Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
699
116.734.152
 
Tản mạn viết
Đàm Lan

Tôi thường rất có cảm hứng viết vào buổi sáng. Cứ sau một ly cà phê, một ấm trà, một đoạn nhạc, có khi là vài trang sách, thì bỗng ý tưởng, cảm xúc, các tình tiết cứ lũ lượt, chúng chen nhau như một đám đông chờ mở cửa, ai cũng muốn được bước vào trước. Trong niềm hứng khởi ấy, tôi ngồi ngay vào máy, tôi bỗng mỉm cười vì cái tính thời đại, ngày xưa chắc chắn người ta sẽ nói là ngồi vào bàn, nhưng sự thuận thời khiến người ta thay đổi cả một số ngôn ngữ vận dụng. Rồi bằng vào sự chọn lựa của cảm xúc, tôi mở ra những ô cửa trong Docment, có thể tôi sẽ kết thúc một trang cuối, có thể tôi sẽ viết tiếp một trang giữa, và cũng có thể tôi mở ra một trang đầu. Và những ngón tay lại loay hoay hí hoáy trên bàn phím.

 

Đôi khi tôi cười tự hỏi mình “Tự bao giờ, từ Viết lại có sức cảm với mình ghê gớm thế ?” Tự bao giờ ? Có lẽ tự khai nguyên khởi thủy cái bào thai tôi, tôi còn nhớ, nhớ rõ lắm là những cái ngày còn bé, tôi cứ hay ngồi ngẩn ra mà nghĩ linh tinh đủ thứ chuyện đâu đâu, rồi tom góp được tí tiền nào là nhảy ngay ra hiệu sách, đến bây giờ tôi vẫn còn giữ những cuốn sách giấy vàng ạch, chữ nhỏ tí, có khi còn nhập nhòe vì mực in và thiết bị in ngày ấy, nhìn vào đã mỏi mắt chứ đừng nói là đọc, vậy mà xưa ngấu nghiến. Tập tò cái tuổi mơ mơ mộng mộng là những trang nhật ký vụn, những con chữ ngây ngô không hiếm khi trở thành một trò cười và có khi là cả một trận đòn nữa. Thế nhưng một ngọn lửa le lói âm ỉ cứ náu mình mãi trong tâm khảm, để rồi nó sáng dần lên, hun nóng tôi, cầm bắt tôi, và tự vô thức, tôi cứ vân vũ theo dần những tiết điệu hư huyền của ngữ nghĩa. Tôi mặc nhiên đi theo ngón trỏ tay của lửa, sức truyền dẫn của lửa, những lấp lánh sắc màu của lửa. Và tôi thật sự vô cùng mê đắm nó. Không dám mơ màng ảo vọng xa xôi, tôi chỉ biết rằng, nếu trong một ngày mà tôi không viết được một chữ nào, thì ngày đó coi như một ngày vô tích sự.

 

Có thể nói chính xác, tôi chính thức bước vào nghiệp viết từ năm 1995. Tôi không dễ gì quên bài thơ đầu tiên tôi được in trên Tuyển tập Áo Trắng là bài “Trăng Đêm”, và truyện ngắn đầu tiên tôi được in trên Tuyển tập Thời Văn là “Nụ hôn muộn”. Cũng như bao người viết khác, niềm vui khi thấy tác phẩm mình đến với bạn đọc trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào khi đã có một quá trình sáng tác, thì vẫn luôn rộn rã như nhau, nhưng không rộn rã nào bằng rộn rã của cái buổi đầu tiên ấy. Tim như vỡ ra, cảm giác con người mình cứ như một quá bóng bơm căng, chực nổ bùng, muốn hét vang lên khắp muôn xa, muốn bay vút đến tận trời cao, muốn tan hòa cùng nắng, muốn thông thênh cùng gió…Nói chung là không một ước muốn hư ảo nào mà không có. Nhưng tôi lại phải nén chặt nó xuống, nén chặt đến nỗi không dám lộ một nét cười, cái lò xo ấy chỉ có thể bật lên khi tôi bước ra ngoài bậc cửa, hoặc khi đã vào đêm trùm kín trong chăn, cũng như những trang viết của tôi trong những ngày tháng ấy là từ ánh sáng của chiếc đèn pin và trong tấm chăn với tư thế nằm sấp, giờ nhớ lại như vẫn còn cảm giác tức hết cả ngực và tê dại cả hai cánh tay.Là bởi, niềm yêu thích của tôi không hề nhận được sự tán đồng nào từ gia đình, thậm chí còn là sự cấm đoán. Cho đến bây giờ cũng vậy, tuy không còn phải chịu sức ép của sự cấm đoán, nhưng chia sẻ thì hoàn toàn không. Tôi cũng không than trách, vì đã hiểu được, mỗi người có một qua điểm sống riêng, và dở hay, xấu tốt, mất được, những điều làm nên một cuộc đời cũng xuất phát từ quan điểm ấy. Cuộc sống trở nên đa dạng, đa sắc thái, đa tầng, đa kích, cũng từ những riêng và cả những trái chiều. Suy cho cùng, con người vẫn luôn phải trả giá và cũng được tận hưởng từ chính bản thân mình vậy.

 

Trong bản đồ các dòng chảy văn học cũng có rất nhiều hình trạng. Có sông to biển lớn, có kênh rạch luồng lạch, có suối khe mạch ngầm, và có cả ầm ào thác lũ. Nếu có thể nhận cho mình một hình trạng, cho tôi xin nhận một khe suối, một khe suối nho nhoi lặng lẽ tháng ngày len lỏi qua những dốc đồi hốc núi, vân vu và vắng vẻ, bất chừng có ai qua, dừng chân té một vốc nước rửa mặt, cảm giác mát mẻ dễ chịu, thanh thỏa cất bước rồi…quên. Vâng. Quên. Vì quên là một đặc tính hữu dụng của con người, nó giải quyết rất nhiều sự vướng vất. Và may thay, con người ta có thể sống vui nhờ có nó. Vì thế, xin đừng giận khi con người dễ quên, nhất là những trang viết, người ta có thể quên ngay khi vừa mới đọc, không sao, chỉ cần bén chút hơi tay người là đã đủ hạnh phúc lắm rồi. Thế nên, dù biết và rất biết, tôi vẫn lặng lẽ hơ tay trên ngọn lửa từ chính trái tim mình, và cảm nhận trọn vẹn sự nồng ấm của nó.

 

Nói thế là bởi vì tôi biết, giọng văn tư duy của tôi không thuộc hệ cao trào cường thịnh. Trong khi người ta đang ra sức hò hét, công kênh cho những thử nghiệm, tìm tòi, đổi mới, cho dù những cái mới ấy chưa kịp có sự thẩm định tính hệ quả. Không sai, khi con người luôn tìm tòi, khám phá, sáng tạo để tạo ra những mới mẻ, phù hợp với sức phát triển của thời đại. Không sai, khi những mới mẻ ấy nhằm mục đích nâng cao đời sống cho con người, đem lại những văn minh tiện ích, tạo điều kiện phương tiện để chinh phục những thách thức đẳng cấp. Nhưng không phải ai cũng có thể thành công, hay chí ít cũng gặt hát được đôi chút thành quả để góp vào cuộc sống chung một cách hữu ích. Một phần có thể là không đủ tài, một phần có thể từ những góc nhìn nông, hẹp, vội vã, ngộ nhận, mà tùy tiện đưa ra những lập luận thiếu suy xét, thiếu chín chắn. Những lập luận kiểu như thế không những gây ra một sự nhiễu loạn, rối rắm, mà còn trực tiếp gieo tác hại đến cho một thanh phần, một lứa tuổi chưa đủ “sức đề kháng”. Để rồi không ít những độc giả ấy nhận lãnh về mình những thương tích, những hệ lụy có khi ảnh hưởng cho cả một cuộc đời. Có đi qua được những thương tích ấy, thì nạn nhân cũng đã bị mất mát quá nhiều, những mất mát có khi không thể đền đắp lại được. Đó là điều mà tôi sợ nhất khi đặt bút viết ra những tâm tưởng của mình. Nên tôi thường cân nhắc rất nhiều trước những đề tài mà tôi hướng đến, thậm chí cả với từng ngữ nghĩa cho một văn cảnh. Chỉ với một mong mỏi, ít nhất cũng có được chút hiệu tác tích cực, để có thể góp phần xoa dịu nỗi đau cho ai đó, góp phần giữ lại một khoảnh khắc bình yên cho ai đó kịp dừng lại trước một dẫn dụ đáng ngờ.

 

Ảo tưởng. Đó là điều luôn tiềm ẩn trong mỗi con người. Khi người ta ước muốn một thành tựu trong bất kỳ một lĩnh vực nào, đều không thể thiếu một chút ảo tưởng. Trong lĩnh vực các loại hình nghệ thuật, thì sự ảo tưởng đó có cao hơn. Vì nghệ thuật là sự chiêm tụ và phổ quát. Nên người làm nghệ thuật luôn có tham vọng quy những tinh hoa chắt lọc từ cuộc sống về tác phẩm, rồi lại từ tác phẩm mà lan tỏa ra cuộc sống với tất cả thiện tính của mình. Nếu thiếu sự ảo tưởng, e rằng tác phẩm sẽ không đủ tầm độ mà tiếp cận cùng đời sống. Chỉ có điều ảo tưởng ở mức độ nào thì có thể mang đến hiệu quả một cách tích cực, để có thể tránh được những sai lầm về chính mình và những hậu quả đáng tiếc. Tôi không dám bảo rằng mình sẽ tự điều chỉnh được mức độ của sự ảo tưởng. Nhưng tôi có thể khu trú nó trong một câu tự luận “ Văn chương là chiếc cầu nối tình người. Viết văn như một cách trò chuyện với người và với cả chính mình.

 

…để gió cuốn đi…” Vâng ! Tất cả những say mê, lầm lụi, tất cả những hồng thắm, bọt bèo, cuối cùng rồi gió cũng cuốn đi cả thôi. Nhưng hãy cứ mê say với tất cả những gì có thể, để vui chăng cũng còn có được một chút gì cho gió cuốn đi.

Đàm Lan
Số lần đọc: 1981
Ngày đăng: 30.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người ta cảm - Đào Đức Tuấn
Sống cùng hoa - Nguyễn Thúy Ái
Vĩnh biệt Thảo Phương!... - Vũ Ngọc Tiến
Bản tình cuối - Bùi Thủy
Cây bàng mồ côi... - Ngô Thiên Thu
Tạp bút trích từ blog - Nguyễn Thành Nhân
Có nhiều khi… - Hạ Dung
Hát xẩm giữa đêm thơ Trương Đạm Thủy - Nguyễn Quốc Nam
Ngụy quân tử _ Chính hắn ! - Tạ Ba
Vũ Trọng Phụng và vụ án văn chương - Lại Nguyên Ân
Cùng một tác giả
Sự nhầm lẫn (truyện ngắn)
Vầng trăng ngày ấy (truyện ngắn)
Câu chuyện nhỏ (truyện ngắn)
Chợ Chữ (tạp văn)
Mối cựu thù (truyện ngắn)