Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
641
116.784.803
 
Nó và tôi
Nguyễn Quang Sáng
Chương 1

Nó là con tôi, con út. Nó tên Quảng. Giống bên ngoại, nó có mái tóc quăn, thường được gọi là Quảng quắn. Với người lạ, vì mái tóc quăn của nó, khó biết nó là trai hay gái.

Một hôm, cô bạn của má nó đến nhà chơi, hỏi nó:

Cháu trai hay gái?

Nó không trả lời mà tuột quần, hảy đít khoe… con chim. Má nó rầy:

Không được hỗn! Nghịch quá!

Nó nhe răng cười.

Khi nó lên 5, vào một buổi chiều mưa tháng 6, hai cha con đang ngồi xem tivi, nó chợt hỏi:

Hồi nhỏ, tivi của ba đen trắng hay màu?

Tôi bật cười:

Hồi ba nhỏ bằng tuổi con, làm gì có tivi mà đen trắng hay màu!

Đó là câu hỏi mở đầu để hỏi thêm, nghe tôi nói vậy, mặt nó ngớ ra, mất hứng. Nó lại xem tiếp, còn tôi thì nhớ, nhớ ngôi nhà khi tôi lên 5, ngôi nhà sàn, mái lá nằm bên con kinh Chà Và đổ ra sông Tiền. Còn ngôi nhà của nó và tôi bây giờ, một căn phòng đầy đủ tiện nghi: điện nước, quạt máy, tivi, tủ lạnh và phòng vệ sinh. Nhà nằm trong con hẻm rộng (hai chiếc ôtô ngược nhau rất thong thả), trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Dù ở trong hẻm nhưng vẫn nghe tiếng xe ngoài đường lớn: xe honda, ôtô và xe có tiếng còi hú, giống như ngôi nhà sàn của tôi ngày xưa, dù ở bên bờ kinh nhưng vẫn nghe tiếng sóng ngoài sông Tiền. Không biết tiếng động cơ xe ngoài đường lớn có theo nó suốt đời hay không và tiếng động cơ ầm ĩ đó sau này có gợi cho nó điều gì không? Chớ còn tiếng sóng của dòng sông vẫn cứ rì rầm trong tâm hồn tôi dù tôi ở đâu, ở những thành phố lớn, ở những ngọn núi cao hay rừng rậm, nhờ đó mà tôi có đôi lúc thơ mộng. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc, niềm hạnh phúc nhớ quê hương…

Tôi bỗng nảy ra ý định, hè này sẽ cho nó về quê. Cho nó được thấy, được nhìn, được lặn ngụp trong dòng nước của con sông. Lạ, khi lũ nhỏ chúng tôi đá banh chuối dưới cơn mưa tầm tã, khi không còn mồ hôi vã ra nữa, người lạnh run, chúng tôi nhảy ùm xuống dòng nước, tưởng là dưới cơn mưa nước sẽ lạnh, nhưng ngược lại, nước lại ấm, chúng tôi lại vùng vẫy. Lũ nhỏ chúng tôi ngày xưa cũng như lũ nhỏ bây giờ, dù bao nhiêu biến đổi, vẫn có một trò chơi. Lúc nhỏ, chúng tôi có biết bao trò chơi: đánh đáo, búng lỗ, con gái thì đánh chuyền chuyền. Khi lớn lên có người thành đạt, ở chức vị cao, nhưng không một ai không qua những trò chơi của trẻ con. Có một trò chơi của lũ nhỏ ở làng tôi rất độc đáo. Mỗi ngày, khi đến con nước lớn, nước mấp mé bên bờ, nước tràn trề vào các con kinh, đến lúc ấy thì đám con nít trong xóm từ 5 đến 10 tuổi rủ nhau ra cây cầu, cây cầu gỗ để xe ngựa, xe hơi, xe máy vượt con kinh chạy tiếp trên con đường rải đá, những đứa nhỏ đều trần truồng, da rám nắng, đứng xếp hàng theo lan can rồi một, hai, ba... Tất cả đều nhảy xuống nước, vùng vẫy, la hét, tát nước vào nhau. Đã rồi, lại leo lên cầu, lại một hai ba nhảy ùm xuống dòng kinh, vừa khỏe mạnh, vừa sảng khoái.

Có một lần, tôi dẫn một đoàn làm phim quay lại cảnh thời thơ ấu, đoàn nhờ các em nhỏ, sau đó đoàn trả thù lao cho lũ nhỏ mỗi đứa một cây kem. Trần truồng, ướt đẫm, mỗi đứa một cây, vừa mút vừa cười, hai hàm răng trắng lóa, vui gì đâu! Có lúc tôi tưởng tượng thằng út của tôi cũng có mặt trong đám nhỏ đó. Nhưng không thể được, bởi lẽ nó không biết bơi. Nếu nó đứng ở mép cầu, nhìn xuống dòng nước, nó sẽ chóng mặt, và nếu lỡ rơi xuống, nó sẽ chìm mất. Ở thành phố muốn cho nó biết bơi, phải đưa nó đến hồ bơi, phải có thầy dạy thật nhiêu khê nhưng tôi vẫn chịu khó đưa nó đi học bơi. Có một lần tôi đưa nó vào bệnh viện vì bị sốt. Câu đầu tiên mà bác sĩ hỏi tôi, nó có đi bơi hay không, tôi đáp: “Dạ có!”. Tôi thấy bác sĩ có vẻ hơi lo. Sau này, khi đã quen thân, tôi hỏi vì sao hỏi câu đó, bác sĩ nói, nếu đứa nhỏ thường đi bơi, khi sốt, rất có thể bị xuất huyết não. Vì sao vậy? Bác sĩ nói, cái hồ bơi như một cái áo mỗi ngày có hàng trăm con người, bịnh gì ai biết được, mỗi người mỗi bịnh khác nhau, đủ thứ vi trùng hòa trong một cái ao nước, chẳng biết lây bịnh gì, rất khó chẩn đoán. Ông nói ông sợ những hồ bơi không sạch. Tôi ngạc nhiên: “Nước hồ bơi được khử trùng mà bác sĩ?”. Bác sĩ cười: “Không phải hồ bơi nào cũng đủ tiêu chuẩn. Nhớ lũ nhỏ chúng tôi ngày xưa và lũ nhỏ trong làng bây giờ, có đứa nào đi học bơi đâu nhưng vẫn biết bơi như ai. Chúng tôi tập bơi bằng cách đến con nước lớn thì đốn một cây chuối, liệng xuống kinh hoặc con mương vườn, ôm cây chuối, hai chân đập đùng đùng. Rồi biết bơi lúc nào không hay, tưởng như biết bơi từ trong bụng mẹ. Đi trên sông, người biết bơi họ rất tự tin, còn người không biết bơi thì lúc nào cũng sợ sợ. Người không biết bơi là một khiếm khuyết. Lần này về quê, thời bây giờ không chặt chuối làm phao nữa, mà mang về một cái phao cao su, cho nó bập bùng trên dòng sông với trời và nước. Nghĩ đến cảnh ấy, tôi thấy vui.

Chương : 1   2    3    4    5    6    7    8    9    10   
Nguyễn Quang Sáng
Số lần đọc: 3070
Ngày đăng: 20.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Bài học tuổi thơ (truyện ngắn)
Cái gáo mù u (truyện ngắn)
Chị Nhung (truyện ngắn)
Chiếc lược ngà (truyện ngắn)
Con chim vàng (truyện ngắn)
Con Khướu sổ lồng (truyện ngắn)
Con ma da (truyện ngắn)
Con mèo của Foujita (truyện ngắn)
Đạo Tưởng (truyện ngắn)
Gà sanh đôi (truyện ngắn)
Người bạn lính (truyện ngắn)
Dân chơi (truyện ngắn)
Nó và tôi (truyện dài)
Vểnh râu (truyện ngắn)