Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
448
117.080.523

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Khảo cổ học một năm lên rừng xuống biển
Theo vết chân 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển của Lạc Long Quân và Âu Cơ, các nhà khảo cổ lần mò đi tìm dấu vết tổ tiên. Tôi lại theo chân họ suốt một năm trời để tìm câu giải đáp: Có những phát hiện mới nào mà lôi cuốn họ đến thế trong một công việc tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với thời buổi kinh tế thị trường. Đó là lội ngược dòng về với quá khứ.

Năm 2005 quả là một năm đầy ấn tượng đối với khảo cổ học với con số 30 cuộc khai quật lớn, ấy là chưa kể các cuộc điều tra điền dã và các hiện vật được phát hiện một cách ngẫu nhiên được người dân thu thập và báo lại cho các cơ quan quản lý văn hoá.

 

Sự lôi cuốn của rừng xem ra hơn sức hút của biển, khi mà các công trình lớn được khai quật ở các hang động nổi tiếng vùng núi. Có thể kể ra cuộc khai quật hang Chổ, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Nơi các nhà khảo cổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cùng chụm đầu với các nhà khoa học VN tìm thấy từng dấu tích bếp lửa của người văn hoá Hoà Bình cách đây vạn năm mà tưởng chừng còn vương khói đâu đây. Lại còn tìm được chính những người đã từng nhóm lửa nữa. Cuộc khai quật đã hơn một lần đưa ra kết luận khoa học: Chính nhóm người Hoà Bình này là tổ tiên xa của người Việt hiện nay.

 

Vùng rừng núi Tuyên Quang cũng được xới lên do việc nơi đây sắp có một công trình thuỷ điện lớn là công trình Na Hang. Một hang động của người văn hoá Hoà Bình sẽ bị ngập nước, vì thế cần phải khai quật gấp.

 

Sau cuộc khai quật Lung Leng để giải phóng "đất" cho thuỷ điện Yaly, thì đến nay lại bắt tay vào một cuộc khai quật Tây Nguyên nữa mang tầm vóc ngang ngửa: Đó là giải phóng lòng hồ Plei Krông nơi có 12 di chỉ thời tiền sử với diện tích khai quật lên đến 13 ngàn mét vuông. Cuộc khai quật này ban đầu hết sức trắc trở. Thật đáng tiếc thay vì biết bao đồ gốm cổ đã thêm một lần mủn nát mà lại không phải do thời gian mà chính do con người. Tầng văn hoá cũng bị dòng nước làm cho xô lệch. Nay thì mọi việc đã tạm ổn, nước sẽ rút và công trình trọng điểm này lại tiếp tục lôi cuốn hầu hết lực lượng khảo cổ trong nước tham gia. Đây là một công trình khảo cổ thời tiền sử có quy mô lớn nhất Đông Nam AÁ, còn hơn cả Lung Leng.

 

Một năm qua cũng ghi dấu ấn của việc hợp tác quốc tế nhằm giúp khảo cổ học VN trên con đường hội nhập với khảo cổ học thế giới. Các nhà khảo cổ Nhật Bản, Australia, đã cùng các nhà khảo cổ nước ta khai quật địa điểm Mán Bạc, Ninh Bình và khu mộ thuyền Động Xá, Hưng Yên. Đáng lưu ý là ở khu mộ thuyền này đã tìm được một chiếc quan tài vốn là một con thuyền thực thụ của người Việt cổ.

 

Còn cuộc khai quật Gò Quê năm 2005 ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi chính là một bằng chứng về mối quan hệ mật thiết giữa người Việt cổ và người Chăm cổ cách đây khoảng 2.400 năm. Lần đầu tiên, bằng chứng về mối giao hảo giữa hai tộc người cổ đại trên đất nước ta lại rõ ràng đến thế.

 

Năm qua, một câu hỏi ám ảnh suốt gần nửa thế kỷ qua đã được giải đáp. Đó là, khi tìm được kho mũi tên đồng gần 2 vạn chiếc ở khu vực Cầu Vực, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, ở vị trí bên ngoài thành Cổ Loa. Các nhà khoa học phân vân không rõ đây là kho vũ khí của An Dương Vương hay lại là vũ khí để công thành của Triệu Đà xâm lược. Cuộc khai quật mới nhất 2005 đã tìm được cả lò đúc, nồi nấu đồng, xỉ đồng và cả 57 khuôn đúc mũi tên 3 cạnh ở ngay chân thành nội Cổ Loa. Không nghi ngờ gì nữa, kho tên đồng xưa là của An Dương Vương và quân dân trong thành Cổ Loa đúc.

 

Năm 2005 cũng là năm mà khảo cổ học chạm được vào các mảnh đất đế đô và thành quách qua nhiều triều đại.

 

Các nhà khảo cổ đã khai quật khu tháp Hắc Y thời Trần ở Yên Bái đã chứng tỏ nhà Trần rất chú trọng đến Phật giáo ở những vùng xa kinh đô và các vua Trần cũng có chính sách liên kết các tộc người thiểu số trong công cuộc 3 lần chống quân Nguyên Mông.

 

Trở lại Lam Kinh, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra sân rồng lát gạch vuông và cả lối đi lên chính điện, nơi Vua Lê đã từng ngự triều. Bên cạnh đó, khu vực tả vu và hữu vu cũng được khai quật làm rõ.

 

Thành Hoàng Đế của Vua Quang Trung ở Bình Định cũng đã được khai quật và kết quả đã tìm được một dấu tích của Tử Cấm Thành, trung tâm quyền lực cao nhất triều Tây Sơn của người anh hùng áo vải cờ đào.

 

Khu vực đồng bằng Nam Bộ cũng là mối quan tâm của khảo cổ học năm vừa qua. Nơi đây có các cuộc khai quật lớn như ở Giồng Lớn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. YÁ nghĩa của những phát hiện khảo cổ ở vùng Nam Bộ thật lớn: Khẳng định được trên mảnh đất này từ xa xưa đã có người ở, như trăm suối đổ về một dòng sông. Các nền văn hoá thời kỳ Tiền Óc Eo hội tụ lại thành nền văn hoá OÁc Eo rực rỡ.

 

Chia tay các nhà khảo cổ sau một năm cùng gắn bó trên một vài công trường khai quật, tôi lại nghĩ đến hình ảnh một DonKihote cưỡi con ngựa gầy, tay cầm giáo xông lên, liệu hy vọng bảo vệ di tích văn hoá khảo cổ của họ có lạc lõng trong thời buổi người ta cần làm kinh tế hơn là ngồi ngắm một chiếc bình gốm đẹp và giữ gìn lại cho đời sau?

PGS-TS Trịnh Sinh - LDO
Tin tức khác