Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
584
116.826.496
 
Năm học thứ hai
Nguyễn Quốc Lãnh

I.

Năm học 1975-1976 đến với chúng tôi như một giấc mơ và cũng nhanh chóng khép lại, êm đềm như cuộc sống tuổi thơ của chúng tôi những ngày đầu trên vùng đất mới. Năm học thứ hai, năm học 1976-1977 mở ra cho chúng tôi những điều mới lạ, in vào tâm trí chúng tôi những ấn tượng khó phai…

Năm học này, xã Hương Phong của tôi đã có hai lớp cấp 2, những lớp cấp 2 đầu tiên của cả vùng A Sầu A Lưới. Hơn 30 bạn lớp 5 của năm học trước, không sót một ai được lên lớp 6. Lớp 7 thì khác, đây là những anh chị đã dở dang hai năm học liên tiếp bởi biến cố tháng 3-1975 và cuộc di cư từ miền xuôi lên vào tháng 7 sau đó, nay mới được đến trường. Lớp này có hơn 20 học sinh. Hội trường thôn Hương Phú nằm ở Tổ 2 được ngăn lại thành mấy phòng học, và trở thành trường cấp 2 như cách chúng tôi quen gọi. Cái chái bên phải cũng được nhanh chóng cơi nới mở rộng ra là nơi ăn ở của các thầy giáo. La-răng của mấy chiếc xe tải còn sót lại sau chiến tranh đong đưa đầu hồi thay cho cái trống trường. Xa kia hơn trăm mét đường chim bay là trường cấp 1 soi mình bên dòng A Sáp. Ngày ngày, bên này bên kia vang lên tiếng kẻng như những nốt ngân giữa đại ngàn báo hiệu một cuộc sống thanh bình đang đến…

 

Các thầy cô giáo từ đồng bằng được điều lên cơ bản đáp ứng được với số học sinh tiểu học của xã. Bục giảng được làm bằng đất đã in dấu giày cao gót của hai bóng hồng xứ thần kinh: cô Thanh và cô Tiêm. Thời điểm khai trường cũng phù hợp với kí ức chúng tôi, cũng là lúc đất trời vào thu…

Chúng tôi được học sách giáo khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Giải Phóng. Số sách đó được các thầy cô giáo và thanh niên của xã cõng vào từ Phòng Giáo dục (đóng tại  Bốt Đỏ, nay là trường THCS Trần Hưng Đạo). Thư viện, nói đúng hơn là kho sách của nhà trường luôn rộng cửa đón học sinh đến mượn sách. Tranh thủ những lúc không có người chăm, chúng tôi tò mò xem xét, sờ mó các dụng cụ thí nghiệm. Nhờ thế, tuy chưa học đến nhưng tôi đã được quay thử con quay Mac-xoen, tự thực hành chuyển động Brao-nơ, tập tính toán trên bàn tính cải tiến hay thiết thực hơn là tập xác định nhóm gỗ, loại gỗ mình thường gặp trong lúc đi rừng dựa vào các bản mẫu có trong kho…

Sách tham khảo, sách đọc thêm thì phần lớn của Nhà Xuất Bản Kim Đồng. Kể tên nhân vật chính, tóm tắt nội dung các Tác Phẩm Chọn Lọc Dùng Trong Nhà Trường như Đất Nước Đứng Lên, Người Mẹ Cầm Súng, Hòn Đất, Con Trâu, Vùng Mỏ,… hay trích dẫn một vài khổ thơ trong Nhật ký trong tù, Thơ Tố Hữu, Thơ Lê Anh Xuân,… thỉnh thoảng  là đề tài trao đổi của chúng tôi những lúc quây quần bên bếp lửa bởi trời mưa rét không thể đi đá bóng hay đi câu...  

 

 Những trang sách mở ra cho chúng tôi biết bao điều mới lạ nhưng lại rất gần gũi và tạo cơ hội cho chúng tôi kiểm nghiệm lại những điều đã nghe, đã biết trước đó. Thì ra, “Đường mòn Hồ Chí Minh, xương sống vận tải của Cộng quân Bắc Việt bị Không lực Việt Nam Cộng Hòa chinh phạt…(1) là con đường mà chúng tôi vẫn tung tăng đến lớp. Có bao nhiêu quả bom đã hủy diệt con đường thì tôi không biết nhưng chi chít hố bom ở những nơi cách hai bên đường hàng chục, hàng trăm mét là có thật và là nơi chúng tôi thích thú buông câu… Còn nữa, những bình ắc-quy, những khung gầm xe ô tô, những đoạn xích và nguyên cả một chiếc xe tăng mà các anh của tôi từng chất củi đốt để thu về nhôm nóng chảy thì mãi đến năm 2017 tôi mới có cơ hội “giải mã”. Những năm gần đây, dẫu có tham gia mạng xã hội, thỉnh thoảng đọc những status của một số tay viết face kỳ cựu nhưng tôi vẫn mơ hồ về ẩn ý của các tác giả sách giáo khoa khi đưa bài “Lê-nin trong hiệu hớt tóc” vào chương trình. Đây là bài thi môn chính tả “Kỳ thi khảo sát chất lượng học kì 1” lớp 5 của chúng tôi.

 

Do độ ẩm không khí cao nên phấn thường bị mủn, chữ viết không ăn vào bảng. Chúng tôi ngâm những củ sắn nhiều chan, nhiều xơ vào nước vài ba ngày rồi phơi khô làm phấn viết cho mùa đông. Bảng thì thường được ghép lại từ ba tấm ván. Nhiều khi những mép nối làm chúng tôi bị rối trí, mất phương hướng bởi cứ ngỡ đó là một đoạn thẳng của đề bài…

Dầu hỏa là một mặt hàng khá khan hiếm, được bán phân phối theo tiêu chuẩn đầu người hàng tháng, có khi là hàng quý. Sự cung ứng của cửa hàng mậu dịch quốc doanh khá phập phù nên việc sử dụng dầu đèn thường được cân nhắc. Việc thắp đèn cho con trẻ học bài nhiều khi không phải là điều được ưu tiên trong nhiều gia đình.  Có nhà phải ăn bữa tối dưới ánh lửa bập bùng khói cay xè mắt bởi cố gắng cuốc cho xong đám đất để ngày mai xuống giống còn người ở nhà lo cơm nước thì chạy theo không kịp ánh hoàng hôn…

II.

Chế độ cho những người đi kinh tế mới thời đó là được nhà nước cấp miễn phí 6 tháng lương thực cùng với nhu yếu phẩm như muối, mỡ, cá khô, dầu hỏa và một ít hạt giống,… được tính từ tháng 07-1975. Thời hạn trên chạm đích cũng là lúc giai đoạn một của cuộc di cư hoàn tất, nhà cửa tạm xong để đón vợ con dưới quê nhà lên đoàn tụ. Cải, su hào, đậu cô-ve,… mơn mởn nhưng chưa kịp ra trái. Khoai, sắn, môn, bắp,… đang nảy mầm đơm lá, nhiều hứa hẹn đấy nhưng còn lâu mới thu hoạch được. Cái đói đang cận kề. Nhà nước gia hạn thêm 3 tháng lương thực chỉ gồm gạo và bột mì. Rồi thêm một lần 3 tháng nữa. Sau một năm hưởng chế độ, không nhiều lắm các gia đình tự túc được cái ăn cho mình. Chông chênh…

Do đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ nên một số thầy giáo phải kiêm nhiệm nhiều môn. Thầy Hồ Xuân Quỳ là đặc biệt nhất. Người thầy gầy, có phần xanh xao và là lớn tuổi nhất trong trường, hình như đã ngoài 40. Thầy dạy cùng lúc cả 2 môn toán lý cho lớp 7 và toán cho lớp 6. Trong một lúc vui chuyện, thầy nói, đi A Lưới với thầy như là một sự lưu dung của chính quyền. Không hiểu rõ ý và từ thầy dùng nhưng thoáng trong đó, chúng tôi thấy như có sự tủi hờn, xót xa… 

 

Các môn văn sử địa có nội dung khá là khác biệt so với những gì chúng tôi được học thời Việt Nam Cộng Hòa. Ba tôi và ông hàng xóm (RIP các ông) ngạc nhiên nhìn nhau khi nghe chúng tôi ê a đọc “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”,  “Tranh thủ ngày nắng chiến thắng ngày mưa” và hầu như cả hai vị không kềm được lòng mình, giằng cuốn sách từ tay tôi để xem cái câu “Vắt đất ra nước thay trời làm mưa” là thật sự có trong sách. Họ cũng sốc không kém khi biết chúng tôi được học những điều đại khái như tổ tiên loài người là loài khỉ hay nhà Nguyễn là dòng họ bán nước… Với chúng tôi thì khác. Lạ lắm cơ nhưng cũng rất cuốn hút. Mỗi khi giai điệu Mùa hoa lê ki ma nở,… vang lên là chúng tôi lại nhớ đến hình ảnh chị Võ Thị Sáu trên đường ra pháp trường. Chỉ nói đến ngọn đuốc thôi là tự nhiên tôi liên tưởng  đến “Ngọn đuốc sống”, là nghĩ đến sự quên mình của anh hùng thiếu niên Lê Văn Tám. Hình ảnh anh Kim Đồng hoặc chú bé Lượm năm xưa cứ thấp thoáng trên đường khi chúng tôi đi câu cá hoặc làm cỏ trên rẫy lúa. Còn nữa, “Hãy nhớ lấy lời tôi!”, “Lấy thân mình làm giá súng”, “Hãy nhắm thẳng quân thù mà bắn!”, “Lấy thân mình chèn pháo”,… trong sách Lịch Sử, những câu chuyện về các anh hùng liệt sĩ của cuộc chiến tranh cách mạng cứ thế, theo thời gian đã ít nhiều khỏa lấp hoặc dần dần len vào tâm trí tôi, chiếm những vị trí cao hơn so với những tên tuổi Gia Long, Minh Mạng, Alexandre de Rhodes, Trương Vĩnh Ký, Đào Duy Từ, Cường Để, Võ Tánh, Hoàng Diệu,... mà chúng tôi từng được học trước 1975.

Môn học gây nhiều chú ý, thậm chí tranh cãi từ phía phụ huynh là Sinh ngữ, (tên gọi môn Ngoại ngữ nói chung của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa). Pháp đã bị đánh bại từ 1954, Mỹ đã cuốn cờ về nước từ 1972 thì học làm chi nữa các thứ tiếng của đế quốc sài lang (!?). Ít nhất các thứ tiếng ấy cũng đã lùi vào dĩ vãng khó mà có cơ hội tại nơi thâm sơn cùng cốc này. Trung Quốc, Liên Xô là anh cả của phe XHCN thì tất nhiên, ngôn ngữ của họ phải được con em của hệ thống CNXH học chứ! Nhưng không. Chúng tôi được học tiếng Anh. Thầy Hoàng Trọng Huấn (RIP thầy) dẫu không phải được đào tạo làm giáo viên Sinh ngữ nhưng ngoài đảm nhiệm môn Sinh Vật, thầy kiêm nhiệm luôn môn Anh Văn cả hai lớp 6 và 7. Đã 46-47 năm trôi qua nhưng bạn bè tôi vẫn không quên được tác phong nghiêm cẩn của thầy mỗi khi lên lớp. Cẩn thận từ cách đặt câu dùng từ, nghiêm khắc sửa chữa từ cách phát âm nhấn giọng cho đến cách trình bày trên bảng, trong vở theo yêu cầu của thầy trong mỗi bài kiểm tra… Cũng phải thôi, thế hệ thầy cô giáo thuở ấy, một phần là được lưu dụng từ chế độ cũ phần khác nhiều hơn, là người được đào tạo qua hai thể chế. Ngoài một hai năm học sư phạm ở chế độ mới, phần còn lại trước đó được hấp thu nền giáo dục với các nguyên tắc cơ bản Nhân bản-Dân tộc-Khai phóng thì làm sao không giỏi, không yêu cầu cao với bản thân và với học trò của mình… Những năm tiếp theo trường chúng tôi lại được đón nhận các thầy cô giáo trưởng thành từ bên kia bờ Hiền Lương, sản phẩm của nền giáo dục cách mạng,  một trong hai bông hoa tươi thắm của 20 năm xây dựng CNXH ở miền bắc. May mắn cho thế hệ chúng tôi có được những thầy cô như thế!

 

Trong năm học này lần đầu tiên, chúng tôi được biết đến thi học sinh giỏi. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng lạ lẫm với hình thức thi thố này. Ngỡ ngàng. Thích thú. Kỳ vọng. Bạn nào nằm trong đội tuyển, được đi học bồi dưỡng là một niềm tự hào của bản thân và gia đình. Dẫu các thầy cô đã dày công dạy bảo nhưng trong suốt nhiều năm sau đó, thành tích của chúng tôi vẫn rất khiêm tốn. Nói như bọn sửu nhi thời nay là hãy còn non và xanh lắm. Vâng, đúng thế. Mỗi lần đi thi là một cơ hội để giao lưu với các bạn cùng trang lứa, là một kỷ niệm đẹp của đời học sinh. Dẫu nơi thi chỉ cách trường chúng tôi chưa đến 20 km, nhưng mỗi lần đi là một lần cho chúng tôi thấy được cung cách làm ăn khác nhau của hai xã, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khó quên. Sau mỗi kỳ thi chúng tôi soi lại mình để khiêm nhường hơn, biết điều hơn và ngộ ra một điều hết sức đơn giản: kiến thức mình có được mới chỉ là một khoảnh trời của một tầm nhìn từ đáy giếng…

III.

Vào tháng 12-1975, các thầy cô giáo đầu tiên phải đi bộ từ Bát Tôn để đến với A Sao A Lưới. Đường 12 do chế độ cũ làm vào những năm 1955-1956 từ Huế qua cầu Bôn (gần phà Tuần cũ) đến Hồng Hạ. Bộ đội ta mở đường 72 từ Bốt Đỏ kết nối với đường 12 vào những năm 1972-1973 với mục đích phục vụ cho đại quân từ miền tây tiến về thành phố Huế. Sau khi hoàn thành, cả hai thường được gọi chung là đường 12. Nay là một phần của Quốc lộ 49. Dẫu là độc đạo nối Huế và A Lưới nhưng hàng chục năm sau giải phóng đây chỉ là con đường tạm bợ, rải đá hộc, chênh vênh bên sườn núi, hư đâu sửa đó, hai ô tô ngược chiều không có chỗ tránh. Cũng không ít lần khách và tài xế phải ăn cơm khỉ(2) bởi xe hỏng bất chừng hay đơn giản hơn là xe không thể leo đèo Mạ Ơi trơn tuột  trong những cơn mưa rừng trắng đất trắng trời. Phải vạ vật giữa rừng khuya sương lạnh đợi bình minh.

 

Một thời gian sau, do mức độ tàn phá của thiên nhiên với tuyến đường huyết mạch này nhanh hơn sự bảo dưỡng của con người nên đường 12 phải tạm dừng khai thác. Hàng ngày, có duy nhất một chuyến xe đò nối Huế với A Lưới và ngược lại theo đường 14. Gọi là đi theo đường 14 nhưng lại lắm chặng. Xuất phát từ Nam Giao hoặc bến xe An Cựu theo Quốc lộ 1 ra Đông Hà (Quảng Trị) nghỉ ngơi ăn uống rồi rẽ trái vào Đường 9 đến cầu Đak Rông. Cầu Đak Rông là Km số 0 của đường 14 thuở ấy, là một nhánh của đường Trường Sơn Hồ Chí Minh ngày nay. Theo lộ trình này thì có phần an toàn hơn, thời gian thì gấp đôi với giá vé gấp bốn và khoảng cách thì gấp ba, 210 km so với 70 km.

Từ bến xe Bốt Đỏ tỏa về các trường, chỉ còn một cách duy nhất là đi bộ. Cau đẳng là loại phương tiện mới được phát minh. Cau đẳng? Vâng! Đi bộ nhiều thì đau chân, là cẳng đau…  

 

Trước năm 1975, ba mẹ tôi luôn nhắc nhở hai anh chị đầu của tôi là cố gắng học cho tốt, hết lớp đệ tứ (lớp 9) thì tùy, có thể học trường y để làm nữ hộ sinh hay  y tá hoặc thi vào trường sư phạm làm giáo viên tiểu học như con cái của một số gia đình quen biết. Chừng đó thôi là đủ bảo đảm tương lai bản thân và có cơ hội dìu dắt đám em út phía sau. Còn giáo sư đệ nhất cấp, giáo sư đệ nhị cấp (tương đương giáo viên cấp 2, cấp 3 ngày nay) thì thôi, không dám mơ ước đến. Ngoài được xã hội trọng vọng họ còn có thu nhập ổn định ở mức cao. Vậy mà thầy cô giáo của chúng tôi thuở ấy thì sao? Có lẽ không khác nhiều lắm so với người dân về mức độ cực khổ, cũng thiếu thốn đủ bề, từ cái ăn cái mặc cho đến nơi vui chơi, giải trí,… Một số thầy cô giáo sau mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ tết đều phải xin tiền ba mẹ làm lộ phí quay trở lại vùng cao. Thậm chí, có người còn phải nhận hỗ trợ hàng tháng từ gia đình mới đủ chi tiêu…

 

Cái trạm xá cũ gần trường cấp 1 được dùng làm nhà tập thể giáo viên. Nơi ăn ở làm việc nghỉ ngơi của hàng chục thầy cô giáo, trong đó có 2 nữ, chỉ là một ngôi nhà lợp giấy dầu phên nứa có lẽ trên dưới 40 mét vuông. Nguồn nước ăn uống sinh hoạt hàng ngày là từ sông A Sáp. Con đường đi về lấy nước hơn trăm mét, trong đó phải vượt qua con dốc hàng chục mét lổn nhổn đất đá, trơn trượt sau mỗi cơn mưa.

Tiêu chuẩn lương thực của cán bộ công nhân viên thời đó tính bằng ki lô gam nên bữa ăn của các thầy cô nhiều khi được đong bằng nắp hộp diêm. Đã vậy,  lắm lúc còn phải chia sẻ cho người dân. Tôi từng chứng kiến cảnh thầy quản lý lặng lẽ mở nắp thùng gạo cho một bà mẹ có con nhỏ sốt nặng mấy ngày nay mà không có gì nấu cháo nên đành phải kêu cứu mấy thầy. Bà te tái trở về cũng bất ngờ như khi đến. Lời cảm tạ nghẹn ngào hòa lẫn với  tiếng lào xào của bì sắn khô sực nức mùi nắng bà để lại trên thùng… Hôm khác, trong buổi lao động quét sân trường, tôi cùng hai bạn khác được thầy Lê Đức Các gọi đi nhổ sắn cho buổi cơm chiều. Đám sắn này do một tổ sản xuất của thôn Hương Phú trồng và có nhã ý tặng cho nhà trường. Đang nhổ nửa chừng thì chợt một giọng nói vang lên: “Thầy cô ơi đừng nhổ nữa. Để phần nhà tui với”. Sự khẩn cầu thể hiện qua nét mặt và lời nói. Bạn tôi định cãi lại nhưng thầy ra hiệu không được nói. Số sắn nhổ được ít lắm. Thầy trò lẳng lặng ra về. Và đêm ấy, nhiều thầy cô phải tấp dạt(3) một cách không mong muốn…

 

Chú thích:

 

(1) Những cụm từ thường nghe thấy trong bản tin chiến sự được phát trên ti vi của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.

(2) Cơm khỉ: Xe hư nằm giữa đường, khách đi xe có gì ăn nấy, nướng hoặc ăn sống, có khi phải nhịn đói.

(3) Tấp dạt: Các thầy cô đến chơi ở những gia đình có quan hệ thân mật, chân tình. Chủ nhà thường đem những sản vật mình làm ra được mời các thầy cô như bắp ngô, quả chuối nhưng nhiều nhất phổ biến nhất vẫn là sắn và khoai luộc.

 

Chú thích ảnh:

Ảnh 1+2: Học bạ và vở cũ của bạn Nguyễn Viết Hào năm học 1977-1978.

 

Ảnh 3: Bạn Nguyễn Viết Hào ngày nay. Bạn Nguyễn Viết Hào là học sinh xuất sắc của trường PTCS Hương Phong thuở ấy. Sau khi Trung Quốc xâm phạm biên giới phía Bắc (17-02-1979) và lệnh Tổng Động viên được ban bố, mọi cơ quan đoàn thể trường học đều được biên chế như quân đội. Bạn Hào được cử làm Liên Lạc viên của trường. Bọn tôi hay gọi vui là anh Kim Đồng thời nay. Nghĩ lại, các thầy cô giáo chúng tôi thuở ấy sâu sắc thật. Với vai trò liên lạc thời chiến thì không ai bằng bạn ấy. Chỉ riêng việc lưu giữ học bạ, vở cũ và những giấy tờ hành chính của gần 50 năm trước sau 3 lần thay đổi chỗ ở từ A Lưới đến Đak Nông, từ dân chính sang bộ đội rồi về lại dân chính đủ nói lên đây là con người cẩn thận, có cách làm việc khoa học và có thể bảm đảm an toàn cho mọi mật thư trong bất cứ hoàn cảnh nào…

 

 

 

Nguyễn Quốc Lãnh
Số lần đọc: 200
Ngày đăng: 03.10.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhờ văn chương mà thoát chết - Hoàng Thị Bích Hà
Hồi ký về cuộc mạo hiểm trên biển cả. - Hồ Bạch Thảo
Cảm xúc cánh diều 2023 - Nguyễn Anh Tuấn
Một mùa hè chưa xa... - Nguyễn Quốc Lãnh
Những thầy cô giáo không ngạch bậc - Nguyễn Quốc Lãnh
Dọc đường văn nghệ (Phần 89) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh với khung trời thi ca rất riêng - Trần Dzạ Lữ
Một chuyến hành hương núi Thị Vải - Phan Anh
Dọc đường văn nghệ (Phần 90) Phương Tấn – người khéo tận dụng thời gian cho thi ca - Trần Dzạ Lữ
Pompei, hình ảnh sống trên một thành phố chết - Trương Văn Dân
Tưởng như bâng quơ... - Nguyễn Quốc Lãnh