Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
959
116.656.110
 
Trăng trên doanh trại
Mường Mán

lọt qua những kẽ đời mất hút

trận cười nào ta đã lãng quên

tình như đá lăn trầm xuống vực

dấu còn hằn trên lưng tháng năm

 

Trại quá rộng. Chu vi tới 17, 18 cây số gì đó; vây bọc cả vùng đồi mênh mông, gần một ngàn nóc nhà làm bằng vật liệu nhẹ, gỗ và tôn, do một đơn vị không kỵ Hoa Kỳ chuyển nhượng lại, trước khi xuống tàu lui về nước. Đất rộng, trại chia thành từng khu riêng biệt.

 

Quyết ở khu H, tiếp cận với nhà thờ.

 

Mỗi sáng chủ nhật chuông ngân rộn rã. Tiếng phong cầm của ông linh mục già, tiếng kinh cầu thoát vật vờ qua mái tôn, lâng lâng trong gió, xao động nhẹ nhàng bầu khí vốn trầm trầm mê mỏi, để rồi sau đó, khi tan lễ, ngày chủ nhật tiếp tục trôi qua, rất chậm, rất nặng.

 

Ông linh mục tuyên úy chỉ tới vào cuối tuần. Thường ngày, nhà thờ rộng thênh thang chỉ một mình Chúa ngự cùng bầy dơi đông đảo. Bầy dơi lặng lẽ tựa những cánh lá thẫm màu, lao vút trong không hoặc chập choạng lảo đảo đáp đậu đâu đó âm u trong các hốc tối. Nằm riêng biệt trên đỉnh đồi yên tĩnh, đêm tối, đứng dưới lối mòn trông lên, nhà thờ giống cái hỏa lò khổng lồ, ánh đèn túa ra từ các cửa sổ lung linh màu lửa quái dị, nhất là những đêm nhiều sương mù, ánh đèn chợt xanh biếc mê hoặc.

 

Ông linh mục tin cậy Quyết nên đồng ý cho mượn chìa khóa để thỉnh thoảng chàng vào đánh đàn phong cầm. Chiếc đàn kê bên trái tòa giảng hơi cũ kỹ nhưng âm thanh chưa rè. Nó vẫn còn có thể xui lòng người thổn thức trong những khuya mưa muộn với một tấu khúc buồn. Mười ngón tay Quyết dường như còn quá cứng, chưa bay bổng trên hàng phím, nhưng ông linh mục tin chàng có thể khá hơn, như hi vọng ngày nào đó chàng sẽ tin Chúa. Có lần ông nhìn sâu vào mắt Quyết hỏi: Bao giờ con tin Chúa? Chàng mỉm cười: Lạy cha, có lẽ ngày đó con đã chơi thành thạo dạ khúc Sonata của Schubert. Ông tảng lờ, không nghĩ chàng hài hước, bông lơn: Sao con không chơi thánh ca, thánh ca mở đường cho con, hướng dẫn long con tới bên Chúa dễ dàng và mạnh hơn? Ông linh mục thật là dễ thương, quá tốt với chàng, kẻ ngoan cố chưa chịu tòng Chúa.

 

Có lẽ chỉ khu vực nhà thờ là có chút hoa cỏ. Thứ hoa dại mọc dọc núi non do vài người lính Mỹ ngoan đạo mang đâu từ các vùng hành quân về trồng, lớn dần theo những rạng đông và chiều tà. Sau những trận mưa, hoa nở rộ: tím tím, vàng vàng, trắng trắng... nom cũng màu sắc ra gì.

 

Yến tới. Ngơ ngác bước trên những lối đi nện cứng sỏi đỏ. Bước chân nàng rền trong ngực Quyết nỗi vui náo nức, làm mặt chàng rạng sáng vẻ hoan hỉ. Yến nói nàng thương cái gác chuông dựng bằng những thanh gỗ bự trên triền đồi cao, sát nách nhà thờ. Nàng thinh lặng ngước mắt chiêm ngưỡng nó 5 phút rồi phát biểu một ý tưởng khá thú vị: Anh ạ! Sau này hòa

bình, mình lên Cao nguyên sống, lập vườn trà cà phê. Anh làm cho em một gác chuông, mỗi trưa chiều em kéo chuông gọi anh rời nương rẫy về nhà ăn cơm. Thích lắm nhỉ? Cơn thịnh hỉ trong lòng Quyết vỡ ồn chuỗi cười to. Tiếng cười dài tưởng chừng chui lọt ra ngoài mấy lớp kẽm gai phiền muộn, lan tới tận dãy núi thẳm mù phương nam, ở đó đang có những trận thư hùng ngợp lửa.

 

Theo đà lôi cuốn của cơn vui, Quyết táo bạo lén mở cửa kéo Yến vào đứng trước tòa giải tội. Nàng đứng sau tấm màn lụa màu thiên thanh nghe Quyết khôi hài xưng tội. Thật ra, Quyết nói huyên thuyên, chính chàng cũng không còn nhớ mình nói gì nữa. Yến cười hồn nhiên như trẻ con.

 

Giữa những hàng ghế trống, Yến quì, mắt sáng ngời lệ nóng ngước lên cùng với môi cười cảm tạ ơn Chúa đã giữ sự sống ở lại với nàng. Nàng không hề thuộc câu kinh nào để đọc. Quyết cúi gập người trên đàn và, tiếng nhạc bay lượn, tán lạc rối loạn nhưng, chàng cảm thấy chưa bao giờ chàng đàn hay đến thế. Sonata vời vợi lòng Schubert hay Alleluia phiêu bồng niềm kính tín Handel? Không rõ nữa. Những ngón tay ấn xuống nhấc lên và đôi mắt Quyết nhìn sững xuống Yến mơ hồ như mộng. Tiếng đàn đuổi xa niềm thống khổ, nâng hoan lạc lên cao. Cả hai như đóng kịch mà chẳng phải kịch. Ngoài tiếng đàn là niềm im lặng tuyệt vời. Im lặng tựa đêm với ngàn sao trên trời, nghìn năm không hề rung động bởi hàng chuỗi tiếng nổ liên tu trên mặt đất.

 

Và rồi tận đáy im lặng cùng thẳm, một lúc nào đó, giọng Quyết vang lên trầm thống từ tòa giảng:

 

- Hỡi bạn tình ta, này mình đẹp đẽ thay, đẹp đẽ thay!

Mắt mình trong lúp giống như mắt bồ câu;

Tóc mình khác nào bầy dê nằm nơi triền núi Ga-la-at.

Răng mình như thể bầy chiên mới hớt lông.

Từ ao tắm rửa đi lên,

Thảy đều sánh đôi, không một con nào son sẻ

Môi mình tợ chỉ hồng,

Miệng mình có duyên thay;

Má mình trong lúp tợ nửa quả lựu.

Cổ mình như tháp Đa-vít, xây cất để treo binh khí;

Ngàn cái khiên treo tại đó, là các cái khiên của tay anh hùng.

Hai nương long mình như cặp con sanh đôi của hoàng dương

Thả ăn giữa đám hoa huệ.

Ta sẽ đi lên núi một dược,

Đến đồi nhũ hương,

Ở đến khi hừng đông ló ra,

Và bóng tối tan đi...

 

Giữa những hàng ghế trống, Yến bàng hoàng đứng lên:

 

- Anh nói lảm nhảm gì vậy?

 

Quyết cười phá lên:

 

- Anh vừa đọc vài lời nhã ca của Sa-lô-môn, một đoạn tuyệt vời nhất trong Cựu ước kinh.

 

Bất thần, có kẻ nào đẩy cửa bước vào, hẳn sẽ không hiểu gì hết. Trò chơi ắt làm Chúa bực mình, nhưng Chúa bao dung sẽ nhìn nhận tình yêu long lanh trong mắt đôi trai gái trẻ tuổi, vừa tìm thấy lại nhau dưới ánh sáng rực rỡ của người. Quyết nghĩ thế nên không ngần ngại ôm hôn Yến ngay dưới chân Chúa.

 

Yến như vừa mang tới một khí hậu mới. Thứ khí hậu kỳ diệu đánh thức loài đại thử vươn vai ra khỏi giấc ngủ dài, ủ trệ. Quyết cười vui như điên và, khi ngậm môi lại, chàng nhận rõ mùi vị hạnh phúc tê tê đầu lưỡi.

 

Không thể trách Quyết vui quá ồn ào (mặc dù chàng không hề la hét để tỏ lộ niềm vui tràn bờ) vì, chàng sẽ buồn khổ biết chừng nào nếu Yến đã không thể thoát chết chạy đến đây, và vĩnh viễn không còn gặp nhau nữa, đứa con gái mảnh mai tội nghiệp ấy vừa từ mặt trận phía bắc trở về. Trí tưởng nàng còn váng vất khói lửa địa ngục.

 

*

* *

 

Gió xuôi chạy từng đợt mỏng trên mái tôn, luồn qua những dãy nhà gỗ. Gió không đủ sức tạo những tiếng hú, chỉ làm xao xác đám lá cỏ trên nóc hầm cát, chao dợn, rung rinh, rung mình nhẹ. Gió vừa đủ cho cỏ nũng nịu múa.

 

Dưới ánh trăng bàng bạc, doanh trại thiếp ngủ, thỉnh thoảng khẽ giật mình chấn động vì tiếng nổ của trọng pháo bắn đi. Những viên đạn xé đêm bay vút, mất tích sau vách núi đá. Nhiều đêm Quyết nằm lắng tai cố nghe vọng âm những trái đạn nổ rền trong núi, nhưng không thể nghe thấy. Đạn bắn tầm xa.

 

Yến đưa tay ngắt cọng cỏ cạnh chỗ hai người ngồi, dưới chân tháp chuông:

 

- Buồn quá. Anh ở đây được kể cũng tài. Giọng nàng cơ hồ ẩm chút sương đêm, mềm và ngọt. Quyết cười nhỏ:

 

- Riết rồi quen. Hồi mới tới, anh nghĩ chỗ này là nấm mồ vĩ đại dành cho người sống. Xưa kia, dưới chỗ mình đang ngồi có hàng ngàn bộ xương khô.

 

Yến cào nhẹ ngón tay trỏ trong lòng bàn tay Quyết. Cảm giác nhồn nhột.

 

- Anh định nhát ma em há?

 

- Thật đó. Trước vùng đồi này là nghĩa địa, dân ở mấy làng dọc quốc lộ chết đều đem mai táng ở đây. Quân đội tới, ra lệnh di tản hài cốt đi nơi khác để lập doanh trại. Vài chục vài trăm năm sau nữa, hết chiến tranh, vật đổi sao dời, biết đâu chỗ này lại chẳng là một thành phố sầm uất hoặc chìm nghỉm xóa trắng thành hoang địa, cây cối trỗi dậy thành rừng hoặc biến thành cái gì đó tùy theo liên tưởng mịt mù của mình. Đôi lúc nhắm mắt thử mường tượng, anh rùng mình trước mênh mông dời đổi của vũ trụ. Con người không ra cái chi cả, sinh ra, cựa quậy rồi chết. Cái tồn tại sau cùng vẫn là đất đá, tro bụi.

 

Quyết nghe rõ hơi thở bạn phả nhẹ bên cổ.

 

- Vậy ở đây chắc nhiều ma lắm anh!

 

- Không có đâu. Đêm nào đại bác cũng bắn, ma nào còn can đảm ở lại.

 

Quyết đưa tay chỉ vào cột ăng ten cao vượt trên những mái tôn nhấp nhô.

 

- Nhiều đêm không ngủ được, anh ra ngồi đây nhìn lên cái cột ăng-ten kia ước được thấy một con ma thiếu nữ xõa tóc đứng hát mà chẳng thấy.

 

Yến cười tinh nghịch:

 

- Nếu có con ma thiếu nữ thật, anh dám rủ cô ta vào phòng không?

 

Quyết cười thành tiếng:

 

- Đố em đó?

 

- Anh rủ vào là cái chắc. Anh mà ngán ai.

 

- Em thử tưởng tượng, đêm mưa nằm chèo queo một mình, nghe gió thổi bốn phía rung rinh cả tim, có một nàng ma để ru dỗ cũng đỡ lắm chứ. A! Cái trại này không có ma nhưng nhiều chuột kinh khủng. Bỏ một gói cơm sấy ra ngoài, sớm mai ra hết nhẵn. Có ngày chuột sẽ lấn đất của người mất.

 

Yến cắn nhẹ vành tai Quyết:

 

- Có ngày chuột sẽ rinh anh ra vất ngoài núi. Sao không trừ bớt chúng đi.

 

- Anh hơi đâu để ý đến chuyện giết chuột. À này, thử tưởng tượng giờ em còn kẹt ở Quảng Trị thì sao nhỉ?

 

- Đừng nhắc anh. Em sợ!

 

Yến lắc đầu nhẹ. Cái lắc đầu như một cử chỉ khước từ, xua đuổi ám ảnh, niềm kinh hoàng đã in đậm vào trí tưởng nàng. Đoạn đường máu lửa dài mấy chục cây số, hàng ngàn người chạy đua với thần chết. Chạy như bay trên mặt đường. Chạy như mê qua đồng ruộng, qua hoang vu hai mươi mấy năm giằng co quay điếng, qua xác xơ gãy đổ điêu tàn. Chạy thất lạc nhau, chới với gào kêu thảm thiết. Chạy soãi chân vượt băng trại hầm địa đạo, đồn cao lũy thấp. Chạy choáng váng trong đêm, hụt hơi dưới nắng lóa, dưới mưa sương buốt lòng lạnh dạ. Chạy

quên sông, quên núi, quên cửa nhà, vườn tược, quên thời tiết, quên mặt trời, mặt trăng, tinh tú trên đầu. Chạy liểng xiểng cáng náng khi trúng đạn. Chạy lóp ngóp lảo đảo hôn mê lúc ngộ mìn chông. Ngã dúi tắt thở. Quằn quại thét la... Chạy. Yến đã chạy và đã tới.

 

Tới Huế. Cố chen lấn ra khỏi lòng chiếc xe đò ngạt cứng. Trí mỏi, chân rời, mắt Yến dại hẳn đi. Nhìn bốn phía người và vật chao múa. Tai lùng bùng không phân biệt được thứ âm thanh nào cả. Những tiếng nổ chát chúa dội đi dội lại trong đầu cơ hồ từng hồi trống giục. Nàng ngồi bệt xuống lề đường trong điệu dáng rũ liệt của một con chó ốm. Mơ hồ gọi tên Quyết và, mơ hồ nghe một hai đứa học trò líu ríu ôm xách theo chân cha mẹ ngoái cổ lại kêu: Cô cô... Yến ngơ ngác không biết nên cười hay nên mếu với chúng. Con người mất nơi ăn chỗ ở như thú mất rừng, kéo thành đoàn thành lũ lếch thếch lang thang. Đám đông đa dạng nhưng, có những cái

mím môi chịu đựng, những khuôn mặt nghiêng cúi thật giống nhau. Mím môi và cúi mặt: thái độ phản kháng hay khuất phục cách miễn cưỡng. Cả hai đều tội nghiệp. 22 năm, lớn lên, đi đứng, cười đùa hát hỏng, giận tủi và, một ngày bỗng thấy mình ngồi bệt xuống lề đường, nhợt nhạt, mê mỏi. Yến không khóc không cười. Nàng lặng người nghe trống hẫng hoang vu lạ lùng, cảm tưởng mình là kẻ nghèo khó nhất trần gian, đánh mất hết. Vô sản từ tinh thần đến vật chất. Nàng đứng lên, bước đi trí gọi thầm anh ở đâu, Quyết ơi Quyết ơi. Chiếc xắc mang theo rơi rớt đâu đó dọc đoạn đường hung bạo. Hai tay không, tóc nắng cháy, mặt mũi bê bết mồ hôi, bụi bậm. Yến đi ngẩn ngơ qua thành phố. Đi như lạc giữa dòng người, xe cộ chảy xiết. Đi quên lũ học trò thân yêu, quên những bài toán đố viết lỡ dở trên bảng đen, những viên phấn gãy, những cuốn tập rơi rớt lại cùng đời sống hôm qua hôm kia xa hút đằng sau. Hết đi lại đứng. Yến đứng ngơ ngẩn ôm mặt khóc ở đầu cầu Trường Tiền và tim muốn vùng thoát ra khỏi ngực khi nghe tiếng kêu của Quyết.

 

Trước đó, Quyết thờ thẫn như bị quỉ đoạt mất hồn. Chàng bỏ hết mọi công việc, lang thang tìm kiếm. Dòm từng khuôn mặt, đợi từng chuyến xe từ Quảng Trị xuôi vào. Yến tựa hạt cát nhỏ khuất bạt trong đám đông, biển người lạ mặt khốn khổ, không ngừng dao động ấy. Chàng vô vọng, nhức nhối mường tượng nàng lê lết dọc đường hoặc rã tan trên một chuyến xe, ngõ cụt nào đó. Cuộc thiên cư vĩ đại, ào ào xuyên băng quốc lộ I lê thê dài hằng trăm cây số. Mỗi lần xỉa mắt xoi mói vào đám đông tìm kiếm, là mỗi lần tim chàng đập mạnh. Nhiều lần trong một ngày, chàng trở về trại nôn náo hỏi người lính gác cổng: Có cô nào dong dỏng cao, tên Yến hỏi tôi không? Người lính lắc đầu, chàng lại đi và, cứ thế suốt 3 ngày chàng như người chới với trong một trò chơi nguy hiểm, chàng tựa kẻ hát xiệc đi trên dây.

 

Em còn sống! Đó là câu đầu tiên Yến nói với Quyết lúc hai người gặp nhau. Từ phút ấy, đôi mắt giàn giụa lệ của nàng xóa mờ đám đông lao xao chuyển động chung quanh, để chỉ thấy mỗi một khuôn mặt Quyết rực rỡ, bừng sáng...

 

Lần thứ nhất nàng tìm tới chỗ ở của chàng, sờ mó, chung đụng cái đời sống Quyết thường kể trong những tờ thư dài. Sao không ở nơi nào khác, lại vào cái đồn trại u ám mọi rợ này? Yến thích thế, thích được cuộn mình trong những rang buộc thân quen của chàng. Vả lại chẳng còn nơi chốn nào hơn. Phố xá nhà cửa đóng. Gia đình ngườl dì (kẻ thân thuộc độc nhất của nàng ở đây) đã cuốn theo dòng chảy lớn của đám người tị nạn qua đèo Hải Vân đâu từ hôm qua hôm kia. Lúc Yến và Quyết tới chỉ thấy một con chó ngồi sau hai cánh cửa sắt ngáp vặt.

 

Quyết quẹt diêm châm một điếu thuốc. Đốm lửa yếu soi nửa khuôn mặt dịu dàng của Yến đặt trên ngực chàng.

 

- Em buồn ngủ à?

 

- Không, em mệt. Em đang nghĩ tới ba mẹ ở Đà Nẵng giờ này sốt ruột mong em. Đêm nay ngủ lại với anh, em thật liều.

 

Quyết cúi khoảng cằm đầy râu xuống hôn trán bạn:

 

- Đừng thèm buồn. Nhắm mắt ngủ và quên hết đi. Chó con. Ngày mai anh sẽ tìm đủ mọi cách đưa em về Đà Nẵng.

 

- Rồi biết bao giờ mới gặp nhau, anh?

 

Giọng nàng nhỏ nhẹ như vẳng từ cơn mơ xa xôi nào. Quyết cười, Yến nghe rõ tiếng cười ngắn cụt của chàng dội trong ngực, vừa gần vừa sâu thăm thẳm. Nàng ngửa cổ trông lên cái gác chuông, đón hơi thở ấm áp của bạn.

 

- Nghe em nói anh cảm tưởng như mình đang đứng dưới bức tường ngăn chia Đông và Tây Bá Linh.

 

- Biết đâu đấy. Nhiều người lo Huế sẽ bị cắt.

 

- Không đến nỗi gì đâu. Dẫu chết, anh cũng cố lết về tới Đà Nẵng.

 

Hai người bỗng rơi vào nỗi buồn bất chợt. Trăng bềnh bồng trôi qua trời rộng.

 

- Vào ngủ thôi em, sương xuống nhiều, lạnh.

 

Quyết dìu Yến đứng lên. Nàng nghịch ngợm nắm sợi dây kéo chuông lắc nhẹ. Tiếng chuông lẻ loi ngân nga giây lát rồi biến bặt. Quyết quàng vai bạn bước qua đám hoa cỏ ướt rượi sương tìm lối xuống đồi, vào nhà. Họ vừa đi vừa hôn nhau.

 

*

* *

 

Hai người vào giường. Đèn vẫn để sáng. Đêm trống trải và thinh lặng dị thường. Trọng pháo không “rót” vào núi nữa. Phòng bên cạnh, người lính ôm súng ra tuyến gác từ chập choạng tối, không còn tiếng ngáy quen thuộc của hắn thường bữa. Căn phòng nhỏ, vừa đủ kê một bàn viết, một cái giường. Những bếp đun, bình trà, đồ lọc cà phê, ly tách lỉnh kỉnh chiếm hết một xó góc. Sách báo quăng ném bừa bãi ở một xó góc khác. Căn phòng nhỏ nhoi, giản dị nhưng nó chính là mơ ước của Quyết nhiều năm trước lúc còn chun đụt qua núi qua rừng theo chân một đơn vị tác chiến. Lúc đã chán chê đu đưa trên võng cột giữa hai đầu cây, người ta thường ước thèm được nằm giường. Xông xáo mệt mỏi, thèm được nghỉ ngơi. Rời mặt trận về, Quyết biết đời sống vẫn chẳng hơn gì. Để đổi lấy sự yên thân, tinh thần lắm lúc vật vã qua nhiều cơn vây hãm, thúc bách khốn nạn. Những vây hãm thúc bách tới từ kẻ khác, tới từ những xếp đặt cho một tên lính ở phương vị mới. Nhưng hắn vẫn là một công cụ phục vụ chiến tranh, là cái đinh vít trong guồng máy trói buộc không ngừng quay tới độ chóng mặt, muốn ói mửa. Ngày nào cái đinh vít được thoải mái hoặc què cụt văng ra? Nó không còn bị xiết cứng bởi sức mạnh bất khả chống chế, man rợ? Nếu đôi khi buông xuôi cũng là một hành vi khôn ngoan thì, lúc này Quyết đang ở trong cái đôi khi đáng khinh miệt ấy.

 

- Anh nghĩ gì thế?

 

Yến vói tay lấy điếu thuốc Quyết đang ngậm trên môi dụi tắt vào cái gạt tàn đầu giường. Nàng mềm mại, êm ái như một tảng bông gòn tẩm nhiệt.

 

- Mai em đi, chắc anh buồn?

 

- Ừ ! Mai đưa em đi xong, anh xuống trại quân y tái khám. Biết sao không? Thằng cha bác sĩ bắt anh uống thuốc ngủ mỗi đêm và dặn cấm nghĩ tới đàn bà.

 

Quyết cười, mắt ánh vẻ giễu cợt. Yến rúc đầu vào nách bạn.

 

- Chỗ cắt bao giờ mới lành, anh?

 

- Chậm nhất là tuần tới.

 

Yến xoa chiếc cằm đầy râu của Quyết, tinh nghịch:

 

- Nếu anh không còn đau, đêm nay chắc em “chết” với anh.

 

Quyết phì cười:

 

- Bậy nào. Mình phải ráng nhịn cho tới ngày đó.

 

- Ngày nào, anh?

 

- Hòa bình. Ở cao nguyên, sau khi anh làm cho em một cái gác chuông.

 

Yến khẽ dướn người chớp mắt nhìn vào mắt Quyết âu yếm:

 

- Hứa thì nhớ lấy đó, em sợ sớm mai anh vấp phải một cục đá là quên ngay.

 

Quyết vỗ vỗ lưng bạn, dỗ dành:

 

- Bậy nào. Thôi ngủ đi Chó con.

 

Yến ngoan ngoãn mỉm cười nhắm mắt lại.

 

Nếu anh không còn đau, đêm nay chắc em “chết” với anh. Không dưng Quyết nhớ tới ông bạn bác sĩ quân y. Hắn bật cười nửa giễu cợt nửa thích thú khi chàng tới phòng tiểu giải phẫu do hắn trông coi và tỏ ý muốn leo lên bàn mổ.

 

Lần đầu tiên nằm lên chiếc bàn dài có một lỗ thủng ở giữa cho hai cái mông lọt xuống ấy, chàng ngượng chín người. Cuộc giải phẫu nhẹ, chóng vánh diễn ra trong vòng 15 phút; khỏi cần đánh thuốc mê. Lúc nằm yên để ông bạn bác sĩ cắt bỏ bớt một rẻo da thịt dư trên cơ thể, chàng đã mỉm cười, sung sướng nghĩ mình đã đi tới cái quyết định cuối, sau nhiều ngày do dự, vì cái tính vừa lười vừa sợ không khí ngột ngạt của những chốn nhà thương, bệnh xá.

 

Việc cắt bỏ chẳng có gì là ghê gớm như chàng tưởng. Đáng lẽ chàng phải đến nhà thương sớm hơn, hồi còn 12, 13 tuổi cơ. Đợi 26 tuổi mới vác xác tới không trách ông bạn bác sĩ nọ bật cười, thích thú chế giễu.

 

Nói trắng ra, buồn cười hết sức: Chàng cắt da bao qui đầu (phymosis). Việc làm mà theo tục lệ Do Thái, mọi thanh thiếu niên tới tuổi nào đó đều phải làm.

 

Yến ngủ muồi. Đầu kê trên cánh tay chàng. Quyết ngửi thấy mùi nắng ngai ngái trên mớ tóc lòa xòa của nàng. Hình như ngoài mùi nắng còn có mùi thuốc súng, mùi kinh hoàng của đoạn đường dài nàng vượt qua.

 

Sau vầng trán mịn màng, có hình ảnh ghê khiếp nào đang vực dậy không? Có chiếc xe nào trúng mìn ngã đổ? Có khúc tay khúc chân nào bay ngù ngờ tìm chỗ đậu? Có hàng chuỗi khóc lóc thét la? Không, không có móng vuốt của cơn ác mộng nào vờn bắt nàng đêm nay, vì có chàng bên cạnh. Quyết tin Yến đang mơ thấy ngày hòa bình, thấy căn nhà lộng gió trên đồi cao, có chàng đưa tay vẫy gọi giữa vườn trà xanh ngắt và cái gác chuông để hôm sớm nàng rung gọi chàng về.

 

Quyết tắt đèn. Trong bóng tối, chàng ôm gọn bạn vào lòng. Căn nhà gỗ chợt rung chuyển từng hồi vì từng loạt bom dội xa mãi sau dãy núi phương nam.

 

Trăng trôi xuống quá mái nhà, ghé mắt vào cửa sổ nhìn trộm hai người.
Mường Mán
Số lần đọc: 3040
Ngày đăng: 05.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viết từ nhật ký - Hồ Tĩnh Tâm
Hai anh em - Phạm Lưu Vũ
Người thợ sửa giày góc phố - Hoàng Đình Quang
Triết lý thợ hồ - Hoàng Đình Quang
Hành hương - Hoàng Đình Quang
Một người Sài Gòn - Hoàng Đình Quang
Thương con - Phương Nam
Chói chang - Hào Vũ
Lan Huệ sầu ai - Hoàng Đình Quang
Ông lão vườn chim - Anh Đức