Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
466
116.379.714
 
Giai thoại về một bài hát ru xứ Quảng
Phạm Phù sa

Trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng có không ít câu hò, lời hát được nhiều người, nhiều vùng đất biết đến. Nhưng liệu mấy ai biết xuất xứ từ đâu, và không dễ biết tác giả là ai, bởi đặc trưng của Văn nghệ dân gian là truyền khẩu. Do vậy, không ai nghĩ đến việc phải đi tìm tác giả của một câu ca dao, một bài vè hoặc một câu hát ru, bởi việc ấy là quá khó. Ấy vậy mà tình cờ tôi được một nữ lão nghệ nhân của một đội hát hò khoan ứng đáp trong lúc say chuyện đã kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện về những câu hát ứng tác của những nghệ nhân xưa mà chính bà ta là chứng nhân, là người trong cuộc. Có lẽ tôi là người hiếm hoi được cái may mắn ấy. Cái may mắn được biết hoàn cảnh ra đời bài hát ru gan ruột của Đất Quảng đã tồn tại qua nhiều thế hệ người, đã quá phổ biến trong dân gian, bài hát mà các nghệ nhân cho rằng mẫu mực trong thể loại hát sinh tử, một trong những nội dung trong loại hình hát Hò khoan, một loại hình sinh hoạt Văn nghệ dân gian miền sông nước nhiều thập niên trước, là món ăn tinh thần không thể thiếu ở nông thôn xứ Quảng ngày xưa mà cho đến nay còn và có quá nhiều người thuộc.

 

Thời ấy, những nghệ nhân hát hò khoan ứng đáp giỏi, nổi danh khắp vùng thường được mời đi Hát ở nhiều nơi, có khi ra đến tỉnh bạn. Trong giới "ngôi sao" ngày đó hẳn không thể thiếu tên tuổi ông giáo Lương, dân khắp vùng chẳng ai không nghe tên biết tiếng. (Có lẽ lúc ấy ông cũng là một ông giáo làng nên người ta mới gọi thế.) Ông tên thật là Phạm Đình Lương, quê ở thôn Cẩm Sa, huyện Điện Bàn ( một địa danh thuộc xã Điện Nam, huyện Điện Bàn bây giờ ).

 

Theo bà lão nghệ nhân thì ông rất giỏi ứng biến, sáng tạo trong hát đối đáp, nhiều tình huống đối phương ra vế đối quá khó, tưởng chừng đội nhà sẽ thua cuộc nhưng nhờ tài năng của ông đã chuyển bại thành thắng, buộc đối thủ phải tâm phục, khẩu phục.

 

Một bận, nhân dịp rảnh rỗi, ông ghé thăm nhà một người cháu trong tộc tên là Phạm Đình Tỳ ( Hai Tỳ ). Thời điểm này vợ ông Hai Tỳ vừa mới mất trong một cơn bạo bệnh, để lại một gia cảnh bời bời, con cái nheo nhóc với 3 đứa trẻ thơ mà đứa bé nhất hãy còn nằm nôi. Vừa đên đầu ngõ ông đã nghe tiếng trẻ khóc thét lên trong cơn khát sữa, mặc cho người cha ru nôi hò hụi khản cả cổ, vã cả mồ hôi mà tiếng khóc càng lúc càng như xé ruột khiến người nghe như lửa đốt trong lòng.

 

Vào nhà, chứng kiến cảnh gà trống nuôi con, nhà cửa nhếch nhác, bừa bộn do thiếu vắng bàn tay người phụ nữ. Cảm thương người cháu tội nghiệp phải vất vả trăm bề, xót xa cho cháu bé còn đỏ hỏn phải sớm lìa mẹ, chịu phận cút côi. Cảnh tình ấy như một động lực thúc đẩy, một chất xúc tác cực mạnh khơi dậy mạch nguồn sáng tạo trong con người nghệ sỹ công chúng Phạm Đình Lương. Cầm lòng chẳng đặng, ông bèn bước lại giành lấy tao nôi, vừa ru cháu, vừa ứng tác hát luôn:

 

" Nơi chín suối em vào miền hạc lộ

Cảnh dương trần anh gánh cõi trần ai

Đêm năm canh nước mắt láng lai

Tay anh bồng con dại, miệng anh nhai hột (1) ngọc trời

Phần cha không sữa con ơi

Nhai cơm suốn(2) nước, con ăn chơi cho cha nhờ

Con còn non sữa(3) ấu thơ

Tay cha ru, miệng cha hát ầu ơ năm canh trường

Bồng con mà để trên giường

Con ơi, con hỡi không biết thương cha rày !

Cha ru con đà mỏi hai tay

Hay là con nhớ mẹ đêm ngày con khóc luôn

Vừa ru, cha vừa hát, vừa hun(4)

Thấy con thêm đau ruột, lệ cha tuôn hai hàng

Ngó vô trong cảnh gia đàng

Nhơn sầu, cảnh dị(5) , hoa tàn, nhuỵ khô

Một mình quày(6) quả ra vô

Bải nước trầu còn đó, mẹ con đi mô không thấy về

Hay là em ly biệt phu thê

Em hẹn hò non nước, bỏ bê chốn dương trần(7)

Em đi đâu bỏ nợ bỏ nần

Bỏ con thơ kêu khóc, khổ chín mười phần em ơi !

Ngắn hơi kêu chẳng thấu trời

Trên dương gian, dưới âm phủ đôi nơi khó tìm..."

 

 

 

Bài hát miêu tả tâm trạng, gia cảnh người cháu rất thực, rất xúc động, nhưng tôi có cảm giác như độ dài của nó không phải chỉ chừng ấy. Khi tôi nêu nghi vấn này thì người nghệ nhân cao tuổi ấy quả quyết rằng bài hát chỉ có thế. Để bảo vệ cho lập luận của mình, bà lý giải : “Tôi là cháu bà con bên ngoại với ông hai Tỳ, là người nhà và có mặt ngay lúc ông giáo Lương đến nhà, tôi chứng kiến từ đầu chí cuối và vẫn nhớ như in, lúc đó tôi đã 14 tuổi rồi còn gì ! sở dĩ bài hát kết thúc đột ngột là vì sao chú biết không ?”

 

Khi thấy tôi háo hức muốn biết thực hư thế nào, bà thư thả như để thử tài suy đoán của tôi rồi tiếp :“Khi hát tới đó thì đứa bé đã nín khóc và ngủ say nên ông chỉ nhè nhẹ đưa nôi chứ không tiếp tục hát nữa. Do đó bài hát chỉ có chừng đó thôi “.

 

Quái lạ, Không hiểu vì lẽ gì, do giọng ru truyền cảm  hay một tác động mang yếu tố tâm linh thiêng liêng nào đó mà đứa bé cảm nhận được chăng ? Tôi băn khoăn mãi, bài hát chỉ vỏn vẹn có 24 câu mà đủ thời gian cho đứa bé ngủ say hay sao ?! Sau này khi đi sâu vào tìm hiểu về nhạc tính trong dân ca tôi mới biết là trong hát ru, một chữ, một câu hát thường được kéo dài ra bằng những từ đệm, những nguyên âm như  A…à… …ơi…ớ …ơ… và cái đuôi rall nhẹ ở âm tiết cuối mỗi câu. Hơn nữa, những luyến láy, những khoảng lặng, những tái câu, tái đoạn v.v…được sử dụng thường xuyên, cho nên 24 câu ngắn ngủi trở thành bản trường ca đủ thời lượng trải dài trong không gian êm ả của tiếng hát ru. Và khi tôi hỏi lý do làm sao để một bài hát “ngẫu hứng đột xuất ” không văn bản như thế lại được người ta nhớ và được phổ biến, lưu truyền, thì được bà cho biết : “Khi thấy ông giáo bước đến cầm tao nôi, ông Hai Tỳ biết sẽ được nghe những câu hát mới do tài kiến tại của ông Lương, cho nên ông bảo người con lớn đem giấy bút ra cùng ông ngồi chép lại tại chỗ từng câu”.

 

Quả nhiên, việc làm của cha con người cháu bất hạnh ấy không uổng phí. Một tác phẩm xuất thần gây rung động lòng người nhờ vậy đã không bị đi vào quên lãng. Và theo quy luật, cái gì thuộc về nghệ thuật, về văn hóa một khi đã thẩm thấu được thì tất nhiên sẽ tồn tại. Đúng là như thế, bài hát “sinh tử” này từ lâu tôi đã được nghe mẹ tôi hát, nghe nhiều người hát trên cả mọi vùng đất ở tỉnh Quảng Nam, và không biết nó còn bay xa đến tận đâu. Bài hát mà dù đã nghìn vạn lần nghe, mà mỗi lần như thế tôi đều thấy lòng  trĩu xuống, rưng rức khôn nguôi. Bài hát đã đi vào công chúng, sống ở đó và góp phần cảm hóa, thanh lọc tâm hồn bao thế hệ người, làm phong phú thêm đời sống tình cảm con người, làm giàu có thêm cái nền đạo đức của xã hội, góp một hạt ngọc thô mà vô cùng quý giá cho nền văn học dân gian của dân tộc.

 

Một chi tiết thú vị khác được bà Huệ cho biết là một trong 3 người con của ông Hai Tỳ thuở ấy hiện nay đang sinh sống tại Thành phố Đà Nẵng ( quận 3 cũ ) nay là quận Ngũ Hành Sơn. Thêm một minh cứ để xác nhận rằng câu chuyện trên là có cơ sở. Biết đâu người ấy chính là đứa bé nằm nôi khát sữa năm xưa ? hay chính là người đã cùng cha chép lại bài hát ấy cũng không chừng. Đúng hay không, độ tin cậy là bao nhiêu ? liệu còn phát lộ thêm những hạt ngọc, những xâu chuỗi ngọc nào nữa? những câu hỏi đó chỉ các nhà folklore, những nhà chuyên môn, chuyên trách mới có thể trả lời.

 

Câu chuyện thú vị không ngờ, một giai thoại trong đời sống văn nghệ dân gian hiếm có không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Người kể chuyện: Bà Nguyễn Thị Huệ hiện nay đã hơn tám mươi tuổi, đang sống cùng con cháu tại khối 8 phường Thanh Hà thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, vẫn còn say mê hát hò khoan và đang là một thành viên của Đội Hò khoan ứng đáp của thành Phố. Một nhân chứng sống.

 

Quả là có cơ duyên nên trong một lần cao hứng hiếm hoi của người nghệ nhân già, tôi được nghe bà kể chuyện. Và thật đáng tiếc nếu một ngày nào đó, những nghệ nhân cao tuổi như bà Huệ lần lượt ra đi mà không kịp để lại cho con cháu bao điều còn nằm sâu trong ký ức, những báu vật vô giá mà chúng ta luôn miệt mài truy vấn khảo tìm. Và tôi cảm thấy mình mắc nợ, là có lỗi với tất cả, nếu không làm một cái gì đó trong khả năng có thể, chẳng hạn như ghi lại thật trung thực tình tiết câu chuyện, về bài hát ru có số phận kỳ lạ này.

 

Thiết nghĩ, cho dù là văn chương truyền miệng, nhưng khi đã có những cứ liệu thuyết phục thì việc trả lại tên cho người đã sáng tạo ra bài hát ru mẫu mực giàu tính nhân văn ấy là việc làm chính đáng lắm chứ ? Tại sao không ? !

Đó cũng là đạo lý, một nghĩa cử nhân văn. /.

Phạm Phù sa
Số lần đọc: 3321
Ngày đăng: 15.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự tích một bài hát xẩm - Huỳnh Văn Úc
Hò Khoan Xứ Quảng Sắc Xuân Dân Gian Độc Đáo - Phạm Phù sa
Thành ngữ Hán việt, điển tích và thành ngữ điển tích trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Cảm nhận câu ca: công anh chăn nghé đã lâu … - Trần Minh Thương
Tiếng cười trong ca dao Tây nam bộ - Trần Minh Thương
Lễ Rước mục đồng làng Phong Lệ - Văn Thành Lê
Tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa truyền thuyết và cổ tích - Võ Phúc Châu
Chuyện thề nguyền qua câu hò của mẹ - Trần Hạ Tháp
Những khúc ca về tâm lực người nông dân trong giêng hai nghiệt ngã - Nguyễn Hoàn
Nhân lễ giỗ anh hùng Trương Định (20/8/1864 – 20/8/2008) : TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN - Võ Phúc Châu