Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
581
116.946.293
 
Nhắp vịt
Phương Nam

Sống cái cảnh gà trống nuôi con riết rồi cũng quen. Gần mười năm qua kể từ ngày thím Tư mất đi, chú Tư đã ở vậy cố sức nuôi cho hai con được khôn lớn.

Ngày nào cũng vậy, mùa nóng cũng như mùa lạnh, chú Tư luôn thức dậy vào lúc bốn, năm giờ sáng. Chú phải nhóm bếp nấu nước, nấu cơm, hâm nấu thức ăn, quét dọn nhà cửa, giặt giũ... Nói chung các công việc thường nhật buổi sáng của thím Tư trước đây thì nay là của chú. Xong xuôi mọi việc chú mới rảnh tay pha bình trà thơm đậm ra ngồi uống nơi cái bàn tròn cũ kỹ đặt giữa nhà. Vừa uống trà chú vừa nhẫm tính trong đầu các công việc dự định sẽ làm trong ngày hoặc đôi ba ngày tới. Mọi việc thượng vàng hạ cám, trong ngoài một mình chú phải lo hết. Từ việc bếp núc, ăn mặc, học hành, đám tiệc cho đến việc làm ruộng, làm vườn, chú vừa là người vạch kế hoạch, người chỉ huy  kiêm luôn người thực hiện.

Mấy năm gần đây, khi  thằng Hai và con Thy đã lớn lên đôi chút nó đã giúp đỡ được cho chú ít nhiều trong việc nấu nướng, giặt giũ, coi sóc nhà cửa nhất là trong mấy tháng hè. Tuy vậy nhiều lúc mùa vụ ngặt nghèo, công việc quây lấy chú, chồng chất lên chú tưởng chừng không thể nào thoát ra được. Những lúc như vậy, chú cảm thấy uể oải, mệt mỏi và chợt nghĩ tới việc gá nghĩa, chắp nối với cô Năm hàng xóm quách cho xong để còn gánh vác công việc cho nhau. Và cũng chính những lúc như vậy chú nhớ tới nỗi cực khổ của thím Tư trước đây và tội nghiệp mấy đứa nhỏ nên lại thôi.

Cũng có lúc công việc nhàn nhã, buổi sáng chú Tư ngồi uống trà đậm với mấy ông bạn già vừa chờ xem cảnh mặt trời lên vừa chờ các con thức dậy. Ăn uống dọn dẹp xong, thằng Hai, con Thy cắp cặp đến trường còn chú Tư thì khóa cửa lại, vác cuốc ra vườn, ra ruộng. Mấy lúc đó chú mới cảm thấy  cuộc sống có đôi phần dễ chịu, hạnh phúc, niềm vui nho nhỏ cũng nhẹ nhàng đến với chú. Nhưng cũng ít khi và hiếm hoi quá!

- Giá mà mẹ nó còn sống! - Chú Tư thường nghĩ như vậy.

Thật lòng mà nói chú Tư đã phải hết sức tiết kiệm mới đủ tiền chi xài mọi thứ cho cả nhà quanh năm suốt tháng. Cái gì thật sự cần chú mới mua sắm, cái gì chưa cần hoặc tự túc được thì chú không mua.

Có lẽ trong mọi chuyện, miếng ăn thức uống của cả nhà hàng ngày là cái việc làm bận bịu cho chú nhiều nhất. Ngày ba bữa sáng, trưa, chiều ngày nào cũng như ngày nào, không có không được. Rồi lại còn cái khoản rau, cá, thịt, gạo, muối... phải chạy vạy. Nếu  mọi thứ đều mua sắm ở ngoài chợ thì chú không thể kham nổi. Vì vậy chú đã tính toán trừ dầu đốt, mỡ, muối ăn phải mua còn cá, mắm, rau, cải... chú tự lo liệu. Chú đã trồng nhiều   rau, cải, bầu, bí và có gần đủ các dụng cụ bắt tôm, cá: lọp, lờ, câu,  lưới... mùa nào thì dụng cụ ấy. Trong các môn bắt cá đó, chú Tư khoái nhất là câu vì cá có thể câu được quanh năm, hơn nữa  câu cá đỡ mất thì giờ và không phải trầm mình nhiều dưới nước như là câu giăng, câu cắm. Tối cắm câu, sáng bắt cá. Thời gian gần đây chú đã học được ở đâu đó một cách câu cá rất đắc dụng gọi là nhắp vịt. Cách câu này nhanh nhạy hơn so với câu giăng, câu cắm và nhẹ nhàng hơn câu rê  rất nhiều.

*                        *

                                                              *

Nhắp vịt là cách câu dùng một con vịt con mới nở đôi ba ngày cột vào nhợ câu, dưới thân vịt là các chùm lưỡi câu bén nhạy. Người đi câu cầm cần câu vừa nhắp vừa rê con vịt trên mặt nước để dụ cho con cá táp rồi   mắc câu. Cách câu này nhằm bắt các loại cá bông, cá dày, cá lóc. ở chỗ chú Tư, cá bông đã không còn  do vậy người đi câu chủ yếu nhằm bắt cá lóc vào các thời điểm cá làm ổ, cá đẻ trứng, cá giữ con.

Hàng năm cá lóc đẻ rộ  vào lúc sa mưa  từ tháng tư âm lịch và lác đác cho đến tháng mười âm lịch. Cá lóc cha mẹ rất hung dữ khi đang giữ ổ, giữ con. Nó tấn công mọi loại ếch, nhái, cá lạ dám đến gần ổ trứng, gần đàn con của nó. Cá lóc con khi còn nhỏ gọi là lòng ròng có màu vàng đỏ luôn phải ở gần mặt nước để thở và ăn các sinh vật phù du. Lòng ròng cũng là mồi ngon cho ếch, nhái, cá rô, cá lòng tong, chim thằng chài và cả... vịt con. Đối với cá lóc cha, mẹ, vịt con là một con vật mà nó chúa ghét. Người đi nhắp vịt đã biết lợi dụng chỗ này, họ thả con vịt con theo dây câu vào giữa bầy lòng ròng rồi rê qua, rê lại để chọc tức. Cá lóc cha, mẹ vì nóng lòng bảo vệ đàn con sẽ lao ra táp thẳng vào con vịt không biết điều cho bỏ ghét và bị mắc vào lưỡi câu.

Chú Tư đã nhiều phen chứng kiến con cá mẹ táp con vịt cho tới lần thứ ba, thứ tư  mặc dù  qua mấy lần nó bị người đi câu giật cho lộn nhào trên mặt nước đến nổi bị đui mắt, sứt mép, máu chảy đỏ miệng. Vậy mà cứ thấy con vịt làm táo tác đàn con của nó, nó lại lăn xả vào táp nữa đến khi bị mắc chặt vào lưỡi câu, bị bắt bỏ vào giỏ thì mới đành cam chịu và xa rời  đàn con của nó.

Mỗi bầy lòng ròng có một cặp cá lóc cha, mẹ coi giữ. Người đi câu thường bắt một con, chừa lại một con để giữ lòng ròng. Có người háu ăn đã câu bắt hết cá cha lẫn mẹ. Cũng có trường hợp người đi câu trước đã bắt một con, người câu sau vì không biết nên bắt luôn con còn lại. Những lần như vậy chú Tư cũng đã nhìn thấy cảnh bầy lòng ròng không còn cha mẹ đã bị các loại cá khác làm tiệc không thương tiếc. Chỉ trong mấy phút  bầy lòng ròng hàng trăm con đã không còn lấy  một con. Lúc đó chú Tư cũng cảm thấy trong lòng một chút xót xa và ân hận. Xót xa vì với cái kiểu bắt cá này, cá lóc sẽ đến ngày tuyệt giống mất và ân hận vì như vừa làm một điều ác.

Số phận của con vịt làm mồi nhử cũng rất là bi thảm. Thật ra con vịt chỉ làm vai trò chọc giận con cá lóc chứ không phải làm mồi. Cá lóc táp vịt là để xua đuổi chứ không phải để ăn. Gặp phải cá lóc lớn cả kí-lô, nó chỉ táp một cái, con vịt có thể bị cụt đầu, đứt làm đôi như chơi. Nếu còn sống sót thì qua năm bảy lần câu, con vịt cũng bị cụt chân, gãy cánh, rách bụng... là thường. Sau buổi câu, người đi câu sẽ gỡ con vịt rách nát ra rồi quăng đi đâu đó. Vịt và cá cả hai  đều là nạn nhân, kẻ thủ lợi duy nhất là người đi câu.     

 

Sáng nay, rổi rảnh chú Tư lại xách giỏ và cần câu đi nhắp vịt. Như mọi khi thì chú đi thẳng tới Đồng Lớn nơi có nhiều bàu, đìa... nhưng hôm nay, chú đi vòng lại cái lung sen vườn chú cạnh mả thím Tư để xem lại cái ổ cá lóc, nơi mà hôm qua chú đã nhắp được con cá lóc mẹ nặng gần một kí-lô.

Có nhiều cách để phân biệt cá lóc đực, cái. Đối với chú Tư, chú chỉ cần nhìn hình dạng cá lượn lờ quanh ổ là biết được đâu là cá đực, cá cái. Cá đực thì mình thon dài, mỏ hơi nhọn. Cá cái mình ngắn, dáng mập mạp, mỏ tròn hơn. Đối với cá bông hay cá dày thì cũng tương tự  mà thôi.

Vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ, đôi chân cũng đã đưa chú đến đúng chỗ cái ổ cá ngày hôm qua. Bầy lòng ròng không còn ở gần nơi cũ nữa. Chúng đã đi khá xa. Dõi theo dấu bọt nước ẩn hiện dưới lung, bước thêm vài chục bước nữa chú đã thấy được một vùng nước sôi động – bầy lòng ròng đang ăn móng. Mục đích đến đây của chú Tư không phải là để câu con cá còn lại. Cái chính là chú muốn tìm thử xem có ổ cá nào mới, tiện thể chú quan sát cái bầy lòng ròng mà hôm qua đã bị chú bắt mất mẹ. Chú ngồi xuống bờ đất sát bên cái mả lạng nơi thím Tư đã an nghỉ hơn chục năm qua. Mặc dù đôi ba năm chú có đắp đất thêm song mưa, nắng, thời gian cũng đã làm cho cái mả mòn đi, oằn xuống, dài ra trông như một con cá lóc mẹ to tướng nhưng mệt mỏi đang nằm im giữ ổ.

Chợt có tiếng xao động dưới lung. Con cá lóc lớn đang rượt táp  một con chàng hiu nhưng không trúng.

- Đúng là con cá lóc đực – Chú Tư lẩm bẩm.

Mặt nước chưa hết gợn sóng, từ giữa bầy lòng ròng một con cá lóc khác lững lờ trừng lên nhả ra một bọt nước lớn lượn qua, lượn lại như vội vàng ve vuốt bầy cá con rồi lặn xuống. Lặn xuống rồi nổi lên, rồi lại lặn xuống.

- Rõ ràng là một con cá cái – Chú Tư nói thầm.

Rồi như chợt hiểu ra, chú Tư mỉm cười.

- Ô hay! Con cá đực này hay thật! Mới đây mà đã... có bồ mới rồi!

Quăng điếu thuốc rê đang cháy dở trên môi. Chú Tư nói vừa đủ nghe:

- Tao câu nữa! Cho tụi bây biết chỉ chừa lại đúng một con thôi.

Chú móc con vịt trong túi áo ra định máng vào nhợ câu, vừa lúc con cá cái  lại trừng lên nơi trống trải. Chú Tư dụi mắt:

- Quái lạ! Con cá sao lại một bên trắng một bên đen, bơi lội lại khập khểnh, lắc lư?

Chú Tư rón rén bước lại gần bờ lung để nhìn cho rõ, nhưng chú đã thẩn thờ ngồi phịch xuống. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là con cá lóc mẹ chú đã câu được sáng hôm qua. Chiều qua chú đã đem nó ra cầu ao đập đầu, đánh vảy, chặt vi làm thịt, nhưng chú đã vuột tay, con cá rớt xuống ao, chú mò kiếm mà không được. Xuống nước có lẽ con cá đã tỉnh lại tìm đường lội về cái lung nơi đàn con của nó. Do vậy mà sáng hôm nay chú Tư và con cá lóc mới có cuộc gặp lại độc đáo này. Nói cho đúng hơn chú gặp lại nó chứ nó không gặp lại chú vì nó không nhìn thấy chú  mà nếu thấy thì nó cũng không biết chú là ai và đã cố sức nép vào đám sen rồi. Chú nghĩ:

- Có lẽ con cá lóc không còn sống được mấy ngày nữa vì các vết xước, vết đứt trên thân nó khá sâu, nhiều nơi đã tụ máu, nhiễm trùng rất nặng. Tội nghiệp nó thật!

Nghĩ đến đây, chú Tư thấy trong lòng như se lại muốn quay trở về không muốn đi nhắp vịt nữa. Chú sờ lại cần câu và cái túi. Con vịt con đã chạy đi đâu mất nhưng chú cũng chẳng cần tìm kiếm.

Từ từ đứng thẳng người lên bên ngôi mả lạng, chú Tư  vừa bẻ gập đôi cần câu quăng vào bụi rậm vừa nói như hứa hẹn một điều gì:

- Thôi! Có mẹ nó làm chứng, từ nay tôi không nhắp vịt nữa. Xin từ biệt cần câu nhắp vịt, từ biệt cách kiếm ăn tai hại này!

Dưới ánh ban mai, cái bóng gầy gầy của chú Tư với cái giỏ không lắc lư bên vai trải dài ra, nhỏ dần rồi khuất sau bờ sậy.

Phương Nam
Số lần đọc: 2423
Ngày đăng: 25.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con chim xanh định mệnh - Hồ Tĩnh Tâm
Tiếng bước chân - Anh Động
Chung kết - Anh Động
Cát đợi - Nguyễn Thị Thu Huệ
Mùa đông ấm áp - Nguyễn Thị Thu Huệ
Tiếng vạc sành - Phạm Trung Khâu
Tình quạ - Phạm Trung Khâu
Vài ngày ở Cần Thơ - Mường Mán
Ông già xay lúa - Sơn Nam
Rạn vỡ - Hoàng Thu Dung
Cùng một tác giả
Mùa bông điên điển (truyện ngắn)
Thổi quốc (truyện ngắn)
Bông súng trắng (truyện ngắn)
Chim trời cá nước (truyện ngắn)
Lương sư trăn trở (truyện ngắn)
Con ma chòm mả lạng (truyện ngắn)
Nhắp vịt (truyện ngắn)
Rút lại lời phê (truyện ngắn)
Thương con (truyện ngắn)