Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
678
116.669.267
 
Góp Một Lời Bàn Về Kết Truyện Tấm- Cám
Phạm Phù sa

Thời gian qua có rất nhiều ý kiến bình luận về việc có nên sửa lại đoạn kết truyện Tấm - Cám hay không, trong đó có cả ý kiến của những nhà nghiên cứu, phê bình văn học của hội nhà văn, các nhà thơ, nhà văn , nhà giáo… trong và ngoài nước.

 

Riêng tôi, xin góp thêm một lời bàn với góc nhìn là một quần chúng cảm thụ văn học dân gian.

Trước tiên, một tác phẩm văn học dân gian hãy đặt nó vào bối cảnh dân gian, vào cái nền văn hóa –đạo đức truyền thống mà xét. Bởi nó ra đời từ quần chúng nhân dân. Một tác phẩm văn học truyền khẩu thì không thể tìm đâu ra được “văn bản gốc” và định danh tác giả được. Tác phẩm dân gian nhiều khi không phải do  một người sáng tác; có thể do một nhóm người, nhiều nhóm người “đồng tác giả”. Tác phẩm có thể được ra đời qua nhiều năm, mỗi người góp thêm một ít, qua năm tháng dày thêm,  như phù Sa bồi đắp dần mà nên hình hài chứ không nhất nhất là ra đời trong một thời điểm.

Cũng như các loại hình văn học dân gian khác, truyện dân gian được hình thành từ trong quần chúng nhân dân lao động, phản ánh các mặt đời sống xã hội, là tiếng nói của đại đa số quần chúng, phản ánh nguyện vọng của quần chúng.

 

Truyện bắt đầu từ cốt truyện, tức “tích”, cho nên ông bà ta có câu: “Có tích mới dịch ra tuồng”. Truyện dân gian lấy cảm hứng từ trong chất liệu đời sống thực tiễn, nhân vật chính thường đứng về phía đại đa số quần chúng chống lại những áp bức, bất công; đứng về cái Thiện chống lại cái Ác. Và, một kết thúc bao giờ cũng “có hậu”, nghĩa là cái thiện thắng cái ác, chính nghĩa thắng bạo tàn. Ác giả ác báo! tôn vinh sự nhân ái, vị tha, tinh thần cao thượng của nhân vật chính .

 

Dân tộc Việt chịu ảnh hưởng  nền văn hóa Phật giáo khá sâu sắc, bên cạnh các nền văn hóa đạo Khổng, đạo Nho… nên truyện dân gian cũng không hô hào gây thù chuốc oán, lấy tình người đối đãi, họ hy vọng và tin tưởng váo quy luật “Gieo gió thì gặt bão”, tin vào “nhân quả luân hồi”.

Đơn cử hai truyện dân gian Lâm Sanh- Xuân Nương và Thạch Sanh-Lý Thông để thấy tính xuyên suốt của nhân vật đại diện cho hai thái cực :“trục thiện” và “trục ác ” và số phận nhân vật được giải quyết ra sao.

 

Ở truyện Lâm Sanh- Xuân nương . Nhân vật Xuân Nương hiền hậu chất phác, số phận trớ trêu đưa đẩy gặp phải bà mẹ chồng độc ác hành hạ ,nhục hình đến chết. Lâm phu nhân ( mẹ chồng Xuân nương ) phải chịu pháp luật trừng trị. Mạng đền mạng, dù cho người con trai hiếu thảo ( Lâm Sanh ) náo loạn pháp trường, cướp phạm nhân; bà ta cũng không thoát khỏi lưỡi gươm công lý. Xuân nương chết oan, hồn nhập vào một người khác tái hợp cho trọn nghĩa phu thê với Lâm Sanh.

 

Ở truyện Thạch sanh –Lý Thông. Thạch Sanh thật thà như đếm, bị người anh kết nghĩa xảo trá nhưng bất tài là Lý Thông lừa gạt, mưu hại để cướp công. Trải qua bao sóng gió biến cố cuộc đời. Cuối cùng, sau cơn mưa trời lại sáng, được vua trọng dụng, có quyền cao chức trọng , được vua giao trọn quyền xử tội Lý Thông, nhưng nhân vật chính lại không dùng quyền thế để trả thù mà tha cho Lý thông về quê để làm lại cuộc đời, nhưng Lý Thông vẫn không thoát được lưới trời, trên đường về bị giông sét đánh chết.

 

Nếu như truyện Lâm Sanh- Xuân nương – cái ác bị “công đạo” xử, thì truyện Thạch sanh –Lý Thông  cái ác bị đền tội bởi “thiên đạo”. Những cái kết như thế ta thường thấy ở các truyện dân gian Việt. Các nhân vật chính thường đọng lại trong tâm trí  người nghe ( đọc ) những tố chất lung linh của lòng nhân ái, sự trong sáng, cao thượng và đồng cảm với nhân vật. Tiêu biểu như Thạch Sanh , mở ra một tấm lòng vô tư, nhân ái bao dung , không sân si, thù oán , để bụng chờ cơ hội trả thù, cách giải quyết đó làm cho độc giả thỏa mãn, yêu mến nhân vật; từ đó giá trị nhân vật chính được nâng lên một tầm mới.

 

Thế nhưng ở truyện Tấm-Cám thì khác. Một nhân vật Tấm thật thà đôn hậu, “hiền như Tấm”, năm lần bảy lượt bị mẹ con nhà Cám rắp tâm mưu hại, chiếm đoạt những thành quả của Tấm; chết đi sống lại nhờ phép màu huyền diệu của đấng siêu nhiên để rồi cuối cùng cũng được trở lại không chỉ làm người , mà là làm ” Tiên” ( nàng tiên trong quả thị ), cũng được đoàn tụ, được phục chức mẫu nghi thiên hạ. Kẻ thủ ác cũng bị đền tội , nhưng không phải bởi“công đạo” cũng chẳng phải “thiên đạo” mà là từ lòng thù hận của nhân vật chính ( người bị hại ).

 

Sự trả thù của Tấm xét cho cùng cũng là hợp với tâm lý quần chúng khi “mạng phải đền mạng”. Cái chết thảm của Cám và mẹ làm “thỏa” lòng căm phẫn những người hằng yêu mến nhân vật Tấm, nhưng sự trả thù đó do chính Tấm lập mưu giết một cách dã man ngoài sức tưởng tượng của nhiều người . Một sự trả thù “ngọt ngào” mà không kém tàn nhẫn.

 

 

Theo các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, văn hóa dân gian thì sự trả thù của Tấm có lý của nó, hợp với nhãn quan, vào bối cảnh xã hội thời xưa. Mặt khác , nó phản ánh cái tâm lý nhân vật. Dù cho người đó có hiền hậu , bao dung đến đâu qua bao nhiêu lần bị hãm hại ắt có ngày không cam tâm chịu để cho người ta dày vò mãi, nhất là khi có quyền thế trong tay rồi , để bảo vệ chỗ đứng của mình, họ sẵn sàng trở thiện thành ác. Cái kết đó là một lời răn dạy, cảnh báo đừng nên ép người ta vào đường cùng, vì “nhân cùng tất trá ”! Là một cách lý giải hay. 

 

Nhưng về mặt đạo đức  hành động nhẫn tâm đó không phản ánh đúng tính cách xuyên suốt của nhân vật chính . Một cái kết “có hậu”, “ơn đền oán trả”, sòng phẳng , nhưng thật ra “vô hậu”, phi nhân tính .  

- Kết truyện ở sách giáo khoa lớp 10 ( bản mới ):

“…Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết ”

- Kết truyện hoặc trong bản gốc truyền miệng :

“Tấm sai người đào một cái hố, nện đất thật kỹ, bảo con Cám tụt xuống, rồi Tấm sai người đem nước sôi dội vào con Cám, con Cám chết còng queo dưới hố. Tấm đem xác con Cám làm mắm gửi cho mụ dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ con Cám lấy làm sung sướng, ngày nào mụ cũng giở mắm ra ăn, khen lấy khen để... Đến ngày gần hết, nhòm vào chĩnh mụ mới nhìn thấy đầu lâu con mình... mụ uất lên, ngã vật xuống đất, hai mắt nhắm nghiền và tắt thở".

- Kết truyện trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:

“…Sau này, Cám thấy Tấm vẫn còn sống mà lại trắng đẹp hơn xưa nên băn khoăn tự hỏi vì sao. Tấm bày cho Cám tắm với nước sôi thì sẽ đẹp. Cám hí hửng làm theo, đổ một bồn nước sôi rồi tắm sau đó chết ngay tức khắc. Tấm sai người chặt xác của cám ra làm 8 khúc, lấy thịt làm cỗ mắm rồi gửi cho dì ghẻ ăn. Thấy Tấm có lòng tốt, dì ghẻ không nghi ngờ gì mà vẫn cứ ăn. Một con quạ chợt đậu lại bên cửa sổ, nhìn vào và hót:

"Ngon ngỏn ngòn ngon. Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng?" . Mẹ Cám nhận ra cỗ mắm mà Tấm gởi cho mình thật ra là thịt của Cám. Quá đau khổ, bà ta hoá điên chạy ra khỏi nhà và bị sét đánh chết.

Chúng ta đều biết rằng truyện Tấm-Cám là truyện cổ thần kỳ dân gian . Mà đã là dân gian thì hẳn có nhiều dị bản. Ngay từ thời tuổi nhỏ của tôi, tôi cũng được nghe nhiều cái kết truyện khác nhau. Tôi còn nhớ mẹ tôi kể rằng:

“…Sau này, Cám thấy Tấm vẫn còn sống mà lại trắng đẹp hơn xưa nên dò hỏi, Cám đùa rằng : Nhờ tôi tắm nước sôi mà trắng đẹp thế đấy.  Cám nghĩ rằng năm lần bảy lượt Tấm chết đi mà vẫn tái sinh, chắc hẳn phải có bí quyết thần kỳ , với tính thật thà , Tấm chưa hề nói dối nên cả tin , liền sai người nấu một nồi nước sôi to và nhảy vào tắm. Cám chết còng queo. Sau khi chết , Cám hóa thành một con quạ đen . Nhân việc Cám chết , người phục vụ cho Cám bấy lâu cũng bị mẹ con Cám hành hạ bạc đãi sinh căm hận , liền nảy ra ý định làm mắm xác Cám gởi về cho mẹ Cám ăn và bảo rằng do Cám gởi về . Bà ta tưởng quà quý của con từ cung vua gởi về thật nên chẳng nghi ngờ, đem ra dùng và khen lấy khen để . Cứ mỗi lần như thế thì con quạ bay đến đậu bên cửa sổ hót rằng:

 

Ngon ngỏn ngòn ngon/ Mẹ ăn thịt con giòn giòn béo béo . Bà ta đuổi quạ đi. Đến khi chĩnh mắm vừa cạn thì chiếc đầu của Cám hiện ra. Quá thương cảm với cái chết thảm của con, lại đau đớn dằn vặt vì chính mình lại ăn thịt con mình, mụ ta vật vã , đau khổ, uất khí , nôn thốc nôn tháo , không ăn uống đến khi nôn cả ruột gan, dạ dày lộn ngược ra mà chết.

 

Với việc nhiều dị bản như vậy có thể cho ta một suy luận rằng : phải chăng từ lâu đã có nhiều người thấy được cái kết truyện có sự “bất ổn” nên họ cũng muốn sửa lại cho hợp lý hơn ? và đó là lý do tam sao thất bản.

Cái kết của mẹ tôi kể giữ được tính xuyên suốt về tính cách nhân vật, vẫn một cô Tấm hồn hậu vị tha , vô tư, không thủ đoạn rắp tâm trả thù tàn ác, mà  Cám chết là do cô ấy tự chuốc lấy . Chính lòng tham, lòng ghen tỵ đã khiến cô ấy tin mù quáng, (và có thể có quyền lực siêu hình nào đó buộc Cám phải tin và làm như vậy). Việc làm mắm gởi cho mẹ Cám cũng do một nhóm người vì quá yêu mến Tấm, căm ghét sự tàn ác của mẹ con Cám thực hiện . Tấm hoàn toàn không nhúng tay trực tiếp vào tội ác. Luật nhân quả thể hiện rõ. Ác như mẹ con Cám trời không dung, đất không tha.

 

Nhưng nếu Tấm thực hiện hành vi trả thù không còn tính người như thế thì cái ác của Tấm đã được liệt vào hàng “đại ác” rồi ! liệu trời đất có dung ? và có hay không sự quả báo sau này ? ( yếu tố nhân quả )

 

Cũng một sự kiện Cám chết vì tắm nước sôi, cũng mẹ ăn thịt con , cũng là mẹ Cám chết uất, nhưng tình tiết  xem ra hợp lý hơn nhiều.

 

Đoạn kết nhân vật mẹ Cám bị sét đánh chết hóa ra giống với kết truyện Thạch Sanh- bị mòn, không hay tình tiết bà ta chết vì đau đớn, uất khí là hợp logic. Cái kết này vẫn giữ được hầu hết cái khung cơ bản của nguyên bản, nó lại không mang tính thời sự, thời nào cũng hợp lý.

 

 

Dân tộc ta luôn nêu cao chính nghĩa, đấu tranh chống cái ác tới cùng, nhưng cũng sẵn sàng mở lòng với kẻ thù , cho họ một con đường sống khi  đã cùng đường như cha ông ta đã làm ( như chuyện Thoát Hoan chui ống đồng…) sử sách còn ghi lại. Sự cao thượng ấy làm tăng thêm giá trị của nhân vật chính. Ngược lại , hành động tận diệt  khi người ta đã là “kẻ dưới ngựa”  là hành động trả thù hèn hạ. Nó làm giảm giá trị , cái ấn tượng đẹp ban đầu của nhân vật, giảm đi cái tình cảm trân quý của nhân vật chính với người đọc.

 

Cái kết truyện cũ đã dẫn nhân vật Tấm vốn hiền lành đến độ tột cùng của cái ác. ( Xem ra Tấm còn độc ác hơn mẹ con Cám nhiều lần ) liệu có hợp với nền đạo đức vốn thấm nhuần giáo lý văn hóa Phật giáo như Việt Nam ?  Một nền đạo đức vốn không chủ trương cổ súy cho sự trả thù tàn bạo bất chấp thủ đoạn .

 

Truyện cổ tích, dân gian ngày nay không còn bó hẹp trong phạm vi một lãnh thổ, một nước, mà nó còn phải vượt biên giới chắp cánh bay xa để giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa dân gian Việt Nam, mang thông điệp hòa bình , nhân ái của tâm hồn Việt  đến với thế giới. Xa hơn là để lại cho đời sau.

 

Thiết nghĩ một cái kết “mở” cho câu chuyện sẽ làm cho truyện đẹp hơn, hợp lý hơn. Mở ở đây không phải là kết “lửng” để ai muốn hiểu sao cũng được; mà là có nhiều “dị bản” để người đọc chọn lựa cái kết nào hợp lý nhất mà mình thích. Dị bản là thuộc tính của văn hóa –văn nghệ dân gian mà !

 

Điều chỉnh một vài tình tiết ,văn bản hóa văn học dân gian, định hướng cho văn học dân gian cho phù hợp với nền tảng đạo lý của dân tộc là việc nên làm, đó không phải là việc làm gì sai trái, một việc làm vi phạm tác quyền ghê gớm mà là việc làm cần thiết cho tương lai. Ví như góp phần gia công, chế tác những viên ngọc thô để  nó được đẹp hơn, trong trẻo hơn, tỏa sáng lung linh hơn và trả nó về lại với cộng đồng nơi nó đã sinh ra . 

 

Có nên cắt , điều chỉnh đoạn kết truyện cũ không ? điều chỉnh như thế nào? Có nên đưa truyện vào giảng dạy phổ thông ?

Theo tôi , chúng ta chọn phương án dung hòa. Vừa có bản gốc, vừa có dị bản.

- Tôn trong bản gốc đã lưu truyền,

- Chọn ra trong số các dị bản cái kết nào hợp lý nhất mà vẫn giữ được tinh thần nguyên bản để giới thiệu .

- Không nhất thiết phải chọn duy nhất một cái kết .

- Mỗi cái kết truyện đều phải có sự chú giải , phân tích về yếu tố dân gian, nền tảng văn hóa – đạo đức truyền thống dân tộc là yếu tố xuyên suốt để học sinh hiểu, cho cộng đồng hiểu, và cũng để tuyên ngôn với thế giới về cái nhìn đa chiều, đa góc độ về mặt văn học dịch thuật .

 

Làm được như thế , tôi tin chương trình giảng dạy ở các cấp phổ thông vẫn không ảnh hưởng gì, thậm chí vẫn có thể giảng dạy được ở bậc học tiểu học. Ngoài ra có thể quảng bá rộng rãi bằng truyện tranh cho nhiều lứa tuổi. Bởi đó là một truyện dân gian hay.

 

( tháng 11/2011)

Phạm Phù sa
Số lần đọc: 4521
Ngày đăng: 18.11.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về bài “Ngoại cảm trong đời sống người Việt” - Hà văn Thùy
Kính gửi: Đoàn chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Nga - Hà văn Thùy
Trở về với bản gốc thơ nôm Hồ Xuân Hương - Nguyễn Khôi
Trả Về Bản Gốc Chinh Phụ Ngâm - Do Đoàn ThỊ Điểm Dịch - Nguyễn Khôi
Cái Gia Gia Là…Cái Nhà! - Vương Trung Hiếu
Tạp chí khoa học Nature lên tiếng về sự chính trị hóa trong khoa học qua đường chữ U 9 đoạn ở Biển Đông - Nguyễn Đức Hiệp
Lời Cuối Cùng Thưa Với Ông An Chi ! - Hà văn Thùy
Một phần ba ông Gia Cát - An Chi
Viết khi đọc: Đạp Chân Vào Bầu Trời(1) của Nguyễn Viện - Nguyễn Hồng Nhung
Quán Văn ra mắt văn học nghệ thuật số 001 ngày 15-10-2011. - Nhiều Tác Giả