Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
813
116.649.396
 
Hòn vọng phu
Sâm Thương

Mùa thu 1945, vào một buổi tối trên sân ga xe lửa Huế. Dọc theo dãy hành lang dài, những ngọn đèn điện  sáng lù mù, hành khách và những người buôn bán ồn ào huyên náo, chen đẩy nhau hỗn độn, nhốn nháo như cảnh chợ phiên.

Khuê và Ngọc đang đứng cạnh nhau ở một góc vắng. Ngọc đưa mắt nhìn về phía xa, rồi quay lại nhìn Khuê, giọng trầm xuống:

- Anh! Em muốn nói rất nhiều, nhưng bây giờ thì quên hết.

Khuê xót xa gật đầu:

- Anh cũng vậy. Anh định nói với em những điều cần nói, nhưng anh cũng không còn nhớ nổi.

Ngọc lắc đầu, giọng vẫn ngọt ngào:

- Điều quan trọng nhất thì anh đã nói rồi !

- Ừ, dường như anh đã nói rồi, nhưng anh muốn nói lại.

Ngọc ngước lên chờ đợi:

- Vậy thì anh nói đi!

Khuê nói nhanh:

- Anh muốn nói: Anh yêu em hơn bất cứ ai trên cuộc đời này!

-  Ôi! Sao em có thể hạnh phúc thế này! Còn mấy phút nữa thì tàu chạy hở anh?

Khuê nhìn đồng hồ:

- Mười phút nữa!

Giọng Ngọc như nghẹn lại:

- Lâu đến vậy ư?

Khuê bỡ ngỡ, không hiểu:

- Sao, lâu à?

Ngọc cúi mặt, nói trong sự kiềm chế:

- Vì nếu em còn đứng đây lâu em sẽ khóc!

Im lặng kéo dài. Chợt giọng Ngọc như xa vắng, hối hả:

- Những ngày độc lập ngắn quá phải không anh?

Khuê ngơ ngác:

- Gì em?

- Em không hiểu tại sao anh phải đi và đi để làm gì?

Khuê đưa tay lên như muốn ngăn lại:

- Kìa, sao em lại hỏi thế?

Ngọc vẫn tiếp tục :

- Khoan đã, em chưa nói hết ! Em tự hỏi, tại sao chúng mình phải xa nhau? Mặc dù, em hiểu sâu sắc con đường mà anh chọn lựa, lý tưởng mà anh quyết tâm theo đuổi. Nhưng em chỉ là một phụ nữ, một người vợ, em cần có anh, con chúng ta cũng cần có anh. Đã bao nhiêu lần em tự hỏi: tại sao em yêu anh, và tại sao anh không như bao nhiêu người đàn ông khác? …

- Ngọc…

Ngọc vẫn tiếp tục:

- Nhưng khổ nỗi, em lại tự mâu thuẫn với chính mình, bởi vì em yêu anh, em đã chọn lựa sự chọn lựa của anh. Em không biết nếu em tiếp tục có anh, liệu em có được hạnh phúc như em mơ ước, hay chúng ta sẽ luôn bị dồn đẩy trong tâm trạng ân hận, giày vò? Nhưng không có anh, em sẽ sống những ngày còn lại như thế nào đây?

Khuê cúi xuống nhìn sâu trong đôi mắt long lanh của Ngọc:

- Em thấy đó, bọn thực dân Pháp đang âm mưu quay trở lại thống trị đất nước ta, bằng cách bắt tay với tướng Gracey của Anh, Trưởng phái bộ Đồng minh có nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật ở phía Nam; một mặt thương thảo với chính phủ Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc. Chính quyền mới của chúng ta bị uy hiếp. Anh được tổ chức điều động… Anh không thể không đi, cũng như anh không thể không yêu em!

Ngọc gật đầu, nói trong nước mắt:

- Em hiểu, điều đó rất cần thiết đối với anh. Nhưng còn em, chỉ ít phút nữa thôi, tàu chuyển bánh, thế là hết. Em sẽ chỉ còn lại một mình và chẳng biết đến bao giờ mới có thể gặp lại anh. Anh thừa biết, trong trái tim em chỉ duy nhất có hình bóng anh, và mãi mãi chỉ có hình bóng đó. Chắc em sẽ hóa đá mất!

Ngọc gục đầu lên vai Khuê khóc nức nở. Khuê im lặng ghì chặt lấy thân hình Ngọc như sợ nàng tan biến đi. Anh không kiềm giữ được nỗi đau, nhưng anh không dám mở miệng. Anh chỉ sợ khi nói ra, thì anh sẽ không còn là anh, anh sẽ không cất bước nổi.

Bất ngờ, mặt Ngọc tái lại, Khuê hốt hoảng:

- Chuyện gì vậy em?

Ngọc cố nở nụ cười:

- Không sao, chắc con nó quậy…

Tiếng còi hụ lên từng hồi dài, tàu bắt đầu chuyển bánh. Khuê cắn chặt hai hàm răng, đau đớn rời khỏi tay Ngọc bước lên tàu, đầu ló ra khỏi cửa tìm kiếm, mắt Khuê như dại đi.

Ngọc ở bên dưới, bối rối chạy theo.

- Anh nhớ giữ gìn sức khỏe!

Giọng Khuê cuốn ngược theo chiều gió:

- Em và con cũng vậy!

Con tàu đã mang Khuê đi mất, để lại Ngọc một mình trên sân ga, cổ họng có vị mặn, nhưng nàng cố nén. Ngọc bậm môi quay lưng bước ra khỏi ga, đi dọc theo bờ sông không một bóng người. Đến cầu Nam Giao, nàng lên dốc, rẽ trái. Trước khi vào nhà, Ngọc lặng im đứng ở cổng đưa mắt nhìn con đường sắt hun hút chạy dài, dưới ánh trăng nhạt nhòa. Ngọc nghe như hơi ấm của Khuê còn sót lại, hòa quyện với hương hoa thanh trà trong vườn tỏa ra thoang thoảng. Bất giác, Ngọc vùng chạy vào nhà, gục mặt lên gối, tay vẫn áp lên bụng, khóc nức nở. Nàng hiểu một cách sâu sắc rằng, kể từ hôm nay, nàng không chỉ chờ đợi chồng, mà còn phải chờ đợi những đổi thay nghiệt ngã của lịch sử, của định mệnh dân tộc … Cũng như nàng không thể níu giữ, trì kéo được sự trôi tuột lạnh lùng của thời gian. Nàng cảm thấy mình nhỏ bé, mong manh như hạt cát giữa sa mạc trước trận cuồng phong.

 

*

Sau khi Hiệp định Genève chính thức ký kết, Ngọc nghe nói lệnh ngưng bắn đã được thực hiện để hai bên có thời gian chuyển quân. Không một chút đắn đo, nàng tìm cách bay ra Hà Nội. Nàng nôn nóng muốn gặp lại chồng, và muốn biết suốt chín năm qua tại sao nàng không nhận được một tin tức gì của chồng. Khuê đã chết hay đã phụ tình nàng thì ít ra nàng cũng có được một câu trả lời dứt khoát. Nàng đã không chỉ giấu Trân, con trai nàng, mà luôn cả gia đình và những người giúp việc trong công ty của nàng. Tất cả họ đều không được nàng thông báo về chuyến đi. Nàng hiểu chuyến đi sẽ rất khó khăn và nguy hiểm, nhưng bất kể, nàng cần phải gặp lại chồng, trái tim đã thúc giục, réo gọi nàng.

 

Đặt chân xuống Hà Nội, nàng đi khắp nơi, lùng sục tất cả mọi ngõ ngách sở bộ, binh đoàn, những đơn vị mới tiếp quản… theo sự chỉ dẫn và giúp đỡ của những người thân quen, bạn bè. Nàng một mình chen chân giữa Hà Nội trong những ngày đầu tiếp thu, với hy vọng tìm được tung tích Khuê. Nhưng có điều rất kỳ lạ, là không ai cho nàng biết một chi tiết nào về Khuê, cũng như không ai xác nhận là Khuê đã chết. Cứ như nàng là một kẻ mộng du đang kiếm tìm vết tích của một bóng ma. Nhưng nàng vẫn cố gắng che giấu nỗi đau khổ và mệt mỏi trước cái nhìn ngại ngùng và thương hại của những người được nàng hỏi đến. Cũng có người giải thích như để an ủi nàng:

- Có thể đơn vị của ông nhà chưa kịp về Hà Nội hoặc đã được phân công đến một nơi khác không chừng!

 

Đến buổi chiều của ngày thứ năm, nàng ý thức được rằng, không còn nơi để đi, không còn người để hỏi, không còn một chút hy vọng gì về việc tìm kiếm tung tích của Khuê. Nàng  lặng lẽ ngồi bên Hồ Gươm để được khóc một mình…Và, trong tận cùng trái tim mệt mỏi, thất vọng nàng đang cố nhen nhúm, bám víu vào niềm hy vọng mong manh rằng, Khuê chưa kịp quay về Hà Nội hoặc đã được điều động đến một nơi nào đó. Nhưng rồi nàng hiểu, niềm hy vọng mong manh kia không phải hoàn toàn không có cơ sở, và chính nó đã vực nàng dậy. Khi ngước lên, nàng tưởng chừng như mình đang bị vây kín bởi một bầu không khí náo nhiệt: người đến, kẻ đi,… những ước mơ, chối bỏ. Trong phút giây đó, nàng chợt nhớ đến con. Lập tức, nàng quyết định phải trở về ngay để gặp lại con trai nàng.

 

Chuyến trở về, dù đã phải bỏ ra một số tiền lớn, nhưng mọi chuyện không suôn se, dễ dàng gì. Ngày đầu, phi trường Bạch Mai đông nghẹt người. Từ sáng sớm, nàng đã được đưa vào sân bay sắp hàng. Những chiếc máy bay vận tải DC3 liên tục lên xuống. Vẫn không giải quyết được số lượng người trước mặt nàng. Đoàn người chờ đợi càng lúc càng đông, giành giật, náo loạn. Chờ đến tối mịt, nàng đành quay trở về phòng trọ.

 

Ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba, tất cả đã diễn ra trong một tình trạng hoảng loạn đến tột cùng, và nàng không còn bình tĩnh được nữa, trái tim nàng như bị lửa đốt, nàng nhớ con đến quay quắt. Đến tối hôm qua, trên đường rời khỏi phi trường về phòng trọ, nàng may mắn gặp Bảo, một phi công, bạn của Nguyên, em trai nàng. Nàng được Bảo đưa ngay trở lại phi trường đợi chuyến bay đặc biệt của ngày hôm sau.

 

Từ phi trường Ngọc đi thẳng về nhà. Nàng để nguyên quần áo ngồi phịch xuống ghế, đưa mắt nhìn quanh. Mọi thứ trong nhà đều quen thuộc, vẫn như cũ, nếu có thay đổi thì chỉ có ngày tháng trên tấm lịch: 27 tháng tám thay vì 19 tháng tám. Nàng đã đi hơn một tuần. Lúc đó, Ngọc mới ý thức là mình đã về được đến nhà, không phải còn ở Hà Nội. Ấn tượng về chuyến đi khó nhọc và vô vọng thoáng hiện trong ký ức nàng…

 

Ngọc uể oải đứng lên định chuẩn bị đi tắm, thì Nguyên từ phòng trong bước ra, ngạc nhiên nhìn Ngọc:

- Chị đi đâu cả tuần nay mà không cho ai biết gì cả, làm mọi người lo lắng?

Nàng ngồi xuống ghế, nhìn Nguyên buột miệng:

- Chị đi Hà Nội !

Nguyên như bị điện giật :

- Hà Nội ? Chị không thấy tình hình đang rất phức tạp?

Ngọc buông thỏng:

- Chị đi tìm anh Khuê!

Nguyên nhìn Ngọc với đôi mắt mở tròn, kinh ngạc:

- Chị đã gặp anh Khuê?

Ngọc đau đớn lắc đầu:

- Không! Không có lấy một chút tin tức.

Nguyên ngước nhìn chị:

- Hay anh đã hy sinh từ những ngày đầu?

 

Vừa thốt ra, Nguyên chợt hiểu mình quá ngu xuẩn, nói ra lời không nên nói. Câu nói của Nguyên như mũi đao đâm vào tử huyệt của Ngọc. Nàng có nghĩ đến điều đó, nhưng không dám nói ra. Bây giờ, như không kiềm chế được, Ngọc vùng lên, ôm mặt khóc nức nở. Nguyên hoảng hốt ngồi xuống bên Ngọc, cầm tay chị nói như van xin:

- Chị tha lỗi cho em. Em thật tâm không cố ý!

Ngọc lắc đầu, nói trong nước mắt:

- Em không có lỗi. Chị chỉ sợ đó là sự thật, mặc dù chị không tin!

- Cũng có thể đơn vị của anh ấy chưa kịp trở về Hà Nội!

Một lát, Ngọc gắng gượng mỉm cười, quay qua Nguyên :

- Chị muốn được yên tĩnh một mình!

 

Nguyên bất đắc dĩ  lui vào trong. Ngọc ngồi thừ một lúc rồi bậm môi đứng lên đi thẳng vào phòng tắm. Cánh cửa khép lại, nàng trút hết quần áo, mở vòi nước. Nước lan tỏa lên da thịt làm nàng tỉnh táo. Nhìn thân thể mình, nàng hiểu ở tuổi ba mươi bốn, nàng vẫn còn trẻ đẹp, bờ vai trắng hồng, bộ ngực săn chắc và tròn đầy, đôi chân thon dài cuốn hút. Nàng lấy tay xoa lên làn da mịn màng và không một chút tì vết. Nàng rùng mình, chợt dậy lên cái cảm giác khi đôi tay của Khuê vòng qua người nàng… Nàng nhơ, trong những giây phút hai người kề cận bên nhau, những cử chỉ âu yếm của Khuê có một cái gì vô tư và trong sáng khác thường, một cái gì đó làm nàng háo hức, và cơ thể nàng dậy lên một sự cuồng nhiệt bất ngờ…

 

Ngọc cảm thấy kỷ niệm như đùa cợt, trêu ghẹo và thách thức nàng: Có lúc nàng thấy mình thật cương quyết, như  ẩn chứa một sức mạnh kỳ diệụ, không gì xô ngã được ; nhưng đôi khi nàng lại thấy mình yếu hèn, chỉ muốn đầu hàng, bỏ cuộc. Đôi mắt, nụ cười của Khuê vẫn hiện hữu trong trái tim nàng. Nàng không tin Khuê đã chết hay phản bội tình yêu của nàng. Điều nàng không thể hiểu, là trong chuyến đi, nàng không hề tìm thấy một dấu tích, một thông tin gì về chồng, cứ như là Khuê không có trong cuộc đời. Câu hỏi mà nàng không thể tự mình giải đáp; nhưng nàng cố tin và khẳng định: Khuê vẫn còn sống. Khuê của nàng không thể chết được, bởi đơn giản nàng vẫn còn chờ đợi Khuê. Nàng và Khuê còn nợ nhau quá nhiều ở trần gian này, cho nên Khuê không thể bỏ nàng đi vào thế giới bên kia được. Nàng không cần biết lập luận của nàng có nghịch lý hay không. Nàng chỉ biết nàng sẽ tiếp tục chờ đợi chồng.’’ Dù em có hóa đá, em vẫn chờ đợi anh”. Nàng thầm nói với chính mình.

 

Nàng mặc cho vòi nước cứ tiếp tục chảy, xối dội lên da thịt nàng, như để xua tan những cảm giác ham muốn đang bị đánh thức, những đớn đau giày vò của tháng năm nghiệt ngã vì mong mỏi, chờ đợi.

Bất ngờ có tiếng gõ cửa, và tiếng của người tớ gái giúp việc làm nàng chợt tỉnh.

- Thưa cô…

Nàng hỏi:

- Chuyện gì?

- Cậu Quân đến, đang chờ ở ngoài phòng khách.

 

Nàng cau mày không nói. Trong khoảnh khắc, nàng cảm thấy đầu óc mình trống rỗng. Nàng đứng dậy, hấp tấp ra khỏi phòng tắm, vào trong. Nàng chợt rùng mình, nàng có cảm giác đôi mắt của Khuê vẫn quanh quẩn đâu đây. Nàng ước gì anh đến bên nàng, với nàng.

 

Ngọc bước  ra phòng khách, nàng nhìn thấy Quân đã ngồi sẵn ở đó chờ nàng. Nàng phải cố gắng lắm để có được bộ mặt  thật  tự nhiên và niềm nở:

- Anh Quân! Anh đi Sài Gòn về bao giờ?

Quân mỉm cười trao bó hoa cho Ngọc:

- Anh vừa từ phi trường về đây để báo cho em một tin vui!

Ngọc cầm bó hoa ngước lên nhìn Quân:

- Cám ơn! Tin gì vậy?

- Hợp đồng của chúng ta đã chính thức được ký kết!

- Nghĩa là bên đó đã đồng ý cung cấp những gì chúng ta yêu cầu?

- Phải! Công việc ban đầu có thể nói là rất khó khăn do tình hình chính trị đột biến, nhưng cuối cùng đã trở nên thuận lợi. Khi nào tàu cập bến, đại diện của họ sẽ thông báo cho chúng ta làm thủ tục nhận hàng!

- Thành thật cám ơn anh! Hợp đồng này tốt đẹp hoàn toàn do công lao của anh hết!

Quân nhìn thẳng Ngọc :

- Sao em lại nói lời cám ơn với anh? Lý nào em không hiểu tình yêu của anh dành cho em? Anh đã tự hứa với lòng mình, anh có thể làm bất cứ điều gì vì em!

Quân lấy từ trong túi áo ra một chiếc hộp nhỏ, mở ra, một chiếc nhẫn kim cương đặt trước mặt Ngọc, giọng tha thiết:

- Đây là chiếc nhẫn cầu hôn của anh!

Ngọc bối rối:

- Em không thể.

Quân vẫn nhẫn nại:

- Có phải em đã nói, chồng em mất gần mười năm rồi? Mười năm quá đủ để em có quyền tìm kiếm hạnh phúc cho em. Và chính anh sẽ là người đem đến cho em niềm hạnh phúc đó.

Ngọc lắc đầu:

- Con em rất cần tình yêu của em!

- Anh thấy điều này không có gì cản ngại chúng ta. Anh có thể yêu thương con em như chính con anh!

Ngọc nhìn Quân:

- Anh đừng quên em còn quá khứ!

Quân vẫn kiên trì:

- Anh không chú trọng quá khứ!

Ngọc lắc đầu:

- Ngược lại, em rất coi trọng quá khứ của em. Đồng thời, em cũng trân quý tình cảm mà anh dành cho em, nên em không thể sống dối trá với anh được. Liệu anh có thể cưới một người vợ mà trong trái tim người đó luôn chứa giấu hình ảnh người đàn ông khác ?

Quân kêu lên thảng thốt:

- Ngọc!…

Ngọc vẫn trầm tĩnh, và dứt khoát:

- Anh không dám nhìn thẳng vào sự thật?

Giọng Quân lạc đi :

- Anh không tin em có thể nói lời từ chối!

- Hãy thông cảm và tha thứ cho em!

Quân trầm ngâm một lúc lâu, rồi cầm chiếc hộp nữ trang đứng lên, ánh mắt có một chút gì hờn trách pha lẫn chua chát nhìn Ngọc trước khi quay đi.

 

Ngọc ngồi lặng im trên ghế. Nàng tự trách mình đã vô tình làm tổn thương Quân. Nàng không yêu Quân, bởi vì nàng là của Khuê, mãi mãi là của Khuê. Nhưng đôi khi tự trong sâu thẳm tâm hồn, Quân đã khiến nàng xúc động, bối rối. Nếu nàng không là vợ Khuê, được Quân ngỏ lời cầu hôn có thể nàng đã không từ chối. Quân không giống Khuê của nàng, nhưng Quân có đầy đủ tất cả những yếu tố cần thiết mà phần lớn phụ nữ mơ ước.

Ngọc chợt tỉnh khi con trai nàng ôm cặp sách bước vào, sà vào lòng mẹ rối rít:

-Mẹ đã về!

- Con ..

Ngọc ôm chặt con vào lòng, rồi hôn như mưa bấc lên mặt con. Trân ngước lên nhìn mẹ, dò hỏi:

- Chuyện gì xảy ra với mẹ? Mẹ nhớ cha?

Nàng lau vội nước mắt, mỉm cười âu yếm nhìn thẳng vào mắt con:

- Mẹ tưởng chẳng bao giờ gặp lại con! À, mà con có thương cha không?

Trân nhìn mẹ đắn đo:

- Con không biết!

Ngọc như bị đụng phải lửa.

- Tại sao?

- Cha chẳng bao giờ quan tâm đến con. Con ghét cha!

Ngọc cúi sát vào mặt con:

- Con không nên nói vậy! Cha có nỗi khổ riêng mà mẹ con mình không biết đó thôi!

Ngọc kéo Trân vào lòng, ôm con thật chặt, nàng cứ để mặc cho nước mắt tuôn trào, nàng không muốn kiềm chế nữa. Nàng không biết tương lai của nàng và con sẽ ra sao. Nàng nghe nói chính phủ của ông Diệm sắp được thành lập sẽ hủy bỏ Tổng tuyển cử, coi như đất nước sẽ bị chia cắt lâu dài, nhất định chiến tranh sẽ tiếp diễn. Những cơn bão khốc liệt của lịch sử vẫn tiếp tục đổ ụp xuống trên số phận của dân tộc, trên thân phận chính nàng và chẳng biết đến bao giờ mới chấm dứt. Liệu con trai nàng    rời bỏ nàng để ra đi như cha nó? Nghĩ đến đó tự nhiên nàng cảm thấy một nỗi sợ hãi choáng ngợp cả tâm hồn. Nàng như bị đẩy vào một thế giới khác, chơi vơi, không chỗ bám víu.

 

*

Một buổi sáng sau Tết Mậu Thân, ở phòng đợi của phi trường Phú Bài. Hai mươi ba năm sau ngày tiễn Khuê ở ga xe lửa Huế, Ngọc không còn là một người vợ trẻ, nay tóc đã điểm sương, nhưng bà vẫn còn đẹp, ánh mắt phảng phất một nỗi buồn sâu kín làm nhan sắc của bà trở nên mặn mà và quý phái hơn.

Hôm nay, bà tiễn Trân, đứa con trai duy nhất của bà bị gọi đi khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức theo lệnh tổng động viên của chính quyền Sài Gòn .

Bà Ngọc và Trân ngồi ở một góc khuất.

- Tại sao con phải đi để mẹ lại một mình ?

Trân nắm tay mẹ:

- Con đâu còn con đường nào khác! Dù bên này hay bên kia thì con vẫn không thể ở bên cạnh mẹ.  Số phận của chúng ta do chiến tranh định đoạt!

- Mẹ thật sự không muốn xa con!

Trân ngước lên, tay vẫn giữ chặt tay mẹ:

- Dù con luôn luôn yêu kính mẹ, nhưng con có cách chọn lựa của con. Con thú nhận với mẹ, con thật sự không biết gì về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, về lý tưởng mà cha đã chọn lựa. Con cũng không nói sự chọn lựa của cha là đúng hay sai. Mỗi người có một hoàn cảnh, một cách thế chọn lựa riêng. Mẹ biết, con không chấp nhận sự có mặt của người ngoại quốc trên đất nước mình, con lại càng không tin vào bọn tướng tá, bọn chính trị gia cơ hội, thối nát... Con hy vọng những người trẻ ở thế hệ con sẽ nỗ lực tìm kiếm một con đường khác, có khả năng thay thế tầng lớp lãnh đạo ở miền Nam hiện nay để có thể đối thoại với miền Bắc, chấm dứt chiến tranh …

- Con ảo tưởng mất rồi!

Trân ngước nhìn mẹ:

- Mẹ nghĩ vậy sao?

- Liệu  con    còn đủ thời gian để thực hiện điều con mơ ước? Mẹ có linh cảm  bước ngoặt lịch sử đang tới gần…

Trân gật đầu:

- Có thể mẹ nói đúng, nhưng không có gì ngăn cản tuổi trẻ chúng con thử gánh vác trách nhiệm trước lịch sử!

Bà Ngọc như cố ngăn dòng nước mắt:

- Con lại muốn mẹ phải sống vò võ vì chờ đợi con?

Trân lắc đầu:

- Mẹ! Con thật sự không muốn làm mẹ đau buồn. Con chỉ trách tại sao con đã không được sinh ra trong một bối cảnh lịch sử khác. Thời đại mà con đang sống đầy rẫy phức tạp, thế hệ của chúng con bị khủng hoảng niềm tin. Trắng đen, thật giả, lý tưởng và sự ngụy tạo…gần như không có ranh giới. Con đang cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi vũng lầy, nhưng để bơi về phía bến bờ nào thì con chưa thấy được… Hãy tha thứ cho con !

Giọng bà Ngọc như nấc lên :

- Có lẽ, con đã bị tung hỏa mù và con đã làm cho vấn đề trở nên phức tạp... À, mà bây giờ không phải lúc tranh luận…Mẹ chỉ muốn con cảm thông được với nỗi lòng của người phụ nữ như mẹ, suốt một đời chỉ biết chờ đợi. Hết chờ đợi cha con, đến lượt chờ đợi con …

Cổ Trân như khô cứng, Trân nắm chặt đôi bàn tay của mẹ:

- Con yêu mẹ vô cùng!

Bà Ngọc gật gật đầu trong nước mắt:

- Mẹ cũng yêu thương con!

Trên máy phóng thanh, một giọng nữ vang lên:

- (…) Xin nhắc lại lần cuối . Những hành khách đáp chuyến bay Hàng không Việt Nam BA 516 đi Tân Sơn Nhất ra cổng số 4 để kịp khởi hành.

Trân hôn lên trán mẹ, rồi hấp tấp đi thẳng ra cổng. Anh không dám quay lại nhìn mẹ lần cuối. Bà Ngọc nhìn theo con trai cho đến khi khuất hẳn. Ngoài trời, cơn mưa bất ngờ đổ ập xuống. Tiếng mưa hối thúc, nghiền nát dội thẳng vào trái tim bà, bà tưởng như tiếng bánh xe lăn trên đường rây, hình ảnh Khuê của bà xa dần, xa mãi của buổi tối mùa thu năm nào, rồi những trận mưa bom dội xuống, những tiếng kêu la thất thanh, những xác người ngã gục …rất nhanh đi qua trong trí óc bà.

 

*

Đêm đã khuya. Tiếng súng ở đâu đó thỉnh thoảng vẫn dội về thành phố. Bà Ngọc lặng lẽ xếp cuốn kinh, đặt tràng hạt lên bàn thờ Phật, rồi quay về phòng. Bà đưa tay mân mê lên khung hình của Khuê đặt trên bàn viết , rồi nhìn lên bức ảnh của Trân treo trên tường. Bà có vẻ sốt ruột chờ đợi Trân, vì từ sáng Trân đến Quân Vụ Thị Trấn để nhận nhiệm sở sau hơn chín tháng ở quân trường với cấp bậc chuẩn úy trù bị.

 

Bất ngờ, có tiếng điện thoại reo, bà Ngọc quay lại nhấc máy:

- Vâng ! Tôi nghe đây! … Con đó há?… Sao giờ này mà con chưa về nhà? Con nói gì? … Con sắp phải ra phi trường để đi đâu ? …Con bị điều động tăng cường cho mặt trận ngay? …Con có biết con đang bị đẩy vào chỗ chết không? Sự ngông cuồng, ảo tưởng của con đã biến con thành cái bia đỡ đạn mất rồi …Không lý nào con mới mãn khóa mà chúng lại đưa con ra mặt trận ngay? Thật phi lý, mẹ đã tốn kém chạy chọt để con được về văn phòng rồi mà!… Con phải trốn về đây với mẹ bằng bất cứ giá nào … Mẹ không thể sống được nếu mất con… Trân! Hãy đợi mẹ nói hết đã…

Bà thẫn thờ buông điện thoại xuống, bà không sao ngăn được những giọt nước mắt đang ứa ra trên khóe mắt bà. Trời Sài Gòn mùa này nóng bức, nhưng đôi vai bà run lên bần bật. Bà hiểu tình hình chiến sự mỗi ngày mỗi khốc liệt. Con trai bà đang bị thẩy vào chảo lửa. Bà cảm thấy đau đớn và hoang mang. Liệu con trai của bà có thoát ra khỏi cuộc chiến đã gần đến ngày lụi tàn không? Bà không biết mình sẽ làm gì, khi chồng và con trai đứng ở hai chiến tuyến. Bà lo sợ cái ngày mà hai người đàn ông thân yêu nhất của bà cầm súng bắn thẳng vào nhau. Bà linh cảm cái ngày không mong đợi đó như đang đến gần, đến thật gần. Bà muốn xua đuổi, muốn chạy trốn, nhưng nó như một con quái vật đanh ác luôn muốn tiếp cận với bà, muốn quấn chặt lấy bà.

 

Bà thầm nghĩ , nếu có Thượng đế thì Thượng đế thật bất công. Người đã ban phát cho đàn ông cái quyền được chọn lựa, còn phụ nữ như bà hình như rất ít cơ hội được chọn lựa hay không được quyền chọn lựa, mà chỉ được chờ đợi. Và đau đớn biết bao khi bà nhận thức mình chỉ biết chờ đợi những điều quá riêng tư và nhỏ bé, lại không nằm trong tầm tay, trong khi lịch sử vẫn như những trận cuồng phong đang xô dạt tới.

Bỗng có tiếng chó sủa ở cổng. Tiếng bước chân ai đó đi vào sân. Bà Ngọc lo lắng chờ đợi.

Bà Ngọc bước ra phòng khách và lên tiếng hỏi:

- Ai đó lại đến vào giờ này?

Trước mặt bà, cô giúp việc bước vào với một người thanh niên lạ mặt.

- Xin lỗi , tôi muốn được gặp bà Ngọc ?

- Sao đêm hôm khuya khoắt …

Người thanh niên nhìn bà một cách cung kính:

- Tôi muốn gặp riêng bà. Tôi có một tin quan trọng muốn thưa..

Bà Ngọc nhìn người thanh niên gật đầu , rồi đưa mắt ra dấu cho cô giúp việc. Người thanh niên đợi cho cô giúp việc lui ra nhà sau rồi mới quay lại trao cho bà một cái hộp gói giấy.

- Bà có thể mở ra để biết người gửi là ai? Ông nhà đã tìm bà rất nhiều năm , nhưng bà đã thay đổi chỗ ở …

Ngực bà như nghẽn lại:

- Anh muốn nói nhà tôi? … Vâng, tôi đã chuyển vào Sài Gòn để được gần con trai tôi.

Vừa nói bà Ngọc vừa run run mở những lớp giấy bọc ngoài, khi chiếc hộp lộ ra thì trái tim bà tưởng như ngừng đập. Chỉ cần nhìn chiếc hộp bà biết ngay bên trong là vật gì, nó không xa lạ đối với bà, nó chính là chiếc hộp đựng kỷ vật bà tặng chồng trước khi chia tay. Bà cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình, đưa mắt nhìn người khách lạ.

- Cám ơn Trời Phật đã phù hộ cho chồng tôi. Không biết chồng tôi bây giờ ở đâu?

- Đồng chí Trường Sơn đang thi hành công vụ. Nếu bà muốn liên lạc, xin cứ chuẩn bị, tối ngày kia tôi sẽ quay trở lại. Bây giờ tôi phải đi!

Bà Ngọc hụt hẫng:

- Anh muốn nói đồng chí Trường Sơn là ai?

Người liên lạc nhìn bà bỡ ngỡ:

- Bà không biết đó là bí danh của ông nhà?

Mặt của bà Ngọc như co rúm lại, rất nhanh bà hiểu lý do tại sao chuyến đi Hà Nội tìm chồng gần hai mươi năm trước của bà đã không kết quả. Bà gật đầu:

- Gần 30 năm…Tôi mới nghe lần đầu!

Người liên lạc cố gắng giải thích:

- Vì bảo vệ an toàn cho gia đình, nên đồng chí đã dùng bí danh!

Bà Ngọc gật đầu:

- Tôi hiểu, chỉ có điều…

Người liên lạc cúi chào:

- Tôi xin phép!

Bà Ngọc hấp tấp đưa tay ngăn:

- Xin hãy thư thả!

Người liên lạc lắc đầu:

- Hẹn gặp lại !

Nói dứt câu, người liên lạc đã lách ra khỏi cửa, biến mất vào trong bóng đêm. Còn một mình, bà Ngọc cầm lấy chiếc hộp mở nắp ra, bên trong là một cuộn tóc được cột bằng một dải nơ màu tím và một lá thư. Bà run run mở lá thư ra, nét chữ thân thuộc, nhưng có vẻ rắn rỏi, hai mươi bảy năm rồi còn gì.

Trước khi đọc thư, bà ngước nhìn tấm lịch trên tường. Hôm nay, ngày 26.3.1969.

Bà sửa lại cặp kính, mắt chăm chú nhìn vào trang thư, như nuốt từng chữ một:

 

Ngày 9 tháng 3 năm 1969

Ngọc quý yêu,

Đã rất nhiều lần anh tìm cách liên lạc với mình, nhưng không được. Anh đã có lần ghé qua Huế, anh về thăm mình ở căn nhà cũ, nhưng được biết mình đã chuyển đi nơi khác .

Trước đó, anh cũng nhiều lần tìm cách liên lạc nhưng không được. Anh nhớ, sau hiệp định Genève là thời điểm thuận lợi nhất để có thể bắt liên lạc với mình thì bất ngờ, trước đó một tháng, anh được lệnh ra nước ngoài học, mất hơn sáu năm dài đằng đẵng. Đó là khoảng thời gian anh hoàn toàn mù tịt về mình. Anh đã luôn luôn sống trong tâm trạng nhớ thương và gần như tuyệt vọng.

 

Hãy tha thứ cho anh vì đã lỗi hẹn, nhưng anh tin mình hiểu trong trái tim anh không phút giây nào vắng bóng mình, người vợ đáng yêu và thủy chung của anh.

Thật sự trong lòng anh hiện tại, chỉ có một nguyện vọng duy nhất là mong sớm hòa bình để gia đình chúng ta được đoàn tụ.

Không biết con của chúng ta thế nào? Trai hay gái? Chắc đã lớn lắm rồi, không biết đã lập gia đình chưa?

 

Mình biết không? Anh vừa được điều động vào chiến trường Tây nguyên mấy tháng nay.

Ước gì có mình trước mặt để anh được nhắc lại điều anh từng nói:" Anh yêu mình hơn bất cứ ai trên cuộc đời này”.

Chồng của mình,

Khuê,

 

Ba cảm động mân mê lá thư trong tay một lát, rồi áp lá thư lên ngực, áp thật chặt như sợ có kẻ cướp mất, và nước mắt bà chảy tràn trên má, những giọt nước mắt hạnh phúc quá hiếm hoi trong cuộc đời bà. Hình ảnh buổi tối hai mươi bảy năm trước trên sân ga tiễn chồng như sống dậy thật mãnh liệt trong trí óc bà, trong phút giây, bà có cảm giác như hơi ấm trong lòng bàn tay chồng đang chuyền qua trên từng mạch máu của bà…Và, nhất là đôi mắt của chồng khi ló đầu ra khỏi tàu quay nhìn bà chạy theo, đôi mắt chừng như nói lên tình yêu, nỗi đau dành cho bà trong tận cùng đáy lòng …mà hình như bà chưa bao giờ nguôi quên. Chính đôi mắt đó đã nuôi dưỡng tình yêu, lòng thủy chung của bà đến tận hôm nay trước bao khát thèm, cám dỗ đối với một thiếu phụ trẻ đẹp xông xáo giữa chợ đời.

 

Một ý nghĩ thoáng qua rất nhanh trong đầu. Bà ngờ ngợ như mình đã quên đi một chi tiết trên lá thư, một chi tiết vô cùng quan trọng khi lần đầu đọc nó. Bà hốt hoảng mở lá thư của chồng ra một lần nữa. Gần cuối trang thư, từng chữ một, rõ nét trước mắt bà không thể lầm lẫn được:’’ Mình biết không? Anh vừa được điều động vào chiến trường Tây Nguyên mấy tháng nay “. run rẩy như một ngọn đèn trước gió, để rơi lá thư trong tay, kêu lên thảng thốt:

- Trời Phật ơi! Cha con họ giết nhau mất !

 

25.10.2001

Sâm Thương
Số lần đọc: 3000
Ngày đăng: 23.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hai lần khóc... - Nguyễn Nguyên An
Mưa đêm - Hội An
Ngôi nhà ma - Nguyễn Khắc Phước
Phận gái - Đậu Nữ Vệ
Đứa con trên cát - Nguyễn Minh Phúc
Cái cối xay dưới đồng bằng - Y Uyên
Chiếc mõ dâu - Minh Nguyễn
Bàn tay trái của Thượng Đế - Sâm Thương
Nợ Thiên đường - Minh Thuỳ
Bốn Biển Là Nhà - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)