Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
709
116.547.623
 
Khúc lý chiều chiều
Nguyễn Minh Phúc

Đời cô đào hát như Trâm khi về quê giống như cây lìa cành, chim mất cánh. Tối ngày cô nằm ủ rủ trên giường, tay chân mỏi nhừ không muốn động đậy. Thời gian trôi đi chậm rì, hiu hắt bằng tiếng con thằn lằn tắc lưỡi trên cột nhà, tiếng kêu đêm não nề của con tắc kè buồn đứt ruột.

 

Tiếng loa phóng thanh loan báo đoàn cải lương về lưu diễn càng làm cô buồn thêm. Hình ảnh cô đào chính trong đoàn hát nổi tiếng ngày xưa hiện về, quyến rũ say mê bao chàng trai cô gái. Cái thời cô chỉ cần cất lên giọng ca mượt mà trời cho là đã làm hài lòng, cảm phục cả ông bà già khó tính nhứt. Đám thanh niên thiếu nữ xem cô hát xong không chịu về, cứ đứng chờ sau cánh gà nhìn mặt cô, xin chữ ký cho tới nửa đêm. Dáng điệu cô diễn tuồng trên sân khấu thì khỏi chê. Thân hình uốn lượn oai phong, hai tay dang rộng, đôi chân đá lên uy dũng của Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình, cặp mày cau lại, mặt mũi hiên ngang, ánh mắt lẫm liệt vào nàng Chúc Anh Đài giả trai theo chàng Lương Sơn Bá. Còn Tô Anh Nguyệt, Trâm diễn y chang hình ảnh nghèo khổ, tội nghiệp, bi thương của người đàn bà ăn xin bất hạnh… Bao vai diễn làm rơi nước mắt người ái mộ….

 

*

Kể ra đời Trâm gặp may, được tổ phù trợ. Ngay từ nhỏ, bằng làn hơi mượt mà thiên phú, cô đã được bầu Thái chú ý. Bầu Thái là ông lão đờn kìm trong đoàn cải lương hạng hai ế khách nhưng nhờ đứa con vượt biên về nước bỏ vốn cho ông sau nhiều năm ôm cảnh cơm ghe bè bạn, đi hát tứ phương nghèo vẫn hoàn nghèo. Máu mê cải lương không dứt đựơc, nên ông đổi ráo mấy ngàn đô con gửi về lập gánh hát mới. Rồi từ đó ông vừa đờn vừa kiêm luôn chức ông bầu gánh hát. Đoàn hát ông đi khắp sông nước miền Tây trên chiếc ghe bự chảng, phía trước mũi có trương hình bát quái âm dương xanh đỏ, hai bên hông vẽ bảng cây đàn và mặt hề đề tên : Đoàn cải lương lục tỉnh. Không biết ai đặt cho đoàn cái tên miền Tây có từ thời tám hoánh đó nhưng hình như bầu Thái rất ưng ý. Ông giải thích: Giờ chia mấy tỉnh thành không biết nhưng miền Tây mà nói lục tỉnh Nam kỳ ai mà không tỏ. Trong lòng ghe là trăm thứ bà rằn: mùng màn, dao kiếm, y trang, vàng vòng của mấy tay đào kép, vỏ bầu khô, dây nhợ lòng thòng, mấy bó bông hồng nhựa đỏ lòm gài tóc diễn viên, giấy đỏ giấy xanh hóa trang gương mặt….Lẫn trong đống bùi nhùi mốc meo nào là rèm chính rèm phụ màu mè sặc sỡ, mấy tấm cánh gà làm bằng vải xô trét bột núi đỏ, biển xanh. Có người cắc cớ hỏi sao ngọn núi lại sơn màu đỏ ông ngần người một chặp rồi chăc lưỡi: thì núi buổi chiều có mặt trời soi vào từ xanh hóa đỏ chứ sao, có vậy mà cũng hỏi.

 

Trâm theo ông từ lúc mới mười lăm tuổi, ngực mới nhú đôi vú trái cau, mặt mũi non choẹt, tay chân lòng thòng, môi nhờn nhợt chưa ra dáng thiếu nữ. Một bữa chiếc ghe bầu của ông cắm sào biều diễn ở xóm cô. Đám con nít chạy rần rần theo chiếc xe lôi thùng gỗ gắn ô pẹc lơ chạy bằng pin rao khắp xóm, giới thiệu tuồng tích. Xe chạy ngời ngời trên đường quê, nhảy tưng tưng đụng ổ gà ổ voi loạn xạ. Tối ấy gánh hát diễn tuồng Lan và Điệp. Tuồng tích đã rao, vé đã bán hết (mỗi vé là nửa giạ lúa) thì đùng một cái, cô đào phụ lăn ra bịnh, cạo gió xông hơi cả buổi chẳng ăn thua. Ngặt nổi lớp lang, diễn viên đã sắp đặt đâu đó, giờ lấy ai thay. Bầu Thái vò đầu bứt tóc, hổng lẽ trả vé lui ghe dông tuốt thì còn gì là uy tín như cái đoàn Sóng Giang sau bị đặt tên là …sáng dông dạo nọ.

 

Cũng may ông nhớ sực con bé Trâm, nghe nói nó ca hay có tiếng. Ừ! Sao không kêu nó lại thử vai, biết đâu chừng… Vai đào phụ chỉ xuất hiện một lớp ngắn ngủn trên sân khấu, ca khúc lý chiều chiều, diễn cho bảnh cái đoạn ni cô vào chùa cắt đứt dây chuông, chôn chặt tình xưa, quy y cửa Phật là xong. Diễn vở ông không sợ. Cứ lên sân khấu làm bộ mặt buồn thiu, cố rặn nước mắt chảy ra càng nhiều càng tốt, không rặn được thì bôi chút dầu nhị thiên đường, mắt ngó lên chớp chớp, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng là được. Nhưng còn điệu lý lý chiều chiều khó chứ giởn chơi. Gần mười câu dài ngoằng, luyến láy, phải lột tả được cái nhân cái tình của người con gái chặt đứt đường tơ, quyết chọn con đường náu nương của Phật mà diễn quẹo cua thì đoàn ông có mà húp cháo. Ông thử lầm thầm một đoạn trong miệng coi khó cỡ nào:

 

Chiều  chiều ra đứng bên bờ sông…

Bên bờ sông…

Thấy anh tang tình gánh nước…

Tưới cây tưới cây ngô đồng…

 

Ô! hóa ra là vậy, gì mà khó, chỉ cần tập hai, ba tiếng đồng hồ là được tuốt! Nghĩ là làm. Giờ  mở màn còn cả buổi, cứ kêu con Trâm lên thử vai, biết chừng đâu tổ đãi, miễn trả vé, thêm vài chục giạ lúa nuôi quân. Vậy là Trâm đến. Cô bé ngơ ngác ngó hết chỗ này tới chỗ kia. Sân khấu kê gần chục cái bàn bốn chân mượn ở ủy ban, cánh gà dựng hai bên xiên xẹo, mấy tấm màn rách bươm chằng chịt giữa hội trường.  Người ra kẻ vô, đào kép hóa trang mặt mũi sáng trưng, mặt hoa da phấn. Chỉ có điều tức cười anh kép chính khuôn mặt hóa trang đẹp đẽ, lông mày lông mi điệu nghệ, mặt mũi sáng láng lại mặt chiếc quần lửng quá gối, cái áo may ô màu cháo lòng rách bươm trơ ra bộ bộ xương sườn đếm đủ ba mươi sáu cái.

 

Cô bụm miệng nhưng không kịp. Tiếng cười mũi phát ra khiến anh chàng kép chính giựt mình quay lại. Trứơc mặt anh là cô gái mặt mũi non choẹt, mặc bộ đồ bà ba tuy cũ mèm vá víu nhưng gương mặt ngồ ngộ, chưa bao giờ anh thấy cô bé nầy ở đây. Không biết con nhà ai mà má lúm đồng tiền, mắt đen lay láy, hai hàm răng đều tăm tắp thấy thương. Anh là Bá Thế, kép chính đoàn cải lương Lục tỉnh, gương mặt đẹp trai, giọng ca diễn cảm, ba mươi tuổi chưa vợ, đầu quân cho Bầu Thái chừng mấy năm nay. Anh đóng vai chính hầu hết các vở cải lương mà hễ vai diễn nào có anh khán giả kéo tới ì xèo, đa phần là các cô gái. Họ xem anh như thần tượng mỗi khi đoàn về đây lưu diễn.

 

Nhìn vẻ mặt mắc cở của cô gái bụm miệng không dám cười to, anh lên tiếng trước:

- Chào cô bé! Sao em cười anh? Má trông em lạ hoắc, bộ tới xin vé mời phải không?

Trâm ngất ngứ một hồi mới trả lời, đánh trống lảng:

- Đâu có, em cười gì anh đâu! Chẳng qua… em thấy anh bận đồ ngộ quá…Mà bác bầu Thái đâu hả anh? Em kiếm bác có chuyện…

 

Chỉ một hồi họ quen nhau khi bầu Thái gợi ý Trâm ca đoạn lý chiều chiều diễn tối nay thay cho đào phụ. Bá Thế là người được giao cho nhiệm vụ tập vở cho Trâm. Cũng may là Trâm thông minh, nhanh trí nên chỉ qua vài giờ tập riết, cô đã nắm được nội dung khúc hát tuy còn lọng cọng đôi chút. Câu hát như nhập tâm vào cô. Khúc lý chiều chiều chỉ nghe qua ba bốn lần là thuộc. Bầu Thái mừng rơn, xoa đầu cô khen tặng hết lời. Ông quay sang dặn Bá Thế:

- Ca lời như vậy là đạt rồi, còn diễn phải học thêm nữa. Từ nay anh Thế sẽ chịu tránh nhiệm chỉ dạy thêm cho cháu. Còn tối nay… Cháu cứ ra sân khấu diễn. Chỗ nào quên, có người ngồi trong cánh gà nhắc tuồng. Không chuyện gì mà sợ…

 

Ông cũng không còn cách chọn lựa nào khi đoàn hát thiếu người bất tử. Dù run trong bụng nhưng Trâm cũng nhận lời. Quả mới vô đoạn mở màn, cô còn vấp váp nhưng sau đó, khi đã quen với ánh đèn sân khấu, bên cạnh Bá Thế, cô diễn thật xuất sắc. Khúc lý chiều chiều cất lên trong suốt, mượt mà, điêu luyện khiến khán giả bên dưới vỗ tay rần rần:

- Cha cha! Con bé nầy hát coi được quá. Nó mà đóng cặp với thằng kép chính thì hết sảy…

 

Diễn cạnh Bá Thế hình như Trâm tự tin, bình tĩnh hơn. Nhiều khi ca rớt nhịp, diễn lỡ bộ, cô được anh đỡ lời, giúp điệu. Từ bữa nhận lời đóng thế vai phụ, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Bá Thế, cô càng ngày càng tiến bộ. Chỉ vài tháng theo đoàn quen dần, Trâm giờ là đào chính đóng cặp với anh. Qủa xứng đào xứng kép, mọi người đều nói vậy. Cả hai như sinh ra để có nhau, bổ sung cho nhau và chuyện Trâm và Bá Thế yêu nhau chẳng làm ai bất ngờ. Người mừng nhứt là Bầu Thái. Gì thì gì tụi nó mà nên vợ nên chồng thì gánh hát ông không sợ ế, chẳng lo mất đào thiếu kép. Ông tiếp tục đầu tư, sắm sanh y trang đạo cụ, làm mới hết ráo sân khấu , mạnh tay chơi luôn giàn trống đàn hiện đại. Lục tỉnh lột xác trở thành gánh hát có uy tín, tiếng tăm vang dôi cả vùng sông nước. Khán giả ủng hộ đến xem rần rần, có bửa bán vé phải mướn kho đựng lúa. Thỉnh thoảng sau cánh gà mỗi đêm doanh thu khá, bầu Thái thấp nhang sì sụp khấn vái trước bàn thơ, cầu tổ đã chọn người đãi ông..

 

Tình yêu thiệt lạ. Nó làm người ta như thêm sức sống, thêm yêu đời, mơ ước, hy vọng, như chấp cánh bay lên trời cao. Chẳng vậy mà từ ngày thành cặp thành đôi, giọng hát Trâm càng ngày càng sắc sảo, điêu luyện. Quyện với lời ca ngọt ngào, trầm ấm của Bá Thế, vở diễn nào hai người cũng lấy trọn nước mắt và tình cảm của khán giả. Khúc lý chiều chiều cất lên như một kỷ niệm riêng của hai người, được gắn với tình cảm có thật của họ nên càng nghe càng dạt dào xúc động. Khúc hát của thời quen nhau rồi yêu nhau say đắm, tay nắm trong tay, tình đậm trong tình. Khúc hát định mệnh thấm đẫm yêu thương, gắn kết đời nghệ sĩ  như đôi uyên ương không gì chia cắt được…

 

… Chiều ra đứng bên bờ sông

Bên bờ sông…

Thấy anh tang tình mà anh đứng

Đôi mắt trao duyên tình…

Duyên tình mà em thương…

Thương anh mắt trao duyên tình…

 

Đậm đà sao là khúc lý chiều chiều. Tha thiết sao cho khúc lý chiều chiều. Khi tình yêu càng nồng, tiếng tăm danh vọng càng nổi, hạnh phúc càng thắm thì lời ca tiếng nhạc càng say. Ai cũng tưởng trước sau gì cặp đào kép tài danh nầy cũng nên duyên chồng vợ.

 

Bầu Thái chuẩn bị cho hai đứa con cưng của đoàn tặng phẩm đặc biệt mừng đám cưới. Dù sao nhờ cặp nầy gánh hát ông mới nổi tiếng, uy tín ngày càng cao, có tiền cũng không mua được. Ông bỏ tiền mua miếng đất trống gần thị xã làm quà mừng. Sau nầy về già không hát nữa chúng cũng còn miếng đất chọi chim, ông gật gù hài lòng khi ngày đám cưới sắp tổ chức.

 

Nhưng sự đời không như ông nghĩ. Cả Trâm cũng không ngờ chuyện xảy ra lại đột ngột như vậy khi trong một buổi tập, Bá Thế bị té từ trên cao xuống do dây cột trên lưng bay thử bị đứt. Ngày đám cưới dự đình đành phải hoãn lại. Bá Thế nằm liệt một chỗ, hai cánh tay bó bột, đau đớn rên la suốt đêm. Cả đoàn hát như rắn mất đầu, bầu Thái quyết định nghĩ diễn tập trung lo cho anh. Người lo lắng nhất làTrâm. Cô suốt ngày đêm bên cạnh anh lo thuốc thang, chăm sóc. Chưa một ngày làm vợ nhưng cô coi anh như chồng,  bỏ ngoài tai những lời thị phi, đàm tiếu. Thay quần áo, làm vệ sinh, cho ăn uống… toàn bộ mọi sinh hoạt cá nhân chỉ một tay cô giúp Thế. Lúc nầy, Trâm mới nhận ra Bá Thế là lẽ sống của đời mình. Cô không thể sống mà thiếu anh.

 

Trâm bỏ hết những lời mời mọc, gợi ý từ các đoàn hát khác mời cô về diễn. Tiếng tăm cô đào xinh đẹp có làn hơi quyến rũ mê hồn làm nhiều ông bầu mơ ước. Chỉ cần cô đồng ý, họ sẵn sàng giao cho vai chính, mức ăn chia gấp mấy lần thời đoàn Lục tỉnh. Có người còn cho môi giới về quê, thậm thà thậm thụt với gia đình tác động Trâm chịu về đoàn, họ sẽ lo nhà cho cô mọi thứ. Nhiều lời ngon tiếng ngọt để mắt tới cô gái đa sắc đa tài nhưng Trâm  quyết không rời bỏ Thế .

 

Năm năm trôi qua và như tình và như tình yêu có phép mầu. Bá Thế từ chỗ tưởng nằm liệt không cử động được bỗng một hôm, tay chân dần bình phục, thân thể phục hồi. Anh bất đầu tập đi đứng, tập vận động trong đôi tay dìu dắt nhẹ nhàng nhưng nặng nghĩa của Trâm. Bằng tình yêu và tấm lòng, Trâm vực anh đứng dậy. Ngày Thế bỏ luôn cây nạng trong tay và bước từng bước vững vàng trên sàn diễn cũng là ngày Trâm gục xuống mê man vì kiệt sức.

 

Năm năm trời đằng đẳng cực khổ, tận tụy âm thầm phục vụ Bá Thế đã lấy hết sức của Trâm từ làn hơi ngọt ngào đến nhan sắc xinh đẹp. Lâu lắm rồi cô mới nhìn lại mình trong gương soi. Gương mặt sạm đen, làn da xanh bợt, mái tóc mượt mà giờ rụng gần hết,  tay chân lâu ngày không diễn mất hết vẻ khoan thai, uyển chuyển, làn hơi ngắc ngoải không còn điêu luyện. Thời gian khổ cực đã xóa gần như mọi nét yêu kiều, thanh tao của cô đào chính rực rỡ, huy hoàng ngày nào trên sân khấu.

 

Trâm không một chút hối tiếc. Bên cạnh cô còn có Bá Thế. Anh chắc sẽ hết lòng thương yêu, đùm bọc để bù đắp bao thiệt thòi, mất mát mà vì anh, cô đã gồng mình gánh chịu…

 

Bá Thế bình phục, lấy lại thần sắc và làn hơi rất nhanh, bất đầu tập lại những vở diễn mới. Cạnh anh , cô đào chính giờ không phải là Trâm mà là người con gái khác trẻ trung, xinh đẹp hơn. Bầu Thái ái ngại, thương Trâm không có chuyện làm, phân công cô đứng sau cánh gà nhắc tuồng. Khúc lý chiều chiều thường tập chung với Bá Thế giờ đành nhắc vở cho cô đào mới. Những đoạn cô thuộc lòng và đưa cả tình yêu của mình vào vai diễn giờ bật lên trên miệng môi người khác. Còn đau khổ nào hơn khi nhìn nhìn người mình yêu với cô đào mới quấn quýt bên nhau, cùng sóng đôi trên sàn diễn, cùng hát bài ca đã từng hát với mình. Nỗi đau chà xát nghẹn ứ lòng cô, đêm đêm Trâm một mình rưng rức khóc khi cánh màn nhung khép lại.

 

Đã vậy, Bá Thế không còn quan tâm cô nữa. Tiếng tâm anh bất đầu trở lại như cồn. Khi hào quang của người nghệ sĩ  ánh lên cũng là lúc anh không còn nhớ đến những ngày gian khổ, hoạn nạn đã qua, nhớ từng có cô người yêu vì anh mà hy sinh tương lai sự nghiệp, tàn úa cả đời tài sắc. Thói đời bạc bẽo, lòng người cũng thay đổi. Trâm nán lại đoàn một thời gian nữa, cắn răng nhịn nhục, cố giấu nước mắt tuỉ hờn nhưng cuối cùng, không chịu đựng thêm được nữa đành xin bầu Thái về quê…

 

*

 

…Trâm cố gượng dây ra vườn. Tiếng loa phóng thanh đâu đó từ đầu xóm vang lên làm tim cô nhức buốt. Thời của cô đào chính ngày xưa hiện về, lẩn quất đâu đây, trong từng bờ cây ngọn cỏ, trên nền trời xanh biêng biết ngột ngạt trước mắt cô. Từng điệu bộ oai phong, lẫm liệt, những cái vung tay uy dũng,  khúc hát ai oán cuối mắt đầu mày…Bao lời ca mượt mà, dịu ngọt vang lên, tiếng đàn trống, vỗ tay, tiếng xuýt xoa khen ngợi.. rót lùng bùng vào tai dù cô đã bịt chặt lại, bấu ngón tay vào mặt mình rướm máu. Ráng đi vài bước, cô ngã sụp xuống, bóng tối đâu đó vỡ òa ra, bao trùm trước mặt. Đầu cô nặng trĩu, ong ong, nhức nhối, vẳng bên tai là khúc lý chiều chiều nghe buồn não nuột. Khúc hát ngày xưa cô cùng người yêu hát trên sân khấu  với cả tâm tình nồng cháy tuổi đôi mươi…

…Chiều chiều ra đứng bên bờ sông…./.

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 2541
Ngày đăng: 02.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện tình kẻ xa xứ - Phan Bích Thủy
Bà già khòm - Mang Viên Long
Ngân phiếu trắng - Lâm Hà
Hành trình đêm giao thừa - Khải Nguyên
Đom đóm núi - Bạch Lê Quang
Những người muôn năm cũ - Đỗ Ngọc Thạch
Tình yêu lầu trên lầu dưới - Đỗ Mai Quyên
Nhân chứng - Phạm Thanh Phúc
Chúc ban mai tốt lành - Lê Trâm
Tĩnh vật - Khải Nguyên
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)