Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
817
116.691.507
 
Thị trấn bên kia suối-1
Trần Trung Sáng

Dòng nước róc rách băng ngang các dốc đá lổm chổm của con suối, chảy mãi, như một kẻ dẫn đường vội vả, không hề chờ đợi... Trong các lùm cây rậm rạp, lũ chim ríu rít hót vang tạo nên một khúc hòa tấu triền miên, vui nhộn. Chốc chốc, vài ba con thú nhỏ nô giỡn rượt đuổi nhau qua lại, có lúc lại lăn mình nằm dài trên một phiến đá rộng. Bất chợt, phía bên kia suối, những chòm lá rung rinh chuyển động xào xạc...Bọn thú biến mất. Có tiếng động của những bước chân hối hả lội vào dòng nước.

- Mệt quá trời, chừng bao lâu nữa tới chú Ba?

 

Gã thanh niên vừa hỏi,vừa ném ba lô vào bờ đá,rồi khom người vốc nước tới tấp vuốt vào mặt mình.  Bên cạnh gã, một người đàn ông đứng tuổi, tóc hoa râm, mặt có nhiều nếp nhăn, oai nghiêm nhưng nhân hậu,cũng chậm rãi làm những động tác tương tự . Ông nói:

- Đã dặn rồi, thư sinh như chú mi thì theo tụi tau không nổi đâu (!)

- Tui nóng ruôt mà hỏi rứa , chớ chú đừng tưởng tui ngán.

Cả hai cùng ngồi xuống phiến đá, gã thanh niên châm thuốc hút, người đàn ông với tay lấy ống thuốc lào trong ba lô.

- Tau chỉ thích thứ ni.

Trong lúc ông ta nằm ngữa người mơ màng theo khói thuốc lào, gã thanh niên nhìn đăm đăm vào những viên sỏi nhỏ trong lòng suối, lặng lẽ lùa vào lòng tay một nhúm đất bùn lộn xộn. Gã băn khoăn hỏi :

- Chú Ba ơi, mần răng biết trong ni có vàng hay không?

 

Người đàn ông lim dim mắt.

- Đừng nóng nảy, rồi chú mi sẽ biết hết . Bây chừ  chỉ có tụi tau rờ tay chỗ mô thì chỗ đó lòi ra vàng, còn như tụi bay, có phá hết bao nhiêu ngọn núi trên ni cũng chẵng thây con c... chi mô!

Gã thanh niên không hỏi nữa. Gã đi ngược lại dòng suối, dăm ba bước lại đưa tay moi móc các hòn đá. Được một quãng dài, gã nghe từ xa vọng lại tiếng cười khúc khích. Không nhịn được tò mò, gã thận trọng nép người vào một lùm cây rậm, chờ đợi... Trước mắt gã, một nhóm thiếu nữ Cơ-tu đang đặt các gùi hàng tựa kề các bờ đá. Lần lượt, họ vừa chuyện trò, đùa giỡn vừa lội ra giữa dòng suối. Chợt một cô hụp người xuống, tung nước vào người những cô trên bờ. Thế là thoắt chốc tất cả đều trầm mình vào nước...

 

Những múi tóc xoã tung. Những cánh tay trần. Những vồng ngực khoẻ khoắn. Những đường cong hoang dã... Tất cả nét đẹp diệu kỳ của tạo hóa thấp thoáng phơi bày sau những làn vải mong manh, ít ỏi, phập phồng trong làn nước. Gã thanh niên móc vội chiếc máy ảnh nhỏ nhắn trong túi, thận trọng bước thêm mấy bước tìm một chổ đứng thuận lợi hơn. Gã bấm máy liên tục...

 

Hơi thuốc lào vừa hết chừng làm người đàn ông thiếp đi một vài giây, ông giật mình ngồi dậy rảo mắt nhìn quanh...                   

- Cái thằng khỉ  khô ni, không khéo đi ú ớ lạc mất.

Ông  quờ quạng sờ chiếc ba lô của gã thanh niên đang còn lại lộ vẻ yên tâm, nhưng cũng bước đi dọ dẫm, hướng mắt về phía xa. Được vài bước, thoáng nghe những tiếng cười vui, ông bước vội vã dứt khoát hơn.

- À, lại chớp hình, đã biểu, hắn vẫn không cất cái thứ  chết tiệt đó vô ba lô cho rồi.

Ông rướn người định gọi với đến, nhưng vừa luc ấy, gã thanh niên cũng vừa im ỉm rời bỏ chổ đứng cũ quay về. Gã cười chúm chím.

- Tuyệt vời! mới chụp được mấy bô ảnh hết ý đó chú Ba!

- Tau biết mi chụp những ai rồi! Đó là lối đi riêng của họ. Làm ăn ở trên chỗ ni phải tránh mất lòng họ. Kiểu như  mi thì liệu hồn đó (!)

- Họ có làm ăn mua bán với dân đãi vàng không chú Ba?

- Cũng có chút đỉnh, nhưng họ không phải gắn bó lắm.

Cả hai quay lại phiến đá cũ. Người đàn ông khoát ba lô lên vai nói:                    

- Đường còn xa ,mình đi không khéo tối thì chưa đên nơi.. À, mà tau nhắc lại lần chót, mi phải giú biệt cái máy chớp hình vào đáy ba lô. Lên kia, tụi hắn không ưa mấy cái thứ đó đâu... Lại biết ra mi muốn đi “ thực tế “ này nọ, có khi còn bị đòn, mà tau cũng  bị ảnh hưởng  công việc làm ăn.

Người đàn ông đầy sự  nghiêm khắc trong câu nói. Gã thanh niên ngoan ngoãn mở ba lô, tìm vị trí để cất chiếc máy ảnh. Khuôn mặt người đàn ông dịu dàng trở lại :

- Chú mi yêu nghề dữ thiệt rứa hử? Hay là tự vì tiền, làm một cú phóng sự về dân đãi vàng tui tau mi lãnh tiền xài cả tháng nổi không?

- Đâu có chú Ba, nghề tui có khi bị thâm tiền túi nữa là  khác...

Gã thanh niên khoác xong ba lô. Cả hai cùng đi.

- Nếu rứa, sau cú đi thực tế ni, lỡ ra mi mê nghề đãi vàng, mai mốt chẳng nên thân, đừng có mà oán trách chú Ba...

- Chú nói cứ y như là đọc được ý nghĩ trong đầu tui đó. Chú mà tận tình dìu dắt tui vào nghiệp đãi vàng thì tui biết ơn chú lắm lắm(!)

- Để tau mang tội làm sa ngã người của nhà nước hở?

Cả hai cười xoà. Bóng đêm đang dần đến, nhưng lác đác có những đốm sáng nhỏ xuyên qua các lùm cây cũng đồng nghĩa dấu hiệu đích đến đã gần kề.

 

Trong ánh sáng lập loè từ ngọn đèn gió của lán hàng rượu bia, ăn uống. Chú Ba, gã thanh niên trẻ và một người đàn ông có gương mặt sần sùi đang ngồi quay quần nhấm nháp bên mảnh ván kê tạm bợ. Chú Ba rót rượu từng ly nói:

- Thằng nhỏ ni đây là cháu gọi tau bằng chú, vừa xong đại học không có chuyện chi làm, tau dẫn nó theo. Gọi nó là Trứ. Còn đây là anh Hổ, " bôt " trưởng của tụi mình. Nề, nâng ly mời ảnh chào sân đi Trứ.

- Dạ xin phép được mời anh, mời chú.

Hạ ly rượu, Hổ nhìn thẳng vào mặt Trứ soi mói. Hắn trầm ngâm, gằn từng tiếng một:

- Nơi đâu có luật ở đó. Chú em là cháu của chú Ba thì cũng dễ thôi. Nhưng mai ni kiếm ăn được cũng phải biết điều, không khéo qua " bốt" khác thì gặp toàn bọn đầu gấu, dân tứ xứ ngoài Bắc vô, không dễ  chơi đâu...

Chú Ba xuề xòa :

- Anh nói rứa chớ cứ yên tâm. Ở đây "bốt" Hổ là ngầu nhất. Ở răng cho được lòng ảnh là  chuyện chi cũng êm đẹp hết. Dzô đi, chúc sức khoẻ một ly nữa ...Chỗ tình nghĩa lắm mới đổ rượu, chớ không thèm đổ bia đó.

Hổ gọi:

- Em gái ơi, vài xị nữa... Chà! con nhỏ mới lên coi bộ “ ngon “ quá hở chú Ba?

Hắn vỗ vai, nháy mắt Trứ:

- Mi thấy không, ở đây chẳng thiếu thứ chi. Thích cờ bạc có cờ bạc, thích rượu bia có rượu bia, thích gái có gái...

Chú Ba:

- Xuỵt, con nhỏ là con nhà lành ở thị trấn đó!

Hổ:

- Hừ, lên đây lành cũng thành rách.

Cô gái cầm xị rượu bỏ lên bàn, đột nhiên dừng lại nhìn Trứ nói :

- Í...cái anh mới ni...có phải là phóng viên, chụp hình chi đó...không chú Ba?

Nhanh như chớp, chú Ba cấu nhẹ vào tay cô gái:

- À, hắn là cháu tau ở Đà Nẵng, gia đình hắn có ở gần một tiệm chụp hình. Mà răng mi biết?

 "Bốt" Hổ đang lơ là nghe ngóng một điều gì..., không chú ý chi tiết ấp úng của hai người vừa xảy ra trước mắt. Chợt, hắn ngoái đầu nhìn về phía sau, từ một lán xa, có những tiếng ồn ào khác thường. Mấy lán kế cận cũng trở nên chộn rộn.

- Lại đánh nhau nữa rồi!

Có tiếng gọi hốt hoảng.

- Hổ ơi, hình như nó chém người của "bốt" mình.

- Chết mẹ rồi!

Hổ bỏ ly rượu chạy thật nhanh. Chú Ba ngần ngừ giây lát rồi nói:

- Để tau đên coi đứa mô, mi cứ ngồi đó có ai hỏi nói là người của "bốt" Hổ nghe.

Trứ nhấp nhổm chừng muốn chạy theo chú Ba. Cô gái bán hàng không có dấu hiệu giao động vì sự ồn ào, chộn rộn của các lán trại mà cứ nhìn chằm chặp vào Trứ. Cô nói :

- Kệ họ anh,ở đây đêm mô cũng như đêm nấy!

Trứ ngồi lại xuống ghế. Cô gái đến gần tò mò:

- Em nhớ không lầm : lâu ni anh công tác thường trú chi chi đó...ở huyện phải không?

- Xuỵt, cô ở đâu ra mà nghĩ tôi như rứa?

- Tự anh không để ý. Em ở ngay thị trấn, xóm ngay trước Uỷ Ban. Anh tới làm việc với mấy ổng, em thấy miết...

Trứ thoáng lo âu, rảo mắt nhìn quanh.

- Đã rứa, cô hứa giữ bí mật giùm tôi nghe!

- Em vô tình, chớ biết anh giấu em đã chẳng nhìn. À, mà anh định lên tìm hiểu thực tế về viết báo, đài... hở ?

- Còn cô? Đã lên trên đây lâu chưa?

- Tìm việc làm hoài không được, chán quá, em theo bà chị họ lên đây đã hơn vài tuần, định ở thời gian kiếm ít vốn, mà phức tạp quá sợ theo không nổi!

- Bộ cô chưa hình dung trước cảnh ni à?

-  Răng không (!)... Nhưng chắc em cũng rán chịu thôi. Em phải có tiền, có nhiều tiền thì làm chi mà chẳng được. Em sẽ về thị trấn mở một hiệu may, hoặc khá hơn em sẽ tìm một thành phố lớn. Thời buổi chừ học hành cũng uổng, cứ có nhiều tiền thi ai cũng kính nể.

- Cô quá bi quan! Chẳng lẽ ở thị trấn cô không tìm được một thời cơ nào khác hay răng?

- Ở nhà có mà sốt ruột. Bọn ở xóm em chẳng học hành chi mô, theo dân buôn vàng trầm, lên quần áo, lên xe cộ chẳng coi ai ra ai...

- Cô nghĩ tôi có thể giúp cô một cái chi đó được không?

- Xí..., anh nên lo cho anh đi, kiếm một nghề chi  thực tế hơn, chứ đừng có lý tưởng quá mà lo cho xã hội...

- Cô... lý sự giỏi quá!

Trứ đánh lửa châm thuốc. Gã cầm ly rượu định nốc hết phần còn lại, nhưng một bàn tay nào đó bỗng dưng bịt ngang vành ly. Gã nhìn lên: hai ba tên thanh niên từ đâu bước đến ngồi quanh.

- Ông anh ở đâu đến trông lạ hoắc lạ huơ...hở?

- Tui  là người của "bốt" Hổ mới lên.

- Ơ...ờ..., chắc ông anh là người hồi chiều cùng lên với chú Ba chớ chi?

Một tên xuề xoà :

- Thôi anh em với nhau cả mà. Uống là xong hết...Em gái ơi, đổi sang bia cho tụi anh. Đem ra một thùng để xã giao coi...

Cô gái tự nảy giờ đứng lên lùi dần vào trong, lưỡng lự...Trứ gọi:

- Cô đem thêm bia cho tui đi.

Cô gái đem bia đặt lên bàn,chưa kịp quay lui. Chợt, một trong ba tên quàng ngang vai cô gái níu xuống, hôn " chụt" một cái vào má. Cô gái giẫy nẫy :

-Trời ơi, tui không phải...Tui không làm chuyện đó đâu. Thả tui ra, buông tui ra... Chị Hai ơi,chị Hai...

Tên thanh niên vẫn không buông thả. Hắn hôn tới tấp vào mặt cô gái. Cô gái vùng vẩy làm một cúc áo bật mở, hở một phần da trắng trên ngực. Hai tên thanh niên ngồi cạnh càng cười to hơn. Trứ áy náy lên tiếng :

- Cô em vào bên trong được rồi đó, để tụi tui còn uống bia chớ!

Tên thanh niên dừng tay. Cô gái thoát vào bên trong. Không khí bàn nhậu trở nên câm lặng, ngột ngạt. Trứ mời bia,  không đứa nào cầm ly. Một hồi, tên vừa ôm cô gái cất giọng lạnh lùng:

- Tự răng ông anh đuổi con bé vào?

- Mấy anh chớ hiểu lầm. Ý tôi là muốn anh em mình uống vui vẻ với nhau, chứ có phụ nữ phiền hà.

- Bây giờ yêu cầu ông anh đem con bé ra lại chỗ cũ cho tôi.

Im lặng. Cả bàn không một ai cử động. Chừng vài giây, một đứa trong bọn cầm vỏ một chai bia bỏ vào mồm nhai trệu trạo. Nhả những mãnh thuỷ tinh nát vụn trên đĩa, hắn hất hàm hỏi:

- Có chịu lôi con bé ra không?

Trứ lúng túng, chưa biết ứng xử sao cho phải lẽ thì may mắn vừa lúc "bốt" Hổ và chú Ba trở về. Hổ rảo mắt nhanh một lượt, nói ngay :

- Người mới của "bốt "tau đo, tụi bây định bắt nạt hử?

Chú Ba xẳng giọng :

- Lo mà dzọt lẹ đi cho rồi. Vì cái vụ đâm chém đầu kia mà công an lên tìm cả đám tụi bây đó.

Bọn thanh niên đứng dậy ngần ngừ :

- Ông định hù tụi tui đó hở?

Ở những lán kề cận ,có tiếng chân thậm thịch chạy đuổi đến. Người ngợm khắp nơi xôn xao.

- Công an lên thiệt rồi, chuồn gấp!

- Chuồn tui bây ơi!

Ba tên thanh niên rời lán , biến vào bóng đêm.

 

Dọc theo dòng sông, rãi rác từng nhóm người tụm vào các bụi bờ với đủ thứ loại dụng cụ của dân đãi vàng. Những thứ âm thanh rít hú hỗn độn chừng át hẳn hẳn tiếng chim muông. Các gã đàn ông to khoẻ đầm mình dưới dòng nước miệt mài với những công việc nặng nhọc. Bọn người sốt rét, da vàng bệt loay hoay trên bờ qua lại với những chiếc thau nhôm, hoặc các chiếc rá tre bên những vũng nước nhỏ.

Chú Ba vừa hướng dẫn Trứ cách đãi vàng, vừa hỏi:

- Mi thấy ra răng ? Nghề ni coi bộ dễ ăn không?

- Chắc không phải dễ, nhưng tui cũng gắng theo chú học việc.

- Học rành rồi...thì mi cũng kiếm được chút ít đó.

- Không phải vì chuyện đó, tui chỉ mong chú thực sự chỉ huy tui trong suốt thời gian ở đây.

- Nếu  muốn rứa phải chú tâm cật lực vô. À...sửa lại , làm lại...

Chú Ba giúp Trứ sửa lại một số cách thức thao tác đãi vàng chính xác hơn. Hồi lâu, Trứ ôm bụng nhăn nhó, chú Ba hỏi:

- Chuyện chi mà nhăn hung rứa?

- Tự nhiên đau bụng quá!

- Chắc bị lạ nước...Mau chạy đi tìm cái bụi mô đó. Đằng kia kìa...

Trứ bỏ chạy. Chú Ba nói với theo:

- Thấy không êm lo về lán kiếm thuốc uống, nằm nghỉ nghe.

                     

Trứ lách sâu dần vào các khe đá chen lẫn giữa những lá cây rậm rịt. Đến một quảng xa, qua kẻ lá, trước tầm mắt cuả Trứ hiện ra một nhóm người lô nhô chuẩn bị dọn dẹp hiện trường đánh chất nổ một hòn đá lớn.Tất cả lao nhao qua lại như sưả soạn bước vào một pha tập kích. Trứ rút máy ảnh trong chiếc áo lót. Gã bâm máy . Sợi dây ngòi nổ đã được châm. Mọi người tản ra tìm chổ nấp. Trứ bước thêm mấy bước và bấm liền mấy bô.

- Ê tụi bây ơi, có đứa chụp ảnh tụi mình trên vách đá đằng kia.

-Đâu? Đứa mô ?

              

Dăm ba người la ó nhốn nháo. Trứ lách mình vào bụi cây rồi băng nhanh một hướng tắt để về các lán trại. Tiếng nổ rền vang. Những mảnh đá vụn tung bay rào rạ thành mảng khói mịt mù. Nhóm người bên dưới nép yên ở các hốc đá, quên việc đuổi theo tìm người chụp ảnh.        

Chen lẫn trong số người lác đác đi quanh quẩn ở khu vực lán trại, Trứ  bước vào quán hàng rượu bia đã ngồi ngày đầu tiên mới đến. Cô gái hôm nọ nhìn thấy tươi cười :

- Không làm hở anh?

- Nửa chừng bị đau bụng, cô có thuốc chi uống cho xin một viên.

- Anh đợi em tìm thử nghe.

       

Cô gái cầm trên tay một viên thuốc màu đen. Từ ngoài sông có tiếng kẻng đánh liên hồi.

- Chưa chi thấy anh hơi xanh rồi đó! Anh uống liền đi, chỉ một viên thôi là đở liền.

- Người ta đánh kẻng mần chi rứa?

- Thỉnh thoảng các "bốt" trưởng giao ban. Không hiểu bửa ni có chuyện chi mà mấy ổng đánh sớm quá.        

Trứ thoáng phân vân. Anh nói với cô gái:

- Có một việc tui định nhờ cô, chỉ riêng cô tui mới dám nhờ ...

- Anh cứ nói đi, đừng ngại.

                

Trứ thò tay vào ngực lấy chiếc máy ảnh dúi vào tay cô gái dưới gầm bàn.

- Giấu gấp giùm tui. Nếu nó còn nằm trong ba lô tui, chắc trước sau gì tui cũng bị rắc rối.

           

Vài kẻ ngang qua nhìn. Anh mắt của họ làm cả hai hoang mang. Cô gái giã lã đập vào vai Trứ :

- Đã nói tên em là Trinh, răng anh cứ gọi "cô" hoài.

 - Ư, thì Trinh, em đừng cho là tui rụt rè. Thiệt ra cái tên của em trùng lặp với một bà cô rất chằng ăn của tui, nên tui có ý cử đó !

 

Phà hơi khói thuốc lào vào khoảng không trước mặt, chú Ba chậm rãi nói với Trứ :                     

- Bửa trước tất cả các" bôt" đều kiểm tra ba lô của dân lính mới. Tau tưởng là có chuyện rồi. Chớ  mi cất ở mô tài rứa?

- Suýt nữa là tui phải ăn năn vì không nghe lời chú. Bây chừ coi như tui đã hoàn thành nhiệm vụ ở bước đầu, mai tui về.

- Đừng nói giỡn chớ! Mi đã biết thực tế được chút mô đâu...

- Đâu có, tui về giao bài và ảnh một vài tuần rồi có lẽ lại lên. Tui định chọn đề tài này để mần luôn cả cuốn sách đó chú Ba.

            

Chú Ba trầm ngâm:

- Về dưới đó ưng làm chi đó là chuyện tui bay..., nhưng nhớ cân nhắc đừng để ảnh hưởng công ăn việc làm của tụi tau đó, chẳng qua cũng vì cuộc sống thôi...

-  Chú cũng đừng hình dung dăm ba cái ảnh, vài bài báo có tác dụng chi ghê gớm. Thiệt ra người ta xem, đọc những cái đó cũng như cơĩ ngựa xem hoa thôi.          

Chú Ba đứng dậy, tiếp tục đi bên cạnh Trứ một chặng. Chợt, ông dừng lại vỗ vai Trứ:

- Trứ nề, dù với chú mi chỉ là chuyện phiêu lưu, nhưng dân làm ăn tụi tau vẫn luôn sòng phẳng. Đây cầm lấy cái ni, phần của chú mi đó.

              

Chú Ba đưa Trứ hai khoen vàng. Trứ đẩy lui:

- Trời ơi, tui chỉ tập sự, chú làm chi đưa nhiều dữ rứa, tui không dám.

- Mi đừng ngại, những chuyện ăn uống nhậu nhẹt tau đã tính rồi. Mi mà không lấy nữa sau lên tau đuổi về đó.         

Chú Ba không chờ đợi, dúi tay vào túi áo của Trứ một cách cách dứt khoát.

           

Buổi sáng. Ngược dòng người cầm các thứ dụng cụ lỉnh kỉnh về phía sông, Trứ khoát ba lô trở ra quán hàng của Trinh.

- Anh di một mình thôi hở?

- Có mấy người buôn bán về thị trấn lấy hàng, tui theo cùng họ.          

Trứ ngồi xuống ghế.

- Em lấy cà phê anh uống nghe?

          

Trứ châm thuốc, nhả khói nhìn về phía Trinh.

- Làm chi nhìn người ta chằm chằm rứa?

- Anh tự hỏi, không biết tự răng em có thể chịu đựng ở đây đến chư, và còn ở đây đến chừng mô nữa?

Đặt cà phê lên bàn, Trinh ngồi xuống tựa cằm nhìn lại Trứ.

- Nhà báo, nhà văn như anh mà không hiểu hở? Bất kể là hoàn cảnh mô, một khi con người còn biết ước mơ, hy vọng thì người ta còn chịu đựng được hết.

- Anh hiểu. Anh muốn nói là răng  em không lựa chọn, chịu đựng trong một môi trường tốt hơn.

- Xí, anh nói môi trường mô đây? Môi trường như anh hở? Lý tưởng quá, đẹp đẽ quá! Em cũng ước mơ  lắm chớ, nhưng làm  răng mà được, và giả tỉ được liệu có tốt đẹp không? Hay ngoài kia, có những người cũng chẳng kém anh, đại tá về hưu, sinh viên y khoa, nhà giáo ... cũng bỏ tất cả mà đi đãi vàng.

            

Trứ cho đường vào cà phê, khuấy. Giọng Trinh đằm thắm trở lại:

- Anh đừng giận và cho em cay cú. Em cũng muốn sớm bỏ khỏi chỗ ni trở về thị trấn. Nhưng thiệt tình, em chỉ về một khi có thể làm lại  tuổi trẻ mình sáng sủa hơn.

- Dù ra răng đi nữa anh vẫn mong những điều tốt đẹp đến với em.

- Còn anh? Anh nghĩ anh đã hiểu rõ cái thế giới trên ni  rồi chắc?

- Tất nhiên cũng ở một mức độ nào đó! Có điều, nếu mai kia thấy anh lên lại thì em hãy hiểu...tự vì...anh nhớ em quá đó!

- Xí, nhớ em hay nhớ vàng!

Phía bìa rừng có tiếng gọi ơi ới, Trứ loay hoay đứng dậy.

- Anh đi, ngoài kia mây người họ đang chờ.

- Trả lại anh cái hôm nớ.

    

Trinh giúp Trứ nhét chiếc máy ảnh vào ba lô, cô nói:

- Uổng quá, anh lo chụp hình toàn ai đâu mà không chịu chụp lén em một bô.

- Khỏi cần, em thì nằm hoài trong đầu anh rồi.                 

Trứ đi. Trinh đứng nhìn, hai mắt mở tròn. Những lời đối đáp lúc nảy lởn vởn trong đâu cô.

           

Người đàn ông xấp xỉ lục tuần, nước da trắng bệch, mang kiếng trắng, gương mặt không biểu lộ buồn vui ngồi đọc xấp giấy dày cộm  trên chiếc buy-rô ngăn nắp. Có tiếng gõ cửa.Ong ta nhíu mày, xích nhẹ tấm biển nhỏ có gắn chữ “ Tổng biển tập “ trên bàn, hắng giọng :

- Cứ vào(!)

- Thưa anh, tôi vừa công tác về.

- À, Trứ hở! Tôi chờ cậu đây...

                   

Tổng biên tập ngừng tay, có vẻ thân mật bất ngờ, kéo Trứ đến bộ bàn khách.  Ong ta vừa rót nước, vừa đon đả:

- Bài viết phóng sự " Vùng đất vàng " cừ khôi lắm. Tôi đã đọc. Mấy bức  ảnh cũng hết sức nóng bỏng (!)

- Chạy vào số tới hở anh Sáu?            

Trứ hớn hở, tự tin ra mặt. Lần đầu tiên, từ ngày làm việc đến nay, gã thấy người đàn ông trước mặt trở nên gần gũi, thân thiện hơn bao giờ cả. Gã nhích người về phía trước, muốn tâm sự với ông thật nhiều về những điều mắt thấy, tai nghe sau một chuyến đi... Nhưng vị Tổng biên tập bỗng trở lại thái độ trầm mặc thường ngày. Sau một giây lặng lẽ, ông ta nói từng câu, chậm rãi, nghiêm trọng:

- Trứ à, tình hình hiện nay có nhiều phức tạp. Bọn “ xấu “ đang lợi dụng những sơ hở, lõng lẽo trong quản lý của ta để tuyên truyền xuyên tạc. Do đó, những bài như vầy chưa thể đưa ra được.

                       

Trứ thảng thốt buộc miệng :

- Ơ... đó là chủ trương, chỉ đạo  của Ban biên tập kia mà.

- Ừ, để đó rồi tính, chứ chẳng mất đi đâu.

           

Tổng biên tập ngữa người vào ghế. Mắt ông đăm chiêu. Ong nói:

- Cậu định bao lâu thì có vợ hử Trứ?

Trứ băn khoăn, không hiểu tại sao câu chuyện lại xoay sang đề tài gia đình, y trả lời đắn đo :

- Việc đó... bao giờ đến thì đến, làm sao nói trước được anh Sáu?

- Tôi hỏi, tức là cũng góp một lời khuyên với cậu, đừng vội, cậu còn trẻ, có năng lực, có điều kiện rất tốt để bay nhảy.

- Thời buổi khó khăn này, ai cũng muốn có một hoàn cảnh ổn định, chứ bay nhảy làm gì ?

- So với anh em trong cơ quan này cậu có nhiều ưu điểm thuận lợi hơn.

- Anh Sáu nói tôi không hiểu(!)

- Thôi thì đành noi rõ ra vậy. Trong đợt tinh giảm biên chế lần này, ít nhất phải giảm bớt một vài người. Ai cũng vợ con đùm đề, cuộc sống khó khăn chẳng lẽ cho người ta nghỉ...

- Anh Sáu nói như vậy, tôi hoàn toàn phản đối. Tôi cần ban biên tập đưa ra lý do chính đáng. Tôi đã vi phạm điều gì?

- Cậu lý sự với tôi dó hở?

Tổng biên tập đứng phắt dậy, trở lại bàn buy rô. Ong nói lạnh lùng:

- Muốn biết lý do gì, cậu cứ sang phòng hành chính nhận quyết định.Ở đó họ sẽ trả lời và giải quyết cho cậu mọi chế độ chính sách luôn.

                             

Những người đãi vàng, ngày một đục khoét sâu hơn vào lòng sông uốn theo triền núi. Có những nhóm người đào thành những hầm sâu, chui lách vào các ngạch núi. Ở một bãi đá vắng vẻ hơn, chú Ba cùng Trứ vừa thao tác vừa chuyện trò.

- Cuộc chơi nào cũng có cái giá phải trả. Để có được một phóng sự thực tế về việc đãi vàng, dù là không in, bỗng dưng chú mi trở thành dân đãi vàng. Nhưng yên chí đi con ạ, có khi rồi trời sẽ bù đắp cho con

- Thiệt tình thất  vọng quá, tôi phải trở lại đây, định kiếm một ít vốn để làm cái gì đó...Tôi không hy vọng xây dựng sự nghiệp theo kiểu ni đâu chú Ba.

- Chừ mi nói được rứa là đã biết khôn. Dân Hà Nam Ninh tới đây có đứa từng ở mấy năm trời, cũng chỉ ăn nhậu tại chỗ, chẵng đem về được bao nhiêu. Tội nghiệp, có bao nhiêu thằng chưa kiếm được chút chi... thì phải trả lại bằng chính sinh mạng của mình.

- Còn chú?

-Tau hở? Tao đâu phải còn trẻ để mơ mộng tương lai. Đông lương hưu với vật giá bây giờ thì làm sao?... Tao cứ lai rai ở đây... Nói rứa, chớ ra răng đi nữa tau cũng phải kiếm được một ít gởi ngân hàng, nuôi đàn gà trong sân, trồng luống rau ngoài vườn, uống trà ngắm hoa, chứ đâu lẽ ra ri miết....

- Chú kìa, hình như bọn họ trúng quả rồi.

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 3046
Ngày đăng: 07.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vầng trăng bên kia sông - Lê Minh Tú
Kiếp bèo - Nguyễn Đình Bổn
Tiếng chuông chiều - Lê Hoài Lương
Trận đòn…… - ManTran
Cuồn cuộn… không yêu - Quỳnh Linh
Người tình giấu mặt - Hoàng Thị Giao
Nguyễn Ức Trai - Trương Thái Du
Màu hoa của đá - Nguyên Quân
Đừng đốt sách nữa em - Hồ Tĩnh Tâm
Vãn tuồng - Nguyễn Đình Bổn
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)