Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
824
116.681.531
 
Sách đọc vài quyển trong mùa đại dịch
Nguyễn Vy Khanh

 

 

 

Cuộc sống con người có vui có buồn, có thời nhập thế có lúc ẩn mình và đời thường có thể định nghĩa là một chuỗi các hành động, cử chỉ lập đi làm lại của một sinh hoạt có thể là việc làm hoặc thói quen, thú vui. Con vi-khuẩn Covid-19 đã bất ngờ đến và phá hủy nhịp sống, dòng chảy bình thường, tứ tại, vô tư đó! Hôm trước hôm sau đã khác và không một viễn tượng khả thể trong tầm nhìn và sức lực của con người. Bị “vỡ mặt”, con người choáng váng không còn nhìn thấy mọi sự và tình huống như trước. Tình huống do con người “văn minh” gây ra hay do thiên nhiên phản ứng lại những “khôn hơn người” của một số người và quốc gia? “Tội ác” này là do ai và do đâu? - tất cả phải rơi vào hồ sơ “hậu xét”, nhưng hậu quả và thiệt hại đã, đang và sẽ gia tăng một cách khủng khiếp, tàn bạo, ngoài tầm mức tưởng tượng của con người. Thật vậy, con người – từ kẻ yếu đuối, thấp hèn nhất cho đến lãnh tụ, tỷ phú, từ kẻ vô danh đến kẻ danh vọng đếm không hết, từ trẻ nhỏ đến người già trăm tuổi, không ngoại lệ, tất cả đều (tương đối hoặc hoàn toàn) bị động, bất lực, không được hành động, sinh hoạt như ý muốn và như trước. Phải “cấm cung” tại nhà hoặc nơi cách ly, phải đeo khẩu trang, phải giữ khoảng cách với tha nhân – tha nhân trở thành “địa ngục” thật, nếu ... chẳng may, “tới số”! “Cấm cung”, ta còn “lối thoát” nhưng phải qua các hệ thống tin-học Zoom, Face Time, v.v. - “hiện sinh”, ứng xử và liên hệ gia đình, xã hội, cộng đồng nói chung nay phải qua trung gian, gián cách với người sống và cả với người chết trong mùa đại dịch. Có người đã bị khủng hoảng tâm lý khi “bị nhốt”, không liên lạc được với bên ngoài hay người khác, bị hoang tưởng hoặc hành xử khác đồng loại. Rồi những cái chết bất chợt đến thật nhanh và hàng loạt không nguyên do hiểu ngay được - những người chết vô tội, vô can!

Trong “mùa đại dịch” này, một thứ “mùa” không thời hạn cuối, chúng tôi may mắn nhận được một vài sách báo mà trong bài này tôi ghi lại vài cảm nhận.

 

Ghi Nhận 2020, cảm xúc của 30 tác giả, do Nguyễn Minh Nữu và Đoàn Văn Khánh biên tập và thực hiện, tranh bìa của Trương Vũ, nhà Nhân Ảnh ở Hoa-Kỳ xuất bản và amazon phát hành khắp toàn cầu cũng như ở Việt-Nam vào tháng 10-2020.

Ghi Nhận 2020 như “bức tranh tâm thức” với 30 mảnh ghép, với những Phụ bản tranh của Đinh Trường Chinh, Trương Vũ, Duyên, Lê Triều Điển và Nguyễn Minh Nữu. Trong Lời Mở, ban biên tập giới thiệu Ghi Nhận 2020: “Khởi đầu tuyển tập Ghi Nhận 2020 này này chỉ là nỗi thèm khát được nhìn thấy nhau. Nay thì mỗi người trong một góc riêng, tự phong tỏa mình và đối diện với im lặng, thanh vắng, cách ly với cuộc sống bên ngoài. Khi bị cách ly hay tự cách ly với xã hội, mỗi người trở thành một ốc đảo riêng tư và vô cùng tịch mịch. Chúng ta vẫn phải ăn, vẫn phải thở nhưng dường như rơi vào nhàm chán với chính mình. Mọi chia sẻ dù vui hay buồn đều như đối diện với bốn bức vách (...) Đại dịch xảy ra đem tới những hậu quả thảm khốc cho nhân loại, từ Đậu Mùa, Dịch Tả, Dịch Hạch. Mỗi đợt dịch số lượng người chết có khi lên tới nửa triệu người, nhưng chưa có đại dịch vào có số lây lan rộng khắp như đợt dịch Corona này. Chúng ta đang sống và thèm khát được ghi nhận lại những điều mắt thấy tai nghe.

 

Đồng hành với Ghi Nhận 2020 này là 30 người cầm bút sống trên nhiều châu lục, nhiều thành phố và quốc gia khác nhau. Chỉ giống nhau là muốn ghi xuống bằng Thơ, bằng Văn bằng Nhạc bằng Họa để chia sẻ cảm xúc của mình với mọi người. Thảm họa dù do Con Người, dù do Thiên Nhiên rồi cũng sẽ phải chấm dứt, nhưng bi thương chắc chắn sẽ còn lưu lại trong trái tim rướm máu mỗi người (...) Thực lòng cầu mong khi cuốn sách này đến tay các bạn thì những thảm họa đã trở thành ký ức. Một ký ức dẫu đau buồn cách mấy thì cũng là dĩ vãng. Mãi mãi còn đây vẫn là Ghi Nhận năm 2020 của nhiều người. Ở nơi này ... ” (tr. 8, 9).

Viết và sáng tạo ở đây đã như là một cách (tự) ứng phó, một đối mặt với đời, với con vi-khuẩn tàn bạo không tên – dù các nhà chức trách đặt tên là Covid-19, Corona, Cô Vi hay Virus Vũ Hán. “Bức tranh tâm thức” Ghi Nhận 2020 cũng có thể xem như là một “chiếc cầu cảm thông” nặng về cảm-xúc nguyên sơ hơn là tư-duy sâu xa. Thảm họa đại dịch chính là nguồn gốc dẫn đến sầu muộn, khổ đau và cả giận dữ - nếu không có khổ đau thì làm sao có cảm xúc để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, đi tìm ý nghĩa? Ở đây không còn là những “cảm hứng vô thức”, siêu thực, thuần khiết sáng tạo mà là một “xuống đường”, biểu dương không thể bỏ qua. Và nay cũng là thời hết coi trọng các giá trị đạo đức, văn hóa khiến có những thủ đoạn chính trị tinh vi gây phản ứng cảm xúc trong khi thảm họa vi khuẩn vẫn chưa trị được. (X. Thảm Kịch của Trương Vũ).

Ở Hoa-Kỳ, nhà thơ Nguyễn Minh Nữu “Chuyện trò trên mạng” cùng bạn hữu ở quê nhà:

Sài Gòn xa, mà sao gần quá đỗi.

Như nắng chói ban ngày, như bóng tối ban đêm

Như ngón tay khô lùa tóc trong đêm

Và như cả mùi hoa bên thềm vọng lại.

Sài Gòn xa, mà sao gần quá đỗi

Bởi trái tim người có một lối đi riêng.

Ta nhìn thấy nhau chia sẻ nỗi oan khiên.

Chỉ có thế. Những đường biên giới ảo

Hãy tự giữ gìn và cõi riêng cô tịch

Chỉ có một mình và ký ức xôn sao” (Ở Nhà Mùa Dịch, tr. 160).

Nguyễn Minh Nữu còn kể chuyện gặp nhân vật Chơn Nhã và nghiệm ra “những điều khai thị giữa mùa dịch bệnh” đó là “Chấp nhận nghịch cảnh, dưỡng tâm an lạc và quản Thân bất tịnh, quán Thọ thị khổ, quán Tâm vô thường, quán Pháp vô ngã...” (Sư Ông Chùa Núi, tr. 178).

Phạm Thành Châu viết về những “ám ảnh trong đầu”. Lãm Thúy ghi lại “Một năm tồi tệ” cho cả thế giới và hơn bao giờ hết, nhìn thấy sự phù du của vật chất và mong manh của kiếp con người. Trương Vũ nói đến kinh nghiệm vẽ qua trí nhớ trong tình trạng cách ly của đại dịch Cô Vy.

Minh Ngọc viết về “nỗi cô đơn của đá”, của người bác sĩ, trước những bất hạnh của người thân khi bệnh nhân ra đi. Trần Thị Nguyệt Mai viết về những gì xảy ra ở các cơ sở y tế và những tấm lòng hào hiệp của người với người: “Cuộc đời này vẫn còn đẹp với những sự hy sinh, lòng nhân ái, sự biết ơn... Coronavirus có thể lây nhiễm và giết chết con người. Nhưng mãi mãi nó không thể đụng tới những phẩm chất đáng quý này. Có phải vậy không?” (tr. 139).

 

Ở quê nhà Việt Nam, đỡ hơn ở ngoài nước về sự tàn bạo lây lan và giết người của con virus, các ông bà văn nghệ nếu không gặp gỡ như thường xuyên được thì cũng “uống cà phê trực tuyến” hoặc ra mắt sách bỏ túi. Hoàng Kim Oanh, Đoàn Văn Khánh, Lương Minh, ... đã ghi nhận những khuôn mặt văn nghệ đã bỏ cuộc chơi chữ nghĩa trong năm nay cùng những mong đợi và hy vọng. Dịch Vũ Hán bùng phát trở lại một cách bất ngờ ở Đà Nẵng gây sợ hãi, Trần Thị Trúc Hạ vào Sài Gòn lúc đó đã cay nước mắt cảm nhận sự xua đuổi, từ chối: “người Đà Nẵng bây giờ sao giống như người Vũ Hán, đi đến đâu ai cũng sợ lây nhiễm vi rút” (tr. 77).

Thái Kim Lan tìm đến Phật từ bi tìm an ủi và lối thoát: “Corona là một cú sốc cực mạnh đánh thức con người, buộc con người nhìn lại, sửa đổi, chỉnh đốn cách sống để vượt qua cơn hiểm nguy tử vong”. Vì cả nhân loại đang phải trãi qua một thứ “thời khắc mong manh của chờ và nhớ, đậm đặc hơn bao giờ” (tr. 109, 114).

 

Nguyễn Thành trong Tản Mạn Năm 2020, Covid-19 khiến anh suy nghĩ: “Tôi lại nghĩ đến hai chữ “Vô thường” và ý nghĩa của “sinh, trụ, dị, diệt”, thấy mạng sống của con người mong manh quá. Chết là hết, sống thì bơi trong “bể khổ trầm luân” đủ thứ tai họa. Xưa đi học, thầy cô giảng bài về nạn nhân mãn, con người sinh sôi ngày càng đông, rồi sẽ hết đất, hết thức ăn... nên có người sinh ra thì có người chết đi, nhưng vẫn chưa cân bằng, chỉ có thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh lấy đi mạng sống con người nhanh nhất, nhưng tàn nhẫn quá, đau khổ quá”. Năng động làm văn học ở Sài Gòn như anh, không thể không “thèm những buổi gặp nhau tay bắt mặt mừng như người thân lâu ngày chưa gặp”, và anh hy vọng: “Ngày mai, rồi mọi chuyện sẽ qua, nhưng một ký ức thương đau sẽ theo ta đến hết đời. Trong mỗi khoảnh khắc tôi cảm thấy quí và trân trọng hơn những tình cảm chung quanh mình khi nhìn thấy rõ rệt sự vô thường trong tâm thức, cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì khi không có tình yêu” (tr. 221, 223).

Họa sĩ Lê Triều Điển cho biết: “Vẽ là để giải tỏa những ưu tư của con người đối với cuộc sống, để chữ lành những vết thương trong tâm hồn (...) Màu sắc đường nét thể hiện những xúc cảm trong tâm thức của con người đối với sự sống, đó là sự chuyển động bắt đầu và kết thúc của nỗi buồn lo, niềm hy vọng trong mùa dịch với bao biến đổi của thế giới và của loài người với tâm thế bình an và cẩn trọng...” (tr. 67).  

Trong Ghi Nhận 2020 có những so sánh những cảm xúc gây nên bởi đại họa Covid-19 với tâm trạng bồn chồn, lo âu sau thảm kịch 30-4-1975 ở miền Nam. Ở đây dĩ nhiên không có câu trả lời thuần lý, khoa học, nhưng thấp thoáng nhiều hy vọng và cảm xúc, tình cảm thì luôn vẫn bao la không bờ bến, giới hạn!

*


Trước đó, vào tháng 6, nhà văn Trần Hoài Thư cùng văn hữu đã phát hành Thư Quán Bản Thảo số đặc biệt 89 “Thơ văn mùa đại dịch” trước khi anh bị đột quỵ. Ngoài phần thơ văn của nhiều tác giả trong và ngoài nước là những biên khảo, nhận định văn học như “Dịch bệnh và văn chương” của anh Trần Hoài Thư, và các tác giả khác, viết về “Chiêu Hồn Ca” hay còn gọi là “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du (“năm 1820, thi hào Nguyễn Du bị dịch bệnh gọi, nay biết bao người cũng bị Covi-19 tìm đến và vĩnh viễn ra đi”), truyện ngắn “Sau trận dịch hạch” của Dương Nghiễm Mậu đăng tạp chí Văn Nghệ tháng 8-1961, Nuôi Sẹo của Triều Sơn thời 1954, La Peste của Camus, Les Mouches của Jean-Paul Sartre và bài thơ “Mùa Hạn” của Tô Thùy Yên được tác giả làm vào năm 1979 tại trại “cải tạo” vùng Nghệ Tĩnh. Truyện, ký đặc biệt của Hà Thúc Sinh, Khuất Đẩu, Phạm Văn Nhàn, ... và kết thúc với phần “Hỏi ý kiến của bằng hữu” về đại dịch Covid-19. Thư Quán Bản Thảo số 89 phần biên khảo, nhận định văn học chiếm nhiều trang nhưng thật đặc sắc - như những số tạp chí trước nay, công sức đóng góp của anh Trần Hoài Thư đối với văn học Việt Nam.

Hy vọng thế giới sẽ hồi sinh, nhân loại sẽ được chữa lành và an vui trở lại như trước đại dịch Covid-19.

*

 

Mùa đại dịch kéo dài, cách ly và hạn chế đi lại, đành phải chờ và nhớ, thì tại sao không thả trí tưởng đến những nơi thiên nhiên đầm ấm, cảnh trí vui vẻ như tiểu bang Florida được xem là Tiểu Bang Nắng Nóng (The Sunshine State). Tiểu Bang Florida là quyển thứ 8 thuộc bộ sách "Nước Mỹ nơi tôi đang sống" của GS Lê Thanh Hoàng Dân. Sách dày 438 trang, đã phát hành và có bán trên website Amazon và BookBaby. Trong Lời Nói Đầu, tác giả cho biết: “ Sống 45 năm ở Mỹ, trước khi vĩnh viễn ra đi, tôi muốn để lại một cái gì, để ghi nhận sự có mặt của chúng tôi trên đất nước này. Đây là lời cảm tạ nồng nàn nhất của chúng tôi đối với đất nước đã cưu mang gần 2 triệu người như tôi, bỏ nước ra đi tìm Tự Do, và cuộc đời mới. Đây không phải là sách chánh trị, phe phái, chưởi bới, hận thù. Vượt lên trên chánh trị, theo Trump hay chống Trump, bộ sách này là kết quả của 17 năm hưu trí, vợ chồng tôi du lịch khắp nước Mỹ, tìm hiểu và nắm bắt cái hồn của nước này, danh lam thắng cảnh, con người và văn hóa nước này.

 (...) Hai năm trước, khi tôi xuất bản sách “42 năm sống ở Mỹ: Được gì, Mất gì?”, tôi không nghĩ sẽ xuất bản bộ sách 9 quyển "Nước Mỹ nơi tôi đang sống". Lúc đó tôi 80 tuổi, đã bán nhà ở New York về Orlando hưu trí, yên phận sống những ngày cuối đời ở đây, chuẩn bị ra đi vĩnh viễn. Sự thành công bất ngờ của sách thúc đẩy tôi tìm kiếm, lục lọi lại những Notes (Ghi Chú) tôi đã viết đâu đó suốt 17 năm hưu trí, sắp xếp và viết lại những ghi chú này. Kết quả là 8 quyển trong số 9 quyển của bộ sách sắp hoàn tất...".

Tiểu Bang Florida gồm 7 phần và gồm 54 chương, GS Lê Thanh Hoàng Dân trình bày khá đầy đủ và hợp lý theo vùng miền và các thành phố, thị trấn, công viên thú hoang dã cũng như công viên giải trí và các sinh hoạt đặc biệt theo mùa của mỗi vùng, miền, từ các đô thị, thắng cảnh đến các bãi biển, di tích lịch sử.

 

Phần đầu ông viết về Orlando - “Thủ đô Công viên Giải trí Thế giới” và là thành phố của những người trái tim không già (“The Young at Heart”), nơi có phố Sài Gòn Nhỏ tại khu “Mills 50 District” và cũng là nơi tác giả đang sống những ngày hưu trí sau nhiều năm hội nhập làm lại cuộc đời tại thành phố New York từ sau biến số 30-4-1975. Orlando đón hàng triệu du khách mỗi năm, mùa Hè cũng như mùa Đông, nhộn nhịp vui chơi Magic Kingdom, Disney’s Animal Kingdom, Sea World Orlando cũng như thăm Công Viên Giải Trí Epcot, phim trường Universal hoặc Hollywood của Disney.

 

Sau đó, ông đưa người đọc đến vùng bờ biển Đại Tây Dương, bờ Vịnh Mexico, vùng Nam Florida xuống tới vùng Key West thuộc cực Nam của Hoa-Kỳ. Các thành phố, địa danh nổi danh được ông ghi nhận chi tiết và nhấn mạnh những nơi chốn, di tích đáng thăm viếng, như St. Augustine thành phố cổ được xây từ năm 1565, Little Havana của người Cuba trong lòng thành phố Miami, Tòa Bạch Ốc Nhỏ và nhà của các nhà văn Ernest Hemingway, Tennesse Williams ở Key West – nơi từng tự tuyên bố độc lập với danh nghĩa “Conch Republic” (Cộng Hòa Ốc Xà Cừ), Ft Lauderdale được gọi là “Venice của Hoa-Kỳ” với hệ thống kênh đào chằng chịt, Khu Đầm Lầy The Everglades và “Con Đường Cá Sấu” nối liền Đông-Tây miền Nam Florida, hay thành phố St Petersburg và bãi biển Clearwater nơi kỷ lục về ngày nắng hàng năm là 361 ngày và có khi kéo dài liên tiếp 768 ngày. Ông cũng không quên hướng dẫn đi thăm những khu phố nơi có cộng đồng người Việt ở Miami, Orlando, Naples, St. Petersburg, Orlando với những Hội chợ Tết VN, Tampa với những quán ăn thuần Việt,...

 

Florida là tiểu bang khá đặc biệt, dân số khoảng 20 triệu người nhưng khi đông du khách có thể lên đến trên 62 triệu người - trước đại dịch; đặc biệt mùa Đông khí hậu nhiệt đới ấm áp, đón những snowbirds (chim trốn tuyết) từ Canada và các vùng Đông Bắc Hoa-Kỳ muốn xa cái lạnh của mùa Đông. Chúng tôi từng du lịch nhiều nơi ở Florida và từng cư trú nhiều tháng năm ở Marco Island và Naples, quyển sách của GS Lê Thanh Hoàng Dân đã cho chúng tôi thêm nhiều khám phá mới. Mong sau đại dịch Covid-19 sẽ có cơ hội ngao du trở lại vùng đất thân quen này.

 

28-11-2020

Ngôn Ngữ số 11, ngày 1-1-2021

 

Nguyễn Vy Khanh
Số lần đọc: 1041
Ngày đăng: 29.12.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Nghê chỉ là linh vật hài hước - Hoàng Xuân Hoạ
Huế - quê hương đi để mà nhớ … - Bùi Hoàng Linh
Dịch và giới thiệu: Thơ và tranh của tác giả Đỗ Quý Dân - Đỗ Quý Dân
“Bước chậm bên dòng Hương Giang” Nghe và nhìn thấy… - Võ Quê
“Văn Học Miền Nam 1954-1975” - Nguyễn Vy Khanh
Lục Bát Huy Tưởng - Nguyễn Vy Khanh
Nhà sử học Trần Huy Liệu trong tôi - Nguyễn Anh Tuấn
Phồn sinh - Nguyễn Linh Khiếu
Nhà văn nữ - nhìn từ tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới trong phê bình văn học miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Sonnet 97 Shakespeare (Kể Như Đông Đã Về) - Thái Huy Long
Cùng một tác giả
Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)
Thơ Hôm Nay (phê bình)
Lục Bát Huy Tưởng (nghệ thuật)