Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
639
116.785.471
 
Nó và tôi
Nguyễn Quang Sáng
Chương 3

Về quê.

Tôi đưa nó xuống bến vào lúc mặt trời vượt lên cây sao bên kia sông. Cây sao ấy, người già nhứt trong làng đều bảo, từ nhỏ đã thấy “ông” sừng sững ở đó rồi. Cây sao bên ngôi chùa cổ. Tàn cây sao vượt cao hơn hẳn những ngọn cây xung quanh “ông”. Trên các con đường về miền Tây, thấy xa xa một chòm sao thì biết dưới bóng hàng sao đó là một ngôi chùa. Khác hơn ở thành phố, trên con đường trước nhà tôi cũng có hai hàng sao, dưới bóng của nó không phải là một ngôi chùa yên tĩnh mà là đủ thứ loại xe ngược xuôi ầm ĩ.

Tôi chưa muốn đưa nó ra bến cửa dòng sông lớn, sợ nó ngợp, nên đưa nó đến nhánh sông gọi là con rạch.

Sao không gọi là kinh mà gọi là rạch hả ba?

Kinh là do mình đào, rạch là của thiên nhiên, của trời với đất. Kinh đào thì thẳng, còn rạch thì ngoằn ngoèo uốn khúc, con thấy không?

Thấy!

Con rạch này hình thành không có bước ngoặt của thời gian ngày nào tháng nào năm nào mà từ từ theo dòng chảy của thời gian và con nước. Tôi nhớ cách đây 40 năm, đây là cái bến sông trước nhà bà cố tôi. Mỗi năm, đến ngày nghỉ hè, từ trên chợ tôi leo lên chiếc xe ngựa, nếu có bạn bè đông thì rủ nhau đi bộ, nắm tay đi trên con đường rải đá, đi chân trần trên đá mà không thấy đau, đi dưới bóng mát hai hàng xoài bên đường. Vào những ngày Tết, xoài trổ bông, bông xoài màu tròng đỏ hột gà, rụng khắp mặt đường. Vào mùa xoài, lũ nhỏ chúng tôi cứ chờ đợi mưa giông. Có mưa giông thì xoài rụng khắp mặt vườn, xoài văng ra cả trên mặt đường, con nít từ trong nhà ùa ra vừa lượm vừa nhai rào rạo. Xoài rụng vừa tươi vừa giòn, chua cũng dịu mà ngọt cũng dịu, ngon hơn xoài mua ở chợ. Lâu không thấy mưa giông, lũ nhỏ đứng xếp hàng, ngước mặt, chu miệng huýt gió cầu mong mưa bão. Có mưa giông trẻ con vui mừng hớn hở, người lớn mặt buồn hiu, xoài rụng lấy gì để bán, vui buồn của con nít với người lớn khác nhau là vậy.

Từ nhà bà cố tôi, tôi xuống tắm ở cái bến này với lũ nhỏ xóm vườn.

Cái con rạch trước mặt thằng con tôi bây giờ hồi tôi còn nhỏ nó là con sông. Hồi đó, giữa con sông mênh mông mọc lên cái cồn non. Gọi là cồn non vì nó chưa vượt lên khỏi mặt nước, khi nào nước ròng thì mới thấy được nó: một bãi cát sẫm màu phù sa. Khi con nước lớn thì nó bị nhận chìm dưới dòng sông. Nhưng vẫn nhận ra nó nhờ những chòm cây điên điển, cây điên điển bắt gốc từ đất cồn, nó giỏi lắm, nước cao lên đến đâu, cây điên điển bao giờ cũng vượt lên khỏi mặt nước. Nước có thể vùi dập được cây lúa, cây ăn trái sẽ khô, sẽ héo nếu phải ngâm mình dưới nước lâu ngày, còn điên điển thì cứ ngạo nghễ, phất phơ theo gió và trổ bông. Có những giề lục bình trôi không kịp nước ròng thì bị vướng vào những chòm điên điển. Bông điên điển màu vàng, bông lục bình thì màu tím. Giữa dòng sông mọc lên một vườn hoa ba màu: xanh, tím, vàng.

Trước khi tắm, tôi kể cho nó nghe. Mặt nó nghếch lên, mắt mở tròn như nghe chuyện cổ tích. Không phải cổ tích của trăm năm, ngàn năm trước mà cách đây vài mươi năm và cái làng bên kia bờ con rạch, một cái làng với nhiều mái ngói dưới tàng cây, với tôi cũng là cổ tích.

Nó cởi quần áo, ném lên bãi cỏ, đeo cái phao như cái bánh xe choàng qua người, theo tôi xuống chân cầu, cây cầu là một miếng ván bề ngang độ ba tấc, dài độ hai mét, bắc ra mặt nước. Tôi đi dưới nước, cầm tay cho nó đi trên cầu, hai cái chân nhỏ bé của nó run run. Khi ra đến đầu cầu, nó hỏi:

Cái gì đây ba?

Cái gáo dừa - tôi đáp.

Cái gáo dừa úp trên đầu cột của cây cầu với cái cán dài.

Để làm gì vậy ba?

Để múc nước.

Tôi cầm cái gáo, múc nước rưới lên đầu nó, nó rùng mình thích thú kêu lên:

Ba ơi, sướng quá!

Tôi cởi phao cho nó, thảy xuống nước, rồi tôi bồng nó, cho hai tay nó bám vào vòng phao, tôi hét lớn:

Hai chân đập đi!

Hai chân nó đập đùng đùng. Tôi buông phao, nó nằm dài trên mặt nước, chân đập. Tôi đẩy cái phao từ từ lướt tới, mặt nó sáng rỡ, sáng hơn trước khi xuống nước.

Sau lúc tập bơi, tôi bảo nó nín thở, rồi nhận nó xuống nước. Khi đưa lên, nó vừa thở xong, tôi lại bảo nó nín thở. Cứ nhận xuống đưa lên, lần cuối cùng, nó vừa đưa tay vuốt mặt, vừa cười sặc sụa:

Chi vậy ba?

Biết bơi thì phải biết lặn biết hụp.

Về Sài Gòn, ba đi dạy bơi đi ba.

Tôi cười.

Trở về nhà bà cố tôi, nó cứ trần truồng như vậy đi lên năm bậc cầu thang gõ để lên sàn nhà. Nó thích nằm lăn lộn trên sàn nhà được lau sạch hơn là lên nằm trên bộ ngựa gõ, bộ ngựa gõ có từ đời ông bà tôi đã trên trăm năm, lên nước đen mun, mát lạnh. Nó hỏi:

Ở đây sao toàn nhà sàn không vậy ba?

Để không bị ngập.

Nước ở dưới sông, nước đâu có ở trên này mà ngập hở ba?

Vậy là tôi phải nói với nó về đời sống của con sông Cửu Long, nhánh sông chảy qua làng tôi gọi là sông Tiền. Nước sông bây giờ không trong, không đục, gọi là nước bạc; không mặn, không lợ mà ngọt. Có thể múc nước sông lên mà uống, nấu ăn, giặt giũ. Hồi trước, nhà tôi có ba cái lu, nước đổ vào lu, lấy phèn đánh, nước trở nên trong nhưng uống không bị chua vì phèn, vẫn ngọt và mát dài từ cổ họng đến bụng. Mỗi năm đến rằm tháng sáu âm lịch thì con nước quay. Bình thường thì có con nước ròng, nước lớn, nước chảy xuôi rồi nước chảy ngược, đến ngày gọi là con nước quay thì chỉ có một dòng từ đầu nguồn đổ ra biển và nước đổi màu ngầu đục là những hạt phù sa bị nước cuốn trôi, nước mang phù sa bồi đắp cho ruộng vườn. Khi ấy cũng là mùa mưa, mưa dầm dề, mưa sướt mướt, có cơn mưa kéo dài suốt bảy ngày bảy đêm, mưa không thấy mặt trời, đêm tối như mực, ngày mù mù mịt mịt, mây như màu khói đèn, đen kịt, chẳng biết tích tụ từ đâu, phương trời nào ùn ùn kéo tới, phủ dày đặc trên bầu trời, từ đó đổ xuống từng cơn mưa. Cơn mưa ấy, người làng gọi là cơn mưa ông không tha bà không tha, mưa lầy lội từ các đường đến sân nhà, mưa đến thúi cả đất.

Sao gọi là ông không tha, bà không tha hở ba?

Hồi còn nhỏ tôi cũng hỏi bà tôi một câu y như vậy, và bây giờ tôi lặp lại câu trả lời của bà tôi:

Thấy mưa lâu ngày quá, ông trời bảo thôi, tha cho nó đi, nhưng bà trời bảo không tha, mưa nữa đi, mưa cho ngập cho lụt.

Hồi nhỏ tôi hỏi bà tôi:

Sao bà lại không tha hả bà?

Bà nội tôi:

Bà giận trần gian.

Tôi lại hỏi:

Sao bà trời lại giận trần gian?

Bà nội tôi:

Vì dưới trần gian làm nhiều điều ác quá, bởi vậy khi con lớn lên, con phải tu tâm dưỡng tánh, không làm điều ác, ăn hiền ở lành, ai ai cũng vậy, ông trời bà trời thương, trời sẽ cho mưa thuận gió hòa.

Tôi kể cho nó nghe, bà nội tôi tức bà cố của nó đã nói như vậy. Nó nằm im, vẻ nghĩ ngợi. Tôi lại nhớ và lại nghĩ quanh quẩn. Cả dòng họ tôi đều theo đạo Phật, bà cố tôi ăn chay trường, suốt ngày lần chuỗi hột. Thọ hơn chín mươi, người già nhứt làng. Tôi ngẫm nghĩ đến lời bà tôi nói, có nhiều cái đúng, đúng lắm. Trên trái đất, không ngớt chiến tranh, kẻ gây ra chiến tranh họ ác với con người, không chỉ tội lỗi với con người mà ác độc và tội lỗi với cả thiên nhiên. Như cuộc xâm lược của Pháp và cuộc xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam. Quân đội Mỹ không những bắn giết người của chúng ta mà còn ném bom phá rừng, phá sông nước, chính vì vậy mà mùa nước sau chiến tranh thật dữ dội, cũng từ đó mới gọi là lũ. Con nước lũ là con nước dữ dội, con nước tàn phá, cuốn trôi cả nhà cửa, cuốn trôi cả con người. Sau mỗi con lũ thì lại có một số người phải bỏ quê hương, tha phương cầu thực. Qua màn hình tivi, không chỉ Việt Nam ta bị lũ lụt, mà trên toàn thế giới, nơi này nơi kia bị hạn hán, nào lũ, nào bão, nào cháy rừng, con người không biết yêu, không biết trọng thiên nhiên nên bị thiên nhiên trả thù.

Hồi tôi còn bé, sau ngày con nước quay, con nước mỗi ngày mỗi dâng cao, sau những cơn mưa dầm, đến rằm tháng bảy, nước chảy lên bờ, nước bò lên con lộ đá trước nhà, nước chảy qua sàn nhà, tràn vào đồng, con sông hiền hòa mang đến niềm vui cho mọi người. Người lớn vui vì lúa trên cánh đồng vượt lên mặt nước, vẫn xanh rì. Lúa này gọi là lúa sạ. Quê tôi, đến mùa lúa không phải cấy, mà rải lúa xuống đồng, rồi nó tự mọc, nước lên tới đâu, lúa lên đến đó. Khi nước rút, cây lúa cao cả thước. Sau khi gặt, rạ cao đến đầu gối người lớn, vàng rộm, đi theo bờ ruộng nghe thơm mùi rạ. Cắt rơm mang về nhà kết lại thành núi, núi rơm vàng rực lô nhô trên các sân nhà. Rơm dành cho trâu ăn, hoặc để nấu nướng; mấy ông nhậu thì lấy rơm, bó lại từng bó bằng cánh tay, đốt lên nướng cá. Lấy cây que thọc từ miệng con cá xuống qua đuôi, rồi cắm con cá dựng đứng, cầm ngọn lửa rơm nướng nó, gọi là cá lóc nướng trui. Cá chín, đặt nó xuống tàu chuối bên bờ ruộng, ba bốn người ngồi quanh, dùng tay gỡ từng miếng, chấm với muối ớt, muối ớt phải là muối hột mới đúng điệu.

Chương : 1    2    3   4    5    6    7    8    9    10   
Nguyễn Quang Sáng
Số lần đọc: 1577
Ngày đăng: 21.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Bài học tuổi thơ (truyện ngắn)
Cái gáo mù u (truyện ngắn)
Chị Nhung (truyện ngắn)
Chiếc lược ngà (truyện ngắn)
Con chim vàng (truyện ngắn)
Con Khướu sổ lồng (truyện ngắn)
Con ma da (truyện ngắn)
Con mèo của Foujita (truyện ngắn)
Đạo Tưởng (truyện ngắn)
Gà sanh đôi (truyện ngắn)
Người bạn lính (truyện ngắn)
Dân chơi (truyện ngắn)
Nó và tôi (truyện dài)
Vểnh râu (truyện ngắn)