Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
611
116.722.007
 
Đò Khuya
Nguyễn Lập Em

Ông lão nghẹn ngào rồi nước mắt trào ra. Người đàn ông sáu mươi tuổi không ngờ mình lại mau nước mắt đến vậy. Ông nén lại, nói với người đang đối ẩm cùng ông bên bàn trà. Như vậy mà đã hơn năm mươi năm! Ông lão vẫn cảm thấy rõ ràng nỗi thương cảm trong lòng mình dành cho thầy Bằng vào đêm khuya ấy. Thằng bé chín tuổi, năm ấy, đã bật khóc bởi sự dào dạt của trẻ thơ . Còn ông lão sáu mươi, hôm nay, khóc vì nhiều điều, trong đó có vì mẫu tin trên báo mà ông vừa đọc được. “ Cậu học sinh mười  sáu tuổi đang ngồi lớp chín đã bất ngờ rút dây nịt quất tới tấp vào đầu, vào người thầy giáo chủ nhiệm đang đứng lớp dạy mình. Cậu ta là học sinh cá biệt, thường xuyên quậy phá trường lớp, không chịu học và ngang nhiên ngồi chơi cờ trong lớp lúc thầy đang giảng bài. Để khỏi ảnh hưởng việc học tập của các học sinh khác trong lớp, thầy giáo đã yêu cầu cậu ta rời khỏi lớp. Vậy là cậu ta hùng dũng đi lên bục giảng, đến chỗ bàn thầy đang ngồi và xử sự như một kẻ côn đồ… Thầy giáo đã được đưa đi cứu cấp ở bệnh viện … Và thầy đã khóc khi kể lại việc bị trò hành hung”. Mẫu tin trên báo, tin trên mạng internet… Chuyện có thật trong cuộc sống thời nay ở làng quê, thị xã, thị trấn hay thành phố nào đó của đất nước này hay là chuyện ảo của thế giới ảo nào đó!? Người bạn bưng tách trà, nhấp môi, trầm ngâm . Kết quả, “ cậu học sinh ấy bị kỷ luật bằng hình thức … không cho học tập trong một năm học”. Ông lão lắc đầu, nước mắt lại trào ra.

- Như vậy cũng chẳng để làm gì! Nếu tôi là người thầy ấy, tôi cũng chẳng lấy chuyện kỷ luật trò như vậy mà hả dạ! Nỗi đau nằm ở chỗ khác kia cà!

- Rồi sao?Ý của ông là…

Ông lão như nuốt cục nghẹn xuống:

- Cha mẹ trò ấy đâu, thái độ ra sao trước hành vi của con? Và xã hội nữa… Đó là vấn đề của xã hội, vấn đề của đạo đức, phải không? Có phải, vì sau này, chúng ta đã không cho các em học môn đạo làm người, trong đó có đạo thầy trò?

- Vì vậy mà ông khóc, hả?

Lâu lắm, dòng cảm xúc mới lắng xuống trong ông lão. Ông lão chậm rãi nói:

- Tôi khóc, chỉ vì nhớ thầy giáo cũ của tôi!

 

*

 

Chẳng phải bỗng dưng mà thầy trò Ut Tép bị nhốt giữa đồng tràm mênh mông trong đêm tối mịt. Ay là do Út Tép nẹo thầy Bằng, bắt thầy phải đưa Ut Tép đi  ra chòi câu tìm cha mẹ nó. Ay là vì sau buổi tối dạy, học thêm, bỗng dưng, hôm nay, thằng nhỏ sợ ma, không dám về nhà ở một mình chờ cha mẹ đi giăng câu về khuya như mọi ngày. Tan học xong, ai về nhà nấy cả; Chỉ còn mỗi Út Tép ngồi co ro ở cửa lớp. Người bảo vệ trường đã trao ống khoá cửa lớp cho thầy Bằng hồi đầu giờ. Anh ta nhờ thầy Bằng giúp anh ta khóa cửa lớp vào tối này để anh ta còn phải về nhà sớm mà lo cho đứa con gái nhỏ của mình bị bệnh sốt phát ban. Chuyện khoá cửa lớp sau buổi dạy đêm đâu có khó gì đối với thầy Bằng vì chỗ ở của thầy rất gần đây, là căn phòng cuối góc trường, nơi dành cho giáo viên xa nhà ở tạm tại trường tiểu học vùng sâu này. Nhưng, hiện tại, còn một trò nhỏ ngồi lại kia khiến thầy bận tâm. Thầy Bằng hỏi  trò Tép

- Em đã bây lớn rồi mà còn sợ ma, hả ?

- Mọi lần em hông sợ! Hồi trưa này, lúc đi hái bông súng với thằng Tủn, nó … hù em! Nó nói ở đầu cầu gần nhà em, giác khuya, thường có một con ma da bò lên…

Thầy Bằng nhìn ánh mắt sợ hãi của trò Tép, thấy khó có thể nói để thằng bé hết sợ ma mà về nhà một mình. Thằng bé mới chín tuổi thôi mà!Thầy Bằng bảo sẽ đưa nó về tới nhà. Út Tép lại lắc đầu:

- Em … sợ con ma da lên cầu, lại bò vô nhà em…

- Ba má em đâu?

- Ba má em đi giăng câu ở trong đồng tràm, khuya lắm mới về, có bữa hông về, sáng sớm mới đem cá về chợ bán.

- Trời! Rồi bây giờ, em… sao đây?

- Em hông biết!

- Ở nhà em còn có ai nữa không?

- Dạ hông! Mấy anh chị của em đã có chồng vợ, ra ở riêng, đi làm xa hết rồi!

Thầy Bằng dừng lại, suy tính trong chốc lát:

- Hay là em về phòng của thầy ngủ đỡ, chờ ba má em về…

Út Tép nhìn về hướng căn phòng ở cuối dãy lớp học, vẫn với ánh mắt đầy vẻ sợ sệt. Nó không dám nghĩ là nó lại có thể vô ngủ chung giường với thầy Bằng. Nó sợ…Nỗi sợ không rõ hình tích, lại không giống như sợ ma, mà nó áng chừng như thầy là tiên phật còn nó là ma quỷ. Sao ma quỷ như  nó lại có thể quậy phá chỗ ngủ của thầy? Nhưng thằng bé lại bạo dạn hơn khi nghĩ cách khác. Nó nghĩ, thầy Bằng định đưa dùm nó về nhà thì thầy cũng có thể đưa dùm nó tới chỗ khác được.

- Thầy đưa dùm em vô trại câu, chỗ ba má em, được hông?

- Ở đâu?

- Ở trong đồng tràm, gần xịt, hà!

- Em biết đường đi không?

Út Tép sôi nổi hẳn lên:

- Dạ biết! Dễ ợt, hà !

-  Đêm tối  như vầy, em nhớ đường đi không?

- Dạ nhớ! Tuồng bụng em, à thầy!

Út Tép nhoẽn miệng cười. Thầy Bằng thấy nụ cười đầy tự tin của đứa học trò nhỏ. Vậy mà nó lại sợ ma, mới ngặt!

- Đồng tràm tối hù, em không sợ ma hả?

- Hông đâu, thầy! Ở đó có ba má em, em hông sợ!

Thầy Bằng nghĩ, không còn cách nào khác là đưa đứa trẻ này đến với cha mẹ nó.

- Đi bằng gì vô trỏng?

- Dạ, bơi xuồng!

Thầy Bằng quyết định:

- Vậy thì đi !

Hai thầy trò Út Tép xuống bến nước phía sau trường, lấy xuồng, chiếc xuồng của nhà trường để dành đưa rước học trò trong mùa nước lụt. Út Tép lại giành bơi. Nó tía lia:

- Em bơi xuồng giỏi hơn thầy, à!

- Ờ!

- Thầy ngồi êm ru để em bơi thiệt lẹ, nghen! Nướcđang lớn, mình xuôi vô đồng tràm nhẹ lắm!

- Vậy hả?

- Chỉ sợ con nước ròng, mình bơi ngược, nặng dầm, nghen thầy!

- Vậy hả?

- Vô đây dạy học, thầy mới biết bơi xuồng hả?

- Ờ!

- Em cũng mới biết bơi hồi năm kia, hà! Lúc tập bơi, ba em nói “ Mầy bây lớn mà không lo học bơi cho giỏi, lớn lên làm sao sống, con?”

 

Thầy Bằng không , cũng không vậy hả nữa. Thầy lặng im nghe đứa học trò nhỏ bộc bạch rồi thở dài. Thầy ngẫm nghĩ: Cuộc mưu sinh của người dân ở đây đã khiến đứa trẻ lên chín tuổi giỏi bơi xuồng hơn là học chữ; Còn đứa trẻ này không sợ đồng nước tối mênh mông mà lại sợ tiếng đồn về con ma da không có thật trong cuộc đời. Thầy Bằng lại nhủ, khi nào có dịp, thầy sẽ giảng giải để trò Tép biết là con ma da, theo các nhà khoa học nghiên cứu, chỉ là một loài thủy tộc sống dưới nước; Nó có mặt ở hầu hết các môi trường sông nước, chứ không chỉ riêng ở vùng đầu cầu gần nhà trò Tép; Và chuyện các ngư phủ đánh bắt được chúng là bình thường, chỉ có điều, người ta không gọi tên chúng là ma thôi. Thầy Bằng nghĩ là khi nào có dịp, chứ không phải  là lúc này, vì thầy chắc rằng, lúc này thằng bé đang trong nỗi sợ hãi sẽ càng sợ hãi hơn, nếu nó biết là ở sâu trong nước phía dưới be xuồng và dầm bơi của nó, có thể, đang có một con ma da ẩn náu.

 

*

 

Lúc này, thầy Bằng biết mình đã mắc sai lầm. Hai thầy trò đang ở trong một nỗi bất trắc đáng sợ hơn cả sợ ma. Đồng tràm đang mùa nước nổi lênh đênh, mông quạnh, không một bóng người. Đêm có vẻ đã khuya. Trăng già cuối tháng toả xuống, soi xuyên qua đầu ngọn tràm lắt lay một thứ ánh sáng buồn, mờ ảo. Bóng tràm đen, nhờ nhờ. Mặt nước cũng đen, nhờ nhờ. Sáng, tối không là gì cả! Khốn nỗi là cha mẹ trò Tép đang không có mặt ở trại câu này! Trại câu của cha mẹ trò Tép là một tấm vạt tre được buộc dính với thân bốn cây tràm, phía trên là một tấm liếp lợp bằng lá dừa cũng được buộc dính với thân tràm như tấm vạt bên dưới. Quá ư tạm bợ và quá đỗi cheo leo! Thầy Bằng hình dung, nếu gió thổi tạt mạnh thì tấm vạt và liếp che sẽ tạt ngả theo thân tràm nghiêng ngả. Nhưng đây có phải là chỗ trú ngụ cố định của họ đâu? Đây chỉ là trại câu. Họ chỉ dùng chỗ này để tạm nghỉ lúc đi giăng câu thôi mà! Lúc này đang là lúc mà cha mẹ trò Tép đang lặn lội kiếm sống chứ không phải là lúc họ đang nghỉ ngơi! Biết tìm họ ở đâu trong đêm tối giữa đồng tràm vắng vẻ này? Hay là hai thầy trò lại quay trở về trường? Trời đất à! Sao lúc đi, thầy Bằng đã không nghĩ đến nông nỗi này? Thằng Tép lại không có vẻ gì ân hận về việc đã đẩy hai thầy trò dấn vào nỗi khốn khó hiện tại. Nó sởi lởi đề nghị:

- Mình buộc xuồng, lên trại ngồi đợi, nghen thầy! Chút xíu nữa là ba má em về tới, hà!

Thầy Bằng thở hắt ra. Còn có thể khác hơn được nữa sao? Thì cứ đợi, biết đâu…

Hai thầy trò Ut Tép nằm còng queo trên vạt tre của trại câu giữa đồng tràm, nghe tiếng nước vỗ ì oạp đánh vào thân các gốc tràm, nghe tiếng be xuồng khua lụp cụp khi sóng gió đánh đụng vào vạt sàn. Gió mạnh hơn trong đêm khuya. Vài cánh vạc giật mình, bay lên, cất tiếng kêu lảnh lót trong đêm vắng. Thầy Bằng nằm buồn, nghĩ về sự nông nổi của mình, nhìn lên bầu trời dưới bóng đọt tràm. Thầy đoán, giờ này, có lẽ sao hôm đã lặn và sao mai sắp hiện lên rồi. Còn đứa học trò nhỏ mà thầy Bằng đang cưu mang đã ngủ say, sau khi nó nằm gối đầu lên bụng thầy Bằng mà nói làm xàm đủ chuyện, cả chuyện chữ i, chữ u giống cái lưỡi câu, chữ o giống cái trứng gà, dễ nhớ; Còn chữ w không giống gì cả, khó nhớ. Thầy Bằng phải giải thích là có những bài học không giống gì trong đời sống cả, còn có những bài toán với các hằng số, ẩn số, còn có các định luật, các hình thể với không gian đa chiều…. Thằng bé ngu ngơ, lắc đầu:

- Em hông biết … Rồi em có học được mấy thứ  đó hông, thầy?

- Học được! Em sẽ học được hết những gì mà em muốn học!

- Dễ học như học bơi, hả thầy?

Thầy Bằng lại phải giải thích. Có thể học bơi là dễ, nhưng không phải ai biết bơi cũng đều không chết đuối. Thầy Bằng nói với trò Tép. Khi người ta rơi xuống nước, việc đầu tiên của họ không phải là lo bơi mà là lo làm cho người nổi lên. Trong biển nước bao la, người ta nổi lên được thì mới hy vọng sống còn. Đó là bài học mà lão ngư phủ ở bãi biển Nha Trang đã dạy thầy Bằng, khi thầy Bằng đi sinh hoạt hè hồi thầy còn học ở trường sư phạm. Sao thầy Bằng lại không dạy lại cho trò Tép, đứa học trò nhỏ ở vùng sông nước này, một bài học sống còn thiết thân đến vậy, trước khi dạy cho nó biết những bài học theo chương trình giảng dạy của nhà trường.

 

*

 

“ Tôi là đứa con nhà nghèo, học trễ. Ba má tôi quanh năm suốt tháng quần quật , hết đồng cạn đến đồng sâu, làm lụng nuôi mấy anh chị em tôi. Mùa khô, nắng hạn, ba má tôi trồng lúa, trồng rẫy phải phơi nắng cháy. Mùa mưa, nước nổi lêu bêu, ba má tôi lại dầm mình trong đêm hôm sương gió, có khi còn gặp mưa giông, để giăng câu, đặt lờ, đặt trúm bắt tôm cá, bắt rắn, lươn. Như vậy mà kiếm sống! Thầy giáo tới nhà, năm lần, bảy lượt kêu cho con đi học, ba má tôi mới “ ừ”. Tôi vô học lớp vỡ lòng lúc chín tuổi. Tôi lớn đầu, lại học kém hơn mấy trò học đúng tuổi; Bởi vì mấy trò học đúng tuổi còn nhỏ quá, chưa biết nhiều trò chơi nên chưa ham chơi lắm, lo học theo sự dạy dỗ của thầy; Còn tôi, thời gian chưa đến trường, tôi giong ruổi khắp xóm, khắp làng, chơi  biết bao trò chơi nên ngồi vào lớp học mà tôi cứ lan man mong tan học để về nhà đặng đi chơi, rồi thực hiện bao điều vui thú trẻ thơ mà mình biết được. Vậy là thầy phải xếp tôi vào một trong số học sinh cá biệt, học yếu, và có một chương trình dạy thêm vào ban đêm, để tôi có thể theo kịp sức học của các trò khác trong buổi học chính của lớp vào ban ngày.

 

Hồi ấy, tôi còn nhỏ lắm, chưa biết lo thân. Ba tôi thường mắng tôi “ Thằng ăn chưa no, lo chưa tới”. Vậy mà tôi dụ được thầy Bằng nửa đêm chịu đưa tôi ra đồng tràm, tới chỗ trại câu của ba má tôi! Ay là vì thầy thương tôi, thương đứa học trò nhỏ của mình. Sau này lớn lên, mỗi lần nhớ đến chuyện đêm hôm đó là tôi  ân hận, mặc dù không có điều gì đáng tiếc xảy ra.

 

Thầy Bằng dạy ở trường tôi đến khi tôi học hết tiểu học. Rồi tôi học lên trung học. Nghe nói, sau này, thầy Bằng chuyển đi trường khác dạy. Nghe nói, thầy được về quê, dạy học ở  trường gần nhà thầy, mà tôi chẳng biết chỗ đó là đâu nữa. Đến bây giờ, tôi không biết thầy Bằng còn sống hay đã chết. Thời gian trôi qua đã quá lâu mà cuộc đời này thiệt là rộng mịt mùng, đâu dễ gì tôi biết được tăm hơi! Nhưng … tôi cứ nhớ thầy Bằng hoài, dù lúc đó tôi còn quá nhỏ. Và tôi chắc rằng, dù ở đâu, có lúc, thầy Bằng cũng nhớ tôi với cái đêm hôm đó, mỗi khi thầy ôn lại quãng đời làm thầy giáo dạy học ở vùng sâu của mình. Hạnh phúc là trong cuộc đời, dù trải qua bao nhiêu năm dâu biển, thầy trò còn nhớ nhau…”

 

*

 

Trong khi hai thầy trò nằm co, ôm nhau trong sương, gió lạnh trên vạt tre của trại câu thì cha mẹ Út Tép về đến. Đôi vợ chồng lam lũ hơ hãi, xót xa trước tình cảnh của hai thầy trò. Họ chắc lưỡi, xuýt xoa. Cũng may là họ trở về trại để thăm câu ở khu vực này, chứ không giong xuồng về thẳng trong xóm như các đêm trước. Thằng Tép bị cha mẹ của nó rầy vì tội nó đã bắt thầy Bằng đưa nó ra đến tận đây trong đêm tăm tối. Đứa trẻ chỉ biết phụng phịu, phân bua:

- Tại vì con sợ ma!

Người cha bậm môi, nạt con:

- Ma gì mà sợ! Mày khiến… ông thầy cực khổ, hà!

Ông lại quay sang, bảo vợ:

- Má thằng Tép bắt mấy con cá lóc bự cho ông thầy đem về, sáng mai, nấu ăn!

Thầy Bằng khoát tay, lắc đầu, bảo vợ chồng họ đừng bắt cá cho mình, để sáng mai họ đem về chợ bán kiếm tiền mà lo cuộc sống của gia đình. Rồi thầy Bằng xuống xuồng, tháo dây buộc, lo trở về trường. Thầy ngước nhìn không trung dưới vòm lá tràm, hít một hơi mạnh như để lấy sức mà đi đường. Có vẻ, đêm đã khuya lắm! Sương lạnh hơn! Gió lao rao, có vẻ, mạnh ngọn hơn! Thầy Bằng buông dầm xuống nước. Út Tép bất chợt đứng lên, nhào ra mép vạt tre, nhóng theo thầy Bằng:

- Thầy ơi! Thầy!

Thầy Bằng đã bơi mấy dầm, nghe tiếng Ut Tép gọi, ghìm tay lại, ngó ngoái về phía trại câu của cha mẹ Út Tép, ngỡ là mình còn quên điều gì. Ut Tép đã khóc, gào lên, kêu cha nó:

- Ba ơi! Đường tối lắm,vắng lắm, xa lắm! Thầy con bơi xuồng hông giỏi đâu! Ba theo đưa thầy con đi! Ba đưa đò thầy con đi!

Rồi Út Tép đứng trên vạt tre, khóc hu hu. Tiếng khóc của đứa học trò nhỏ vang vang, trong đêm đồng tràm mùa nước nổi, lan tỏa, lan tỏa… lay động ba trái tim đang đập nhịp bất thường của cha mẹ nó và của thầy giáo Bằng. Cha Út Tép  như tỉnh hồn, cập rập gọi:

- Thầy ơi! Đợi chút!

Thầy Bằng dừng lại, trong khi cha Út Tép hối vợ:

- Má thằng Tép gom đồ về, lẹ! Bữa nay mình nghỉ sớm… đặng đưa thầy giáo về trường!

Đêm ấy, nửa khuya, sương lạnh, gió đã bắt đầu thổi lớn. Hai chiếc xuồng, một bơi phía trước là của thầy giáo Bằng, một bơi phía sau là của gia đình trò Tép, ngược nước lớn về bờ

 

*

 

Ông lão đã lau khô nước mắt. Ông mĩm cười, với sự đắc chí của riêng mình mà người bạn bên bàn trà không thể nào hiểu ý. Ông lão bưng tách trà lên, nhấm nháp và ngẫm nghĩ. Thầy Bằng, nếu còn sống, đã thọ gần tám mươi. Ông lão chắc rằng thầy của ông sẽ không thể nào hình dung được. Trò Tép nghịch ngợm, học kém, thiếu tự tin, sợ ma của năm xưa bây giờ đã là ông lão ở tuổi sáu mươi , đã trải qua biết bao cảnh đời gian nan và cũng đã học hỏi được nhiều điều thú vị trong đời. A! Nếu như ông lão này còn có thể gặp được thầy Bằng, ông sẽ sung sướng khoe với thầy:

- Thầy thấy không,  em còn có thể học để mở ra một không gian ảo, một thế giới ảo… như bọn trẻ thời hiện đại này. Thầy lướt Web được không? Nếu được, thầy sẽ gặp lại em và thầy trò mình sẽ cùng viết trang viết này về chuyện hồi năm xửa, năm xưa!./.

Nguyễn Lập Em
Số lần đọc: 2932
Ngày đăng: 02.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bút Lạc Dòng - Kha Tiệm Ly
Hoạt Cảnh - Kinh Dương Vương
Thiền Tăng Và Tôi - Đặng Kim Côn
Yellow (*) - Vũ Lập Nhật
Ngày Trọng Đại - Kinh Dương Vương
Giong Quê - Trần Yên Hòa
Hoa Lưng Chừng Núi - Ngô Thị Ý Nhi
Dáng Núi - Nguyễn Minh Phúc
Jesse - Nguyễn Hồng Nhung
Chim gáy sau vườn - Phùng Nguyễn