Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
846
116.690.627
 
Những cô bạn cũ
Phạm Hồng Danh

Hai mươi bảy năm trước, tôi là một học sinh lớp 12. Là một cậu bé mới lớn nên tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi thế giới của những người khác phái. Phần lớn thời gian rảnh của tôi là nghĩ về những cô bạn gái cùng lớp. Tôi có bốn cô bạn thân là Hồng, Hương, Huyền và  Hạnh.

       

Hồi đó tôi viết một bài thơ có tựa đề là Hạnh phúc với bốn câu:“ Có người cố tình lầm lẫn lá là hoa. Nên hạnh phúc vì đời nhiều hoa quá. Em là hoa hay em là lá. Em vẫn trong tôi nét ngọc ngà”.Trên bài thơ tôi đề thân tặng H và cuối bài thơ tôi ký tên tôi. Có một lần Hồng hẹn tôi đi uống café ở một quán café thoáng mát, trữ tình. Tôi hớn hở đến sớm hơn giờ hẹn khoảng 30 phút. Nhưng bất ngờ cho tôi; cả Hồng, Hương và Huyền đã ngồi đó tự bao giờ. Linh tính báo cho tôi hình như có chuyện chẳng lành.Tôi lấy hết can đảm ngồi chung bàn với ba cô nàng tên H. Bốn chúng tôi ngồi nói đủ thứ chuyện về trường lớp, về phim ảnh, thơ ca và âm nhạc. Nhưng chưa ai đề cập đến điều tôi đang lo sợ. Tôi đã chép bài thơ “ Hạnh phúc” gửi tặng cho bốn người bạn là Hồng, Hương, Huyền và Hạnh. Cuối cùng, như hẹn trước, ba người cùng móc túi lấy bài thơ ra để trước mặt tôi và hỏi: “ Bài thơ này Biền riêng tặng cho ai?” Tôi không còn cách nào khác hơn là buông đại một câu: “ Tôi không tặng riêng cho ai, mà tặng cho tất cả những  người tên H”. Từ đó, tôi không còn cơ hội để tỏ tình với Hồng, Hương và Huyền  mà chỉ quan hệ với tư cách  là những người bạn.

      

Quê tôi là một tỉnh nhỏ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ở lại Sài Gòn và làm cho một công ty du lịch. Tết năm nào tôi cũng tranh thủ về thăm mẹ và thăm những người bạn cũ. Mỗi năm, vào đêm mùng ba tết, chúng tôi tập trung ở nhà Hạnh. Hạnh đã không truy cứu tội bắt cả bốn tay của tôi. Hạnh và tôi đã đi xa hơn tình bạn bình thường. Nếu không vì một tai nạn làm sẩy thai thì Hạnh đã sinh cho tôi một đứa con. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi thường nhắc về những kỷ niệm xưa. Những chuyện ngày xưa thật khờ khạo và lãng nhách, nhưng với chúng tôi đó là những kỷ niệm đẹp. Khi nhắc những chuyện cũ, chúng tôi như được uống thuốc kích thích. Tất cả chúng tôi đều thấy vui vẻ, phấn khích và giống như được du lịch về dĩ vãng, về một thế giới thần tiên đầy mộng tưởng. Tôi hiểu ra rằng tôi thương những người bạn là thương một phần đời của mình. Khi gặp lại những người bạn cũ, tôi có cảm giác như đang được sống lại một phần đời vô tư, thơ mộng. Chúng tôi ngồi điểm danh bạn bè. Đứa còn, đứa mất, người lên voi, kẻ xuống chó. Hình như có sự dàn xếp ngẫu nhiên nào đó về số phận của mỗi người. Tôi hình dung về những viên gạch ra cùng một lò, chất lượng như nhau. Nhưng có viên dùng để xây nhà, có viên dùng để xây bàn thờ, có viên dùng để xây cầu tiêu. Những đứa bạn học cùng một lớp, bây giờ có đứa lương chỉ có ba triệu đồng mỗi tháng, có đứa lương tới 50 triệu đồng.

     

Mùng ba tết năm ngoái, vẫn còn bốn đứa ngồi với vợ chồng Hạnh. Mỗi đứa ngồi kiểm điểm lại phần đời đã qua, vừa ngậm ngùi, vừa xót xa, vừa thấm thía những cay đắng lẫn ngọt ngào. Hồng đã có chồng từ năm mười chín tuổi, đã ly dị. Bây giờ Hồng đang sống với một đứa cháu ngoại và một cô con gái đã ly dị chồng ở tuổi hai mươi. Hồng có rất nhiều người tình, nhưng bao giờ Hồng cũng coi tôi như bạn. Kể cả  Hương và Huyền cũng đã ly dị chồng nhưng nhất định không chịu lấy tôi. Tôi thường nói đùa: “ Tôi là người đàn ông có nhiều phụ nữ sẵn sàng chết vì tôi”. Và tôi tự giải thích “ bởi vì cô nào cũng nói rằng họ thà chết còn hơn phải lấy tôi làm chồng”

   

Tình cờ, Hương và Huyền lại học chung ở Đại học. Ra trường, họ lấy chồng cũng là bạn học cùng lớp ở Đại học. Chưa có con, Huyền đã bị chồng bỏ để chạy theo một cô gái khác. Hương đã có hai con. Huyền thường đến chơi với vợ chồng Hương như một chỗ dựa tinh thần. Tình bạn đã xoa dịu nỗi đau bị chồng bỏ của Huyền. Tình bạn giữa ba người đã trở nên thân thiết và sâu sắc một cách lạ kỳ. Có một hôm Hương nhìn thấy Huyền và chồng mình vào khách sạn. Hương chạy xe như bay về nhà nằm khóc vật vã. Hương suy sụp, đau đớn và chỉ nghĩ đến cái chết. Dường như Hương không ăn, không ngủ suốt mấy ngày đêm. Mấy hôm sau, Hương gặp Huyền và hỏi: “ Mày đã chia sẻ kiểu đó với chồng tao bao lâu rồi? ”. Huyền nói: “Đã năm năm”. Hương năn nỉ Huyền: “ Vì hai đứa con tao, tao van xin mày đừng làm như vậy nữa”. “ Bây giờ tao hứa, nhưng tao không thực hiện làm sao mày biết được? Tốt nhất là tao không hứa gì cả”. Hương về nhà đề nghị chồng chấm dứt kiểu quan hệ trên mức bạn bè với Huyền, nhưng chồng nàng đã trả lời một cách trơ tráo: “Em mất gì trong chuyện này. Bạn em cần được chia sẻ, cần được thương yêu. Hơn nữa, Huyền chưa có con, nên chia sẻ với Huyền anh thấy hạnh phúc hơn với em.” Hương gào lên: “ Tôi mất gì à? Tôi đã mất cả tuổi trẻ, thời gian và sức lực cho anh và cho gia đình anh. Nếu anh muốn tiếp tục với Huyền như thế thì hãy ly dị” “ Em cứ viết đơn, tôi sẽ ký”. Sau khi ly dị, Hương và hai đứa con thuê nhà ở riêng. Hai đứa con Hương đâm ra hư hỏng và nghiện ngập. Biết được con nghiện ma túy, Hương đau đớn đến điên dại. Hương tưởng chừng như không chịu đựng nổi. Hương cảm thấy cuộc đời quá đỗi nghiệt ngã và quá phi lý. Hương tự hỏi: “ Sao những phi lý và những bất trắc cứ đổ ập xuống đời tôi? Có lẽ không còn nỗi đau nào lớn hơn. Tôi thấy tôi đã trở về với con số không. Lúc này tôi mới ngộ ra chữ không. Chữ không sẽ bao trùm lên mọi cuộc đời”. Có lần vì quá xúc động và mất tự chủ, Hương đã uống thuốc tự tử. Nhưng nợ trần của Hương chưa dứt. Huyền đã đến đúng lúc và đưa Hương vào bệnh viện. Huyền an ủi Hương hãy ráng sống để lo cho hai đứa con và để chia sẻ với Huyền vì Huyền cũng đã chia tay với chồng của Hương. Hương hỏi: “ Tại sao lúc tao năn nỉ thì mày không chịu, còn bây giờ lại chia tay”. “ Tao chẳng muốn giải thích. Mày muốn hiểu sao cũng được”. “Tất cả những điều mà cả loài người biết là hữu hạn. Những điều mà cả loài người chưa biết là vô hạn. Có quá nhiều điều mà tao không thể hiểu được.” Huyền đưa cho Hương quyển nhật ký của ông xã Hương. Trong đó có đoạn viết: “ Cám ơn em đã dạy cho tôi biết thế nào là tình yêu. Hai mươi năm trời, em nhẫn nại chờ tôi, không một lời trách móc. Em lặng lẽ bên cạnh tôi  như một chiếc bóng, như sự dàn xếp của định mệnh, để an ủi tôi những khi tôi buồn, làm cho tôi bất cứ điều gì khi tôi cần, không đòi hỏi gì. Từng ngày, từng ngày, từng ngày,… như thế cho đến hai mươi năm. Một  ngày tôi về, không còn thấy em trong căn nhà đó nữa. Lúc đó, tôi chợt hiểu ra rằng em cần thiết trong đời tôi như thế nào! Tôi biết là đã muộn màng. Không còn cách nào để tôi tìm gặp lại em. Thời gian hai mươi năm như những vết cứa sâu trong tâm thức. Từ đó tôi thành kẻ tật nguyền  vì đã để mất một phần đời thân thiết và lâu dài…Mất em, tôi thấm thía một tình yêu cao thượng. Nếu còn em thì không bao giờ tôi hiểu. Khi tôi biết thương đời và biết yêu em thì tôi đã kiệt sức. Có lẽ hàng triệu cuộc đời khác cũng lâm vào bi kịch như tôi. Mọi giá trị về cuộc sống bị đảo lộn khi em ra đi. Nếu có thể, tôi sẵn sàng đổi mọi thứ để em về lại bên tôi. Có lần em nói rằng vì tôi chưa từng yêu thật sự nên chưa thể cảm được tình yêu là gì. Bên cạnh những mất mát và đớn đau, cuộc sống luôn luôn cho ta nhiều điều sâu sắc và quý giá. Bây giờ, tôi mang một nỗi đau khốc liệt. Nỗi đau của một người biết mình vô dụng, không có khả năng mang lại hạnh phúc cho người và không có khả năng mang lại hạnh phúc cho chính mình”.

     

Hương lặng lẽ tưởng niệm về một phần đời đã qua. Bước qua ranh giới của sống và chết, bỗng nhiên Hương thèm được sống. Hương muốn làm lại từ đầu. Không biết là có quá muộn hay không?

      

Chúng tôi ngồi uống rượu, đấu hót, kể chuyện và ca hát. Hạnh ôm đàn và hát:” Hãy biến cuộc đời thành những tối mùa xuân. Nếu anh sợ thời gian dài vô tận.” Có vết máu ứa ra trên ngón tay Hạnh. Tôi hỏi: “ Sao vậy?”. Hạnh nói: “ bị đứt tay khi gọt trái cây”. Khói thuốc lá, rượu, tiếng đàn, tiếng hát và vết máu trên phím đàn như đưa tôi vào một thế giới khác . Tôi nhìn Hạnh bằng cái nhìn đắm đuối và đầy thương cảm. Bình thường tôi không dám nhìn thẳng vào mặt Hạnh và chẳng bao giờ dám đùa với nàng. Tôi thường đùa với Hồng, Hương và Huyền rằng tôi yêu cả ba người và muốn cưới cả ba làm vợ.   

          

Nhưng tôi không ngờ rằng cái nhìn đó đã dẫn tới một kết cục khốc liệt. Hạnh đã phải trả giá. Chồng nàng đã bắt gặp cái nhìn đó và đã đòi ly dị. Làm sao ai có thể tin được lý do ly dị chỉ là một cái nhìn. Cái nhìn chỉ nguyên cớ. Và những nguyên nhân sâu xa thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

         

Hạnh và chồng chuẩn bị ly dị, nên Tết năm nay chúng tôi không họp mặt ở nhà Hạnh. Nỗi bất hạnh của người này đôi khi là niềm hạnh phúc cho người khác. Tết này tôi sẽ rủ Hạnh đi du lịch. Nhìn cuộc đời rộng lớn, Hạnh và tôi sẽ quên đi những niềm đau riêng tư và nhỏ bé của mình. Tôi sẽ nói với nàng một ý tưởng đã ám ảnh trong tôi mấy chục năm qua: “Sau khi Hạnh ly dị, tôi muốn cưới Hạnh”. Không biết Hạnh sẽ trả lời thế nào, nhưng tôi sẽ hy vọng và chờ đợi. Tôi chợt nhớ câu nói của ai đó: “Hãy nhớ quá khứ một cách nhẹ nhàng, lo cho tương lai một cách trầm tĩnh và tập trung sức lực để thưởng thức trọn vẹn từng giây phút của hiện tại”./.

                                                                 

Phạm Hồng Danh
Số lần đọc: 2456
Ngày đăng: 05.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khúc lý chiều chiều - Nguyễn Minh Phúc
Thí điểm của tự do - Nguyễn Viện
Trầm - Ngô Nhân Đức
Đầu năm xuất hành : về quê - Đỗ Ngọc Thạch
Công ty Vẹt - Đặng Văn Sinh
Vũ Đại làng ta - Nguyễn Chính
Chuyện tình kẻ xa xứ - Phan Bích Thủy
Bà già khòm - Mang Viên Long
Ngân phiếu trắng - Lâm Hà
Hành trình đêm giao thừa - Khải Nguyên
Cùng một tác giả
Hoang tưởng (truyện ngắn)
Những cô bạn cũ (truyện ngắn)