Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
565
116.797.081
 
Về một vùng quê
Nguyễn Tiến Nên

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   

      Con đường đất đỏ uốn lượn trên trảng cát ra tận bãi biển tăng thêm oi nồng của cái nắng cuối thu. Chúng tôi rủ nhau làm chuyến đi thực tế, tìm hiểu cuộc sống của người dân các xã bãi ngang sau “sự cố môi trường biển”, sự việc mà mọi người thường nói là “thảm họa môi trường tồi tệ nhất ở bốn tỉnh miền Trung từ trước đến nay”. Thôn 19-5, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi dừng chân khá lâu, bởi theo dự kiến thì đây là điểm cuối của hành trình. Biển 19-5, những gợn sóng lăn tăn, ì oạp vuốt ve bờ cát mịn. Những con thuyền cái úp, cái ngửa, chúi mũi vào dãy phi lao tìm nơi… trú nắng. Các quán giải khát, nhà hàng phục vụ du khách bên bờ biển 19-5 cũng thế, im ắng, đìu hiu một cách thê thảm… Gần như “dân bản địa” của xứ này, tôi sục ngay vào làng và không khí thân tình đã phần nào giúp tôi “hạ nhiệt”. Còn nhớ, cách đây chừng 35 năm, cánh lính biển chúng tôi đã đến nơi này “mượn” đất nông nghiệp của địa phương để tăng gia, tự túc lương thực, giảm bớt khó khăn cho Nhà nước…

 

      Ngày đó, mặc dù tiếng súng đã im nhưng mặt trận Tây Nam và biên giới phía Bắc còn khá nóng bỏng. Cùng với đoàn viên thanh niên trong cả nước, hàng năm nhiều cán bộ, công nhân viên chức trong độ tuổi ở các cơ quan, xý nghiệp vẫn tiếp tục lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nền kinh tế sau chiến tranh vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn, nhất là khâu lương thực và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Quảng Bình cũng như cả nước, trước nhất phải ưu tiên tìm cách tháo gỡ “cái ăn” và nguyên nhiên vật liệu. Cơ quan tôi - Tiền thân là Tập đoàn Đánh cá Sông Gianh - Một xý nghiệp quốc doanh trực tiếp trên một ngành kinh tế chủ lực - Đánh cá biển. Mặc dù có tới 18 tàu giã đôi loại 135CV, hầu hết được đóng mới từ Nhà máy Đóng tàu Hạ Long (Hải Phòng) và Nhà máy X200 (Quảng Bình). Ngoài ra còn có 6 tàu 90CV bị đắm tại Quảng Sơn (Quảng Trạch), Mai Hóa, Văn Hóa (Tuyên Hóa), Rào Trù (Trường Sơn - Quảng Ninh) do máy bay Mỹ ném bom đánh phá năm 1972, được trục vớt về sửa chữa, bổ sung vào sản xuất. Lực lượng cán bộ, công nhân trực tiếp trên 24 con tàu gần 200 người nhưng tình hình xý nghiệp vẫn xẹp như quả bóng xỳ hơi do thiếu xăng dầu để ra khơi.

      “Toàn bộ cơ quan và Hải đoàn tự vệ vừa duy trì lực lượng, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ theo yêu cầu của trên, vừa chủ động tổ chức tăng gia, tự túc một phần lương thực, đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên”. Chủ trương của tỉnh quá rõ ràng, phù hợp. Ban Giám đốc họp thành lập Ban chỉ đạo, cử đoàn đi liên hệ các địa phương, tìm kiếm địa bàn, đất đai và điều kiện thuận lợi. Cây trồng được xác định là cây lương thực ngắn ngày: Khoai lang. Vùng đất quanh ngọn núi Mỏm Eo, thuộc địa phận thôn Nam Lãnh xã Quảng Phú, nằm cạnh thôn 19-5 xã Quảng Đông được coi là nơi lý tưởng. Mỗi phòng ban, mỗi đội tàu đều bố trí 50% lực lượng tham gia chiến dịch tăng gia. Chia sẻ gian khó cùng chúng tôi, bà con hai thôn rất nhiệt tình, tạo điều kiện ăn ở, giúp đỡ dụng cụ, trâu bò, kinh nghiệm trong quá trình khai vở và trồng trọt nên những khó khăn, thiếu thốn bước đầu lần lượt được vượt qua.

                                                                  *

     Một vùng đất từ lâu hoang hoá, khô cằn là thế, nay nom như “cơ ngơi” của một nông trang vừa tạo lập. Theo bà con, “khoai đất lạ, mạ đất quen”. Khoai lang trồng trên đất mới chỉ cần phân xanh, không nhất thiết phải có phân chuồng. Để có nguồn phân bón, một số anh em được phân công lên núi đèo Ngang để bứt cây bạc đầu. Loài cây dại này vừa giàu đạm sinh học, vừa mềm, xốp, có thể bón trực tiếp khi đánh luống. Tổ bứt lá cực kỳ may mắn, khi đến vùng chân đèo thuộc thôn Minh Sơn xã Quảng Đông, vừa hỏi tới cây bạc đầu đã có mấy nam nữ thanh niên, không chỉ hăng hái dẫn đường mà còn nhiệt tình bứt giúp. Mỗi ngày hai chuyến, chiếc “Zin 130” đi về như một quả núi, gợi lại hình ảnh những đoàn xe phủ đầy lá ngụy trang rùng rùng ra trận. Qua ba ngày cắm cứ tại Minh Sơn, tổ bứt lá đã hoàn thành vượt kế hoạch. Một bộ phận khác lên hai huyện vùng cao và ra tận Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để mua dây khoai giống. Tổ này có sáng kiến chia làm hai hướng, cùng đồng loạt tiến quân bằng… xe đạp. Sau đợt hành quân, hai tốp xe đạp mang theo màu xanh trở lại căn cứ. Tạm thời coi như đủ giống. Nếu thiếu, bà con hứa mỗi nhà sẽ giúp một ít. Yên tâm rồi!

      Vậy là việc chuẩn bị hoàn tất, cái ngày cắm ngọn khoai xuống đất có thể bắt đầu. Đó là những ngày vui nhất, Tết lại sắp đến, đất trời rạo rực cùng lòng người. Những chàng thuỷ thủ đánh cá, từ lâu chỉ quen công việc sông nước, nay bỡ ngỡ với các khâu cày bừa, xuống dây. Những ngày sau Công đoàn cơ quan huy động nữ công, các chi đoàn địa phương cử đoàn viên thanh niên giúp đỡ, không khí lao động trên đồng đất, trên từng luống khoai thật vui và có nhiều kỷ niệm khó quên. Đến giờ cơm trưa, các chị nuôi gánh “cơm” ra tận đồng, đó là những “rá xôi” đồ bằng hạt bo-bo (còn gọi là mỳ hạt), mới nhìn vào đã thấy vàng cả mắt. Thức ăn chủ yếu là mắm cá đổng, cá phèn được các chị chọn ra từ bể “chượp” (bể xây bằng xi măng, chuyên muối các loại cá để chế biến nước mắm), sản phẩm của đội tàu từ mấy tháng trước. Loại cá mắm này có độ mặn đặc biệt, tuy vẫn còn chút tanh tanh nhưng chắc chắn người ăn chẳng còn cảm giác ngon béo gì, vì lượng đạm đã tiết dần ra trong nước cốt. Công việc thì vất vả, ăn uống kham khổ là vậy nhưng mọi người vẫn vui vẻ, cười đùa vang cả đồng khoai. Sau hơn nửa tháng ra quân, gần 2 ha đồi hoang đã phủ kín khoai lang, nhìn cánh đồng Mỏm Eo giờ đây thật vui mắt. Theo kinh nghiệm của các cụ “Trồng khoai lang tránh gió bấc”, gặp lúc thời tiết ấm áp khoai vừa xuống dây cứ gọi nhau vươn ngọn từng ngày.

                                                                    *

       “Công trồng là công bỏ. Công làm cỏ là công ăn”; “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”… Hễ đụng đến nông nghiệp ai cũng để lòng những câu ca truyền khẩu đó. Nói chuyện hạn hán chưa đâu như ở đây, hầu hết ao hồ, giếng nước mùa hè đều phơi đáy chờ “cóc kêu”. Thủa trước, từ Quốc lộ 1A vào tận chân dãy Hoành Sơn thú rừng dữ có tiếng, beo lòi, chó sói, lợn rừng… mò xuống bắt vật nuôi, đào khoai sắn cả ban ngày. Những năm chiến tranh, bom đạn của giặc Mỹ đã làm chúng bỏ núi đi xa. Khi bình yên, theo bản năng chúng lại về kiếm cái ăn, phá phách vườn tược. Một số thủy thủ ở lại chăm sóc vườn khoai, được cô bác thôn 19-5 giúp đỡ tá túc và mọi sinh hoạt. Ngày ngày các chú “tàu cá” lên nương làm cỏ khoai, tìm kiếm vật liệu để rào ngăn trâu bò và thú rừng. Việc khai phá, trồng trọt trước đây nhờ có lực lượng lớn nên không phức tạp như việc chăm sóc, canh giữ. Trên nương khoai rộng mênh mông, nhìn tới nhìn lui chỉ thấy bảy tám chú, có lúc chín mười chú, cào cào, vun vun, ngày nọ tiếp ngày kia nhưng rồi cũng ổn dần. Có quân có dân đời sống thêm vui, đêm đêm các chú mang đàn ghi-ta bập bùng văn nghệ cùng thanh niên trong thôn. Lắm bữa không chỉ thanh niên mà cả các bà, các chị cũng tới xem và khen đáo khen để. Thế rồi, chuyện gì đến sẽ phải đến! Có nam, có nữ thì sẽ có ý, có tình. Trong số các thôn nữ “19-5” và các chú xý nghiệp (cách gọi của bà con) đã xuất hiện những mối tình đầu. Chẳng nói đâu xa, bạn tôi là một trường hợp đã thành gia thất và hạnh phúc cho đến ngày hôm nay. Để kỷ niệm mối tình đẹp đẽ của mình, vợ chồng bạn đã đặt tên cho các con là Lê Tăng Gia và Lê Phú Đông. Từ khi được nghỉ hưu họ về sinh sống ở quê nội vùng Nam Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn), làm ăn nghe cũng khá giả lắm và đã thành ông thành bà rồi.

                                                                  * 

      Hình như thiên nhiên cũng thương tình lính biển chúng tôi, thời tiết năm ấy nắng không nhiều, thỉnh thoảng còn lây phây mưa. Hai lượt làm cỏ khoai cách nhau một tháng, mỗi lượt phải hơn chục ngày. Sau mỗi lần được vun gốc, dây khoai vươn nhanh, xanh ngắt, gió nồm từ biển lùa theo những luống khoai, chợt nhìn đã thấy xốn xang. Các cụ nói: “Gái có hơi trai, khoai có hơi cào” cấm có sai tý nào. Thế rồi ngày thu hoạch đã đến, khoai được mùa, mẫy củ. Nhìn từng đống khoai đủ màu, trắng, đỏ, tím, trên nương lại nhớ những đống cá trên boong tàu dạo nào. Toàn bộ sản phẩm tăng gia được vận chuyển về xý nghiệp. Nhà ăn cơ quan lại thêm một món mới trong “thực đơn”. Các tàu tấp nập nhận khoai về bổ sung vào lương thực. Của mình làm ra thường thấy quý hơn, ngon hơn. Nhất là đối với những ai từng tham gia chiến dịch tăng gia, theo cách nói vui của anh em thủy thủ là “Chiến dịch Đông Xuân 80-81” thì càng thấy ý nghĩa.

      Có sẵn “món lạ” trong tàu, các lính biển lúc thì luộc, lúc thì hấp trên mỳ hạt, nói chung “khoái!”. Nhưng khó khăn chỉ là giai đoạn, năm sau xý nghiệp đổi mới phương thức hạch toán. Vật tư, xăng dầu được đáp ứng kịp thời hơn, không khí sản xuất trở lại thời kỳ hưng thịnh. Đáng nhớ là năm 1983, các loại cá tầng đáy xuất hiện khá dày, nhất là cá thiều, cá phèn, cá đổng, cá mối, cá bánh xa, bánh đường… Xý nghiệp huy động 100% phương tiện ra khơi, suốt một vùng biển từ Ngư Thủy (Quảng Bình) đến Hòn Mắt (Nghệ An), đoàn tàu giã đôi mang số hiệu SG (SG 01, SG 02…) đã có một thời “vàng son”. Những năm đó xý nghiệp liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch. Cầu cảng luôn tấp nập những chuyến tàu đi, tàu về. Việc bốc dỡ, hậu cần được giải quyết nhanh và khẩn trương rời bến, ít ai có thời gian suy nghĩ về những gì đã qua nhưng mỗi lần nhớ lại những ngày tăng gia, cánh thủy thủ chúng tôi luôn coi đó là một kỷ niệm khó quên.

                                                               *

      Đã qua rồi cái thời “gạo châu củi quế”. Chừng mười lăm năm trở lại đây, cây khoai lang chỉ được biết tới như một thứ rau tươi. Rau lang luộc hoặc nấu canh tất nhiên là món truyền thống rồi. Thân phận rau lang nay có thêm vị trí trên bàn tiệc, trong món lẩu cá. Còn khoai củ có lẽ chỉ phục vụ chăn nuôi là chính. Những đứa trẻ lớn lên sau năm 2000 đã nghe lạ hoắc hai từ “ăn độn”. Thế mà người dân 19-5 lại nắm bắt thị trường thật nhanh nhạy. Trong sự vồn vả sau nhiều năm gặp lại, tôi có dịp trò chuyện với anh H, anh K, bác V, bác T… những vị “nguyên lãnh đạo” ngày trước cùng nhiều bà con khác. Vốn đã mang nhiều ân huệ, sự giúp đỡ nhiệt tình của cô bác những ngày tăng gia làm tôi bồi hồi. Nhờ đó mà cái thời gian khổ ấy không bó được tay chúng tôi, không làm dưới nước thì những chàng lính biển lại nhảy lên… đồng, vừa làm ra sản phẩm phục vụ cho bản thân, cho xã hội vừa lưu giữ được những ký ức đẹp. Qua bà con, câu chuyện dần hé mở. Khi biển bị đầu độc họ thi nhau chuyển nghề, ai làm được gì thì cứ làm, miễn sao nghề đó chân chính. Nhiều gia đình chuyển sang tăng gia… khoai lang, kể cả những gia đình có tàu, có lưới hẳn hoi nhưng mà khoai lang đặc sản cơ. Đúng quá đi chứ! Tại sao ở các tỉnh phía Nam khoai lang tới vài chục nghìn đồng một ký lô? Giống khoai này bên ngoài cũng như khoai ở ta nhưng bên trong có màu vàng hoặc tím. Vừa ngọt vừa thơm, có tác dụng hỗ trợ chữa được nhiều căn bệnh, giúp tiêu hóa tốt, dùng làm món tráng miệng cũng hay… Người ăn ở ta mua được loại khoai này không dễ, phải đợi các chuyến xe từ trong Nam ra, các bà chia nhau mỗi người vài chục ký để bán lẻ thôi. Tại sao đồng đất quê mình có tiếng là đất khoai mà phải vất vả thế? Từ những mãnh đất vườn, các gia đình đã đưa giống khoai ấy về ươm rồi nhân ra thành sản vật của chính quê mình. Xem ra chưa có nhiều để mang đi chợ này chợ nọ nhưng để dùng thì đã vô tư rồi. Từ khi biển bệnh, mặc dù không còn nguồn thu nhập chính từ khai thác hải sản, mà biển 19-5 phải là “hải đặc sản” chứ không đùa. Cá mú, tôm hùm, ốc hương, hải sâm, mực nang, hút khách nhất là cái anh mực… nhấp nháy. Vẫn biết rằng những thiệt hại ấy, khó khăn ấy đã có kẻ chịu trách nhiệm nhưng “cái khó chẳng thể nào bó được cái khôn”, cuộc chạy đua chuyển nghề đã “ló” ra cho người dân 19-5 nghề mới, canh tác khoai lang đặc sản…

      Rồi đây, khi biển trong xanh trở lại, những con thuyền không chịu ém chặt niềm “đau rạn vỡ”. Những ngư dân không thể nào quay lưng với biển, với nguồn tài nguyên vô tận chung thủy bao đời. Dù cuộc sống trở về với nhịp điệu vốn có của nó nhưng chắc chắn, bà con Nam Lãnh và 19-5 sẽ nhân rộng và phát triển để việc trồng khoai lang chất lượng cao này trở thành một nghề có thu nhập tốt. Thậm chí họ còn mong muốn đưa khoai lang đặc sản vùng này trở thành thương hiệu. Một thương hiệu giúp bà con ngày càng khá giả, giàu có hơn nhờ biết tận dụng tiềm năng phong phú của vùng đất một nắng hai sương nhưng sâu nặng nghĩa tình.

                                                                                                         

9-2016       

                                                                                         

 

                                                                                            

 

 

 

Nguyễn Tiến Nên
Số lần đọc: 1480
Ngày đăng: 23.10.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Theo thuyền đơm mực lá - Nguyễn Tiến Nên
Bánh tráng và đủ thứ cuốn - Phạm Nga
Một Thành Tôn khác - Trần Yên Hòa
Dọc đường văn nghệ (Phần 42) Ngàn Thương – Nhà thơ sống thanh bần vì thơ - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 41) Phạm Chu Sa – nhà thơ của Sóng Ngầm vẫn còn đó - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 40) Viêm Tịnh – Nhà thơ riêng một góc trời… - Trần Dzạ Lữ
Một Chút Hoang Dã Cuối Tuần - Phạm Nga
Vượt qua nghèo khó “Nghị lực phi thường của một con người bình thường” - Hoàng Thị Thu Thủy
Một tiếng kêu “Thầy” (Bài 2) - Phạm Nga
Người đàn ông đi về phía biển - Lê Hứa Huyền Trân
Cùng một tác giả
Mẫu đơn rừng (truyện ngắn)
Tàu bay (thơ)
Cánh chim trong bão (truyện ngắn)
Đốn (thơ)
Khuyên (thơ)
Tưới (thơ)
Khi (thơ)