Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
630
116.723.637
 
Văn-Hóa Việt-Nam 12b
Nguyễn Thế Thoại

PHẦN III

 

 

VĂN HOÁ VIỆT NAM

THỜI GIAO LƯU ĐÔNG Á

 

8.  Văn hoá Sa Huỳnh

     Và giao lưu Âu – Lạc

9.  Văn hoá Ấn-Việt-Trung

     indo-chine

  1. Văn hoá Ốc Eo Việt Ấn
  2. Văn hóa Việt Nam thời tự chủ

 

 

8.

 

VĂN HOÁ SA HUỲNH

GIAO LƯU ÂU – LẠC

 

Hùng Vương nói rằng: Ta có sức thần, nước Thục không sợ sao? Bèn bỏ không săn sóc vũ bị, ngày ngày chỉ uống rượu ăn tiệc làm vui. Quân Thục bước đến gần, Hùng Vương còn say mềm chưa tỉnh, hộc máu nhảy xuống giếng chết. Binh chúng trở giáo đầu hàng. Thục Vương gồm chiếm lấy nước, đổi tên là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê [1]

 

 

[ 28 ]     Văn hoá Sa Huỳnh và Văn hoá Đồng Nai

 

            Nếu ghi dấu tiến bộ của con người trong văn hoá Sơn Vi và Phùng Nguyên là đá thô và đá mài, nếu dấu ghi của văn hoá Đông Sơn là nghề luyện kim và chế tác đồ ĐỒNG, thì tiến bộ của con người văn hoá Sa Huỳnh và Đồng Nai là đồ SẮT.

 

1. Văn hoá Sa Huỳnh

            Khảo cổ học phát hiện nhiều cổ vật giống nhau nằm từ Bắc Trung Bộ tới vùng tiếp giáp Đồng Nai, mà tập trung nhiều nhất ở Sa Huỳnh, nên đã gọi nền văn hoá có di chỉ đó là Văn Hoá Sa Huỳnh. Nền văn hoá này rõ ràng có quan hệ nguồn gốc với văn hoá Đông Sơn, mà “trẻ” hơn. Có thể đặt vào khoảng đệ nhị thiên kỷ trước công nguyên tới vài thế kỷ đầu công nguyên.

 

Những di chỉ đặc biệt tìm thấy ở đây hình thể vẫn là búa, rìu, dao, cuốc, có chăng là thêm một ít liềm… nhưng đặc điểm bắt ta phải nhìn nhận một tầng văn hoá mới đó là chất liệu chế tác: hàng trăm đơn vị bằng SẮT.

 

“Đặt trong tương quan với các cư dân văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc, văn hoá Đồng Nai ở phía Nam, số lượng và sự phổ biến rộng rãi đồ sắt của văn hoá Sa Huỳnh hơn hẳn” [2]

 

Cư dân Văn hoá Sa Huỳnh đã có nghề dệt vải, chế tác đồ gốm với nhiều hoa văn trang trí, nghề thuỷ tinh và làm đồ trang sức. Những đồ này không những có nét thẩm mỹ cao và đa dạng hơn trước, mà còn thêm loại vòng tai đầu thú. Họ còn làm nghề nông và ngư nghiệp không? Hiển nhiên còn, còn cho tới hôm nay và mãi mãi…. Chúng ta không thấy dấu vết thóc gạo hoá thạch, thì hoa văn bông lúa trang trí trên các đồ gốm cũng dư sức thuyết phục.

 

2. Văn hoá Đồng Nai

           

Cùng điểm thời gian với Văn hoá Sa Huỳnh miền Trung, miền Nam Việt Nam hôm nay, ngày ấy, sống trong Văn hoá Đồng Nai. Nền văn hoá này cũng mang niên đại thiên kỷ II trước Công nguyên. Di chỉ khảo cổ rải từ Đồng Nai xuống các tỉnh Đông Nam Việt như Biên Hoà, Gia Định, Định Tường…. Cũng như ở đâu, các dân tộc thời sơ sử bắt đầu luôn ở vùng trung nguyên. Riêng cư dân Văn hoá Đồng Nai thì hình như chỉ thích ở gò đồi, mặc dầu họ làm nông, trồng trọt và thủ công. Họ phát triển lúa rẫy hơn lúa nước.

 

Đặc điểm đó thêm vào tính chất đồng thô và nhỏ, như ở Dốc Chùa (Sông Bé), cho người thời nay nghĩ rằng cư dân đó ít lưu tâm tới mỹ thuật hơn dân miền Bắc và miền Trung. Tuy thế, khảo cổ cũng gặp thấy nhiều vòng đeo tay, bông tai thuỷ tinh, vật đeo đầu thú… ở khắp nơi trong vùng. Cũng không thiếu những công cụ bằng sắt như vũ khí, đồ trang sức ở Xuân Lộc (Đồng Nai).

 

Đúng hơn, phải nhận rằng trình độ văn hoá Đồng Nai vẫn tương đương với văn hoá Sa Huỳnh và hậu kỳ Đông Sơn, nhưng vì nghề nghiệp cư dân ở đây, miền cuối của dẫy Trường Sơn, nên cư dân không chuyên trồng lúa nước, mà chú trọng vào “nương rẫy” và săn bắt thú rừng. Cũng vì thế, họ vẫn sống trên những vùng cao, mà có nguồn nước, nơi ở lại đắp tường và đào hào bao quanh….

 

Một nếp sống như thế, đơn giản trong đồ dùng thường ngày, cũng đơn giản trong sinh hoạt trí thức và tâm linh. Vì thế người ta chỉ mới thấy dấu hiệu của tín ngưỡng bái vật, mà chưa có tài liệu gì về phụng thờ hoặc những ngày lễ hội. Khác hẳn sinh hoạt của người dân Lạc Việt với văn hoá lúa nước, có thời gian mùa màng và thời gian lễ hội.

 

 

[ 29 ]     Âu - Lạc, một mốc giao lưu văn hoá

 

Muốn có giao lưu văn hoá, phải có hai nền văn hoá gặp nhau, xen kẽ nhau trong một đại chúng, trên một vùng đất. Vậy thì có nền văn hoá nào đến và xen vào văn hoá Lạc Việt lúa nước – trống đồng – và mộ chum?

 

Cần đọc lại trang sử Hùng Vương với nước Văn Lang [3] và Thục Phán An Dương Vương với Âu-Lạc.

           

1. Nước Văn Lang

 

Đào Duy Anh tra cứu và nhận thấy:

Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ (q.1) chép rằng: Người nước Văn Lang làm nghề đánh cá, ‘bị thuồng luồng làm hại, bạch với vua, vua bèn bảo người ta lấy mực vẽ hình thuỷ quái lên mình, tự đấy thuồng luồng không làm hại nữa. Cái tục người Bách Việt vẽ mình là bắt đầu từ đó’.

 

Xem thế thì thấy rằng các sử gia nước ta xưa kia cho rằng người nước Văn Lang vốn là người Bách Việt. Trước khi xét xem nước Văn Lang quả có liên hệ với toàn thể Bách Việt hay chỉ liên hệ với một số bộ phận Bách Việt, chúng ta hãy tìm xem địa bàn sinh tụ của người Bách Việt là ở đâu.

Cái tên Bách Việt hiện đầu tiên là trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, sách ấy chép rằng đời Chu An Vương, Sở Điệu Vương sai Bạch Khởi đánh dẹp Bách Việt ở miền Nam [4]. Bấy giờ là đầu thế kỷ IV trước công nguyên.

  • Sách Hậu Hán Thư, địa lý chí chép rằng: ‘Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, trên bảy tám nghìn dặm, người Bách Việt ở xen nhau, đều có chủng tinh’.
  • Sách Lộ Sử [5] ở đời Tống chép rằng: Việt Thường, Lạc Việt, Âu Việt, Âu Khả, Âu Nhân, Thả Âu, Cung Nhân, Hải Dương, Mục Thâm, Phù Xác, Cầm Nhân, Thương Ngô, Man Dương, Dương Việt, Quế Quốc, Tây Âu, Quyên Tử, Sản Lý, Hải Quì, Tây Khuẩn, Kê Từ, Bộc Cầu, Tử Đái (sửa là Bắc Đái), Khu Ngô, gọi là Bách Việt’.

 

Trong những nhóm Bách Việt linh tinh ấy, chúng ta thấy có những nhóm như Dương Việt ở miền hạ lưu sông Dương Tử, nhóm Thượng Ngô ở miền Nam tỉnh Quảng Tây, nhóm Sản Lý tức là Xà Lý ở tận miền Tây Nam tỉnh Vân Nam; Bắc Đái là những tên thuộc huyện thời Hán thuộc quận Giao Chỉ. Có thể căn cứ vào những địa điểm ấy mà nói rằng Sử sách Trung Quốc xưa gọi là Bách Việt là những nhóm người Việt ở rải rác trên khắp miền Hoa Nam, phía Tây gồm cả đất Vân Nam, phía Nam gồm cả đất miền Bắc Việt Nam ta, sử sách thường gọi chung là miền Giang Nam (miền Nam sông Dương Tử) và miền Lĩnh Nam (miền Nam Ngũ Lĩnh). Trong những nhóm linh tinh ấy, các nhóm được chính sử Trung Quốc (Sử Ký và Tiền Hán Thư) chép tương đối kỹ càng là: Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt, Tây Âu.

  • Theo Sử Ký, Đông Việt truyện thì chúng ta biết rằng Đông Việt hay Đông Âu trong thời Tần Hán đóng đô ở Vĩnh Ninh, tức Vĩnh Gia, là miền Chiết Giang; Mân Việt thì ở đất Mân Trung, tức miền Phúc Kiến; Nam Việt đô ở Quảng Châu, tức miền Quảng Đông; Tây Âu ở phía Nam sông Ly, tức miền Quảng Tây; còn nhóm Lạc Việt thì ở đâu?
  • Theo Hậu Hán Thư (Mã Viện truyện, Nhâm Diên truyện) [6] chúng ta biết rằng người các quận Giao Chỉ và Cửu Chân là người Lạc Việt, như thế thì Lạc Việt là nhóm Việt tộc ở miền Bắc Việt Nam.

 

Bây giờ, hãy đối chiếu cương giới nước Văn Lang như chúng ta đã thấy ở trên với các nhóm Bách Việt ấy thì chúng ta thấy rằng phạm vi nước Văn Lang mà truyền thuyết cho rằng đến tận hồ Động Đình và đất Ba Thục là tương đương với địa bàn sinh tụ của toàn thể người Bách Việt ở Giang Nam và Lãnh Nam; nhưng xét phạm vi của 15 bộ tộc nước Văn Lang chép trong các sách sử cũ của ta thì lại thấy rằng phạm vi 15 bộ ấy gần như tương đương với địa bàn sinh tụ của người Lạc Việt, do đó chúng ta đã nhận định rằng nhân dân nước Văn Lang xưa chính là người Lạc Việt. Khảo cổ học đã cho chúng ta biết rằng người Lạc Việt ở miền Bắc Việt Nam đã xây dựng một nền văn hoá đồ đồng mà thời kỳ toàn thịnh ở vào khoảng thế kỷ III và thế kỷ IV trước C.N.” [7]

 

Chúng ta có thể nhận giải thích trên của Đào Duy Anh về nước Văn Lang và văn hoá Văn Lang, tức Lạc Việt. Còn dân ÂU, họ là ai và từ đâu tới để Thục Phán làm nên Âu Lạc ?

 

2.         Nước Âu-Lạc

 

Trong Bách Việt, có Tây Âu. Miền Bắc Việt Nam hôm nay ; ở cao nguyên Cao Bằng lại còn dân tộc Tày. Phải chăng người Tày cũng là người Tây Âu ? Dân gian Tày có truyền thuyết về nguồn gốc của họ, đi ngược lên tới tận nguồn gốc loài người:

“Truyền thuyết ấy đại khái nói rằng từ thuở xưa, khi người ta vừa mới biết ánh sáng, biết ăn chín, biết che thân, biết phát rừng trồng lúa, biết đào mương lấy nước, biết dựng nhà che mưa nắng, thì người ta cũng tụ tập thành bản mường, nhưng mỗi mường ở độc lập một phương. Về sau người ta tụ tập đông hơn, nhiều mường họp lại thành xứ, mỗi xứ có chúa trông coi. Các xứ họp lại thành bộ, đứng đầu là vua chủ trương mọi việc, đặt chữ cho dân, vỗ về dân chúng khiến họ làm ăn yên ổn….

Ở phía Nam Trung Quốc, đầu sông Tả Giang, về gần nước Văn Lang, có bộ Nam Cương hùng cứ một phương. Bộ này do Thục Chế tức An Trị Vương đứng đầu, đóng đô ở Nam Bình [8], do chín xứ họp thành. Các xứ cứ ba năm triều cống một lần…. Từ lúc An Trị Vương lên ngôi, nhân dân yên ổn, chín xứ đều thần phục cho nên dần dần trở nên hùng cường. Nước Trung Hoa mấy lần xâm lăng đều bị đánh lui, rồi từ đấy không dám quấy nhiễu nữa, hai bên kết tình giao hảo.

 

Thục Chế làm vua 60 năm, thọ 95 tuổi. Con là Thục Phán mới lên 10 tuổi, cháu họ là Thục Mô tạm lên cầm quyền. Chín chúa nghe tin ấy tưởng rằng Thục Mô cướp ngôi, bèn kéo quân về bao vây kinh đô. Thục Mô sợ, phải giao quyền lại cho Thục Phán, các vua mới chịu yên. Thục Phán còn nhỏ, sợ bị các chúa lấn át, nói rằng: Nay trong bộ có 10 xứ, chín chúa giữ chín xứ, còn lại một xứ cho vua, như vậy thì có đâu phải là vua. Nay hãy thi tài, ai có tài hơn người mà thắng tất cả mọi cuộc thì ta xin nhường ngôi cho cai trị cả bộ. Các chúa nghe theo. Thục Phán bèn tổ chức mười cuộc thi tài:

 

1.     Đấu võ

2.     Làm nghề tốt việc nhanh

3.     Sang Trung Quốc lấy trống đồng

4.     Bắn cung trúng lá đa

5.     Làm một nghìn bài thơ

6.     Nhổ mạ Phiêng Pha (gần Tinh Túc) cấy ruộng Tổng Chúp (Cao Bằng)

7.     Đóng thuyền rồng

8.     Đẽo đá làm guốc

9.     Nung vôi gạch xây thành

10.   Mài lưỡi cày thành kim.

 

Trong các cuộc thi ấy, Thục Phán đều dùng kế mỹ-nhân để phá, không cho chúa nào thắng được, nên cuối cùng Phán được các chúa tôn làm vua. Thục Phán ra sức củng cố cơ sở nước Nam Cương, làm cho dân giàu nước mạnh.

 

Nước Văn Lang láng giềng bấy giờ đang suy yếu, nhân dân xiêu tán đói rét, quân lính biếng lười, các tướng chỉ thích rượu thơ. Thục Phán nhớ lại đời tiên vương đất nước nhiều lần bị nước Văn Lang uy hiếp, cho rằng nay đã đến lúc phục thù, bèn cất quân sang đánh, Hùng Vương nhu nhược bại vong. Thế là nước Văn Lang bị gồm làm một với nước Nam Cương. Thục Phán đặt tên nước mới là Âu Lạc, đóng đô ở Loa Thành. Từ đó bốn phương yên ổn”. [9]

 

Tại sao Nam Cương lại do dân Âu làm chủ?

 

Trong Bách Việt, có dân Tây Âu sống ở vùng Quảng Tây với hai nhánh sông Tả Giang và Hữu Giang. Khi con cháu vua Thục, sử Tàu gọi là Quỳ Việt, bị Tần áp bức, di về Nam, tới Tây giang, gặp dân Tây Âu đồng ngôn ngữ và văn hoá, bèn liên hiệp thành mười bộ tộc của một nước Nam Cường, mà bờ cõi trải ra từ Tây giang xuống tận thượng lưu sông Lô, sông Gầm, sông Cầu, sông Đáy, sông Thái Bình và sông Mã, sông Lam, tức giáp biên giới Văn Lang. Tất cả họ thuộc Tây Âu, nên khi chiếm thêm được Văn Lang của bộ Lạc, Thục Phán bỏ ranh giới hai nước, mà đặt tên theo hai bộ tộc trong Bách Việt là ÂU + LẠC. Sau này, Triệu Đà lại chia hai nước Âu Lạc, cũng theo hai vùng văn hoá còn nhiều dị biệt đó. Tuy thế, khi đã thành một nước, một chính quyền, thì dân Tây Âu và Lạc Việt đương nhiên giao lưu và tiếp biến văn hoá. Chúng ta có nền văn hoá tiếp biến “đầu tiên” trong lịch sử dân tộc, nền Văn Hoá Âu Lạc.

 

Bình Nguyên Lộc [10] lại dẫn chứng cho thấy nước Thục đã bị Tần đánh diệt từ năm 316 TCN rồi Thục Phán chỉ là con cháu Thục Vương, lưu vong tại nước Sở, mượn quân của Sở Vương là Trạch Hu Tống để đánh Hùng Vương.

 

Như vậy thì không có đất nước Tây Âu nào để sáp nhập với Văn Lang. Hơn thế, nếu sáp nhập thì đó là nước của Trạch Hu Tống, không phải của Phán lưu vong. Vậy thì, chỉ có dân tộc Âu nhập với dân tộc Lạc: “Sự thật thì quả Âu Lạc hàm cái ý Âu với Lạc nhập lại, nhưng chỉ là nhập trong tư tưởng chớ không có nhập đất đai, vua An Dương Vương là người nước Thục, di cư xuống nước đồng chủng là nước Tây Âu, và sống ở đó hai thế hệ, nên ông tự xem ông là người Tây Âu. Hơn thế, lính mà ông mộ để xâm lăng Văn Lang của Hùng Vương toàn là người Tây Âu.

Như vậy, khi cải quốc hiệu Văn Lang thành Âu Lạc, ông chỉ muốn ngầm nói rằng đó là nước dân Lạc, nhưng do dân Âu lãnh đạo, nhưng không có sự kiện sáp nhập Âu Lạc vào Tây Âu bao giờ …[11]

Có thể nói rằng: Ngay sự kiện Thục Phán vẫn dùng Lạc Hầu, Lạc Tướng… làm cánh tay cai trị, cũng ủng hộ cho ý kiến của Bình Nguyên Lộc. Dầu theo giả thuyết nào trong hai chuyện lịch sử trên, chúng ta vẫn thấy có giao lưu văn hóa Âu và Lạc.

 

 

[ 30 ]     Văn hóa Âu Lạc

 

Nói tới Văn hóa thời Âu Lạc, chúng ta cũng “nhìn lại” công trình kiến thiết thủ đô nước Âu Lạc, trước khi nhận xét về chính những nét văn hóa đương thời.

 

1.         Thành Cổ Loa

Thử xem lại Cổ Loa hoặc Loa Thành và bối cảnh lịch sử đan dệt của nó. Trước hết, xin đọc qua lời giới thiệu tài liệu của nhà xuất bản Thanh Niên, Hà-nội 25.2.1995:

… Nhà Xuất Bản  Thanh Niên cho tái bản có sửa chữa và bổ sung cuốn ‘Các triều đại Việt Nam’ do nhà sử học Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng biên soạn, nhằm giúp các bạn trẻ có thêm được những kiến thức lịch sử với những chi tiết sinh động. Đây là một tập biên khảo có hệ thống, tận dụng những thành tựu mới nhất của khoa học lịch sử kết hợp với tham khảo các bộ sách cổ nhất của các nhà sử học xưa và nay…[12]

Đây là những hàng mà tác phẩm vừa được giới thiệu đó ghi về công trình xây thành và tổ chức quân sự:

 

Thời ấy, tổ tiên ta chưa có gạch nung. Bởi vậy, thành Cổ Loa được xây bằng đất ở chính địa phương. Thành có 9 vòng. Chu vi vòng ngoài 8km, vòng giữa 6,5km, vòng trong 1,6km… Diện tích thành trung tâm lên tới 2 km2. Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4-5m, có chỗ 8-12m. chân rộng 20-30m. Khối lượng đất đào đắp ước tính tới 2,2 triệu mét khối. Xem vậy công trình Cổ Loa thật đồ sộ, trong khi khu vực Cổ Loa được coi là một nền đất yếu. Chính vì vậy, việc xây dựng thành Cổ Loa cực kỳ khó khăn. Thành bị đổ nhiều lần là dễ hiểu. Nhưng điều đáng tự hào là cuối cùng thành đã đứng vững. Thục An Dương Vương đã biết dựa vào những kinh nghiệm thực tế để gia cố nền, móng khắc phục khó khăn. Vết chân rùa thần chính là bí mật đã được tổ tiên khám phá, xử lý. Ngày nay, khi xẻ dọc thành để nghiên cứu, các nhà khảo cổ học thấy rõ chân thành được chẹn một lớp đá tảng. Hòn nhỏ có đường kính 15cm. Hòn lớn 60cm. Cần bao nhiêu đá để sử dụng cho công trình? Kỹ thuật xếp đá? Đây quả là một kỳ công.

 

Thành Cổ Loa chẳng những là một công trình đồ sộ, cổ nhất của dân tộc, mà còn là công trình hoàn bị về mặt quân sự. Xung quanh Cổ Loa, một mạng lưới thủy văn dày đặc, tạo thành một vùng khép kín, thuận lợi cho việc xây dựng một căn cứ thủy binh hùng mạnh. Thuở ấy sông Thiệp-Ngũ Huyền Hoàng giang thông với sông Hồng ở Vĩnh Thanh (Đông Anh). Bởi vậy, ngay sau khi xây thành, Thục An Dương Vương đã chiêu tập những thợ mộc giỏi, sử dụng gỗ ở địa phương đóng thuyền chiến. Với thuật đi sông vượt bể vốn là sở trường của người Lạc Việt, chẳng mấy chốc, các đầm phá quanh thành Cổ Loa biến thành quân cảng. Rồi nhân dân được điều tới khai phá vùng rừng Đa (Gia Lâm), rừng Mơ (Mai Lâm), rừng Dâu Da (Du Lâm)… thành ruộng. Những hiệp thợ chuyên rèn vũ khí cũng xuất hiện. Bên côn, kiếm, giáo, mác đủ loại, bàn tay sáng tạo của cha ông đã chế tạo nỏ liên châu, mỗi phát bắn hàng chục mũi tên. Cũng tại Cổ Loa, kỹ thuật đúc đồng cổ đã được vua Thục khuyến khích. Hàng chục vạn mũi tên đồng, những mũi tên lợi hại, có độ chính xác cao, kỹ thuật tinh vi, dùng cho nỏ liên châu đã được bàn tay thợ tài hoa sản xuất tại đây…[13]

 

2.         Cái nhìn khảo cổ về văn hóa cổ Âu Lạc:

 

Chúng ta nhận xét qua văn hóa Âu Lạc về nghề nghiệp, hành chánh và tôn giáo.

 

2.1. Nghề Nghiệp

 

Nghề nghiệp và nếp sống nông dân, nhưng đã ghi lại nhiều tiến bộ hơn thời văn hóa Phùng Nguyên.

Các nhà khảo cổ học của trường Đại học Tổng hợp, của viện Khảo cổ học và tổ chức Át-lát Hà-nội đã cùng nhau xây dựng một bản đồ khảo cổ học Hà-nội, trên đó có trọng điểm khảo cổ học Cổ Loa - Đông Anh. Đã tìm thấy những di tích ‘cuội gia công’ thời cuối đá cũ cách ngày nay hơn một vạn năm ở miền chân núi Ba Vì cũng như trên những thềm sót cổ ở Cổ Loa - Dục Tú. Bẵng đi một thời đá mới, nước biển dâng, miền Cổ Loa - Đông Anh không tìm thấy bóng người xưa. Tới đầu thời đại đồng, ta lại thấy những xóm làng cổ mọc lên trên những dãi đất cao và thềm cổ đôi bờ Hoàng gia - Ngũ Huyện Khê. Trong phức hợp các di tích khảo cổ này, đã tìm thấy dấu ấn qua loại hình đồ gốm, rìu đá, chì lưới… của cư dân từ miền ven biển tiến vào và từ miền chân núi tiến xuống khoảng 3500 năm cách ngày nay. Từ Cổ Loa đến Tiên Sơn Hà Bắc là một vùng hỗn dung văn hóa từ thời đại đồng đến đầu thời đại sắt và hỗn dung tộc người, từ các yếu tố Môn cổ - Mã Lai cổ đến Tày cổ để tạo nên yếu tố Việt cổ…

 

Vua Thục (An Dương Vương của sử cũ) thay thế các vua Hùng, đã đưa trung tâm đất nước Việt cổ từ một miền đồi gò thuần trung du – đỉnh thứ nhất của tam giác châu sông Hồng – xuống Cổ Loa – Đông Anh là miền giáp ranh trung du – đồng bằng – đỉnh thứ hai của tam giác châu sông Hồng.

 

Thành Cổ Loa được xây dựng ở vị trí giáp ranh này, ở cái gờ miệng của trung du, cổ họng của đồng bằng. Sau lưng nó là miền trung du và rừng núi, là miền Âu Việt (Tày cổ); trước mặt nó là miền đồng trũng mênh mông nước ngập, mùa mưa lũ, phải đi lại bằng thuyền là miền Lạc Việt (Mã Lai cổ). Hệ thống phòng thủ ở Cổ Loa là lũy, đồn đắp dựa trên các thềm sót và doi đất cao giữa một miền lầy trũng, nhưng hệ thống ấy cũng là đê trị thủy. Nó được phối hợp chặt chẽ với một hệ thống phòng thủ khác… là các đường nước chảy dọc ngang miền đất trũng xen giữa các thềm cổ sót và doi đất cao, nhưng hệ thống ấy cũng là kênh mương tưới tiêu thủy lợi nối với sông con, và cũng là mạng lưới giao thông của toàn thể vùng kinh đô và ven đô (vùng ảnh hưởng của vua Thục). Cổ Loa là sự hòa hợp giữa Âu và Lạc, sự phối hợp giữa lũy và hào, giữa đê và mương. Nó là một đô thị nông nghiệp sông và thủy lợi cổ, trên bến dưới thuyền.

Chính ở đây, ở Cổ Loa – Đông Anh đã thể nghiệm thành công bước quá độ từ mô hình nông nghiệp lúa nước miền chân núi đến mô hình lúa nước miền đồng bằng; từ nông nghiệp 1 vụ lúa (mùa) sang nghề nông hai vụ lúa (mùa chiêm), từ vùng đất nghèo (bạc màu, phù sa cổ) sang vùng đất có độ phì lớn và có thể thâm canh (phù sa mới), từ việc trồng lúa nếp (và ăn xôi) sang việc ngày càng trồng nhiều lúa tẻ (và ăn cơm, ăn bún), từ việc kết hợp trồng trọt – săn bắn đến sự kết hợp trồng trọt – đánh cá, từ việc nuôi gà lợn đến việc nuôi thêm nhiều loại lông vũ ở nước (vịt, ngỗng, ngan), từ việc nuôi bò – voi sang việc nuôi ngày càng nhiều trâu nước. Nông nghiệp Cổ Loa – Đông Anh, xưa cũng như nay là đa canh và đa dạng.[14]

 

2.2..Nhà

Hẳn người Việt thời Âu Lạc còn làm nhà sàn. Cùng chủng Mã-Lai, nhưng khác tộc với chúng ta, người Chăm còn gọi là Thang Giơ. Người Nam Dương gọi là Tanga. Chúng ta gọi Thang. Nhà Sàn là nhà phải lên xuống bằng thang. Chúng ta đều rõ mục tiêu làm nhà sàn là để tránh thú dữ.

Cả chục thế kỷ sau, khi thú dữ và rừng đã bị khẩn hoang ngút ngàn, không cần sàn cao nữa, nhà người Việt thấp xuống thành nhà RẦM. Chính vì muốn có một đợt không khí ít chục phân, cách mặt đất và nền nhà, để tránh ẩm ướt.

Đặc điểm của loại nhà người Việt, cũng giống như của nhiều tộc trong chủng Mã-Lai, là nóc nhà cong oằn xuống mềm mại để hai đầu nhẹ vuốt lên. Cũng vì thế, mái nhà lợp phủ xuống thật thấp và người ta trổ cửa ra vào ở đầu hồi. Có lợp ngói thì ngói bằng, chứ không phải loại ngói ống “âm dương” như ở một số cung điện Huế hoặc mái chùa. Loại hình ngói âm dương là của dân Trung Quốc du nhập.

 

2.3. Làng

Người dân rõ ràng đã có tổ chức xóm làng. Có những người tưởng chính quyền Trung Quốc mang tổ chức này sang “dạy” dân Việt Nam. Chắc chắn không phải thế. Người Lạc Việt trong chủng Mã-Lai đã biết tổ chức làng từ rất sớm. Danh xưng Quan Lang thì chỉ có từ “quan” là của Hán tộc. Người Việt rất có thể đã gọi là Làng, Xà Làng, người Việt cổ gọi là Già Làng, trước kia chủng Mã-Lai gọi là T’lang. Tới ngày nay, người Mường vẫn gọi là Lang.

Mỗi làng đều có nhiều “quyền tự trị”, có “lệ làng”, mà nhiều khi “phép vua” cũng chào thua.

 

2.4. Tín Ngưỡng

Trống Đồng còn ghi lại cho chúng ta nhiều nét về Tín Ngưỡng của nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa Âu Lạc. Trong đó gồm cả những nét chung của chủng Mã-Lai.

Ngoài vật tổ như Chim, Rồng, Rùa, người Âu Lạc thờ TRỜI mà tượng trưng là mặt trời. Nét này các nhà nhân chủng học còn gặp thấy ở Da đỏ Mỹ châu:

Đền đài Cung điện của Maya và Aztèques còn tráng lệ hơn là của hai thành phố chôn vùi Harappa và Mohanjo Daro của Mã-Lai ở Ấn Độ nữa, và cái vật quan trọng nhứt của thổ dân Mỹ châu cũng cứ là cái mặt trời.

 

Chính vì cái mặt trời ấy mà trước năm 1945 các nhà khảo cổ lầm tưởng nền văn minh rực rỡ của thổ dân Mỹ châu từ Ai Cập đến, bởi Ai Cập cũng thờ mặt trời [15]. Nhưng rồi họ nghiên cứu dân đó về dân tộc học, chủng tộc học, họ mới thấy rằng đó là dân da vàng từ châu Á di cư tới, nhưng chưa biết vào thời nào.

 

Một dân tộc đi bằng xuồng nhỏ từ Nam Dương đến Madagascar, vượt qua hết Ấn Độ Dương được thì dân tộc ấy cũng đã vượt Thái Bình Dương bằng xuồng nhỏ được dễ dàng, phương chi ở Thái Bình Dương lại có những đảo dọc đường mà Ấn Độ Dương không có…” [16]

Người Âu-Lạc cũng theo tín ngưỡng “phồn thực” và thờ Thần Nông. Do đó, thờ một số biểu tượng mà ngày nay gọi là “dâm thần” như Dương Vật, Âm Vật. “Cối, Chày” trong các điệu vũ giã gạo, không phải chỉ là để có gạo trắng cơm ngon, mà còn là điệu vũ tế thần phồn thực. Mà thần phồn thực không được hiểu nghĩa “dâm” như ngày nay. Tín ngưỡng đó là hướng về nguồn gốc sinh thành và cầu mong phát triển “con đàn cháu đống, sống ba bốn đời”.

 

2.5. Nghệ Thuật

Để tế thần hoặc để giải trí, có lẽ cả hai, người văn hóa Đông Sơn đã sử dụng nhiều nhạc khí: trống đồng lớn nhỏ nhiều cỡ, khèn ngắn, khèn dài, sáo, cồng chiêng, và lục lạc. Đủ thứ lục lạc, đính vào những loại vòng tay và chân. Những nhạc khi này rung lên, ngân vang với những cử động của vũ công…

 

Cùng với những bài ca dâng tiến thần thánh là những huyền thoại, thần thoại và anh hùng ca.

Hoa văn trống đồng, những di chỉ ở quan tài và mộ huyệt cho thấy người ta đã biết và ưa thích hội họa, điêu khắc… từ những sinh hoạt xã hội đến những cảnh thần tích và ước vọng theo chiều tín ngưỡng tâm linh. Nhũng nét nghẹ thuật trong phụng tự còn cho thấy người xưa tin rằng Thần Thánh của mình vẫn sống, vẫn là Thần Minh đày quyền năng và tình thương.

 

 



[1] “Đại Việt sử ký Toàn thư.” Chúng ta có thể “đọc lại nơi khác.

[2]     Trần Quốc Vượng “Cơ sở Văn hoá Việt nam” 91

[3]     Trên đây số [27] chúng ta đã đọc theo truyền thuyết

[4]     Sử Ký, Bạch Khởi Vương Tiễn truyện (q.73) ĐDA.

[5]     Gồm 47 quyển, tác phẩm của La Tất đời Tống chép từ đời Tam Hoàng Ngũ đế… ĐDA.

[6]     Hậu Hán Thư, q.24, q.76

[7]     Đào Duy Anh “Đất Nước VN qua các đời” 1994, trang 20-22

[8]     Nam Bình châu là 1 châu của nhà Đường. Địa danh đại từ điển của Trung Quốc cho rằng châu Nam bình hiện nay ở trong lãnh thổ nước VN.ta.

[9]     Đào Duy Anh, sđd. 25-26, theo tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 50-51 tháng 5 và tháng 6 năm 1963

[10]    Sđd., tr. 258-265

[11] Sđd.,tr. 285

[12]    Sđd. lời nhà Xuất bản

[13] Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, sđd., tr. 17-19

[14] Trần Quốc Vượng, sđd., tr. 104-105

[15] Không chỉ Ai Cập, thần Marduk của Lưỡng Hà cổ đại cũng là thần Mặt Trời.

[16] Bình Nguyên Lộc, sđd., tr. 443-444

 

Nguyễn Thế Thoại
Số lần đọc: 1500
Ngày đăng: 11.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cấu Trúc Luận Trong Nghiên Cứu Biểu Tượng: Từ Ký Hiệu Học Đến Nhân Học Biểu Tượng - Đinh Hồng Hải
Ý nghĩa nhân tính trong văn hóa Cổ Hy lạp - Nguyễn Đăng Trúc
Văn-Hóa Việt-Nam 12 - Nguyễn Thế Thoại
Sự Ám Ảnh Của Văn Hóa Nông Nghiệp Và Môi Trường Sông Nước Trong Ngôn Ngữ Việt Nam - Mai Bá Ấn
Khám Phá Những Biểu Tượng Trong Văn Học - Đinh Hồng Hải
Quan Niệm Về Thơ Trong Lý Luận Phê Bình Văn Học Đô Thị Miền Nam 1954 – 1975 - Trần Hoài Anh
Văn-Hóa Việt-Nam 11 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 10 - Nguyễn Thế Thoại
Văn Hóa Phong Tục, Tập Quán Ngày Tết Qua Tâm Thức Vũ Bằng - Trần Hoài Anh
Ý nghĩa của tên gọi Việt Nam và định hướng văn hóa - Nguyễn Đăng Trúc