Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
697
116.729.138
 
Già Nhân Ngãi...Non Vợ Chồng
Phan Tấn Thiện

 

           

            Trong cổ luật Việt Nam có hai bộ luật thành văn được các luật gia chú ý đó là Luật Hồng Đức xuất hiện vào khoảng năm 1460 đến 1497 dưới đời Vua Lê Thánh Tôn và Luật Gia Long do Nguyễn Văn Thành soạn xuất hiện vào khoảng năm 1815.  Bộ Luật Gia Long, Nguyễn Văn Thành sao chép lại Luật Nhà Thanh bên Tàu nên không được xem là sáng tạo cho mấy.  Trong hai bộ Việt Luật  cổ này có qui định trường hợp người chồng không được bỏ vợ theo những điều khoản mà chúng ta thường tự hào là phù hợp với phong tục của nước mình.  Điều khoản này người vợ được bảo vệ dưới luật pháp triều Lê cũng như triều Nguyễn mà ngày xưa ông bà mình thường gọi là "Tam Bất Khứ."  Điều 165 của Luật Hồng Đức và điều 100 của Luật Gia Long qui định như sau:

1)         Giữ tam canh niên tang: tức người vợ đã chịu tang bên nhà chồng 3 năm.

2)         Tiền bần tiện hậu phú quí: Lúc vợ chồng lấy nhau thì nghèo, về sau thì giàu có.

3)         Hữu sở thú vô sở qui: Lúc lấy nhau người vợ có bà con, cha mẹ ruột thịt, khi bỏ nhau không có nơi nào để trở về.

            Cặp vợ chồng nào rơi vào một trong ba điều trên thì người chồng không được bỏ vợ, phụ rẫy vợ.  Xem vậy thì luật cổ chúng ta cũng còn có điều nhân bản bênh vực người vợ hiền, dâu thảo, người phụ nữ chung tình đảm đang, tha thiết với nhà chồng.

            Ngày nay, ở Bắc Mỹ hay Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới, nhiều cặp hôn nhân không cần biết có "Tam Bất Khứ" hay "Tứ Bất Khứ" gì hết, hễ hai vợ chồng không vừa ý nhau thì cứ đưa ra Tòa xin ly dị cho hả dạ, hả lòng cái đã, chuyện gì xảy ra sau cứ từ từ mà tính.  Chẳng cần đếm xỉa gì đến những hệ lụy của việc ly hôn!  Không cần biết vợ chồng có hôn thú hay không hôn thú!

            Không biết những cộng đồng sắc dân khác ở Canada thì sao, chứ riêng trong cộng đồng người Việt của mình vợ chồng sống chung nhau không có hôn thú là chuyện xảy ra rất thường.

 

            Vợ chồng sống chung nhau không có hôn thú bà con thường nói rằng sống với nhau như Common Law.  Trong sinh hoạt hằng ngày cũng như khi giao tiếp với những người xung quanh thì những cặp vợ chồng này cũng bình thường như những cặp vợ chồng khác, nhưng trong mắt của luật pháp thì không.  Chính vì thế khi khách hàng tiếp xúc với văn phòng luật trong những vấn đề luật pháp liên quan đến luật Gia Đình hay luật Tài Sản, luật sư thường hay hỏi rằng hai vợ chồng có hôn thú hay không có hôn thú.  Không hôn thú hay có hôn thú cũng giống nhau thôi, cũng sinh con đẻ cái, cũng tạo dựng nhà cửa, cũng gây dựng sự nghiệp cũng được cả gia đình hai bên thừa nhận là vợ chồng như vậy thì có khác gì đâu, mà đôi khi lại được cái lợi nếu có con thì người vợ khai độc thân kia lại được nhà nước chu cấp nhiều tiền hơn, giúp đỡ con cái nhiều hơn cho đến khi con cái trưởng thành.  Thế thì có lợi rồi!  Nhưng thông thường lợi và hại thường đi đôi.  Để làm sáng tỏ lợihại của những cặp vợ chồng không hôn thú và có hôn thú chúng tôi xin nêu ra những phân biệt trong luật về vấn đề này với vài nét tiêu biểu như sau:

 

                        Dưới mắt luật pháp, sống chung với nhau mà không có hôn thú chưa được xem là   kết hôn trọn vẹn.  Tuy nhiên luật cũng thừa nhận tình trạng kết hôn này.  Trong tỉnh Ontario, Canada thừa nhận rằng được xem như Common Law nếu hai người sống chung liên tục với nhau ba năm, hoặc nếu hai người sống chung nhau mà có con. 

           

            Riêng về tài sản giữa hai người, khi chia tay không được chia đôi như khi có hôn thú.  Ai đứng tên mua hay làm chủ tài sản nào thì người ấy được hưởng tài sản đó.  Nếu hai người đứng tên chung thì sẽ được chia đôi.  Nếu một người đứng tên là chủ tài sản, người kia muốn tranh chấp phải chứng minh rằng mình có công có sức góp vào sự tạo mãi nên tài sản ấy, người phối ngẫu kia không thể làm giàu bất chính trên sự đóng góp mồ hôi và nước mắt của mình.

 

Căn Nhà Hôn Nhân:

 

            Nói về căn nhà hôn nhân (Matrimonial Home) là căn nhà mà cả gia đình sinh sống trong đó.  Theo luật nếu bạn kết hôn có hôn thú thì dầu bạn không đứng tên trên căn nhà, bạn vẫn có quyền lợi trên căn nhà này. 


            Theo Luật Gia Đình, nhà hôn nhân được chia đều không có vấn đề gì ngay cả khi một bên trả tiền cho nó, thừa hưởng nó, hoặc sở hữu nó trước khi kết hôn. Tuy nhiên, đối với các cặp vợ chồng Common Law (sống chung không hôn thơ, hôn thú) điều khoản đặc biệt này không tồn tại. Nhà hôn nhân được xử lý tương tự như bất kỳ tài sản khác, có nghĩa là khi một mối quan hệ kết thúc, bất cứ ai đứng tên trên căn nhà thì người đó hưởng.  Nếu cả hai cùng đứng tên thì khi chia tay sẽ được chia đều.

 

Trợ Cấp VChồng:


            Dầu có hay không có hôn thú nếu được xem là vợ chồng theo diện Common Law (sống chung không hôn thú) thì người phối ngẫu cũng có quyền đòi hỏi trợ cấp cho mình nếu người kia có khả năng.

 

Trợ Cấp và Quyền Giữ Con:

 

            Không phân biệt là kết hôn chính thức hay Common Law, nghĩa vụ trợ cấp cho con cái và quyền giữ con đều ngang nhau. 

 

            Trên đây là một vài nét chính trong quan hệ vợ chồng giữa kết hôn có hôn thú và không có hôn thú, những ai muốn làm theo kiểu nào thì cứ làm, tùy theo đèn nhà ai nấy sáng, nhưng ở đây chúng tôi chỉ điểm sơ qua để bạn biết mà tiên liệu cho số phận của mình.

 

            Để làm sáng tỏ cho những cuộc hôn nhân theo kiểu già nhân ngãi non vợ chồng này, tôi xin hầu các bạn câu chuyện sau đây để làm vui.Alpha

 

 

            Chuyện xưa kể lại rằng: Pettkus và Becker từ Âu Châu đến Canada vào năm 1954.  Khi đến Canada, Pettkus chỉ vỏn vẹn có $17  trong túi.  Họ gặp nhau nơi đất lạnh tình nồng Montreal vào năm 1955.  Sau đó, Pettkus chuyển đến sống chung với cô Becker, theo lời mời của cô này.  Lúc ấy Becker ba mươi tuổi và Pettkus hai mươi lăm tuổi, thế là chàng và nàng bắt đầu cảnh đậu gạo nấu cơm chung.   Khi mới đến cả hai đều đi làm thuê Pettkus kiếm được $75 mỗi tuần, Becker kiếm được $25 đến $28 mỗi tuần, sau đó tăng lên đến $67 mỗi tuần.
 

            Một thời gian ngắn sau khi bắt đầu sống chung, Becker muốn rằng họ sẽ kết hôn chính thức.  Pettkus trả lời ù ơ dí dầu rằng chuyện hôn nhân thủng thẳng sẽ tính cứ tìm hiểu nhau sâu hơn đi.   Thời gian qua nhanh, chuyện hôn nhân không được nhắc đến nữa, mặc dù trong một vài năm sau Pettkus bắt đầu giới thiệu Becker là vợ mình với những người xung quanh và khi khai thuế lợi tức hằng năm thì họ cũng khai là vợ chồng.


            Sống với nhau được 5 năm, từ 1955 đến 1960 cả hai đều đi làm thuê cho người khác. Pettkus biết nghề sửa xe nên kiếm thêm thu nhập bằng cách sửa chữa và phục hồi các xe có động cơ.  Trong thời gian này thì Becker lo phụ trách trả tiền thuê nhà, mua thức ăn, quần áo và chịu mọi chi phí sinh hoạt khác.  Pettkus cứ việc thoải mái, cơm no bò cỡi, dành dụm toàn bộ thu nhập và bỏ vào tài khoản ngân hàng riêng của mình.  Hai bên không có thỏa thuận cam kết gì về những khoản tiền kể trên. 

 

            "Đại phú do thiên, tiểu phú do cần."  Giàu to là do Trời, giàu nhỏ là do cần kiệm. Họ cố gắng sống đạm bạc, nên đến năm 1960 thì hai người dư được $12,000 và số tiền này được gửi vào tài khoản ngân hàng đứng tên Pettkus.


            Tháng Sáu năm 1960 cả hai quyết định về miền Tây Canada một chuyến để nghiên cứu việc nuôi ong.  Chi phí của chuyến du hành được cả hai chia xẻ.  Ỏ miền Tây, cả hai xin làm trong trại nuôi ong mấy tháng để tìm hiểu thêm về việc kinh doanh này.


            Đầu mùa Thu 1960 họ quay trở lại Montreal.  Becker bỏ tiền của mình ra để trả cho việc thuê căn hộ cư trú cho cả hai người cho đến tháng Mười năm 1960. Từ đó cho đến tháng 5 năm 1961, Pettkus thanh toán chi phí tiền thuê nhà và các khoản chi trong gia đình, Becker lúc này đang thất nghiệp. Vào tháng Tư năm 1961, Becker bệnh và phải nhập viện.


            Cũng vào tháng Tư năm 1961, cả hai quyết định mua một trang trại ở Franklin Centre, Quebec, với giá $5,000. Tiền mua trả bằng tiền từ tài khoản ngân hàng của Pettkus. Pettkus đứng tên làm chủ nông trại.  Khi mua tài sản này, thì sàn và mái nhà của các nông trại cần tu bổ, sửa chữa.  Becker phải dùng tiền của mình dành dụm để mua các vật liệu làm sàn và mái nhà.  Cô cũng góp sức trong việc lắp đặt sàn nhà và lắp đặt phòng tắm.


            Sáu tháng đầu trong năm 1961 Becker nhận được tiền bảo hiểm thất nghiệp, số tiền bảo hiểm thất nghiệp của Becker được sử dụng để trang trải chi phí gia đình.  Qua hai mùa Đông sau cô sống ở Montreal và kiếm được khoảng $100 mỗi tháng nhờ nhận dịch vụ giữ trẻ.  Những thu nhập này cũng bỏ vào chi phí chung cho gia đình.
 

            Sau khi mua trang trại ở Franklin Centre hai vợ chồng thành lập một doanh nghiệp nuôi ong.  Cả hai cùng làm trong công nghiệp nuôi ong, tạo khung cho các tổ ong, di chuyển ong đến vườn cây ăn trái của nông dân láng giềng vào mùa Xuân, kiểm tra các tổ ong trong mùa Hè, khai thác mật ong trong tháng Bảy và tháng Tám, và đến mùa Thu thì phải đem ổ ong vào chỗ an toàn để ong tránh được cái lạnh của mùa Đông. Tiền thu từ bán mật ong được Pettkus bỏ vào tài khoản riêng của mình rồi mới dùng tiền này thanh toán cho việc chi phí mua ong và các thiết bị nuôi ong.
 

            Becker đã tận sức giúp Pettkus trong hoạt động nuôi ong trong khoảng thời gian mười bốn năm. Ngoài việc nuôi ong, Becker còn giúp chồng lấy mật, đồng thời cô còn nuôi thêm gà, gà lôi (turkey) và ngỗng trong nhà để phụ thêm thức ăn cho gia đình.  Bắt đầu từ năm 1968, thì cả hai phải thuê thêm người để giúp đỡ trong việc nuôi ong và lấy mật.   Đa phần mật ong được tiêu thụ bằng cách sắp sỉ cho các cữa hàng và công ty lớn, nhưng muốn có thêm thu nhập Becker cũng tự mình mang mật ong đi đến từng nhà để bán.


            Vào tháng Tám năm 1971, với mục đích mở rộng kinh doanh, cả hai quyết định mua thêm đất trống ở East Hawkesbury, Ontario, với giá $1,300 USD.   Tiền mua mảnh đất này được lấy ra từ tiền nuôi ong ở Franklin Centre.  Các chi phí khác để hoàn tất thủ tục mua thì rút ra từ tài khoản của Pettkus và dĩ nhiên Pettkus cũng đứng tên làm chủ mảnh đất mới này.


            Năm 1973, cả hai quyết định mua thêm mảnh đất ở West Hawkesbury, Ontario, cũng Pettkus đứng tên với giá là $5,500.  Tiền mua West Hawkesbury cũng lấy ra từ tiền nuôi ong và Becker đóng góp $1,900.   Năm 1973 là năm làm ăn nông nỗi, lượng mật sản xuất được 65,000 pounds, lãi ròng đem về cho hai người hơn $30,000.


            Trong những năm 1970 công việc làm ăn thì thuận lợi nhưng tình cảm của hai người lại bắt đầu xấu đi.   Năm 1972, Becker cho rằng Pettkus đối xử với mình không đẹp, ngược đãi mình nên Becker đã chia tay Petkus trong ba tháng.  Lúc chia tay Pettkus ném $3,000 trên sàn nhà và bảo Becker hãy lấy số tiền ấy cùng chiếc xe Volkswagon đời 1966, với bốn mươi tổ ong rỗng không có sẵn ong trong đó và cút đi. Tổng số 40 tổ ong này chỉ  ít hơn mười phần trăm của tổng số tổ ong mà họ có được trong kinh doanh.


            Không lâu sau đó, Pettkus kêu Becker trở lại. Vào tháng Giêng, năm 1973, cô đã đồng ý, với điều kiện Pettkus phải gặp một cố vấn hôn nhân, làm Di Chúc và trong Di Chúc cô là người thừa kế, mỗi năm Pettkus phải cho riêng cô $500 thì Becker sẽ về lại sống với anh ta.  Cả hai bên đồng ý rằng ông Pettkus sẽ mở một tài khoản ngân hàng chung cho những chi phí thu chi cho doanh nghiệp nuôi ong.  Becker chịu trở lại, cô trả lại xe và $1,900, đó là số còn lại trong số tiền $3000 mà cô trước đó đã nhận được.  Số tiền $1,900  này lại được gửi vào tài khoản của Pettkus. Cô cũng mang trả lại bốn mươi tổ ong mà khi chia tay cô đã mang đi.


            Tháng 2 năm 1974 gia đình chuyển đến một ngôi nhà cất trên bất động sản Hawkesbury West.  Ngôi nhà này được xây một phần do công của họ và một phần do thuê các nhà thầu.  Số tiền cần thiết cho việc xây nhà rút ra từ tiền kinh doanh mật ong, còn tiền mua vật liệu là tiền của Becker.
 

            Mối quan hệ giữa hai người lại tiếp tục xấu đi.  Ngày 04 tháng 10 năm 1974 Becker  khai rằng mình đã bị Pettkus đánh đập và lợi dụng, Becker lần này quyết định chia tay và lần chia tay này thiệt lần chia tay vĩnh viễn.  Becker rời khỏi nhà với chiếc xe và khoảng $2,600 tiền mặt, tiền bán mật ong.  Sau gần 20 năm chung sống theo kiểu Già Nhân Ngãi Non Vợ Chồng  với người yêu giờ đây Becker lại nhờ Tòa án Canada giải quyết dùm chuyện gia đình của mình.


            Tại Tòa Sơ Thẩm, Becker chỉ được Tòa trao cho bốn mươi tổ ong rỗng, không có ong, cùng với $1,500 USD tiền mặt, số tiền này là tiền thu nhập nuôi ong trong những năm 1973 và 1974.  Becker không chịu phán quyết này nên thượng tố lên tòa trên.


            Tại cấp phúc thẩm Ontario, tòa Thượng Thẩm đã thay đổi bản án của tòa cấp dưới bằng quyết định chấp thuận cho Becker hưởng một nửa tài sản thuộc quyền sở hữu của Pettkus và một nửa tài sản trong các doanh nghiệp nuôi ong.  Đến đây thì Pettkus không đồng ý và tiếp tục thượng tố lên Tối Cao Pháp Viện ("TCPV") của Canada mới hả lòng mình.


            Đến đây thì câu chuyện cũng đã khá dài, thôi thì mời bạn tạm thay chánh án TCPV của Canada để phân xử vụ án "sống chung" này và theo bạn thì như thế nào mới gọi là công bằng cho cả hai bên?

 

            Chín quan tòa áo đỏ Canada sau khi hội thẩm và nghị luận dong dài đi đến kết luận rằng, sự giàu có của một cá nhân có sự đóng góp công sức và tiền bạc của kẻ khác, khi chia tay nếu không chia phần cho đồng đều tương xứng cho sự đóng góp kia sẽ được coi như một hình thức làm giàu bất chính (unjust enrichment).  Mà cái gì là bất chính thì luật pháp không để yên.  Đây là cốt lõi của niềm tin (Trust).  Một khi người ta tin mình, ra sức đồng lao cộng khổ với mình xây dựng sự nghiệp, trong vụ án này Becker đã đóng góp trong 19 năm trời ròng rã, giờ chia tay không được chút gì so với sự đóng góp đó bỡi vì sự khắc nghiệt của luật pháp về nguyên nghĩa của hai chữ sống chung.   

 

            Tối Cao Pháp Viện Canada bác đơn thượng tố của Pettkus và chấp nhận phán quyết của tòa Thượng Thẩm Ontario đồng ý chia cho Becker một nửa gia tài.

 

***

            Những năm đầu thập niên 70, lần đầu tiên bước chân vô Pháp Đình Sài Gòn để tuyên thệ ghi tên trên danh biểu của Luật Sư Đoàn, cảm xúc trước khung cảnh bề thế của Pháp Đình, tôi có mấy dòng ghi vội như sau:

Pháp Đình Sài Gòn,

có hàng cây phượng đỏ,

những lối cỏ non non.

Tôi đến đó vào một chiều mưa gió,

lạnh trong tim như lạnh cả linh hồn.

Những dãy hành lang,

vào những buổi hoàng hôn,

sâu thăm thẳm như đường vào địa ngục.

Pháp Đình Sài Gòn!

Người nghèo khổ chen nhau lúc nhúc,

kẻ cao sang hợm hĩnh ưỡn người đi,

và nơi đây nước mắt phủ đầy,

xót xa thay cho những người vô tội!

...

Phòng xử ly hôn phủ mờ bóng tối,

ân nghiã vợ chồng hết lối rồi sao?

Hôm qua còn mình ôm, tay ấp,

nay ra đây chờ cắn xé lẫn nhau.

Bản án ly hôn chấm dứt,

người về kẻ ở nơi đâu...

            Hơn 40 năm trôi qua, bao nhiêu là nước chảy qua cầu, bài thơ Pháp Đình vẫn còn dang dở!

            Ly hôn!  Hai tiếng nghe như thủy tinh vỡ trên nền đá, âm hưởng của nó mang nhiều hệ lụy cho những người trong cuộc.  Nay xin mượn lời thơ trên nhắn nhủ những ai sống chung theo kiểu già nhân ngãi...non vợ chồng hãy nhớ rằng nếu định mệnh an bài sống với nhau đến trăm năm đầu bạc thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu nghe đâu đây có tiếng " thủy tinh vỡ trên nền đá " thì hãy sờ lại đầu mình để nhớ lại câu chuyện tổ ong mà tôi đã kể trên.

 

 

 

Toronto, ngày 7 tháng Một năm 2014.

Phan Tấn Thiện
Số lần đọc: 2597
Ngày đăng: 01.02.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỉ niệm về một bài thơ và một câu hỏi chưa lời đáp - Nguyễn Cẩm Xuyên
Lý tưởng của từng cá tính - Võ Công Liêm
Đời như một hạnh ngộ - Nhật Chiêu
Nguyễn Lương Vỵ với “Năm ngàn ngàn câu” - Võ Chân Cửu
Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân* Sự ám ảnh của một tâm thức hiện sinh - Trần Hoài Anh
Hư cấu và không hư cấu - Võ Công Liêm
Hư vô phản kháng - Võ Công Liêm
Đọc lại Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp - Đoàn Huyền
Đám đông cô đơn trong" ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối của Patrick Modiano" - Trần Thị Ty
Tư tưởng phản kháng - Võ Công Liêm