Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
619
116.722.131
 
Tản bộ trên bến Thượng Hải
Nguyễn Phin

 

Tôi ghi lại chuyến du lịch Trung Quốc mới đây. Hai ngày hai đêm lưu trú ở Thượng Hải cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, chỉ thấy cây chứ không thấy rừng. Hướng dẫn viên đã cho tôi di chuyển bằng tàu cao tốc Maglev, vận tốc lớn lên đến 430km/h, là một trải nghiệm thú vị, rất hấp dẫn đối với tôi.

 

*

 

Điều đọng lại trong tôi khi du lịch Thượng Hải là chuyến tham quan Bến Thượng Hải, là thương cảng nổi tiếng từ đầu thế kỉ 19, là viên ngọc sáng thu hút du khách quốc tế. Gọi tên Bến Thượng Hải là tôi nghe đã khoái rồi, tưởng như quen với tôi từ bao đời, bởi tôi từng nhiều lần xem trên phim ảnh lẫn văn học - bộ phim tôi từng say mê là “Tân bến Thượng Hải”, cùng bài hát “Bến Thượng Hải” nổi tiếng, nay mới được nhìn thấy ngoài đời thực. Hình như tâm lý, ai nghe đến Bến Thượng Hải cũng liên tưởng hình ảnh một Bến Thượng Hải đầu thế kỷ 20 sinh động từng xem trên phim.

 

Bến Thượng Hải là một bến cảng thuộc quận Hoàng Phố, một phần của đường Trung Sơn bên trong khu vực cho người nước ngoài định cư trước kia (tên Tàu của nó là khu Thượng Hải Công cộng Tô giới), chạy dọc theo bờ sông Hoàng Phố. Bến có vẻ đẹp cổ kính chân thật, với tất cả những xung đột, mâu thuẫn của xã hội: sự phồn hoa, những băng đảng xã hội đen, những tầng lớp dân nghèo cùng cực, những trí thức trẻ bị chà đạp.

 

Tôi tản bộ trên quãng đường hơn 1km của bến Thượng Hải để ngắm di tích lịch sử của thành phố. Sự giao thoa văn hóa Đông – Tây thể hiện rất rõ ràng trong những công trình kiến trúc mang đậm phong cách thuộc địa. Từ đây tôi có được một góc nhìn cận cảnh nhiều công trình kiến trúc nổi bật như Tòa nhà Broadway, Jardine Matheson.

 

Đặc trưng chính của bến Thượng Hải nằm ở phía tây của đoạn đường này với 52 toà nhà thuộc các phong cách Tây phương cổ điển lẫn hiện đại, những tòa nhà này hiện tại phần lớn là các khách sạn, nhà hàng, những dịch vụ tiện ích nhất cho du khách.

 

Phía đông của con đường trước đây là phần đất công viên mà đỉnh của nó là Công viên Hoàng Phố. Là nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng và toà nhà thương mại Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Đức, Nhật, Hà Lan và Bỉ. Ấn tượng khó quên đối với tôi đó là đi dưới thành phố ngầm, đến tầng thứ năm vẫn thấy ánh sáng, không khí như đang thở khí trời giữa không gian tự nhiên. Quá bộ trên bến Thượng Hải, tôi tưởng như đang bước chân vào những năm cuối thế kỷ XIX, lúc Thượng Hải bị các đế quốc Anh, Pháp, Italy, Mỹ, Nhật xâu xé để chia nhau quyền lợi.

 

Đứng ở bến tàu vẫn còn cái mỏ neo thật to, có vẻ cũ kỹ xa xưa, cùng với sợi dây thừng vĩ đại vẫn còn rêu bám, đưa trí tưởng của tôi về cuộc chiến tranh nha phiến, Thượng Hải mọc lên các khu tô giới của người nước ngoài. Tôi như thấy lại thời kì nửa phong kiến nửa thực dân bóc lột dân nghèo, kì thị chủng tộc, giới băng đảng hoành hành. Bấy giờ Thượng Hải đã thu hút dân tứ xứ kéo về lập nghiệp, bởi đây là chốn đệ nhất phồn hoa, các tòa nhà khu đô thị mọc lên, công việc dễ kiếm tiền và dễ tiêu tiền nhất.

 

*

Tôi có lên ăn tối tại Tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông, độ cao 469m, xếp thứ 3 trên toàn thế giới, được ngắm thành phố Thượng Hải từ trên độ cao 350m bằng kính viễn vọng cũng là một trải nghiệm thú vị khác. Tôi được tổ chức đi du thuyền trên sông Hoàng Phố, từ đây tôi được ngắm nhìn những tòa cao ốc dưới ánh đèn màu soi sáng rực rỡ.

 

Cũng thấy được nét sầm uất nhưng vẫn mang nét cổ kính, với kiến trúc Trung Hoa cổ, xen giữa những tòa nhà cổ kiến trúc Tây phương. Hàng trăm nghìn bóng đèn đầy màu sắc đua nhau thắp sáng thành phố, tạo thành một “cực quang nhân tạo thu nhỏ” vô cùng ấn tượng.

 

Tôi được đưa đi thăm chớp nhoáng- xe car chạy qua một khu nhượng địa tiêu biểu – nhượng địa của Pháp, là khu vực nằm phía Tây Vùng Đê đập. Tuy chớp nhoáng nhưng tôi cũng được thấy lối kiến trúc kiểu Châu Âu, thật đẹp với những con đường rợp bóng cây xanh xếp thành hàng và nhiều tụ điểm mua sắm đủ mọi thứ.

 

Tôi được tham quan tự do, không theo Đoàn, đến mua những món đồ lưu niệm tại Đông Đài, nơi có bán những món đồ lưu niệm đặc biệt để khách du lịch thoải mái lựa chọn. Người ta nói Thượng Hải là thiên đường đối với những tín đồ mua sắm, đam mê thời trang.  Quả đúng vậy, tôi đã bị choáng ngợp trước những trung tâm mua sắm đồ sộ, những shop đồ hiệu san sát, những cửa hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đồ gốm sứ, lụa tơ tằm. Cảnh sầm uất không khác chi Hồng Kông.

 

Và tôi cũng đã tự làm một city tour ngắn ngủi - thong thả tản bộ quanh khách sạn nơi tôi ở, ngắm nhìn sơ bộ thành phố sầm uất qua các cao ốc chọc trời. Tôi đã phải không ngớt mắt chữ O, mồm chữ A trầm trồ trước những đền thờ và vườn tược của Âu Châu vừa cổ kính vừa hiện đại, qua nhiều biến thiên vẫn tồn tại mãi với thời gian. Nói chung hai ngày lưu trú đủ cho tôi một kết luận: Thượng Hải là thành phố pha trộn cách kỳ lạ giữa cái cũ và mới, là “đại tiệc” kiến trúc, nghệ thuật và văn hoá.

 

 

Bài và ảnh NGUYỄN PHIN

 

Ảnh 1: Tác giả trên Bến Thượng Hải

 

 

Ảnh 2, 3: Ảnh lấy trên mạng, không có bản quyền tác giả

 

 

 

Nguyễn Phin
Số lần đọc: 528
Ngày đăng: 08.04.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn xứ Thanh - Nguyễn Đại Duẫn
Nguyễn Văn Sâm, người gìn giữ kho tàng dân tộc - Trương Văn Dân
Tháng ba về Phồn Xương – Yên Thế - Giang Hiền Sơn
Vẻ đẹp của một bài thơ tứ tuyệt trong quán “Mô tê” - Hoàng Thị Bích Hà
Một thoáng du Xuân xứ Nam Hạ - Nhiều Tác Giả
Cảm động về một câu chuyện tình - Hoàng Thị Bích Hà
Trên một chuyến tàu - Hoàng Thị Bích Hà
Chuyện ‘Ăn Noel’, ‘Chơi Noel’ một thời… - Phạm Nga
Hành hương - Tiểu Lục Thần Phong
Dọc đường văn nghệ (Phần 88) Nhà thơ tài hoa của xứ Phan Thiết - Trần Dzạ Lữ