Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
453
116.764.243
 
Tình Cỏ Lau
Nguyễn Nguyên An

Nhà tôi gần trường Tiểu học. Hè, sân trường vắng hoe, đầy nắng. Bác cai trường một mình trông coi thoáng hiện, thoáng mất không đủ khuấy động khung cảnh buồn cô tịch. Tôi thường sang trường tha thẩn bên gốc phượng già sần sùi đang cố thắp tán hoa lửa dưới bầu trời xanh.

- Kẹt…e….e…kẹt !

Tiếng mở cửa khô rít cắt dòng suy tưởng lang bạt của tôi. Tôi thấy một cô gái cao cao, ôm chiếc cặp đen đi phăm phăm sau lưng bác cai vừa mở cửa lớp. Cô ấy vào, bác cai xách chùm chìa khoá leng keng đi mất hút dãy hành lang. Ngôi trường lại chìm vào yên tĩnh.

Hơn một tuần tôi và cô gái vờ như không trông thấy nhau. Nhưng tôi biết cô cũng như tôi đều tường tận vóc dáng nhau qua những lần nhìn trộm. Thường, hơn bảy giờ cô đến trường, suốt ngày im ỉm trong lớp, vài lần cô xuống chỗ bác cai ở, nơi có công trình phụ. Tôi và bác cai chỗ xóm giềng. Lúc nào tôi qua trường cũng được. Trước đây, khi chưa có cô gái, tôi qua học chỉ mặc độc cái quần xà lõn. Giờ thì diện một tí cho đàng hoàng. Nhưng tôi học không vô, lòng cứ ngấp nghé tìm cách làm quen cô gái. Tôi vật vã làm thơ, nắn nót chép lên giấy hồng in chìm mờ đôi trai gái:

Em con gái có tóc huyền trĩu mộng/ Có nụ cười giăng bủa cánh chim bay/ Tôi con trai có đường hoang lạc lối/ Có trăm năm thương thân phận lưu đaỳ.

Chờ cô ra khỏi phòng, tôi lẻn vào để bài thơ trên trang sách tiếng Pháp của cô đang mở rồi chạy vù về phòng mình. Suốt hôm ấy, lòng tôi phấp phỏng như thuở bé nạp bài kiểm tra chờ cô giáo chấm. Cô cười với tôi lần nào đâu? Tôi tả nụ cười cô từ linh cảm thôi. Có chăng, là ánh mắt đầy ắp suy tư của cô sau làn kính cận, buông cái nhìn xa lạ về phía tôi đang cố tạo vẻ bất cần đời. Và tôi cũng chưa có một ngày đi hoang để thấm cái buồn viễn xứ !

Chiều, sân trường lênh loang vạt nắng cuối ngày. tiếng guốc mộc của cô gõ nhịp lóc cóc theo dáng cao cao khít khao của cô trong chiếc áo dài trắng. Cô như cánh mây vô tình và quên lãng bay đi, để tôi lại với sân trường hiu quạnh. Tôi đến phòng cô hy vọng có lời hồi âm. Bất ngờ tôi thấy trên bảng đen một bài thơ phấn trắng. Chữ cô đẹp : “Tặng người đi hoang/ Em không vây lưới bủa/ Để cho người thôi bay /Chỉ chút tình cỏ lau/ Lay phay trong chiều rộng/ Em không ươm trĩu mộng/ Để cho người hoang du/ Chỉ chiếc lá vàng thu/ Long đong chiều gió ngợp/ Đừng như nắng bất chợt/ Thoáng vào ngày đông mưa/ Hãy mang sắc giao mùa/ Tan giữa lòng khát hạ/ Mai dẫu vốc tay không/ còn ấm lòng cỏ mọc...

Tôi mừng quá chép bài thơ ấy vào vở và nhận ra rằng thơ cô cũng trội hơn thơ tôi. Dường như đã thoát khỏi câu chữ màu mè, cường điệu. Đêm ấy, tôi thức trắng, hì hục làm thơ và nôn nao chờ sáng để tặng cô. Nhờ những bài thơ vụng về ấy bắc cầu cho tôi và cô gái thân nhau…

Bích Thu - tên cô gái, dành buổi chiều dạy tiếng Pháp cho tôi. Je vais à école, tôi viết thiếu chữ à. Thu nói chữ à là giới từ, anh viết sai chính tả đó nghe. Còn Thu thích nghe tôi giảng Thiền. Tôi tròm trèm triết học hiện sinh phương Tây, tàm tạm biết luân hồi, nhân quả nhưng mãi bấn búi trong rừng sắc không rậm rịt vô biên của triết học Phật. Dù tôi đã có năm tháng ngồi toạ thiền, tập trung khai mở công án và vấn nạn đau đáu của kiếp người vốn vô thường, trôi nổi. Nhưng tôi không tìm cho tôi được lối thoát khả dĩ nào đó. Có đó rồi không đó. Trong Không tiềm ẩn Có; trong Có sẵn Không rồi. Triết thuyết Phật có trăm ngàn pháp môn, phương tiện thấp, cao, đơn giãn đến ảo diệu, từ công phu tiệm tiến đến đốn ngộ tức thời, phù hợp hoàn cảnh, thể trạng, trình độ mỗi hành giả dốc lòng cầu đạo. Một tu sĩ có thể đi qua ngàn kiếp mới đến cõi Niết bàn, nhưng cũng có vị buông xả được cái tôi độc tôn duy nhất chứng quả vị A La Hán trong sát na đốn ngộ. “Kiến tánh thành Phật”, nói dzậy mà không phải dzậy, bởi muốn đạt được vô chấp, xả mọi sân, si, hỷ, nộ, ái, ố để thấy được tánh mình thì thật vô cùng khó khăn…Tôi đã nói đại khái như trên với Thu. Thu háo hức lắng nghe. Cũng nhờ sự hiểu biết tuy ít ỏi của tôi về Thiền đã lấp bớt lỗ hỏng tri thức và giúp tôi chiếm được tình cảm Thu. Phải chăng mỗi người học ở trường đời, ở trường học nhưng cùng một mục đích hướng thiện thăng hoa, đều có thể đạt đỉnh cao phát sáng tài năng và đạo đức. Khi ấy không còn phân biệt cao thấp, khác nhau, không còn hai mà chỉ một, đỉnh cao chỉ có một mà thôi !? Nghĩ vậy, tôi cũng bớt mặc cảm thua kém Thu. Vào giữa hè có bầy con nít lốc xốc vào xin bác cai đá bóng. Chúng nhìn chúng tôi với những đôi mắt đen tọc mạch; có đưa hỗn : “Ê, hôn nhau một cái coi chơi !”. Thu đỏ bừng mặt, mắt dán xuống trang sách. Tôi đe chúng, chúng giả tảng mắng nhau : “Đứa nào nói bậy vậy bây ?”. Rồi chúng theo trái bóng, cật lực sát phạt nhau ỏm tỏi. Tôi bảo Thu :

- Lên lầu học. Tụi nhóc ồn quá!

Tôi và Thu cùng lên lầu. Đến chỗ giữa cầu thang tôi nhường Thu lên trước. Bất ngờ tôi gọi :

- Thu, anh nói nì !

Thu dừng lại, quay lui vô tình nghiêng một bên má ngang tầm môi tôi vừa bước lên. Tôi hôn đại vào má Thu một cái. Hai tay Thu ôm chặt chiếc cặp trước ngực như đè nén, tự bảo vệ, nhưng ánh mắt chùng xuống ngây dại. Sau đó, chúng tôi không dám nhìn thẳng vào mắt nhau. Nụ hôn đầu đời của tôi không bợn chút phàm tục, không nham nhúa lòng khát muốn chiếm đoạt mà lạ lùng xao động. Và cứ thế, chúng tôi dìu nhau ngụp lặn trong hơi thở của nhau rồi mang mặc cảm tội lỗi như hai kẻ phạm vào điều răn của Chúa…

Nhà Thu nghèo. Một căn nhà tuềnh toàng trong hẻm nhỏ của dãy phố cổ. Ngày ngày náo nhiệt bởi mọi âm thanh, hiếm tìm được chút tĩnh lặng. Cha Thu qua đời khi Thu còn tấm bé, để lại cho mẹ Thu một bầy con dại. Thời ấy, có những bà mẹ buôn thúng bán mẹt, chạy chợ xài xạc đôi chân với gánh bún, cháo trên vai nuôi bầy con ăn học. Mẹ Thu là một trong những bà mẹ như thế. Bà tần tảo nhọc nhằn với khi nồi bún, thúng xôi bán cho khách xuôi ngược vùng biển, đầm phá lên phố chợ sắm ngư lưới cụ, đồ dùng gia đình. Nhờ điểm rộn ràng, tấp nập đó bà kiếm được đồng lời nuôi cả nhà. Sự cực nhọc triền miên đã biến mẹ Thu sớm thành bà già khô đét. Nhưng với tôi, mẹ Thu luôn lấp lánh nguồn đạo hạnh đảm đang của người phụ nữ Việt Nam xưa cũ. Nhiều lần Thu đòi nghỉ học giúp mẹ, nhưng bà không chịu. Thu kể: “Thấy mẹ cực, em nhởn nhơ ăn học, em thấy bất hiếu qúa anh, nhưng em đòi phụ mẹ, mẹ vùng vằng không chịu, bảo với em. Con lo học cho tấn tới là trả hiếu cho mẹ rồi”. Em phải vâng lời mẹ. Lao vào học và nhịn nhiều thứ cần thiết cho một cô gái cần có. Tôi cũng nể sự nhịn nhẫn dẳng dói của Thu!

Nhà Thu cách trường tiểu hơn sáu cây số. Đến trường học cả ngày, Thu bới trong cặp khi ổ mì, khi gói xôi, khi cục cơm vắt trong lá chuối đã hơ lửa heo héo để ăn trưa, chiều về. Biết thế, tôi thương Thu hơn. Tôi tế nhị giúp Thu để Thu không tự ái. Những riêng đồ dùng riêng tư của các cô gái, tôi nhờ em gái tôi tỉ tê với chị Thu, rồi tặng chị với lời nói dối: “Bồ em mua cho cả tá, em dùng không hết chị lấy mà xài”. Tất nhiên, nhờ những món quà nho nhỏ ấy, Thu và tôi ngày càng quyến luyến nhau hơn.

Dạo ấy tôi ngồi toạ thiền tàn cây nhang. Sáng bơi lội trong dòng sông bất kể mùa Đông và hai bữa cơm gạo lức, muối mè. Kể ra tôi cũng bất bình thường so với lớp thanh niên quanh tôi không lý tưởng, hoài bảo, sống bất cần theo kiểu yêu cuồng sống vội như ngọn nến chấp nhận cháy hai đầu trong thú chơi hoang. Tôi cứ bồng bềnh trong những áng văn thơ phù phiếm cho đến già đời. Chính lối sống xa rời thực tế của tôi lại làm Thu tôn trọng, yêu thương. Trong phòng tôi ngoài chăn chiếu mền gối còn có nồi niêu, chén bát dành cho một người sống khổ hạnh. Tôi rủ Thu ăn trưa với tôi. Hai đứa tôi nấu ăn, học hành, ngủ nghỉ trong phòng như cặp vợ chồng son. Ăn gì cũng dùng một chén, một đũa đút mớm cho nhau và năm nghỉ chung một giường cá nhân. Tôi nghiêm chỉnh trong bộ đồ bát phố. Thu mặc nguyên bộ áo dài hay đồ tây. Chúng tôi kín đáo giữ gìn cho nhau, cho tình yêu không vẩn mùi nhục dục mà thanh tao. Mùa thi, Thu đỗ vào trường Y. Thoả nguyện ước ! Thu bỏ học năm thứ hai Khoa Học. Tôi thi rớt Tú Tài!

Vào trường, Thu ở nội trú. Cư xá cách nhà tôi chưa đến nửa tiếng đi bộ. Thu ít đến thăm tôi. Tôi lao đầu vào thư viện đọc ngày tám tiếng và co ro trong tháp ngà của mình để quên buồn. Trong khi đó Thu thêm nhiều bạn mới. Giữa tôi và Thu âm thầm hình thành một khoảng cách ngày cứ dài ra. Cho đến khi Thu mượn phòng tôi để cùng nhóm bạn học: “Mổ động vật”. Tôi đau lòng khi thấy các cô dùng kim cúc ghim ếch, thỏ, cá lên tấm ván rồi mổ phanh lục phủ ngũ tạng con vật đang sống. Dao đi đến đâu máu tươm, thịt giựt đến đó, rồi lấy tim ra xem trong tiếng cười nói vui tươi. Một bửa tôi thấy những bàn tay trắng đẹp của các cô lách dao, chọc pice vào bụng con chó nhỏ, con chó rên : “ăng…ẳng…”. Tôi trút vào Thu những lời giận giữ :

- Em không biết anh ăn chay hay sao, mà đem chó giết trong phòng anh?

Thu câng mặt nhìn tôi:

- Đây chìa khoá phòng anh. Bọn em không dám mượn phòng của nhà tu hành nữa. Anh lạc hậu quá, đi thương vay khóc mướn cho những chuỵện không đâu !

- Tại sao không gây mê cho nó, để nó quằn quại vậy ?

- Gây mê làm sao bán cho người ta ăn thịt - giọng Thu nhỏ dịu - thôi em xin lỗi - Thu đứng lên nhìn tôi với vẻ buồn buồn - Em về cư xá đây.

Sau lần đó, Thu và tôi có gặp nhau mấy bận nữa nhưng chỉ chào hỏi qua loa. Nhiều đêm tôi đi lui đi tới trước cư xá của Thu. Thấy Thu học hành, vui cười với bạn. Tôi biết phận mình không dám đèo bồng nữa mà trở về vùi mình trong kinh điển Phật giáo, xem mọi sự vô thường, hằng chuyển. Đời tôi là con số không to tướng. Huống chi chút tình cỏ lau chỉ lay phay trong chiều gió nổi !

Hơn hai mươi năm sau, tôi có dịp đến một tỉnh miền Tây Nam bộ gặp thằng bạn đồng hương làm báo ở đấy. Ngồi bù khú với nhau bên những ly bia sùi bọt trắng, tôi kể cho bạn nghe Bích Thu - mối tình đâu của tôi. Bạn tôi : “A !” :

- Có phải bà bác sĩ to cao như người Liên Xô không ? Hiện bà trưởng khoa nhi đó, nhưng không hiểu sao bà vẫn phòng không chiếc bóng ông ạ.

- Ông đưa mình xem phải Thu không ?

- Tất nhiên rồi. Nhưng tôi không chường mặt đâu đấy.

Sáng mai, trước khi đến toà soạn bạn tôi thả tôi trước cổng bệnh viện, dặn sẽ đón tôi khi tôi điện. Tôi đứng bâng quơ trước sảnh khoa nhi chờ…Từ xa tôi thấy một phụ nữ đẫy đà chạy xe Honda đến. Loáng, tôi đã nhận ra Thu. Thu có phần phốp pháp nhưng mặt vẫn hồng mịn không son phấn như thời sinh viên. Tôi lơn tơn bước xuống cấp cười tươi đón Thu. Thật phủ phàng cho tôi khi Thu phớt tỉnh đi ngang tôi để vào phòng thay áo. Tôi hướng mắt nhìn vào cánh cửa Thu vừa khép, sau khe cửa lanh lánh cái kính cận nhìn trộm tôi. Tôi nghĩ Thu chưa nhận ra tôi. Mà lạ, tôi có khác xưa bao nhiêu ? vẫn ưu tư, nhăn nhó. Tôi vào phòng bệnh nhân chờ Thu. Đúng như dự đoán, Thu cùng cô y tá đi thăm hỏi bệnh tình các cháu qua thân nhân. Giọng Thu vẫn du dương trầm bổng. Tôi đứng loay hoay cách Thu mấy giường bệnh, nhưng Thu vẫn buông ánh mắt ơ hờ, xa lạ nhìn tôi. Tôi liều mạng đến bên Thu gượng cười :

- Rất vui khi gặp em ở đây !

Thu nhìn thẳng vào tôi - cái nhìn của kẻ bề trên và khó hiểu. Và Thu cúi xuống tập bệnh án trong tay, nói qua hơi thở:

- Xin lỗi, tôi không hề biết ông !

Chiếc áo Blous của Thu đang mặc bỗng loang một màu trắng xoá…rồi lay lay hoá thành rừng cỏ lau phất phơ trong chiều gió bên sông. Rừng hoa lau nhoà dần và tan vào vầng mây trắng bạc bẽo. Hình như tôi khóc…

Nguyễn Nguyên An
Số lần đọc: 3028
Ngày đăng: 17.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chị… - Hiếu Minh
Đêm ngắn - Trần Lệ Thường
Những chùm trái đỏ - Mường Mán
Mùa xuân phía trước - Lê Vũ
Xập xèng - Trần Đức Tiến
Những mùa trăng ca múa - Mường Mán
Hai giọt nước - Huỳnh Mẫn Chi
Người đàn bà không nhan sắc - Trần Lệ Thường
Thư cho một người bạn - Lãng Hiển Xuân
Lời trăn trối - Dương Ðình Hùng
Cùng một tác giả
Hai Bà Mẹ (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Ăn chay (truyện ngắn)
Kim (truyện ngắn)
Cổ Tích Thời Nay (truyện ngắn)
Con Trai Miền Gió Cát (truyện ngắn)
Đất sau mưa (truyện ngắn)
Bầu bí nương nhau (truyện ngắn)
Ánh mắt trẻ thơ (nhiếp ảnh)
Nỗi Buồn rực rỡ (truyện ngắn)
Ngôi mả đá (truyện ngắn)
Huyền Anh Quán (tạp văn)
Mẹ (thơ)
Ngọn Đèn Tỏ Mãi (truyện ngắn)
Thăm chồng (truyện ngắn)
Bức Tường (truyện ngắn)
Nhân Cách Thơ (truyện ngắn)
Trâu ở chùa (truyện ngắn)
Tình Cỏ Lau (truyện ngắn)
Nhỏ ơi (truyện ngắn)
Chị em sinh đôi (truyện ngắn)
Tráo ông địa (truyện ngắn)
Hai lần khóc... (truyện ngắn)
Thầy cũ (truyện ngắn)
Tin Buồn (văn hóa)
Bao Dung (truyện ngắn)
Người Thầy Thuốc (truyện ngắn)
Biếc tình (tạp văn)