi một việc…

- Đề nghị chị gọi tôi là Phó Giám Đốc! Khôi dõng dạc

- Vâng, thưa Phó giám đốc – tôi đánh ực cả tình bạn vào lòng, thế là đã chấm dứt kể từ đây – tôi muốn hỏi rằng, tiền, ba tôi đã trả từ bốn năm trước, nhưng không tới tay ngân hàng được là do khâu làm việc của mấy ông, bây giờ nếu ba tôi ký vào biên lai này, Phó giám đốc phải có một văn bản kèm theo…

- Văn bản? Văn bản gì? Sao chúng tôi hay bị làm phiền bởi những người hiểu ít nhưng rườm rà nhiều như anh chị quá?! (Trời đất, tôi với ba tôi mà Khôi gọi là anh, chị) Chúng tôi còn chưa “thưa” lại gia đình chị chuyện thắc mắc tào lao lên mặt báo làm ảnh hưởng đến uy tín cán bộ nhà nước như chúng tôi nữa thì may lắm rồi. Chị có biết danh dự những người như chúng tôi to lớn lắm không?

 

Tôi hơi buồn cười nhưng vẫn đáp:

- Có chứ, thưa Phó giám đốc, nhưng chẳng lẽ chỉ có cán bộ các ông mới có danh dự còn người dân như chúng tôi thì không?

- Chị… chị lý luận nhiều quá! Biên lai đây có ký hay không thì tuỳ gia đình chị, còn biên bản kèm theo như yêu cầu tôi đã cho đánh máy sẳn rồi. Chị đọc đi, đồng ý thì ký tên vào, nhưng khi mọi việc xong xuôi… Nhiên ạ, mình muốn nhờ Nhiên – tự dưng Khôi đổi cách xưng hô – hãy giúp mình đính chính lên thông tin đại chúng. Vì… vì Nhiên biết đó, lỗi này không phải của mình mà…

- … Mà của cấp dưới Phó giám đốc đấy thôi. Tôi chua chát.

- Mình biết, nhưng bây giờ chỉ có Nhiên mới giúp mình lấy lại danh dự, Nhiên biết không, sau vụ này chiếc ghế Phó giám đốc của mình cũng lung lay… Bạn bè mà, giúp nhau không hết, ai lại hại nhau phải không Nhiên?

- Phó giám đốc hãy gửi văn bản trả lời nội vụ về những thắc mắc mà gia đình tôi đã nêu trên báo, ở đó người ta sẽ có bổn phận trả lời cho Phó giám đốc. Tôi đáp

- Mình làm được thì đâu dám phiền Nhiên… Thôi, bạn nói chú ký vào biên lai đi, mình hứa không để gia đình bạn thiệt thòi, Nhiên cho mình một cái hẹn vào chiều mốt nhé?!

 

Ba tôi như trẻ ra hàng chục tuổi, hí hửng cầm tờ biên lai đã được đóng dấu đỏ chót “Đã trả nợ” và văn bản kèm theo ra về, trên môi điệu nhạc sáo hân hoan vui vẻ lắm.

Tôi vốn đa cảm và hay dễ bị thuyết phục bởi những lý lẽ chân tình (?). nên định viết một bài cho Khôi, đại loại là Ngân hàng và hộ ông Trần Văn Đực đều là nạn nhân của vụ việc. Nhưng việc trường, việc lớp, việc gia đình cứ cuốn tôi đi, luôn cả cái hẹn với “Ngài Phó giám đốc” tôi cũng không còn nhớ. Mãi khi điện thoại reo và tôi cũng đang ở gần đó, thôi thì cứ đến thử xem…

Xoay ly trà Lipton trên tay, Khôi nhỏ nhẹ:

- Sao bạn, đã giúp mình chưa? Thiệt tình đám em út làm cánh “sếp” như mình đến khổ. Đây này… mình gửi bạn cái thư, trong đây là tâm tư nguyện vọng của mình, mong bạn cho đôi dòng  “châu phê” mà làm bài báo đình chính!

- Khôi nói trật rồi, gia đình tôi đâu có sai mà đính chính? Tôi nghêm mặt.

- Ừ, thì gia đình bạn không sai, chỉ có tụi tôi không đúng, nhưng mong bạn hiểu cho, danh dự quan trọng lắm. Thư của tôi đây… bạn xem qua rồi giúp giùm… tôi bận quá…

Khôi gật đầu chào và bước đi, lất khấc, xốc nổi chứ không còn vẻ từ tốn đường bệ của hôm nào. Tôi hờ hửng cầm chiếc phong bì dán kín, nhẹ tênh.

 

“ Danh dự con người lớn lắm Nhiên ạ, nhất là một Phó giám đốc như mình, từ hồi học chung Nhiên đã biết mình rất dốt văn nên bây giờ không biết nói sao hết nỗi lòng… Thôi thì xin gởi bạn những con số, với tài của bạn chắc sự chuyển đổi không có gì là khó khăn… Mình chỉ mong một bài đính chính ngăn ngắn… chỉ vậy thôi và tất nhiên mười triệu đồng thuộc về bạn. Mình đã mở cho bạn một tài khoản ở Ngân hàng…” và một chiếc thẻ ATM rơi ra

 

Mười triệu? Tôi đã quá dễ dàng để có số tiền ấy? Hoá ra danh dự của Khôi chỉ đáng giá ngần ấy? Còn danh dự của ba tôi, với những xì xào của bà con hàng xóm: “Thằng cha coi thật thà vậy mà ăn gian nhà nước há?”. “Ừ, không biết bao giờ đi tù đây?”. “ Người đoản hậu như vậy, sao con cháu có phúc mà hưởng hả trời?”. Ai sẽ trả lại cho ba tôi những tủi nhục này?. Con người ai cũng có danh dự, danh dự từ lối đối nhân xử thế mà ra, chứ không phải từ bất cứ điều gì khác. Tôi không thể giúp Khôi mua danh dự khi chính bản thân anh ta không cần nó. Mười triệu ư? Ít lắm, tôi ấn điện thoại cho Khôi trong trạng thái rất nhẹ nhàng.

 

06 –08/06
Đào Phạm Thùy Trang
Số lần đọc: 2652
Ngày đăng: 09.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thần sông - Bích Ngân
Ngọn Đèn Tỏ Mãi - Nguyễn Nguyên An
Chuyện tình mùa đông hay Anh không thể xa em - Lê Anh Hoài
Người thầy của em. - Đặng Thân
Ngậm ngùi gió cát - Hà Khánh Phuong
Giai điệu - Hồ Tĩnh Tâm
Thằng Tài đậu đại học - Bích Ngân
Anh Rễ - Đào Phạm Thùy Trang
Tình Dỏm Làm Sao Quên - Đoàn Thạch Biền
Sông xưa - Nguyễn Một *