Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.408 tác phẩm
2.747 tác giả
366
116.846.094
 
TRUYỆN TÌ BÀ của NGUYỄN BÍNH 3
Nguyễn Bính

1290.     Chén đâu hợp cẩn, cung tỳ [275] lương duyên,

Nắng hồng đã tỏ gương sen,

Ðộng phòng sực nhớ mùi hương động phòng.

Song song đấy vợ đây chồng,

Say sưa đắp những đường vòng cánh tay.

Lời thề như thể hát hay,

Muốn đem tài sắc dựng ngay nhà vàng.

Ái ân thiếp thiếp chàng chàng,

Ðắm say đến nổi không màng công danh.

Nửa đêm vấn lại tóc xanh,

 

1300.     Ðưa chồng đây chốn Trường đình là đây.

Người đi ngót một thu nay...

Ôi! Ngày xưa chỉ là ngày ngày xưa!

Bao giờ nói đến bây giờ,

Có như cả một bài thơ nảo nùng.

Nghĩ câu phận gái chữ tòng [276],

Ðầu tang [277] tóc rối tìm chồng phương xa.

Cũng liều đất khách xông pha,

Mai đây thân phận rồi ra thế nào.

Ngại ngùng bước thấp bước cao,

 

1310.     Mắt xanh lệ ứa, má đào châu sa.

Ngổn ngang rừng khổ rừng già,

So le đường thẳng cùng là đường cong.

Xạc xào chợ vẫn bên song,

Tiều phu khói củi, mục đồng thân trâu.

Ðò ngang cắm lẻ bến sầu,

Chiều đông trời cũng ngả màu biệt ly.

Mái tranh khói nổ sắc chì,

Bộ hành đã tắt người đi sang cầu.

Chàng ơi! Chàng ở về đâu,

 

1320.     Xa xôi có rõ tình nhau thế này.

Khi xưa đôi lứa sum vầy,

Bây giờ ra kẻ ăn mày ăn xin.

Ðây không gạo lẻ quan tiền,

Mà trong lòng cái ưu phiền chan chan.

Ví mà chàng đã cao sang,

Còn thương đến kẻ cơ hàn nay không?

Nhớ chăng tình nghĩa vợ chồng,

Nhớ chăng lời hẹn hoa phòng đêm xưa [278].

Mây đùn trời lập cơn mưa,

 

1330.     Ngũ Nương tìm chốn ngủ nhờ qua đêm.

Năm canh gan héo ruột mềm,

Năm canh mưa rỏ nát thềm nhà ai.

Sáng sau chẳng quản đường dài,

Lại bơ vơ lại lạc loài lại đi.

Thấy đâu đình đám hội hè,

Rẽ vào đàn hát giở nghề kiếm ăn.

Trường An đâu phải đường gần,

Hồng nhan [279] còn phải phong trần [280] bao nhiêu.

Tha hương lội suối băng đèo,

 

1340.     Người đi chỉ bóng cùng theo với người.

Tì bà ai oán vì ai,

Nước non lặn lội xa khơi tìm chồng.

Nắng mưa dầu dãi má hồng,

Ðắng cay chà xát tấm lòng xuân tơ.

Ðường trần khăn gói gió đưa,

Tiền rơi thiên hạ cơm thừa người ta.

Suối vàng mẹ mẹ cha cha,

Ngờ đâu thân phận con ra thế này.

Thành xiêu cờ đổ bóng gầy,

 

1350.     Bên sông gấp gấp tiếng chày giặt sa [281].

Mưa bay đồi núi phai nhòa,

Tiếng chuông sơn tự [282] canh gà ải quan.

Ðôi vườn cúc nở mơ màng,

Hiu hiu dãi một sắc vàng buồn tênh.

Ngang đường quán rượu chênh vênh,

Long đong vó ngựa trôi nhanh xuống đồi.

Xóm làng rải rác nơi nơi,

Lụa người người dệt, con người người ru.

Thị thành cát bụi bay mù,

 

1350.     Ngổn ngang một lũ công tù đào sông [283].

Dần dà đã hết mùa đông,

Cỏ cây e ấp giữa lòng lá non.

Xuân về khắp cả giang sơn,

Ðỏ hây cửa cũ, xanh rờn lầu xưa.

Ðón xuân thiên hạ nhởn nhơ,

Leo đu ngoài nội [284], đề thơ trong đình.

Xôn xao gái tốt trai lành,

Thương ôi! Tiều tụy một mình Ngũ Nương.

Hỏi thăm từng một độ đường,

 

1370.     Bao lâu rồi chẳng đến Trường An cho.

Lem nhem mặt bụi mày tro,

Mắt thơ kém biếc má thơ nhạt đào.

Ðêm sương ngày nắng từ bao,

Ốm o thục nữ [285], xanh xao liễu bồ.

Gặp kỳ nguyên đán [286] bấy giờ,

Ngũ Nương rán sắm đủ đồ hương hoa.

Treo tranh lên một gốc đa,

Lại quay về hướng quê nhà phương đông:

“Có thương con trẻ long đong,

 

1380.     Phù [287] cho gặp được mặt chồng nay mai.

Dù chàng ăn ở đơn sai [288],

Cũng xin chẳng dám nửa lời làm chi.

Hay hèn đành thói nữ nhi,

Lỡ ra thôi có tiếc gì thân con.

Cốt sao tình hiếu [289] vuông tròn,

Cốt sao giữ tấm lòng son vẹn toàn.

Giàu sang cũng thể nghèo nàn,

Chết đi cũng đến hai lần tay không!”

Tử phần [290] rỏ lệ ngùi trông,

 

1390.     Ðường xa dặm thẳng cỏ bồng lại bay.

Lần hồi đàn hát đó đây,

Mùa xuân hết chín mươi ngày như chơi.

Nắng lên đã chói quê người,

Tiền sen [291] đã đúc xanh tươi mặt hồ.

Nghe đồn sắp đến kinh đô,

Ngũ Nương lòng những nửa lo nửa mừng,

Phần lo duyên phận nửa chừng,

Tay nâng chén muối đĩa gừng nhớ quên [292]?

Phần mừng mai mốt Trạng nguyên,

 

1400.     Tha hương gặp gỡ vợ hiền thủy chung.

Bấy lâu cách mặt xa lòng,

Mẹ cha đã khuất mà chồng chẳng hay.

Chàng nên danh phận dường này,

Mồ hai thân đã mọc đầy cỏ xanh.

Biết bao công đức sinh thành,

Làm con phải nhớ lấy tình mẹ cha.

 

*

 

Trống chiêng rộn rã nẻo xa,

Dường như ở đó người ta hội chùa.

Ngũ Nương thân thể mỏi rừ,

 

1410.     Lòng suông [293] từ sáng đến giờ chưa ăn.

Tìm đường cố gắng dừng chân,

Rẽ vào đàn hát qua lần lấy no.

Ðến nơi quả thực hội chùa,

Thiện nam tín nữ [294] đông như kiến đàn,

Ngũ Nương cất nhẹ tiếng vàng,

Dạo lên một khúc đoạn tràng [295] quen tay.

Tiếng đàn đậm nhạt mây bay,

Nhặt thưa gió quyện vơi đầy triều âm [296].

Bỗng không vò võ cung Hằng [297],

 

1420.     Bỗng không nổi sóng đất bằng cung Ngô [298].

Bỗng không cát trắng đất Hồ [299],

Bỗng không nước đục đôi bờ sông Ngân [300].

Như xa thôi lại như gần,

Cao dần lại thấp, thấp dần lại cao.

Hát rằng: “Chín chữ cù lao [301],

Làm con phải trả thế nào hỡi ai!

Con nuôi cha mẹ kể ngày [302],

Mà công cha mẹ xem tày bể non [303].

Thiếp tôi mười sáu tuổi son,

 

1430.     Vợ chồng sum hợp mới tròn hai trăng.

Chồng tôi ứng thí Tràng An,

Sớm trông chiều ngóng đã tàn thu đông.

Phận nuôi cha mẹ thay chồng,

Dám đâu quì hoắc [304] trái lòng hôm mai.

Ðỗ xanh mọc kín bãi rồi,

Một năm đằng đẵng chồng tôi không về.

Một mình cấy mướn may thuê,

Gặp năm kém đói giữa khi thanh bần.

Lấy gì phụng dưỡng hai thân,

 

1440.     Mẹ cha lại bỏ cõi trần mà đi.

Ðau lòng tử biệt sinh ly,

Mồ công [305] cố đắp quản gì một thân.

Một tờ tranh, một cây đàn,

Ði hành khất tới Tràng An tìm chồng.

Biết rằng có gặp nhau không,

Biết rằng gặp có một lòng như xưa.

Thôi thì thân gái hạt mưa [306],

Vũng lầy giếng ngọt cũng chờ người ta.

Nửa năm bỏ cửa bỏ nhà,

 

1450.     Nằm gai nếm mật đường xa dặm dài.

Lòng này than thở cùng ai,

Chàng ơi! Sao chẳng đoái hoài quê hương?

Hay gì lưu lại bốn phương,

Nhớ câu ‘phụ mẫu tại đường’ [307] hay quên?

Hay là bầu rượu nắm nem,

Mảng vui quên hết lời em dặn dò.

Dù chàng phú quí kinh đô,

Mà hai thân đã yên mồ từ lâu.

Vậy thì chín chữ cù lao,

 

1460.     Chàng ơi! Trả đến kiếp nào cho xong?”

Tay run giọng yếu não nùng,

Người nghe ai cũng chạnh lòng rơi châu.

Còn đương giọng ướt tỏ sầu,

Tiếng cờ rộn rã từ đâu tiến vào.

Mọi người nhớn nhác xôn xao,

Dạt ra nhường lối võng đào [308] kiệu hoa [309].

Vợ chồng quan Trạng tân khoa,

Hiệu còi dọn bước, tiếng loa dẹp đường.

Ngũ Nương đứng nép bên đường,

 

1470.     Trông lên thật đã rõ ràng, than ôi!

Xa nhau mới một năm trời,

Người ngồi trên kiệu phải người đâu xa.

Người ngồi trên kiệu trông ra,

Giật mình nhận thấy để mà quay đi.

Võng sau vây kín nữ tì,

San hô cẩn bánh, lưu li buông mành.

Ngũ Nương ngờ cả mắt mình,

Hỏi người bên cạnh xem hình thực hư.

Người rằng: “Con rể Thái sư,

 

1480.     Vợ chồng ý hẳn vào chùa hành hương [310].”

Nàng rằng: “Tôi kẻ viễn phương,

Xin cho được biết tỏ tường họ tên.”

Người rằng: “Ðệ nhất uy quyền,

Ông này vừa đỗ Trạng nguyên năm rồi.

Chính tên là Thái Bá Giai,

Rể quan Thừa tướng ai mà không hay!”

Ngũ Nương nghe hết lời này,

Ruột gan thắt quặn, mặt mày tối tăm.

Thôi thôi thôi chẳng còn nhầm,

 

1490.     Ðứng đây nào có phải nằm chiêm bao?

Bây giờ chức trọng quyền cao,

Vợ, con Thừa tướng, ai nào nhớ ai?

Hỡi ơi! Ðược cá quên chài,

Ðược cây quên búa, được người quên ta.

Ðược rày quên mẹ quên cha,

Ðến như phụ mẫu nữa là phu thê.

Khi xưa nói nói thề thề,

Bây giờ bẻ khóa trao chìa cho ai.

Duyên mình đến thế thì thôi,

 

1500.     Cam thân nghèo khổ mặc người giàu sang.

Nhất tâm [311] bỏ nghĩa quên vàng,

Công hầu [312] khanh tướng [313] cũng bằng vứt đi.

Ðã lầm một chữ vu qui,

Thân này thôi dám hận gì đến ai!

Uổng đời quần vải thoa gai [314],

Qua đường hờ hửng con người ăn xin.

Nàng bèn cắn ngón tay tiên,

Giở tranh cha mẹ viết lên vài giòng:

“Tôi là Ngũ Nương họ Triệu,

 

1510.           Quê ở quận Trần Lưu,

Vợ chồng hai tháng mới cùng nhau,

Nam Bắc đôi nơi đà [315] cách rẽ,

Phận là gái vì chồng nuôi bố mẹ,

Nhà thì nghèo nhiều nỗi đáng thương tâm.

Khi dưỡng sinh ăn cám để nhường cơm,

Lúc tống tử lo ma mà cắt tóc.

Lòng thiếu phụ tơ vò chín khúc,

Mồ công cố tay đắp hai ngôi.

Khúc Tì bà ai oán vì ai,

 

1520.     Nước non lặn lội xa khơi tìm chồng.”

Nàng tìm đến chốn trai phòng [316],

Ðưa tranh quì lạy sư ông mấy lời:

“Từ bi người hãy vì tôi,

Dâng tranh này tới mặt người Trạng nguyên.

Dù ngài có hỏi căn duyên [317],

Xin ngài đừng có nói thêm lời nào.”

Trường An xe ngựa xôn xao,

Phơi đầy gấm vóc chất cao bạc vàng.

Vui rực rỡ, sướng huy hoàng,

 

1530.     Cái giàu vô tận, cái sang vô cùng.

Bỏ quên đây cái thủy chung,

Bỏ quên đây một tấm lòng bơ vơ.

Nàng đi trong bóng chiều mờ,

Nàng đi trong tiếng chuông chùa ngân nga.

Nàng đi với chiếc Tì bà,

Nước non thôi hết ai là tri âm [318].

Nàng đi từng bước âm thầm,

Ðầu xanh tóc ngắn, áo chàm màu tang.

Nàng đi hạc nội mây ngàn [319],

 

1540.     Bóng đêm vùi lấp bóng nàng rồi thôi.

Chập chờn ánh lửa ma trơi,

Từ nay thực có một người bị quên.

Sang sông trót lỡ chuyến thuyền,

Tiếng Tì bà có nổi lên lần nào!

Hay là huyền tuyệt diệu cao [320],

Nghìn thu chẳng để lọt vào giai nhân.

 

*

 

Từ khi lạc với cây đàn,

1550.        Chẳng còn ai thấy bóng nàng Ngũ Nương.

 

Chú thich

 

[1] Lá cờ vẽ hình sao Bắc đẩu, gồm bảy ngôi sao, dùng để chỉ huy sự biến hoá của thế trận Thiên Cương Bắc Ðẩu.

[2] Vàng có sức mạnh nói cho người ta nghe, sự ham muốn tình ái sắc như kiếm.

[3] Nối dõi và lo việc phụng thờ cha mẹ.

[4] Các sách về lịch sử và ngũ kinh, tứ thư học trò xưa phải học để đi thi.

[5] Ðứa trẻ có năng khiếu khác thường, đặc biệt rất thông minh.

[6] Ðọc thông số sách chồng đủ cao bảy thước, thuộc lòng số sách đủ chở năm xe.

[7] Người thi đậu Cử nhân hoặc Tiến sĩ ngày xưa.

[8] Lão ô; phượng sồ. Lấy từ câu: “Lão ô bách tuế bất như phượng hoàng sơ sinh” ý nói : Quạ già trăm tuổi không thể sánh với phượng hoàng mới sinh.

[9] Khoanh tròn bằng mực đỏ, phê những bài văn hay.  Ý nói mọi sự tốt đẹp.

[10] Ðiều tốt lành do trời ban cho.

[11] Mẹ thầy Mạnh Tử, nổi tiếng mẹ hiền, biết dạy dỗ con nên người.

[12] Người đời Hậu Hán, nhà giàu, lấy chồng dân giả.  Bà ăn mặc như người bà nghèo, theo chồng làm ruộng vườn với chồng và luôn luôn kính trọng chồng.

[13] Bả rượu và tấm mẳn, còn gọi là tào khang.  Ý nói vợ chồng ăn ở đạm bạc mà khăng khít với nhau.

[14] Ðá với vàng; dùng để ví sự bền vững, gắn bó trong quan hệ tình cảm, thường là giữa vợ chồng.

[15] Sinh: người đi học.  Thái Sinh, Lưu Sinh: Người học trò họ Thái, họ Lưu.

[16] Vách làm bằng thân cây trúc, rèm có sơn vẽ hay thêu hình bông lan.

[17] Ải vắng.

[18] Ðàn kiểu cổ có bốn dây, hình quả bầu, mặt phẳng, cổ dài.

[19] Chung Tử Kỳ, người tiều phu thưởng thức được tâm sự trong tiếng đàn của quan Thượng đại phu Bá Nha, đời Tống.  Một năm sau, Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn, thề không bao giờ gảy nữa.

[20] Bóng mặt trời.

[21] Nhớ nhung.

[22] Cây ngô đồng.  Thứ cây này mỗi mùa thu đến thì lá rụng tơi tả.  Lấy ý từ hai câu thơ cổ: Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu, (Một lá ngô đồng rụng, thiên hạ biết thu về.)

[23] Vi vu.

[24] Tổ bằng tơ của một số loài sâu bướm dệt ra để ẩn lúc hoá nhộng.

[25] Cây liễu đỏ, thường gọi là mimosa.

[25] Nơi tiên ở; ý nói nơi cảnh đẹp có người đẹp ở.

[27] Người đàn ông có tài, thường dùng với chữ giai nhân (người đàn bà đẹp).

[28] Mới bắt đầu vào mùa thu.

[29] Người học trò thuở trước.  Người thanh niên có dáng mảnh khảnh yếu ớt như học trò.

[30] Buồng dán giấy đỏ, dành cho thiếu nữ ở.

[31] Mặt trắng như phấn.  Ý từ câu “Bạch diện thư sinh” (học trò mặt trắng).  Học trò chưa đỗ đạt, chưa có chức phận.

[32] Má đỏ hồng như hoa đào; chỉ phụ nữ đẹp.

[33] Tơ hồng và thư bằng giấy đỏ. Ýù nói muốn gởi thư tỏ tình để se duyên.

[34] Mây chiều nắng sớm.

[35] Người học trò nghèo.

[36] Còn gọi là Thường Nga, hay Chị Hằng; vợ của Hậu Nghệ.  Hậu Nghệ xin được thuốc trường sinh của Tây Vương Mẫu, Hằng Nga lấy trộm, uống vào, bay lên cung trăng ở, mãi mãi không già không chết.  Người ta thường cho là Hằng Nga rất đẹp.

[37] Quả núi rất cao thuộc huyện Thiên Thai tỉnh Triết Giang bên Tàu, tương truyền có tiên ở.  Ðời Hán, ngày Ðoan Ngọ, Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào Thiên Thai hái thuốc thì gặp hai thiếu nữ.  Hai chàng ở lại sống chung nửa năm mới trở về đến nhà, hoá ra đã trải qua bảy đời.  Nghĩa bóng của Thiên Thai là cảnh quá đẹp khiến người ta say mê.

[38] Bàn chân mang hài; thường dùng chỉ bước chân của phụ nữ.

[39] Ủ dột.  Cầm tới sách là lòng buồn.

[40] Mất thời gian kéo dài mà công việc không đâu vào đâu.

[41] Cuộc yêu đương.

[42] Ðàn ông, con trai, thường nhấn mạnh về chí khí, về tính mạnh mẽ.

[43] Trao đổi trâm và quạt để ước hẹn, thề nguyền sẽ kết duyên.

[44] Lận: nhiều về số lượng hoặc thời gian, thường dùng để tỏ ý ngạc nhiên.

[45] Sợi chỉ của nước Tấn se chung với sợi tơ của nước Tần. Ý nói việc kết hôn.

[46] Chỉ người học trò, thường mặc áo xanh.

[47] Quãng đường dài.

[48] Cửa sổ.

[49] Hai cửa sổ chứa đầy ánh trăng và bốn phía thềm đầy hương hoa.

[50] Sống cô độc, không giao du với người khác.

[51] Cha và mẹ.

[52] Lụa màu hoa đào, ví với thiếu nữ.  Lấy ý từ câu ca dao: Thân em như tấm lụa đào, Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

[53] Chân son, gót son, của thiếu nữ không phải làm việc nặng nhọc.

[54] Ngày rằm trăng tròn.  Ý nói mười lăm tuổi.

[55] Tự ý xin thôi không làm quan nữa.

[56] Lời tâu khẳng khái, thẳng thắn, trung thực.

[57] Chim hạc.  Thường ví với tuổi thọ, và dùng làm lời chúc sống lâu, vì theo truyền thuyết, chim hạc sống lâu ngàn năm.  Hạc vàng: Kim hạc; ý chỉ cha mẹ lớn tuổi.

[58] Cha lẫn mẹ cùng lìa đời.

[59] Của cha mẹ để lại, dùng để mưu sinh và cúng tế cha mẹ.

[60] Dây đàn buồn.

[61] Chuyện lương duyên vợ chồng.

[62] Theo đạo Phật, quan hệ tình duyên ràng buộc tựa như nợ nần, được định sẵn từ kiếp trước.

[63] Cha mẹ.

[64] Nghiên và bút; ý chỉ việc học hành.

[65] Sớm tối. Ý nói chăm sóc cha mẹ, hôm sớm hỏi han.

[66] Thông gia, sui gia. Vai đối nhau giữa cha mẹ rể và cha mẹ dâu.

[67] Ham thích thái quá.

[68] Nạp thái: sau khi hai bên đã nghị hôn, nhà trai nhờ người mai mối đem danh thiếp và một cặp chim nhạn hay ngỗng tới nhà gái, tỏ ý muốn làm thông gia. Vấn danh: lễ trao đổi tờ ghi tên họ trai gái; thuộc trong sáu lễ của hôn nhân: Nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ, thân nghinh.

[69] Ðèn sáp, đèn cầây.

[70] Họ Châu và họ Trần ở Trung Hoa, đời đời làm thông gia với nhau.

[71] Lễ hai vợ chồng uống chung một chén rượu trong đêm tân hôn, theo phong tục ngày xưa, gọi là giao bôi.

[72] So sánh.

[73] Tình duyên tốt đẹp.

[74] Phượng đậu cành ngô.  Do câu “Phượng phi ngô bất thê”: chẳng phải cành của cây ngô đồng thì chim phượng không đậu. Ý nói vợ chồng rất xứng đôi vừa lứa.

[75] Cát đỏ màu son. Sulfur thủy ngân kết tinh thành hạt đỏ như máu, màu đỏ tươi, rất độc, thường dùng làm chất màu hoặc làm thuốc.

[76] Mười hai hạng người trong xã hội, sang hèn khác nhau mà dù muốn hay không, mỗi người con gái đều phải lấy một người để làm chồng. 1. Sĩ: học trò; 2. Nông: người làm ruộng; 3. Công: người thợ; 4. Thương: người buôn bán; 5. Ngư: người đánh cá; 6. Tiều: người đốn củi; 7. Canh: người trồng tỉa; 8. Mục: người nuôi súc vật; 9. Công: quan có tước công; 10. Hầu: quan có tước hầu; 11. Bá: quan có tước bá; 12. Tử: quan có tước tử.

[77] Cũng như Duyện nợ ba sinh.  Lấy ý từ câu: Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn, nghĩa là, người có duyên số là có nợ nần với nhau thì viết tên lên hòn đá để kiếp này không trả được thì kiếp sau phải trả, đến ba kiếp mà không trả được thì mới thôi.

[78] Người có đức biết cai quản việc nước và biết ăn ở với cha mẹ anh em trong nhà. Người bụng dạ rộng rãi, khoan dung, đối xử tốt với mọi người.  Ở đây là tiếng người đàn bà gọi người đàn ông một cách tôn kính.

[79] Lòng dạ của mình.

[80] Lấy chữ từ câu 'Bách niên giai lão', nghĩa là cùng sống với nhau trăm tuổi. Thường dùng làm lời cầu chúc.

[81] Phấn và nước hoa. Vật điểm trang của phụ nữ.

[82] Con đường học hành tới nơi tới chốn rồi đỗ đạt làm quan.

[83] Lỡ gặp khi mất mùa, túng thiếu.

[84] Một sự cố xa xôi, không thể nào xảy ra. Ðây là lời thề bồi khi yêu đương, nguyện ăn ở với nhau cho tới chết.

[85] Tình nghĩa gắn bó khăng khít giữa vợ chồng.

[86] Cô dâu mới.

[87] Răng trắng và đều như hạt cây lựu.  Môi hồng như hoa đào.

[88] Rượu nho, gốc Bồ đào nha; chén lấp lánh ánh sáng.  Lấy ý từ bài thơ Lương Châu Từ của Vương Hàn đời Ðường: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, Dục ẩm tì bà mã thượng thôi”: Rượu bồ đào ngon đựng bằng chén dạ quang.  Uống nhanh đi, rồi lên yên ngựa, nghe vang tiếng đàn tì bà.

[89] Chung vui với nhau trong đêm động phòng.

[90] Lâng lâng vì men rượu.

[91] Loan: chim phượng mái.

[92] Cảnh thanh bạch, sống trong sạch, nghèo nhưng không để cho giàu sang cám dỗ.

[93] Hết hai tháng.

[94] Chữ dùng để chỉ Kinh đô của nước Tàu thời Tây hán (nay ở tỉnh Thiểm Tây).  Về sau, dùng theo nghĩa rộng để chỉ chốn kinh đô.

[95] Cây quế trên thềm cung vua ra hoa, chỉ điềm tốt.

[96] Khoa thi đặc biệt của  nhà vua tổ chức cho sĩ tử ngoài các thời hạn thi cử thông thường cứ mỗi ba hoặc năm năm một lần.

[97] Học trò đi thi.

[98] Thi hương lấy tú tài và cử nhân, thi hội thi đình lấy tiến sĩ.

[99] Bảng vàng, ghi tên người đậu.

[100] Từ tích cá chép nhảy vượt vũ môn hoá rồng, ý nói thi đậu.

[101] Chiếu viết chữ đỏ, đóng triện son của vua.

[102] Lên đường.

[103] Chí khí giang hồ, bươn chải của kẻ làm trai (do chữ tang bồng hồ thỉ là cây cung làm bẳng gỗ dâu và mũi tên làm bằng cỏ bồng).

[104] Khỏi bỏ công.

[105] Ðỗ đạt nổi danh.

[106] Buồng riêng của phụ nữ, phòng khuê, khuê phòng.

[107] Vẻ vang trở về.

108] Bảng hay phiến ván mỏng có đóng khung, khắc chữ hoặc dán giấy đề chữ to.  Biển và cờ ở đây do vua ban cho người mới thi đỗ.

[109] Người không có họ hàng thân thích với mình.

[110] Ðức Khổng Tử.

[111] Cá gặp nước, rồng gặp mây; ý nói gặp vận hội.

[112] Bán đứt, không điều kiện.

[113] Tiên cảnh, nơi bậc thần tiên ở. Ý nói nơi sung sướng thong dong, thường được người đời ao ước lên tới sau khi chết.

[114] Xúc động vì ơn nghĩa, tình nghĩa.

[115] Người đổ đầu kỳ thi đình ngày xưa.

[116] Rất nặng và rất cao, không thể coi thường.

[117] Ơn cha mẹ sinh ra và dạy dỗ cho nên người.

[118] Cái nghiệp và cái duyên, việc gây ra và việc phải hứng lấy.

[119] Loại ngựa quí, có bộ lông xanh đậm, dẻo dai và chạy nhanh.

[120] Ði qua các cửa ải.

[121] Tổ tiên trong dòng họ.

[122] Lễ cầu xin bốn hướng cho đi đường bình an.

[123] Có nhiều may mắn, làm việc gì cũng dễ dàng.

[124] Thú vui tại kinh đô của vua chiêu đãi người mới thi đậu Tiến sĩ (chiếm bảng rồng).

[125] Ðèo ải núi non. Ý nói đường xa xôi cách trở.

[125] Vàng và đá, hai loại khoáng vật dẻo và cứng; ý nói tình yêu bền vững.

[126] Nói khái quát các vị thần linh.

[127] Vẹn toàn.

[128] Bảng vàng ghi tên những người đậu tiến sĩ, còn gọi là bảng rồng. Ðầu xanh là tuổi còn trẻ.

[129] Lấy ý trong bài Khuê Oán của Vương Xương Linh, đời Ðường: “Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu, Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu. Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc, Hối giao phu tế mịch công hầu.”  Phương Ðình dịch: “Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu, Ngày xuân trang điểm bước lên lầu.  Ðầu đường chợt thấy màu tơ liễu, Ân hận khuyên chồng kiếm ấn hầu.”

[130] Vó ngựa.

[131] Lúc ra đi.

[132] Ðời Tần, nước Tàu cứ mười dặm thì đặt một nhà trạm cho khách bộ hành ngồi nghỉ, gọi là trường đình, cứ năm dặm đặt một nhà trạm gọi là đoản đình. Trường đình còn là nơi người ta ghé lại khi tiễn đưa nhau.

[133] Phan An, cũng gọi là Phan Nhạc. Nổi tiếng đẹp trai. mỗi khi ra đường, con gái chạy theo đùa bỡn, ném hoa quả đầy xe.

[134] Chim phượng mái.

[135] Ánh sáng đẹp, ánh nắng.

[136] Sân của Lão Lai tử, người thời Xuân Thu, nổi tiếng là con có hiếu, 70 tuổi rồi mà còn giả chơi trò trẻ con cho cha mẹ vui.

[137] Vợ chưa có con.

[138] Phấn giồi mặt nhờ tiền của vua phát mà có; lộc vua, lương tiền lãnh được của triều đình.

[139] Thi rớt.

[140] Lòng cô độc, một mình mình biết.

[141] Ðường vắng vẻ, đáng sợ.

[142] Yên lặng và hoang vắng.

[143] Vùng đất hoang, rộng, nhiều cây cối rậm rạp.

[144] Yên mình trên ngựa mà đi.

[145] Gió làm rét và khổ.

[146] Tìm kiếm chức cao quyền trọng.

[147] Công phu học hành để làm nên sự nghiệp nổi tiếng tốt với đời.

[148] Khoa cử.  Ðổ đại khoa, tức là tiến sĩ ngày xưa. Xem chú thích bài thơ Khuê Oán.

[149] Ăn cơm khi trời chưa sáng để kịp đi làm việc.

[150] Lòng son sắt, chung thủy.

[151] Lời ăn tiếng nói dịu dàng.

[152] Từ giã.

[153] Cây liễu và cỏ bồ, loài thảo mộc yếu mềm. Ý chỉ đàn bà con gái.

[154] Lấp.

[155] Nước Việt và nước Tần; chỉ sự xa cách muôn đặm.

[156] Chuông chùa đánh sáng sáng chiều chiều; trống (hay chiêng) trên cửa thanh đánh lúc chặp tối sau khi đã kiểm tra không còn người khả nghi.

[157] Bút làm bằng lông thỏ.

[158] Nét chữ rất đẹp, còn hơn rồng bay phượng múa.

[159] Ngâm lớn giọng, sang sảng.

[160] Còn trong sạch, mới mẻ.

[161] Cố ý rán thêm chút nữa.

[162] Nhìn từ xa.

[163] Khác thường tới mức làm ngạc nhiên.

[164] Thanh tao, thanh tú, thanh mảnh.

[165] Chốn kinh đô.

[166] Vào đền vua.

[167] Tượng trưng cho vua.  Ý nói đức vua đích thân ra đề và chấm thi đình.

[168] Người đổ đầu thi đình cấp tiến sĩ, hay còn gọi là ông Nghè.

[169] Vẻ vang, nổi tiếng, như mây gặp gió.

[170] Tiệc đêm.

[171] Xem hoa ở vườn Ngự uyển trong Tử Cấm thành là nơi vua ở.

[172] Mới thi đậu.

[173] Học trò.

[174] Chức quan dưới chức thượng thư (bộ trưởng) hai bậc.

[175] Còn ở tại kinh đô.

[176] Thang bằng dây mây để trèo lên mặt thành.  Nghĩa bóng: Cuộc thi đổ của người đi thi (hân hoan nhẹ nhàng như mây đưa lên trời).

[177] Tình nghĩa gia đình và làng xóm.

[178] Giới làm quan.

[179] Cây đào và cây lý, chỉ người tài đức.  Ngồi chung mâm với người tài đức.

[180] Mời nhau uống rượu.

[181] Leo núi từ sáng sớm, dạo chơi thâu đêm

[182] Cây liễu ngoài ngõ, dây hoa trên tường, ai bẻ cũng được.  Ý nói hạng đàn bà con gái dễ dãi, mất nết.  Thường chỉ gái làng chơi.

[183] Tên cái gò đất Hạ Mô ở Tràng An, kinh đô của nước Tàu ngày xưa.  Nơi đây có nhiều ca lâu, tửu điếm để khách đến vui chơi.

[184] Bến của sông Tầm Dương, chảy qua huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây bên Tàu, nơi có nhiều thuyền bè có kỹ nữ xướng hát.

[185] Người vợ lấy từ thuở hàn vi.

[186] Ðiêu bạc, giả trá.

[187] Cửa ván, phên sơ sài của nhà nghèo.

[188] Người thay vua cầm đầu các quan để trị nước, như chức Thủ tướng thời nay.

[189] Do chữ “Ðông sàng”; dùng để chỉ sự kén rể.

[190] Bảng nhãn, Thám hoa: người thi đổ thứ hai và thứ ba, sau Trạng nguyên.

[191] Ðợi trăng.

[192] Ðón gió.

[193] Ðài màu đỏ như son.

[194] Chậu cây kiểng.

[195] Rửa sạch bụi.

[196] Phận hèn mọn thấp thỏi mà mong muốn địa vị cao sang, hoặc nghèo, xấu mà muốn vợ giàu, đẹp.

[197] Chức vị thấp.

[198] Quyền cao địa vị lớn.

[199] Cứ một mực theo cái đã định sẵn, không biết xử lý linh động theo hoàn cảnh; câu nệ. Hoặc để ý và trách móc về những sai sót nhỏ; chấp nhặt.

[200] Mặt trời.

[201] Ðình để tiếp khách.

[202]Tiếng hát theo nhịp gõ và tiếng nhạc thanh tao.

[203] Người học giỏi, kẻ có chức quyền.

[204] Nối lại dây đàn, ý nói lấy vợ khác.

[205] Dáng đẹp đẽ của đàn bà con gái.

[206]Ðời sống xa hoa.

[207] Mắt đưa mày liếc.

[208] Bạc bẽo, không biết ơn, không trung thành, không có lòng.

[209] Không chịu kết hôn.

[210] Xô ra, từ khước.

[211] Lòng bao dung.

[212] Nhìn đến, để ý đến người bề dưới.

[213] Ao nhỏ, nước đọng.

[214] Thành hôn, bắt đầu sống đời vợ chồng với nhau.

[215] Bình bằng bạc.

[216] Cây thảo mộc có hoa màu tím, trong hột có phấn trắng, dùng để trang điểm cho mịn màng.

[217] Mặt trăng

[218] Loại vải dệt lốm đốm như hoa lan.

[219] Nét đẹp đẽ của phụ nữ,

[220] Chứa chan, long lanh sóng mắt.

[221] Kỹ nữ, gái làng chơi.

[222] Cành dương liễu.

[223] Ðổng: họ; Tử: tiếng tôn xưng. Tức Ðổng Trọng Thư, người đời Xuân Thu, hết sức chăm học, ba năm buông màn đọc sách không nhìn ra vườn.

[224] Tức Tư Mã Quang, hiệu Ôn Công, người đời Tống, đỗ tiến sĩ. Ông rất ham học, khi ngủ thường kê đầu lên cái gối bằng cây đẽo tròn. Gối lăn làm ông tỉnh giấc, trở dậy đọc sách tiếp.

[225] Lưu Thần, người đời Ðông Hán; nhân vật trong sự tích Lưu Thần Nguyễn Triệu lạc vào Thiên Thai.

[226] Người thề hẹn cùng sống chết; ý nói vợ.

[227] Râu và mày, hai cái làm đàn ông đẹp; ý chỉ đàn ông.

[228] Nước sương ngọt, làm mát lòng người.

[229] Ánh lấp lánh của hai thứ ngọc đá lưu và cầu.

[230] Não nùng.

[231] Ở chung một nhà với cha mẹ vợ.

[232] Lấy tích từ Bao Tự, vợ U Vương; nghe tiếng xé lụa mà vui.

[233] Lấy tích từ Ðát Kỷ, vợ Trụ Vương; ra ngoài cung thường đi mười cổ xe ngựa.

[234] Lấy tích Dương Quí Phi, vợ Ðường Minh , thích ăn trái vải từ biên thùy đưa về.

[235] Vẽ lông mày.

[236] Quên cha mẹ già còn sống.

[237] Gió và mây; ý chỉ sự tốt đẹp, thăng tiến, như mây gặp gió,

[238] Mỏng, phai nhạt.

[239] Ðánh dấu bằng vôi.  Lấy ý từ câu ca dao: Sống còn như cóc bôi vôi lại về.

[240] Bạc bẽo, không biết ơn, không có lòng.

[241] Náo nhiệt, giàu có và xa hoa.

[242] Cây kim châm, ăn được.

[243] Mơ thấy bướm bay, ý nói mơ thấy chồng.

[244] Học hành theo đạo Khổng để làm thánh nhân hiền nhân.

[245] Do chữ Tam cương và Ngũ thường.  Cương: cái dây lớn ở cái lưới, điều cốt yếu.  Tam cương: vua tôi, cha con, vợ chồng. Thường: đức tính thường tình của con người.  Ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

[246] Trời chớm hoàng hôn..

[247] Nắng gay gắt khắp nơi.

[248] Cơm nấu bằng quả sung, cháo nấu bằng rau dền.

[249] Riêng tư.

[250] Ăn bằng gạo đong từng bữa vì túng thiếu.

[251] Ra lệnh cho các nơi thi hành.

[252] Nha sở, nơi quan huyện làm việc.

[253] Phân phát tiền, gạo để cứu giúp người đói khổ.

[254] Phương đông còn sao, trời chưa rạng sáng.

[255] Ðói và lạnh.

[256] Hốc hác.

[257] Nhường nhịn cho cha mẹ.

[258] Chín khúc ruột.

[259] Cha và mẹ.

[260] Ðình: sân; Vi: màn.  Trong vòng sân nhà, chỗ cha mẹ ở.  Ðình vi thúc thủy nghĩa là bát gạo chén nước lo phụng dưỡng cha mẹ ở chốn đình vi.  Nói tâm sự người con có hiếu mà gia cảnh nghèo khổ.

[261] Hiền lành đạo đức.

[262] Khăn tang.

[263] Tin tức.

[264] Cha lẫn mẹ đều qua đời.

[265] Thi đỗ.

[266] Cạn.

[267] Thủy: đầu; Chung: cuối. Từ đầu tới cuối như một. Ý chỉ lòng trung thành mãi mãi.

[268] Chết, về với Trời Phật.

[269] Thuở còn sống chung với nhau.

[270] Cho hết tình cảm, tình thương.

[271] Cho đành lòng.

[272] Kể lể, tường trình trước khi ra đi.

[273] Nuôi nấng khi sống, chôn cất khi chết.

[274] Cha mẹ mình và cha mẹ chồng.

[275] Cung đàn tỳ bà.

[276] Tam tòng: Ba chữ tòng. Tại gia tòng phụ: còn ở nhà thì tùng phục cha; xuất giá tòng phu: lấy chồng thì tùng phục chồng; phu tử tòng tử: chồng qua đời thì tùng phục con.

[277] Ðầu quấn khăn tang.

[278] Ðêm động phòng hoa chúc.

[2798] Má hồng - con gái đẹp

[280] Gió bụi.

[281] Lụa mỏng.

[282] Chùa trên núi.

[283] Lấy ý từ thành ngữ công tù nước sông: công của người tù, nước múc dưới sông; ý nói chẳng hao tiền tốn của.

[284] Nơi đồng nội.

[285] Người con gái dịu dàng và đoan chính.

[286] Ngày đầu năm.

[287] Phù hộ.

[288] Ðiêu bạc, giả trá.

[289] Tình vợ chồng và lòng hiếu thảo.

[290] Cây thị và cây phần, hai cây ngày xưa người Tàu hay trồng chung quanh nhà.  Ý chỉ nơi quê hương bản quán, có cha mẹ mình đang ở.

[291] Lá sen có hình đồng tiền.

[292] Lấy ý từ ca dao: Tay nâng dĩa muối chấm gừng, gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.

[293] Trống không.

[294] Nam giới và nữ giới tin Phật.

[295] Khúc ca buồn thảm nghe như đứt ruột.

[296] Tiếng sóng vỗ.

[297] Cung điện của nàng Hằng Nga.

[298] Cung điện của Ngô Vương Phù Sai.

[299] Nơi sa mạc phía bắc nước Tàu, lấy ý từ sự tích Chiêu Quân cống Hồ.

[300] Ngân Hà.  Lấy ý từ sự tích Ngưu Lang Chức Nữ.

[301] Cù: siêng năng nhọc nhắn; Lao: khó nhọc. Cha mẹ siêng năng khó nhọc để nuôi dưỡng con.  Chín chữ cù lao là chín điều khó nhọc. Sinh: sinh đẻ; Cúc: nâng đỡ; Phủ: vuốt ve; Xúc: cho bú; Trưởng: làm cho lớn; Dục: dạy dỗ; Cố: đoái tưởng đến; Phục: săn sóc dạy bảo; Phúc: bảo vệ.

[302] Tính toán, kể lể từng ngày.

[303] Biển và núi non.

[304] Cây quì và cây hoắc, cả hai cây đều xoay theo mặt trời.  Ý nói sự khiêm nhượng, hạ mình của người dưới đối với người trên.

[305] Công phu, công lao.

[306] Lấy ý từ câu ca dao: Phận gái như hạt mưa sa giữa trời.

[307] Lấy câu trong sách Luận ngữ: Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du, nghĩa là: cha mẹ còn sống ở nhà thì con không nên đi xa.

[308] Võng điều.  Võng màu đỏ, của quan lớn.

[309] Kiệu có gắn hoa, của vợ hoặc con của quan lớn.

[310] Cúng chùa. Tới chùa đốt hương lạy Phật.

[311] Một lòng, dứt khoát.

[312] Tước công và tước hầu.  Hai tước to nhất trong năm tước: Công, hầu, bá, tử, nam.

[313] Khanh và tướng, tiếng gọi chung các quan văn võ trong triều đình ngày xưa.

[314] Trâm cài tóc làm bằng cây gai nhọn.

[315] Ðã, nói ríu hoặc nói cho xuôi giọng.

[316] Nhà trai, gian nhà dùng làm phòng ăn ở chùa.

[317] Gốc tích sâu xa do một việc làm từ lâu (hoặc từ kiếp trước).

[318] Kẻ hiểu rõ lòng dạ của ta.  Lấy tích từ Chung Kỳ nghe hiểu tiếng đàn của Bá Nha.

[319] Do câu “Dã hạc vân sơn”, nghĩa là con hạc ngoài đồng, đám mây trên núi.  Ý nói rày đây mai đó, không chắc ở nơi nào.

[320] Tiếng đàn tuyệt vời, sâu xa và huyền diệu.

 

 

Sách tham khảo

(Liệt kê và cảm tạ)

Bửu Kế, Tầm Nguyên Từ Ðiển, NXB Nhà sách Khai Trí, Sàigòn, 1968.

Ðào Duy Anh, Hán Việt Từ Ðiển, NXB Trường Thi, 1957

Ðào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, bản sao chụp và in lại ở hải ngoại, không ghi nhà xuất bản.

Hoàng Xuân tuyển chọn, Nguyễn Bính thơ và đời, NXB Văn Học Hà Nội, 1998.

Lê Văn Ðức - Lê Ngọc Trụ, Việt Nam Tự Ðiển, NXB Nhà sách Khai Trí, Saigòn, 1970.

Nguyễn Hiến Lê, Ðại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, NXB Trẻ, 1997.

Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Khắc Thuần, Từ điển Truyện Lục Vân Tiên, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1989.

Nguyễn Tấn Long, Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, Toàn Tập, NXB Văn Học, Hà Nội, 2000.

Nguyễn Tôn Nhan, Từ Ðiển Văn Học Cổ Ðiển Trung Quốc, NXB Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999.

Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên (3 tập), NXB Ðồng Tháp, 1996.

Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ Ðiển Tích Danh Nhân Từ-Ðiển,  NXB Xuân Thu, Sàigòn, 1966.

Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Ðiển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Ðà Nẵng, 2000.

Vũ Quốc Ái - Quang Huy - Ðỗ Ðình Thọ - Kim Ngọc Diệu sưu tầm và tuyển chọn, Nguyễn Bính Tuyển tập, NXB Văn Học & NXB Long An, 1986.

 

Nguyễn Ước nhuận sắc và chú thích

 

 

 

Nguyễn Bính
Số lần đọc: 1662
Ngày đăng: 16.02.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xuân muộn - Bùi Nguyễn Trường Kiên
Khi không còn ai thức - Nguyễn Giúp
Thơ tứ tuyệt Hồng Vinh - Hồng Vinh
vẽ lên móng cọp - Trần Thiên Thị
Thơ triệu từ truyền - Triệu Từ Truyền
Ảo ảnh xuân - Trần Hữu Dũng
Valentine nguyên đán - Nguyễn Thánh Ngã
Mừng tuổi - Từ Sâm
Trương Nam Hương và Ba Bài Thơ Xông Đất VCV - Trương Nam Hương
Những câu thơ ra đi trước giờ khai tử - Lê Huỳnh Lâm