Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
821
116.515.275
 
Cấu Trúc Luận Trong Nghiên Cứu Biểu Tượng: Từ Ký Hiệu Học Đến Nhân Học Biểu Tượng
Đinh Hồng Hải

Đặt vấn đề

 

Khoa học xã hội nói chung và khoa học nghiên cứu biểu tượng nói riêng đã được du nhập vào Việt Nam từ hơn 100 năm qua theo hướng tiếp cận hàn lâm của phương Tây. Cho đến nay, các nghiên cứu khoa học xã hội trên bình diện văn bản học (như văn học, sử học, triết học, ngôn ngữ học,...) đã đạt được khá nhiều thành tựu, trong khi nghiên cứu biểu tượng (như ký hiệu học, nhân học biểu tượng,...) dường như vẫn đang là một mảnh đất còn bỏ trống với số lượng các công trình nghiên cứu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí trong số những nghiên cứu ít ỏi đó, chưa một công trình nào thực sự “đặt nền móng” cho một khoa học nghiên cứu về biểu tượng. Tại sao có tình trạng như vậy? Thật khó để đưa ra một câu trả lời đầy đủ, nhưng nếu xét trên bình diện chung của các bộ môn khoa học có liên quan đến nghệ thuật và biểu tượng, chúng ta có thể nhận thấy: Thiếu nền tảng lý thuyết và phương pháp luận chính là mấu chốt của vấn đề.

 

Trên thực tế, đã có nhiều hệ thống phương pháp luận nghiên cứu có liên quan đến nghệ thuật và biểu tượng trên thế giới ra đời trên cơ sở lý thuyết nghiên cứu của các chuyên ngành như triết học, văn học, dân tộc học, mỹ học, đặc biệt là ký hiệu học. Một trong những lý thuyết có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, được coi như một “cuộc cách mạng” về lý thuyết trong khoa học xã hội thế kỷ XX, là cấu trúc luận (structuralism). Cho đến nay, cấu trúc luận đã được sử dụng làm một trong những lý thuyết nền tảng của nhiều chuyên ngành khác nhau trong khoa học xã hội như nhân học cấu trúc (structural anthropology), ngôn ngữ học cấu trúc (structural linguistics), ký hiệu học văn hoá (cutural semiology),v.v... Trong nội dung của nghiên cứu này, chúng tôi sẽ đề cập đến cấu trúc luận và việc sử dụng khung lý thuyết này dưới góc nhìn ký hiệu học và nhân học biểu tượng như một hướng tiếp cận cụ thể đối với nghiên cứu biểu tượng trong giai đoạn hiện tại.

 

1. Cấu trúc luận với ngôn ngữ học và ký hiệu học

 

Cấu trúc luận là một lý thuyết khoa học được sáng lập bởi nhà ngôn ngữ học Thuỵ Sỹ - Ferdinand de Saussure cách đây gần một thế kỷ.[1] Ban đầu cấu trúc luận chỉ sử dụng trong phạm vi của ngôn ngữ học, nhưng với phương pháp tiếp cận ký hiệu học, nó nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng đến nhiều ngành khoa học xã hội khác trở thành một trong những lý thuyết quan trọng nhất đối với khoa học xã hội và nhân văn trong thế kỷ XX. Ngay tại thời điểm đưa ra những nguyên lý căn bản của cấu trúc luận, Ferdinand de Saussure đã tiên đoán được tầm ảnh hưởng của nó sẽ vượt ra ngoài phạm vi của ngôn ngữ học với một nhận định hết sức chính xác: “Một ngành khoa học nghiên cứu về sự tồn tại của các ký hiệu trong đời sống xã hội là hoàn toàn phù hợp, khoa học này sẽ là một phần của tâm lý học xã hội và do đó cũng là một phần của tâm lý học nói chung; tôi sẽ gọi nó là ký hiệu học - semiology (trong tiếng Hy Lạp semeion có nghĩa là “ký hiệu”). Ký hiệu học sẽ nghiên cứu về những yếu tố cấu thành của ký hiệu, những quy luật chi phối chúng. Khi ngành khoa học này chưa ra đời, không một ai có thể nói nó thực sự là cái gì; nhưng nó có quyền được tồn tại, tại một nơi đã được chọn trước. Ngôn ngữ học cũng chỉ là một phần trong khoa học về ký hiệu học nói chung; những quy luật được khám phá trong ký hiệu học sẽ được ứng dụng vào ngôn ngữ học, và sau cùng nó sẽ giới hạn rạch ròi tại một khu vực trong tổng thể các lĩnh vực của nhân học” (Ferdinand de Sausure 1915, tr.16).

 

Tới nay, gần 100 năm sau ngày ông qua đời (1913), cấu trúc luận của Ferdinand de Saussure vẫn được các nhà khoa học nối tiếp nhau mở rộng và đào sâu thêm các khái niệm chỉ từ một mô hình cấu trúc ban đầu vô cùng đơn giản:

 


Theo đó: “Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu, mỗi ký hiệu ngôn ngữ có hai phần: cái biểu đạt (le signifiant) và cái được biểu đạt (le signifié). Cái biểu đạt là một hình ảnh thính giác, cái được biểu đạt là một khái niệm. Không có mối liên hệ tất yếu nào giữa ký hiệu với vật được chỉ định, hay như người ta thường nói, liên hệ giữa chúng là võ đoán” (Trịnh Bá Đĩnh 2011).

 

Từ mô hình trên nhiều nhà khoa học như Romand Jakobson, Roland Barthes, Louis Hjelmslev, Jacques Derrida, Claude Levi-Strauss, Michel Foucault,... đã tiếp tục phát triển cấu trúc luận dưới nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau, cả trong cũng như ngoài ngôn ngữ học, hình thành nên một hệ thống lý thuyết về cấu trúc vô cùng phong phú dựa trên nền tảng ký hiệu học. Với góc độ tiếp cận rộng lớn như vậy, thuật ngữ ký hiệu (sign) trong ngôn ngữ học cơ bản đã phát triển thành một thuật ngữ chung được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau để chỉ một khái niệm mới rộng lớn hơn bao gồm mọi ký hiệu, dấu hiệu, tín hiệu, sự vật, hiện tượng, lời nói, cử chỉ, hành động,... có tính thông tin. Và ngôn ngữ cũng không còn là một thuật ngữ riêng của ngôn ngữ học mà nó bao hàm mọi thành tố được con người biểu thị. Theo Roman Jakobson, hệ thống ký hiệu này bao gồm “mọi loại thông tin được tạo bởi các ký hiệu; tương ứng với điều đó, khoa học về các ký hiệu được gọi bằng thuật ngữ ký hiệu học có quan hệ với các yếu tố nền tảng cơ bản này là cơ sở cho cấu trúc của tất cả các ký hiệu bất kỳ loại nào, và với những đặc tính của chúng trong nội hàm thông tin, cũng như với những đặc trưng riêng biệt của các hệ thống ký hiệu khác nhau, và trong vô vàn loại thông tin khác nhau được sử dụng bằng các loại ký hiệu khác nhau.” (“Ngôn ngữ trong mối liên hệ tới các hệ thống giao tiếp khác” Tuyển tập Roman Jakobson, Tập II, tr.698)[2].

 

Trên cơ sở các lý thuyết mở rộng như trên, Louis Hjelmslev đã mô hình hoá khái niệm của Ferdinand de Saussure bằng sơ đồ:

 

 

Đóng góp quan trọng nhất của L.Hjelmslev là sự phân biệt giữa"Ký hiệu học biểu thị" với "Ký hiệu học hàm nghĩa." Hệ thống ký hiệu thông thường là hệ thống ký hiệu biểu thị. Còn hệ thống ký hiệu hàm nghĩa là một hệ thống ký hiệu mà bình diện biểu đạt (hình thức) của nó cũng là một hệ thống ký hiệu biểu thị (Nguyễn Văn Hậu 2010).

 

Đi xa hơn, Roland Barthes đã áp dụng lý thuyết cấu trúc trong ký hiệu học để kiến giải thần thoại bằng một sơ đồ phát triển như sau:

 

 

 

Nguồn: Roland Barthes (Annette Lavers chuyển ngữ). Mythologies

Straus Farrar & Giroux. 1-1, 1972, tr.115

 

Với sơ đồ này, Roland Barthes đã phát triển mô hình cấu trúc của ký hiệu, cái biểu đạt cái được biểu đạt ở một mức cao hơn. Theo đó, ký hiệu được hình thành từ cái biểu đạt cái được biểu đạt ban đầu lại kết hợp với nhau bằng mô thức của CÁI BIỂU ĐẠT và CÁI ĐƯỢC BIỂU ĐẠT cao hơn tạo nên các KÝ HIỆU[3] mới. Đó cũng là mô thức mà ông dựa vào để phân tích cấu trúc của thần thoại. Hướng tiếp cận mở rộng này cũng được Jacques Derrida, Umberto Eco, Michel Foucault và nhiều nhà khoa học khác phát triển trong các nghiên cứu của họ. Từ đây, quan niệm về cái biểu đạt, cái được biểu đạt hiệu đã vượt ra ngoài khuôn khổ của cấu trúc luận giai đoạn đầu để hình thành nên một trào lưu mới với tên gọi giải cấu trúc hay hậu cấu trúc luận.[4]

 

Trên đây chỉ là một vài nét tóm lược (qua một số ví dụ) về việc áp dụng cấu trúc luận trong ký hiệu học ngôn ngữ, còn trên thực tế, tầm mức ảnh hưởng của nó đối với các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn khác đã vượt xa những điều mà Ferdinand de Saussure dự đoán: “Lĩnh vực ký hiệu học rất rộng lớn, bắt đầu từ những nghiên cứu về hành vi giao tiếp của các loài động vật (ký hiệu học động vật-zoosemiotics) tới những phân tích về các hệ thống ký hiệu biểu tượng như giao tiếp thông qua điệu bộ cơ thể con người (kinesics proxemics) các ký hiệu khứu giác (“sự mã hóa” của các mùi hương), lý thuyết mỹ học, và tu từ học. Hầu hết, các ranh giới của nó (nếu có) đều có sự giáp giới với những gì thuộc về cấu trúc luận: sự hấp dẫn của hai lĩnh vực này về cơ bản không tách rời nhau, và trong dài hạn, cả hai đều cần phải được đưa vào một lĩnh vực thứ ba phù hợp hơn, bao hàm nhiều lĩnh vực được gọi đơn giản là giao tiếp (communication). Trong bối cảnh đó, bản thân cấu trúc luận sẽ trở nên nổi bật như một phương pháp phân tích kết nối các lĩnh vực ngôn ngữ học, nhân học và ký hiệu học”(Terence Hawce 1977, tr.123).

 

2. Khoa học nghiên cứu về biểu tượng

 

Biểu tượng là gì? khoa học nghiên cứu biểu tượng là gì? nghiên cứu biểu tượng nhằm mục đích gì? là những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra để giải quyết trong chuyên mục này trước khi đi sâu tìm hiểu mối quan hệ giữa cấu trúc luận với các khoa học nghiên cứu về biểu tượng.

 

Biểu tượng trong tiếng Việt là một từ gốc Hán được dùng khá trừu tượng. Theo Từ điển Tiếng Việt, biểu tượng có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là: “hình ảnh tượng trưng,” nghĩa thứ hai là: “hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” (Hoàng Phê 1998, tr.26). Còn symbol trong tiếng Anh là một từ bắt nguồn từ ngôn ngữ cổ ở châu Âu (symbolus trong tiếng La Mã và symbolon trong tiếng Hy Lạp). Theo Từ điển Biểu tượng thì “những gì được gọi là biểu tượng khi nó được một nhóm người đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó” (C.G.Liungman 1991, tr.25). Biểu tượng có tính đa nghĩa nhưng chúng ta có thể chia làm hai nghĩa chính là biểu hìnhbiểu ý. Trên thế giới, thuật ngữ symbology được nhiều từ điển giải thích với các ý nghĩa: là 1-Việc nghiên cứu hoặc sử dụng các biểu tượng 2-Tập hợp các biểu tượng (1: the study or use of symbols. 2: symbols collectively). Các từ điển nghệ thuật có thêm một ý nghĩa là: 3-Nghệ thuật sử dụng các biểu tượng để nhắc đến một trào lưu nghệ thuật thịnh hành ở châu Âu vào thế kỷ XIX. Như vậy, thuật ngữ symbology trong tiếng Anh tương đương với nghiên cứu biểu tượng (hoặc biểu tượng học) trong tiếng Việt.

 

Có thể thấy rằng, đối với khoa học nghiên cứu về biểu tượng, tiếp cận liên ngành (interdiciplinary) là một hướng đi bắt buộc, tuy nhiên, sự kết nối các lĩnh vực ngôn ngữ học, nhân học ký hiệu học như Terence Hawkes đã đề cập ở trên cần phải được đặt làm nền tảng và là hướng đi phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay (chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần cuối của bài viết). Thực tế ở Việt Nam, cho tới nay, các chuyên ngành nghiên cứu biểu tượng như ký hiệu học hay nhân học biểu tượng vẫn chưa được công nhận như một bộ môn khoa học độc lập và cũng chưa có mã ngành đào tạo. Trong khi đã có khá nhiều trường đại học lớn trên thế giới như Columbia, Indiana, MIT (Massachusetts Institute of Technology), Standford, Hawaii ở Mỹ, Toronto, McGill, Western Ontario ở Canada, Tartu ở Estonia, Helsinki ở Phần Lan,v.v... tiếp cận theo hướng chuyên môn hoá.[5] Gần đây, Khoa Văn học, Đại học KHXH&NV- ĐHQG HN đã cho ra đời môn học mới là Nhập môn nghệ thuật; Khoa Nhân học, Đại học KHXH&NV- ĐHQG Tp.HCM với môn Nhân học nghệ thuật và Biểu tượng; Khoa Văn hoá học, Đại học Văn hoá Hà Nội với môn Ký hiệu học văn hoá được coi như những bước đột phá trong việc tiếp cận lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu nghệ thuật và biểu tượng. Trong khi đó, các trường thuộc khối nghệ thuật thường chỉ tập trung vào các vấn đề có tính thực hành mà ít quan tâm đến các vấn đề lý thuyết và phương pháp luận. Đây là những bất cập lớn trong hệ thống giáo dục và đào tạo ở nước ta cần được khắc phục.

 

Với câu hỏi chúng ta nghiên cứu biểu tượng nhằm mục đích gì? Câu trả lời đơn giản là để tìm hiểu ý nghĩa của nó. Nhưng ý nghĩa của nó như thế nào, được sử dụng ra sao lại là những vấn đề không hề đơn giản vì mỗi biểu tượng đều có ý nghĩa riêng tuỳ thuộc vào thời gian và không gian của nó, nói cách khác, ý nghĩa của mỗi biểu tượng phụ thuộc vào nền văn hoá sản sinh ra nó, phụ thuộc vào bối cảnh và thời điểm mà nó ra đời, và tất nhiên, mục đích sử dụng của nó cũng thay đổi tuỳ thuộc vào các yếu tố trên. Để có thể minh họa cho các vấn đề đã nêu, dưới đây, chúng tôi xin lấy một ví dụ về vật biểu tượnghành vi biểu tượng trong một nghi lễ biểu tượng diễn ra trong cùng một bối cảnh cụ thể để làm rõ hơn các khái niệm.

 

Trong chuyến điền dã dài ngày của chúng tôi (PGS.TS. Gabor Vargyas, Đại học Pecs, Hungary và tác giả bài này) ở khu vực cư trú của người Bru -Vân Kiều, tại nhà Chuôi Cươm (còn gọi là Pạ Thưq) ở xã Ea Hiu, Krông Pak, Đaklak. Ngày 2/5/2007, khi chúng tôi đến, ông đang bị ốm, và trận ốm cũng đã kéo dài nhiều tháng. Thế nhưng, câu chuyện mà gia đình ông trao đổi với chúng tôi không hề đề cập đến vấn đề bệnh tật mà lại xoay quanh nỗi lo về một lễ cúng đã trì hoãn nhiều năm do không có tiền tổ chức. Cũng như những năm trước, hôm đó là ngày ông phải “báo cáo” với Yang về hoàn cảnh bệnh tật và mức độ khó khăn của gia đình. Cùng với việc đó, ông sẽ phải tiếp tục xin phép Yang cho được “khất nợ” việc tổ chức lễ cúng trong năm nay. Lễ khất nợ của ông diễn ra đơn giản như sau: Từ bát cơm cúng, ông nối một sợi dây tới cây cột đóng bàn thờ. Sau đó ông khấn Yang với nội dung như đã từng làm với các lần trước đó (xin khất nợ). Khi chúng tôi hỏi bát cơm và sợi dây có ý nghĩa gì? Ông giải thích, bát cơm tượng trưng cho lễ cúng mà ông sẽ phải làm và sợi dây là sự xác nhận lời hứa của ông được thực hiện trước Yang. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy vật biểu tượng ở đây chính là bát cơm và sợi dây, còn hành vi biểu tượng chính là lời hứa và sự khất nợ. Các thành tố đó được diễn ra trong một nghi lễ biểu tượng (một lễ khất nợ đơn sơ thay cho một lễ cúng đầy đủ). Trở lại với câu hỏi nghiên cứu biểu tượng để làm gì? Theo Raymond Firth, đó là để “làm sáng tỏ ngôn ngữ biểu tượng (symbolical language) và hành vi biểu tượng (symbolical behaviour), liên kết chúng trong phạm vi của các hình mẫu xã hội và các giá trị xã hội”(Raymond Firth, 1973. tr.28).

 

 

Vật biểu tượng: sợi dây bát cơm

Ảnh TG Ảnh chụp tại Eahiu, Krông Pak, Đaklak, năm 2007

 

Ở trên chúng ta đã có ví dụ minh hoạ về hành vi biểu tượng trong một nghi lễ biểu tượng. Vậy ngôn ngữ biểu tượng mà Raymond Firth đã đề cập là gì?

Trong Từ điển tiếng Việt thuật ngữ ngôn ngữ được giải nghĩa là: “Hệ thống kí hiệu dùng làm phương tiện diễn đạt, thông báo”- bên cạnh ý nghĩa được sử dụng cho ngôn ngữ học (Hoàng Phê 1998, tr.666). Trong Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, phần Lý thuyết kí hiệu ngôn ngữ định nghĩa: “Lý thuyết coi ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu và do đó, việc nghiên cứu ngôn ngữ phải đi từ sự xem xét các thuộc tính của các đơn vị và các mối quan hệ giữa chúng trên cơ sở bản chất kí hiệu của chúng.” Và theo Edmund Leach: “Đối với nhà nhân học, ngôn ngữ là một phần của văn hoá, chứ không phải là một đối tượng nghiên cứu tự thân. Hầu hết các vấn đề của nhà nhân học liên quan đến việc giao tiếp của con người. Ngôn ngữ là một phương tiện, nhưng những hành vi thông thường cũng là phương tiện giao tiếp”(Edmund Leach 2006, tr.217).

 

Trong khi ngôn ngữ nói ngôn ngữ viết cho phép con người giao tiếp với nhau bằng khả năng tri nhận trực tiếp của các giác quan thì ngôn ngữ biểu tượng cho phép con người ở nhiều nền văn minh khác nhau, nhiều vùng văn hoá khác nhau, thậm chí ở nhiều thời gian và không gian khác nhau hiểu được nhau nhờ vào đặc tính căn bản của nó là thông tin và giao tiếp thông qua hệ thống kí hiệu hàm nghĩa của nó. Nhờ có ngôn ngữ biểu tượng mà con người có khả năng giao tiếp vượt thời gian và không gian để hiểu được con người sống ở các nền văn minh cổ xưa cách chúng ta hàng nghìn năm thông qua những di vật văn hoá mà họ để lại.[6] Trong xã hội hiện đại, ngôn ngữ biểu tượng giúp con người giao tiếp và hoà nhập với nhau mà không nhất thiết phải nói chung một thứ tiếng (chẳng hạn: ngôn ngữ máy tính, ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ mật mã...). Có thể thấy, mối quan hệ giữa ký hiệu học với ngôn ngữ biểu tượng là một mối quan hệ đặc biệt: Các ký hiệu hình thành nên ngôn ngữ biểu tượng và ngôn ngữ biểu tượng lại chính là ngôn ngữ biểu đạt của các ký hiệu. Bằng mối quan hệ này, Claude Levi-Strauss, người được coi như “cha đẻ” của nhân học hiện đại, đã thiết lập nên lý thuyết về nhân học cấu trúc (structural anthropology). Lý thuyết này không chỉ giúp giải quyết được nhiều vấn đề trong nghiên cứu ngôn ngữ, văn bản hay thần thoại mà còn cả trong các vấn đề có liên quan đến đời sống văn hoá và xã hội của loài người. Theo ông: “Mọi nền văn hoá có thể được xem như là một tổng thể các hệ thống biểu tượng mà ở hàng đầu là ngôn ngữ, các quy tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ thuật khoa học, tôn giáo. Tất cả các hệ thống đó nhắm đến sự thể hiện một số mặt của thực tại thể xác và thực tại xã hội, và hơn thế nữa, thể hiện các quan hệ mà hai loại hình thực tại đó và bản thân các hệ thống biểu tượng có với nhau” (Levi-Strauss 2011).

 

Tóm lại, ngôn ngữ biểu tượng là một thành tố văn hoá do con người tạo ra để sử dụng như một loại công cụ thông tin và giao tiếp có tính tượng trưng. Chúng ra đời, tồn tại và tác động đến đời sống văn hóa của con người. Vì vậy, việc tìm hiểu ngôn ngữ biểu tượng cũng chính là tìm hiểu đời sống văn hoá và xã hội loài người thông qua các biểu tượng văn hoá do họ tạo ra. Và do vậy, nghiên cứu biểu tượng là khoa học có chức năng giải mã các thành tố văn hoá được sản sinh trong đời sống của con người. Nền tảng của khoa học này có mối quan hệ hết sức chặt chẽ với lý thuyết ký hiệu học.

 

3. Nghiên cứu biểu tượng từ góc nhìn ký hiệu học

 

Nghiên cứu ý nghĩa của các biểu tượng, hay nói cách khác là tìm hiểu ngôn ngữ biểu tượng trong đời sống văn hoá của con người, cho tới nay không còn là một công việc mới mẻ trong nền khoa học thế giới. Nhưng ở nước ta, một hệ thống lý thuyết cần có (như nhiều chuyên ngành khác đã có) để các nhà khoa học tiếp cận với đối tượng nghiên cứu này vẫn còn là một vấn đề chưa ngã ngũ. Đây là một khoảng trống cần được khoả lấp bởi nếu không có cơ sở lý thuyết, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu thì không một ngành hay chuyên ngành khoa học nào có thể tồn tại và phát triển. Theo chúng tôi, để có thể đặt nền móng cho bộ môn nghiên cứu biểu tượng thì một nền tảng căn bản từ lý thuyết ký hiệu học sẽ giúp cho hệ thống lý thuyết nghiên cứu biểu tượng hình thành và phát triển một cách vững chắc hơn. Trong chuyên mục này, chúng tôi sẽ đưa ra một số khái niệm và mô hình mà các nhà khoa học đã thực hiện dưới góc nhìn ký hiệu học, để từ đó chúng ta có thể đi xa hơn trong việc sử dụng cấu trúc luận trong khoa học nghiên cứu biểu tượng.

 

Trong chú thích đầu tiên của nghiên cứu này, chúng tôi đã đề cập đến tên tuổi của một nhà khoa học lớn cùng thời với Ferdinand de Saussure trong vai trò sáng lập chuyên ngành ký hiệu học, đó là Charles Sander Peirce. Điểm tương đồng trong lý thuyết của họ là sử dụng cấu trúc luận, còn sự khác biệt là ở phương pháp tiếp cận: Phương pháp tiếp cận của Saussure là ngôn ngữ học và với Peirce đó là logic học theo hướng tiếp cận đa ngành. Đóng góp về mặt lý thuyết của Peirce đối với khoa học (cả tự nhiên và xã hội) vô cùng lớn, nổi bật trong đó là triết học dụng hành (pragmatism),[7]tương tác biểu tượng (symbolic interactionism)... Tuy nhiên, trong nội dung mục này chúng tôi chỉ đề cập đến các vấn đề có liên quan đến ký hiệu học và cấu trúc luận.

 

Mô hình cấu trúc trong lý thuyết của Peirce là một tương tác giao tiếp phi ngôn ngữ để tìm hiểu ký hiệu của các quá trình liên tưởng. Ông sử dụng thuật ngữ ký hiệu học theo quan điểm của logic học, theo đó, ký hiệu học được sắp xếp bởi một cấu trúc tam vị (triadic structure) mà qua đó các thành tố luôn có sự ảnh hưởng tương tác lẫn nhau. Từ ký hiệu này sẽ sản sinh ra ký hiệu khác thông qua việc diễn giải ký hiệu trước đó. Một ký hiệu hoặc đại diện của nó chính là “một cái gì đó đại diện cho ai đó bằng một cái gì khác trong các quan hệ hoặc khả năng nào đó... Vì vậy một ký hiệu đại diện cho một cái gì đó (đối tượng của nó); thay thế một cái gì đó của một ai đó (sự biểu thị của nó); và cuối cùng thay thế một cái gì đó cho một ai đó trong một vài phương diện (các phương diện này được gọi là nền móng). Những khía cạnh đó, sự đại diện (representamen), đối tượng (object), sự biểu thị (interpretant) và nền móng (ground) do vậy có thể được xem như để đề cập đến các ý nghĩa mà các ký hiệu đã biểu thị thông qua chúng; mối quan hệ giữa chúng quyết định nghiêm ngặt tiến trình căn bản của ký hiệu học.” (Terence Hawkes 1977, tr. 126-127).

 

Xem phần diễn giải trên đây chúng ta có cảm giác là các thuật ngữ, các đối tượng, và các mối quan hệ của chúng khá phức tạp, thậm chí là rắc rối. Tuy nhiên, với mô hình dưới đây chúng ta có thể dễ dàng hình dung được các thành tố mà Peirce đã đưa ra trong lý thuyết ký hiệu học của mình. Từ mô hình đơn giản này, Peirce đã phát triển thêm nhiều mô hình khác bằng tư duy logic để giải quyết nhiều vấn đề bao gồm cả khoa học tự nhiên (như logic học, toán học, thống kê học,...) và khoa học xã hội (như triết học, xã hội học, tâm lý học,...). Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu một cấu trúc đơn giản nhất của ông để chứng minh cho hiệu quả của cấu trúc luận với khoa học nghiên cứu biểu tượng dưới góc nhìn ký hiệu học và sẽ không đưa thêm các ví dụ phức tạp hơn trong các nghiên cứu mà Peirce đã công bố.

                                         

 

Mô hình tam vị (triadic relation) của Peirce

 

Trở lại với mối quan hệ giữa ngôn ngữ học, ký hiệu học nhân học mà Terence Hawkes đã đặt ra. Có thể dễ dàng nhận thấy cả ba chuyên ngành này đều nằm trong một khoa học tổng thể về con người và văn hoá. Charles Sander Peirce đã từng đặt câu hỏi: “Con người là gì? con người phải chăng là một ký hiệu?” Và câu trả lời đã được một nhà ký hiệu học nổi tiếng khác người Italia là Umberto Eco trả lời: Con người là một động vật có tín ngưỡng; con người luôn mang trên mình hai tín hiệu gắn với cái xấu và cái đẹp; con người là một cỗ máy sản xuất tín hiệu khổng lồ... Bởi vậy, lý thuyết “tín hiệu vô hạn định” của Charles Sander Peirce, qua Eco đã trở thành “chuỗi tín hiệu vô hạn định, gắn chặt với bối cảnh văn hoá của đời sống xã hội loài người” (Huyền Sâm-Ngọc Anh 2009). Chuỗi tín hiệu đó được Umberto Eco mô hình hoá như sau:

 

 

(Nguồn: Umberto Eco, Apocalypse Postponed, 1994)

 

Trong mô hình cấu trúc của Eco, thông tin từ người gửi sẽ được mã hoá qua một số bước trước khi trở thành một loại thông tin mới (chúng tôi tạm gọi là thông tin cấp 2 - viết tắt là T2). T2 là cái biểu đạt nhưng chứa đựng cái được biểu đạt. T2 thông qua các kênh truyền dẫn được biến thành một loại thông tin mới khác (T3) được tiếp nhận như cái biểu đạt mới. Từ đây nó lại trải qua các bước mã hoá để đến với người nhận trong vai trò là cái được biểu đạt mới hơn. Quá trình ký hiệu được mã hoá để tạo thành thông tin như trên có thể được diễn ra nhiều lần, không có giới hạn. Có thể tóm tắt quá trình này là một sự mã hoá ký hiệu tạo thông tin với sơ đồ sau:

 

Ký hiệu + Mã hoá = TÍN HIỆU THÔNG TIN

 

Việc ứng dụng sơ đồ này trong thực tiễn bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống của con người: Từ tín hiệu Morse (do Samuel F. B. Morse phát minh năm 1938) và ngôn ngữ ký hiệu dùng cho người câm điếc đến công nghệ số (digital technology) với việc mã hoá hai con số 0 1 thành các ký hiệu thông tin đã tạo nên một trong những cuộc cách mạng khoa học công nghệ lớn nhất trong lịch sử nhân loại với phạm vi ảnh hưởng ở mức độ toàn cầu. Đây chính là cuộc cách mạng đã đưa con người đến một thế giới hoàn toàn mới: Thế giới phẳng[8] - một thế giới của ký hiệu số.

 

Vẫn là những lý thuyết cấu trúc dựa trên cơ sở ký hiệu học nhưng cách tiếp cận của Michel Foucault lại đưa đến cho người đọc những trải nghiệm hết sức khác biệt. Đó là “một Foucault dám nghĩ khác, nghĩ rộng, thậm chí nghĩ đến tất cả. Có một năng lượng Foucault mạnh mẽ trong suy tư, những khám phá, những gợi ý mang ý nghĩa to lớn cho bất kỳ con người hiện đại nào muốn suy nghĩ về lịch sử, triết học, y học và kiến thức.”(Cao Việt Dũng 2009)[9]. Quả thực, trong cuốn: Sự sắp đặt của sự vật: Một nghiên cứu khảo cổ học về các khoa học nhân văn,[10] Foucault đã dẫn chúng ta đi qua hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác mà nội dung của bài viết ngắn này không đủ để diễn tả. Từ cách tiếp cận liên ngành rộng lớn nhưng lại hết sức chặt chẽ đến việc sử dụng các thuật ngữ hết sức độc đáo để diễn tả các vấn đề xã hội. Phương pháp tiếp cập của Foucault về cơ bản vẫn là dựa trên nền tảng cấu trúc luận và cơ sở ký hiệu học nhưng các đối tượng mà ông đề cập, các phân tích, tìm tòi,... đã vượt ra ngoài phạm vi của cấu trúc luận và ký hiệu học. Chính vì lý do này mà giới khoa học đã gọi Foucault là một trong những nhà giải cấu trúc/hậu cấu trúc luận xuất sắc nhất. Dưới đây là một mô hình cấu trúc trong cuốn sách nói trên của Foucault:

 

 

(Nguồn: Michel Foucault, The Order of Things: An archaeology of the human sciences, Routledge 2002, London & New York, tr. 80)

 

Ở mô hình này, các thành tố vừa có sự tương tác lẫn nhau lại vừa được phân loại một cách rõ ràng. Sự tương tác có thể nhận ra giữa các yếu tố tự nhiên căn bản và tập hợp các đại diện; giữa ngôn ngữ biểu thức đại số và ngôn ngữ ký hiệu; giữa các tiền tố và hậu tố qua các yếu tố trung gian. Còn sự phân loại ở đây có thể được nhận ra dưới góc nhìn cấu trúc: Theo chiều ngang, hàng thứ nhất là các tiền tố cơ sở, hàng thứ hai là các ngôn ngữ biểu đạt/kênh thông tin..., hàng thứ ba là thông tin được đưa ra. Theo chiều dọc, chúng ta nhận thấy cột thứ nhất đề cập đến các thuật ngữ trong khoa học tự nhiên hoặc có liên quan đến tự nhiên. Cột thứ hai đề cập đến các yếu tố mang tính xã hội (ngôn ngữ, ký hiệu hay sự biểu đạt). Đây là một mô hình trọng tâm trong công trình nghiên cứu của Foucault nên nó xuyên suốt toàn bộ nội dung tác phẩm mà chúng ta có thể gọi một cách ví von cột thứ 1 cột thứ 2Vật (1) và Từ (2) như tên gọi của cuốn sách (bản tiếng Pháp).

 

Vượt ra ngoài các khái niệm và các mô hình mang tính lý thuyết, ký hiệu học được áp dụng trong thực tiễn của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, nhiều đối tượng nghiên cứu khác nhau trong đời sống của con người, chẳng hạn như phân tích cấu trúc của các sản phẩm nghệ thuật... Điều này cũng cho thấy lý do tại sao các nghiên cứu về nghệ thuật và biểu tượng thường có mối liên hệ chặt chẽ với ký hiệu học. Dưới đây, chúng tôi xin được nêu một ví dụ trong các ứng dụng này. Bằng mô hình hệ thống ký hiệu học hàm nghĩa của Roland Barthes, Nguyễn Văn Hậu đã đưa ra một mô hình chuyển đổi để phân tích cấu trúc của ngôn ngữ biểu tượng như sau:

 

data/images/201202/hinhanh/10075658_dhh 8.jpg

 

Ở đây, cái biểu đạt được “chuyển ngữ” thành hình thức, cái được biểu đạt thành nội dung. Đây cũng là hai thành phần giúp hình thành nên mọi tác phẩm nghệ thuật. Và ký hiệu ở “cấp cao hơn” được gọi là siêu ký hiệu, đó chính là ngôn ngữ biểu tượng. Từ ứng dụng này, theo quan điểm ký hiệu học, ông đã đi đến một nhận định về văn hoá dưới góc nhìn ký hiệu học như sau: Văn hoá là một tập hợp các hệ thống kí hiệu phụ thuộc vào những quy luật mang tính cấu trúc nhất định. Theo đó, văn hoá chính là tập hợp của hệ thống các biểu tượng và biểu tượng là “đơn vị cơ bản” của văn hoá (Nguyễn Văn Hậu 2010).

 

Tới đây, chúng ta có thể đi đến một lời tạm kết rằng, ký hiệu học là bộ môn khoa học đóng vai trò nền tảng cho khoa học nghiên cứu về biểu tượng. Phương pháp tiếp cận rõ ràng, khúc chiết của ký hiệu học giúp cho các nhà khoa học có thể tránh được những “đặc tính khó lường” của biểu tượng – đó là tính trừu tượng và đa nghĩa. Bên cạnh đó, góc độ tiếp cận rộng lớn của ký hiệu học (từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội) giúp cho ký hiệu học có thể giải quyết nhiều vấn đề mà khoa học đơn ngành không thể giải quyết. Chẳng hạn, chúng ta không thể đưa các phương pháp của đại số, lượng giác, đạo hàm,... trong toán học vào phương pháp luận nghiên cứu văn học. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đưa ngôn ngữ thuật toán (như Foucault đã đưa) vào trong nội dung bản văn, hơn thế, chúng ta còn có thể sử dụng ký hiệu toán học để lập nên các mô hình cấu trúc (như Foucault và Peirce đã làm) để giải mã các thành tố văn hoá có tính biểu tượng trong khoa học xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ tiếp cận nghiên cứu các biểu tượng dưới góc nhìn ký hiệu học thì chúng ta vẫn có thể gặp khó khăn khi buộc phải giải nghĩa một thành tố văn hoá trong môi trường sống của nó (nghĩa là trong thời gian và không gian của riêng nó). Vấn đề này dường như có thể được giải quyết với lợi thế của phương pháp tiếp cận nhân học.

 

4. Nghiên cứu biểu tượng từ góc nhìn nhân học biểu tượng

 

Trong cuốn sách nổi tiếng về nhân học biểu tượng của mình (Biểu tượng: Chung và Riêng), Raymond Firth đã phân biệt nhân học biểu tượng với khoa học nghiên cứu biểu tượng từ các chuyên ngành khác như sau:

 

“Một nhà nhân học có thể làm gì để không giống với những gì mà nhà logic học, nhà siêu hình học, nhà ngôn ngữ học, nhà tâm lý học, nhà thần học, nhà lịch sử nghệ thuật và những người khác nữa đã làm? Về bản chất như tôi nhận thấy, cách tiếp cận theo hướng nhân học mang tính so sánh, quan sát, chức năng luận, trung lập tương đối. Nó liên kết và giải thích về các sự kiện thông qua biểu tượng luận với các cấu trúc xã hội và các sự kiện xã hội trong những điều kiện cụ thể. Vượt qua phạm vi rộng lớn của những trường hợp cụ thể, các nhà nhân học quan sát xem những biểu tượng gì được con người sử dụng thực sự, họ nói gì về những biểu tượng ấy, trong tình huống nào những biểu tượng sẽ bộc lộ ra và sự phản ứng với chúng. Theo đó, các nhà nhân học được trang bị để giải thích ý nghĩa của các biểu tượng trong các nền văn hóa mà họ đang nghiên cứu, và để sử dụng những lý giải như những phương tiện trung gian để hiểu xa hơn về các tiến trình trong đời sống xã hội” (Firth 1973, tr.25 - phần in nghiêng là do chúng tôi nhấn mạnh).

 

Ở chuyên mục trên, chúng ta đã được tiếp cận khoa học nghiên cứu biểu tượng từ góc nhìn ký hiệu học trong mối quan hệ hết sức chặt chẽ với cấu trúc luận. Trong nhân học, hướng tiếp cận cấu trúc luận cũng đã được Claude Levi-Strauss sử dụng hết sức thành công trong công trình nổi tiếng của ông: Nhân học cấu trúc. Thế nhưng không một ai gọi Levi-Strauss là nhà nhân học biểu tượng(!) mà chỉ nhắc đến ông với vai trò của một nhà nhân học cấu trúc. Điều này có thể do hai nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thứ nhất, Levi-Strauss đã được coi như ông tổ/cha đẻ/người xây nền... (rất nhiều danh xưng – xin xem thêm tiểu sử của ông trong bách khoa thư) đối với nhân học hiện đại. Ông còn được gọi là nhà xã hội học hiện đại, nhà cấu trúc luận, là “ông tổ”của nhân học cấu trúc,v.v... Bằng ấy danh xưng, có lẽ, cũng đã quá đủ để nói lên sự vĩ đại của nhà khoa học này. Có thể vì vậy mà người ta “quên” mất những đóng góp của ông đối với nhân học biểu tượng chăng? 

 

Nguyên nhân thứ hai cụ thể hơn từ quan điểm cấu trúc luận: “Claude Levi-Strauss cho rằng phân loại nhị nguyên (binary clasification) là một điểm đặc trưng phổ quát của nhận thức con người. Các nghiên cứu mở rộng của ông đối với thần thoại, nghệ thuật và hệ thống thân tộc đã khám phá ra những hình mẫu văn hoá khác nhau ở mức độ phức tạp và diện mạo bên ngoài, về bản chất, dựa vào tính đối ngẫu: tự nhiên/văn hoá, đàng ông/đàn bà, tinh khiết/không tinh khiết,v.v... Hệ thống văn hoá, dưới góc nhìn này, với những nền tảng tinh vi của nó đã khai hoá thế giới, xã hội hoá nó, đưa ra sự phân loại tuỳ theo biểu hiện của tự nhiên. Mối quan tâm của các nhà cấu trúc luận trong các hệ thống văn hoá của ý nghĩa ở những gì họ có thể bộc lộ ra và khi nào thì phân tích về tiến trình nhận thức phổ quát của con người”(Mary Des Chene 1996).[11] Đây chính là đóng góp quan trọng của Levi-Strauss đối với nghiên cứu biểu tượng cũng như với nhân học văn hoá nói chung. Nhưng trước hết chúng ta cần xác định đối tượng và mục đích nghiên cứu của nhân học biểu tượng, để từ đó thấy được tầm quan trọng của nền tảng cấu trúc luận đối với nhân học biểu tượng mà Levi-Strauss là người có công đóng góp rất lớn.

 

Theo tài liệu giảng dạy của Khoa Nhân học, Học viện Công nghệ Massachusetts-MIT (Mã môn học: 21A.212), nhân học biểu tượng bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu sau:

 

  1. Ẩn dụ và biểu hiện khác của ngôn ngữ (Metaphor and Other Figurative Language)
  2. Chất liệu thô của biểu tượng luận, đặc biệt là động vật và cơ thể con người (The Raw Materials of Symbolism, especially Animals and The Human Body)
  3. Vũ trụ luận và hệ thống biểu tượng phức hợp (Cosmology and Complex Symbolic Systems)
  4. Nghi lễ, bao gồm cả điều trị và ma thuật mang tính biểu tượng (Ritual, including Symbolic Curing and Magic)
  5. Miêu thuật và đời sống (Narrative and Life)
  6. Thần thoại học (Mythology)

 

Qua đây chúng ta có thể xác định (một cách tương đối) các đối tượng nghiên cứu của nhân học biểu tượng là: Ẩn dụ, ngôn ngữ, hệ thống biểu tượng, nghi lễ, ma thuật, đời sống, biểu tượng luận, vũ trụ luận, và thần thoại. Nói một cách khái quát là các thành tố văn hoá có tính biểu tượng trong đời sống của con người.

 

Định nghĩa về nhân học biểu tượng theo các bách khoa thư nhân học lớn trên thế giới như sau:

 

- Bách khoa thư nhân học văn hoá và xã hội (Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology): “Nhân học biểu tượng đề cập đến văn hoá như một thực thể có tính độc lập tương đối, là một hệ thống ý nghĩa mà qua đó các nhà nhân học muốn tạo ra để giải mã và diễn dịch các biểu tượng và các nghi lễ trọng tâm” (Jonathan Spencer 1996, tr.535-539).

 

- Bách khoa thư nhân học văn hoá (Encyclopedia of Cultural anthropology): “Nhân học biểu tượng là khoa học nghiên cứu ý nghĩa trong đời sống xã hội loài người, bằng cách nào chúng ta tri nhận và diễn giải những gì diễn ra xung quanh và bằng cách nào chúng ta sáng tạo và sẽ chia với thế giới hoặc hệ thống ý nghĩa văn hoá. Nhân học biểu tượng tiếp cận với một góc nhìn rộng lớn về các biểu tượng, biểu tượng hoá, sự vật và ý nghĩa mà con người đặt cho với ý nghĩa, sự nhận biết, quá trình giao tiếp”(Mary Des Chene 1998, tr.1274-1278).

 

- Văn hoá dân gian: Bách khoa thư về các tín ngưỡng, phong tục, chuyện kể, âm nhạc và nghệ thuật (Folklore: An encyclopedia of beliefs, customs, tales, music, and art): “Nhân học biểu tượng là khoa học nghiên cứu về các biểu hiện tự nhiên của các biểu tượng được sử dụng ở các nền văn hoá khác nhau, các nghi lễ, trình diễn, và trong đời sống hàng ngày nơi mà ý nghĩa đầy đủ có nhiều hơn các biểu hiện thành văn. Mỗi biểu tượng có hai thành phần - là những thực thể nhìn thấy và phần còn lại là ý nghĩa biểu hiện của nó. Nhân học biểu tượng diễn giải các biểu tượng trong ngữ cảnh của tiến trình xã hội và đời sống văn hoá”(Edith Turner 1997, tr.24-29).

 

Có thể nhận thấy đối tượng được nhắc đi nhắc lại trong các định nghĩa trên là “văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó,” đây là đối tượng chính của nhân học biểu tượng. Trong khi văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó lại là đối tượng mà các nhà kí hiệu học đã đề cập đến trước khi nhân học biểu tượng ra đời tới hơn nửa thế kỷ(!). “Điều đó cho thấy kí hiệu học và nhân học biểu tượng tuy là những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau nhưng đều hướng tới một mục tiêu chung là nghiên cứu văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó thông qua ngôn ngữ biểu tượng. Đây là những phương pháp tiếp cận khác nhau (giữa kí hiệu học và nhân học biểu tượng) với những cách tiếp cận phương pháp khác nhau nhưng vẫn chỉ để giải quyết một vấn đề chung đó là nghiên cứu ý nghĩa của các biểu tượng văn hoá”(Đinh Hồng Hải 2010a). Và trên thực tế, các nhà khoa học đã có những sự khẳng định về sự kế thừa đó: “Nhân học biểu tượng tiếp quản từ cấu trúc chức năng luận một tiền đề cho rằng các hệ thống văn hoá xã hội phô bày một sự cố kết toàn bộ và một sự quan tâm đối với những ảnh hưởng của thực tại xã hội về hệ thống tín ngưỡng, đặc biệt là trong những hướng xây dựng biểu tượng trên các cơ sở lý luận văn hoá”(Lavie, 1993).[12]

 

Có thể thấy, từ đối tượng nghiên cứu đến mục đích nghiên cứu của nhân học biểu tượng đều đã được đề cập tới trong cấu trúc luận của Levi-Strauss. Ở đây chỉ có sự khác biệt về phương pháp tiếp cận: Levi-Strauss tiếp cận dưới góc nhìn cấu trúc và các nhà nhân học biểu tượng (như Geertz, Turner, Schneider,...)[13] tiếp cận bằng sự diễn giải. Nhưng dù tiếp cận bằng cấu trúc hay diễn giải thì mục tiêu cuối cùng cũng là để nghiên cứu văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó, hay nói cách khác là để giải mã các thành tố văn hoá trong đời sống của con người. Đây chính là điểm tương đồng và cũng là đặc điểm của nhân học biểu tượng cũng như các bộ môn khoa học nghiên cứu về biểu tượng như ký hiệu học hay nhân học cấu trúc. Đó có thể là lý do để nhân học biểu tượng được gọi bằng một cái tên khác là nhân học diễn giải (interpretive anthropology). Ở đây chúng ta có thể nhận thấy sự diễn giải chính là một thành tố trọng tâm trong các mô hình cấu trúc của Roland Barthes, Charles S. Peirce, Umberto Eco, Michel Foucault,... đã sử dụng trong cấu trúc luận. Điều đó cho thấy, dù được gọi bằng một cái tên khác (nhân học biểu tượng) và được sử dụng bằng một khuynh hướng lý thuyết khác (diễn giải) để phản ứng lại lý thuyết (cấu trúc luận) của Levi-Strauss nhưng cuối cùng các nhà nhân học biểu tượng vẫn không thể bỏ qua những nền tảng mà cấu trúc luận đã tạo ra. Nói cách khác, nhân học biểu tượng chính là “ngôi nhà” đã được xây trên nền móng của cấu trúc luận.

 

THAY LỜI KẾT

 

Thật khó để nói khoa học nghiên cứu biểu tượng gần với chuyên ngành nào hơn trong các chuyên ngành gần gũi với nó như ngôn ngữ học, ký hiệu học và nhân học. Chúng ta cũng không thể bỏ qua vai trò của những chuyên ngành khác “ít gần” hơn như triết học, logic học, xã hội học,... bởi tuy “ít gần” nhưng nghiên cứu biểu tượng lại cũng không thể thiếu chúng. Vì vậy, việc xác định nghiên cứu biểu tượng là một khoa học liên ngành không chỉ đúng trong hiện tại mà còn phù hợp cả trong tương lai. Điều mà chúng ta cần xác định, thậm chí phải xác định sớm, là một khung lý thuyết và phương pháp luận dành cho đối tượng nghiên cứu vô cùng hấp dẫn nhưng cũng hết sức phức tạp này. Theo chúng tôi, trong bối cảnh của khoa học xã hội hiện nay thì cấu trúc luận chính là một lý thuyết phù hợp nhất. Bởi lẽ, cấu trúc luận không chỉ là thành tố quan trọng trong ngôn ngữ học, ký hiệu học mà còn là “xương sống” trong lý thuyết của nhân học, đặc biệt là nhân học cấu trúc và nhân học biểu tượng, vì vậy, nó có thể kết nối các khoa học chuyên ngành đó trong cùng một hệ thống lý thuyết dành cho khoa học nghiên cứu về biểu tượng.

 

Trên thực tế, cấu trúc luận không chỉ là một lý thuyết phù hợp với một khoa học liên ngành nghiên cứu biểu tượng mà còn được sử dụng có hiệu quả đối với nhiều chuyên ngành khác trong khoa học xã hội. Chẳng hạn, với triết học - “triết học của chủ nghĩa cấu trúc là thứ “triết học văn hoá” nghĩa là sự nhận thức những nguyên lý hình thành, những cơ sở chung nhất chi phối mọi lĩnh vực của đời sống văn hoá” (Trịnh Bá Đĩnh 2011). Xét rộng ra, đối với khoa học liên ngành nghiên cứu văn hoá, cấu trúc luận sẽ là phương pháp khả dĩ có thể giúp chúng ta tìm được hướng đi cụ thể để xác định được những đặc trưng văn hoá của một quốc gia hay cộng đồng người. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng của nghiên cứu văn hoá trong một thế giới toàn cầu hoá.

 

Trong bối cảnh hiện nay, nghiên cứu biểu tượng tuy nhận được sự chú ý của nhiều người và nhiều tầng lớp xã hội (bằng chứng như đã dẫn ở chú thích số 5) nhưng đôi lúc nó mang đến cho giới khoa học một cái nhìn hồ nghi. Sự hồ nghi này là có cơ sở, bởi vì ý nghĩa của các biểu tượng luôn có sự thay đổi mà chúng tôi gọi là “đặc tính khó lường” của nó. Bên cạnh những thay đổi tuỳ thuộc vào thời gian và không gian, cũng như sự ra đời và tồn tại của nó, sự thay đổi đó còn đến từ mục đích của người sử dụng và vô số lý do khác. Có thể tóm tắt diễn trình của khoa học nghiên cứu biểu tượng bằng sơ đồ sau:

 

 

 

Diễn trình của biểu tượng

 

Để có thể xoá bỏ được những sự hồ nghi nói trên, giải pháp khả thi là phải tìm hiểu các biểu tượng trong chính môi trường “sống” của nó. Và để làm việc đó thì nhân học, với thế mạnh về các phương pháp chuyên biệt như điền dã thực địa (fieldwork) hay quan sát tham dự (participant observation), sẽ là những biện pháp tối ưu. Vấn đề này đã từng được Raymond Firth đề cập đến gần nửa thế kỷ trước: “Tiếp cận nhân học, với việc áp dụng một cách đầy đủ, sẽ có mục tiêu riêng của nó để đưa ra một sự mô tả mang tính hệ thống và phân tích một hành động mang tính biểu tượng bằng phương diện ngôn từ và phi ngôn từ của nó; để phân biệt các thành phần có ý nghĩa của hành động nói trên từ những gì ngẫu nhiên; để đánh dấu những thói quen hoặc các yếu tố chuẩn mực ngược lại với những gì thuộc về cá nhân và các phong cách riêng; làm sáng tỏ từ chính người đang thực hiện hành động, những người tham gia và những người không tham gia với những ý nghĩa mà họ đã gắn kèm với hành động; và để đưa tất cả những cái đó vào một khung khái niệm chung, và trong một khung cảnh cụ thể với vị thế và mối quan hệ nhóm của những người liên quan”(Raymond Firth 1973, tr. 27). Có thể thấy, “khung khái niệm chung” mà Firth đề cập ở đây chính là hệ thống lý thuyết mà chúng ta đã bàn xuyên suốt nội dung của nghiên cứu này.

 

Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin trích lại lời đề dẫn (trong chương trình giảng dạy tại Khoa Nhân học, Học viện Công nghệ Massachusetts) của GS. James Howe: “Sự kiến tạo nên các biểu tượng của con người cũng giống như việc sử dụng công cụ của loài vật. Công việc tìm hiểu thế giới và bảo vệ cuộc sống của chúng ta phần lớn thể hiện các ý nghĩa đối với đồ vật, sự vật, hiện tượng và con người bằng sự kết nối chúng với nhau thông qua hình mẫu của các biểu tượng và bằng sự sáng tạo nên các dạng thức phức tạp của những hành động biểu tượng và sự diễn giải. Ở đây chúng ta tìm hiểu các biểu tượng đã được sáng tạo và cấu trúc như thế nào? Chúng biểu hiện ra sao và có ý nghĩa thế nào đối với các phần còn lại của thế giới? Chúng đan dệt nên đời sống chính trị, gia đình, vòng đời người... Làm cách nào để diễn giải được chúng?.”[14] Câu hỏi của GS. James Howe đặt ra ở đây chính là nhiệm vụ của các nhà khoa học nghiên cứu biểu tượng trong giai đoạn hiện nay. Đó là sự cần thiết phải có một hệ thống lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu, mà theo chúng tôi, cấu trúc luận sẽ là một nền tảng lý thuyết cơ bản. Rất có thể đây sẽ là khung xương để các nhà khoa học xây dựng nên một bộ môn khoa học liên ngành có tên gọi: Nghiên cứu biểu tượng hay biểu tượng học.

 

 

Tài liệu trích dẫn:

 

  1. Carl G. Liungman 1991, Dictionary of Symbols, W.W. Norton&Company, New York&London
  2. Charles S. Peirrce 1931, Collected papers, Ed. Charles Hartshorne, Harvard University Press
  3. Claude Levi-Strauss 1963, Structural Anthropology, Basic Books
  4. Claude Levi-Strauss 2001, Myth and Meaning, Routledge books
  5. Claude Levi-Strauss 2011, 1950, trong: Marcel Mauss, Luận về biếu tặng: Hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ, Nguyễn Tùng dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội
  6. Clifford Geertz 1973, The Interpretation of Cultures, New York: Basic Books, Inc.
  7. Clifford Geertz 1974, Myth, Symbol, and Culture, New York: W.W. Norton and Company, Inc.
  8. David Schneider, Kemnitzer, and Janet Dolgin 1977, Symbolic Anthropology: A Reader in the Study of Symbols and Meanings, Columbia University Press
  9. David Schneider 1980, American Kinship: A Cultural Account. 2nd edition. Chicago and London: University of Chicago Press
  10. Cao Việt Dũng 2009, Mô hình phát triển của kiến thức theo Michel Foucault, Tạp chí Tia sáng, trong: http://vn.360plus.yahoo.com/hoangnguuson/article?mid=260&fid=-1
  11. Trịnh Bá Đĩnh 2011, Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học, Nxb. Hội Nhà văn
  12. Edmund Leach 2006, trong: ĐHKHXH&NV- ĐHQG Tp. HCM, Một số vấn đề lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu nhân học, Nxb. ĐHQG Tp. HCM
  13. Edith Turner 1997, trong: Thomas A. Green, Folklore: An encyclopedia of beliefs, customs, tales, music, and art, ABC Clio
  14. Ferdinand de Sausure 1915, Course in General Linguistics, Translated by Wade Baskin, McGraw-Hill Book
  15. Đinh Hồng Hải 2007, Nghiên cứu biểu tượng và vấn đề tiếp cận nhân học biểu tượng ở Việt Nam, trong Kỷ yếu Hội nghị Thông báo Dân tộc học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
  16. Đinh Hồng Hải 2010a,  Nghiên cứu văn hoá từ góc nhìn nhân học biểu tượng, Tạp chí Dân tộc học, số 5 năm 2011.
  17. Đinh Hồng Hải 2010b, Ngôn ngữ biểu tượng trong văn hóa Cơtu (Symbolical Language in Katu Culture), Báo cáo hoàn thành chương trình Nghiên cứu sinh trao đổi tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ 2008-2010 (bản tiếng Anh).
  18. Nguyễn Văn Hậu 2010, Về tính hình tượng và tính biểu tượng trong tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, http://www.huc.edu.vn
  19. Huyền Sâm, Ngọc Anh, Nhà ký hiệu học Umberto Eco và tiểu thuyết, Tạp chí Sông Hương online, 14/10/2009
  20. Jonathan Spencer 1996, trong: Alan Barnard & Jonathan Spencer, Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology, London and New York: Routledge
  21. Mary Des Chene 1998, trong: David Levinton & Melvin Ember, Encyclopedia of Cultural Anthropology, Vol. 4, pp 1274 – 1278
  22. Michel Foucault 2002, The Order of Things: An archaeology of the human sciences, Routledge, London & New York
  23. Raymon Firth 1973, Symbols: Public and private, London, George Allen & Unwin Ltd.
  24. Roland Barthes 1972, Annette Lavers translated, Mythologies, Straus Farrar & Giroux
  25. Roman Jakobson 1971, Language in relation to other communication systems, Selected writings Vol.2, The Hague Mountain  
  26. Terence Hawkes 1977, Structuralism and Semiotics, University of California Press
  27. Trung tâm Từ điển bách khoa, Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam www.bachkhoatoanthu.gov.vn
  28. Umberto Eco 1976, A Theory of Semiotics, (Bloomington & London, Indiana University Press
  29. Umberto Eco 1994, Apocalypse Postponed, edited by Robert Lumley, Bloomington, Indiana University Press
  30. Victor Turner 1967, The Forest of Symbols: Aspects of Ndembu Ritual, Ithaca and London: Cornell University Press
  31. Victor Turner 1974, Dramas, fields and metaphors: Symbolic action in Human society, Cornell University Press


[1] Ferdinand de Saussure được coi như “cha đẻ”của cấu trúc luận trong ngôn ngữ học trên cơ sở của ký hiệu học ngôn ngữ, tuy nhiên, ý tưởng về ký hiệu học đã được nhà triết học người Anh là John Locke đưa ra từ thế kỷ XVII. Và ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhà logic toán học triết học người Mỹ Charles Sander Peirce cũng đã thiết lập nên một hệ thống lý thuyết ký hiệu học được sử dụng rộng hơn trong khoa học liên ngành (Peirce được coi như cùng thế hệ với Sausure nhưng nhiều hơn 18 tuổi). Vì vậy mà khi nói đến ký hiệu học thì cả Saussure và Peirce đều được xem như những nhà sáng lập.

[2] Dịch từ Terence Hawces 1973, tr.125-126.

[3] Các chữ viết hoa ở đây là cách dùng của Roland Barthes nhằm nhấn mạnh và làm rõ hơn các khái niệm mà ông đưa ra nên chúng tôi xin được giữ nguyên.

[4] Tên gọi của trường phái này cũng đang là một đề tài gây tranh luận. Xin xem thêm các nghiên cứu của Nguyễn Văn Dân, Phương Lựu,... đã xuất bản trong thời gian qua.

[5] Năm 2009, sau khi tác giả Dan Brown cho ra đời cuốn sách thứ 2 “The lost symbol” (Biểu tượng đã mất) sau thành công vang dội của “The Davinci code” (Mật mã Davinci), tại Đại học Harvard đã diễn ra cuộc tranh luận là có nên thành lập Department of Symbology không? Câu trả lời cuối cùng của bộ phận quản trị hành chính của trường là không, bởi vì tại Đại học Harvard đã có các phân ngành liên quan như “religious iconography” (nghiên cứu thánh tượng tôn giáo) “cryptography” (mật mã học) và lịch sử nghệ thuật. Xem thêm bài viết trên blog của The New Yorker (Tạp chí Người New York) ngày 15/9/2009: http://www.newyorker.com

[6] Chẳng hạn, bộ môn Nghiên cứu chữ  tượng  hình (hieroglyph) đã giúp các nhà khoa học dịch được rất nhiều văn bản tượng hình cổ của người Ai Cập cách ngày nay 3-8000 năm.

[7] Trào lưu lý thuyết này hình thành từ một nhóm học giả tại Đại học Harvard từ cuối thế kỷ XIX do Charles Sander Peirce và William James đứng đầu cùng John Dewey và George Santayana. Ảnh hưởng của nó lớn tới mức đã định hình nên một lối sống Mỹ, một phong cách Mỹ và một văn hoá Mỹ không giống bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Một số tài liệu khác dịch thuật ngữ pragmatism thành chủ nghĩa thực dụng hoặc thực dụng luận. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cách dùng này dễ bị hiểu theo hướng tiêu cực nên sẽ sử dụng thuật ngữ này là triết học dụng hành mà một số nhà khoa học đi trước đã sử dụng.

[8] Thuật ngữ của Thomas Friedman trong cuốn sách nổi tiếng của ông: The world is Flat. Cuốn sách này đã được nhóm tác giả Nguyễn Quang A, Cao Việt Dũng, và Nguyễn Tiên Phong dịch. Có thể download miễn phí cuốn sách tại trang: http://www.esnips.com

[9] Cao Việt Dũng, Mô hình phát triển của kiến thức theo Michel Foucault, Tạp chí Tia sáng, trích lại theo nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/hoangnguuson/article?mid=260&fid=-1

[10] Đây là một trường hợp khá đặc biệt trong số rất ít những cuốn sách nghiên cứu được báo Le Monde bình chọn (1999) là 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ XX. Tên sách dịch từ bản tiếng Anh: The order of Things: An archaeology of the human sciences. Bản tiếng Pháp: Les Mots et les Choses: Une archéologie des sciences humaines, được dịch là: Từ và Vật: Một khảo cổ học về các khoa học nhân văn (Cao Việt Dũng). Lý do về sự thay đổi tên gọi này đã được giải thích trong lời giới thiệu của bản tiếng Anh nên chúng tôi không nêu ở đây.

[11] Nguồn: Bách khoa thư Nhân học văn hoá (Encyclopedia of Cultural Anthropology) do David Levinson và Melvin Ember biên tập. Sách do nhà xuất bản Henry Holt & Company ấn hành tại New York năm 1996, tr.1275.

 

[12] Nguồn: Bách khoa thư Nhân học văn hoá, Sđd, tr. 1275. Dẫn theo Mary Des Chene.

[13] Clifford Geertz sinh năm 1923, là một trong những nhà nhân học thế hệ mở đầu của các trường phái nhân học Mỹ được đào tạo tại Đại học Harvard. Phần tổng hợp nói trên được lấy từ: Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures. New York: Basic Books, Inc, 1973. Victor W. Turner (1920-1983) quê Glasgow, học tại London, ông thuộc thế hệ các nhà  lý thuyết nhân học đầu tiên ảnh hưởng tư tưởng của Max Gluckman tại Đại học Manchester, Turner sau đó giảng dạy tại đại học Stanford, Cornell, Chicago và Virginia. Davis M. Schneider (1918 – 1995) với trường phái Chicago về nhân học biểu tượng, tiến sĩ tại đại học Harvard - 1949.

[14] Department of Anthropology, Massachussetts Institute of Technology, http://web.mit.edu/anthropology 

 

 

Đinh Hồng Hải
Số lần đọc: 8029
Ngày đăng: 10.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn-Hóa Việt-Nam 12 - Nguyễn Thế Thoại
Sự Ám Ảnh Của Văn Hóa Nông Nghiệp Và Môi Trường Sông Nước Trong Ngôn Ngữ Việt Nam - Mai Bá Ấn
Khám Phá Những Biểu Tượng Trong Văn Học - Đinh Hồng Hải
Quan Niệm Về Thơ Trong Lý Luận Phê Bình Văn Học Đô Thị Miền Nam 1954 – 1975 - Trần Hoài Anh
Văn-Hóa Việt-Nam 11 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 10 - Nguyễn Thế Thoại
Văn Hóa Phong Tục, Tập Quán Ngày Tết Qua Tâm Thức Vũ Bằng - Trần Hoài Anh
Ý nghĩa của tên gọi Việt Nam và định hướng văn hóa - Nguyễn Đăng Trúc
Văn-Hóa Việt-Nam 9 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 8 - Nguyễn Thế Thoại