Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
343
116.804.348
 
Người ở lại xóm chòi
Từ Phạm Hồng Hiên

Cha tôi thứ ba, cô thứ bảy và cũng là út trong gia đình có sáu người con của ông bà nội. Ngày xưa ông bà nội tôi làm tá điền cho ông Cả Dựa. Bà nội tôi kể rằng ông Cả Dựa giàu có lắm nhưng được cái không ác nhơn ác đức như nhiều điền chủ đương thời. Sau khi biết ông nội tôi là người cùng mang họ Trần lại ở đúng quê xưa Nghệ An của tổ tiên nên ông Cử còn ưu ái giao cho nội tôi làm bốn mươi công đất ruộng ngoài Giồng Luông. Phương cách để giúp nội tôi mau khá lên được ông Cả định ra như thế này: Cứ mỗi năm đong đủ lúa ruộng thì nội tôi sẽ sở hữu được hai công. Và giao kèo chấm dứt vào lúc nào đó là do nội tôi quyết định chớ ông không ép buộc.

 

Cái xấu cái tốt ở đời mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi cũng mỗi khác. Đến như những nhà khoa học mà cũng phải chịu cảnh ấy nữa là. Thấy ra ông Cả Dựa cư xử với nội tôi vào thời đó được như vậy cũng là điều hiếm thấy. Thế nhưng đến năm sáu mươi bảy tuổi nội tôi vẫn nghèo do không sở hữu thêm được công đất nào nữa. Gánh nặng gia đình cứ đè miết lên vai bà nội tôi trong khi những đêm thâu bên chiếu bạc đã sớm rút cạn sinh lực của ông vốn là một nông phu vạm vỡ từ hồi nảo hồi nào. Duy có điều con cháu thì ngày càng đông ra và nơi chốn xa hút cheo leo tận xứ Giồng Luông ấy đã dần dần trở thành xóm chớ không chỉ lèo tèo mấy gia đình như thời xưa. Bây giờ người ta vẫn quen gọi là xóm Chòi.

 

Tôi được sinh ra và theo năm tháng lớn lên ở xóm Chòi này. Tuy vai vế là cô cháu nhưng cô Bảy với tôi cùng tuổi. Cùng tuổi chớ không cùng tính nết nên số phận mỗi người cũng khác nhau. Bà nội tôi nói ấy là còn bởi lệ thuộc vào ngày giờ của mỗi người khi được sinh ra nữa. Tôi được sinh ra vào đêm ba mươi tối hù, trái hẳn với cô Bảy. Mà sáng choe chóe như trăng rằm biết đâu lại khiến người ta khó nhìn thấy được muôn vạn vì sao trên bầu trời.

 

Sáng tối ngẫu nhiên kiểu gần trăng sao ảnh hưởng sao không biết chớ cô Bảy rất được ông nội tôi cưng chiều, đi đâu ông cũng dắt cô theo tò tò. Lắm lúc khuya khoắc mệt mỏi ông còn giao cho cô điều binh khiển tướng tạm một vài ván. Do quen chứng kiến cảnh trận mạc của người lớn ở chiếu bạc riết rồi đâm ra nhiễm hay sao không biết mà lớn lên cô hay tò mò tọc mạch chuyện thiên hạ, đa nghi lạ lùng và hơn thua xoèn xoẹt từng chút một. (Mãi sau này tôi mới nghiệm ra một điều là tuổi thơ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong suốt cả đời người). Thì ruộng vườn, cua cá, tre trúc giữa trời đầy dẫy ra đó mặc sức mà hơn thua làm giàu. Nếu vậy ai nói làm gì. Đàng này cô Bảy không giàu có nhưng lại muốn hơn người và đâm ra ghét thậm tệ những ai nói hơn hay làm trái lại với sở thích của mình. Biết tính cô từ nhỏ nên tôi chiều chuộng một phép chớ có dám ho he.

 

Nhớ hồi nhỏ có lần con mèo đen bên nhà thằng Thiện mò qua định đớp con cá chiên nhưng vừa tan học về tôi và cô đã kịp can thiệp. Vậy mà trong bữa cơm giữa hai cô cháu cô vẫn một mực:"Mèo mun! Kêu mèo đen là trật lất". "Dà, trật". Tôi đáp lời rồi sẵn trớn ghẹo luôn: "Ủa, con chó mun nhà mình đâu rồi cô?". Thay cho câu trả lời là âm thanh "rốc" của đôi đũa đã trở đầu trên tay cô. Hai hàng nước mắt chan xuống và tôi chỉ còn biết im hơn thóc ở trong bồ.

Ai đời người ta giúp đỡ gia đình mình như vậy, không chịu thương chịu khó làm ăn thì thôi chớ có đâu cô lại oán ông Cả Dựa tới đời cháu nội ổng cũng chưa thôi. Thấy cô Thắm thướt tha, mặt mày sáng rực sáng rỡ du học ngành kiến trúc ở Italya về ngang xóm, cô cười nửa miệng rồi bằng giọng giễu cợt của mấy đứa trẻ thời nay: "Du học kiểu Úc!". Đến khi người ta thành tài về giúp cho xã xây cái chợ cô cũng lại khinh khỉnh như vậy: "Thiết kế, xây dựng kiểu Úc!".

Mà nghĩ cũng lạ cho dân xóm Chòi của tôi chớ chẳng riêng gì cô Bảy. Cái tính cách tủn mủn, thù vặt và cố chấp từng chút dính vào gần như là một căn bệnh di truyền. Cứ lo dòm ngó săm soi tính cách và dè bĩu đời tư của nhau trước cái đã còn mọi chuyện khác tính sau. Cũng chả trách tại sao người ở đây cứ nghèo hoài, quanh năm suốt tháng chỉ biết dắt nhau đi làm mướn làm thuê nơi xứ người. Chòi vẫn hoàn chòi.

 

Cha mẹ tôi may mắn về được quê ngoại Phú Túc bốn mùa nước ngọt, mưa thuận gió hòa do nhiều lần đi gặt lúa mướn ở trên đó. Ngẫm sự đời không thiếu chi những điều lạ. Người lao tâm khổ từ suốt cả đời chỉ trông mong một chút may mắn cũng chưa chắc đã có. Vậy mà khi không rồi bà Năm, Chủ tịch xã Phú Túc kêu cha mẹ tôi cho ba công đất vườn miễn sao: "Bây về đây ở với tao để tao được nhìn thấy con Thu mỗi ngày". Số là tôi rất giống con gái bà hồi nhỏ là dì Nga, tham gia hoạt động ở ngành dân y đã hy sinh hồi năm bảy mốt trong Cà Mau tới giờ vẫn chưa xác minh được. "Nó giống như tạc". Bà Năm nói vậy.

 

Trước lòng tốt của bà Năm cha tôi không chút lưỡng lự hay làm bộ làm tịch. Ông cảm ơn bà Năm rối rít rồi phấn khởi rời xóm Chòi nắm lấy thời cơ để đổi đời. Ngày chất đồ đạc xuống ghe - năm ấy tôi và cô Bảy cùng học lớp đệ tứ - cô nói: "Bây đi luôn đi đừng có về". Ấy, hồi mới chừng đó tuổi mà cô đã vậy. Tôi cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của lời cô nói qua ngữ điệu nên tôi không buồn không giận cô chút nào. Trước khi ghe nhổ sào tôi vẫn còn kịp chạy u vô chái bếp xoa xoa hai vai cô khi cô đang xắt rau lang cho heo. Tình thương của cô đối với tôi không giấu diếm được qua đôi mắt ngân ngấn nước khi cô ngước nhìn nghe tôi nói: "Thôi, con đi. Cô ở lại mạnh giỏi lâu lâu con về chơi". Có lẽ nhờ vào chỗ máu mủ nên tình tôi đối với cô có phần thiên lệch chớ người dưng thì chắc gì. Người ta ghét cô lắm, nhất là đám thanh niên trong xóm, họ ngán cô tới tận cổ. Hơn hai mươi tuổi cô vẫn chưa có mối tình giắt lỗ tai chớ đừng nói chi chuyện chồng con. Dưới mắt cô đáng bậc chân tu trên đời này dường như chỉ có mỗi đức Phật mà thôi. Ngày sắp lấy chồng tôi về xóm Chòi phát thiệp hồng và thỉnh cô. Dù không nói trước mặt nhưng câu "Đã chung chạ nhau rồi còn bày đặt bày điều. Lắm sự!" của cô sau đó cũng đến tai tôi. Giận cô thì ít mà thương cô lại nhiều. Biết bao giờ, trời sinh ra tính cô vậy rồi.

 

Đến năm hăm bảy tưởng đâu cô sẽ lấy được chồng, lần này là anh lính đã giải ngũ chớ không như ba anh trước. Anh ngu si hưởng thái bình, anh ăn đàng sóng nói đàng gió và một anh dài lưng tốn vải. Nhưng do chân tình quá mức, anh đã trót kể cho cô nghe những tháng ngày chinh chiến gian khổ ở chiến trường, do đói quá nên đêm đêm phải đào trộm củ mì của dân ra sao, anh em tổ chức lén vô những binh trạm ăn cắp lương khô như thế nào... đã châm ngòi cho sự đổ vỡ. Tư Dũng là người cuối cùng trong danh sách những người đã có thể trở thành chồng của cô nhưng rồi cũng không xong. Anh ta thề độc trước mặt mọi người:"Loài người trên trái đất này có bị hủy diệt hết chỉ còn chừa lại tao với con Bảy tao cũng tự vận chết theo luôn!". Những chuyện tương tự như vậy đâu phải là hiếm trong cuộc đời sớm nắng chiều mưa này, vậy mà cô cứ để bụng rồi xem thường người ta. Không ít lần tôi nói với cô: "Ai cũng chăm chắm đổ bánh bò cái nào y như cái nấy như cô hết ráo thì lấy gì hấp dẫn nữa. Chán phèo!". Đó là tôi chỉ dám gọi là tư vấn sơ sơ cho cô thôi! Còn cái bằng cấp thạc sĩ tâm lý học mới lấy sau này tôi giấu biệt đâu dám khai ra. Đây rồi không khéo cô lại nói tôi tài khôn, ỷ có ăn học nên lên giọng dạy đời. Tôi phải mượn câu chuyện về một ông thầy kể lại cho cô nghe. Chuyện rằng:

 

"Ngày nhà thờ đưa Gallileé lên giàn hỏa để hoặc ông được sống nếu tuyên bố trái đất không quay hoặc sẽ trở thành "kẻ bất tử" do "tử vì đạo" nếu dám tuyên bố ngược lại. Cùng lúc ấy những đứa học trò của ông đứng ngồi không yên trên khắp đường quang ngõ vắng quanh nơi ông sắp sửa bị hành hình để chờ đợi, chờ đợi lời tuyên bố dõng dạc hùng hồn của nhà toán học thiên tài quyết bảo vệ chân lý đến kỳ cùng".

 

"Nhưng cuối cùng thì...: "Trái đất không quay!". Ông tuyên bố rồi ung dung xoa tay rời nhà thờ ra về. Trên đường về Gallileé gặp không ít những đứa học trò trung thành giỏi giắn của mình phẫn nộ chặn đường lại và gào lên: "Tại sao thầy không dám chết?. Chúng tôi đang chuẩn bị làm lễ truy điệu và trân trọng thờ phụng thầy đây. Thầy đã từng dạy cho chúng tôi như thế nào mà nay lại ăn nói lộn nài bẻ ống thế?!".

 

"Với phong thái đĩnh đạc và trầm tĩnh Gallileé nhẹ nhàng:"Ta nói nó không quay vậy chớ nó vẫn quay đó. Ai làm gì nó? Bằng xương bằng thịt như Chúa thì còn có thể bị bọn ác đóng đinh chớ tròn ủm mà lại không có quai như trái đất thì biết đóng vô đâu cho nó đứng lại hở các ngươi? Cứ mặc nó. Ta rất ham sống... Thôi các ngươi hãy tránh ra để ta còn đi chợ mua con cá về nướng ăn mừng".

 

Có dịp về xóm Chòi chơi không lần nào tôi không nhỏ to tâm sự với cô Bảy. Đại loại là những chuyện như thế. Chỉ mong sao cô thay đổi được phần nào tính ý và sớm có được tấm chồng mụn con để ấm áp cuộc đời nhưng rồi cũng không sao lay chuyển được.

 

- Cô thấy hôn, chuyện rõ ràng như vậy mà Gallileé còn phải lụy nữa huống hồ...

 

- Ổng khác tao khác! Cô độp lại tức thì.

 

"Thôi, bó tay". Tôi thở dài ngao ngán thầm nghĩ.

Do hoàn cảnh chiến tranh rồi sau này là vòng xoáy đến xây xẩm mặt mày của cơm áo thị trường nên gia đình tôi mỗi người mỗi ngả. Bà nội tôi nay đã ngoài chín mươi, yếu lắm rồi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ở lại với bà sau này chỉ có mỗi mình cô. Dù không chồng cô cũng có được đứa con nuôi do lần ấy cô nuôi nội mổ ruột thừa trong bệnh viên. Sáng sớm thức dậy xách bình thủy xuống căng-tin để đổi nước sôi cô bắt gặp đứa trẻ sơ sinh đang nằm ngọa ngoạy bên cái bô rác bệnh viện với tờ giấy: "Xin cô bác rũ lòng từ bi mà nuôi giùm đứa trẻ. Tôi cam đoan sau này không làm khó dễ gì cả...". Cô quay lại phòng bệnh hỏi ý kiến nội. Nội đồng ý. Thế là cô có được đứa con.

 

Con Lan mau lớn mạnh khỏe như thổi. Tất cả tình thương cô dành hết cho nó, cô chăm lo nuôi nấng dạy bảo nó từng chút một. Tưởng như về cái sự này trên đời không ai có thể hơn được cô. Những ngày còn lứa nhà trẻ, mẫu giáo, nhìn sự sạch đẹp tinh tươm của con Lan mấy cô giáo cứ tưởng cha mẹ nó phải cỡ hàng Giám đốc hay chí ít cũng trưởng phó phòng của một công ty ăn nên làm ra nào đó, chứ đâu hay rằng cô đã phải thức đêm thức hôm cặm cụi đổ từng chén bánh bò và chịu nắng mưa lặn lội đi rao bán như thế nào.

 

Cô dạy con đủ điều. Dắt con đi chợ lỡ gặp thầy cô giáo bất cứ ở vào tình huống nào cô đều bảo con đến trước mặt vòng tay thưa lễ phép. Điều này thì rõ ràng cô phải quả đi chứ. Tuy không khá giả nhưng ngoài việc hiếu hỉ tang ma ở chòm xóm, trong nhà mỗi năm không dưới chục cái đám giỗ cô cũng tận tình cáng đáng. Lớn lên con Lan được cô tập tành cho vái lạy, khấn nguyện vô cùng bài bản không kém gì các cụ ở đình làng. Thấy con răm rắp vâng vâng dạ dạ cô hài lòng lắm. Có miếng ngon vật lạ cô cũng đều dành hết cho nó - chính điều này mới tai hại. Quen miệng ăn ngon, có đôi khi vợ chồng tôi về dùng bữa với mẹ con cô, thấy con Lan đã mười lăm mười sáu tuổi ăn mà tôi mắc ngượng. Ăn đã dậy nghe nó nói mình càng ngượng hơn. Thấy tôi ngáp chảy nước mắt nó hỏi "Hồi hôm chị Thu ngủ hai ba giấc mà chưa đã hay sao?". Tôi cười xòa không nói, thầm ngại cho sự lém lỉnh sắc sảo trước tuổi của con nhỏ. Tôi dã lã qua chuyện khác. Tôi hỏi thăm về sức khỏe, về kẻ còn người mất ở xóm Chòi đều được con Lan kể rành rọt từng chi tiết, thậm chí còn trên mức cần thiết. Nó kể:

 

"Ông Bảy Bế vẫn làm thầy gà. Nhờ có hai đứa con gái gả cho Đài Loan nên nay giàu lắm, ổng ôm gà đi đá tận biên giới Campuchia. Bà Tư Sương cũng ngày ngày giải mộng để đánh số đề. Ông Sáu Be chắc nay mai đây thôi sẽ về nước Chúa, mấy bà vợ bé của ổng không biết gởi lại cho ai. Ông Bảy Phu vẫn be bét. Còn bà Hai Công vẫn keo kiệt như tự nào giờ, đố ai ở xóm này uống của bà được ly nước...".

Nghe con Lan kể mà tôi phát mệt nên vội cắt lời: "Thầy Vĩnh Thiện còn trụ trì ở chùa Viên Long nữa không?". Nó bảo là cũng còn nhưng gần đây nghe người ta đồn rùm trời về vụ ổng giấu thịt chó trong hủ tương phía sau chùa...

 

Với cô Bảy thì tôi ngại giở ngón nghề chuyên môn nhưng với con Lan thì không. Tôi cảm ơn Lan trước những thông tin về những người quen biết cũ ở xóm mà Lan vừa cung cấp. Nhưng trên tình chị em tôi chân thành khuyên nó rằng là không nên nhìn con người như vậy. Nghe tôi nói Lan tỏ vẻ không vui. Thấy vậy tôi vội nói về mình để câu chuyện được tự nhiên hơn: "Như chị đây, chẳng lẽ chỉ vì do hàng ngày phải gần gũi tiếp xúc với những đứa trẻ bụi đời dơ bẩn, những cô gái bán phấn buôn hương lố lăng hay những thanh niên nghiện ngập, trộm cướp hung hãn... mà em lại lấy đó mà xem thường chị. Đồng tiền chị kiếm được suy ra cho cùng cũng từ những người ấy mà ra nhưng cũng sạch sẽ như bao nhiêu nghề lương thiện khác vậy thôi. Đúng không em?".

 

Câu hỏi đóng cố tình của tôi đã khiến tôi dễ dàng nhận ra sự đóng cửa trong tâm hồn của đứa em gái còn nhỏ dại.

 

Buổi trưa tháng tư trời gắt như đổ lửa. Những gốc rạ khô giữa đồng như chực hờ cháy lên bất cứ lúc nào dưới cái hừng hực của những tia lăng quăng màu đen nhỏ li ti đang thi nhau nhảy múa nhăng nhít trong không gian. Cô Bảy về tới nhà người đẫm mồ hôi. Vừa buông gánh xuống cô đã vội cật vấn khi thấy tôi đang sửa soạn ra về:

 

- Về mấy ngày nay mà không ở lại đám giỗ giờ bây còn tính đi đâu nữa?

 

- Không, con phải về vì đã lỡ hẹn với các con bệnh vào sáng mai. Tôi đáp nhanh lời cô.

 

- Bây có thêm nghề bác sĩ hồi nào?

 

- Không, con trị bệnh tâm lý chớ không như các bác sĩ khác.

 

Trước cái nhìn nghi hoặc của cô buộc lòng tôi phải kể rõ chi tiết cho cô nghe về các trục trặc tâm lý của những thân chủ tôi: Một bà về việc chia chác của cải trong gia đình và có thói quen xài tiền như rác, một bà tỏ ra ân cần tử tế nhưng lại dính vào chuyện loạn luân trong họ tộc, một ông có thằng con độc nhất nghiện hút đã bỏ nhà đi hoang và một ông nữa ham hố chức tước đến mê muội ngày tối cứ đi ra đi vô ngó dáo dác như điên điên khùng khùng. Tôi nói với cô rằng họ đang rất cần sự giúp đỡ của tôi hơn bất kỳ ai khác trong lúc này. Còn chuyện đám giỗ không có gì quan trọng, năm này không được thì năm sau. Nghe nói vậy cô đùng đùng nổi giận, bỏ đi một hơi vô buồng.

 

Bên trong phòng tiếng thì thào của bà nội tôi xen lẫn với âm thanh của xâu chìa khóa cô Bảy đang mở tủ vọng ra như từ cõi nào.

 

- Con làm gì đó Bảy?

 

- Trả tiền lại nó chớ làm gì! Ở đây nghèo quen rồi không biết xài tiền... Nó đừng có khi dễ...

- Muốn nhận hay trả thì tùy cô cháu cư xử với nhau... Và tiếng bà trở nên nặng nhọc: Bỏ cái ruột tượng của mẹ trở lại... Mẹ làm dâu làm vợ làm mẹ làm bà ở xóm này cả đời người... Nó là của mẹ, chừng nào trăm tuổi mẹ muốn giao lại cho ai thì giao. Hơi đâu mà đem đi khoe mẽ cho bận lòng... Thôi, con Thu mau về lo công chuyện đi con.

 

Tôi chạy vội vào phòng ôm hôn bà rồi quày quả ra đi. Buổi ra đi có cái gì đó giông giống mà khang khác ba mươi năm về trước. Giống ở nước mắt nhưng là nước mắt của tôi khi ôm hôn bà. Cô Bảy lặng thinh không nói. Hay cô đã quên rồi câu nói hờn trách của năm xưa. Chẳng rõ. Chỉ biết đôi mắt phía sau ót tôi nhìn cô và bảo với tôi rằng cô đang đứng im như pho tượng dõi nhìn theo mỗi bước tôi đi.

Từ Phạm Hồng Hiên
Số lần đọc: 2138
Ngày đăng: 19.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi cuối đường - Nguyễn Thị Diệp Mai
Mảnh vụn - Ngọc Hiệp
Chim Nhạn trở về - Nguyễn Thị Diệp Mai
Lửa cháy phía Phương Thành - Nguyễn Thị Diệp Mai
Đại ca Bầu - Nguyễn Thị Diệp Mai
Quên - Thu Trang
Hư ảo cuộc đời - Thu Trang
Quê ngoại - Thu Trang
Ông Mười - Nguyễn Trọng Tấn
Con khỉ nhà 3B - Thảo Bích
Cùng một tác giả
Lỗi hẹn (truyện ngắn)