Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
635
115.982.036
 
Nguyễn Sáng – danh họa có tranh được công nhận bảo vật quốc gia
Trần Trung Sáng

 

 

     Cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Nguyễn Sáng là một trong 4 tác giả vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận tác phẩm mỹ thuật là bảo vật quốc gia ( trong số 37 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, đợt 2). Tuy nhiên, trước đó, hầu hết những tác phẩm của ông cũng đã được xem là vốn quý của nền mỹ thuật Việt Nam, bởi nó gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật của dân tộc. 

 

    Hoạ sĩ Nguyễn Sáng sinh ngày 01 tháng 8 năm 1923. Quê xã Điều Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), ông nhiêu năm sống và làm việc tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. ông mất ngày 16 tháng 2 năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh.  

   Từ năm 1936 – 1938, ông học Trường mỹ thuật Gia Định. Năm 1939,  ông ra Hà Nội và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 14 (1940 - 1945). Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các tác phẩm chính của Nguyễn Sáng chủ yếu là những ghi chép. Tuy nhiên, trong thời kỳ này hai tác phẩm đáng ghi nhớ nhất của ông đó là bức Tình quân dân, khắc gỗ mầu năm 1951; tác phẩm Giặc đốt làng tôi có thể coi là sáng tác sơn dầu có kích thước lớn và hoàn chỉnh nhất của ông trong hoàn cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp hết sức khó khăn, thiếu thốn. Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, ông vẽ minh hoạ cho báo Văn, báo Tổ quốc, tạp chí Văn nghệ và sáng tác các tác phẩm với nhiều chất liệu: Phấn mầu, bột mầu, sơn dầu, sơn mài với các tranh chân dung phong cảnh, phụ nữ.và trẻ em và các đề tài khác như: Các cô gái bên hồ Hoàn kiếm, sơn mài (1957); Chân dung cháu Mai Hạnh, Phố Nguyễn Thái Học, Đêm Trung thu, bột mầu (1958); Chùa Thầy, sơn dầu, 1959; Thánh Gióng, sơn mài 1962): Không gian, sơn dầu; Tình cảm hoạ sĩ; kết nạp Đảng Ở Điện Biên Phủ (1963)…     

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ là tác phẩm được giới chuyên môn đáng giá cao nhất về kỹ thuật sơn mài truyền thống của Nguyễn Sáng. Tranh thể hiện gồm 8 nhân vật, dựng lại một thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường. Điểm nhấn của bức tranh là 3 chiến sĩ, trong đó có 1 chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Chủ đề càng trở nên chặt chẽ khi bố cục được liên kết với 2 chiến sĩ phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay tình nghĩa và cũng đầy quyết tâm. Góc trái bức tranh là hình ảnh một chiến sĩ đang dìu 1 đồng đội bị thương. Phía xa là 1 chiến sĩ như đang tiếp tục cuộc hành quân ra trận. Màu sắc trong tranh đơn giản, chỉ gồm đỏ, trắng, vàng và một ít xanh lá cây với gam màu nóng làm chủ đạo. Tất cả đã được tác giả bố trí, sắp xếp một cách chặt chẽ, hài hòa, nhất là những mảng sáng, tối, trung gian. Qua đó, Nguyễn Sáng đã tạo cho tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ vừa đẹp vừa đậm chất sử thi và chất anh hùng ca.

Bức tranh cuối cùng của Nguyễn Sáng và cũng là  bức tranh đắt nhất đời sáng tác của ông, khi được một doanh nhân người Mỹ trả giá 1 triệu đô la, được cho có tên là “Vũ trụ”. Nội dung bức tranh nói về hai người đàn ông đang đối đầu nhau (vào  thập niên 80, hình tượng đó được xem sự đối đầu giữa 2 thế lực Nga –Mỹ). Bức tranh từng được Nguyễn Sáng giới thiệu ở triển lãm cá nhân duy nhất của ông tại Hà Nội năm 1984. Trong cuộc triển lãm này, “Vũ trụ” vượt lên trở thành một bức tranh lạ, được trả giá rất cao nhưng Nguyễn Sáng chỉ bán cho người bạn tri âm Phạm Văn Bổng với giá hữu nghị. 

  Tinh đến trước ngày qua đời, số lượng tranh của Nguyến Sáng để lại không nhiều, bởi như trong nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã ghi: “Nghĩ thương cho Sáng không có thuốc (màu nước, thuốc nước), không có màu để vẽ, trong khi đó có nhiều họa sĩ có thuốc mà không vẽ, chỉ để thỉnh thoảng mở ra ngắm. Và thảm hơn, để đem bán…”. Vậy mà, trong nhiều năm qua, Nguyễn Sáng lại là một trong những danh họa Việt Nam có nhiều tác phẩm bị giả mạo lưu hành trên trường quốc tế. Cụ thể, vào khoảng 1993-1994 tại nhà Christie's, một bức tranh của Nguyễn Sáng được bán cho ông Udo Langbein, người Đức. Thế rồi, trong một dịp tình cờ sang Việt Nam, ông này phát hiện người phụ nữ trong bức tranh nhà ở góc Trần Quốc Thảo và Võ Văn Tần, còn giữ một bản thật do Nguyễn Sáng tặng. Ông đã đến gặp, xem tranh thật và xin chụp chung bức ảnh cùng người nữ ấy đứng trước bức tranh thật..., sau đó trở lại gặp người bán tranh làm rõ sự việc.  

Giới am hiểu hội họa hiểu rằng một tranh của Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí .v.v được bán ra hiện nay hầu hết là tranh chép, tranh giả, còn những bức thật nếu lọt vào tay những đối tượng làm tranh giả thì họ sẽ giấu kỹ đến mức bưng bít, phong tỏa mọi băng hình, tư liệu hình ảnh... nên có nghi ngờ tranh giả thì việc tìm bản gốc để đối chiếu cũng là điều hết sức khó khăn. Nhà sưu tập Gérard Chapuis, người đang lưu giữ được nhiều tranh gốc của danh họa Việt Nam, cũng cho rằng: “ Đến hiên nay, trên thị trường tìm được tranh của Nguyễn Sáng là rất hiếm, bới vậy nếu phát hiện được tranh nào của ông, chúng ta nên giưới thiệu để công chúng tìm hiểu thưởng ngoạn”.

Là một danh họa bậc nhất của Việt Nam, thế nhưng lúc còn sống, cho đến phút lìa đời, Nguyễn Sáng là một người túng quẩn và cô độc.  Hồi dự lễ tang ông, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Tôi chưa bao giờ đến viếng một đám tang nào lặng lẽ cô đơn đến thế. Đêm tối càng làm cho cái thân xác nằm yên trong những tấm gỗ hòm trơ trọi hơn thêm. Tội cho anh Sáng quá. Tranh của anh thì hào hoa mà đời rượu của anh thì tồi tàn tội nghiệp quá thể”. Còn nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đọc điếu văn, kể lại một chuyện đùa của Nguyễn Sáng: “Khi liệm tôi, các ông trổ hai lỗ tròn ở hai vách áo quan để hai bàn tay tôi thò qua đó cho thiên hạ biết rằng khi vào đời Nguyễn Sáng chỉ có hai bàn tay không và khi ra đi cũng vậy”. 

 Ảnh: 1/ Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ được công nhận là bảo vật quốc gia

 

         2/ Tranh của Nguyễn Sáng trong bộ sưu tập của Gérard Chapuis có lời xác nhận của họa sĩ Hồ Hữu Thủ

 

 

 

 

Box:

“Ông là tấm gương lao động sáng tạo trong nghệ thuật và trong cuộc sống, tư cách nghệ sĩ và nghệ thuật của ông đã ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ nghệ sĩ. Các tác phẩm của ông là vốn quý của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Nghệ thuật của Nguyễn Sáng gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật của dân tộc. ông là một trong số những hoạ sĩ có những tác phẩm sơn đầu, sơn mài đẹp nhất sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Ngôn ngữ hội họa của ông có tầm khái quát cao, tiếp thu nhuần nhuyễn nghệ thuật truyền thống kết hợp với thành tựu nghệ thuật hiện đại thế giới, đóng góp vào việc cách tân của hội họa hiện đại Việt Nam. Tên tuổi của Danh hoạ Nguyễn Sáng (1923 - 1988) cùng với tác phẩm của ông sống mãi trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Chúng ta tự hào về ông, kính trọng ông - người nghệ sĩ tài hoa đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp Mỹ thuật Cách mạng và hiện đại.”

(Trích bài phát biểu của họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhân Lễ  kỷ niệm 90 năm ngày sinh danh họa Nguyễn Sáng)

 

 

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 6246
Ngày đăng: 18.01.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
9 họa sĩ 1 cuộc Rong chơi - Trần Trung Sáng
Tranh Không Đề 1, 2, 3 , 4 của Dương Đình Sang - Đinh Cường
Bộ tranh Fractus 2000 - Phan Nguyên
NƠI DỪNG CHÂN VÀ KHỞI ĐẦU … - Trần Trung Sáng
Huyền bí - mystery-II-64x84 cm – Dầu - Hồ Hữu Thủ
Không gian sống - Lê Thánh Thư
Rythme V19 - Phan Nguyên
Duy Thanh Trái Tim Đang Cười - Đinh Cường
Những Mãnh Gỗ bể. - Ann Phong
“Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại” Của Huỳnh Hữu Ủy.. - Phan Xuân Sinh
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)