Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
530
116.537.084
 
The Snow White And The Seven Dwarfs, Giấc Mơ Tuổi Thơ
Sâm Thương

 

Vào năm 1916, Walter Disney lúc đó còn là một cậu bé mới 15 tuổi. Ông sinh ngày 2.12.1901 tại Chicago. Nhưng chỉ mấy năm sau , khi rời  Chicago chuyển đến tiểu bang Kansas, Walter Disney cũng chưa hề biết điện ảnh là gì.. Thế rồi…  một  nàng công chúa câm xuất hiện lên màn ảnh trắng đen trong một phòng chiếu tối thui.

 

Một cú sốc về mặt cảm xúc đối với cậu thiếu niên mà tuổi thơ có thể nói là khá ảm đạm. Disney có 5 anh em, tuy đủ cha mẹ, nhưng cuộc sống của gia đình ông rất nghèo. Disney cùng với anh trai đảm nhiệm việc bỏ báo hàng ngày cho các gia đình trong thành phố. Ngoài công việc, Disney còn thú đam mê là rất thích vẽ và xem phim. Nỗi mơ ước được trở thành một người làm phim đã bắt đầu hình thành trong trí óc của cậu bé giàu nghị lực đó.

 

Cha ông, Elias Disney, tuy rất yêu con, nhưng lại là một người có tính khí nóng nảy và nghiêm khắc. Mới 10 tuổi, Disney đã phải làm việc rất cực nhọc, bất chấp mưa gió. Nhưng nếu lỡ sai phạm điều gì, như lấy than vẽ bậy trên tường, thì bị cha nhốt vào hầm đá, và đánh đập hết sức tàn nhẫn.

 

 

Khi cha ông đổi nghề, hùn vốn với một xưởng làm mứt, Disney vừa đúng 14 tuổi, đã trở thành một thiếu niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn…Một hôm vì lỡ sai phạm, ông lại bị nhốt dưới hầm đá và bị cha đánh. Nhưng lần này, thay vì cắn răng nhận chịu, ông đã giữ lấy tay cha, và ngước mắt nhìn cha nói: “Con hiểu là con có lỗi, nhưng cách cha đối xử với con như thế này là không phải. Con nghĩ là cha phải biết yêu thương con. Con gần như là một đứa trẻ không có tuổi thơ!”. Cử chỉ và lời nói của Disney đã làm cha tỉnh ngộ, ông ôm chặt lấy Disney khóc và từ đó không bao giờ dùng roi vọt đánh đập con nữa.

 

Ngưng bỏ báo, Disney lại bán nước ngọt lưu động trên tuyến đường xe hỏa Santafe. Đồng thời, Disney ghi tên theo học lớp phóng họa (caricature) tại Viện Mỹ thuật Kansas, và ước mơ đến với nghệ thuật điện ảnh bằng chính khả năng hội họa của mình đã thực sự hình thành và chuyển hướng rõ rệt trong ý thức của Disney. Một phần vì năng khiếu sẵn có, phần khác, ông đã được xem những bộ phim hoạt hình ngắn của Emile Cohl (Emile Courtet) v.v…

 

Một chiều tối mùa xuân năm 1934, Walt Disney tập hợp tất cả các họa sĩ trong xưởng phim  để trình bày dự án của mình. Trong hai tiếng đồng hồ ông trình bày chi tiết nào là về bà hoàng đẹp nhưng ác độc-bà phù thủy, bảy chú lùn, cây và những cánh rừng, nhất là nàng Bạch Tuyết vừa hát vừa vặn vẹo hai bàn tay với giọng ca của Yvonne Printemps:”Một ngày nào đó, chàng hoàng tử của ta sẽ đến…” Mọi người đều sửng sốt, và có phần lo ngại. Chính Ken Aderson, một cộng sự của Disney đã kể lại cái đêm của năm 1934 đầy lịch sử đó như sau: “Trong bốn tiếng đồng hồ, Walt đã kể lại cho chúng tôi câu chuyện nàng  Bạch Tuyết và Bảy Chú lùn. Nhưng ông không chỉ kể mà còn tự mình diễn cho từng nhân vật. Sau khi kể xong, Disney bảo với tôi rằng đó là bộ phim mà xưởng định thực hiện. Đối với chúng tôi đây là một chuyện chấn động, bởi vì chúng tôi hiểu rõ quay một bộ phim hoạt hình dài sẽ khó khăn đến như thế nào”.

 

Nếu chấp nhận cái kết cục đó, liệu cả người lớn và trẻ  em có muốn ngồi đến một giờ rưỡi trước một phim hoạt hình không? Khó mà chắc chắn rằng họ sẽ không tạo nên một thiên truyện khá nhạt nhẽo. Thế nhưng Walt Disney đã thuyết phục họ và quả nhiên ông đã đúng. Thế là mọi người trong xưởng phim lao vào làm việc tạo ra khuôn mặt nàng Bạch Tuyết có cặp mắt tuyệt vời mà kho tư liệu của Disney ở Glendale đang lưu giữ  những phác thảo chưa hề đưa ra cho công chúng. Ông đã làm việc cật lực với 750 nghệ sĩ, bắt họ vẽ lại nét này, bổ sung những cảnh kia. Đấy như là một đàn ong cần mẫn, vẽ ra đến 250.000 bản. Trong đó nàng Bạch Tuyết mang một khuôn mặt bất tử, mang những dáng vẻ khác nhau, vừa như Betty Boop lại vừa giống Shireley Temple, những ngôi sao nhí của thời kỳ đó. Công việc quá tốn kém, Disney phải vác gậy làm hành khất đi gõ cửa Wall Street nhờ trợ giúp và giới thiệu những hình ảnh đầu tiên cho họ xem tại rạp Radio City của New York và được nơi này chọn chiếu bộ phim khi nó hoàn thành. Trong phòng chiếu khi ánh neon bật sáng trở lại, ông chủ hãng đứng lên, quay lại nói với Walt Disney:” Walt, tôi tin rằng bộ phim này sẽ tạo ra một núi đô la.”

 


Ở Hollywood, dư  luận bắt đầu mỉa mai dự án của Walt Disney và họ cho ông là một người không tưởng. Vì dự án không chỉ tốn kém  mà sợ không đủ sức thu hút khán giả. Nhưng Disney vẫn quyết tâm theo đuổi mục đích của mình với toàn bộ sản nghiệp mà ông có được. Ngân sách được dự trù là 250.000 đô la, với sự tham dự của 750 nghệ sĩ  trong đó có 32 họa sĩ hoạt hình, 102 họa sĩ hoạt hình đặc biệt và 158 họa sĩ tô màu, 83 nhạc sĩ viết nhạc cho phim. nghệ sĩ giúp việc. Trong số này có những người rất nổi tiếng như Ollie Johnson, Frank Thomas, Lee Clark, Ub Iwersk, Fred Spencer, Eric Larson, v.v…tác giả của rất nhiều phim và sách về nghệ thuật phim hoạt hình. Có những người cộng tác với ông cho đến cuối đời. Ngoài ra còn có  bà Disney, trước kia là cô Lilian Bounds, nữ thư ký độc nhất của ông từ thời lương 15 đô la một tuần. Họ cưới nhau từ năm 1925, và cho đến khi ông từ giã cuộc đời, thì họ vẫn sống trọn vẹn cho nhau.

 

Toàn bộ bộ phim gồm 250.000 bức hình (theo tốc độ 24 hình một giấy), nhưng thực tế là trong quá trình sản xuất, phải vẽ ít nhất một triệu bức hình. Bộ phim đã hoàn thành sau ba năm, và đã ngốn hết 1 triệu rưỡi đô la – một số tiền quá lớn vào thời kỳ đó – đến độ vì thiếu tiền Disney buộc phải cầm nợ xưởng phim của mình, và vào giai đoạn cuối, ông đã phải đề nghị những người cộng tác làm việc cả ngày lẫn đêm, kể cả chủ nhật, mà tạm thời không lãnh tiền phụ trội.

 

Ngày 21.12.1937 sau khi bộ phim The Snow White and The Seven Dwarfs được trình chiếu, cả thành phố Los Angeles như một cơn bão cuốn, với sự hưởng ứng của khán giả một cách nồng nhiệt chưa từng thấy đối với phim hoạt hình. Sau đó, bộ phim được trao tặng giải thưởng Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ năm 1938 cùng với 7 bức tượng nhỏ do nữ tài tử Shirley Temple, lúc đó mới 9 tuổi trao cho Walt Disney. Mặt khác, chỉ trong một thời gian ngắn, bộ phim Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn đã thu được 8 triệu rưỡi đô la. Đến nay, số tiền thu được có tới 400 triệu đô la. Bộ phim đến nay đã được lồng 20 thứ tiếng, được in lại vào những năm 1944, 1952, 1958, 1967, 1983 và 1987. Và bao giờ, ở đây Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn cũng có sức hút các thế hệ khán giả thiếu nhi và người lớn khắp nơi trên thế giới..

 

Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn không chỉ để thể hiện tình yêu thương chân thành của Walt Disney như ông có lần bày tỏ với vợ ông , khi bà quá lo lắng cho sức khỏe của ông: “Em đừng quên rằng các trẻ em đang rất cần đến niềm vui mà chúng ta gửi đến cho chúng. Chúng cần rất nhiều, mà chúng ta thì chẳng làm được bao nhiêu, trong khi những kẻ nhẫn tâm làm trẻ em đau khổ lại còn nhiều hơn…”. Ở mỗi tác phẩm của ông mỗi nhân vật hư cấu ra đời đều xuất phát từ căn bản những gì rất thật trong cuộc sống, các nhân vật của ông rất người, với tất cả những ưu khuyết điểm, cách suy tư vận hành yêu ghét phù hợp với tâm sinh lý của con người. Và không chỉ với Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, có thể khẳng định rằng mỗi một tác phẩm mang nhãn hiệu Walt Disney Productions không hề nắn tạo ra những nhân vật quái đản hay thần bí, nhưng lại cũng không chỉ bảo đảm tính giáo dục, mà còn khơi dậy trí tưởng tượng phong phú cho trẻ thơ, và cả sự say mê thích thú của người lớn tuổi.

 

Đúng là ông ta đã nhận định một cách chính xác,ba năm sau nhát bút vẽ đầu tiên, ngày 21.12.1937 tại rạp Cathay Cirle nổi tiếng, cả Los Angeles chen nhau để vào xem buổi chiếu trình làng phim Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, gồm có Charles Chaplin, Judy Garland. Charles Laughton và Marlene Dietrich, John Barymore và cả Louella Parson nghiêm khắc cũng có mặt, hân hoan trước sự thành công của bộ phim ở giai đoạn mà các xưởng phim đang ngắc ngoải. Vào tháng hai năm 1938, moät giaûi Oscar môùi ñaëc biet trao cho Walt Disney với tác phẩm bậc thầy này cho ông mà người trao là  Shirley Temple, một nàng công chúa nữa. Với ghi nhận:” Sự đổi mới có ý nghĩa về điện ảnh đã thu hút hàng triệu người và mở đường cho một loạt hình giải trí mới trong phim hoạt hình”.

 

Thành công của Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn đã mở đường cho những bộ phim truyện dài hoạt hình khác của Walt Disney như Pinocchio (1940), Fantasia (1941), Bambi (1942), Cô Bé Lọ Lem (1950), Người Đẹp Ngủ Trong Rừng (1959) v.v…

 

Tôi còn nhớ khi mới 8, 9 tuổi, lần đầu tiên tôi được xem bộ phim nổi tiếng này, cái thế giới thần tiên của phim đã không chỉ làm tươi vui cho tâm hồn trẻ thơ của tôi, một trong hàng triệu đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Thế giới đó còn là nỗi khát khao tưởng như không bao giờ tắt đối với tôi. Và hình ảnh về người cha đẻ ra bộ phim tiền phong, và rất nhiều bộ phim hoạt hình khác, đạo diễn Walt Disney, đối với tôi, vẫn còn là một cái gì đó bí ẩn, khó thể giải thích được.

 

Ngày 15.12.1966, Disney đột ngột qua đời tại bệnh viện Saint Joseph ở ngay trong giải trí đường Disneyland, để lại một bộ phim hoàn thành Mowgli, Người Sói, dựa theo tác phẩm của nhà văn hào Rudyard Kipling, dự án xây cất Disneyworld tại bờ biển Flodia, và rất nhiều dự án làm phim dang dở khác.

 

Niềm hối tiếc của tôi về cái chết của Walt Disney càng sâu sắc hơn khi tôi nhớ lại tuổi thơ của tôi trong chiến tranh, nghĩ tới hằng triệu trẻ  em khác hiện đang sống giữa những điểm nóng của chiến tranh khắp nơi trên trái đất. Walt Disney không chỉ là một thiên tài, một nghệ sĩ chân chính, mà ông còn lớn lao hơn ở chỗ trái tim ông hoàn toàn hiến dâng cho trẻ  thơ. Ông  là người bạn thật sự đáng tin cậy của tuổi thơ- hơn bất cứ ai mà tôi được biết./.


 

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 2979
Ngày đăng: 09.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phim chuyển thể văn học: một chút tâm sự - Anh Dũng
Xem phim Người nông dân nổi dậy, ngẫm công lý và một nền tư pháp trong sạch - Anh Dũng
Jacquou, người nông dân nổi dậy - từ tiểu thuyết đến phim - Hà Anh
Phim Có Thể Là Một Áng Văn Học Không ? - Vũ Ngọc Anh
Chuyến Xe Mang Tên Dục Vọng - Sâm Thương
Công Dân Kane: Số Phận Con Người - Sâm Thương
Kẻ Ăn Cắp Xe Đạp - Sâm Thương
James Dean: đại biểu của thế hệ lạc lõng - Sâm Thương
Ra mắt Tập Phim Những bông hoa tôi - Nhiều Tác Giả
Sâm Thương, Một thuở đam mê, một thời yêu dấu - Nhiều Tác Giả
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)