Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
731
116.732.529
 
Cảnh Giang, Tình Thơ Trầm Tích
Ngô Minh

 

Gấp lại tập thơ Lời ru của biển (*) của Cảnh Giang, tôi cứ bâng khuâng hoài. Thì ra cuộc đời mỗi người thơ đều có một tình thơ vượt ra ngoài câu chữ. Càng về cuối tập thơ, tình thơ của anh như trào lên từ mạch vỉa trầm tích sâu thẳm của lịch sử quê nhà. Dường như thơ đối với anh là một định mệnh.

 

Nói  Lời ru của biển là tập thơ tình, quả đúng như vậy. Có thể nhặt được ở đây rất nhiều câu thơ tình yêu nồng nàn gió mặn: “Cho dù biển cạn non mòn / Mưa ngàn chớp bể em còn yêu anh...”( Lời ru của biển) ; hay : Vẫn trong em hoa Tầm Xuân tím / Nhớ thương ai giọt nắng cuối chiều ( Nụ tầm xuân)  ; hay : Đừng hỏi em / Vì sao nức nở / Giọt lệ buồn thánh thót đêm mưa...Hay : Chôn xuống mộ cuộc tình thi sĩ / Xác tro tàn thuyền giấy dặm khơi ( Xonne 5); hay : Dẫu tình em đã  cuốn neo / Vẫn mong về lại bến nghèo thuyền ơi ( Bến quê) ; hay : Em chỉ là vọng phu / Giữa biển đời da diết ( Em chỉ là vọng phu); hay :

 

Ở hai phía tảng băng đè lên ngực

Biển vô tình réo gọi suốt đêm đông

( Sonne 7)

 

Những câu thơ tình ấy tự nó nói với độc giả chất thi sĩ lãng tử của người thơ có bút hiệu Cảnh Giang, chẳng cần một lời bình nào.

 

Điều mà tác giả viết bài này muốn nói là để có những câu thơ yêu người, yêu chan chứa cuộc sống ấy, người viết ra nó đã trải qua một cuộc sống nội tâm khắc khoải, đớn đau từ lúc còn rất trẻ. Sao lại là Cảnh Giang ? Tên  anh là Nguyễn Tiến Chung cơ mà. Cảnh Giang nói lái theo người miền Trung là Cảng Gianh. Là cái cảng biển nơi cửa Sông Gianh bao đời sóng gió. Sóng gió từ thời Trịnh -Nguyễn  phân tranh. Sóng gió thời vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương đánh Pháp ở thượng nguồn, sóng gió đạn bom thời chống Mỹ . Ở Cảng Gianh, chính từ làng Thanh Khê, xã Thanh Trạch này, 18 giờ ngày 27-1-1960, tức 30 Tết  Canh Tý, con tàu không số đầu tiên mang tên“Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” mang theo 5 tấn vũ khí, thuốc men  vượt biển vào bến Hố Chuối ở chân đèo Hải Vân để chi viện cho Khu 5. Phà Gianh, Cảng Gianh là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ nhằm chặn con đường vận chuyển vào Nam. Cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt. Đêm 25 tháng 8 năm 1966, máy bay Mỹ tập trung đánh chặn đoàn xe chở tên lửa vượt sông Gianh. Bom sát thương, bom  bi nổ ngút trời.  Trong số hàng trăm liệt sĩ và thương binh bị bom sát thương đêm ấy, có người chị ruột của Nguyễn Tiến Chung là chị Nguyễn Thị Minh Hoa.  Chị Hoa hy sinh khi tròn 19 tuổi.  Nguyễn Tiến Chung đau đớn khóc chị. Và anh làm thơ “Vĩnh viễn chị đi... Nằm lại với con đường” . Và Anh thành nhà thơ Cảnh Giang từ ấy.

Cái ngày thảm khốc ấy, có 120 ngôi mộ liệt sĩ vô danh nằm lại với nghĩa trang Nam Gianh. Họ là những TNXP, công nhân, bộ đội  bảo vệ con đường. Trong đó duy nhất có chị Đặng Thị Chốc, quê ở Hải Hưng là có tên khắc trên bia mộ. Cảnh Giang nghe bà con kể, chị Đặng Thị Chốc, Bí thư chi bộ, Đại đội trưởng TNXP Đoàn 283 Hải Hưng,  ở trọ trong một nhà dân. Khi đi thu lượm các xác chết, ông  chủ nhà đã nhận dạng ra chị, mặc dù đầu chị mất đi một mảng tóc và cụt mất một chân. Chôn cất chị, ông có làm dấu, ghi tên, quê quán. Vì thế khi cải táng vào nghĩa trang Nam Gianh, chị là người duy nhất trong số TNXP hy sinh hôm đó được khắc tên. Chủ nhà kể rằng  trước khi lên đường, chị Chốc có nói với mẹ: Con ra đi lần này không hẹn ngày trở lại. Nếu con không về thì mẹ cứ lấy ngày hôm nay làm ngày giỗ của con.  Nghe kể, Cảnh Giang xúc động nghẹn ngào. Anh quyết định nhận liệt sĩ Đặng Thị Chốc làm em gái kết nghĩa. Vì anh cứ đinh ninh đã 36 năm trôi qua, chắc mẹ chị cũng đã mất, chị không còn một ai thân thích. Anh đã đến nghĩa trang Nam Gianh, mua đầy đủ lễ vật xôi, gà, hương hoa, nhang đèn, thắp hương khấn vái, nhận liệt sĩ Đặng Thị Chốc làm em gái. Đêm hôm ấy, anh trằn trọc không ngủ. Và bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ”. Đã ra đời.  Em bây giờ là em gái của anh / Dẫu muộn màng / nhưng phần đời còn lại / Một chút sẻ chia những gì mãi mãi / Chút ân tình đỡ lạnh chốn âm cung...Thơ tự sự, dân dã thôi nhưng cái tình thì lớn. Nhận người dưới mộ là em gái là chuyện rất hy hữu xưa nay. Chỉ có nhà thơ mới coi âm dương làm một như vậy, nên  thơ đi vào lòng người, gây ra xung điện mạnh mẽ...

 

...Em không còn người thân, em sẽ có anh

Có Tổ quốc và trời xanh trên nấm mộ

Anh thay mẹ lo cho em ngày giỗ

Có hương hoa, tư trang đủ em dùng

Và từ nay giữa nghĩa trang chung

Có tình yêu cho muôn ngàn ngôi mộ

Ấm lòng hơn anh trai mình đến đó

 Một chút tình cùng sông núi GHI ƠN !

 

 

Điều rất tâm linh, có hậu là bài thơ của Cảnh Giang được  in lên báo rồi bay đến tay gia đình liệt sĩ Đặng Thị Chốc ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Bà con xã Cổ Dũng phô tô thành nhiều bản, chuyền nhau đọc.  Và gia đình đã tìm vô nghĩa trang Nam Gianh, Thanh Khê, Thanh  Trạch , Quảng Bình cất bốc hài cốt của chị Chốc trở về quê nhà sau gần bốn mươi năm xa cách. Như vậy đấy. Thơ là thần giao cách cảm. Thơ có lối đi riêng của mình để đến được với mỗi tấm lòng. Đến được cả với người dưới mộ .

 

Trong Lời ru của biển, với  tình thơ trầm tích ấy ,Cảnh Giang viết  về Một thời để nhớ : Ơi suốt mát, rừng cây xin tạ tội / Cho tình ta chảy đến vô cùng / Biển gào thét tìm ai trong vời vợi / Ta trở về  xanh biếc gió Trường Sơn . Đọc thơ ta như nghe được róc rách  suối nguồn thẳm thẳm. Hay bài thơ Trinh nữ Trường Sơn cũng là sự vang vọng của lịch sử đất nước : Em vẫn là bông hoa trinh nữ / Hương bay bay khắp núi khắp rừng / Nước suốt gội đầu  róc rách rưng rưng / Tiếng gọi Mẹ vọng vào vách đá / Anh đi tìm hỏi cây hỏi lá... Tôi nghe như đó chính là tiếng dội xuyên thời gian từ Hang Tám Cô  trên đường 20  huyền thoại ngay trên quê Bố Trạch của Cảnh Giang. Thơ viếng các liệt sĩ hy sinh tại quê hương, anh viết : Thân xác mẹ cho / Nay tan vào tất cả / Cái tên mẹ đặt / Giờ đã hóa vô danh...Thật buồn, nhưng cũng thật thiêng liêng !

 

Ngày 20 tháng 11 năm 1968 , tốt nghiệp Khóa sư phạm  10+3 ( lớp 10 + 3 tháng sư phạm), Cảnh Giang  nhất quyết xin  cho được về dạy ở Trường PTCS Bắc Trạch bên đồi Ba Trại sát với phà Gianh. Bởi Cảng Gianh, phà Gianh đã trở thành máu thịt với đời  anh. 40 năm  dạy học anh đã đọc cho  các em học sinh nghe không biết bao nhiêu bài thơ viết về Sông Gianh, Phà Gianh, Cảng Gianh, để các em  hiểu thêm, yêu thêm mảnh đất mình đang sống.

                                                                                                                           

Năm 2003, thầy giáo Nguyễn Tiến Chung về làm  hiệu trưởng Trường PTCS Hạ Trạch. Đây là quê hương Cao Lao Hạ của cố nhà thơ Lưu Trọng Lư, nên anh đã kiên trì làm đơn, thuyết phục cấp trên cho trường được mang tên nhà thơ danh tiếng. Thế mà đến sáu năm sau, Trường Hạ Trạch mới được mang tên Lưu Trọng Lư. Bốn năm nay, Trường PTCS Lưu Trọng Lư gắn liền với gia đình nhà thơ quá cố bằng một Quỹ Lưu Trọng Lư. Mỗi năm từ quỹ này các em học sinh xuất sắc, các em học sinh nghèo học giỏi được chăm lo hơn. Sốt sắng với Trường, với học sinh, sôt sắng với thơ với quê hương xứ sở như vậy,  nên khi nghỉ hưu ( 2009), nhà thơ Cảnh Giang đã có  thơ bộc bạch rất cảm kích và thương mến:

 

Tấm bảng đen và giáo án đâu rồi ?

Còn vương lại trên đầu ta bụi phấn

 

Đến nay, Cảnh Giang đã xuất bản 5 tập thơ, viết Lịch sử Đảng bộ  xã Thanh Trạch, Lịch sử Làng Cao Lao Hạ, chụp ảnh nghệ thuật, tiếp tục viết Trường ca Nam Gianh lũy thép, tất cả đều  gắn với cái địa danh Cảng Gianh, Sông Gianh của đời mình. Thế mà trước giọt nắng ấm mùa thu, anh lại thốt lên : Tình yêu ơi ! / Xin đầu thai kiếp nữa ...

 

Huế, Tháng 8/2011

 

 

Ngô Minh
Số lần đọc: 1292
Ngày đăng: 22.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mô tả Đậm đặc trong truyện ngắn của Lưu Thủy Hương - Lê Hải*
Điểm sách 1Q84 của Haruki Murakami - Nguyễn Thị Hải Hà
Đọc Mặt Nạ Thâm Cung – Tiểu Thuyết Của Trần Hoàng Trúc (Nxb Thanh Niên 2011) - Đoàn Minh Tuấn
Rừng – Kinh Dương Vương, Sự Hóa Thân Lộng Lẫy Trong Hội Họa – Văn Chương - Ngô Nguyên Nghiễm
Tiểu thuyết Le Boujoum của Cung Giũ Nguyên và cái nhìn về số phận con người. - Phạm Văn Quang,
Thức một miền xanh - Miền thương yêu nhân hậu - Lâm Xuân Vi
Đọc hồi ký Đặng Nhật Minh - Lê Hải*
Những Cuộc Dịch Chuyển Trong “Ngày Linh Hương Nở Sáng”(*) - Hoàng Thụy Anh
Bút pháp Phùng Văn Khai qua tiểu thuyết “Hồ đồ” - Đặng Văn Sinh
Đinh Như Thúy - Ngày linh hương nở sáng. - Khổng Ðức