Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
550
116.852.167

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cỏ độc lập, di cảo đặc sắc của Nguyễn Tuân
Bà Nguyễn Thu Giang, con gái út của nhà văn quá cố Nguyễn Tuân, một hôm cùng một người cháu ngoại của cụ tìm đến nhà gặp tôi và cho biết: “Phụ thân tôi lúc còn khỏe mạnh có giao cho một bản thảo và dặn: Con giữ lấy, lúc nào thuận tiện thì cho xuất bản.

Nay tôi muốn nhờ anh đọc, viết lời giới thiệu và giúp gia đình thực hiện di huấn của cụ”. Tôi thưa: “Không có thời điểm nào đẹp như năm nay, chúng ta đang kỷ niệm 20 năm ngày cụ qua đời (28.7.1987 - 28.7.2007). Vì lòng ngưỡng mộ đối với nhà văn, tôi sẵn lòng làm việc bước đầu của người biên tập cũng như “tư vấn” để gia đình cho ấn hành di cảo. Riêng việc giới thiệu tác phẩm thì tôi không dám, xin được miễn cho”

 

Mấy hôm sau, bà Thu Giang mời tôi đến căn gác riêng của Nguyễn lúc sinh thời. Ngôi nhà thanh tịnh đường Trần Hưng Đạo xế cổng Cung Văn hóa Hữu nghị. Đặt chân lên cái cầu thang gỗ lim cổ là bầu không khí khác: trang nghiêm, gần như thiêng liêng nữa. Hương nhang thoáng quyện mùi hoa. Căn gác đã trở thành nhà lưu niệm của gia đình. Phòng riêng của Nguyễn vẫn gần như xưa. Vẫn bức ngựa mộc ba súc gỗ dày dặn, nơi nhà văn ngả lưng. Vẫn chiếc ghế mây thấp, Nguyễn ngồi làm việc và tiếp khách. Vẫn mấy chiếc thấp nữa dành cho khách đến chơi. Còn chiếc bàn lùn chân quỳ, cụ vẫn rót ly rượu con mời bạn thì nay dùng làm bàn thờ. Thay đổi nhất là bốn phía tường treo nhiều chân dung của Nguyễn, sơn dầu có bột màu có, ký họa có, nét bút các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, nhạc sĩ Văn Cao... Có kê thêm mấy giá gỗ mộc xếp sách và bản thảo. Và mé sát tường cạnh bàn thờ, bộ sưu tập vỏ chai, chủ yếu rượu tây các loại Nguyễn vẫn dùng (sinh thời, hình như ông xếp đâu đấy, không thấy bày lộ liễu đến thế).

 

Tôi thắp nén hương trước bàn thờ cụ rồi đón nhận từ đôi tay trân trọng của bà Thu Giang tập di cảo bìa úa vàng. Tác phẩm không như tôi tưởng ban đầu mà là một tập mỏng manh, khổ giấy đánh máy. Bìa bằng loại giấy vẫn đóng vở học trò. Trước đây có dán chiếc nhãn giống như nhãn vở, nay đã bong đâu mất, trong cái khung nhỏ nhoi đỡ úa hơn do ít chịu tác động của thời gian, là nét bút nắn nót của nhà văn viết bằng mực xanh:

 

Cỏ độc lập

 

Nhạc kịch của Nguyễn Tuân (đầu năm 1946 - chưa in ở đâu cả)

Sát bên dưới, mấy dòng chữ bút sắt, mực tím, nét chữ người khác: “Cho phép xuất bản, Hà Nội, ngày 6 tháng 5 năm 1946”, ký tên Lưu Văn Lợi(1), áp dấu tròn... Mọi trang trong bản thảo đều được ký tên và đóng dấu vào phần dưới hoặc bên lề. Góc trái phần dưới trang bìa, chữ Nguyễn viết bằng bút chì, ghi chú thêm sau 1954:

 

Nửa năm nữa

thì toàn quốc nhất tề

nổ súng tám năm lliền

vào thực dân và đại thắng để

trở về Hà Nội (vòng qua Phủ Điện Biên)

Lật bên trong, nửa dưới trang bên trái, mấy dòng viết lệch hàng:

Tác giả yêu cầu

Ban kiểm duyệt trả lại cho bản này để tiện việc xếp chữ.

Đa tạ,

Nguyễn Tuân

 

Đính kèm là công thư của Trưởng Tiểu ban Kiểm duyệt, Ban Thông tin Tuyên truyền và Kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ Lưu Văn Lợi đề ngày 6-5-1946 (bốn ngày sau khi nhận bản thảo), nguyên văn như sau:

Kính gửi ông Nguyễn Tuân

Hà Nội

Thưa ngài,

 

Tiểu ban Kiểm duyệt Báo chí Bắc Bộ sau khi xét cuốn “Cỏ độc lập” (kịch) do ngài đưa trình duyệt nay trả lại bản thảo đính theo đây và tường ngài rõ cuốn sách đã được phép xuất bản.

 

Theo thể lệ hiện hành, xin ngài cho gửi ra văn phòng tôi hai cuốn in trước khi phát hành.

Lưu Văn Lợi.

 

Trang mở đầu bản thảo dành riêng cho lời đề tặng:

Tặng con Sơn Muội - thưởng thức giả của Ngày Tới.

 

Sơn Muội là ai? Theo tôi được biết, nhà văn Nguyễn Tuân sinh tám người con, bốn trai bốn gái, hình như không có ai mang tên ấy. Ngẩng đầu, tôi thấy bà Thu Giang mỉm cười, và hiểu ra ngay: Em của Núi là Sông chứ còn ai vào đấy. Núi cùng Sông là hai trong số năm nhân vật của vở kịch. Mà Núi ở đây, sau thời gian “cằn xơ và khô không khốc” bởi chế độ cũ, nay đã cùng với Mùa xuân Đất nước, “Sông mặc áo lam. Núi mặc áo xanh, mây đã lộn về đánh đai lấy đỉnh”.

 

... Gần đến ngày giỗ Nguyễn Tuân năm nay, tôi cầm trong tay ấn phẩm trang nhã mà sang trọng, in với sự trông nom chi chút của gia đình nhà văn. Sách khổ lớn (20 x 28 cm), bìa cứng có tờ bọc bên ngoài do chính bà Thu Giang thiết kế, nền nã màu đỏ nâu tựa sơn then truyền thống, tượng trưng nhiệt huyết của toàn dân tộc năm 1945. Bìa có chân dung của Nguyễn Tuân năm 1949 nghiêm trang dưới chiếc mũ bộ đội, ký họa do họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thực hiện, với bút tích nhà văn ghi chú:

 

“Bạch Vân”

Vũ Ẻn Janv. 49

 

Sách in trên giấy dó thủ công có phủ qua lớp điệp mỏng, với sáu phụ bản màu, số lượng hạn chế, đánh số từng cuốn, gia đình dành tặng thân hữu và bạn bè. Tôi không rõ đây có đúng là loại “Giấy Dó Lụa Hoành Bồ” hợp với sở thích nhà văn, mà ông đã quyết định, ngoài những bản thường, “in thêm ra mười ba bản, ba bản không đánh dấu và mười bản trước số từ I đến X” như ghi trong di cảo hay không, nhưng về kỹ thuật in thì chắc chắn vượt xa cái thời nhà văn đưa xuất bản mà không kịp vì cuộc kháng chiến toàn dân bùng nổ.

 

Cỏ độc lập

 

Cỏ độc lập là vở nhạc kịch ba màn - theo tác giả - gồm mười hai trang đánh máy trên loại giấy Nguyễn vẫn dùng để viết thư, góc trái có vẽ chiếc thuyền lênh đênh theo cánh buồm lộng gió kèm hai từ “Gió lên”. Tuy nhiên bốn trang, từ trang 5 đến trang 8, được chép lại bằng bút sắt, nét chữ của Nguyễn. Các trang này cũng có chữ ký của Trưởng Phòng Kiểm duyệt, chứng tỏ chính tác giả đã chép lại trước khi đưa kiểm duyệt.

 

Mở đầu màn I, tác giả ghi chú khung cảnh: “... Mọi vật nín lặng chờ một điều quan trọng nào phải xảy đến cho không gian và thời gian”, từ nào được đổi bởi thế tất. Màn II, khán giả được thay bằng đám bàng thính. Câu xưng danh của Thần Cách Mệnh: Ta là kết tinh của Phá Hoại, đổi thành Ta kết tinh của Bạo Phá, v.v... Màn III, Cuốn Việt sử sửa thành Quyển Việt Nam sử;...

 

Tấm chăn đơn màu hoa lý mùa xuân mặc cho Cánh Đồng, thêm từ thiên vào hoa thiên lý; ở trang cuối:... Cô Bé miệng ngậm một cuộng cỏ trắng ngần, đổi thành... một cuộn Độc lập thảo trắng ngần, v.v... Tôi nhớ lại, lần Nguyễn Tuân sửa cuốn Vang bóng một thời, tác phẩm ruột của ông xuất bản trước 1945 trong tủ sách “Những tác phẩm hay” Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội, để tái bản (mà tình cờ tôi mua được cuốn có nét bút của Nguyễn tại một hiệu sách cũ ở Nam Định cách đây nửa thế kỷ), lối chỉnh sửa cũng tương tự. Nội cỏ trước dinh quan Đổng lý quân vụ chiều nay đổi màu, được ông đổi: ...một buổi chiều thu quyết đã đổi màu (Chém treo ngành), hay Trái với thời tiết, chiều hôm nay gió nồm thổi nhiều/ Trái với thời tiết, chiều tuế mộ, gió thổi nhiều; Giò lan đen thành Giò chu mặc (Hương cuội), v.v... Có thể hiểu, những năm 40 thế kỷ trước đánh dấu bước chuyển trong cách dùng chữ của Nguyễn Tuân, văn hoa hơn, cầu kỳ hơn, đa nghĩa hơn.

 

Vở kịch Cỏ độc lập nội dung rành rẽ, ngôn từ trau chuốt. Núi và Sông đau khổ vì khô hạn, cây cối tiêu điều, đỉnh núi vắng mây, “kể từ khi có một gã hoàng đế rước voi vào quấy những rừng của Núi”. Nhưng Núi vẫn kiên trì tại chỗ chờ đợi mây về, ngóng cây mọc lại, “để khỏi phụ lòng những lời ký thác của bao thế hệ con người đã đi qua dưới bóng ta đây và nhất là khỏi ngã lòng cái thế hệ những con người đang sinh thành trong năm tháng của bây giờ”. Còn Sông thì đã toan bỏ Núi để “ra khơi, ưu du nơi bốn đại dương”. Song lại không đành lòng. “Sông này mà bỏ đi thì Núi cũng đến tương tư mà chết mòn... Hai ta không thể sống ngoài sự đoàn tụ được”. Cách mạng đưa Sông trở về với Núi, mây lại cuộn đầu non. Và “Núi ngả vào lòng Sông giống hệt như lối Con Người gục vào nhau trong giây phút xót xa yêu dấu và ngậm ngùi”. Từ cuộc tái ngộ ấy, sinh thành Cỏ Độc Lập. Lúc này Thần Cách Mệnh hiện ra xưng danh và giới thiệu sứ mệnh của mình: “Ta đạp một trật tự để xây dựng một nền trật tự mới. Ta quăng lửa vào một nền kiến trúc để dựng lại trên tàn lụi ấy những lâu đài khác nó sẽ là nơi châu tuần của đàn ca chứ không là than khóc nữa”.

 

Thấy Núi vào Sông đang than thở, Thần Cách Mệnh mắng: “Khí thiêng? Mạch lịch sử? Mà lại khóc than!... Hai đứa thông minh, cao to có dài rộng có, vững vàng trường cửu như thế mà thật không bằng lũ người nhỏ bé...” Hãy lắng nghe bước chân rầm rập của họ. “Họ đang theo ta. Từ mùa thu năm ngoái”. Và Thần Cách Mệnh khuyên Núi, Sông: “Hai ngươi hãy tái sinh vào đời sống, nghĩa là làm theo họ. Để rồi cùng đi tới chỗ muôn năm mùa xuân của Hạnh Phúc”.

 

Đến Màn III và cũng là màn cuối xuất hiện nhân vật mới: Cô Bé. Cô đang vừa bập bẹ đánh vần vừa chép vào Quyển Việt Nam sử, bằng mực xanh “đúng màu của bình minh tươi hửng”, hai câu: Nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam. Mùa xuân một năm Độc Lập. Mực được làm ra bằng cách giã nhỏ và gạn lấy nước từ Cỏ Độc Lập, “thứ mực này cầm cự được cả với sức tàn phá của thời gian”.

 

Lịch Sử băn khoăn, sao mình cứ phải làm việc. “Đến bao giờ thì Sử tôi sẽ được nghỉ hở Em?”. Cô Bé đáp: “Lúc nào mà dân tộc này được hoàn toàn sung sướng thì Người sẽ được nghỉ”. Và hóm hỉnh nói thầm vào tai Lịch Sử: “Bởi vì chỉ có những dân tộc nào sung sướng tuyệt đối thì mới không có chuyện chép! Thì mới không chép truyện!”

 

Thế là thổi tới “những cơn gió đồng nhẹ nhàng làm rung lên cái mênh mông xuân xinh của nội xanh. Cô Bé lăn chạy vui rỡn với Đồng Cỏ, miệng ngậm một cuộn Độc Lập Thảo trắng ngần. Thần Cách Mệnh rón rén ra nghiêng ngắm Cô Bé, tặng Cô Bé một cành hoa đỏ, gật gù với khán giả đang hoan hô vang động”. Giữa lúc ấy, màn từ từ hạ mà không khép kín...

 

(1) Hoàn cảnh rối ren năm 1946 buộc chính quyền áp dụng chính sách kiểm duyệt. Lưu Văn Lợi là nhà trí thức từng làm báo tiếng Pháp và tiếng Việt trước và sau năm 1945; thời gian Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1972), ông làm Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao ta tham gia hội nghị. Ông có xuất bản cuốn Hồi ký về hội nghị lịch sử này và là tác giả nhiều cuốn biên khảo.

Phan Quang - http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/197128.asp