Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
643
116.773.051
 
Vợ trời đánh
Nguyễn Sinh

Ở xóm Giếng này, dường như người ta đã quên biệt đi hắn có cái tên thật là Nguyễn Phú Cường. Thay cho cái tên mạnh mẽ đó, họ thường gọi hắn là Võ Đại Lang. Không phải không có lý do, vì hắn vốn là người… sợ vợ thái quá. Hình như từ 10 năm qua, sau khi Cường lấy Thị Hoa – vợ hắn bây giờ – nhất nhất Cường tuân thủ câu nói ông bà ta xưa “nhứt vợ, nhì trời”.

 

Người đời cũng hay ngâm nga: “Dạy con dạy lúc còn thơ. Dạy vợ dạy lúc ban sơ mới về”. Chính vì khi Thị Hoa bước chân vào nhà làm người bạn đời của hắn, có lẽ Cường đã quên… dạy? Mà đúng ra, bộ vó của hắn sẽ dạy dỗ được ai? Cường xuất thân từ một gia đình nghèo. Cái nghèo đeo đẳng tới lúc Cường lớn khôn. Song được cái Cường hay lam, hay làm. Mẹ Cường lúc còn sống làm nghề bán xôi, chè nuôi hắn trong căn nhà lá đơn sơ này. Cường theo chân bạn bè làm củi trên rừng và tình cờ quen được Thị Hoa. Con nhỏ này cũng thiệt khôn. Nó vốn là dân tứ cố vô thân. Cũng đồng cảnh làm rừng nhưng trước khi đồng ý theo Cường về nhà y làm vợ, nó đã nói:

– Mai mốt làm vợ anh, anh hổng có được ăn hiếp tui đó à nghen!

 

Nghe thế Cường chỉ biết cười vã lã. Cái số nghèo mạt rệp như nó mà kiếm được cô vợ cũng trắng trẻo, xinh xắn thế là đã quý hóa lắm rồi:

– Ừa, tui sẽ hổng có ăn hiếp em đâu!

– Anh thề đi!

– Thề trời đánh đó!

 

Cuộc giao hẹn thế là xong. Đám cưới diễn ra cũng gọn ghẻ đơn giản. Một bên mẹ con người bán xôi, một bên có bố nuôi Thị Hoa đại diện. Mười năm mới đó đã qua đi mau tắp lự. Vậy mà họ không hề có được mụn con nào. Cường hiểu nguyên nhân do mình, vì căn bệnh riêng tư, bởi vậy anh càng e dè, mặc cảm với người đời, ngay cả với vợ. Nếu như với kẻ khác, bệnh bất lực khiến họ chán nản với cuộc sống, riêng Cường, anh càng ra sức làm lụng cật lực để mang niềm hạnh phúc khác ngoài sự ái ân cho Thị Hoa. Lúc sau này, anh còn làm thêm cái nghề đi cắt tóc dạo, chiều về được bao nhiêu đưa hết cho vợ, chẳng tơ hào đồng xu, cắc bạc rồi xoay sang xách nước, giặt giũ, quét nhà, sửa sang các thứ. Thị Hoa chỉ ngồi trông chừng hàng đồ nhậu lai rai, cũng do Cường bỏ vốn ra cho Thị Hoa ngồi bán lúc rảnh rỗi ở nhà. Đó là cuộc sống, còn trong quan hệ, anh giữ lời hứa với Thị Hoa chắc như đinh đóng cột lim trước khi thị là vợ anh, có cãi nhau, hay gặp sự cắng đắng mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, Cường luôn chấp nhận mình là người thua thiệt, nhún nhường. Cái tên Võ Đại Lang người ta gán cho anh từ dạo đó. Thị Hoa biết Cường rất yêu cô, nên ngày càng làm tới. Và một bận, vì chuyện tiền nong, hai người gây gổ nhau. Thị Hoa đã ném cả cái bát vào mặt Cường đến gãy mất hai cái răng. Anh đã ngậm tăm, tự đi pha nước muối súc miệng, tự coi mình là người tạo ra mâu thuẫn, lỗi lầm. Có người không chịu được cảnh Thị Hoa đối xử với chồng, khuyên rằng:

– Mày cứ để cho con vợ mày làm tới riết mà chịu đựng được mãi sao?

 

Võ Đại Lang chỉ cười cười và nói nước đôi:

– Mấy ông đâu biết chuyện gia đình tôi… Với lại, “một câu nhịn chín câu lành”. Vợ mình chứ… phải vợ ai đâu mà tính chuyện hơn thua!

– Nhưng càng ngày, tao thấy nó càng muốn trèo lên đầu, lên cổ mày đấy!

 

Tới mấy đứa nhóc trong xóm, nghe cha mẹ chúng nói về Cường, cũng đâm nhờn mặt anh, gặp Cường len lỏi vô xóm cắt tóc cho ông già, trẻ nít, là chúng xúm nhau “lêu lêu”, chu chéo:

– Ê, Võ Đại Lang, thằng cha Võ Đại Lang…!

Cường cũng im re, chẳng giận hờn gì, anh suy nghĩ trong bụng:

– Võ Đại Lang thì… Võ Đại Lang, nào đã có sao?

 

*

Cũng ở xóm Giếng này, cách nhà vợ chồng Võ Đại Lang có anh Sáu Sóc, trạc tuổi 40. Sáu Sóc có vợ và hai con, nay hai đứa lớn nom ra cũng phải 18, 19 đều theo cha hành nghề phụ hồ. Vợ Sáu Sóc ly dị y từ lâu, bởi Sáu Sóc suốt ngày cứ sau nghề cầm bay, cầm thước là xoay qua đi uống rượu triền miên, tiền của bao nhiêu cũng đút hết cho ông thần ve chai, chẳng còn gì, nói mãi vẫn không nghe. Đã năm mấy nay rồi, cô vợ Sáu Sóc “một đi không thấy trở lại”. Thói thường, khi cái gì ở trong tay người ta hay xem chẳng quý giá, mà mất đi rồi mới thấy tiếc rẻ. Bởi vậy sau khi vợ quảy gói ra đi, Sáu Sóc càng buồn, và khi buồn, y càng uống rượu tợn. Nơi Sáu Sóc thường lui tới, là quán cóc lề đường của vợ Võ Đại Lang. Có một bận, Sáu Sóc ngà ngà say, trong quán cóc chẳng có ai ngoài y và Thị Hoa, Sáu Sóc vờ đùa như sau:

– Hổng biết cái thằng Võ Đại Lang ăn ở với cô Tư đây ra sao mà lâu lắm hổng thấy “kết quả đơm hoa” gì ráo trọi ha?

 

Nếu trường hợp kẻ khác, chắc người ta sẽ trả lời đẩy đưa qua chuyện, đằng này, nghe hỏi vậy, Thị Hoa lại nhìn Sáu Sóc với ánh mắt lúng liếng, mà rằng:

– Thằng chả hả? Chả “dzỏm” lắm anh ơi, ai mà biết đâu nè…

 

Sáu Sóc hấp háy mắt, nhìn Thị Hoa cười cười. Trong đầu hai người có trời mới biết họ đang suy nghĩ gì! Không có lửa thì không có khói. Ngày một chút, tán qua tán lại miết mà “dính” thật. Có người tọc mạch chuyện này với Võ Đại Lang:

– Ê, Võ Đại Lang, tao xem chừng độ rày khứa Sáu Sóc có tình ý với vợ mầy đó nghen!

 

Thằng Sáu tới nhậu hoài, thấy nó có nhiều cử chỉ kỳ khôi lắm!

Biết gì đâu, nhưng Võ Đại Lang cứ gân cổ cãi:

– Hổng có gì đâu, vợ cháu, cháu biết tính nó mà. Nó vui vẻ thế thôi, buôn bán phải vậy chớ bác!

 

Người ta nói cách nào, Võ Đại Lang cũng không ưng bụng. Có người rủa xả: “Đúng là thứ đồ… Võ Đại Lang”. Mặc ai nói ngả nói nghiêng, “nhà họ Võ” cứ chăm chỉ với công việc riêng mình, phụng sự cho… vợ. Tới một hôm, đó là ngày chủ nhật, Võ Đại Lang về sớm hơn thường lệ, tới nhà thấy cửa khép hờ. Sáu Sóc nằm ngủ chèo queo trong ấy, Thị Hoa ở đâu cũng ba chân bốn cẳng chạy về. Võ Đại Lang nhìn hai người, vẻ hơi thắc mắc, Thị Hoa nói liền:

– Anh Sáu ảnh nhậu ở đâu “xỉn” quá về ghé ngang đây, chỗ xóm giềng, tui cho ảnh ngủ nhờ. Mới sang nhà ảnh kêu mấy đứa nhỏ qua dìu ba nó về đó.

 

Quả nhiên, chừng mươi phút, Võ Đại Lang thấy hai thằng con trai Sáu Sóc chạy sang, Sáu Sóc được chúng đỡ đi, ít ai nhìn thấy y đang he hé mắt nhìn Thị Hoa, miệng cười tủm tỉm. Mặt Thị Hoa đỏ lựng, giả vờ cúi xuống đảo nồi hột vịt lộn bán buổi chiều. Võ Đại Lang vẫn không nghi ngại điều gì. Chuyện xảy ra giữa hai người trước khi “Võ” về chừng hai mươi phút, xem như đầu xuôi đuôi lọt. Anh chàng “nhà họ Võ” bị vợ cắm cho chiếc sừng tổ bố, mà vì quá yêu quý vợ, nói gì cũng tin, nào hay biết chi đâu? Chỉ có Thị Hoa e ngại:

– Rủi nhỡ mình có… bầu với thằng cha Sáu thì nói sao đây nhỉ, mà… chắc không sao đâu, có một… lần mà nhằm nhè gì…

 

Đúng là lần đầu tiên sau gần hơn chục năm làm vợ, Thị Hoa mới cảm thấy thích thú khi gần… đàn ông, có đâu như cha Võ Đại Lang, lúc nào cũng ỉu xỉu, ìu xìu, có chồng thế cũng như không, rõ chán chết!

 

…Trời đổ cơn giông bất chợt, Võ Đại Lang phải dừng xe đạp trẩy thùng đồ nghề cắt tóc, trú tạm mái hiên ngôi nhà đầu xóm. Mưa thật lớn, sét đánh ầm ỳ. Cả giờ đồng hồ sau mới tạm bớt hột, Võ toan đạp xe đi, mấy đứa nhỏ lối xóm ở đâu chạy túa tới, giọng hốt hoảng, có đứa lắc đầu le lưỡi:

– Chú Võ ở đây, không biết gì hết hả? Cô Tư vợ chú bị sét đánh trúng, chết cháy đen thui rồi!

Võ Đại Lang hồn kinh hỏi lại ngay:

– Trời, có chuyện đó thiệt hả? Sét đánh ở đâu?

– Ngay dưới gốc me lớn nhất xóm mình. Cổ đi đâu về, mắc mưa đứng trú ở đó, bị sét đánh trúng…Nghe cái ầm! Người ta bu lại xem thì hoá ra chính là cổ…

 

Võ Đại Lang khóc oà, nháo nhào theo hướng mấy đứa nhỏ, phom phom đạp xe. Tới nơi, Thị Hoa bị sét đánh chết thật, không còn nhận ra hình thù, ngoài chiếc xe đạp bắn ra kề bên.  Đám tang, Võ Đại Lang ngậm ngùi, nức nở. Có cả Sáu Sóc tới thăm. Có người “ác miệng” thì thầm:

– Võ Đại Lang không trị được vợ nó nên trời… trị giùm! Thôi thứ vợ… trời đánh, sống làm gì? Chồng còn sống sờ sờ mà học đòi làm… Phan Kim Liên!

Nguyễn Sinh
Số lần đọc: 2335
Ngày đăng: 23.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ma nhòa - Đặng Thân
Một cuộc tự tử - Ninh Vũ
Người nước Tần - Trương Đạm Thủy
Lá thư bỏ quên - Nguyễn Lệ Uyên
Ngã rẽ(*) - Mang Viên Long
Bối cảnh - Trần Đại Nhật
Người đàn ông đọc thơ - Trương Đạm Thủy
Nghĩa động càn khôn - Trần Hạ Tháp
Tướng cụt đầu - Nguyễn Đình Bổn
Má tôi - Trương Hoàng Minh
Cùng một tác giả
Vợ trời đánh (truyện ngắn)
Đàn bà & rắn độc (truyện ngắn)