Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
467
117.081.210

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Xa quê trọn một phần tư thế kỷ, chỉ cần quay trở về, anh đã tìm lại được trọn vẹn yêu thương
Sau chuyến công tác Canada kéo dài 3 tuần, bạn tôi – phóng viên Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh - mang về VN những thước phim tài liệu hiếm có. Lần đầu tiên một đứa con ĐBSCL xa xứ được mô tả chi tiết cuộc hành trình quay trở về ở 2 nơi cách xa nhau nửa vòng trái đất, như một dòng “suối nhỏ về sông”.

Sự kiện tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Giám đốc Công ty American Dye Source, người sở hữu hơn 50 bằng phát minh đẳng cấp quốc tế ở TP Quebec – quyết định đầu tư 10 triệu USD vào tỉnh nghèo Trà Vinh để mở thêm 3 Cty: Hoá chất Mỹ Lan, In Mỹ Lan và Dược phẩm Mỹ Lan từ tháng 6.2004 được biên kịch Lư Thị Hoa và đồng nghiệp của chị -  đạo diễn Hồng Sơn - tái hiện dưới một ánh nhìn tinh tế: “Xa quê trọn một phần tư thế kỷ, chỉ cần quay trở về, anh đã tìm lại được trọn vẹn yêu thương. Với anh, ý nghĩa của cuộc sống và niềm hạnh phúc là sự nhẹ nhàng, hồn hậu nơi tâm hồn trải qua bao thử thách, truân chuyên”. Vâng, chỉ có điều đó mới lý giải vì sao người trí thức đã ở độ chín “ngũ thập tri thiên mệnh” và cô “con gái rượu” mới 19 tuổi của anh đều bật khóc trong buổi lễ khánh thành.     

“Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình” – đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thuỷ đã từng viết như thế trong một bộ phim. Điều đó đúng đối với đa số người Việt tha hương khắp mọi miền thế giới, càng đặc biệt đúng đối với cậu bé nghèo bán cà rem học thành tiến sĩ, quê gốc xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh, hiện là Uỷ viên trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, đại diện hơn 250.000 kiều bào sinh sống tại Canada.

Làm quen với “người đàn ông mang tên làng” khá lâu, thậm chí từng mời anh tham gia cùng Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động và Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh “đưa trẻ đến trường” tại “làng bán máu” khi Cty Hoá chất Mỹ Lan hãy còn chưa khánh thành, nhưng chi tiết dưới đây, mãi đến ngày 28.12.2005, tôi mới được nghe: “Khi quen nhau, Mỹ rửa chén, còn tôi chạy bàn” - chị Bùi Thị Nhàn, quê gốc tỉnh Thái Bình, nay là vợ anh, kể với bạn tôi tại Quebec. “Mỹ muốn một ngày nào đó sẽ về nơi anh được sinh ra, lập nên hãng xưởng để bà con hàng xóm có công ăn việc làm, có cuộc sống tốt hơn. Ước mơ Mỹ nói ra lúc đó mình nghĩ nó viễn vông quá vì to lớn quá. Bây giờ, cảm thấy đã có cuộc sống đầy đủ rồi, Mỹ muốn bắt tay thực hiện ước mơ. Tôi về Khu công nghiệp Long Đức, thấy chưa có gì hết, khởi đầu như vậy là khó khăn. Nhưng Mỹ nói nếu thấy khó mà mình ngại thì chuyện không bao giờ thành. Vậy thì mình sẳn sàng thôi”.

Mấy chữ “sẳn sàng thôi” nói ra nghe nhẹ tênh, nhưng nặng vô cùng. Bởi American Dye Source là một trong 11 công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất vật liệu quang điện tử trên phạm vi toàn cầu, hàng ngày cung cấp hơn 600 loại sản phẩm cho 5.000 khách hàng ở nhiều châu lục. Bởi 3 đứa con của họ – Brian Duy Nguyen, Christina My Lan Nguyen, Christopher Dang Huy Nguyen - đều tuổi ăn tuổi học, cần được sự chăm sóc, dạy dỗ “theo nền nếp lễ độ của Á Đông và tư duy độc lập của phương Tây” như mong muốn của đôi vợ chồng. Suốt gần 2 năm, tất cả chỉ mỗi một mình chị quán xuyến để cho anh thực hiện ước mơ. Ngày khánh thành công ty, chị dẫn hết các con vượt nửa vòng trái đất, cùng sẻ chia giọt nước mắt hạnh phúc với chồng.

Vậy đó, Nguyễn Thanh Mỹ và gia đình đã đi hết biển, đã vượt qua bao thử thách, truân chuyên để được làm “suối nhỏ về sông” bằng lòng yêu quê hương, bằng tình cảm vợ - chồng, cha - con sâu nặng. Tôi có cảm giác những giọt nước mắt hôm ấy đã biến Khu công nghiệp Long Đức thành một mảnh “đất tình”.

 

Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cùng gia đình tại lễ khánh thành.

Lê Vũ Tuấn - SCL
Tin tức khác