Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
626
116.723.383
 
Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trong sách giáo khoa Quốc Văn trung học ở miền Nam 1954 -1975
Trần Hoài Anh

 

                                   

                         (Bài viết nhân kỷ niệm 200 ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu)

 

  Tóm tắt:

 

       Trong chương trình Quốc văn bậc trung học giảng dạy ở miền Nam 1954-1975, Nguyễn Đình Chiểu hiện hữu với tư cách một tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XIX. Cùng với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…, Nguyễn Đình Chiểu được giới thiệu trang trọng trong sách giáo khoa Quốc văn bậc trung học. Bên cạnh, việc khảo cứu về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu với những nét chính về thân thế, văn nghiệp là việc giảng bình các tác phẩm của ông với hai khuynh hướng: Thơ văn đạo lý với Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu; Ngư tiều vấn đáp… và Thơ văn thời thế với Điếu Phan Tòng; Văn tế Trương Công Định; Văn tế Sĩ Dân Lục Tỉnh; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; Chạy giặc; Hịch Thảo thử

       Bài viết: Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trong sách giáo khoa Quốc Văn trung học ở miền Nam 1954-1975 góp phần luận giải việc thẩm bình, giảng dạy về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu qua ý kiến của các nhà biên soạn sách giáo khoa nhằm xác định Nhân vị của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học nước nhà nhìn từ bình diện văn hóa, đạo đức, luân lý và tấm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc thể hiện ở sách giáo khoa Quốc văn trung học vốn thấm nhuấn triết lý giáo dục: Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng của nền giáo dục miền Nam 1954 -1975.

 

     1.Dẫn Nhập:

 

       Không phải ngẫu nhiên, Phan Văn Hùm trong công trình nghiên cứu đầy tâm huyết về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu: Nỗi Lòng Đồ Chiểu (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1957) đã xác quyết: “Thử đọc những bài văn tế của tiên sinh, ta sẽ thấy tiên sinh không phải là không có văn học và văn tài. Duy cái văn tâm thì thật là không thấy tiên sinh có dấu gì nuôi nấng nó. Mà ba cái văn tâm, văn học, văn tài, nếu vắng đi một, nếu không kết thành ba, thì khó nên áng văn hay, bất hủ. Trong buổi nước nhà đa sự, bờ cõi qua phân, các bậc văn thần còn lòng nào chơi văn gọt chữ? Thời cái văn tâm sao đem được vào lòng?” (1). Vì vậy, trong chương trình Quốc Văn bậc trung học giảng dạy ở miền Nam 1954-1975, Nguyễn Đình Chiểu hiện diện với tư cách là một tác giả lớn của văn học Việt Nam thế kỷ XIX. Và cùng với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…Nguyễn Đình Chiểu được giới thiệu trang trọng trong sách giáo khoa Quốc Văn bậc trung học. Bên Cạnh việc khảo cứu về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu với những nét chính về thân thế và văn nghiệp là việc giảng bình các tác phẩm tiêu biểu của ông với hai khuynh hướng: Thơ văn đạo lý với Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu; Ngư Tiều vấn đáp… và Thơ văn thời thế với Điếu Phan Tòng; Văn tế Trương Công Định; Văn tế Sĩ Dân Lục Tỉnh; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; Chạy giặc; Hịch Thảo thử… Ngoài ra, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu cũng hiện diện ở sách nghị luận văn chương, là đề thi môn Quốc văn ở các kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp và kỳ thi Tú Tài I, II cho học sinh bậc trung học. Điều nầy cho thấy Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông có một vị thế quan trọng như thế nào trong đời sống văn học miền Nam, trong đó có lĩnh vực sách giáo khoa văn học. Đây là nơi nhân cách Nguyễn Đình Chiểu luôn tỏa sáng trong tâm thức bao thế hệ học sinh ở nhà trường miền Nam trước 1975, những người sẽ tiếp nối thế hệ cha ông thắp sáng truyền thống đạo lý cao đẹp và tinh thần yêu nước thiết tha được kết tinh từ thơ văn Đồ Chiểu để đắp bồi những giá trị nhân văn cho nền văn học nước nhà.

 

   2. Khái quát về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ở sách giáo khoa Quốc Văn

 

    2.1. Về cuộc đời và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu

 

     Có thể nói, khí quyển văn hóa, chính trị, xã hội ở miền Nam 1954 -1975 là khá cởi mở. Đó là một xã hội được xây dựng trên nền tảng tư tưởng dân chủ, đa nguyên, tự do tiếp nhận nhiều hệ hình lý thuyết tư tưởng Đông Tây và văn hóa Mỹ. Tình hình đó đã đặt miền Nam trước một cuộc đấu tranh để bảo vệ nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì thế, tư tưởng triết lý của phương Đông như Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo vẫn tiếp tục được duy trì và trao truyền như một trong những hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để mong đắp một “con đê” ngăn chặn sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai, nhất là từ sau 1965, khi người Mỹ mang quân vào miền Nam chi viện cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì phong trào chống Mỹ trong lòng các đô thị miền Nam như một biểu hiện của tinh thần chống xâm lược để bảo vệ nền độc lập cho tổ quốc. Chính bối cảnh xã hội nầy là mảnh đất màu mở để tinh thần đạo lý truyền thống của dân tộc qua Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu và tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm trong: Điếu Phan Tòng; Văn Tế Trương  Công Định; Văn Tế Sĩ Dân Lục Tỉnh; Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; Chạy Tây; Ngóng gió đông… của Nguyễn Đình Chiểu nảy mần và phát triển trong tâm thức của thế hệ trẻ miền Nam, nhất là học sinh qua những trang sách giáo khoa viết về cuộc đời và văn nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, một nhân cách, một biểu tượng cao đẹp cho những giá trị đạo lý và tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm, để thực thi lòng yêu nước, thương dân theo truyền thống dân tộc mà Nguyễn Trãi đã xác quyết trong Bình Ngô Đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Đây cũng là tinh thần được các nhà viết sách giáo khoa quan tâm lý giải khi luận bàn về cuộc đời và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu. Vì thế, khi giới thiệu về cuộc đời đầy bảo giông và bất hạnh của Nguyễn Đình Chiểu, trong Việt Nam Thi văn Giảng luận (tập 2) Nxb. Sách Giáo khoa Tân Việt, Sài Gòn, 1956, Hà Như Chi đã xác quyết: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho không ham công danh nhưng muốn làm người hữu ích. Cái mù lòa của ông đã ngăn trở chí hướng của ông rất nhiều chứ không bẻ gảy nó được. Lòng hăng hái nhiệt thành vẫn sống mãi dưới ngòi bút của ông mà ông đã đem dùng vào hai công việc cao quí như nhau: phụ họa vào công cuộc chống giữ giang sơn và dạy đời. Nói đến Nguyễn Đình Chiểu trước hết không nên quên rằng ông là một nhà chí sĩ, tâm hồn hướng theo chính nghĩa, tư cách cao thượng khiến người Pháp cũng phải kính phục. Trong những bài văn của ông làm trong những lúc bôn ba theo cuộc rủi may của chiến trận, ta nhận thấy một lòng yêu nước thương dân sâu rộng. (…) Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không chỉ chống giữ giang sơn, ông còn dùng tài học của mình để giáo hóa cho dân, dạy dân tránh gian tà, sống theo đạo nghĩa. Ông là người sẵn sàng hy sinh cho một chủ nghĩa vị tha, lòng thương người của ông rộng lớn đi đôi với một căn bản luân lý thật vững chắc” (2). Đó chính là giá trị nhân văn trong thơ văn Đồ Chiểu.

 

       Trong cái nhìn của các nhà soạn sách giáo khoa ở miền Nam trước 1975, Nguyễn Đình Chiểu là một người có niềm tin sắt son vào sự chiến thắng của đạo lý, của lẽ sống chân, thiện, mỹ ở đời. Đây là một hệ giá trị trong sáng tác của  Nguyễn Đình Chiểu mà Lục Vân Tiên là minh chứng, đúng như Phạm Thế Ngũ, trong Việt Nam Văn học sử giản ước Tân Biên (tập 2), Quốc Học Tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1962 đã xác quyết: “Bên cạnh ý nghĩa của bài học luân lý, Lục Vân Tiên còn có ý nghĩa của một tâm sự. Nguyễn Đình Chiểu viết truyện Lục Vân Tiên vừa làm công việc giáo huấn, truyền bá tư tưởng nho học lại vừa gởi vào tác phẩm một nỗi lòng. Nhân vật chính trong truyện gợi ta nghĩ đến và thấy nhiều tương tự với chính tác giả. (…) Tuy nhiên cũng nên nhận xét rằng Lục Vân Tiên chẳng phải chỉ mang hình ảnh của một Nguyễn Đình Chiểu tàn tật đau khổ tức là một Nguyễn Đình Chiểu hiện hữu mà còn mang hình ảnh của một Nguyễn Đình Chiểu dự phóng, ước mơ. Nguyễn Đình Chiểu cùng cực trong cảnh đui lòa, nạn nhân bất lực của bịnh tật và bạc tình ấy, đã để tưởng tượng siêu lên, tạo ra người anh hùng lý tưởng. Vân Tiên mù đã được thuốc tiên chữa khỏi, rồi vượt bao nhiêu gian khổ trở ngại, vươn lên hạnh phúc vinh quang (…) Ông đã đem nghệ thuật để trả thù thực tại, tạo cho chính mình trước hết một huyễn ảnh để tự say mê. Song cũng nên nhận xét rằng cái huyễn ảnh của tác giả ấy đầy đức độ thanh cao, chứng tỏ tác giả mặc dù bị tật nguyền đày ải, thất bại nhận chìm mà vẫn giữ lòng tin rất mạnh vào đạo lý, vào cuộc đời” (3).

 

      Lòng ái quốc, tinh thần yêu nước thương dân cùng lý tưởng về một xã hội với nền đạo lý cao đẹp nhuần thấm tư tưởng Nho giáo và đạo đức truyền thống của dân tộc mà cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một ví dụ sinh động của việc thực hành lý tưởng nầy không chỉ được Hà Như Chi, Phạm Thế Ngũ đề cao mà còn tìm thấy trong Việt Văn, Đệ Nhị ABCD, Tập I (in lần thứ 4), Nxb. Hải Vân, Sài Gòn, 1965, của Võ Thu Tịnh, khi ông cho rằng với tấm lòng: “Chí hiếu và ái quốc chân chính”, Nguyễn Đình Chiểu: “là mẫu nhà Nho giữ vững khí tiết trong giai đoạn suy tàn của Nho giáo, ông đau khổ vì vận nước điêu linh và khóc than cái chết của các chiến sĩ cách mạng chống Pháp (văn tế). Ông đề cao tam cương ngũ thường mà ông đã thực hiện được trong đời sống” (4). Không những thế, tinh thần ái quốc và lý tưởng đạo lý của Nguyễn Đình Chiểu, trong cái nhìn của Võ Thu Tịnh khá cởi mở và đa chiều khi ông tìm thấy trong lý tưởng bảo vệ đạo lý Nho giáo của Nguyễn Đình Chiểu có cả tinh thần đấu tranh cho “độc lập của quốc gia”, là “hình thức yêu nước và kháng chiến”. Với Võ Thu Tịnh: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho thuần túy nhiều hơn là một đạo sĩ. Cụ đã sống theo đạo Nho và cụ đã dùng thơ văn để tuyên truyền bảo vệ đạo Nho mà theo cụ là tiêu biểu cho nền độc lập của quốc gia. Tranh đấu cho đạo Nho ở đây cũng là một hình thức yêu nước và kháng chiến vậy” (5) .

       Đỗ Văn Tú trong Giảng văn lớp 11 ABCD (Đệ nhị) Văn Hào Xb., Sài Gòn, 1970), trong phần lược khảo về tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu, sau khi nêu diễn biến về quê hương gia đình, cuộc đời, văn nghiệp và những dấu mốc quan trọng về bối cảnh lịch sử xã hội mà Nguyễn Đình Chiểu phải trải qua, Đỗ Văn Tú đã nhìn nhận về con người Nguyễn Đình Chiểu có điểm tương đồng nhưng cũng có điểm dị biệt với ý kiến của Hà Như Chi, Võ Thu Tịnh, khi Đỗ Văn Tú cho rằng: “Là một nhà nho chân chính, Nguyễn Đình Chiểu luôn lưu tâm phổ biến luân lý Khổng Mạnh, nhưng đôi khi, ông cũng có những tư tưởng siêu thoát, phóng khoáng (ảnh hưởng Phật, Lão giáo). Đáng chú ý là ông không bao giờ chú ý đến hành lạc như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… Trước quốc biến, ông bộc lộ cái khí tiết bất khuất và thanh cao của một nhà nho ái quốc” (6). Và trong cảm nhận của Đỗ Văn Tú: “Là một nhà nho khí tiết, không màng danh lợi nhưng rất nặng lòng yêu nước và rất quan tâm đến việc “phù thế giáo” và duy trì chính đạo, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác những tác phẩm đạo lý và thời thế rất dược phổ biến trong dân chúng. Lục Vân Tiên, tác phẩm chính của ông (có trong Chương trình Giảng văn Đệ ngũ) được sáng tác sau khi ông bị mù lòa, không những có mục đích bênh vực cho nền đạo lý cổ truyền đang bị lung lay vì một biến cố lớn lao là việc Pháp xâm lăng mà còn mang tâm sự hoài bảo của ông” (7).

      Đồng quan điểm với Đỗ Văn Tú khi bàn về khuynh hướng văn thơ đạo lý của Nguyễn Đình Chiểu, Đàm Xuân Thiều – Trần Trọng San trong Việt Văn độc bản, lớp mười một, in lần thứ 7 do Bộ Giáo Dục Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn 1971, khi luận bàn về cuộc đời và văn nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, các tác giả cũng cho rằng: “Nguyễn Đình Chiểu là nhà nho chân chính, bao giờ cũng nhiệt tình bênh vực đạo lý khổng giáo. Tuy nhiên cũng như các nhà nho khác, ông còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang và đôi khi cũng giải bày những tư tưởng phóng khoáng, siêu thoát. Nhưng đặc điểm của ông là vẫn giữ được phong độ thanh cao chứ không đi vào “con đường hành lạc” của đa số nho sĩ. Từ khi gặp quốc biến, ông đã tỏ rõ cái khí tiết bất khuất của một nhà nho nặng lòng yêu nước” (8). Bắc Phong, trong Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xuất bản, 1972, trong phần luận giải về thân thế Nguyễn Đình Chiểu, đã xác quyết: “Là một nhà Thơ chân chính, ông triệt để bênh vực luân lý Khổng Mạnh và một nhà ái quốc nhiệt thành, ông đã dùng thơ văn kháng chiến, cũng như hô hào lòng ái quốc. Vì vậy, thơ văn ông có hai loại rõ rệt: Thời thế và đạo lý. Văn học sử xếp ông vào khuynh hướng Đạo lý” (9).

   Có thể thấy, qua ý kiến của các tác giả sách giáo khoa khi luận bàn về cuộc đời và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu đều đánh giá cao sự kết hợp hài hòa giữa đạo lý Nho giáo và đạo lý truyền thống dân tộc thể hiện qua thơ văn của ông mà phẩm tính quan trọng trong lý tưởng đạo lý nầy là sự kết tinh của giá trị chân thiện mỹ. Ở Nguyễn Đình Chiểu lý tưởng đạo lý và tinh thần yêu nước thương dân, đấu tranh chống xâm lược quyện hòa làm một, tác động tương hỗ nhau để làn nên nhân cách của một chí sĩ, một trí thức yêu nước luôn xem sự dấn thân cho việc hành đạo cứu đời là lẽ sống chứ không chỉ dừng lại ở những mớ “lý thuyết suông” “sáo rỗng” và “thiếu tính thực tiễn”, xa rời cuộc sống khổ đau của nhân quần. Và đây là một phẩm tính làm nên hệ giá trị trong cuộc đời và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu thể hiện qua sự luận giải của các tác giả biên soạn sách giáo khoa Quốc Văn giảng dạy ở miền Nam 1954 -1975 mà chúng tôi sẽ minh chứng tiếp theo sau khi giới thiệu tổng quan về cuộc đời và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu.

 

     2.2. Nguyễn Đình Chiểu với khuynh hướng văn thơ ca ngợi đạo lý

 

          Các nhà biên soạn sách giáo khoa trung học ở miền Nam 1954 -1975, đều thống nhất chia thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thành hai khuynh hướng chính là Thơ Văn đạo lý với các tác phẩm: Đạo người; Chạnh tưởng Khổng Tử; Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu và Thơ Văn thời thế với các tác phẩm: Chạy giặc; Điếu Phan Công Tòng (10 bài); Điếu cụ Phan Thanh Giản (2 bài); Điếu Trương Công Định (12 bài); Văn tế sĩ dân Lục Tỉnh; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; hịch dẹp chuột… Song, trong hành trình sáng tạo văn học của Nguyễn Đình Chiểu, thơ văn đạo lý được sáng tác đầu tiên, ẩn chứa nhiều tâm sự và khát vọng của ông về một xã hội mà ở đó công lý và đạo lý được thực thi theo lẽ công bằng của truyền thống đạo đức dân tộc “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ” như một qui luật tất yếu trong triết lý nhân quả của nhà Phật: “tác thiện phùng thiện tác ác phùng ương” mà chắc chắn Nguyễn Đình Chiểu phần nào đã chịu ảnh hưởng. Thông điệp và khát vọng nhân văn ấy đã được Nguyễn Đình Chiểu gởi gắm trong tác phẩm Lục Vân Tiên nỗi tiếng được viết ra bằng sự nghiệm sinh của cuộc đời cay đắng và bất hạnh của mình. Vì thế, có thể xem Lục Vân Tiên chính là một “tự truyện” về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, ở đó chuyển tải lý tưởng đạo đức mà ông hướng tới và khát khao được hiện thực hóa trong cuộc đời. Thế nên Hà Như Chi, trong Việt Nam Thi văn Giáng luận (tập 2) (in lần thứ 2) Nxb. Sách Giáo khoa Tân Việt, Sài Gòn, 1956, khi phẩm bình về giá trị Lục Vân Tiên đã cho rằng: “Lục Vân Tiên tuy giọng điệu không lâm ly, tình ý không cảm động bằng truyện Kiều, nhưng qua cái trầm tỉnh của nó ta nhận thấy một tâm sự chứa chan. Ấy là tâm sự của một người con hiếu thảo đau lòng vì mất mẹ, tâm sự của một người có tài đức mà gian nan khổ sở, đường xa bệnh tật, mù lòa tâm sự uất ức của một người đầy hăng hái nhiệt thành mà không thi thố được việc gì, tâm sự của một người tôi trung “tri quân hay chữ mơ màng năm canh”, tâm sự của một người khí tiết nhưng nhiều tình cảm bình dị và biết thương người, sống trong cảnh tối tăm vĩnh viễn mà vẫn muốn đem ánh sáng tinh thần của mình cải hóa người đồng loại” (10). Và theo Hà Như Chi, Lục Vân Tiên là tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng văn thơ đạo lý của Nguyễn Đình Chiểu: “Trong Lục Vân Tiên tư tưởng nho học có tính cách luân lý hơn là triết lý. Tác giả không thuyết dụ về thuyết thiên mệnh như trong Truyện Kiều mà chú trọng khuyên người đời sống theo đạo đức, giữ gìn tam cương ngũ thường (…) Cách bênh vực luân lý cổ truyền trong Lục Vân Tiên có hơi thật thà kém sắc sảo, nhưng cái tinh thần Nho học trong tác phẩm lại rất lành mạnh chất phát, dễ cảm hóa người bình dân” (11). Và “Vì mục đích giáo hóa ông có ý dùng một giọng điệu không quá cao đối với trình độ bình dân, do đó mà Lục Vân Tiên rất dễ được phổ thông và nơi lũy tre bờ ruộng ngày nay, nhất là ở miền Nam, ta vẫn còn thoang thoảng được nghe vang dậy những lời thơ giong giả nhiệt thành của nhà nho Nguyễn Đình Chiểu: Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” “Dốc lòng trả nợ áo cơm/ Sống vang tiết nghĩa, thác thơm danh hiền”, “làm trai trong cõi thế gian/ Nước non biết mặt, thị trào biết tên” (12).

       Cùng quan điểm với Hà Như Chi, khi nhận định về bộ phận thơ đạo lý của Ngyễn Đình Chiểu, tiêu biểu là Lục Vân Tiên, Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn học sử giản ước Tân Biên (tập 2), Quốc Học Tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1962 cũng cho rằng: “Cái ý nghĩa dễ nhận ra qua tác phẩm là bài học luân lý, chủ trương giáo huấn của tác giả. Lục Vân Tiên cũng có thể coi như Nhị Độ Mai là một truyện nho chính tông. Vai chính Lục Vân Tiên, thể hiện cái lý tưởng trượng phu tài kiêm văn võ, giúp vua trừ gian đuổi giặc. Tất cả những nghĩa cả luân thường: cha con, vua tôi, thầy trò, bạn bè, vợ chồng, chủ tớ, trưởng ấu đều được biểu dương. Ngoài ra đạo họa phúc, luật quả báo, luật tuần hoàn, những nguyên tắc “tích thiện, phùng thiện, tích ác phùng ác” vào truyện đã thấy nêu ra, qua truyện được ứng nghiệm, dẫn giải, hết truyện lại ân cần nhắc nhủ, lời cảnh cáo hùng hồn như tiếng kèn đồng dõng bên tai: Hởi ai lẳng lặng mà nghe/ Giữ răn việc trước lánh dè thân sau. Tác giả đã bênh vực đạo lý với lập trường của một tín đồ và ý chí của một chiến sĩ ” (13).

 

       Thơ văn đạo lý của Nguyễn Đình Chiểu trong cái nhìn của các nhà soạn sách giáo khoa ở miền Nam sở dĩ có tác dụng mạnh mẻ trong đời sống của nhân dân bởi, nó không chỉ đơn thuần là “khẩu hiệu” mà được minh chứng, được thực hành bằng chính hành động của Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc sống của mình nên nó thuyết phục người đọc và có tác dụng giáo dục cao. Đây cũng là cái nhìn của Đỗ Văn Tú trong Giảng văn lớp 11 ABCD (Đệ nhị) Văn Hào xb., Sài Gòn, 1970)  khi tác giả cho rằng: “Danh tiếng của ông, đức độ của ông là một yếu tố quan trọng khiến các tác phẩm đạo lý của ông như Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu Ngư Tiều Vấn Đáp được yêu chuộng hơn nhiều tác phẩm khác có gì trị hơn. Nguyễn Đình Chiểu khuyến khích người dân sống theo luân lý Khổng Mạnh, làm lành, lánh dữ. Lời văn phần nào rất nôm na, giản dị và dễ hiểu đối với người bình dân. Có lẽ ông đã dụng tâm làm như vậy” (14).

 

      Còn khi đi tìm nguyên nhân hình thành khuynh hướng đạo đức trong sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, Bắc Phong trong sách Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài ABCD (Đặc biệt cho ban CD tự do) đã luận giải: “Văn minh vật chất Tây phương và trào lưu tư tưởng phóng khoáng của họ đã làm nền cương thường Khổng Mạnh suy sụp, các văn gia cố gắng nói lại điều Trung, Hiếu. Đại diện có hai nhân vật: Nguyễn Đình Chiểu với tác phẩm Lục Vân Tiên, Ngư Tiều vấn đáp, Dương Từ Hà Mậu đề cao Trung nghĩa hiếu lễ và các đức tính của người đàn bà, của người quân tử…” (15). Vì thế, theo Bắc Phong “Để khuyên răn người đời sống đúng đạo nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác truyện dài Lục Vân Tiên trong đó quan niệm luân lý của ông thể hiện khá rõ rệt: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Đạo tiết hạnh được Nguyễn Đình Chiểu thể hiện qua vai trò của Kiều Nguyệt Nga. Trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã phân làm hai thứ người: Lành được gặp may mắn, thành công hiển hách; kẻ dữ người ác bị khổ sở, khốn nạn. Luân lý của Nguyễn Đình Chiểu là luân thường của Nho giáo vậy” (16). Và “Dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu, luân lý khổng mạnh rất đẹp, rất hữu ích để xây dựng một xã hội mới” (17). Rồi, Bắc Phong đi đến kết luận về những giá trị và ý nghĩa của bộ phận thơ văn đạo lý của Nguyễn Đình Chiểu với những lý lẽ khá thuyết phục: “Giữa lúc Nho học suy tàn, nhân tâm phân tán vì loạn lạc, vì thời cuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã dùng thơ văn để cảnh tỉnh người ta nhớ lại điều luân thường. Chúng ta không xét giá trị những bài học này để xem tính cách hợp thời của nó lúc đó. Ở hoàn cảnh của ông người ta chỉ còn biết an hưởng qua ngày, hay tìm quên lãng vào cuộc cờ chén rượu, thú hành lạc, Nguyễn Đình Chiểu đã hành động ngược lại, bằng cách không yếm thế, bi quan như ai, mà lại dùng thi văn giáo hóa người đời. Hình ảnh của ông thật đáng kính cao cả, đáng được muôn đời ca tụng, nhắc nhở đến mãi.” (18). Có thể nói, thơ văn đạo lý của Nguyễn Đình Chiểu có một ý nghĩa giáo hóa rất sâu sắc trong nhân dân, bởi tính chân thật và bình dị của nó chính vì vậy, khi đưa vào giảng dạy trong nhà trường tác dụng giáo dục về phương diện đạo đức của nó lại càng được nhân lên gấp bội, bởi tâm hồn thơ ngây trong trắng của lứa tuổi học sinh rất dễ tiếp nhận những cái hay cái đẹp. Và nói như Võ Thu Tịnh, trong Việt Văn, Đệ Nhị ABCD, Tập I – Thế kỷ  XIX (in lần thứ 4), Nxb. Hải Vân, Sài Gòn, 1965: “Khi định giá trị thi văn của Nguyễn Đình Chiểu, ta nên dựa vào tư tưởng hơn văn từ, nên chú trọng đến sự thành thực tự nhiên hơn sự vẽ vời hoa mỹ và không nên quên là chính cái tính cách vị đời và tự nhiên đó đã làm thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, phổ thông và được rất nhiều người ưa chuộng” (19). Còn Đỗ Văn Tú trong Giảng văn lớp 11 ABCD (Đệ nhị) Văn Hào Xb., Sài Gòn, 1970, khi nhận định về giá trị của tác phẩm Lục Vân Tiên trong phần viết về Người Pháp và Lục Vân Tiên Đỗ Văn Tú đã trích ý kiến của ông Gabriel Aubaret, lãnh sự Pháp tại Thái Lan, người đã dịch Lục Vân Tiên ra Pháp ngữ để đăng trên tạp chí Journal Asiatique ở Ba Lê với những lời tụng ca có cánh, khi ông viết: “Xin độc giả lượng thứ cho chúng tôi đã có thiên kiến đối với sách nầy. Chúng tôi xin thú nhận rằng chúng tôi luôn luôn hết sức chú ý đến sách này. Trong sách chúng tôi nhận thấy rõ rệt những đặc tính chính yếu của một quốc gia mà chúng tôi đã sống lâu năm, ở đó chúng tôi cũng nhận thấy như một cách rõ rệt đến nỗi chúng tôi luôn coi cuốn sách  là một trong những sáng tác hiếm hoi của trí óc con người có được cái ưu điểm, lớn lao là diễn đạt một cách trung thực tình cảm của cả một dân tộc” (20).

    Khuynh hướng thơ văn đạo lý trong văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu, vì thế có một ý nghĩa lớn trong việc giáo dục nhân cách thế hệ trẻ nước nhà nên rất được các nhà soạn sách giáo khoa Quốc Văn trung học xem như một chuẩn giá trị giảng dạy trong nhà trường để rèn luyện nhân cách học sinh theo tinh thần triết lý giáo dục: “Dân tộc, nhân bản và khai phóng” vốn chi phối hệ thống giáo dục miền Nam 1954-1975, trong đó có chương trình môn Quốc Văn bậc trung học.

 

    2.3. Nguyễn Đình Chiểu với khuynh hướng văn thơ thời thế

 

         Cùng với khuynh hướng văn thơ đạo lý, khuynh hướng văn thơ thời thế cũng là một bộ phận quan trọng góp phần làm nên hệ giá trị của văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu. Nội dung của khuynh hướng thơ văn nầy chủ yếu ca ngợi tinh thần chiến đấu trong cuộc kháng Pháp của nhân dân và các lãnh binh ở Nam bộ thể hiện ở các tác phẩm: Điếu Phan Tòng; Văn Tế Trương  Công Định; Văn Tế Sĩ Dân Lục Tỉnh; Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; Chạy Tây; Ngóng gió đông… Và qua những tác phẩm nầy, ta thấy hiện lên hình ảnh chiến đấu ngoan cường của nhân dân Nam Bộ trong những năm kháng Pháp mà nói như Võ Thu Tịnh trong Việt Văn, Đệ Nhị ABCD, Tập I – Thế kỷ XIX (in lần thứ 4), NXb. Hải Vân, Sài Gòn, 1965: “là một nhân chứng trước quá trình xâm lăng của thực dân Pháp tại miền Nam, Nguyễn Đình Chiểu đã ghi lại những điều tai nghe mắt thấy rải rác trong thi ca của cụ: Từ các cảnh tàn khốc của chiến tranh, đến cuộc kháng chiến oanh liệt của nhân dân, cho đến các vị anh hùng cứu quốc đã hy sinh cho chính nghĩa mà cụ đã khóc một cách chân thành thống thiết. (…) Thơ của cụ không những không khiến chúng ta chua xót thành đớn hèn vì hận sử của một thời chiến bại, trái lại, đã đề cao tinh thần dân tộc tự chủ nêu cao tinh thần tranh đấu bất khuất và lưu lại hậu thế những gương hy sinh cao đẹp của một miền Nam kháng chiến oai hùng” (21). Còn Đỗ Văn Tú trong Giảng văn lớp 11 ABCD (Đệ nhị) Văn Hào Xb., Sài Gòn, 1970), khi giảng bình nội dung bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu, với sự thấu cảm nỗi lòng đau đớn của ông trước cảnh tang thương của nhân dân bởi giặc ngoại xâm, Đỗ Văn Tú đã luận giải: “Bằng một giọng chân thành, trong lúc cảm hứng dồi dào, nhà thơ đạo lý Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác một bài thơ thời thế phản ảnh trung thực cảnh loạn lạc, cho thấy tác giả là một nhà nho yêu nước, thương dân…” (22). Không chỉ thấu cảm với nỗi lòng của Nguyễn Đình Chiểu trước cảnh đau thương của nhân dân, đất nước bị xâm lăng, Đỗ Văn Tú còn luận giải “thấu lý đạt tình” sự chia sẻ của nhà thơ trước cái chết đầy bi kịch của nhà chí sĩ nặng lòng với dân, với nước Phan Thanh Giản qua bài thơ Viếng cụ Phan Thanh Giản mà theo Đỗ Văn Tú đó là: “Một bài thơ thuộc loại thời thế mà Nguyễn Đình Chiểu sáng tác để viếng mộ cụ Phan Thanh Giản. Không thể bảo vệ được ba tỉnh Miền Tây trước súng đạn tối tân của Pháp, cụ Phan uống thuốc độc tự tử vào năm 1867, khi Nguyễn Đình Chiểu đã 45 tuổi. Bài thơ ca tụng sự nghiệp và tiết tháo của Phan Thanh Giản” (23). Thơ văn thời thế của Nguyễn Đình Chiểu, trong cái nhìn của Đỗ Văn Tú,vì thế, là thơ văn chuyên chở tấm lòng yêu nước thương dân sâu nặng, ở đó Nguyễn Đình Chiểu “đã tỏ ra vô cùng xúc động trước cảnh nhà tan nước mất, dân chúng lầm than, điêu đứng. Trong những bài văn tế, ông đã bày tỏ tâm sự một trung thần trước cảnh nước nhà bị xâm lăng. Ông rất hiểu và rất phục những người dám hy sinh vì đại nghĩa. Và ông luôn luôn nói lên lòng tin tưởng của ông đối với tiền đồ đất nước. Vì mục tật ông không thể trực tiếp tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng ông cũng không được yên thân. Nhiều lần ông đã phải chạy giặc. Lòng uất hận của ông đã bộc lộ qua những lời văn hào hùng, bi thiết” (24). Có thể nói, qua những luận giải trên, Đỗ Văn Tú đã dựng lên bức chân dung nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và bức chân dung nầy được tô bồi thêm qua cảm nhận của Phạm Văn Diêu, trong Việt Nam văn học giảng bình, Hoành Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1970 (in lần thứ ba) khi phân tích bài thơ “Trung thần nghĩa sĩ” mà theo Phạm Văn Diêu: “Bài thơ này, có thể chứng minh với ta rằng nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, mỗi khi nêu cao đức nhân nghĩa thì lời thơ ông rất hùng hồn, khí thơ thực mãnh liệt nồng nàn vì nguồn thơ với ông đích thực phát ra từ nguồn luân lý vậy. Trong văn học cổ điển nước ta, văn chương Nguyễn Đình Chiểu rất được hoan nghênh và yêu quí trong nhân dân miền Nam cũng như khắp cả nước là vì lẽ đó. Những tác phẩm cao đẹp kia sẽ còn truyền vang mãi trong lòng núi sông, cũng như hình ảnh cao quí bất diệt của nhà văn ái quốc mù lòa Nguyễn Đình Chiểu” (25).

 

     Song, chân dung Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ yêu nước tiêu biểu của Nam Bộ không chỉ dừng lại ở những phác họa của Võ Thu Tịnh,  Đỗ Văn Tú, Phạm Văn Diêu mà còn được bồi đắp rực rỡ hơn qua những trang viết của Bắc Phong, trong Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xb., 1972, khi Bắc Phong xướng danhNguyễn Đình Chiểu chí sĩ” và xác quyết: “Nói đến nhà Nho ái quốc trong Nam lúc thực dân xâm lăng không ai quên được cụ Nguyễn Đình Chiểu một con người mà nghĩa khí làm cho Tây phải kính phục, nể vì. Tinh thần ái quốc của cụ được nhà văn Nhượng Tống viết bằng những lời đầy cảm kích…” (26). Và “Mặc dù không có sức khỏe chiến đấu như các anh hùng khác, Nguyễn Đình Chiểu vẫn xứng đáng là một nhà Nho kháng chiến tích cực vì cụ đã dùng thơ văn để nhắc nhỡ đồng bào yêu nước và ủng hộ tinh thần kháng chiến của các nghĩa sĩ.”(27). Trong cái nhìn của Bắc Phong, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một chí sỉ yêu nước có “tinh thần nghĩa khí làm cho Tây phải phải kính phục, nể vì” mà còn là một nhà chí sĩ có lòng thương dân tha thiết, luôn trăn trở trước nỗi đau khổ, lầm than của nhân dân. Vì thế, trong cảm thức của Bắc Phong: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho chân chính, một bậc “phụ mẫu chi dân”. Cụ không phải là một tướng quân hào hùng, nên trong khi cảm khái tinh thần dũng chiến của Nghĩa quân, cụ để lại những lời thơ thương hại xót xa nhất đến đám dân khốn khổ vì chiến cuộc, những người vô tội như trẻ thơ mà phải chịu nỗi cơ hàn “Đoái sông cần Giuộc… rồi bỏ làm phân đất” (28). “Nhưng dù thương khóc, Nguyễn Đình Chiểu vẫn một dạ tin tưởng vào sự trường tồn của dân tộc từng quật khởi kêu hùng chống ngoại xâm cướp bóc: Muôn dặm giang san triều thánh đó, giang sơn còn hơi thánh  hãy còn / Ngàn năm hồn phách nạn dân này, hồn phách mất tiếng dân nào mất. Chưa nhà thơ nào trong lịch sử để lại lòng thương dân thương nước dạt dào, đậm đà như Nguyễn Đình Chiểu. Cụ như người cha hiền của dân chúng, trước cảnh huống con cái phải chịu, không biết làm gì hơn ngoài việc nhỏ đôi dòng lệ sầu thương cho các con phải khốn khó. Chúng ta cảm phục mối thương tâm này biết bao” (29). Rồi Bắc Phong đi đến Kết luận: “Nguyễn Đình Chiểu đã sống sát với đám dân khổ sở vì quốc nạn, dầu cụ bị bệnh tật đui lòa và hòa mình với nghĩa khí can cường của toàn dân để chống lại quân cướp nước, quyết một phen gìn giữ giang sơn gấm vóc, công khó cha ông bao đời vun xới. Giữa lúc hàng ngủ sỉ phu thất bại đã tìm cách lẩn tránh cho qua mối sầu nhân thế, hay là tiêu cực dùng thơ văn kín đáo giải bày tâm sự, hoặc đớn hèn đến nỗi cộng tác với thực dân, Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ kháng chiến hào hùng, mạnh dạn tỏ bày nỗi niềm mong mỏi của mình và can đảm hô hào dân chúng nổi dậy chống thực dân, cũng như đề cao công nghiệp của các anh hùng kháng chiến giữa cơ đồ xâm lăng thực dân! Cụ là nhà Nho tiết tháo, và văn thơ đầy hào khí quật khởi của cụ cho phép ta xếp cụ ngang hàng với những chiến sĩ ái quốc bậc nhất thế kỷ XIX. Danh cụ không bao giờ mất trên giải đất này, giải đất mà cụ đã tích cực dùng sức hơi tàn vun xới, tài bồi cho” (30).

 

       3. Thay lời kết

 

    Trong cuộc đời của mỗi con người, sống, chết là qui luật tất yếu, là chuyện vô thường. Nhưng vấn đề đặt ra là sống và chết như thế nào để xứng đáng với với hai tiếng con người, xứng đáng là một Nhân vị chứ không phải là một Phóng thể theo quan điểm của triết học hiện sinh. Vì thế, trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, khi luận về sự sống và cái chết, nhân tưởng niệm sự hy sinh của các nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã viết những lời gan ruột để tôn vinh sự hy sinh vì nghĩa lớn của những người “dân ấp, dân lân” “chân lấm tay bùn” nhưng cũng đồng thời thể hiện quan niệm của ông về lẽ Tử Sinh:“Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn / Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ/ Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh / Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”. Như vậy, suy niệm của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về sự sống và cái chết đã rõ ràng. Nguyễn Đình Chiểu vẫn “trung thành” với quan niệm truyền thống của dân tộc: “Chết vinh hơn sống nhục” và những điều nầy được thể hiện rõ trong khuynh hướng Thơ đạo lý và Thơ thời thế cũng như sự chọn lựa thái độ và hành động sống của Nguyễn Đình Chiểu mà các nhà biên soạn sách giáo khoa ở miền Nam 1954-1975 đã tập trung luận giải qua cuộc đời - thơ văn của ông và xem như một chuẩn giá trị làm người để giáo dục cho thế hệ trẻ trong nhà trường. Sách giáo khoa môn Quốc Văn bậc trung học trong nền giáo dục miền Nam, vì thế cũng là một tài liệu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn mà các nhà nghiên cứu văn học nước nhà không thể không quan tâm. Bởi, ở đây chứa đựng nhiều bài học quí giá về việc tu rèn đạo đức, ý thức công dân và tinh thần phụng sự đất nước cho thế hệ trẻ. Không những thế, các bộ sách giáo khoa môn Quốc Văn bậc trung học còn là những tư liệu văn học cần thiết để nghiên cứu về tiến trình văn học nước nhà từ văn học dân gian, văn học trung đại đến văn học hiện đại cũng như nghiên cứu về cuộc đời và văn nghiệp của các nhà văn, nhà thơ qua các thời kỳ, trong đó cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình chiểu được các nhà soạn sách giáo khoa ghi lại như đã luận giải ở trên là một minh chứng. Thế nên, nếu biết khai thác những bộ sách giáo khoa Quốc Văn ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được nhiều tư liệu quí giá, làm giàu có cho nền văn học nước nhà vốn vẫn còn nhiều khoảng trống cần được bù đắp, nhất là về lĩnh vực lý thuyết và tư liệu văn học mà trường hợp Nguyễn Đình Chiểu là một điển hình. Bởi, để xứng đáng với danh xưng nhà văn hóa của nhân loại mà Unessco đã tôn vinh, việc nghiên cứu về cuộc đời và văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu, vẫn còn nhiều câu hỏi cần được giải đáp một cách tường minh trong đời sống văn học hôm nay…

            Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 14/4/2022

 

    Chú thích:

 

(1)Phan Văn Hùm, Nỗi Lòng Đồ Chiểu, Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1957, tr.32

(2) Hà Như Chi, Việt Nam Thi văn Giảng luận (tập 2) Nxb. Sách Giáo khoa Tân Việt, Sài Gòn, 1956, tr.373 -375

  1.  Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học sử giản ước Tân Biên (tập 2), Quốc Học Tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1962, tr.478
  2.  Võ Thu Tịnh, Việt Văn, Đệ Nhị ABCD, Tập I (in lần thứ 4), Nxb. Hải Vân, Sài Gòn, 1965, tr.12
  3. Võ Thu Tịnh, Việt Văn, Đệ Nhị ABCD, Tập I – Thế kỷ  XIX (in lần thứ 4), NXb. Hải Vân, Sài Gòn, 1965,  tr.189
  4. Đỗ Văn Tú, Giảng văn lớp 11 ABCD (Đệ nhị) Văn Hào Xb., Sài Gòn, 1970, tr.185

(7) Đỗ Văn Tú, Giảng văn lớp 11 ABCD ( Đệ nhị) Văn Hào xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr.311

(8) Đàm Xuân Thiều – Trần Trọng San, Việt Văn độc bản, lớp mười một, Bộ Giáo Dục Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn 1971, tr.62

(9) Bắc Phong, Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xuất bản, 1972, tr.258

(10) Hà Như Chi, Việt Nam Thi văn Giảng luận (tập 2) (in lần thứ 2) Nxb. Sách Giáo khoa Tân Việt, Sài Gòn, 1956, tr.366

 (11) Hà Như Chi, Việt Nam Thi văn Giảng luận (tập 2) (in lần thứ 2) Nxb. Sách Giáo khoa Tân Việt, Sài Gòn, 1956, tr.368

 (12) Hà Như Chi, Việt Nam Thi văn Giảng luận (tập 2) (in lần thứ 2) Nxb. Sách Giáo khoa Tân Việt, Sài Gòn, 1956, tr.373

 (13) Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học sử giản ước Tân Biên (tập 2), Quốc Học Tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1962, tr.477, 478

(14) Đỗ Văn Tú, Giảng văn lớp 11 ABCD (Đệ nhị) Văn Hào xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr. 313

 (15) Bắc Phong, Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xb., 1972, tr.43

 (16) Bắc Phong, Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xb., 1972, tr.261, 262

 (17) Bắc Phong, Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xb., 1972, tr.264

 (18) Bắc Phong, Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xb, 1972, tr.264

 (19) Võ Thu Tịnh, Việt Văn, Đệ Nhị ABCD, Tập I – Thế kỷ  XIX (in lần thứ 4), Nxb. Hải Vân, Sài Gòn, 1965, tr.198

(20) Đỗ Văn Tú Giảng văn lớp 11 ABCD (Đệ nhị) Văn Hào Xb., Sài Gòn, 1970, tr.324

 (21) Võ Thu Tịnh, Việt Văn, Đệ Nhị ABCD, Tập I – Thế kỷ XIX (in lần thứ 4), Nxb. Hải Vân, Sài Gòn, 1965, tr.192 -195

(22) Đỗ Văn Tú, Giảng văn lớp 11 ABCD ( Đệ nhị) Văn Hào Xb., Sài Gòn, 1970, tr.287, 288

(23) Đỗ Văn Tú, Giảng văn lớp 11 ABCD ( Đệ nhị) Văn Hào Xb., Sài Gòn, 1970, 291 - 292

 (24) Đỗ Văn Tú Giảng văn lớp 11 ABCD (Đệ nhị) Văn Hào xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr. 311, 312

 (25) Phạm Văn Diêu, Việt Nam văn học giảng bình, Hoành Sơn Xb., Sài Gòn, 1970, tr.243

(26) Bắc Phong, Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xb.,1972, tr.264

(27) Bắc Phong, Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xb.,1972, tr.267

(28) (Bắc Phong, Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xb.,1972, tr.270

(29) Bắc Phong, Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xb.,1972, tr.271

(30) Bắc Phong, Quốc Văn Tổng giảng Tú Tài I ABCD, Tủ sách tự học Sài Gòn Xuất bản , 1972 , 272

 

  

 

 

 

 

 

 

                 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 547
Ngày đăng: 11.07.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Không có gì thích đáng giữa sinh diệt hoặc niết bàn - Võ Công Liêm
Sắc thái Nam Bộ qua truyền thuyết dân gian - Võ Phúc Châu
Có thiệt là ca dao Khánh Hòa không? - Lê Ký Thương
Nén hương lòng cho anh - Đỗ Tư Nghĩa
Vài mạn đàm về câu “49 chưa qua 53 đã tới” - Đặng Xuân Xuyến
Lại nói về bộ môn Lịch Sử - Phan Văn Thạnh
Chùa Phúc Khánh – Ngôi chùa linh thiêng đất Hà Thành - Đặng Xuân Xuyến
Một xã hội trong guồng “chạy” điên cuồng - Nguyễn Anh Tuấn
Tản mạn chuyện nghệ danh của các “Sao” Việt - Đặng Xuân Xuyến
Gọi Đấng tối cao toàn năng của Hồi Giáo là “Thánh Allah” có sai không? - La Thụy
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)