Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
669
116.699.411
 
Bao Giờ Ta Về Với "Mẹ"?
Trung Nghĩa

 

Và viết cùng Ni Nguyễn


Năm 1995, Nhà Văn hóa Thế giới phát hành 2 dĩa CD về ca nhạc Huế, nhạc cung đình Huế và nhạc Phật Giáo theo truyền thống Huế. Dĩa nầy được tạp chí "Thế giới âm nhạc ( Le Monde de la Musique ) đánh giá cao nhứt "Choc" (Chấn động) Có nghĩa là người nghe dĩa hát nấy, thấy thích thú như bị "chấn động."


Các nhà nghiên cứu âm nhạc theo phương pháp đối chiếu rất thích thú khi thấy rằng trong các loại nhạc cung đình châu Á, trước kia chỉ biết Ya Yue Trung quốc, Gagaku Nhựt bổn, Tang Ak Hyang Ak Triều Tiên nay biết thêm Đại nhạc Nhã nhạc Việt Nam, có dĩa hát băng từ ghi âm ghi hình để so sánh các loại nhạc ấy về hình thức và nội dung. ( Trích Văn hóa Huế dưới mắt người nước ngoài – GS Trần Văn Khê)


Năm 2000, trong chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến HN, người HN đã giật mình khi nghe ông Bill Clinton trích thơ Nguyễn Trãi và "lẩy" Kiều….( Ngoại giao văn hóa và câu chuyện bản sắc)


SGTT.VN - “Thật may mắn là gần cuối chuyến đi tôi được nghe những giai điệu đậm chất Việt thế này”, ông Kevin, một thính giả người Úc tham dự sự kiện Giao điểm Dân ca Úc - Việt (tổ chức chiều 12.1 tại nhạc viện TP.HCM) thốt lên.


Tôi có mặt trong sự kiện âm nhạc này vào chiều 12.1 tại phòng hòa nhạc nhạc viện Tp. HCM. Nhận lời mời của người anh, người bạn Nguyễn Lê Tuyên, anh là nhạc sĩ, nghệ sĩ guitar và giảng viên âm nhạc tại Úc, từng biểu diễn và tham gia giảng dạy ở nhiều nước, là đồng sáng lập song tấu Guihangtar cùng GS Salil Sachdev của Trường ĐH Bridgewater State (Mỹ) - cũng là người khám phá ra kỹ thuật mới dành cho guitar là song dây đồng âm họa ba ngắt. Đồng thời là nhà nghiên cứu các đề án âm nhạc về âm nhạc Tây Nguyên, âm nhạc dân ca Việt Nam… Tôi đến trong một suy nghĩ rằng sẽ được nghe anh Nguyễn Lê Tuyên “giảng dạy, giao lưu” cùng sinh viên nhạc viện, chỉ cho các bạn những kinh nghiệm kĩ năng như những khóa giảng dạy và giao lưu ngắn của các giáo sư nước ngoài tôi thường được biết..vvv Thế nhưng khi ngồi vào ghế và lắng nghe, mọi chuyện đã khác hẳn.


Thật ngạc nhiên tự hào và hạnh phúc vô cùng khi những ca khúc dân ca như Lý con sáo, Lý chiều chiều, Cò lả và bản Waltzing Matilda được nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên soạn lại cho dàn nhạc dân tộc Việt Nam dưới kĩ năng điêu luyện của các em sinh viên và một số thầy cô giáo nhạc viện kết hợp với tiếng đàn ghi ta nilon cổ điển được xướng lên nghe thật tuyệt. Tiếng đàn bầu nỉ non chơi phần giai điệu tung tẩy trên nền hợp âm guitar Phương Tây được soạn kĩ càng, kĩ thuật Harmonic guitar hoàn hảo của chính nghệ sĩ Nguyễn Lê Tuyên thêm phần sắc màu cho từng khúc dân ca trong những đoạn mở bài, kĩ thuật đệm đơn giản nhưng tinh tế guitar kết hợp cùng đàn tì, đàn tranh, sáo, bầu, trống cơm trong những phần phát triển…. Khiến khán phòng nóng lên bằng những tràng vỗ tay vang dội, những tràng vỗ tay của những người thật sự được “ dùng món ngon.” Họ hòa vào những giai điệu quê hương ấm áp và gần gũi được trình bày có phần lạ mắt và thú vị hơn bởi sự kết hợp của một nhạc cụ Phương Tây giữa dàn nhạc cổ truyền truyền thống.

Đây cũng là lần đầu bản dân ca hơn 100 tuổi của Úc được dàn nhạc dân tộc Việt Nam hòa tấu. “Nghe bản Waltzing Matilda, tôi thấy nhớ nhà da diết. Từ trước đến nay, tôi nghe bản dân ca này chơi bằng ghi ta và piano, nhưng lần này nghe đàn tranh, đàn bầu, sáo kết hợp với ghi ta, tôi thấy rất quen nhưng cũng rất lạ. Một sự kết hợp tuyệt vời lần đầu tiên tôi được nghe”, tân tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM, ông John McAnulty nhận xét.


Tôi ngồi trong khán phòng âm nhạc tại Việt Nam, dự một sự kiện âm nhạc mang tầm quốc tế mà quan sát quanh, khán giả đến với sự lịch sự, tôn trọng và đắm chìm trong thưởng ngoạn âm nhạc chỉ có ba nhân vật đại diện cho đất nước Úc, vài vị chức sắc trong nhạc viện và lèo tèo vài sinh viên Việt Nam, khách vãng lai…. Nhạc viện thành phố treo một tấm bảng heo hút chẳng chút không khí hay cho người đi ngang có cảm giác gì của sự tôn vinh, giới thiệu sự kiện Giao điểm Dân ca Úc - Việt mang ý nghĩa cao đẹp và lớn lao đến thế này. Báo chí âm nhạc ngày thường vẫn soi mói ca sĩ này người mẫu kia lộ hàng nọ bây giờ cũng bặt tiếng chẳng thấy đưa tin một chút… Lòng tôi nóng nảy ngại ngùng với vị tân tổng lãnh sự Úc và các quan khách khác quá…. Bởi một cơ số người chúng ta lớn lên từ đất Việt, uống sữa đất Việt, hít khí trời Việt, thuở nằm nôi nghe từng lời mẹ ru bằng những câu ca dao, câu hò ngọt ngào đầm ấm, để rồi lớn khôn thêm lên, chúng ta chạy theo cho giống sao Hàn, bắt chước hát cho giống Mỹ, làm nhạc cho giống nhạc Hoa… Tinh vi và nhạt nhẽo quay lưng chối từ những giá trị âm nhạc đã làm nên tâm hồn con người Việt Nam từ bao lâu nay. Có bao giờ bạn thoáng buồn khi người ta nhầm bạn với người Hoa, người Hàn, người Nhật và người ta quên mất trên thế giới có một dân tộc Việt có một nền âm nhạc dân tộc đồ sộ đa dạng, những làn điệu ấm áp đầy tình người không? Hãy giật mình vì ta đã quên hay chối bỏ nguồn cội từ khi nào chẳng biết rồi, mà lòng ta lại tơ tưởng đến những giá trị làm nên nét riêng của kẻ khác và cố công bắt chước cho giống họ, Việc cho đến vậy, hỏi có đau lòng không?


Nghe bản Waltzing Matilda tấu lên, ánh mắt vị tân lãnh sự quán Úc lấp lánh tự hào và niềm hạnh phúc cũng như lúc ông nói về bản folksong này gần như một bài quốc ca không chính thức của đất nước Úc nơi ông sinh ra….. Nghe Lý Con Sáo, Lý Chiều Chiều, Cò Lả… Tôi ngồi mà rơi nước mắt. Biết đến bao giờ thế hệ người Việt chúng ta ngẩng cao đầu tự hào giữ lấy những giá trị quý giá, yêu từng tiếng đàn bầu giản dị mà réo rắt lòng người, tiếng nhị, tiếng sáo du dương mà nhắm mắt lại ta thấy đồng quê thanh bình, sáo diều vi vu, lũy tre xanh ngắt rì rào… Có lẽ ta phải triền miên đắm chìm trong những nền âm nhạc Tây Phương ngoại lai nhiều đi nữa. Để một ngày ta nhận ra ta là ai giữa thế giới rộng lớn muôn màu này, để thôi nhạt nhòa và là kẻ bắt chước giữa những chân giá trị của dân tộc khác, để người ta nhận biết dân Việt ta, âm nhạc ta hòng giữ lấy chút giai điệu quê hương mộc mạc êm ả giữa trăm ngàn những nền âm nhạc khác đang chi phối ảnh hưởng chúng ta mỗi ngày, thì ngày đó ta mới nước mắt ngắn dài mà trở về cùng âm nhạc quê mẹ như một sự trở về với những nguồn cội bao năm ta chối từ, như sự thật ta vốn vẫn luôn là người Việt da vàng mũi tẹt vậy.


Xin kính tặng bài viết đến những bậc tiền nhân đi trước, những học giả, giáo sư, nhà nghiên cứu về âm nhạc dân ca Việt Nam, tôi đã từng là người xem họ như những người nhạt nhòa và kẻ rỗi hơi, nhưng lớn hơn một chút, nghĩ hơn một chút, lại thấy chính mình mới là kẻ rỗi hơi. Là con rối ngơ ngáo trong lớp vỏ trơ trọi của một người khác mà quên mất đằng sau những lớp hóa trang kia ta “từng là ai”.


Saigon những ngày cận Tết 2012

Trung Nghĩa
Số lần đọc: 1790
Ngày đăng: 15.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghĩ Về Hai Bài Thơ Mưa Chưa Ðược Phổ Nhạc - Trần Văn Nam
Đi Xem Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam - Nguyễn Thị Hải Hà
Giữ Trong Tim Được Không ? - Huyền Chiêu
Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam - Nguyễn Việt
Người Từ Trăm Năm Về Phai Tóc Nhuộm - Huyền Chiêu
Người tình trong "Không" của Nguyễn Ánh 9 - Thụy Vi
Ca Nhạc Việt Nam 35 Năm Nhìn Lại - Bùi Công Thuấn
Ô mê ly - Thụy Vi
Việt Nam - Hình Bóng Quê Xưa - Nguyễn Trọng Khôi
Tiến thoái lưỡng nan - Trinh Công Sơn
Cùng một tác giả