Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
434
116.777.356
 
Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn
Elie Wiesel
Chương 3

3

 

Anh ngừng nói, dừng bước một chút nơi cửa sổ chỉ vừa đủ để mỉm cười trước khi tiếp tục nói bằng giọng trầm lắng hơn.

“Anh bạn ạ, sự sống của anh bạn, tôi có nó ngay đây này.  Trong lòng bàn tay của tôi đây.”

Chầm chậm xoay người lại, anh rút bàn tay mình ra.  Từng chút từng chút một, mặt anh trở lại vẻ thường lệ, và các cử động của anh ít gấp gáp hơn.

“Bác sĩ ạ, anh có tin vào Thượng đế không?”

Tôi thình lình túm lấy anh.  Anh đột nhiên đứng lại, nhăn trán.

“Có,” anh trả lời.  “Nhưng không ở trong phòng giải phẫu.  Ở đó tôi chỉ trông mong nơi mình.”

Mắt anh nhìn sâu thẳm hơn.  Anh thêm, “Nơi mình và nơi người bệnh.  Hoặc nếu anh thích thì, nơi sự sống của một cơ thể đang bệnh.  Sự sống muốn sống.  Sự sống muốn tiếp tục.  Nó trái ngược với cái chết.  Nó chiến đấu.  Người bệnh là đồng minh của tôi.  Hắn chung chiến tuyến với tôi.  Bên nhau chúng tôi mạnh hơn kẻ thù.  Hắn giúp tôi thắng trận đánh.  Hắn đang bám chặt, giữ chặt.  Hắn đang mê, đang ngủ, tuy thế hắn đang tham chiến...”

Vẫn không nhúc nhích, anh thêm lần nữa đăm đăm nhìn tôi một cách dữ dội.  Yên lặng lấn cấn.  Thêm lần nữa, tôi có cảm tưởng rằng anh đã biết, rằng việc anh đang nói chỉ cốt để xâm nhập vào sự bí mật của tôi.  Tôi dứt khoát: lúc này.  Bây giờ hoặc không bao giờ.  Tôi phải dứt điểm bất cứ sự hoài nghi nào.

“Bác sĩ ạ, tôi xin hỏi anh một câu.”

Anh gật đầu.

“Trong khi giải phẫu, tôi đã nói gì?”

Anh suy nghĩ một chút.  “Không có gì.  Anh chẳng nói gì cả.”

“Anh chắc chứ?  Không có lấy một tiếng?”

“Không một tiếng nào.”

Tôi nhẹ nhỏm, không nén được nụ cười.

“Bây giờ tới lượt tôi,” Paul Russel trang trọng nói.  “Tôi cũng có một câu hỏi.”

Nụ cười của tôi đông cứng lại.  “Anh hỏi đi,” tôi nói.

Tôi phải cưỡng chống nỗi thúc bách nhắm đôi mắt mình lại.  Đột nhiên căn phòng có vẻ sáng quá.  Cơn lo âu bám lấy giọng nói, hơi thở và đôi mắt của tôi.

Người bác sĩ hơi nghiêng đầu xuống, gần như khó có thể nhận thấy.

“Tại sao anh không thiết sống?” anh hỏi rất dịu dàng.

Phút chốc vạn vật rung chuyển.  Ánh sáng cũng hóa ra lung linh bập bùng và đổi màu.  Trắng, đỏ, đen.  Máu rần rật trong màng tang tôi.  Đầu tôi chẳng còn của tôi.

“Đừng chối điều đó,” Paul Russel tiếp tục, nói với giọng dịu dàng hơn nữa.  “Đừng chối điều đó.  Tôi biết.”

Anh biết.  Anh biết.  Anh biết.  Cổ họng tôi bị siết bằng một chiếc kềm vô hình.  Tôi có thể chết ngạt bất cứ lúc nào.

Tôi hỏi một cách yếu ớt rằng ai đã nói với anh: Kathleen?

“Không.  Không phải Kathleen.  Không ai cả.  Không ai nói với tôi cả.  Nhưng dù sao tôi cũng biết.  Tôi đoán ra.  Trong lúc giải phẫu.  Anh chẳng bao giờ giúp tôi.  Không lần nào cả.  Anh bỏ rơi tôi.  Tôi phải tiến hành cuộc chiến đấu đơn độc, hoàn toàn một mình.  Tệ hơn nữa.  Anh ở chiến tuyến đối nghịch với tôi, anh ở bên phía kẻ thù.”

Giọng anh trở nên khắc nghiệt, khắc nghiệt một cách đau đớn.  “Hãy trả lời tôi!  Tại sao anh không muốn sống?  Tại sao?”

Tôi bình tĩnh lại.  Tôi nghĩ, anh không biết.  Cái chút xíu anh đoán ra đó chẳng có ý nghĩa gì cả.  Một cảm tưởng.  Thế thôi.  Không có gì dứt khoát.  Không có gì cụ thể.  Tuy thế, anh di chuyển đúng hướng.  Chỉ có điều anh không đi trọn đường.

“Hãy trả lời tôi,” anh lặp lại.  “Tại sao? Tại sao?”

Anh càng lúc càng kiên quyết.  Môi dưới của anh căng thẳng rung rung.  Phải chăng anh đã nhận ra điều ấy?  Tôi nghĩ: anh nổi cơn thịnh nộ với tôi vì tôi đã để anh đơn độc, vì ngay cả lúc này, tôi vẫn đang chạy trốn anh, không biết ơn anh cũng chẳng ngưỡng mộ anh.  Đó là lý do khiến anh nổi xung.  Anh đoán ra rằng tôi không thiết sống, rằng sâu bên trong tôi, tôi không có khát vọng tiếp tục sống.  Và điều đó xói mòn căn bản triết lý lẫn hệ thống giá trị của anh.  Theo sách vở của anh thì con người phải sống và phải chiến đấu cho sự sống của nó.  Nó phải giúp các bác sĩ và đừng chống lại họ.  Tôi đã chống lại anh.  Anh mang tôi về lại cuộc đời, trái với ý nguyện của tôi.  Tôi gần như sắp nhập đoàn với bà nội của tôi.  Tôi đã thật sự ở trên ngưỡng cửa.  Paul Russel đứng sau lưng tôi và cản lại không để tôi bước qua.  Anh kéo tôi lùi về phía anh.  Anh một mình chống lại bà nội của tôi và những người khác.  Và anh đã thắng.  Một chiến thắng khác cho anh.  Một mạng sống.  Tôi nên sung sướng thét lớn lên và làm rung chuyển các tường thành vũ trụ.  Nhưng thay vì làm như thế, tôi lại quấy phá anh.  Và đó là điều làm anh khổ sở.

Bác sĩ Russel rõ ràng là đang ra sức tự chế.  Anh vẫn nhìn tôi giận dữ, má đỏ tía, môi run rẩy.

“Tôi ra lệnh cho anh phải trả lời tôi!”

Như một quan toà không chút xót thương, anh cất cao giọng.  Cơn giận khô lạnh làm tay anh cứng đơ.

Tôi nghĩ: anh sắp hét lên, sắp đánh tôi.  Ai biết?  Anh có thể bóp cổ tôi, ném tôi trở lại chiến trường.  Bác sĩ Russel là một con người nên vẫn có thể thù hận, vẫn có thể mất tự chủ.  Anh có thể dễ dàng giơ hai bàn tay lên túm cổ tôi và bóp lại.  Về phía anh, việc làm đó thông thường và thuận lý.  Tôi tiêu biểu một nguy cơ cho anh.  Bất cứ ai từ chối sự sống cũng là một nguy cơ đối với anh và đối với những gì anh đương cự trong thế giới này, nơi mạng sống có rất ít giá trị.  Trong mắt anh, tôi là một ung bướu phải bị loại trừ.  Loài người sẽ ra sao và luật pháp vô tư sẽ ra sao nếu hết thảy mọi người đều bắt đầu thèm chết?

Tôi cảm thấy rất bình tĩnh, hoàn toàn tự chủ.  Nếu soát xét sâu xa hơn tôi sẽ phát hiện ra rằng trạng thái trầm tĩnh của tôi còn che dấu cả sự mãn nguyện, một nỗi hân hoan kỳ dị - hoặc đơn giản chỉ là một sự buồn cười? - phát xuất từ sự hiểu rõ sức mạnh của mình, hiểu rõ tình trạng cô đơn của mình.  Tôi nhủ thầm: anh không biết.  Và tôi tự quyết định sẽ nói cho anh biết, để chuyển đổi tương lai của anh.  Ngay lúc này đây, tôi, chính tôi, là định mệnh của anh.

“Tôi đã kể cho anh nghe tôi mơ thấy gì trong lần giải phẫu đầu tiên trong đời tôi chưa?” Tôi mỉm cười hỏi anh bằng giọng thích thú.  “Chưa ư? Anh muốn tôi kể không?  Lúc đó tôi mười hai tuổi.  Mẹ tôi mang tôi tới bệnh xá của người anh họ của tôi, bác sĩ giải phẫu Oscar Sreter, để cắt thịt dư trong cổ họng.  Ông ấy đánh thuốc mê cho tôi ngủ.  Khi tôi tỉnh lại, Oscar Screter hỏi tôi, ỏCó phải em khóc vì bị đau? Không, tôi trả lời. Em khóc vì em vừa gặp Thượng đế. Một giấc mơ kỳ lạ.  Tôi đi tới Thiên đàng.  Thượng đế, ngồi trên ngai, đang chủ tọa hội nghị các thiên thần.  Giữa Ngài và tôi có một khoảng cách vô tận nhưng tôi có thể thấy Ngài thật rõ, như thể Ngài ở sát bên tôi.  Thượng đế ra hiệu và tôi khởi sự bước tới.  Tôi bước suốt mấy đời nhưng không thu ngắn được chút nào khoảng cách đó.  Rồi hai thiên thần nâng tôi lên, và đột nhiên tôi thấy mình mặt đối mặt với Thượng đế.  Tôi nghĩ, cuối cùng thì cũng gặp.  Lúc này tôi có thể đặt cho Ngài những câu hỏi ám ảnh hết thảy các nhà thông thái Israel:  Đau khổ có ý nghĩa gì?  Nhưng kinh sợ quá, tôi không thốt ra được tiếng nào.  Trong lúc ấy, những câu hỏi khác vẫn lũ lượt nối tiếp nhau trong đầu tôi: Khi nào tới giờ giải phóng?  Khi nào Thượng đế chinh phục được Quỉ dữ, để cho sự hỗn độn bị xua tan vĩnh viễn?  Nhưng môi tôi không mấp máy nổi và lời nói mắc kẹt trong cổ họng tôi.  Kế đó, Thượng đế nói với tôi.   Hoàn toàn yên lặng quá, thanh tịnh quá, tới độ tim tôi cảm thấy xấu hổ vì đang đập thành tiếng.  Yên lặng tuyệt đối khi tôi nghe những lời phán bảo của Thượng đế.  Với Ngài, lời nói và im lặng không trái ngược nhau.  Thượng đế trả lời hết tất cả các câu hỏi của tôi và của những người khác.  Kế đó, hai thiên thần đưa tay nắm lấy tôi, mang tôi về lại chỗ cũ.  Thiên thần này nói với thiên thần kia, Cậu ta nặng hơn trước, và thiên thần kia trả lời, Cậu ta đang mang trong mình một câu trả lời quan trọng.  Và tới đó tôi tỉnh lại.  Bác sĩ Sreter nghiêng mình trên tôi với một nụ cười.  Tôi muốn kể với ông anh ấy tôi vừa nghe những lời phán bảo của Thượng đế thì tôi hãi hùng nhận ra mình đã quên hết.  Tôi không còn nhớ Thượng đế đã nói với tôi những gì.  Nước mắt tôi bắt đầu trào ra.  Có phải em khóc vì bị đau? bác sĩ tốt bụng Sreter hỏi tôi. ỏEm không thấy đau, tôi trả lời.  Em khóc vì em vừa gặp Thượng đế.  Ngài trò chuyện với em và em quên tất cả những gì Ngài nói.õ  Ông anh bác sĩ bật cười thân thiện: Nếu em muốn, anh sẽ làm cho em ngủ lại, và em có thể yêu cầu Ngài nói thêm lần nữa... Tôi khóc còn ông anh họ của tôi thì cười thân thiện... Và bác sĩ Paul ạ, anh thấy đó, lần này, nằm thẳng cẳng trên bàn giải phẫu của anh, ngủ mê đi thật nhanh, tôi không thấy Thượng đế trong giấc mơ của tôi.  Ngài không còn ở đó nữa.”

Paul Russel chăm chú lắng nghe.  Chúi người tới trước, anh hình như đang tìm ý nghĩa ẩn dấu trong mỗi lời tôi nói.  Mặt anh biến đổi.

“Anh chưa trả lời câu hỏi của tôi!” anh lưu ý, và vẫn còn căng thẳng.

Vậy là anh không hiểu.  Trả lời cho câu hỏi của anh ư?  Nhưng đấy là câu trả lời rồi.  Bộ anh không thấy lần giải phẫu thứ hai này khác ra sao với lần giải phẫu đầu tiên ư?  Thế thì đó chính là lỗi của anh.  Anh không thể hiểu.  Chúng ta khác nhau quá, khác nhau vô vàn.  Các ngón tay anh chạm vào sự sống.  Các ngón tay tôi chạm vào sự chết.  Không một trung gian, không các vách ngăn.  Sự sống, sự chết, cái này cũng trơ trụi, cũng có thật như cái kia.  Vấn đề vượt quá chúng ta.  Nó ở trong một bầu khí vô hình, trên một màn ảnh xa xăm, giữa hai kẻ đầy quyền thế mà chúng ta chỉ là người thay mặt họ.

Đứng trước giường tôi, anh làm cho căn phòng tràn ngập hình bóng của anh.  Anh đang chờ.  Anh nghi ngờ có một bí mật nào đó và việc đó làm anh thịnh nộ.  Việc đó là cái làm anh lạc hướng.  Hai chúng tôi đều trẻ, và trên hết, chúng tôi còn sống.  Anh nhìn tôi một cách kiên trì, bướng bỉnh, để bắt cho được trong tôi cái đang né tránh anh.  Bằng cách thức giống y như thế, chắc con người thời sơ khai đã quan sát ban ngày biến mất phía bên kia núi.

Tôi cảm thấy muốn bảo anh: đi đi.  Paul Russel, anh là một người bộc trực và can trường.  Nghĩa vụ của anh là bỏ tôi mà đi.  Đừng yêu cầu tôi trò chuyện.  Đừng tìm cách hiểu.  Cả cái việc tôi là ai lẫn việc anh là ai.  Tôi là người kể chuyện.  Các chuyện cổ tích của tôi chỉ có thể kể lúc hoàng hôn.  Ai từng lắng nghe thì tra vấn cuộc đời mình.  Đi, Paul Russel. Đi đi.  Trong truyện cổ tích của tôi các vị anh hùng đều hung bạo và không chút xót thương.  Họ có thể siết cổ anh.  Anh thật muốn biết tôi là ai ư?  Tôi còn không biết mình là ai nữa.  Đôi khi tôi là Shmuel, kẻ sát sinh.  Hãy nhìn kỹ tôi.  Không, đừng nhìn mặt tôi.  Hãy nhìn hai bàn tay tôi.

 

Họ khoảng mười người trong hầm trú ẩn.  Đêm liền đêm, họ có thể nghe bầy quân khuyển Đức sục sạo trong các đống đổ nát, lùng cho ra những người Do thái đang kiên gan ẩn núp trong các chỗ trốn dưới mặt đất.   Shmuel và những người khác trên thực tế đang sống không nước uống, không bánh mì và gần như không có cả không khí.  Họ đang dai dẳng chịu đựng.  Họ biết rằng ở bên dưới, trong chỗ tù túng chật hẹp này của mình, họ được tự do; bên trên, thần chết đang chờ họ.  Một đêm, suýt xảy ra thảm họa.  Lỗi tại Golda.  Chị mang con theo mình.  Đứa bé chỉ mới được mấy tháng.  Nó bắt đầu khóc, và như thế làm cho mạng sống của hết thảy mọi người lâm nguy.  Chị ra sức dỗ con nín, cố làm cho nó ngủ.  Vô ích.  Thế là những người khác, kể cả chính Golda, quay qua Shmuel, bảo anh: “Hãy làm cho nó câm miệng.  Hãy chiếu cố tới nó, nghề của anh là giết gà mà.  Anh có thể làm được chuyện đó mà đứa bé không cảm thấy đau lắm.”  Và Shmuel chịu thua trước lý luận: mạng sống của đứa bé đổi mạng sống của mọi người.  Anh ẳm đứa bé.  Trong bóng tối các ngón tay của anh sờ soạng lần tìm cần cổ của đứa bé.  Và rồi im lặng, cả dưới trần gian cũng như cả trên thiên đàng.  Chỉ có tiếng lũ chó sủa xa xa.

 

Trên môi tôi thoáng mỉm cười.  Shmuel cũng là một bác sĩ, tôi nghĩ.  Paul Russel vẫn chờ, không nhúc nhích.

 

Moishe là một gã buôn lậu.  Hắn cũng sinh ra và lớn lên ở Sighet.  Chúng tôi là bạn nhau.  Từ năm mới tám tuổi, sáng nào cũng thế, cứ đúng sáu giờ là chúng tôi gặp nhau trên đường phố, tay xách đèn lồng, chúng tôi cùng đi tới phòng đọc sách, nơi chúng tôi tìm thấy những cuốn sách bự con hơn chúng tôi.  Thuở đó, Moishe muốn thành một thầy cả.  Hiện nay hắn là một gã buôn lậu và bị tất cả các lực lượng cảnh sát ở châu Âu truy nã.  Trong trại tập trung hắn là người ngoan đạo, dám đổi suất bánh mì suốt cả tuần của mình lấy một cuốn sách kinh.  Chưa đầy một tháng sau, con người ngoan đạo ấy chết đi.  Trước khi lâm chung, nó hôn lên cuốn sách quí báu ấy và thì thầm, “Sách ơi sách, ngươi đã hủy hoại bao nhiêu con người rồi?”  Hôm đó, Moishe quyết định thay đổi dòng đời của mình.  Và rồi như thế đó, loài người có thêm một gã buôn lậu và mất đi một thầy cả.  Cũng chẳng tệ hơn chút nào.

 

Bác sĩ ạ, anh muốn biết tôi là ai ư?  Tôi cũng là Moishe gã buôn lậu.  Nhưng trên hết, tôi là kẻ từng thấy bà nội của mình lên các tầng trời.  Giống một ngọn lửa, bà xua đuổi mặt trời và thế vào chỗ của nó.  Và mặt trời này mù loà, thay vì cho ánh sáng thì lại bắt tôi cúi đầu lê bước.  Nó đè nặng lên tương lai của con người.  Nó toả bóng tối ảm đạm lên các tâm hồn và cái nhìn của các thế hệ sắp tới.

Nếu tôi nói lớn tiếng với anh thì anh sẽ hiểu số phận bi thảm của những kẻ hồi sinh, những kẻ bị để lại về sau, những kẻ đã chết mà vẫn đang sống.  Anh phải nhìn họ thật kỹ.  Vẻ ngoài của họ chỉ là lừa dối.  Họ là những gã buôn lậu.  Họ giống hết thảy những người khác.  Họ ăn, họ cười, họ yêu.  Họ tìm kiếm tiền bạc, danh vọng, tình yêu.  Giống hết thảy những người khác.  Nhưng cái không thật là: họ đang đùa giỡn, và thỉnh thoảng còn không biết là mình đang đùa giỡn.  Ai từng thấy những gì họ đã thấy thì kẻ đó không còn giống như những người khác, không thể cười, không thể yêu, mua bán mặc cả, đau khổ, vui chơi hoặc quên lãng.  Giống như những người khác.  Anh phải quan sát họ thật kỹ khi họ đi ngang một ống khói trông có vẻ vô tội, hoặc khi họ đưa miếng bánh mì lên miệng họ.  Có cái gì đó trong họ làm anh rùng mình, quay mặt nhìn chỗ khác.  Những kẻ đó bị tật nguyền; họ mất chân hoặc mất mắt, chỉ còn lại ý chí và khả năng thưởng ngoạn cuộc đời.  Những gì họ thấy thì sẽ lại nổi lên trên bề mặt, ngay liền đó hoặc về sau.  Và lúc đó, thế giới sẽ run sợ, không dám nhìn vào những què quặt tinh thần trong mắt họ.

Nếu tôi nói lớn tiếng với Paul Russel thì anh sẽ hiểu tại sao người ta không nên đặt cho kẻ hồi sinh quá nhiều câu hỏi: họ không phải là con người bình thường.  Từ sau cơn choáng váng ấy, trong lòng họ có một con suối đang róc rách chảy.  Liền ngay đó hoặc về sau, đương nhiên xuất hiện các hậu quả.  Nhưng tôi không muốn anh hiểu.  Tôi không muốn anh đánh mất sự vô tư của anh; tôi muốn anh nhìn sự thật, cái sự thật đang hăm he tự nó sẽ lộ ra bất cứ lúc nào.

Tôi bắt đầu thuyết phục anh rằng anh lầm, cho anh bỏ tôi mà đi, cho anh để tôi yên thân.  Dĩ nhiên tôi muốn sống, muốn sáng tạo, muốn kéo dài mọi sự, giúp con người tiến tới đằng trước một bước, góp phần vào sự tiến bộ của loài người, vào hạnh phúc của con người, vào sự viên mãn của con người!  Tôi nói hồi lâu, cố ý dùng những lời phức tạp và khoa trương, những diễn tả trừu tượng.  Và vì anh vẫn không bị thuyết phục hoàn toàn, tôi thêm vào cuộc tranh luận một điều mà anh không thể bỏ qua: tình yêu.  Tôi yêu Kathleen.  Tôi yêu nàng với tất cả con tim tôi.  Và, làm sao ta có thể yêu nếu cùng lúc đó ta không thiết sống, nếu ta không tin vào cuộc sống hoặc vào tình yêu.  Dần dần, nét mặt của người bác sĩ trẻ lấy lại vẻ thường ngày.  Anh đã nghe những lời anh muốn nghe.  Nhân sinh quan của anh không gặp nguy cơ.  Mọi sự lại ở trong trật tự.  Không gì giống như tình bạn giữa người bệnh và bác sĩ!  Không gì thiêng liêng hơn hoặc lành mạnh, lớn lao hơn, hoặc cao quí hơn sự sống.  Khước từ sự sống là một tội; hành động đó ngu xuẫn và điên khùng.  Anh phải chấp nhận cuộc sống, ấp ủ nó, yêu thương nó, chiến đấu cho nó như thể nó là một kho báu, một người đàn bà, một hạnh phúc sâu kín.

Lúc này anh thân thiện trở lại.  Anh mời tôi điếu thuốc, khuyến khích tôi nhận nó.  Anh không còn căng thẳng.  Môi anh có lại sắc màu bình thường.  Trong mắt anh không còn ánh giận dữ.

“Tôi vui mừng,” sau cùng anh nói.  “Ngay lúc mới đầu tôi sợ... Tôi thừa nhận mình có lỗi.  Tôi vui mừng.  Vui mừng thật sự.”

 

Tôi cũng vậy.  Tôi vui mừng vì đã thuyết phục được anh.  Vui mừng thật sự.

Không gì dễ hơn.  Anh chỉ muốn bị lừa dối và tôi chơi trò chơi của anh.  Tôi đọc lại bài vở anh đã thuộc lòng.  Tình yêu là một dấu hỏi, không là một dấu than.  Nó có thể cắt nghĩa mọi sự mà không khiến người ta, dựa vào lý luận, tranh cãi xem ai mạnh ai yếu.  Một thanh niên thiếu nữ đang yêu hiểu vũ trụ và cuộc sáng thế còn hơn một học giả.  Tại sao chúng ta phải chết?  Vì tôi yêu người, hỡi người tình của tôi.  Và tại sao các đường thẳng song song lại gặp nhau ở vô cực?  Thật là một câu đáng hỏi!  Chỉ vì tôi yêu người, hỡi người yêu của tôi.

Và cái đó hiệu nghiệm.  Đối với họ, đối với cậu trai và cô gái đó, những người tù của một vòng tròn ma thuật, dường như câu trả lời đó hoàn toàn có giá trị.  Trong mắt họ, có mối quan hệ trực tiếp giữa cuộc phiêu lưu của họ và những bí nhiệm của vũ trụ.

Vâng, thật dễ.  Tôi yêu Kathleen.  Vì thế cuộc đời có ý nghĩa và con người không còn cô độc.  Tình yêu chính là bằng chứng cho sự hiện hữu của Thượng đế.

Kathleen, rốt cuộc tôi cũng phải cố thuyết phục nàng.  Thật ra, việc đó khó khăn hơn.  Nàng hiểu tôi quá rõ và nàng đang cảnh giác.  Khác với người bác sĩ trẻ này, kẻ đang chạy trốn khỏi những gì bất định, nàng cảm nhận được mọi sắc thái.  Đối với nàng, Hamlet chỉ là kẻ lãng mạn và câu hỏi anh ta đặt ra cho mình quá đơn giản.  Vấn đề không phải là: hiện hữu hoặc không hiện hữu.  Mà đúng ra là: hiện hữu lẫn không hiện hữu.  Nó hạ thấp xuống tới chỗ con người sống trong khi đang chết, tới chỗ tiêu biểu cho cái chết đối với người đang sống và ngay tại chỗ đó, thảm kịch bắt đầu.

 

Tại sao nàng trở lại?  Nàng không nên làm như thế.  Tôi cũng đã nói với nàng như thế.  Nàng không hạnh phúc.  Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là tôi cảm thấy mình không thể bảo nàng đừng thêm lần nữa mở cái dấu ngoặc đơn đó ra.

Nàng đang đau khổ.  Ngay trên điện thoại, nàng bộc lộ sự mệt mỏi của mình.  Năm năm trôi qua kể từ lần thầm lặng ra đi của tôi.  Sáng hôm đó trời lạnh buốt.  Hôm nay trời mùa thu.  Năm năm!  Tôi nghe Shimon Yanai nói Kathleen đã quay về Boston, kết hôn với một người lớn hơn nàng nhiều tuổi và khá giàu.

Chiều hôm đó, tại toà soạn.  Công việc lút tận cổ:  Đại hội đồng Liên hiệp quốc họp kỳ hằng năm.  Các diễn văn, cáo giác và biện minh, nghị quyết và phản nghị quyết.  Xét theo những gì được phát biểu trên bục diễn giả thì hành tinh của chúng ta đang ốm đau trầm trọng.

Điện thoại reo.

Đầu dây bên kia, trong tiếng xào xạc, có giọng thì thầm, “Kathleen đây.”

Nàng chỉ nói thế và im lặng hồi lâu.  Tôi nhìn ống liên hợp đang cầm trong tay, có cảm tưởng đầu dây bên kia vẫn giữ máy.  Tôi nghĩ: năm xưa, mùa đông; hôm nay, mùa thu.

“Em muốn gặp anh,” Kathleen nói thêm.

Giọng nàng có vẻ tuyệt vọng.  Nghe như hư không.

“Em đang ở đâu vậy?” tôi hỏi nàng.

Nàng nói tên một khách sạn.

“Chờ anh chỗ đó,” tôi nói.

Chúng tôi đặt ống điện thoại xuống cùng một lượt.

Nàng đang ở tại một trong những khách sạn đắt tiền nhất và trang nhã nhất New York.  Khu phòng của nàng trên tầng mười lăm.  Yên lặng, tôi đẩy cánh cửa đã mở sẵn một nửa.  Kathleen đang đứng nhìn ra ngoài trời, in bóng lên khung cửa sổ.  Mái tóc đen tuyệt đẹp buông xuống vai.  Nàng mặc áo đầm hở lưng.  Tôi xúc động.

“Chào Kathleen,” tôi vừa nói vừa đi vào.

“Chào anh,” nàng trả lời, không quay lại.

Tôi bước tới phía cửa sổ đang mở.  Cửa sổ nhìn xuống Công viên Trung tâm, vùng đất ban đêm không người; tại đô thị vĩ đại này, nơi trú ngụ, lòng tử tế, các tội phạm và những người đang yêu, đều như nhau.  Cây cối đang chuyển sang màu vàng.  Trời ẩm và nóng: đợt nóng cuối cùng trước khi vào mùa đông.  Xa bên dưới, hàng ngàn chiếc xe chạy vào các tán lá rồi biến mất.  Mặt trời phóng những tia nắng vàng rực vào khung cửa sổ các cao ốc chọc trời.

“Giúp em với,” Kathleen nói, ánh mắt nàng không rời những chiếc lá chết đang ngập đầy công viên.

Tôi len lén nhìn dáng người nàng đang nghiêng đứng, từ bên trái.  Qua đường cong ngấn cổ nàng, tôi cảm thấy nàng vẫn cực kỳ gợi cảm.

“Anh sẽ giúp em, phải không anh?” nàng nói.

“Dĩ nhiên,” tôi trả lời.

Tới lúc đó nàng mới quay mặt về phía tôi với ánh mắt biết ơn.  Nàng vẫn đẹp tuyệt vời, nhưng nhan sắc ấy đã đánh đi vẻ kiêu sa.

“Em đau khổ quá sức,” nàng nói.

“Đừng nói gì cả,” tôi trả lời.  “Hãy để anh nhìn em.”

Tôi ngồi xuống chiếc ghế có tay tựa và nàng bắt đầu đi quanh phòng.  Khi nàng nói, trên môi nàng lộ nét buồn rười rượi.  Thỉnh thoảng, mắt nàng ánh vẻ khắc nghiệt như toát ra từ một trạng thái bị sỉ nhục.  Nàng hút thuốc nhiều hơn trước.  Tôi nghĩ: này đây, Kathleen, kẻ kiêu hãnh, Kathleen kẻ ngoan cường, Kathleen một bà hoàng.  Nhưng giờ đây, là một người đàn bà gục ngã.  Một phụ nữ đang chết đuối.

Nàng cũng ngồi xuống, trước mặt tôi, trên chiếc ghế có tay tựa.  Nàng thở nặng nhọc.

“Em muốn trò chuyện,”

“Em nói đi,” tôi bảo nàng.

“Em không hổ thẹn khi nói với anh rằng em muốn trò chuyện.”

“Em nói đi,” tôi bảo nàng.

“Em cũng không hổ thẹn khi nói với anh rằng em đau khổ quá.”

“Em nói đi, nói đi em.”

Nàng đang ra sức làm sống động trở lại hình ảnh nàng từng có về mình.  Nàng thường nói một cách nghiêm trang bằng  những lời khắc nghiệt.  Nàng chưa quen nói tới những đau khổ của riêng mình.  Giờ đây, nàng nói.  Lắng nghe nàng và nhìn nàng thật gần mới thấy nhan sắc của nàng đã mất đi sức mạnh và sự bí nhiệm của nó.

Nàng nói rất lâu.  Thỉnh thoảng mắt nàng ám bóng mây.  Nhưng nàng cố không khóc và tôi biết ơn nàng vì nàng không khóc.

Nàng đã lập gia đình.  Ông ta yêu nàng.  Nàng không yêu ông.  Nàng cũng không yêu cái cảm giác mà nàng đã gợi lên trong ông.  Nàng đồng ý kết hôn với ông, chính xác là vì nàng không quan tâm tới ông.  Cái nàng muốn là chịu đau khổ, chịu trả giá.  Cuối cùng chồng nàng hiểu: Kathleen không thấy trong ông một người bạn đường mà là một kẻ xét xử.  Nàng không trông mong hạnh phúc nơi ông, dù chỉ một hạnh phúc giới hạn, mà là một trừng phạt.  Đó là lý do chồng nàng cũng bắt đầu đau khổ.  Cuộc sống chung của cả hai trở thành một chốn hành hạ.  Người này là kẻ dằn vặt và là nạn nhân của người kia.  Cứ thế kéo dài ba năm.  Rồi tới một ngày, người chồng cảm thấy vậy là đủ.  Ông yêu cầu li dị.  Nàng tới New York.  Để nghỉ ngơi, để tìm lại chính mình, để gặp tôi.

“Anh giúp em chứ?”

“Dĩ nhiên,” tôi trả lời.

Nàng chỉ đòi hỏi một điều: ở bên tôi.  Cuộc sống của nàng trống rỗng.  Nàng hy vọng leo lên trở lại.  Bắt đầu sống trở lại, sống mãnh liệt, như trước đây.  Để cảm động đến ứa nước mắt trước một cảnh trời chiều bảng lảng và trong trẻo, để cười vang trong nhà hát, để chống lại sự ghê tởm.  Tất cả những gì nàng muốn là được thêm lần nữa trở thành cái từng là nàng.

Mình nên từ chối.  Tôi hiểu.  Kathleen - kẻ tôi biết trước đây - đáng giá hơn sự ưng thuận của tôi.  Giúp nàng tức là sỉ nhục nàng, làm nàng bẻ mặt.  Nhưng tôi chấp nhận.  Nàng bất hạnh quá và tôi thì nhu nhược quá, có lẽ hèn nhát quá, chẳng dám nói không với một người đàn bà đang đập đầu vô vách, dù người đàn bà đó là Kathleen.

“Dĩ nhiên,” tôi lặp lại.  “Anh sẽ giúp em.”

Nàng chúi người tới trước, như thể gieo mình vào đôi cánh tay tôi, nhưng nàng kềm mình lại.  Chúng tôi nhìn nhau lâu, trong im lặng.

 

 

Sarah là ai?”

Tôi không thể nói.  Ngồi bên mép giường, Kathleen chăm chú ngó tôi, môi mỉm cười.  Mắt nàng không xét đoán tôi, chỉ tò mò nhìn tôi.

“Anh kêu tên người đàn bà ấy trong ngày đầu tiên, khi anh mê sảng.  Anh không nói điều gì khác.  Sarah.”

“Tại sao em chờ tới hôm nay mới hỏi anh?”

Tôi nằm nhà thương đã bốn tuần.

“Tính em rất tọc mạch.  Nhưng em muốn chứng tỏ với em rằng em có thể chờ.”

“Anh chỉ nói thế thôi ư?”

“Thế thôi.”

“Em có chắc không?”

“Chắc.  Trong mấy ngày đầu tiên đó, em lúc nào cũng ở bên anh.  Anh chẳng nói cái gì khác.  Anh không hé răng.  Nhưng một hay hai lần anh kêu cái tên ấy: Sarah.”

Đâu đây khuấy động một nỗi đớn đau đã cũ.  Tôi không hiểu chính xác là ở đâu.

“Sarah,” tôi kêu lên một cách cùng quẩn.

Kathleen vẫn mỉm cười.  Mắt nàng không tỏ vẻ xốn xang.  Nhưng quanh đôi môi đang dẩu lên của nàng có nỗi thống khổ đang chờ dịp trào dâng đầy mặt, chất ngất toàn thân nàng.

“Sarah là ai?” nàng hỏi thêm lần nữa.

“Sarah là tên của mẹ anh,” tôi nói.

Nụ cười biến mất.  Nỗi thống khổ trần trụi lúc này hoà trộn với sự đau đớn.  Kathleen gần như mất thở.

Tôi bảo nàng: khi còn bé, tôi sống với nỗi sợ triền miên rằng sau khi chết, tôi sẽ quên tên mẹ mình.  Ở trường học, thầy giáo dạy tôi: ba ngày sau đám ma của con, một thiên thần sẽ đến, gõ ba lần lên mộ con.  Thiên thần sẽ hỏi tên con. Con phải trả lời, “Tôi là Eliezer, con trai của Sarah.”  Nếu con quên thì thật thê thảm!  Con là một linh hồn chết, con sẽ bị chôn hoài chôn mãi tới thiên thu.  Con không thể đến trước toà phán xét để biết chỗ của con là ở trên thiên đàng hay dưới địa ngục, nơi có những người đang chờ đợi rất lâu trước khi được ăn năn sám hối.  Con sẽ bị kết án lang thang trong cõi hỗn mang, nơi không có gì hiện hữu, không trừng phạt cũng không đau khổ, không công lý cũng không bất công, không quá khứ không tương lai, không hy vọng không thất vọng. Quên tên mẹ mình là việc rất nghiêm trọng.  Nó giống như quên cội nguồn của mình.  Hãy nhớ: “Eliezer, con trai của Sarah, con trai của Sarah, Sarah, Sarah...”

“Sarah là tên của mẹ anh,” tôi nói.  “Anh đã không quên tên ấy.”

Người Kathleen vặn vẹo như thể đang bị trói vào một chiếc cột vô hình.  Nàng sợ đau khổ chưa đúng mức.  Nhưng thế thì nàng không nên lợi dụng trạng thái hôn mê của tôi để diễn giải sự im lặng của tôi và để thu thập cái tên mà tôi giữ kín.  Tên mẹ tôi là Sarah.  Tôi không bao giờ kể cho ai nghe.  Tôi yêu bà nhưng tôi chưa bao giờ kể điều đó với nàng.  Tôi yêu bà điên cuồng tới độ tôi dường như khắc nghiệt với bà nên nàng không đoán ra. Vâng.  Bà đã chết.  Bà đã lên thiên đàng, ở bên cạnh bà nội của tôi.

“Sharah,” Kathleen nói bằng giọng rạn vỡ.  “Em thích tên đó.  Nghe như thời Kinh thánh.”

“Tên mẹ anh là Sarah,” tôi nói thêm lần nữa.  “Bà đã chết.”

Bộ mặt Kathleen nhăn nhúm đau đớn.  Nàng như mụ phù thủy đánh mất bộ mặt thật của mình vì đã mang quá nhiều mặt nạ.  Lửa lớn bùng lên chung quanh nàng.  Đột nhiên nàng thét lên và bắt đầu khóc.  Mẹ tôi, tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi khóc.

 

Sarah.

Đó cũng là tên một cô gái mắt xanh tóc vàng tôi gặp ở Paris rất lâu trước ngày tôi quen Kathleen.

Tôi đang đọc báo dưới hàng hiên một quán cà phê gần Montparnasse.  Nàng ngồi uống nước chanh ở bàn kế bên.  Nàng cố khiêu gợi cho tôi chú ý và việc đó làm tôi thẹn đỏ mặt.  Thấy thế, nàng mỉm cười.

Bối rối, tôi không biết phải làm sao.  Không biết dấu chiếc đầu và đôi bàn tay của mình vào đâu, dấu sự bối rối của mình vào đâu.  Sau cùng, không chịu đựng được nữa, tôi nói với nàng:

“Cô có biết tôi?”

“Không,” nàng vừa nói vừa lúc lắc đầu.

“Tôi có quen cô không nhỉ?”

“Tôi nghĩ là không,” nàng nói trêu ghẹo.

Tôi không thể giữ mình cho khỏi cà lăm, “Vậy...tại sao?  Tại sao... tại sao cô nhìn tôi chằm chặp như vậy?”

Nàng có vẻ sắp sửa rùng mình, để bật cười hoặc để thở ra.  “Thích thì nhìn thôi,” nàng trả lời.

Trong khi nguyền rủa tính rụt rè của mình, tôi cắm đầu vô tờ báo, cố quên cô gái tóc vàng đó, cố tránh đôi mắt thơ ngây, thẳng thắn  và nét u sầu trong nụ cười của nàng.  Những hàng chữ in nhảy múa dưới mắt tôi.  Chữ không nằm yên cho tôi đủ thì giờ bắt lấy nó.  Tôi sắp gọi người hầu bàn tới trả tiền để đi thì người thiếu nữ với nụ cười lạ lùng đó bắt đầu nói chuyện với tôi.

“Có phải anh đang chờ người nào đó?”

“Không,” tôi nói.

“Tôi cũng vậy.”

Vừa nói nàng vừa bước sang bàn tôi, tay cầm theo ly nước chanh.

“Anh có cô đơn không?” nàng hỏi tôi.

“Không,” tôi nói, mặt đỏ bừng.

“Anh không cảm thấy cô đơn sao?”

“Hoàn toàn không.”

“Thật ư?”

Nàng có vẻ không tin tôi.  Và nụ cười của nàng ở đó, đâu đó trên mặt nàng, như một hình bóng thứ ba.  Trong mắt nàng? Không.  Mắt nàng lạnh lẽo, run rẩy.  Trên môi nàng? Cũng không.  Đôi môi nàng gợi cảm, đắng cay, mỏi mệt.  Nó ở đâu?  Đâu đó, giữa vầng trán và chiếc cằm của nàng, nhưng tôi không thể nói chính xác nó ở nơi nào.

“Thật ư?” nàng lặp lại.  “Anh không cảm thấy cô đơn sao?”

“Không.”

“Làm sao anh đối phó nổi?”

Tôi hụt hẩng.

“Tôi không biết,” tôi buột miệng.  “Tôi không biết.  Tôi đọc và đọc.”

Nàng chiêu một ngụm nước chanh, ngửng đầu lên, và bắt đầu cười tôi ra mặt.  Tôi để ý thấy lúc này nụ cười thật sự của nàng đã biến mất.  Có thể nàng đã nuốt nụ cười đó.

“Anh có muốn làm tình không?” nàng hỏi giọng thản nhiên.

“Vào giờ này sao?” tôi ngạc nhiên kêu lên.  “Vào buổi chiều?”

Trong tâm trí tôi, làm tình là việc về đêm.  Làm tình ban ngày đối với tôi có vẻ y như cởi trần truồng giữa đường phố.

“Ngay lúc này,” nàng trả lời.  “Anh có muốn không?”

“Không,” tôi trả lời liền.

“Tại sao không?”

“Tôi... Tôi không có tiền.”

Nàng đăm đăm nhìn tôi trong một phút với thái độ khinh bạc và tha thứ của một người biết hết và tha thứ hết.

“Không sao,” nàng nói sau một chút tần ngần.  “Anh sẽ trả cho tôi vào lần khác nào đó.”

Tôi mắc cở.  Tôi sợ.  Tôi trẻ và không có chút kinh nghiệm nào.  Tôi sợ không biết mình phải làm ra sao.  Và phần nhiều là tôi sợ về sau: sợ mình sẽ chẳng bao giờ còn như cũ.

“Sao?  Anh muốn không?”

Một lọn tóc đang buông lơi trên vầng trán nàng.  Thêm lần nữa xuất hiện một nụ cười.  Lúc này, tôi cũng không hiểu đó chính là nụ cười hồi nãy hay một nụ cười nào khác thay vào, một nụ cười thật sự hay một nụ cười giả tạo.

“Gọi người hầu bàn đi,” nàng nói.

Tôi gọi người hầu bàn.  Tôi trả tiền tách cà phê; nàng trả tiền ly nước chanh.  Chúng tôi đứng lên và bắt đầu cất bước.  Tôi cảm thấy thoải mái, không còn lúng túng, khó chịu.  Nhỏ người hơn tôi, nàng bước đi bên phải tôi, đầu nàng chỉ cao hơn vai tôi một chút.  Tôi không dám nhìn nàng.

Chỗ cô gái ấy ở không xa.  Người gác cửa khách sạn hình như đang ngủ.  Nàng lấy chìa khóa, bảo tôi nàng ở tầng ba.  Tôi đi theo nàng.  Nhìn từ sau lưng trông nàng có vẻ lớn tuổi hơn.

Khi lên tới tầng ba, chúng tôi rẽ sang phải và vào phòng nàng.  Nàng bảo tôi đóng cửa.  Tôi nhẹ nhàng khép cửa, không muốn làm phát ra tiếng động nào.

“Đừng làm như thế,” cô gái nói.  “Khóa cửa lại.”

Tôi xoay chìa khóa.  Tôi bị tràn ngập bởi một thứ lo lắng mới.  Tôi không mở miệng vì tôi chắc chắn giọng mình sẽ run lẩy bẩy.  Một mình với một người đàn bà.  Một mình trong khách sạn với một phụ nữ.  Với một gái giang hồ.  Và liền ngay đây chúng tôi sẽ làm tình.  Tôi chắc chắn điều này: nàng là một gái điếm.  Nếu không, nàng đã cư xử khác hẳn.

Nàng kéo kín các mành cửa sổ, cởi giày, và chờ.  Đứng bên giường, nàng chờ.  Tôi cảm thấy ngờ nghệch chẳng biết mình nên làm gì.  Cởi quần áo? Chỉ thế thôi sao?  Tôi nghĩ: đầu tiên mình nên hôn nàng.  Trong xi nê, đàn ông luôn luôn hôn đàn bà trước khi làm tình với họ.  Tôi bước tới gần nàng, nhìn nàng chằm chặp, rồi thô bạo kéo nàng vào mình, hôn lên môi nàng thật lâu.  Theo phản ứng tự nhiên, tôi nhắm mắt mình lại.  Khi mở mắt ra, tôi nhìn thấy đôi mắt nàng, và trong đôi mắt đó có nỗi kinh hoàng man dại.  Tôi rùng mình lùi lại một bước.

“Chuyện gì vậy?” tôi hỏi nàng, tim đập thình thịch.

“Không có gì,” nàng trả lời, tiếng nàng đến từ một thế giới khác.  “Không có gì.  Tới đây.  Mình làm tình.”

Thình lình nàng đưa tay lên miệng.  Mặt nàng bỗng trắng bệch như thể không còn chút sinh khí.

“Chuyện gì xảy ra cho cô vậy?  Nói cái gì đi?”

Nàng không trả lời.  Tay đặt lên miệng mình, nàng nhìn xuyên qua người tôi như thể tôi trong suốt.  Mắt nàng lạc thần, như đôi mắt của một đứa bé mù.

“Có phải tôi đã xúc phạm cô?” tôi hỏi.

Nàng không nghe tôi nói.

“Có phải cô muốn tôi đi ngay?”

Nàng rất xa vời, đang ẩn trú nơi không người lạ nào được phép lai vãng.  Tôi chỉ có thể có mặt ở bên ngoài.  Tôi hiểu rằng bằng cử chỉ hôn nàng, tôi đã khởi động một chiếc máy không tên.

“Nói cái gì đi?” tôi năn nỉ nàng.

Lời cầu xin của tôi không chạm tới nàng.  Nàng có vẻ ngây dại, bị quỉ ám.  Có thể mình chỉ sống thật sự nhờ cuộc gặp gỡ này, tôi nghĩ.  Nhờ cuộc gặp gỡ với một gái giang hồ, kẻ lưu giữ bên trong nàng dấu vết thơ ngây như những người khật khùng lưu giữ dấu vết tinh khôi trong cơn điên dại của họ.

Tình trạng đó kéo dài vài phút.  Rồi dường như nàng chợt tỉnh; cất tay khỏi mặt.  Một nụ cười mệt mỏi và buồn bả vô hạn thắp sáng khuôn mặt nàng.

“Anh tha lỗi cho tôi,” nàng nói dịu dàng.  “Tôi làm hỏng bét mọi sự.  Tha lỗi cho tôi.  Tôi thật ngu ngốc.”

Nàng bắt đầu cởi quần áo, nhưng tôi cảm thấy không còn muốn làm tình với nàng.  Lúc này, tôi chỉ muốn biết.

“Chờ chút,” tôi bảo nàng.  “Chúng ta chuyện trò đôi chút.”

“Anh không còn muốn làm tình ư?” nàng hỏi tôi, lo lắng.

“Để sau,” tôi trấn an nàng.  “Trước hết, mình nói chuyện đôi chút.”

“Anh muốn nói chuyện gì?”

“Về cô.”

“Anh muốn biết điều gì?”

Một cách máy móc, nàng gở khuy váy.

“Cô là ai?”

“Một cô gái.  Một cô gái giống các cô gái khác.”

“Không,” tôi cãi lại.  “Cô không giống các cô gái khác.”

Nàng thả chiếc váy rơi xuống sàn nhà.  Lúc này, nàng mở nút áo.

“Làm sao anh biết?” nàng hỏi.

“Có thể là trực giác,” tôi trả lời lúng túng.

Giờ đây, nàng chỉ mang nịt ngực và quần lót.  Chầm chậm, nàng ngã người ra giường.  Tôi ngồi bên nàng.

“Cô là ai?” tôi lại hỏi lần nữa.

“Tôi đã nói với anh.  Một cô gái, một cô gái giống các cô gái khác.”

Vô tình tôi vuốt tóc nàng.

“Tên cô là gì?”

“Cái đó không quan trọng.”

“Tên cô là gì?”

“Sarah.”

Một nỗi buồn quen thuộc úp chụp lên tôi.

“Sarah,” tôi nói.  “Một cái tên tuyệt đẹp.”

“Tôi không thích tên đó.”

“Tại sao không?”

“Đôi khi nó làm tôi run rẩy.”

“Tôi thích nó,” tôi nói.  “Đó là tên của mẹ tôi.”

“Bà đang ở đâu?”

Tôi vẫn vuốt tóc nàng.  Tim tôi cảm thấy nặng nề.  Mình có nên kể nàng nghe không?  Tôi không thể nói ra những tiếng rất giản dị, rất đổi giản dị rằng: “Mẹ tôi đã chết.”

“Mẹ tôi đã chết,” sau cùng tôi nói.

“Mẹ tôi cũng vậy.”

Im lặng.  Tôi đang nghĩ tới mẹ tôi.  Nếu mẹ tôi thấy tôi lúc này... Bà sẽ hỏi tôi:

Cô gái này là ai?

Vợ con, tôi sẽ nói.

Và tên cô ấy là gì?

Sarah, thưa mẹ.

Sarah?

Vâng, thưa mẹ, Sarah.

Con điên rồi sao?  Có phải con đã quên rằng mẹ cũng được gọi là Sarah?

Không, thưa mẹ.  Con không quên.

Vậy, có phải con đã quên rằng đàn ông không có quyền cưới một phụ nữ mang tên mẹ của hắn?  Có phải con đã quên rằng việc đó đem lại xui xẻo?  Rằng việc đó khiến cho người mẹ phải chết.

Không, mẹ ơi.  Con không quên.  Nhưng mẹ không còn có thể chết.  Mẹ đã chết rồi.

Đúng vậy... Mẹ đã chết...

“Có phải anh thật sự muốn biết?”

Tiếng nói của Sarah mang tôi về lại dương gian.  Nàng đang nhìn thẳng tới trước như thể nhìn xuyên qua các bức vách, qua hàng năm trường và qua các ký ức, để với tới nguồn cội, nơi bầu trời chạm mặt đất, nơi sự sống kêu gọi tình yêu.  Sarah đặt cho tôi câu hỏi ấy, làm như thể tôi, bằng tự mình tôi, tạo dựng vũ trụ này.

“Anh thật sự muốn biết tôi là ai?”

Giọng nàng trở nên khắc nghiệt, không chút xót thương.

“Dĩ nhiên,” tôi trả lời, che dấu nỗi sợ của mình.

“Trong trường hợp này...”

 

Từ lúc đó, nhiều lần tôi nguyền rủa mình.  Tôi không nên lắng nghe.  Tôi nên bỏ chạy.  Lắng nghe một câu chuyện trong hoàn cảnh như thế đó là tham dự vào câu chuyện, là chọn một lập trường, là nói có hoặc không, là xúc động cách này hoặc cách nọ.  Kể từ lúc đó là có trước đó và có sau đó.  Và dù cho có quên lãng đi nữa thì cũng đã thành một sự chấp nhận hèn nhát.

Tôi nên bỏ chạy.  Hoặc bịt kín tai mình lại.  Hoặc nghĩ tới cái gì khác.  Tôi nên la hét, hoặc hát, hoặc hôn lên môi nàng để nàng ngừng nói.  Làm tình với nàng.  Nói với nàng rằng tôi yêu nàng.  Làm bất cứ điều gì, chỉ để nàng ngừng nói.  Để nàng ngừng nói.

Tôi đã không làm gì cả.  Tôi lắng nghe.  Chăm chú.  Tôi ngồi trên mép giường, kề bên thân thể gần như trần truồng của nàng, lắng nghe câu chuyện của nàng.  Các ngón tay tôi siết chặt cổ họng mình như gọng kềm.

Bây giờ, hễ lúc nào nghĩ đến nàng là tôi nguyền rủa mình, cũng như tôi nguyền rủa những ai không nghĩ đến nàng, không nghĩ đến nàng những lúc nàng bị đọa đày.  Bộ mặt khôn dò của nàng như bộ mặt của một đứa bé đau ốm.  Nàng nhìn thẳng tới trước không chút sợ hãi, nhìn xuyên suốt các vách tường như thể nàng có thể thấy cuộc hỗn mang trước ngày sáng thế.

Tôi nghĩ tới nàng và tôi nguyền rủa mình, cũng như tôi nguyền rủa lịch sử đã làm chúng tôi ra như thế này: một nguồn suối nguyền rủa.  Lịch sử xứng đáng với sự chết, sự hủy diệt.  Bất cứ ai lắng nghe Sarah mà không thay đổi, bất cứ ai đi vào thế giới của Sarah mà không khai phá những thần linh mới và những tôn giáo mới, đều đáng chết và đáng bị hủy diệt.  Một mình Sarah có quyền quyết định cái gì là thiện cái gì là ác, có quyền tách bạch chân lý khỏi những gì đang tiếm đoạt diện mạo của chân lý.

Và tôi lúc ấy ngồi bên hình hài gần như lõa lồ của nàng và lắng nghe.  Mỗi lời là mỗi siết thêm gọng kềm.  Tôi sắp bóp cổ tôi.

Tôi nên bỏ đi.  Lẹ.  Thật lẹ.  Tôi nên bỏ chạy lúc nàng mới mở miệng, ngay khi tôi nhìn thấy dấu hiệu đầu tiên.

Tôi đã ở lại.  Có điều gì đó giữ tôi lại.  Tôi muốn đau khổ với nàng.  Đau khổ theo cách nàng đau khổ. Tôi cảm thấy nàng sắp tự mạ lị nàng.  Có thể điều đó ngăn không cho tôi bỏ đi.  Tôi muốn tham dự vào cuộc lăng nhục của nàng.  Tôi hi vọng sự sỉ nhục của nàng cũng sẽ rơi trở lại trên tôi.

Tôi biết trong các trại tập trung có nhiều cô Sarah.  Tôi chưa hề gặp cô nào nhưng tôi từng nghe nói tới họ.  Tôi không biết nét mặt của họ là nét mặt của những đứa bé đau ốm.  Tôi cũng không ngờ một ngày nào đó tôi sẽ hôn lên môi một trong các cô gái đó.

Mười hai tuổi.  Nàng mười hai tuổi vào lúc bị tách khỏi cha mẹ mình và bị đưa vào ba-rắc đặc biệt để phục vụ thú vui xác thịt của các viên chức trong trại.  Cuộc sống của nàng bị tung hứng vì có những viên chức Đức thích các cô bé cỡ tuổi nàng.  Thích làm tình với những cô bé cỡ tuổi nàng.

Đột nhiên nàng đưa đôi mắt đầy bóng tối về phía tôi: Thượng đế vẫn ở trong đôi mắt đó.  Thượng đế của hỗn mang và bất lực.  Thượng đế, kẻ hành hạ những đứa bé mười hai tuổi.

“Anh từng ngủ với một người đàn bà mười hai tuổi chưa?” nàng hỏi tôi.

Giọng nàng bình tĩnh, điềm đạm, trần trụi.  Tôi cố không thét lên.  Tôi không thể tự chứng minh cho mình.  Ngủ như thế thì  dễ quá mà.

“Anh cũng thích việc đó, phải không?” nàng hỏi khi nàng nhận thấy tôi im lặng.  “Hết thảy đàn ông đều thích việc đó.”

Cái nhìn của nàng làm mắt tôi rừng rực.  Tôi sợ mình thét lên.  Tôi không thể thanh minh cho mình.  Không phải thanh minh với nàng.  Đặc biệt không phải là với nàng.  Nàng xứng đáng hơn thế nhiều.

“Hãy nói cho tôi biết,” nàng tiếp tục, dù sao thì cũng bằng giọng dịu dàng hơn.  “Có phải đó là lý do anh không làm tình với tôi?  Vì tôi không còn mười hai tuổi?”

Thượng đế của bất lực biến mắt nàng thành ngọn lửa.  Mắt tôi cũng vậy.  Tôi nghĩ: mình sắp chết.  Hể ai thấy Thượng đế thì phải chết.  Điều ấy được viết trong Kinh thánh.  Tôi chưa bao giờ hiểu tận tường rằng: tại sao Thượng đế lại bị liên kết với thần chết?  Tại sao Ngài muốn giết kẻ từng thấy Ngài?  Lúc này, mọi sự sáng tỏ.  Thượng đế xấu hổ.  Thượng đế thích ngủ với các cô bé mười hai tuổi.  Và Ngài không muốn chúng ta biết.  Bất cứ ai thấy việc đó hoặc đoán ra việc đó thì đều phải chết để bí mật đó không bị tiết lộ.  Thần chết chỉ là tên lính canh lo bảo vệ Thượng đế, kẻ gác cửa một nhà thổ mênh mông mà chúng ta gọi là vũ trụ.  Mình sắp chết, tôi nghĩ.  Vì các ngón tay của tôi đang kềm chặt cuống họng tôi và tiếp tục siết, càng lúc càng mạnh hơn, trái với ý muốn của tôi.

Sarah quyết định để cho tôi thở một chút.  Nàng lại nhìn thẳng tới trước và tiếp tục nói như thể tôi không hiện hữu hoặc như thể chỉ mình tôi hiện hữu, khắp nơi và mãi mãi.

“Hắn say rượu.  Một con lợn bí tỉ.  Hắn cười hô hố.  Hắn bốc mùi dâm ô.  Đặc biệt tiếng cười của hắn.  Hôm nay sinh nhật của ta, hắn nói.  Ta có một món quà.  Một món quà đặc biệt!õ  Hắn lăm lăm nhìn tôi từ đầu tới ngón chân cái và cười khèn khẹt.  Ngươi sẽ là món quà sinh nhật của ta.  Tôi không hiểu ý nghĩa lời hắn nói.  Tôi mười hai tuổi.  Ở tuổi đó, người ta chưa biết rằng thiếu nữ có thể bị đem tặng làm quà sinh nhật...  Lúc đó, tôi không một mình trong ba-rắc.  Cả tá phụ nữ đứng quanh chúng tôi.  Bertha trắng.  Những người đàn bà khác cũng vậy.  Trắng.  Trắng như xác chết.  Hắn, chỉ riêng hắn, tên say rượu ấy, thì đỏ.  Bàn tay của hắn cũng vậy, giống bàn tay tên đồ tể.  Và tiếng cười của hắn chạy từ miệng hắn lên mắt hắn.  Ngươi sẽ là món quà sinh nhật của ta, ngươi! hắn nói.  Bertha cắn môi.  Chị là bạn của tôi.”

Chị là một phụ nữ tuyệt đẹp với cái nhìn u buồn.  Chị lúc nào cũng ngẩng cao đầu như một nàng công chúa phương Đông.  Ngay đêm vừa tới trại, chị mất đứa con gái cùng tuổi với Sarah.

“Thưa ngài, nó quá trẻ,” chị xin giùm.  “Nó chỉ là đứa con nít.”

“Nếu nó đã ở đây tức là nó không còn con nít,” hắn quàu quạu trả lời.  “Nếu nó là con nít, thì ngươi đã biết nó phải ở đâu rồi.  Trên kia kìa..”

Ngón tay nung núc của hắn chỉ lên hướng quá trần nhà.

“Bertha là bạn của tôi,” Sarah nói.  “Chị không chịu thua.  Chị chiến đấu tới cùng.  Để cứu tôi chị sẵn sàng thay vào chỗ của tôi.  Những người khác cũng sẵn sàng làm như vậy.”

Sarah im lặng một lúc.

Trong ba-rắc tranh tối tranh sáng, Bertha cố đánh lạc hướng hắn.  Không nói một tiếng, chị bắt đầu cởi quần áo.  Những người đàn bà khác - tóc nâu, tóc vàng, tóc đỏ - không ai bảo ai cũng bắt đầu cởi quần áo.  Trong chớp mắt, tất cả đều khỏa thân như các bức tượng im lặng và bất động.  Sarah nghĩ rằng đây là một cơn mộng dữ, một giấc mơ bệnh hoạn.  Hoặc mình đang khật khùng.  Một sự yên lặng phi nhân bọc kín ba-rắc, hết sức trái ngược với sự căng thẳng trên mặt các phụ nữ.  Bên ngoài, mặt trời chuyển mình đằng sau đường chân trời, toả màu máu han gỉ của nó tràn lên trên các hình bóng đang chuyển động.  Dường như nếu quang cảnh ấy còn tiếp diễn thì có điều gì đó khủng khiếp sẽ xảy ra bất cứ lúc nào; điều gì đó làm tan tành vũ trụ, làm thay đổi dòng thời gian, lột mặt nạ định mệnh và cho con người thấy rốt cuộc cái gì đang chờ mình bên kia chân lý, bên kia cái chết.

Chương : 1    2    3   4   
Elie Wiesel
Số lần đọc: 1310
Ngày đăng: 17.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng - Elie Wiesel
Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
Về từ cõi chết - Elie Wiesel
Mắt xanh mỏ đỏ - Gào
Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời - Imre Kertész
Quỷ Trần Gian - Thái Bi
Đi tìm thượng đế - Trường Thanh
Vì ta cần nhau ! - Đổ Quỳnh Anh
Biết đâu địa ngục thiên đường - Nguyễn Khắc Phê
Rái cá đồng và cô bé hàng xóm - Trịnh Thắng
Cùng một tác giả
Về từ cõi chết (truyện dài)