Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
576
116.855.453
 
Không đi xa nữa
Nguyễn Chí Kham

 

Kỷ niệm 28 năm xa quê hương. Gởi Trần hữu Thục, chị Tôn nữ Như Trân để nhớ nhiều, rất nhiểu với Huế, với bao nhiêu người bạn cũ (NCK)

 

Chừng trong hai năm trở lại đây, các chương trình ra đi có trật tự, con lai, HO được phổ biến rộng rãi làm mọi người nao nức, đợi chờ. Có người vẫn lo ngại, nhưng là chuyện thực, và ai cũng thấy rõ chính phủ Việt Nam đang lưu tâm. Không chỉ riêng tuần báo Công An độc quyền, mà những báo ngoài Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Khoa Học, Lao động, Công nhân cũng được cho loan tin, mỗi cuộc tiếp xúc là được viên chức thẩm quyền xác định rõ đây là chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước.

Huế, thành phố này tôi đang cư ngụ. Từ đầu tháng ba năm ngoái, phòng xuất cảnh bỗng trở nên nhộn nhịp, ồn ào. Ở đây, từ phía bên trong, lan ra ngoài sân không lúc nào vắng khách, vắng người tụ tập. Đông nhất là giới đạp xe thồ, chạy xích lô. Những nụ cười trước đây méo xệch, đỏ màu, nay tự nhiên được thấy sửa ngay ngắn, vừa vặn, trông mới mẻ, vừa trẻ trung, và người nào cũng tỏ ra yêu đời, ham muốn với cuộc sống. Nhưng vẫn có một đôi lúc không mấy ai quên những năm tháng vất vả, đói ăn, thiếu mặc, bệnh tật ở nhà tù. Bây giờ thì hăng hái, cố xài sang một tí. Buổi sáng vào ngồi quán ăn tô bún, uống ly cà phê sữa, hút điếu thuốc thơm trước khi đạp xe đến phòng xuất cảnh với một bao hồ sơ được chuẩn bị hết sức đầy đủ. Mỗi ngày, lúc có dịp các bạn tù gặp gỡ, bắt tay nhau, luôn giữ hơi nóng ấm thật lâu để bảo đảm một cách chắc chắn cho một ngày sáng lạn rất gần sẽ đặt chân lên đất Mỹ. Người này lại bỗng nhắc người kia, giấy ra trại phải đúng bản chính, phải tròn đủ ba năm, không thiếu một tháng, một ngày, và nhớ lúc trình diện nạp hồ sơ phải sẵn sàng có hai tờ cua xanh, gói thuốc con mèo, ba số, kém một chút có thể tạm dùng loại thuốc Jet để ngoại giao.

Tôi cảm thấy lòng mình đột nhiên cũng xao xuyến, bề bộn. Những lúc xong công việc bỏ sách cho đại lý trở về, gặp vài bạn tù cũ trên đường, ai cũng hỏi thăm đã làm giấy tờ chưa, lỡ miệng nói cầu an, hoặc trái ý một chút là bị la rầy, giục giã hối thúc. Sau chiến tranh, nay bỗng nhận ra tình đồng đội, tình chiến hữu của lính miền Nam bại trận còn lớn hơn, rộng lượng hơn miền Bắc đã thắng trận nữa.

Tôi vui thích lắm. Hình ảnh một nước Mỹ rộng lớn, giàu có, niềm hy vọng cho tương lai đã làm tôi có sự mơ tưởng, nghe cơn gió thổi nhẹ mát tan đi những giọt mồ hôi đã thấm ướt trên áo giữa lúc quãng đường về tới nhà hẳn còn xa. Nhưng ước muốn của tôi, dù sao, cũng phải hỏi lại Hồng. Hồng, tên vợ tôi, nàng rất quan trọng, vì tài chánh nàng nắm.

Hôm ấy, khi về đến nhà sắp vào bữa ăn chiều, thấy cảnh gia đình vui tôi bèn đem chuyện đi Mỹ ra bàn. Đầu tiên, tôi nhắc tên vài anh bạn cũ hỏi nàng còn nhớ, rồi kể ra chuyện làm ăn của các bạn mình, và một điểm chính là đám này đang ráo riết trù tính chuyện đi HO.

-Em thấy thích không ?

-Thích chứ.

-Vậy bỏ tiền ra đi, anh lo chạy dịch vụ.

-Thôi, không ham. Hồng trả lời với cái lắc đầu lia lịa làm tôi thất vọng.

Người ta đã tốn kém không ít trong dịch vụ này. Người bước chân qua tới đất Mỹ đúng theo diện HO cũng chưa thấy có bóng một ai cả. Những lúc vui mình có những mơ huyền thì nó khác, nhưng lúc trở lại với đời sống, với thực tế, mọi thứ đang ổn định và cuộc sống ở quê nhà vẫn chắc chắn hơn. Khi bỏ tiền ra để mua một chút hy vọng, hoặc niềm tin, Hồng rất nhát gan, sợ mất của. Ngay cả trong thời gian buôn bán khá, nàng cũng lo sợ, và rồi chuyện cũng đã một lần xảy ra, hàng hóa đi buôn bị cho là lậu thuế bị tịch thu hết còn bản thân Hồng cùng với rất nhiều bạn hàng khác trong khu vực nhà máy vôi cũng bị bắt, nhốt ở lao Thừa Phủ một tháng trời mới được thả.

Không biết thế nào đây, nhưng rồi, không khí sôi động của thời hậu chiến vẫn cứ theo đà của dư luận, như thể, vào thời điểm này đã có sự chín mùi và trong các tư thế ai cũng đều có sự chuẩn bị sẵn sàng.

 

Tôi nhớ lại năm 1979, cuộc chiến tranh giữa Việt Nam-Trung Quốc bùng nổ. Năm đó, chúng tôi còn ở trại Nghĩa Lộ do quân đội quản lý. Nửa đêm, chúng tôi thình lình bị đánh thức, cơm nước rất vội vàng rồi di chuyển trại. Rất nhiều anh em lúc ấy đã tưởng rằng được trở về lại miền Nam gần với gia đình, nhưng không đúng, sau đợt 1 chúng tôi chuyển về trại Hồng K. Yên Bái một tuần, tiếp theo, hai ngày liền trong buổi chiều đã có thêm nhiều đoàn xe Molotova đổ thêm quân số tù cải tạo từ các trại Lao kai, Sơn La, Mộc Châu đến nữa. Nhưng Hồng K. cũng chỉ là trại trung chuyển, rồi ở đây chừng gần hai tháng, toàn bộ trại chuyển xuống vùng xuôi, tập trung ở hai trại Vinh Quang và Tân Lập nằm trong tỉnh Vĩnh Phú. Vào năm đó, mùa đông rét hết sức dữ tợn, phần đói ăn, thiếu mặc, phần nhiễm bệnh sốt rét, phù thủng, kiệt lỵ, bốn tháng đầu số tù nằm bệnh xá tăng lên khiếp sợ, và sau mỗi buổi lao động về đến cổng trại là nghe tin một vài người vừa chết. Không ai nghĩ xa hơn ngoài cái chết, còn với thân nhân, chỉ biết tin tức qua thư từ, có người may mắn, mỗi quý nhận được một gói quà để cầm hơi. Nhưng rồi, không biết lấy nguồn từ đâu, đùng một cái, anh em cả trại hồ hởi, ồn ào truyền miệng cho nhau biết tin là Mỹ sắp đến giải cứu. Từ trong miền Nam, bà con, anh chị em cùng lúc nghe được nguồn tin này đã rần rần kéo nhau ra Bắc thăm nuôi ngày một đông. Tôi bị bệnh tim, nên mỗi lần nghe như vậy là quá hồi hộp, đầu óc giao động thật mạnh. Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán, tôi chỉ ước ao được trở về một ngày để thấy mặt cha mẹ, anh em, vợ con, rồi có đem tôi ra một khu rừng, một xó xỉnh nào giữa trần gian bắn một loạt đạn cho xong đời cũng được. Và, cũng rất nhiều đêm, nhớ hình ảnh mẹ tôi tóc bạc, xa mẹ đã quá lâu ngày chẳng biết bao giờ gặp mặt lại, nước mắt tôi dàn dụa, không ngủ được. Tôi đâm ra buồn bã, nên chi, dù có tới được nơi nào khác cũng không hề là ước mơ của tôi.

Đầu tháng tám, không ngờ ba tôi ra thăm. Khi hết giờ, ông không bị xúc động như tôi, vẫn bình tĩnh đưa tôi ra một đoạn, rồi bấm tay nói nhỏ cho tôi biết là mọi việc đã sẵn sàng rồi, oui ou non là con chỉ gật đầu, không thắc mắc, không bận tâm chuyện gia đình, vợ con gì cả. Giây phút ấy, tự nhiên tôi có cảm giác như là sự hồi sinh.

 

Sau buổi chiều ba tôi rời Vĩnh Phú trên chuyến tàu về Hà Nội, cả trại giam, ngày nào anh em cũng nhỏ to, bàn tán suy luận tin đồn, và có vẻ khẩn trương, cứ sau bữa ăn là người nào cũng chuẩn bị túi xách, ba lô hết sức gọn nhẹ, sẵn sàng đợi ngọn đèn xanh bật sáng lên.

Nơi trại giam nào nằm trong vùng núi, hoặc thung lũng ở miền Bắc dù cho mức ăn đói kém, nhà ở bị nắng chói, mưa dột, nhưng khu vực làm vòng đai ngăn tù trốn thoát thì đất còn rộng, còn thừa. Mỗi nơi đó, có khả năng để cho một lần hạ cánh hai mưới chiếc trực thăng sẽ đáp xuống bốc từng chuyến người bay đi trong chớp nhoáng. Rồi sắp tới đây, người Mỹ sẽ có cuộc đổ bộ giải cứu tù như ở Sơn  Tây.  Không, nay giữa Việt Nam và Mỹ đàng hoàng hơn, hai bên đã có một thỏa hiệp ngầm. Ngày N+1, hạm đội 7 đã sẵn sàng ngoài khơi vịnh Bắc Việt. Ở các trại giam, từ mấy ngày hôm trước các bãi đáp đã được dọn sẵn, lúc nào thấy trực thăng quần thảo trên vùng trời tìm vị trí, bên dưới những trái khói màu bắt đầu thả.

 

Ngày hôm đó hai phái đoàn Mỹ và Việt Nam cùng có mặt khắp các trại. Đầu tiên họ phải quan sát hình thể, cách thức bố phòng của các trại giam. Nơi chỗ làm việc thì đặt ngoài trời, bàn ghế sắp thứ tự từng hàng, đối diện là đã có trực thăng đậu hàng ngang, hàng dọc chờ sẵn. Những người Mỹ đóng một vai trò quan trọng, năm 1973, cuộc trao đổi tù binh diễn ra như thế nào thì ngày hôm nay các thủ tục sẽ làm đúng y như vậy. Nhiều anh em chúng tôi đón nhận các tin đồn vui như thế này đã có thêm một vài nhận định khác nữa, rất lạc quan, là vấn đề tù binh chúng tôi có tính cách quốc tế, vậy sẽ không trao trả ngay ở đây mà được đưa về thủ đô Hà Nội. Vào lúc đó, trước một hai ngày hoặc đến cả tuần lễ chúng tôi sẽ được bồ dưỡng thức ăn tươi, cơm trắng, và được hướng dẫn đi tham quan Hà Nội, thăm Hồ Gươm, Chùa Một Cột, lăng Hồ Chí Minh, Văn Miếu, nhà Bác Cổ trước khi vĩnh viễn rời bỏ đất nước ra đi,  vì sẽ không bao giờ có ngày trở lại nữa.

Vậy rồi, đúng theo hẹn, phái đoàn Mỹ tới. Phái đoàn Việt Nam tiếp đón, hai bên bắt tay nhau, nói  lời chào hỏi, rồi bước vào ngay công việc, bắt đầu với các thủ tục. Ở bên dưới hàng trăm, hàng ngàn người tù ngồi đợi, hồi hộp, ai cũng cố nén những cơn xúc động rất dễ bộc phát, đôi khi bâng khuâng ngước mắt lên bầu trời và thèm được gởi một nhớ nhung tỏa rộng khắp nơi cho quê hương. Bỗng nhiên, có một hiệu lệnh, tập thể cùng đồng thanh cất lên bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người. Sau đó, công việc tuần tự diễn ra, đại điện phái đoàn cầm bản danh sách gọi tên từng người, cấp bậc, số quân, nếu đúng, lần lượt bước lên trước mặt phái đoàn Mỹ để chỉ nghe một câu hỏi rất gọn:

-Anh bằng lòng đi hay ở lại.

-Tôi bằng lòng đi.

 

*   *

*

Nhưng thôi, tất cả chúng ta đều vỡ mộng. Nay chuyện cũ của ngày đó không còn ai muốn nhắc đến vì nó bẽ bàng quá. Không biết, ông Carter đã bị mắc bẫy, thua mưu trí Hà Nội, hay ông cố ý hoãn, nấn ná ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa rồi sẽ giải quyết, đằng nào vấn đề tù binh VNCH cũng phải xong.

Đầu năm 1990, hết sức rộn ràng vì đã có một chuyến bay HO đầu tiên qua tới đất Mỹ. Hoan hô. Liên tiếp trong mấy tháng đầu những lá thư và tin tức từ Hoa Kỳ gởi về nườm nượp, ghi tả lại những phút giây, những nghi thức long trọng,  những hình ảnh cảm động về một cuộc đón tiếp những người tù cải tạo vừa mới đến vùng đất tự do.

Hồng và tôi, hai vợ chồng đã bắt được tín hiệu, người nào cũng reo vui, háo hức. Và rồi, không chỉ HO 1, mà  còn tiếp nối nhiều đợt HO khác nữa lần lượt lên đường. Ngay lúc ấy, tôi tạm bỏ công việc bán sách báo vài tuần, lo soạn lục, tìm kiếm lại  đủ các thứ giấy tờ cần thiết để mau chóng hoàn tất một hồ sơ. Sau khi nạp hồ sơ ở văn phòng xuất cảnh địa phương, ngày nào tôi cũng ngóng tin, đến ba tháng sau tôi mới tìm được một đường dây để xin chuyển hồ sơ ra Hà Nội.

Huế-Hà Nội đi mất hết một ngày đường. Văn phòng xuất cảnh nằm ở phố Thái Phiên. Khi đi, Hồng chuẩn bị cho tôi tiền bạc đóng dịch vụ, tiền ăn ở dự trù đến tuần lễ, nhưng thật không ngờ sau một đêm nghỉ ở nhà khách, sáng sớm tôi có mặt ở văn phòng trước tiên, và làm hộ chiếu với số tiền 500,000 đồng chỉ mất không đầy nửa tiếng đồng hồ.

Xong việc, tôi yên tâm ở Hà Nội chơi đến hai ngày. Mỗi tối, về thuê chỗ ngủ ở trước mặt ga Hàng Cỏ. Nhớ lại mười năm trước đây lúc ra khỏi tủ trở về, tôi có được một ngày thăm Hà Nội nhưng không thể đi hết. Những năm đó, Hà Nội đến nghèo nàn, không thể tin là mình đã thấy, và sống trong một ngày vụn nát, tôi như có cảm tưởng mình đang mong tìm một Hà Nội là thành phố huyền nhiệm trong văn chương. Vài năm trở lại đây, có những lối thoát, cánh cửa mở, Hà Nội thay đổi nhiều. Gió mùa thu phảng phất mùi vị cốm hương. Trên những lớp cỏ mòn đã để lại hình ảnh những dấu chân. Tôi dừng bước bên thềm cỏ nhìn xuống mắt nước Hồ Gươm như một tấm gương xanh và cảm thấy mình mến yêu Hà Nội, để nhớ rằng, Hà Nội đẹp như thơ của Nguyễn đình Thi:

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thởi mùa thu hương cốm mới

Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em.

Hẳn nhiên, nhìn bao quát hết, khuôn mặt Hà Nội vẫn không khỏa lấp hết nổi cái vẻ tàn tạ, quê mùa, đến những dấu tích của thời bom đạn nay vẫn còn. Nhưng bây giờ Hà Nội trở nên xanh hơn hòa hợp được chút màu hồng tươi với ánh nắng và màu cỏ cây. Phố xá đã nhộn nhịp, tấp nập. Phố Hàng Đào, Hàng Ngang, nay đã có bán vải vóc, quần áo, nhưng thiếu những thứ tơ lụa. Hàng Nón, hàng Thao, hàng Chiếu, hàng Bồ, Hàng Quạt, hàng Trống, hàng Mã nay cũng thấy bày bán các thứ hàng giống như tên gọi ngày xưa. Đi dọc theo phố Hàng Buồm, trên lối vỉa hè hai bên thấy bày bán đủ các loại đồ hộp như nước trái cây, bơ, pho mát, bánh bisquit, sữa Guigoz Hòa Lan,  khiến tôi có cảm giác như mình đang đi trên đường Nguyễn Thông ở Sài Gòn. Hà Nội, buổi sáng phở  gánh bày bán khắp nơi trên các vỉa hè từng con phố. Bây giờ, ăn phở Hà Nội mới thấy ngon, có mùi vị thơm của phở Bắc. Bia bốc, bánh tôm ở Hồ Tây cũng nở phồng lớn, đúng với thứ bánh tôm mà người ăn muốn thưởng thức. Tôi cũng còn thấy những cửa hiệu bán kem, bán nước giải khát đông khách ngồi tạo nên không khí nhộn nhịp, cởi mở như ở Sài Gòn. Người Hà Nội đang được sống  một cách hồ hởi. Và, tôi được trông thấy, nghe thấy tiếng người Hà Nội trở nên vui, giòn giã với tiếng chào mời  Đây đó, cũng khá đông khách du lịch đi trên đường phố với quần áo rất đẹp mắt, và người Hà Nội còn biết nữa những người trong miền Nam ra ngoài này chơi, thăm các thắng cảnh, di tích. Những kiến trúc mới sửa sang lại cũng khá nhiều là nhà Bưu điện, khách sạn Métropole, Cửa hàng Bách Hóa, những khu phố chính bao quanh Hồ Gươm trông tươi sáng, mới hẳn qua màu nước vôi mới sơn quét lại. Hà Nội, nay cũng đã có thêm sự tha thướt với những chiếc áo dài màu thiên thanh của các cô gái làm việc ở ngành du lịch, nhưng trong dáng vẻ trên gương mặt, trong đôi mắt, và cả những nụ cười, các cô gái Hà Nội vẫn không che giấu được vẻ mộc mạc, quê mùa .  Hà Nội, nay cò một thứ không giữ lại nữa là hình ảnh những chiếc tàu điện củ kỹ,  với  tiếng chuông leng keng vang lên trong mùa đông  nghe cảm thấy gần gũi, ấm áp. Hà Nội trong đổi mới, đã bắt chước Sài Gòn thay hết tất cả tàu điện bằng xe buýt, tôi đã trông thấy những đoạn đường ray trên các tuyến đường bị tháo gỡ, cho lấp đất, rồi tráng lên một lớp nhựa để làm đường mới . Nhưng với quy cách làm mới này, Hà Nội đã thực sự cắt bỏ ngay nơi trái tim mình những hình ảnh của một thành phố lúc nào cũng thuộc về ký ức. Thêm nữa, Hà Nội và Sài Gòn khác nhau xa. Thành phố Sài Gòn rộng lớn, bao quát rất nhiều mặt, nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng bằng xe buýt phù hợp với các tốc độ sinh hoạt là đúng, còn Hà Nội, tuy là thủ đô, nhưng thành phố này nhỏ hẹp, cổ kính, dáng dấp chậm rãi, thư thả, nên chi, tàu điện nó tạo riêng một phong cách cho Hà Nội đúng với tâm tình và kỷ niệm.

 

Ngày hôm sau, tôi đi bộ ra bến Kim Liên đón chuyến xe sớm nhất trở về lại Huế. Vậy là, ở phía Bắc hai phương tiện thông dụng là xe lửa và đường bộ tôi đều có biết đến và ghi nhận được nhiều thứ để mình có thể nhớ. Hà Nội đi Phủ Lý, khoảng 40 cây số, đường tốt, xe chạy rất ngon. Nhưng khi từ địa phận tỉnh Ninh Bình, lần vào các tỉnh miền Trung có Thanh Hóa, Vinh, Hà Tịnh, Quảng Bình thì đường sá hư hỏng nhiều, mỗi nơi đều rất tệ hại. Tôi suýt nữa bị lỡ chuyến xe ở phà sông Gianh. Tôi cố gắng tìm lại một nỗi xúc động của Bà Huyện Thanh Quan khi xe đang chạy quanh những quãng dốc ngắn lên đèo Ngang. Lom khom dưới núi tiều vài chú. Lác đác bên sông chợ mấy nhà. Vỏn vẹn một bài thơ của bà tôi nhớ được hai câu đó, nhưng khi xe về gần tới Đồng Hới tỉnh lỵ Quảng Bình, qua con sông Nhật Lệ, hình ảnh của biển xa, những thôn xóm làng mạc, và con sông buông thả dưới nắng chiều, bỗng dưng nó gây trong tôi một nỗi vui ấm, rộn ràng, nhớ như in hình ảnh một thôn làng vốn làm nghề đánh cá trong bài thơ học thuộc lòng của nhà thơ Tế Hanh. Quảng Bình còn có một tên gọi nữa là Đồng Hới. Tựa cho bài tùy bút đăng trên tạp chí Sông Hương, chị Lê Thị Mây đã viết về thị xã bông hồng này bằng một giọng văn vừa duyên dáng, cảm động, và khi đem ý tưởng của hoa hồng để tạo nên những nét đẹp của thời gian trong quê hương và tình yêu, thì bất chợt người ta lại phải đón nhận một nỗi buồn của chiến tranh. Tôi đã có đọc bài tùy bút đó, hôm nay thấp thoáng qua vùng quê của chị, tôi chợt nhớ những ngày thơ ấu của tôi ở quê ngoại.

 

*

* *

 

Anh Khai, người ở chung một trại với tôi đã qua đến Mỹ. Vài người quen, trong đó có tôi đã nhận được thư của anh. Mặc dù, viết những lời thăm hỏi, nhưng trong mỗi câu, mỗi chữ của anh đều rất thân tình. Bữa gặp lần cuối ở Sài Gòn, anh mời tôi uống rượu, ăn nhậu, khề khà hết với một tối. Anh là người sinh trưởng ở miền Nam, giọng nói nghe vui, những ngày sống chung ở các trại ngoài miền Bắc, lúc nào có thì giờ rỗi tôi được anh chỉ cho học thêm ngoại ngữ, nhờ vậy, sau này tôi có được chút vốn tiếng Pháp, tiếng Anh để dễ đi trên con đường tự học.

Thật là bất ngờ đến đầu tháng 6/93 không ngờ gia đình tôi nhận được giấy báo của Sở Ngoại Vụ Sài Gòn gọi vào phỏng vấn. Đang vui ồn ào cùng những người hàng xóm, bỗng nhiên Hồng và đứa con gái tôi òa lên khóc. Ít ngày sau, gia đình tôi lên ga Huế đi xe lửa vào Sài Gòn. Khi tàu nổi còi chuyển bánh, hai mẹ con Hồng và những gia đình cùng một chuyến đi như chúng tôi đã òa khóc thật thê thảm. Còn tôi, lòng vẫn luôn cảm thấy vui. Ra khỏi thành phố, đường dài trước mắt, và hai bên phong cảnh cùng bầu trời mở rộng bay lên cao, đoàn tàu bắt đầu tăng nhanh tốc độ phóng đi. Trong toa xe có giường nằm, những gia đình mới quen biết nhau vui thích chuyện trò, và rộng rãi không chỉ qua lời nói thôi mà còn cả tiền bạc nữa khi tranh nhau trả tiền mua hàng quà vặt. Tôi đọc báo, chú tâm vào các bài tường thuật bóng đá quốc tế, quốc nội. Bỗng nhiên ngừng khi nghe vang lên tiếng hát cùng điệu nhạc vui bài Tàu Anh Qua Núi. Bài hát có nhiều câu hay, ý tưởng cũng lạ, khiến miệng tôi cùng hát theo . Nằm bên cạnh tôi là cu Gấu, cháu mới 5 tuổi, vì vợ chồng tôi sinh đẻ muộn lúc sau này.

Trong đêm, xe lửa chạy suốt. Tôi thiếp ngủ, chợt nằm mơ thấy Liên. Nơi căn nhà cũ đó vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng ngoài một mình nàng, không cò ai ở đấy nữa. Khu vườn vẫn đầy hương thơm mùi vị cây trái và lá vẫn còn xanh. Nàng ngồi xõa tóc xuống gần vai, đôi khi cả vóc dáng vươn mình trông lớn hẳn. Nơi vầng trán nàng lộ ra một vầng sáng của ánh nắng. Bên kia sông, bãi cát nổi, bất chợt nghe vang âm những tiếng chim ríu rít lúc mùa hè về trở nên rộn rã. Nàng yên lặng giặt từng chiếc áo. Tiếng bàn chải đánh qua lại như thể nàng còn nghĩ đến những tiếng còi con tàu sắp về tới. Bỗng nhiên bọt xà phòng nổi lên trắng xóa, tan dần, nàng ngừng tay như vướng mắc một ý nghĩ nào khác nữa trong sự bối rối. Mùa hè năm ấy, tôi quen nàng hẳn còn là cô bé. Lúc tôi hỏi một câu, nàng đáp lại ngoan ngoãn. Giữa tôi và nàng, luôn có một kẻ tự xưng tên mình. Lúc nàng nói với tôi, bất cứ một câu nào cũng chợt nghĩ đến một nụ cười nơi xa vắng. Trong ký ức tôi, một bóng mây thấp thoáng tưởng như nghe thấy một cơn mưa đang bay trở về. Vậy đó, nên bức tranh đã vẽ nàng là một thiếu nữ ngồi giặt áo lụa bên con sông. Khúc sông rất đẹp, dòng nước chảy quá êm đềm, nhưng bỗng một hôm có mùa thu đi ngang quá đó không biết do phiền muộn điều gì mà đã nhắn nhủ, nói ra những lời trách móc, khiến cho dòng sông trở nên vắng bóng, lạnh lùng, không còn có một ai ưa thích nói gì nữa về một cậu bé hoàng tử hay ngồi một mình để ngắm cảnh mặt trời buổi chiều sắp lặn. Rồi ngày hôm đó giã từ, hai mươi năm nay rồi chưa hề gặp lại.

Ngày hôm sau, buổi chiều xe lửa tới ga Hòa Hưng. Vừa trông thấy chúng tôi, cả bọn em tôi cùng cất tiếng reo mừng, và đứa nào cũng có sẵn xe để đón. Tôi gặp lại mẹ tôi. Sau ngày tôi được tha về, từ dạo đó đến nay, lúc nào trong câu nói của mẹ tôi cũng có một niềm tin để giữ lại những nụ cười. Không bao lâu nữa, tôi sẽ đi xa, và kể từ nay mẹ sẽ không cò nhớ tiếc gì nữa. Mẹ đã thỏa lòng, sống và chết đều sẵn sàng với niềm vui.

Tôi đưa Hồng và hai con tôi lên thăm mộ ba tôi. Khi thắp hương, tôi không cầm được nước mắt. Ba tôi mất đi do một cơn bệnh ngặt nghèo, và đã mất trong những ngày anh em chúng tôi cuộc sống đứa nào cũng vất vả, khó nhọc. Vậy rồi, đành nén lòng nhận cái chết lúc ra đi, nay hết cả phần phúc muốn được nhường cho mẹ tôi. Hai vợ chồng tôi ở lại trên Hố Nai một buổi tối với vợ chồng em gái tôi. Ở quanh đây vẫn còn là xóm đạo, nhưng nay nó trở nên một vùng quê yên tĩnh hơn, và có một cảnh đẹp rất lạ thường khi trăng sáng. Xa nhau lâu ngày, chén trà đậm, điếu thuốc ngon, những câu chuyện bình thường thôi vậy mà nghe vui thích, hay quá. Em gái tôi lập gia đình sớm, lúc mới hai mươi tuổi, nay các cháu tôi đều lớn, học hành khá như ba nó ngày trước. Giữa người em rể và tôi, hai chúng tôi còn có thêm một tình bạn rất chân thành nữa.

 

*

**

 

Phái đoàn Sở Di Trú sắp hết kỳ hạn làm việc ở Sở Ngoại Vụ. Nhưng tuần lễ sau, đã có một phái đoàn mới đến thay thế. Vào bốn giờ chiều hôm qua, danh sách 20 gia đình từ Huế vào được gọi phỏng vấn, trong đó có gia đình tôi.

Căn phòng có gắn máy lạnh. Bước đầu, tôi rất tự tin. Những câu hỏi bình thường; ngày nhập ngũ, số quân, cấp bậc , đơn vị, ngày bị bắt, ngày ra khỏi trại, cuộc sống gia đình sau những năm cải tạo trở về như thế nào. Tôi được ngưng lại ít phút để cho nhân viên di trú ghi vào hồ sơ xuất cảnh. Tôi để ý thấy cô thông dịch viên thu gọn bớt một số giấy tờ, lòng đã khấp khởi mừng. Nhưng bản chính của tờ giấy ra trại còn nằm nguyên đó như là một chìa khóa mấu chốt. Khi viết xong, viên thẩm tra ngước mắt, nhìn về tôi, chú ý. Tôi được hỏi tiếp, một câu rất thân tình, là những hình ảnh cũ của tôi lúc ở trong quân đội còn giữ không. Tôi đáp không, tất cả đều bị thất lạc trong cuộc di tản lúc đơn vị chúng tôi rút khỏi thành phố Quy Nhơn. Ông ta nghe cô thông dịch viên thuật lại xong, bằng một giọng hơi nhấn mạnh hỏi tôi, tại sao những người khác còn giữ được mà tôi không có. Tôi nói sự việc đó là một may mắn bất ngờ thôi.  Nếu không có chuyện xuất cảnh của ngày hôm nay, thì ít có mấy ai quan tâm, tha thiết đến mà giữ nó lại.

Viên thẩm tra nghe tôi trả lời xong, có vẻ không tin, cái đầu lắc nhẹ, cặp mắt mỉm cười không nói thêm gì cả. Tôi hiểu, trong đầu óc ông ta có nhiều nghi vấn, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng những lý lẽ tôi vừa mới giãi bày không riêng một trường hợp của tôi mà chung hết cho tình cảnh khó khăn của nhiều người khác nữa.

Hình như, ông muốn tôi phải chấp nhận sự phản bác và mối nghi ngờ của ông. Tôi cảm thấy mình khó chống trả. Sau một thoáng suy nghĩ, ông ta coi lại toàn bộ hồ sơ của tôi, lật xem vài chỗ thiết yếu, bỗng rút ra một tờ giấy khai sinh của đứa con gái tôi. Giấy khai sinh được làm lại, hẳn còn dấu mộc và chữ viết mới. Ông lại bắt tôi trình bày, vì sao không có giấy khai sinh cũ. Tôi giải thích với ông, cháu sinh đầu năm 1975, trong thời gian này bắt đầu có những biến cố lớn về chiến cuộc ở miền Nam, và như ông đã biết, không quá ba tháng cả miền Nam sụp đổ. Khi chính quyền mới tiếp nhận, những giấy tờ cũ bị hủy bỏ, phải làm giấy mới theo đúng quy định. Nhưng dù theo cách nào tôi muốn biện minh, ông đã không còn tin nữa. Thời gian như muốn kéo dài thêm ra, ngột ngạt, Hồng và hai con tôi trở thành ba cái bóng bất động, còn tôi, mồ hôi đã thấm ướt chiếc áo sơ mi. Ông ta lại cúi xuống viết, im lặng, một lúc sau, ông ngồi dậy thẳng người cầm tờ giấy ra trại đưa lên thẳng trước mắt tôi, nói rằng, chỉ với một tờ giấy ra trại này thôi không thể nào đủ tư cách pháp lý để đưa gia đình tôi đến đất nước Mỹ. Tôi biết như vậy là xong rồi, nhưng với phút cuối, tôi vẫn bình tĩnh giải thích cặn kẽ với ông rằng, giấy ra trại của tôi đích thực do Bộ Nội Vụ Hà Nội cấp. Trong sáu năm cải tạo, hai năm tôi ở miền Nam, bốn năm ngoài miền Bắc qua các trại Nghĩa Lộ, Yên Bái, Vĩnh Phú. Tôi nói thẳng rằng, ông đã nghi hoặc về sự man khai của một trường hợp về giấy ra trại ở địa phương, nhưng cá nhân tôi và gia đình xác nhận hoàn toàn trung thực. Hơn nữa, theo yêu cầu của chính phủ Mỹ, của cơ quan IOM, thì thành phần quân nhân chế độ cũ bị tập trung cải tạo thời gian ba năm trở lên đều được cứu xét cho sang Hoa Kỳ theo diện HO. Vậy, ngoài giấy ra trại là bằng chứng thiết thực, tất cả hình ảnh, giấy tờ phụ thuộc khác chỉ là một cách làm rõ thêm phần lý lịch. Tôi trình bày hết một lượt, rồi nhờ cô người Việt chuyển dịch hết lại từng ý cho nhân viên di trú. Ông chịu khó lắng nghe hết, nhưng tỏ ra không hài lòng. Gia đình tôi đứng dậy, gượng cười chào, xin rút lui. Tôi cố giấu đi mọi sự bất bình. Bất ngờ, ông bảo gia đình chúng tôi ở lại. Ông nói gì đó với cô người Việt tôi nghe không rõ, rồi cầm lại cây bút máy ông viết vào một mẫu giấy riêng của Sở Ngoại Vụ, và đây là thư giới thiệu tôi đến Sở Công An thành phố (Bộ Nội Vụ II) để xác minh giấy ra trại, có đúng y như bản chính của tôi không. Ngày thứ sáu là hạn chót, nếu làm kịp, ông sẽ chấp thuận đem hồ sơ của tôi cùng chuyến đi của ông về Bangkok.

 

Buổi chiều, ở ngoài đang xám mù trong cơn mưa lớn. Xuống lối cầu thang, bên dưới phòng chờ đợi vẫn ngột ngạt hơi thở vì người quá đông. Các khung cửa kính, dòng mưa như suối chảy ào ào làm mờ đục hẳn. Không hiểu sao, tôi lại nghĩ mình quá đơn độc, chẳng có một điều gì nữa cần thiết nói ra cả. Người đạp xích lô đang chịu trận dưới cơn mưa chờ đón khách. Tôi không hỏi giá cả, bảo Hồng bước lên xe và cả gia đình tôi trở về nhà.

Khi hiểu ra chuyện, mẹ tôi xuống nhà dưới. Hồng ở trên gác, khóc một mình. Hai đứa con tôi chạy sang nhà hàng xóm coi video. Suốt đêm, cay mắt tôi không ngủ được. Tôi nén giận không được những chuyện xui xẻo, vô lý, tự trách mình đã quá chủ quan. Nhưng ngay lúc đó, chợt lóe một tia sáng qua đầu tôi, chợt nhận rằng, trước đây trong cái rủi ro, tôi vẫn có được những việc may mắn bất ngờ.

Tôi thức giấc sớm, lặng lẽ dậy một mình pha cà phê uống. Hồng bước xuống thang gác, nói với tôi một giọng khàn đục, bảo tôi hãy thu xếp đồ đạc trở về lại Huế. Tôi lặng im, hút điếu thuốc, nhìn hàng dừa ở nhà bên kia con rạch nặng trĩu trái. Không biết định như thế nào, lúc ấy mới bảy giờ sáng. Thục đến, ngừng xe Honda trước cửa nhà.

-Sao ông ?

-Rớt rồi. Bây giờ khó quá.

-Sao mà khó. Có bắt xác nhận lại giấy ra trại không ?

-Ừ, có.

-Vậy thì yên chí, tốn tiền là xong.

-Ông biết chỗ ?

Thục gật đầu, hai chúng tôi vào nhà. Tôi pha hai tách cà phê, đem gói thuốc qua bàn ngồi với Thục.

-Uống xong đi ngay.

-Ngày thứ sáu hết hạn, kịp không ?

-Kịp, nhưng đến năm trăm nghe ông.

-Được mà.

Tôi để Thục ngồi một mình, nói chuyện với mẹ và các em tôi. Ngày gọi phỏng vấn, Thục đã đem gia đình vào Sài Gòn trước chúng tôi một tuần, chuẩn bị các thứ giấy tờ kỹ hơn tôi, và chính tôi đã không nghe lời Thục vì quá tự tin vào giấy ra trại do Bộ Nội Vụ Hà Nội cấp. Tôi bước lên gác, thấy Hồng ngồi riêng trong căn phòng tối, vẻ ủ dột. Hai vợ chồng tôi nói chuyện đủ nghe, sau đó, Hồng mở vali, tìm cái áo veste của tôi, lật túi, tháo chiếc kim băng, lấy ra một chiếc khâu. Hồng sợ tôi bộp chộp dễ mất của, nên dặn đi, dặn lại kỹ từng lời.

-Chà, có anh Thục, em lo cái gì .

-Nhớ nhận giấy xong mới đưa tiền.

-Ừ.

Hồng cười, rồi đứng lên, vịn vai tôi lúc cùng đi xuống thang gác. Bên Thục và bên tôi có tình thân như họ hàng. Những ngày sống ở Huế, hai gia đình chúng tôi tuy nhà ở cách nhau xa, nhưng trong tháng vẫn có đôi ba lần gặp nhau, uống trà, cà phê, lúc cao hứng nhấm nháp chút rượu, nói chuyện văn nghệ, thời thế, và có những dự đoán rất viển vông về ước mơ của một ngày đặt chân tới đất Mỹ. Lúc này, các bạn của chúng tôi ở ngoài Huế cũng đang ngóng tin. Mỗi chúng tôi, ai cũng đều có một nửa cuộc đời, thế nhưng với cuộc sống vẫn luôn thèm được trở về lại tuổi hai mươi, để trong ánh nắng, qua cơn mưa có một chút bồn chồn trở mình mà khơi dậy những kỷ niệm cũ còn sống sót, để từ một chút nhỏ nhoi đó, mình cảm thấy tâm hồn lãng mạn còn mãi cho niềm vui.

Quán nước nằm trên đường Nguyễn Trãi, đối diện với cơ sở II của Bộ Nội Vụ. Thục ngừng xe,dắt tôi vào đó. Chúng tôi vừa xuất hiện cửa, bà chủ quán nháy mát, hai chúng tôi tự động đi sâu vào bên trong. Khoảng 5 phút sau, bà hàng quán mới bước vào.

-Lãng đâu rồi, Thục hỏi.

-Câu này đi với cậu.

-Chắc không.

-Chắc.

-Đợi tôi một chút.

Bà ta đi thẳng, mở cửa sau thấy một con hẻm nhỏ. Ra khỏi cửa, rẽ lối phải. Chừng vài phút, một thanh niên bước vào nói giọng Bắc với bà chủ, vẻ mặt hết sức lạnh lùng. Hắn kéo ghế ngồi xuống, không chào hỏi ai cả.

-Bây giờ làm kịp không ?

-Anh đưa tôi coi giấy ra trại.

Tôi đưa bản chính cho Lãng. Hắn đọc kỹ rồi nói:

-Được.

-Bao nhiêu ?, tôi hỏi.

-Sáu trăm.

-Đắt quá, không làm.

-Không có giá rẻ mạt đâu ông anh ?, hắn hất hàm nhìn tôi nói.

-Thiếu gì chỗ bạn.

-Ở đâu cũng thế thôi.

Thục im lặng không có ý kiến. Tôi uống cạn tách trà, đứng dậy bảo Thục.

-Chúng mình đi. Tôi biết một chỗ trên này.

Thục đi với tôi ra cửa. Tôi giữ thái độ dứt khoát, nhìn thẳng sang phía bót gác thấy một vài người đang xin cửa vào. Dòng xe cộ chạy không ngớt. Tôi cũng chưa cảm thấy sợ, vì còn đến hai ngày nữa. Bà chủ quán chợt gọi tôi và Thục. Tôi nói Thục đứng ở ngoài, để tôi vào một mình. Lãng ngồi đó, vẻ mặt lạnh lùng không thay đổi. Bà chủ quán nói với Lãng:

-Bớt cho cậu một chút đi.

-Anh muốn bao nhiêu ?

-Bốn trăm thôi.

-Không được, anh đi đâu thì đi.

Tôi khựng lại một chút rồi gọi Thục vào. Cả hai chúng tôi đã có chung một quyết định lúc ở trên đường đi. Tôi rút chiếc khâu đeo ở ngón tay đưa lên trước mặt Lãng.

-Đồng ý ?

-Không được.

-Vậy thôi.

Tôi trở gót đi liền. Lãng gọi giật lại ngay.

-Sao ?, tôi hỏi.

Hắn mỉm cười nhìn tôi, giọng dịu xuống.

-Ông anh à, em đây chỉ chạy cò., cho em thêm ít chục nữa uống cà phê.

-Giá đó, phải chăng rồi. Anh cũng làm dịch vụ, tôi biết mà.

-Cậu này lính thôi, xin cậu cho em nó thêm vài chục. Bà hàng quán cũng xuống giọng.

-Thêm hai chục, Thục nói.

-Vâng, cám ơn ông anh.

Lãng điềm nhiên cầm gói thuốc 3 số, rút một điếu châm lửa hút. Hắn rít một hơi dài, mắt lim dim. Thong thả, hắn uống thêm một ngụm trà nữa rồi bảo tôi.

-Anh đưa giấy ra trại cho em.

-Bao giờ thì có.

-Mười một giờ trưa, em trở lại.

-Tốt.

Tôi lấy cả gói thuốc 3 số đưa cho Lãng. Hắn trở nên dễ thương trong nụ cười, rồi đứng dậy đi ngay. Thục hỏi tôi:

-Ông ngồi đây một mình, được không ?

-Được, nhưng tôi rất cần ông.

-Việc coi như đã xong.

Bà chủ quán còn đứng đó làm tôi hơi ái ngại.

-Đi kiếm gì ăn, chưa có gì trong bụng cả.

Tôi kéo Thục ra ngoài, và trên đường đi tới những quán ăn nằm dọc vỉa hè, tôi nói với Thục điều tôi nghĩ, Thục gật đầu.

-Sao, xong xuôi cả chưa ?

Tôi đưa tay chào người quen, anh Phúc, cấp bậc Thiếu tá ở cùng trại Tân Lập.

-Ông đúng là người có đầu óc tính toán.

Thục nghe tôi nói, chỉ cười. Quán ăn đông khách, cô bán quán múc liền cho chúng tôi hai tô bún. Lúc này, trong đầu óc tôi bớt căng thẳng. Tôi trở nên vui hơn, vừa đang ăn Thục nói:

-Ông nên nhớ rằng, nếu cô tình bác ông, nó không cần thiết bắt ông xác nhận lại giấy ra trại.

-Nhưng giấy của tôi có đóng mộc của Hà Nội cấp, đâu phải địa phương mà mình làm giả được.

Thục ăn xong, đũa bát bỏ sang một bên, cầm tăm xỉa răng rồi quay sang tôi:

-Ông còn ngây thơ lắm.

Tôi chợt hiểu, mỉm cười vu vơ. Ngồi với nhau chuyện trò lan man, đúng mười một giờ Thục đưa tôi về quán vừa đúng lúc gặp Lãng về. Tôi nhận giấy, coi lại rất cẩn thận rồi đưa tiền cho Lãng.

Hai gia đình chúng rời Huế vào Sài gòn, nay xong việc trở về cùng một chuyến tàu. Về lại đây, rất  đông bạn bè, bà con và những người hàng xóm đến thăm. Kể lại những chuyện vừa qua cho mọi người nghe, ai cũng ngạc nhiên, hú vía, nhưng rồi lấy lại được sự yên bình và mừng vui cho gia đình tôi.

Và, không thể ngờ được đến đầu tháng 9/93, Sở Ngoại Vụ II gởi cho tôi giấy thông báo vào Sài Gòn để đăng ký chuyến bay. Có tin vui, cả nhà cùng reo lên, bất ngờ, tôi nhìn thấy Hồng tự dưng khóc. Tối hôm ấy, thứ sáu, tôi lên ga Huế đi chuyến tàu đêm. Tôi đi một mình. Như vậy, trưa thứ bảy tôi có mặt ở Sài Gòn, ở chơi ngày chủ nhật, thứ hai đến Sở Ngoại vụ, qua thứ ba tôi về lại Huế. Nhưng rồi, sau khi nhận giấy báo xong tôi còn phải nán lại, vì ở ngoài Huế gia đình Thục vừa vào để chuẩn bị lên đường sang Mỹ. Hay tin, tôi tìm đến chỗ nhà Thục ở trọ. Vừa gặp nhau, Thục liền kéo tôi đi nhậu. Sài Gòn, lúc sau này thành phố ngày càng trở nên nhộn nhịp. Vào buổi chiều, trên mọi con đường lớn nhỏ, trên các lối vỉa hè đều mọc lên rất nhiều quán nhậu.  Tôi và Thục ngồi quán ở đường Pasteur, trước mặt tòa soạn Tia Sáng. Giờ này cũng vừa là giờ tan sở, xe cộ chạy trên đường ào ào như thác lũ. Loại bia 33 ngon nhất, giữ được nguyên hương vị của lúa mạch. Nguyên két 24 chai, dĩa mồi lớn, hai đứa thay nhau rót đầy ắp vô ly và chuyện trò hết sức thơ mộng, có duyên. Nơi chỗ chúng tôi ngồi có bóng cây che im mát, nhìn ngược lên là khu công viên Sở Ngoại Vụ thấy khách vãng lai đứng đó còn đông. Nhiều năm nay, không một ngày nào vắng bóng những người bạn HO,  và địa điểm này là một trung tâm lớn về nguồn tin tức. Những tin tức phát ngôn ở địa điểm này có giá trị A 1, nhanh chóng, chính xác hơn những nguồn tin đăng tải ở các báo Sài Gòn., và có một số nguồn tin báo nhà nước không thể loan được thì ở tại đây đã có sẵn phát ngôn viên trình bày, tường thuật rất hấp dẫn đầy đủ mọi chi tiết. Người anh em chúng tôi, mặc dù lúc này đang chờ, hoặc ít ngày nữa sẽ đi qua bên đó, nhưng hết thảy bây giờ đã có nắm trong tay lộ trình chuyến bay, tên những tiểu bang cư ngụ, và rộng lớn nhất trong trí tưởng là bản đồ toàn diện hình ảnh sinh hoạt của nước Mỹ.

Không đưa gia đình Thục lên Tân Sơn Nhất, buổi chiều ngày trước, tôi đón xe lam lên Bà Chiểu, ghé thăm hai vợ chồng vừa lúc đã chuẩn bị xong xuôi hết các thứ hành lý. Mấy đứa  cháu cũng như con tôi ham thích video đang ngồi coi nhà dưới, tôi nói chuyện với Thục cùng chị Như Trân. Một lúc, tôi thấy chị Trân khóc. Có lẽ trong câu chuyện của hai chúng tôi về Huế làm chị nhớ nhà. Người Huế hình như luôn luôn có một nỗi nhớ thương sâu đậm về thành phố sinh trưởng của mình, nghe giọng nói, món ăn, mùi vị nồng của một thứ ớt cay bốc lên là cảm thấy mũi lòng, luyến tiếc, điệu bộ sụt sùi, vừa nói, vừa khóc. Quê quán tôi ở ngoài miền Trung ven biển, nhưng ở về vùng đất cát nghèo khó hơn, không có được duyên may là người sinh trưởng ngay tại Huế để có được nỗi nhớ lẫn buồn vui đậm đà như núi non, trăng sáng.

Xong việc, tôi trở về lại Huế. Chuyến tàu Thống Nhất rời Sài Gòn lúc 8 giớ sáng và đến Huế trưa ngày hôm sau. Không nhắn tin cho Hồng biết để lên đợi, tôi đón xe về nhà một mình. Trong bữa ăn trưa, bao quanh không khí vui trong gia đình tôi trở thành một người khách im lặng nghe mỗi người chia xẻ với nhau từng tâm sự và nguyện ước trong lòng. Nhìn qua Hồng, tôi nhận ra được nỗi bối rối của nàng. Ngày mai khi đi xa đất nước, xa Sài Gòn là thành phố tôi và Thục đã sống qua một thời tuổi trẻ, chuyến bay có gia đình Thục đi sẽ cất cánh trước lúc bình minh, trạm ngừng đầu tiên là Thái Lan, sau đó sẽ còn một vài trạm ngừng khác nữa trước khi tới Florida. Trong tôi, vẫn còn in dấu hình ảnh một căn gác, đôi mắt của người bạn thân còn in qua vệt nắng trên cánh áo, khuôn mặt người vợ của anh còn đầm đìa nước mắt, tự nhiên trong tôi cảm thấy nỗi chạnh lòng, không biết, ngày mai trời có xanh.

Thời gian đợi cho chuyến ra đi của gia đình tôi là ba tuần lễ. Sáng nay , tôi đến cửa hiệu sách Huy Hoàng.  Nằm ngay trong khu phố chính của đường Lê Lợi, hiệu sách ngày nào cũng đông. Vừa bán hàng, chị Tuyết đứng ở quầy vẫn thoải mái chuyện trò với tôi. Người ở lại thì lòng đang vui như tết , trong câu chuyện với tôi, giọng nói của người chị thật hồn nhiên, lạc quan. Hỏi vui một câu, qua bên đó tôi có tiếp tục làm nghề chạy báo, bán sách nữa không, tôi không trả lời, nhưng cả hai cùng òa cười lớn tiếng. Với niềm vui chung, tôi như còn nhìn thấy cảnh ruộng đồng, những quãng đồi dốc, rừng thông, và bao nhiêu bóng dáng các làng mạc chói chang ánh nắng trong suốt mùa hè. Nghề bán sách của tôi dựa vào sự phát triển bên ngành du lịch. Huế đang được UNESCO chú ý, lúc sau này có rất nhiều đổi mới. Huế còn là kinh đô, có cả một bề dày lịch sử chính thống của triều nhà Nguyễn.  Mùa hè, thành phố luôn rộn ràng tiếp đón du khách nước ngoài, Việt Kiều, người trong nước từ miền Nam ra, miền Bắc vào và đem lại nhiều nguồn lợi cho ngành du lịch.

 

Tôi rất quý trọng sách báo và yêu nghề của mình. Trong ngày, sáng cũng như chiều, chiếc xe đạp của tôi lúc nào cũng chất đầy sách của đại lý lên một cái thùng giấy carton đã cột sẵn ở đằng sau. Vào giờ buổi sáng, tôi đảo một vòng thong thả  ghé chào hàng ở những quầy lưu niệm trong khu vực Đại Nội, sau đó, gần trưa khởi sự chuyến đi xa lên tới các lăng Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Minh Mạng. Ở những nơi xa này, trong mùa khác, mỗi tuần tôi đi hai chuyến, còn mùa hè thì gần như không một ngày nào tôi gác lại những chuyến làm ăn của mình. Với lại , các địa điểm trên này bên cạnh nhiều thứ đồ cổ du khách yêu thích, mặt hàng sách của tôi cũng bán rất chạy. Khi lên hết đoạn dốc sau cùng của đường Nam Giao, một ngã ba xuất hiện, nếu cứ đi tiếp lên nữa về phía núi sẽ qua một khu lâm trường, qua một ngôi nhà thờ cổ kính của dòng Thiên An nằm giữa đỉnh các đồi thông, còn như rẽ lối phải thì trên con đường này đi chừng 5 cây số sẽ gặp đồi Vọng Cảnh, và theo một nhánh rẽ một con dốc đứng đến lăng Tự Đức. Nơi đây, dù bạn chỉ đến một lần, hoặc đã rất nhiều lần đến, bạn vẫn thấy biểu hiện những nét kỳ bí của cỏ cây, rừng đồi, và nổi bật một sự hùng tráng muốn bao trùm lên hết tất cả những cái dáng vẻ đang còn tịch mịch, uy nghiêm. Người ở nhiều làng quê quanh đó, phía trên đồi hay bên dưới kia đồng ruộng, đến mùa hè, họ thường đạp xe đi thật sớm đem theo dụng cụ cào cuốc, xẻng, và khi đên nơi rừng đồi này, bắt đầu theo lối các triền dốc đi lên gom hết lại lá thông khô từng đống, rồi độn căng chặt vào bao đem về nhà để đốt thay củi. Rơm thông khô, bốc lửa cháy rần rật, thổi cơm chiếu trong ngọn lửa cháy sáng lên, và rực khắp các thôn xóm như một vùng nắng mênh mông lan từ quê hương của những người sống cuộc đời du mục ra tới mặt biển.

Hai ngôi lăng Tự Đức, Đồng Khánh nằm gần nhau, chung quanh có một ít nhà ở của dân chúng, đến như lăng Khải Định, Minh Mạng, Gia Long, thì là chốn cùng của thiên nhiên và người ở. Những anh bảo vệ coi sóc ở các lăng, họ vẫn thường tiếp xúc với tôi trong việc buôn bán sách, hoặc trao đổi vài ba món đồ cổ, ngoài bình thường này ra, đôi khi tôi chợt liên tưởng nghĩ về họ trong cuộc sống giống như những vị già cư sĩ ở trên núi trong các non động.

 

Và, những ngày tháng qua đó, nơi tôi cũng đã có cách sống của những người du mục. Buổi sáng lên vùng núi, buổi chiều về lại đồng bằng. Khi buổi chiều đã vẵn khách du lịch viếng thăm các di tích, tôi trở thành người sau cùng từ giã chốn núi, lúc đó, tự dưng có một chút bâng khuâng nhẹ như nỗi buồn. Khi trở về, sau những đoạn nhọc nhắn leo qua các đồi dốc, tôi được nhìn thấy lại đồng ruộng, đàn bò, con trậu cày đi qua vũng nước, bỗng dưng gợi nhắc tôi nhớ đến một cô bé ở miền Nam đã nói với tôi bằng một giọng Hà Nội sau ngày đất nước thống nhất. Cô bé nay ở đâu, với tấm áo trắng của cô vẫn ở tận mãi một vùng trời, biết đâu nơi chốn đó là vùng của đám dân du mục, hay chính là cái bóng dáng một căn nhà của cô bên cạnh chiếc cầu bắc qua dòng suối, những sáng mai luôn thấy có đoàn tù ngang qua đó, một người già đứng ở khung cửa hẹp trong đám mây, rồi bóng hình cô gái hiện ra quá dịu dàng như gạo mùa, như tia nước lạnh mát trên mỗi bông hoa trắng, và lúc trông thấy tôi mỉm cười không biết cô có nghĩ rằng hãy hẹn đến ngày mai khi tóc xanh xõa xuống được hai vai thì mới gọi cô là thiếu nữ. Bên đây, tôi vẫn dừng chân lại, để còn nhớ mãi chuyện về sau:

Xin chia tay và nếu là mãi mãi

Thêm một lần xin mãi mãi chia tay.

(Byron)

 

Trong tháng tám âm lịch đã bắt đầu có những cơn bão rớt, và những cơn mưa liên miên từ trên nguồn đổ về làm ngập ướt cả thành phố. Ngày hôm sau, bỗng gió lặng, trời quang tạnh. Thấy vậy, Hồng giục tôi đi Quảng Trị sớm. Nơi chỗ làng tôi, xa Huế hơn 60 cây số, và hiện nay người dân thôn làng cũng tản mác ra định cư những nơi gần biển nhiều hơn. Sau cuộc chiến tranh, gia đình tôi và những thân quyến gần gũi, lần lượt theo nhau vào miền Nam kiếm đất sinh sống, người ở Long Khánh, Bà Rịa, Hố Nai, người xuống miền Tây ở những tỉnh Cần Thơ, Châu Đốc, Rach Giá. Ba tôi đã mất.  Phần mộ khi chôn cất, may được chỗ đất tốt nằm chính giữa ngọn đồi trong một khu nghĩa địa rộng rãi, đầu hướng về ngọn núi, hai chân duỗi thẳng theo những hàng cây bạch đàn trồng xuôi xuống dòng suối. Bác Hai và một người o ruột của tôi còn ở làng. Về thăm làng, lúc này tôi đem khung ảnh cũ của ba tôi về gửi nhờ bác Hai tôi thờ vọng, để mỗi kỳ giỗ chạp có được hương khói chung với ông bà nội tôi và những người thân quyến đã mất. Ngôi nhà thờ chính hư nát tất cả, chỉ còn nguyên vẹn cái giếng nước, sân gạch đầy rêu, và cây khế sai quả trồng bên cạnh lối đi vào cổng. Tôi ghé thăm bà o bị lòa mắt, gửi chút ít quà và tiền tiêu vặt. Buổi sáng, trên con đường yên vắng, cát mịn, lũy tre xào xạc trong ngọn gió, bác Hai mặc quần vải trắng, áo lương đen, dẫn tôi lên tới đồi cát để thắp hương cho các ngôi mộ của gia đình. Bác Hai tôi đã trên 80 tuổi, nhưng trông vẫn còn khỏe mạnh. Tôi nói chuyện về quê nhà, bác im lặng nghe, nhưng cũng cảm thấy đó là những mảng tâm sự của mình. Trở về, tôi có được phút giây ngồi yên lặng cùng với bóng im của mái tranh trong căn nhà bác. Bữa trưa, ăn cơm xong tôi từ giã. Bác Hai tiễn chân tôi ra tới khu chợ, đầu ngõ làng. Tôi nói chưa hết câu, bác đã chảy nước  mắt. Tôi mỉm cười, và tự tin mình như đang còn ở tuổi hai mươi. Tôi nắm tay bác, rồi cúi đầu vụt chạy. Dòng nước trong suốt dưới cây cầu bắc qua con suối nhỏ đang nhìn thấy lá rụng bị cuốn trôi đi.

Buổi chiều khi lên tới huyện lỵ, trời vẫn còn đầy nắng. Nhưng khi xe chạy qua hết khỏi đồi dốc, trời xối xả đổ xuống cơn mưa. Mưa mù, và thấy bóng dáng những đám mây vụt chồm lên như những ngọn sóng biển lênh đênh trôi giạt về hướng núi. Tôi cảm thấy trong tâm hồn, trong ký ức, những kỷ niệm không có lối thoát đã ngập chìm trong nước mắt.

Về Huế, trời quang tạnh trở lại. Xe đỗ khách bên con đường phía dưới ga xép cũ, có vài người và tôi cùng xuống.

Tôi đi bộ băng qua cây cầu Bạch Hổ. Dòng sông Hương xanh biếc giữa một ngày gió lộng, nó đang có một sức chảy tuôn tràn về đến những nơi xa nhất. Ở giữa đoạn cầu ván chênh vênh, gió lớn, hất ngược mái tóc, bất chợt tôi dừng bước. Không ngờ, sau bao nhiêu năm sống ở thành phố này, nay tôi mới nhận ra bóng dáng một cây du cao lớn, nghiêng lệch trên mặt nước lan qua dãy thềm tam cấp, tôi đã nhận ra đúng nơi đó là bến cũ, căn nhà ngày xưa Liên đã ở đó. Sau cái chết của Hân, gia đình nàng đã thuê ở một nơi khác. Bây giờ, tôi không thấy  có một ai ngồi giặt áo nơi bến cũ. Nhưng sự nhớ thương tình cờ đang có những nét vẽ lại cái bóng dáng rất dịu dàng của một cô gái tóc cắt ngắn, chiếc áo màu hồng, tay đang cầm bàn chải, xà phòng, nàng ngồi dưới nắng ấm, còn tôi ở trên bậc thềm tam cấp, hai người đang nói chuyện với nhau giữa một buổi trưa im lặng vô cùng.

Ngày hôm đó, ba của Hồng mất. Tôi được tin trễ, về muộn. Ngôi mộ cũng nằm trên đồi, đứng từ chỗ đó, thấy cả một làng mạc rất xa dưới những vùng mây trắng đang trôi ra hướng biển. Hình như, mỗi khi trông lên bầu trời nhìn mây người ta vẫn hay có cảm tưởng mặt biển nó luôn ở nơi chỗ xa xôi với mình hơn là những ngọn núi.

Ông M. là một người mẫu mực., sống bằng sự khắc khổ rất nhiều, nhưng hết sức đầy tình thương. Tôi rất ít sống gần ông. Nhưng đứa cháu ngoại của ông là con gái tôi đã được ông che chở, đùm bọc. Và nay, cháu được mười tám tuổi, có được vóc dáng của thiếu nữ và rất giống với Hồng lúc trẻ rất nhiều. Ngày khai sinh của cháu nhắc tôi nhớ đến Liên. Ở phía sau các ngả cổng, màu vôi tím đã nhòa nhạt, nhưng nhìn bất cứ từ lối nào vào bên trong sân trường người ta vẫn còn thấy nguyên vẹn một khuôn mặt Đồng Khánh. Từ giấc mơ, đã có lúc tôi muốn lấy một kỷ niệm nhỏ về hình ảnh của Liên trong ngôi trường đó để đặt tên cho con gái của tôi, nhưng suy nghĩ, tôi chợt hiểu ra điều đó sẽ làm Hồng im lặng với nỗi buồn.

Hồng là con gái duy nhất của một gia đình đông anh em trai. Ngày đám cưới rất đông bạn bè, Hồng mặc hai lớp áo màu xanh lá cây. Những bức ảnh đủ kiểu, đều được chụp vào ngày hôm đó qua ánh nắng của những xác pháo màu hồng rất tươi đẹp. Nhưng ngày hôm ra đi, những hình ảnh đó đã bị một ai đem chôn vùi không nhìn thấy lại được nữa. Với vợ chồng tôi là tất cả sự nông nổi, đau lòng. Tại sao vậy, khi mà tôi hẳn còn nhớ như in mình cẩn thận cất hai cuốn phim vào gói giấy để mang theo, vậy mà khi lên tới đơn vị lục lọi hết cả ba lô mà vẫn không tìm thấy. Sự mất mát trên đã thành một điềm không tốt cho cả hai đứa tôi, rồi liên tiếp gặp những chuỗi ngày bất hạnh. Khi chiến tranh đi tới ngày hấp hối, chung cuộc, nằm trong trại giam hối hận lại chuyện cũ, tôi viết thư xin lỗi Hồng. Nhưng số phận không có gì đáng trách đâu, Hồng nói trong thư, và vẫn luôn với tình nghĩa, với mong đợi, Hồng chỉ có một ước ao tôi được về. Ngày đó, không được gần lắm, đã rất xa như một tấm lòng vẫn kiên nhẫn, đợi chờ.

 

* *

*

Mưa như những hạt bụi sương rủ xuống nhẹ nhàng, tươi mát. Nửa giờ sau, ánh nắng đầy hẳn lên khắp các nơi làm một ngày vui hẳn. Tôi đứng dưới mái hiên, nghe chung quanh hòa hợp cả một thôn xóm, tưởng chừng như mùa xuân đang trở về ấm áp, rôn rã tiếng nói cười. Thằng cu Gấu được mẹ cho mặc quần áo mới, đã chạy tung tăng băng nhà này, sang nhà nọ, chơi trò trốn tìm với bọn trẻ. Cô con gái lớn, cháu Đông Anh quét sạch lá rụng trước sân nhà, cắt tỉa những đám lá lòa xòa nơi phía rào dậu. Bên cạnh ngôi chùa, khu vườn được trông thấy đang nở nhiều cánh bông đủ sắc màu. Mỗi ngày, buổi sáng mát dịu khí trời, buổi chiều lảng vảng quanh bóng im, lúc nào cũng thấy cô Như Huy ra vườn tưới nước cho cây lá và bông hoa. Sáng nay, hình ảnh trước mắt đã nhắc tôi nhớ hôm nay cũng là ngày kỷ niệm bốn năm xây cất căn nhà của mình. Khi nào cũng vậy, mỗi khi nhìn thấy bóng dáng của tôi trở về đang từ dưới con dốc đi lên là mái nhà hiện rõ ra với một màu ngói đỏ tươi thắm. Ở sự vật, nhờ vào ý niệm của thời gian mà hạnh phúc của nó hầu như luôn luôn có được một sự an toàn, trong khi, với con người, bằng tấm lòng hết sức tha thiết, vô hạn, vậy mà vẫn hay gặp phải những sự xa cách, hoặc chia lìa, đổ vỡ.

Hồng được hai đứa cháu lên phụ giúp, dọn dẹp bếp núc, và mọi thứ chỉ giữ lại ít thứ cần dùng trong vài ngày còn bao nhiều dồn sang hẳn một bên để đem chia lại cho những gia đình nghèo khó. Tôi đứng ngồi ở đâu, cũng nghe rõ tiếng nói, tiếng cười của thằng Gấu. Nó bắt đầu biết nói trạng rồi. Trong ý thức trẻ con, tự nhiên nó hiểu được gia đình sắp rời khỏi đây để đi xa tới một nơi khác. Ở những lần di chuyển, phải ra vào Huế- Sài Gòn để phỏng vấn, chích ngừa, khám sức khỏe, cháu nó nhớ được tên một con đèo, mặt biển, đường hầm, nhà ga, và đặc biệt, nhớ cả được tiếng rao quà của bọn trẻ bán hàng rong, nước uống trên tàu.

Hai đứa em trai Hồng đi mượn bàn ghế đem về, chúng tôi phụ nhau sắp đặt chỗ ngồi đủ cho 12 người khách. Bà ngoại vẫn còn khỏe mạnh, lên xuống nhiều lần qua lối đi ăn thông ngả dốc khu vườn, gặp những nhành cây vương rãi thì nhặt nhạnh, chốc lát bà dừng lại nói chuyện với mấy đứa cháu, lúc nào trên vẻ mặt bà cũng thấy sự bình thản. Hồng ngừng tay, hễ trông thấy bóng người mẹ, cứ lặng lẽ đưa mắt nhìn theo hoài.

Căn nhà trở nên sạch sẽ, mát dịu. Tôi cảm thấy hài lòng, vì mọi thứ đều ngăn nắp. Khung ảnh của ba tôi trên bàn thờ thật nghiêm trang, đôn hậu. Bên vườn, bóng dáng chiếc áo lam cô Như Huy đi đi, lại lại, những tia nước trắng xóa dội mát lên từng khóm cây, ngọn lá, thoáng vẽ ra một khuôn mặt xinh xắn như một đóa bông sen nở hết nụ cười. Đứng nhìn những bông hoa nở màu trắng, tôi chợt nghĩ đến ba tôi. Sự bình thản trong cuộc đời là màu trắng. Đó cũng là kỷ niệm, vẫn thường nhắc nhở tôi nhớ đến chiếc áo ba tôi thường mặc vào lúc buổi chiều. Giữa một khoảng nắng trải rộng lên tờ giấy, hai tay áo buông thõng, trên cặp kính trắng in dấu một chút tình nghĩa và cố tri, lúc ấy ba tôi đang ngồi yên lặng chép những bài thơ Đường bằng chữ Hán. Nơi căn nhà này, một phần chữ viết đó tôi đã gói ghém, cẩn thận cất vào một ngăn nhỏ của tủ sách. Bạn bè của ba tôi, mỗi người là một đám mây trắng. Người phương Đông khi lưu lạc, vẫn thường dõi mắt nhìn theo mây trắng để tìm đến một nơi thật đích xác là quê nhà. Đôi khi, tôi được nghe ba tôi nói, mỗi câu thơ Đường là một người bạn. Người bạn xa cách lâu ngày từ Hoàng Hạc Lâu tới thăm, tháng ba hoa đã nở, ở lại ít hôm trò chuyện sau đó ra đi, từ biệt. Khuất hút trong màu trời xanh thẳm, bạn đi với một chiếc thuyền lẻ loi, và thấy dòng sông đang chảy là vô hạn.

 

Tới đầu buổi chiều, các bạn của tôi tới. Xe đạp, xe gắn máy dựng ở góc sân sát rào dậu. Hai cây bồ kết trước mặt nhà che đủ bóng mát. Người bạn nào cũng vui, như còn biết thêm được tuổi trẻ của mình đang hết sức mỏng nhẹ trên màu lá tươi non của những chiếc áo len. Ở dưới chân dốc, có hai người đi bộ lên, tôi nhận ra ngay màu xám chiếc mũ lưỡi trai của Hồi. Ngọc, vẫn giữ mái tóc quăn nghệ sĩ. Trong đám, Ngọc lớn con, và giọng nói còn khỏe, nghe sang sảng. Thêm một dáng vẻ nơi Ngọc là hắn có phong cách của một tài tử điện ảnh qua nụ cười. Ngay lưng dốc, trông thấy tôi cả hai bạn đưa cao tay chào. Tôi lần bước xuống đón cả hai bạn lên, rồi ít lời khách sáo giới thiệu. Ngọc liền xua tay, cả đám ở đây đứa nào cũng biết nhau cả. Lúc ánh nắng chiều xê dịch, đổi hướng, chúng tôi cùng đứng lên đổi vị trí. Chiếc bàn thấp đưa qua bên phải một chút, hơi chênh vênh,, phải kê một miếng ngói nhỏ. Rót bia, một vài chai vào mỗi ly, nhấm nháp một tí, tiếng nói cười, trò chuyện rôm rả. Tôi vào nhà lấy thêm vài ba chiếc ghế nữa. Anh em tiếp tục câu chuyện riêng qua từng nhóm, tôi đứng với nhóm này ít phút, xong nhảy qua nhóm khác. Trứ chỉ mặt tôi, hắn cười, nói với Hượt và Ty ngồi bên cạnh, bạn học từ hồi lớp nhỏ, thằng này đại hoang. Hượt và Ty, cặp này rất ăn ý về chuyện học hành, thi cử, cả hai cùng có hai đứa con trai, gái mới thi đậu vào Đại Học. Ty dạy học ở Huế đã hơn hai chục năm, bạn tôi rất nhiệt tình, luôn luôn hướng hoài vọng của mình về thế hệ trẻ. Nhóm bên phía Cao và Kiên đông hơn, và lúc này, các bạn trong nhóm này đang lắng nghe Cao giải thích về luật âm dương trong khoa tử vi, bói toán. Hai người nữa chúng tôi còn đợi là Hội và Đức. Bất chợt nhớ ra, Hồi lên tiếng cho tôi và anh em hay biết là cả hai bạn này không đến được vì sáng nay cả hai cùng đưa một phái đoàn Hòa Lan vào Đà Nẵng tham quan. Những năm gần đây du lịch Huế phát triển, Hội và Đức đang dạy học xin thôi ngang chuyển ngành làm chuyên viên thông dịch cho Công ty du lịch của thành phố. Với những chuyến đi xa gần, ngay trong thành phố Huế, hoặc ra Bến Hải hay vào đến Quảng Ngãi, ngoài tiền lương ra, Hội và Đức còn được hưởng thêm công tác phí và tiền thưởng của đoàn khách tặng sau khi kết thúc chuyến đi.

Vẫn còn sớm trong buổi chiều có nắng ấm áp, nên tôi cứ để anh em trò chuyện thêm chút nữa. Ngồi xuống bên Ngọc, tôi cầm lá thư của Thục vừa mới gởi thăm anh em qua địa chỉ của Ngọc. Trong thư, Thục có dặn riêng tôi, khi nào đi cố gắng mang sách qua bên đó, nhiều chừng nào, tốt chừng ấy, vì giá sách Việt in ở Hoa Kỳ cao gấp bốn năm lần so với Việt Nam. Tôi cũng được biết rõ thêm một số chi tiết quan trọng về thủ tục Hải quan khi hành khách vào phòng cách ly. Nhưng lá thư đầu tiên sau mười lăm ngày Thục qua tới đất Mỹ, chỉ vắn tắt các lộ trình, các trạm ngừng, nơi đến, và những công việc đầu tiên liên hệ với người làm sponsor và sở xã hội.

Hồng xuất hiện dưới mái hiên nơi thềm cửa, cất tiếng cười vui mời chúng tôi vào nhà. Chúng tôi cùng đứng lên, vừa vỗ tay, vừa ngỏ lời chào khen ngợi Hồng. Bàn ăn trải khăn trắng sạch, ngay ngắn, từng cặp ghế đối diện, khăn giấy, ly tách cũng sắp một hàng dài đồng màu, đẹp mắt. Căn nhà tôi đang ở, đúng hôm nay là bốn năm. Nhà này một căn, chia làm hai phòng, phòng bên trong sinh hoạt gia đình,, phòng ngoài rộng dùng làm phòng khách, sát cửa sổ đặt cái divan để nghỉ trưa, và cũng là chỗ nằm mát lý tưởng trong mùa hè. Hai ngày trước trên khoảng rộng bức tường trắng, bên phải bàn thờ ba tôi có treo một bài thơ Hoàng Hạc Lâu được viết bằng chữ Hán trên vải lụa, đó là hoa tay, một lưu niệm của bạn Ty dành cho tôi.

Bạn bè đủ hết, trống hai ghế Hội và Đức, vợ chồng thêm người trong gia đình vào. Như hôm họp mắt chia tay ở nhà Thục, tôi cũng có chuẩn bị một ít lời chào tạm biệt. Nhưng vẫn cảm thấy bâng khuâng chưa biết cách nào mở lời, ngồi ở dưới, Ty bật cười nhắc tôi lên tiếng. Hồng đứng cạnh bên tôi, ánh lửa nóng hẳn còn hừng đỏ trên gương mặt nàng. Rồi bắt đầu , tôi nói. Và lúc gặp một vài câu vấp váp, bị anh em cười phá ngang. Vỏn vẹn tôi nói ra lời bày tỏ chừng độ mươi lăm câu, nhưng tạm được anh em chấp thuận, vỗ tay gây được sự hào hứng. Tựu trung, những lời tôi nói ra chân thành và đầy đủ ý nghĩa của ngày tạm biệt.

Chúng tôi vui trở lại, bắt đầu rót bia mời mọc, cười nói, cụng ly. Hồng dọn mời chúng tôi ăn theo từng món. Vào tiệc, không khí vui càng lúc tăng nhanh lên. Hết chuyện này, chúng tôi nhảy bàn qua chuyện khác, lúc nào cũng rôm rả, cũng thấy đèn xanh bật sáng, và bốn hướng ngã tư xe cộ cứ chạy ào ào. Cu Gấu và đám trẻ nhỏ chơi bắn bi ở ngoài sân. Con gái tôi, hai đứa cháu nhỏ di động nhanh, rất lẹ làng với mỗi lần lên xuống thay đổi những món ăn. Vào lúc chúng tôi tạm ngừng giữa tiệc để hút thuốc, chuyển đề tài, từ dưới bếp Hồng thong thả đi lên. Hồng mặc chiếc áo cánh dài tay màu vàng nhạt. Ở bàn nhỏ dựa lưng tường, một điệu nhạc cất lên từ máy cassette. Tôi đứng lên, dời bước đến chỗ máy hát, điều chỉnh lại âm thanh, và rồi giọng hát Hà Thanh cất lên nghe trong trẻo, và rất ngọt ngào. Bản nhạc Bến Xuân của nhạc sĩ Văn Cao. Hà Thanh người Huế, nhưng khi nghe tiếng chị hát tôi như có cảm tưởng đó là một thứ ngọt ngào của nước trái cây hẳn còn nguyên chất. Mỗi câu trong tiếng chị hát, không phải được nói lên như một lời thơ, hoặc âm thanh cơn mưa trong tiếng đàn, mà đó là một lời tỏ tình. Khi hai người ở bên cạnh nhau, mỗi lời tỏ tình dường như lại muốn tìm một sự che chở, ẩn náu. Khi hai người xa nhau, và biết không còn yêu thương nhau thêm nữa, thì trong khoảng trống, tiếng hát đó mang một lời tỏ tình vĩnh biệt, nhưng muốn thế, bao nhiêu xa xôi hãy đem những cánh tay hoang dại trở về.

Khoảng tám giờ đêm các bạn tôi cùng đứng lên chào từ giã. Khi tiễn đưa các bạn tôi ra về, tôi và Hồng trở vào nhà, yên lặng nhìn ánh đèn tưởng chừng đấy là sự chờ đợi cho qua hết đêm. Bỗng nhiên, trời mưa lớn. Sáng hôm sau, nghe tiếng chim hót từ khu vườn bên kia chùa, và nghe nó cứ ríu rít như đang ôm nhau trò chuyện.

Thế rồi, gia đình tôi ra đi trong buổi sáng trời đang mưa. Khi từ giã, Hồng và tôi hai đứa níu lại từng cánh cửa nơi ngôi nhà đã sống qua bốn năm có đầy đủ ý nghĩa của tình nghĩa vợ chồng. Trong mưa, nỗi lòng đã hiểu sự ray rứt.

Và rồi, xếp đặt gọn hành lý lên ba chiếc xích lô, từ ngoại ô đi lên nhà ga khoảng chừng hơn ba cây số. Nhà ga, sáng hôm nay cũng rất đông nhiều gia đình khác cùng ra đi và đưa tiễn. Buổi chiều hôm qua số bạn bè đến họp mặt, sáng hôm nay các bạn ấy cũng đến tiễn đưa. Sự đón nhận tràn đầy mà dường như cảm thấy vẫn còn thiếu, không biết rồi chốc lát nữa đây, những cảm tình và bao nhiêu câu chuyện buồn vui cùng bạn bè, có thể nào cùng một lúc cất cánh bay lên cao như hết thảy những ước vọng của những người ra đi.

Tám giờ ba mươi phút, tàu Liên Hiệp III chuyển bánh. Khi tôi đứng một bên cánh cửa vẫy tay, trong những thước phim cuối cùng, có một người đã quay ống kính nhìn trở lại, và đã quay được một đoạn hình ảnh của chiến tranh giữa đám người hẳn còn đứng ở nhà ga dưới cơn mưa tầm tã.

 

* *

*

 

Tôi được ở gần mẹ tôi đúng hai tuần lễ. Ngày 4/11/93 lúc hai giờ sáng, mẹ tôi ra đứng trước cửa tiễn vợ chồng tôi và hai đứa cháu nội lên xe ca. Anh tôi, anh của Hồng, các đứa cháu và vợ chồng mấy đứa em tôi cùng đi theo lên phi trường.

Sài Gòn mất hút rất nhanh khi chiếc xe lao đi trên mỗi con đường. Sài Gòn là thành phố tôi được sống và được che chở suốt cả thời tuổi trẻ.

Xe vào phi trường đi qua nhiều trạm gác. Tự nhiên tôi nghe những tiếng ồn ào và có cảm giác lo sợ. Với những thứ khác được Hồng cất giữ, còn giấy tờ thiết yếu, tôi cất giữ trong cái túi áo cánh rộng cho đến khi được gọi tên vào phòng cách ly mới mở ra. Ngày hôm qua, đợt khám sức khỏe cuối cùng ở bệnh viện 30/4, gia đình tôi qua được hết, nhưng lúc đó chỉ mới yên lòng một phần. Vào phòng cách ly, nỗi lo ấu của tôi mới trút bỏ được hết để cảm thấy nhẹ nhàng. Thực sự, tôi không có ý niệm gì về nước Mỹ như một số người khác, ngoài thực tế, tôi đã có cất giữ trong hành lý của mình một tờ giấy nợ mua vé máy bay, sang bên đó, lần hồi sẽ trả đủ. Hai đứa con tôi hết sức vui, hớn hở. Gia đình tôi không có máy quay phim, chỉ có chụp hình trong anh em với nhau, hết hai cuộn rồi mà nghĩ vẫn còn thiếu. Khi một hàng rào được kéo ra để mở lối vào phòng cách ly, cảnh tượng biệt ly qua tiếng khóc nức nở, tiếng kêu gào, níu kéo, không thể diễn tả nổi hết tâm trạng của người ra đi và những người còn ở lại. Người ở lại tưởng chừng khuất biệt, người ra đi, biết đến ngày nào trở lại với quê hương.

Trong vòng một giờ, lần lượt tôi đưa gia đình mình bước đi qua bốn cánh cửa hải quan.. Và sau cùng, trong một phút giây tưởng như mình vừa nhắm mắt lại, tôi được thấy tôi sau hết một nửa cuộc đời, đã đem thân mình ra đi với cuộc hành trình xa xôi nhất.

Phi cơ từ bến đậu ra ngoài phi đạo định hướng và cất cánh rời Tân Sơn Nhất vào lúc 5 giờ 30 phút sáng. Trên không trung, tôi nhìn xuống thành phố Sài Gòn chưa thức giấc. Không hiểu sao mà nỗi xúc động tôi giờ phút này đều vụn nát. Phố xá, nhà cửa, những con đường trong thành phố đều im bặt.

Không lâu, bên dưới là biển xanh. Dưới ánh đèn phi cơ, tiếng trò chuyện vui vẻ của các gia đình cùng đi nghe râm ran, ai cũng mau quên những giây phút vừa trôi qua.

Tôi ngả người trên lưng ghế hút một điếu thuốc, rồi bắt đầu thả trôi hết bao nhiêu mộng tưởng qua vùng sương khói của thời gian. Tôi nhớ lại ngày đầu tiên lúc mới đi học, những ngày lớn lên, những ngày ra đi từ một tỉnh lỵ nhỏ bé vào đến miền Nam. Và tuần tự, một cuộc chiến tranh đưa đến, không phải từ bầu trời, từ mặt đất, mà từ trí nhớ có những hình ảnh, những thảm họa còn sống sót vang dội lên. Nhưng khi nghĩ về nó, chiến tranh không hề gợn lên trong tôi một vết hận thù, mà nó chỉ là sự tình cờ như người khách qua đường đã gặp rồi quên đi.

Xuôi dòng tôi lại lướt đi luôn, để rồi vẫn còn biết mình đang nhớ những năm tháng hãi hùng vế cái đói, cái rét trong thời kỳ bị đưa ra các trại giam tập trung ngoài miền Bắc. Dù vậy, luôn luôn tôi biết, mình vẫn là mình. Thời gian đã đi luôn, vậy nên, trên đường trí nhớ ngang qua gặp một khu phố cũ, tôi trông thấy nhưng không dừng lại để nhìn hàng cây, mái ngói nơi căn nhà cũ của mình. Không, đến cả một đôi mắt và tiếng nói rất dịu dàng của thiếu nữ.

Phi cơ bồng bềnh trên mây trắng và bên dưới vẫn là biển. Khoảng hai giờ sau, một trận mưa thật lớn ở bên ngoài. Mỗi lúc, ánh sáng nhìn được nhòa mờ đi, xám dần, và chỉ còn nghe tiếng động vù vù của phi cơ. Một lúc, có tiếng nói từ phòng vi âm cất lên cho biết thời tiết xấu và phi cơ đang bay vòng trên không phận chưa thể đáp được. Tôi nhìn ra ngoài thấy trời mù và mưa quá lớn.

Nhưng chừng hơn mười lăm phút sau, phi cơ bắt đầu xuống thấp và làm động tác hạ cánh. Phi đạo hiện ra, trải dài nổi hẳn trên mặt nước. Trên đường băng chạy dài, thân phi cơ bị nghiêng chồng chành lúc đáp, nhưng lấy lại ngay thăng bằng, và lúc này, ngồi ghế gần bên cửa kính tròn tôi được nhìn thấy cả một hải cảng bao quanh phi trường với rất nhiều tàu lớn và thuyền bè đang đậu.

Khác với Tân Sơn Nhất, phi trường Hồng Kông  rất hiện đại, tối tân. Ngồi ở phòng đợi lúc này là 9 giờ sáng. Và theo giờ đổi chuyến bay, chuyến đi tiếp sẽ khởi hành lúc 10 giờ cùng ngày. Nhưng thời tiết xấu đã mỗi lúc một đe dọa. Cứ đầu giờ, phòng liên lạc ở trạm hành khách lại thông báo hoãn lại giờ của chuyến bay. Một tin tức bão rớt, từ Đài Bắc có một chiếc phi cơ bị lâm nạn phải đáp khẩn cấp xuống mặt biển. Dù vậy, đến Hồng Kông, chúng tôi đều qua được hết mối lo sợ vì nếu phi cơ không thể đáp được vì thời tiết xấu, phi cơ sẽ bay trở về Sài Gòn để ngày hôm sau cất cánh trở lại. Nhiều người, từ nơi đây đã bắt đầu khởi sự viết những dòng đầu tiên để kể lại qua thư về một chuyến đi của mình.

Trong đêm ngủ ở phòng đợi, đang chập chờn giấc ngủ, hành khách bị gọi đánh thức để chuẩn bị ra phi cơ. Vào lúc này, bên Việt Nam là một giờ sáng. Ngày đó, nhưng thời gian ở bên quê nhà là ngày hôm sau, vào lúc 4 giờ 30 phút, hành khách thuộc diện HO như chúng tôi đã đặt chân lên nước Mỹ. Như vậy, ra đi từ Việt Nam, ở trạm ngừng Hồng Kông gần một ngày, sau mười bốn giờ bay thẳng trên không trung, phi cơ đã hạ cánh xuống phi trường Los Angeles.

Tới đây, là mãn nguyện cuộc đới mình rồi, người khác ra sao, riêng tôi không còn một ước ao nào để đi tới một nơi đâu xa hơn nữa.

 

 

Nguyễn Chí Kham
Số lần đọc: 673
Ngày đăng: 28.09.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ý nghĩ rời… - Trần Dzạ Lữ
Tưởng nhớ Thanh Tâm Tuyền - Nguyễn Chí Kham
Dọc đường văn nghệ (Phần 55) Người thợ sửa giày ở chợ Trần Hữu Trang – Phú Nhuận - Trần Dzạ Lữ
Ở cuối dòng Bến Hải có một làng nghệ sĩ - Minh Tứ
Kỷ niệm không quên - Nguyễn Đại Duẫn
Ly trà phảng phất mùi hương quế. - Elena Pucillo Truong
Hải hành mùa đại dịch 7 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Dọc đường văn nghệ (Phần 54) Nguyễn Hữu Thụy: đau đáu tình quê hương - Trần Dzạ Lữ
Hải hành mùa đại dịch 6 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Giấc mơ hoa phượng - Yến Nhi