Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
768
116.774.412
 
Mẹ và Con trai
Nguyễn Thúy Ái

Con trai về nước thì con gái đi lấy chồng, rốt cuộc nhà cũng chỉ có hai mẹ con. Những gì bà lo lắng nhất đã qua. Cả hai đứa đều được học tới nơi tới chốn, dốt nát là điều bà sợ hơn cả sự nghèo đói. Người con rể con gái bà chọn bà không ưng ý lắm, nó học nhạc mà chồng nó chẳng biết gì về âm nhạc thế nhưng nó bảo nó yêu, bà phải gả. Đợi gặp được người tri âm như quan niệm của bà thì già mất. Con trai bà được đi du học, một ước mơ của bà thành hiện thực. Một phần vì nó học giỏi nhưng cũng nhờ sự vân động của một ông bạn của bà định cư đã lâu ở nước ngoài. Đó là một người bạn từ khi bà còn trẻ, nhiều khi bà thắc mắc, ông có yêu bà không? Bà không dám chắc nhưng sao lại có được một tình bạn như vậy giữa hai người khác phái. Lúc nào ông cũng giúp đỡ bà và giữ gìn danh tiết cho bà, chỉ một đôi lần mơ hồ hé lộ một tình cảm đặc biệt. Bà không tin lắm vào sự cảm nhận của mình và mong rằng đừng bao giờ biết được bí mật của trái tim ông.

 

Tám năm du học thành tài, ai cũng tiếc sao bà không để con trai ở lại với mức lương tháng mấy nghìn đô la để về đây kiếm vài triệu đồng. Năm ngoái có người bạn gái thân của bà từ nước ngoài về dẫn theo cả đại gia đình gồm con cháu. Mấy đứa cháu ngoại của bà bạn ấy thật dễ thương nhưng chỉ biết lõm bõm vài tiếng Việt, khi trò chuyện giữa chị em với nhau chúng nói toàn bằng tiếng Tây. Bà có cảm giác bạn bà sống với những người ngoại quốc. Rồi bà cứ sợ con trai ở lại bên đó lấy vợ rồi dẫn về một đàn cháu mà khi nói chuyện với bà nội bà nó phải phiên dịch… Đành rằng cháu mình thì mình vẫn thương nhưng có cái gì đó mất mát.

 

Chừng gần một năm nay bà khao khát có cháu. Như đã từng khao khát có con vì bà có con muộn. Đứa cháu sẽ là hình ảnh bé bỏng của con bà được tái hiện. Qua kinh nghiệm bản thân, bà nhận ra rằng gần ông bà, đứa trẻ sẽ có một cuộc sống tinh thần phong phú hơn. Ông bà là một lớp đất sâu lắng màu mỡ để những chiếc rễ vươn xa, bám chặt vào nguồn cội vững chắc hơn. Bà sẽ trông cháu cho các con đi làm, kể chuyện cổ tích cho nó nghe, dạy nó học và dẫn nó vào Internet học và chơi. Vì lý do đó mà lâu nay bà bảo con dạy bà cách sử dụng máy vi tính. Tuổi trẻ của bà cứ mãi tái sinh ở con rồi ở cháu, nhờ con cháu mà bà không bị đẩy lùi vào quá khứ, bắt kịp được nhịp mới của cuộc sống.

Bà pha một ly nước cam đợi con trai đi làm về, giống như đã làm với chồng cách đây hai mươi năm. Bà nhìn ra cả cái dáng nó mở cổng lánh người vào nhanh nhẹn, dứt khoát, duyên dáng giống hệt ông. Ông hiền hậu, khiêm tốn còn nó sắc sảo kiêu hãnh. Lòng bà rộn lên ấm áp, sung sướng. Bà thấy đó là một điều kỳ diệu, một phụ nữ nhỏ bé như bà sao lại sinh ra được một chàng trai cao lớn dường kia. Cha nó cũng cao nhưng nó còn cao hơn cả ngừơi cha.

- Chào mẹ con về!

 

Giọng con reo vang. Câu chào đó bà nghe hàng ngàn lần từ khi con là cậu bé lũn đũn bên chân chồng bà. Mỗi khi đi học về chỉ nghe giọng chào bà đã biết con có hài lòng với những gì nó đạt được ở lớp hay với bạn bè. Bà mỉm cười:

-    Uống nước đi con!

 

Chàng trai cất chiếc máy vi tính xách tay lên kệ, tháo cà vạt, khi ngang qua mẹ để lấy ly nước, anh  chàng bóp vai mẹ một cái. Bà biết con đang có điều gì vui lắm, đôi mắt lấp lánh sau cặp kiếng trắng.

-    Mẹ nấu cơm chưa?

-    Đang nấu đấy

-    Thôi mẹ, để nay, mình đi ăn tiệm đi!

-    Phí thế con, nhà còn thức ăn.

-    Có khung cảnh mẹ sẽ rất thích! Gần sông.

Nó biết bà thích sông, không biết từ hồi nào. Bà được sinh ra, lớn lên bên sông nước, tên bà cũng trùng tên với một con sông đâu tận bên Tàu rồi nghệ danh của bà cũng xuất phát từ tên con sông quê nhà, một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà sau này bà mới khám phá ra.

-    Để hôm khác đi!

-    Con có chuyện muốn nói với mẹ …

-    Với mẹ ở đâu chẳng nói được, mẹ dọn cơm ra sân ăn cho mát nhé.

 

Nhưng suốt bữa ăn con trai không nói gì về điều định nói. Bà cũng lờ mờ đoán ra nhưng không nhắc vì không muốn xem đó là điều quan trọng, ít ra bà cũng cố ý làm ra vẻ như vậy trước mặt con. Cái cách mà bà hay làm khá thành công khi con còn nhỏ. Hai mẹ con chỉ nhắc đến một người vừa vắng mặt là cô con gái vừa đám cưới cách đây một tuần.

 

Chính qua việc cô gái ấy giúp đám cưới em gái mình mà chàng trai càng hiểu rõ cô, thấy được năng khiếu thẩm mỹ, sự tinh tế của cô.

- Hơm nay vợ chồng nĩ cĩ về khơng mẹ?

- Hồi chiều hai vợ chồng nó có về có một lát, bảo chủ nhật mới về lâu được

-    Để cho nó tự do, tụi nó đi chơi có vui không mẹ?

-    Mẹ không hỏi nhưng chỉ cần nhìn vào mắt nó là thấy cả một trời hạnh phúc.

-    Đám cưới nó cầu kỳ quá, đám cưới của con sẽ đơn giản hơn.

-    Mẹ cũng muốn đơn giản nhưng không thể giản hơn nữa, cũng phải ở theo thời con ạ, không thể làm theo ý mình được … Mẹ ngẫm ra những câu thành ngữ tục ngữ của ông bà nói đều đúng cả. Ví dụ như câu lấy vợ xem tông, bà nào ăn ở với chồng quá quắt, khó hy vọng con gái của bà ta là người hiền thục. …           

Con trai bà dường như chú ý vào món ăn hơn.

-    Lâu lắm con mới được ăn món canh đậu khuôn nấu với hẹ. Ăn món này làm con nhớ hồi được học mẫu giáo…

-    Thằng này nhớ dai thật.

Bà nghe con đổi giọng.

-    Mẹ ơi, lương con vậy nhà mình đủ xài không?

-    Đủ chứ con … dư. Mẹ quên cần kiệm rồi, sẽ để dành sữa nhà …

-    Nhà mình ở vậy được rồi, có gì đâu phải sữa.

Bà định nói sửa nhà để cưới vợ cho con nhưng kịp im lặng, tiếp tục dọn dẹp. Chợt con trai lên tiếng:

-    Mẹ ơi, mẹ còn đủ sức làm một cái đám cưới trong năm nay nữa không?

 Bà nhẹ nhàng, không ngạc nhiên, không thích thú, hỏi lại:

-    Đùa hay thật đấy?

-    Làm sao con dám đùa chuyện ấy …

 

Bà biết con đang muốn nói thêm nhưng sự biểu lộ qua vẻ bất biến trên mặt ba khiến anh ta yên lặng. Bà ngồi yên một lúc lâu. Điều con trai bà định nói bây giờ mới bắt đầu nhưng họ hiểu rằng nãy giờ họ đã nói bằng cách lảng tránh, nên bà như tiếp tục một cuộc nói chuyện ngấm ngầm cách đây đã nửa giờ hay hơn thế nữa mà không cần lặp lại phần chìm của câu chuyện.

-    Lâu nay cô ấy đến nhà, nếu nói thương như con cháu thì không thành thật, nhưng mẹ vẫn quý mến nó, mong ước nó hạnh phúc nhưng chưa bao giờ mẹ hình dung nó thành con dâu của mẹ.

-    Vậy mẹ thương cô ấy vì điều gì?

-    Nó tốt và đẹp …Nhưng từ sự nhạy cảm thiên phú của một người mẹ, mẹ thấy ở nó có một cái gì đó không ổn, một sự bất trắc cho người đàn ông nào cưới nó…

       Người con trai không bất ngờ vì mẹ mình biết tất cả chuyện tình cảm của mình. Không ai bất ngờ vì cuộc đối thoại này, cho nên họ vẫn cứ nói. Bà mẹ tiếp.

-    Tình cảm của mẹ dành cho nó không bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ như nhiều người vẫn dành cho nó mà từ lòng trắc ẩn. Ngay từ hôm hai đứa gặp lại nhau, mẹ đã thấy sự bàng hoàng ở con, mẹ biết con đã gặp tiếng sét. Nó quá đẹp, người đàn ông nào gặp nó cũng giật mình. Nhưng theo sự chiêm nghiệm của riêng mẹ, một người đàn ông chín chắn không nên lấy vợ quá đẹp. Vì một người phụ nữ đẹp mà không được hưởng một nền giáo dục chu đáo thường ít khi mang đến hạnh phúc cho người đàn ông lấy họ, họ thường hoang tưởng và dễ gặp cạm bẫy. Những phụ nữ có nhan sắc vừa vừa thường dễ sống, dễ hạnh phúc hơn.

-    Nhưng mẹ ơi, con đâu còn là một thiếu niên nữa, càng hiểu con càng yêu cô ấy. Cô ấy đâu chỉ đẹp một cách rỗng tuếch mà còn rất thông minh, dịu dàng và có bản lĩnh nữa…

-    Mẹ không phủ nhận những giá trị con đã nhận ra ở cô ấy … Nhưng như một căn nhà lầu, càng nhiều tầng càng phải xây trên nền móng vững chắc hơn, đó là đức hạnh…

     Nói xong câu này bà thấy ân hận, bà vội vàng quá. Nhưng không kịp nữa, con trai bà hình như nhăn mặt vì đau đớn.

-    Cô ấy … đã làm gì hả mẹ?

-    Mẹ không biết … Chơi thân với em gái con từ bao năm nay, từ trung học đến đại học nó chưa có biểu hiện gì … Nhưng mẹ nó…

-    Mẹ cô ấy sao?

-    Chứ nó không kể gì với con sao?

-    Thì cô ấy cũng chỉ nói như mẹ, ba mẹ cô ấy ly hôn.

-    Lẽ ra mẹ cũng không nói với con làm gì vì đó là chuyện riêng của người ta, nhưng nếu con có ý định cưới cô ấy thì con phải biết: Mẹ nó bỏ chồng đi theo một người đàn ông khác!.

Người con trai cắn môi, cái cách mà chồng bà hay làm mỗi khi suy nghĩ và bà yêu nét mặt của ông khi ấy.

- Có thể họ không sống với nhau vì nhiều lý do rất chính đáng, con nghĩ điều đó cũng rất bình thường.

-    Mẹ cũng thấy bỏ chồng thì không có gì ghê gm lắm nhưng bỏ cả con là điều mẹ không thể chấp nhận được. Tình mẫu tử, đó là đạo đức tối thiểu của một người đàn bà…

Bà nói với một chút kích động. Giọng con trai trầm xuống.

-    Vâng, nếu vậy chúng ta nên thương cô ấy hơn.

-    Mẹ cũng thương xót nó … Nhưng mẹ không muốn cháu nội của mẹ cũng có thể bị bỏ rơi như vậy. Mẹ vẫn an ủi chỉ vẽ những gì mẹ thấy nó thiếu nhưng vẫn biết nó mang trong người một nửa dòng máu của người đàn bà đó, và dòng máu đó mới qua một đời không dễ gì mà pha loãng đi được!.

-    Anh ta nheo mày nhìn mẹ:

-    Mẹ cô ấy đã làm gì ghê gớm vậy?

-    Mẹ nó bỏ chồng đi theo một ông Tây! Không phải là ông Tây trí thức hay một quý ông mà chỉ là một gã lái buôn thô lậu. Hắn chỉ hơn chồng bà ta một là kiếm ra nhiều tiền …

-    Mẹ cho rằng đó là trở ngại chính nếu cho cưới cô ấy?

-    Nếu lấy một cô gái như vậy cuộc hôn nhân của con có nhiều nguy cơ hơn.

-    Vậy lịch sử đang lặp lại ở nhà mình. Mẹ đã trở lại con đường mà ông bà mội con đã đi, cứ áp đặt nhân cách người khác vào thành phần xuất thân, nghề nghiệp, dòng dõi mà không bằng chính hành vi của họ.

     

Bà mẹ biết con trai của bà sẽ viện dẫn điều này để làm bà đuối sức. Câu chuyện mà bà vẫn kể với con như một niềm tự hào của bà, để các con bà hiểu được họ là kết tinh của tình yêu. Chồng bà là con nhà nền nếp, khuôn khổ mà bà là nghệ sĩ. Gia đình ông văn minh tiến bộ không xem nghề nghiệp của bà là “xướng ca vô loại” nhưng họ sợ rằng bà là một nghệ sĩ thì tình cảm thường dạt dào, lãng mạn khó sống chung thuỷ, khó làm vợ làm mẹ tốt. Ông quyết tâm cưới. Thế nên suốt đời bà cứ phải tìm cách để xoá cái định kiến ấy.

  

 

Lãng mạn, cái từ nhiều người hay dùng để miêu tả một phần tính cách của bà. Bà vẫn nhìn xuống lòng để xem mình có lãng mạn không. Hồi còn đi học bà đã được thầy giáo dạy văn giải thích nghĩa đen của từ “lãng mạn”. Lãng là sóng, mạn là bờ, nghĩa là sóng tràn bờ. Bà đã cắc cớ hỏi thầy:

-    Thưa thầy nếu cái bờ đó rất cao làm sao sóng tràn được?

Ông thầy già tinh đời ấy đã trả lời:

-    Tôi xem ra em cũng là một con sóng lớn đấy, hãy tìm được một cái bến bờ nào cao cao để khỏi tràn!.

-    Bà xấu hổ ngồi xuống trong tiếng cười thú vị của bạn bè … Đến khi học Lục Vân Tiên, cũng ông thầy ấy lại so sánh giữa Thuý Kiều và Kiều Nguyệt Nga. Bà bèn chứng minh cho ông thầy thấy rằng Kiều Nguyệt Nga mới là một thiếu nữ cô cùng lãng mạn. Vì mới gặp người ta có một lần mà yêu mê mệt, khi tưởng người ta chết nên để tang, vẽ chân dung thờ, tự tử để thủ tiết … Thầy lại bảo:

-    Tôi có nói lãng mạn là xấu đâu mà em bênh vực quá vậy? Nguyệt Nga lãng mạn thật nhưng là thứ lãng mạn trong cái khuôn vàng thước ngọc của Nho Phong.

    

Hồi học Văn khoa bà đã trêu một vị giáo sư danh tiếng vừa là một linh mục có tên là Lãng “Thưa thầy, thầy đã đi tu rồi mà vẫn còn có sóng sao ạ? “ Từ ấy đã trở thành một kỷ niệm, một từ mà bà yêu mến … Một thoáng chốc đắm chìm trong hoài niệm, cô thiếu nữ ấy phải rút lui nhường chỗ cho vai trò bà mẹ,

-    Mẹ không thành kiến cũng không định dùng uy quyền của một người mẹ để ngăn cản con một cách thô bạo … Mẹ chỉ muốn bàn bạc với con mà thôi, gia đình bên nội con hiển hách, rất kỵ chuyện nhiều vợ, nhiều chồng, các cụ quan niệm “Đa nhân duyên nhiều đường phiền não”. Và một người đàn ông không thể gọi là thành đạt khi anh ta thất bại trong hôn nhân. Con xem trong họ hàng mình ít có cặp nào bỏ nhau lắm.

-    Họ không bỏ nhau vì đã được giáo dục cách chịu đựng nhau!.

-    Mẹ không nghĩ vậy, đó là sự tinh tường lúc đầu và biết hoà hợp khi về sau.

-    Con tin sự mẫn tiệp đã đạt đến độ mãn khai của mẹ sẽ là chốn nương tựa của con. Nhưng mẹ cũng hãy tin rằng con trai của một người mẹ như thế không đến nỗi bồng bột, nông cạn... Gia đình cô ấy ngầu đục nhưng cô ấy vẫn trong trẻo, và xem như không cha không mẹ nhưng vẫn học hành thành công, có việc làm đàng hoàng. Con sẽ bù đắp tất cả những tình cảm cô ấy thiếu. Vì đơn côi nên cô ấy hoàn toàn thuộc về con…. Con sẽ là cái đê …

    

Đến đây thì bà hy vọng thua con trai nhưng không biết làm sao chấm dứt câu chuyện. Một điều gì đó bừng lên rộn rã trong trái tim, trong cái thân thể đã quá mệt nhọc vì tuổi tác, vì suốt cả đời bận rộn cơm áo và bận rộn thực hiện những ước mơ của bà./.

Nguyễn Thúy Ái
Số lần đọc: 2061
Ngày đăng: 04.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bà lão hàng xóm - Huỳnh Văn Úc
Đêm thánh vô cùng - Sương Nguyệt Minh
Đêm biển động - Nguyễn Minh Phúc
Lõm to - Trần Kỳ Trung
Lại một mùa xuân - Mang Viên Long
Man đảo - Trương Thái Du
Những mảnh lụa… - Lê Xuân Tiến
Hồn trầm - Văn Xương
Chết nơi đất khách - Ngô Kế Tựu
Ba điều ước - Huỳnh Văn Úc
Cùng một tác giả
Mẹ và Con trai (truyện ngắn)
Bàn tay lạ (truyện ngắn)
Sống cùng hoa (tạp văn)
Người trong mộng (truyện ngắn)
Hồn Tết (tạp văn)
Vườn xưa (truyện ngắn)
Cơn giông (truyện ngắn)