Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
604
116.767.451
 
Nhớ tết cũ
Phan Trung Nghĩa

Tết mà tôi muốn nói xảy ra hơn 30 năm. Đó là cái thuở tôi lên chín lên mười. Một cái tết trong chiến tranh tại một làng quê nghèo nàn và đã thật là xa xôi, vậy mà cứ hằn thật sâu trong tâm hồn, mỗi lần nhớ lại tôi cứ ngỡ chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua.

 

Đó là tết của năm 1970. Không biết lý do gì mà chiến tranh lại chuyển trọng điểm sang những đám lá tối trời ở ngã ba Vàm Lẽo cách chỗ tôi ở chừng non 20 cây số. Đêm đêm làng tôi không còn tiếng sét không khí  hãi hùng của pháo 105 ly từ chợ Bạc Liêu bắn ra, ngày không còn mấy chiếc "đầm gia" lượn lờ, rình rập và "cáo…xèng" như mọi khi. Tết là người của làng tôi đi "tản cư" từ bấy lâu trở về quê chuẩn bị đón tết. Tôi thì mừng lắm vì gặp lại bạn bè cũ. Thằng Khóm, thằng Bình, thằng Mi…những thằng bạn từng giữ trâu chung một vạt đồng, chia nhau miếng cơm vắt mắm đồng trong những buổi cày quá ngọ trên đồng xa. Năm đó nước rong tháng chạp dâng cao lắm, lé đé nền nhà, làng tôi như nổi trôi trên mặt nước. Người lớn thì ngồi rầu bởi nước dâng cao làm cho vụ lúa mùa muộn vừa gặt xong "té cò" chìm hao hớt, còn lũ trẻ chúng tôi thì mừng vì năm nay chắc chắn là sẽ "mót" được nhiều lúa để sắm quần áo. Chờ cho lúa "cộ" về sân hoặc "ngố" ngoài ruộng xong là chúng tôi rũ đi "mót" lúa. Đó là những buổi sáng sương giăng mịt mờ, trời se lạnh và gió tết hây hẩy bay nhảy trên đồng. Chúng tôi 5-6 đứa chạy lên đồng để nhặt những bó lúa còn sót. Năm đó đứa nào "mót" cũng rất nhiều, vì lúa "té cò" người lớn không nhìn thấy lúc gom lúa lên cộ đánh trâu kéo vào sân. Chúng tôi đạp lúa phơi khô, đem qua nhà máy của ông Chệt Mập bán. Đứa nào cũng rủng riểng tiền đủ gởi mẹ mua một bộ đồ vải sọc mặc tết. Đó là một thứ vải thô, sọc xanh, sọc đỏ. Vậy mà khi mặc vào chúng tôi cứ tưởng mình trở thành hoàng tử, ra đường ngực cứ ưỡng về phía trước, còn mặt thì vênh váo như muốn nói rằng ta đây mới đáng mặt anh hào.

 

Năm đó lúa thất mùa, nhưng cá thì trúng lắm. Nước rong lên rất cao thế cho nên lũ tôm, cua, cá kèo từ trong các bàu, trảng và ruộng thào lềnh trong đằng sau cứ lũ lượt đổ ra các nhánh rạch. Ba tôi đặt đáy ở con rạch Thào Lạng, "đổ đục" trong một con nước ròng là một xuồng tam bản cá kèo. Cá bán không kịp phải đổ vào mái đầm rọng. Đến khi hết mái đầm phải đào hầm trữ. Còn tôm cua thì vô số kể.

 

Tôi giăng lưới ở ven sông Bạc Liêu, sáng sớm bơi xuồng đi gở lưới là 5-7 con cá chẻm mỗi con cân nặng 2-3 kg…Vì thế mà năm đó gia đình nào cũng chuẩn bị tết khá tươm tất. Nói tươm tất là nói theo thời đó. Tức là nhà nào cũng có một cặp dưa hấu chưng trên bàn thờ, gói mấy đòn bánh, một soong thịt kho hột vịt  và sắm sanh cho mấy đứa nhỏ một bộ đồ mới.

 

27-28 tháng Chạp là đã nôn tết đến nao lòng. Lũ trẻ chúng tôi không đứa nào ngủ thẳng giấc. Cứ mong trời mau sáng, ngày qua mau để đón giao thừa. Còn cả làng thì chộn rộn. Chị Hai tôi lúc đó chừng 20 tuổi, da trắng như bông bưởi, là người đẹp nhất nhì trong làng và hiền lành như tàu dừa nước soi bóng ven sông, bẻ dừa khô nạo ra thắn dầu dừa, làm mức dừa, rồi giặt giủ quần áo mùng mền…chị Hai làm cho đến gần giao thừa mới xong việc chuẩn bị nhà cửa đón tết. Chiều ba mươi tết chị Hai tôi kêu mấy đứa em đến lần lượt tắm rửa và xức dầu dừa lên đầu rồi chải tóc cho từng đứa.

 

Còn anh Ba tôi lúc đó khoảng 18 tuổi cũng hiền như cục đất, ai nói gì cũng cười hì hì. Anh là trụ cột của gia đình, đến giao thừa còn phải đi ung muỗi cho đàn trâu. Tết, thấy chúng tôi đứng nhìn đám con ông Chệt Mập đốt pháo chuột nổ đì đoàng một cách thèm thuồng, anh bơi xuồng qua sông mua diêm quẹt rồi về cặm cuội làm cho mấy đứa em mỗi đứa một cây súng bắn diêm. Súng bắn diêm của anh Ba tôi nổ không thua pháo con ông Chệt Mập chút nào. Mấy hôm nay như có điều gì khác lạ, tối anh vào mùng ngủ với chúng tôi rồi ôm hôn từng đứa. Điều mà tôi không ngờ được đó chính là những cái hôn giã từ. Sau giao thừa năm đó anh và chị Hai tôi khăn gói đi về phía ngã ba Vàm Lẽo - nơi có tiếng súng ì đùng xa xa. Và đó là lần đi cuối cùng. Chị em, anh em không bao giờ gặp mặt nữa. Sau giải phóng tôi đi học trường Công Nông, vì đủ tiêu chuẩn có 2 anh, chị là liệt sĩ, rồi trở thành mỗi người có một ít tiếng tăm với đời. Mỗi lần tết đến trong không khí thanh bình, trong cuộc sống khá giả, tôi hay ngồi mà nhớ lại  anh Ba, chị Hai và lớp thanh niên thời đó của làng tôi - đó là những người chưa biết mùi tình tự, chưa thấy được một cái tết hoà bình và thế là nước mắt tôi rơi.

 

Má tôi thì một đời áo vải, chân đất sương gió cả đời vì miếng cơm manh áo nên lưng còng rất sớm. 28 tháng Chạp là lụm cụm đi rọc lá chuối phơi khô, rồi lựa đậu lựa nếp…đến sáng 30 thì bắt đầu gói bánh tét. Gói cho đến xế thì xong và bắt nồi lên nấu bánh đúng giao thừa thì bánh chín, vớt ra cúng ông bà mừng năm mới. Làng tôi 30 tháng Chạp nhà nào cũng gói bánh tét. Nhà nào gói xong thì sang nhà khác gói phụ. Má tôi gói bánh rất đẹp và ngon, bánh của má tôi đem cúng cả họ nhà chồng đều khen. Hồi còn sống, năm đó em gái tôi đòi ra chợ mua bánh tét về cúng ông bà cho má tôi đỡ vất vả thì má tôi rầy rồi bảo: "Cái hiếu hạnh nằm cả trong đòn bánh tét con ơi". Lớn lên tôi mới hiểu rằng, lòng thành kính không thể đổi được bằng tiền !

 

Đêm 30 tết năm đó là một đêm hoà bình hiếm hoi của làng tôi trong cuộc chiến tranh dài đằng đẳng. Nó không có tiếng bom rền pháo dội, không có tiếng chó tru hải hùng trong đêm sâu mà thay vào đó là tiếng quết bánh phồng lan dài trên xóm nhỏ. Bên kia sông, nhà anh Tư Cừ một sòng đờn ca đang luyện tập để ba ngày tết giúp vui cho các gia đình. Câu Vọng cổ, điệu Nam Ai sâu lắng trữ tình đưa cái xóm nhỏ của tôi vào cõi huyền hoặc của hoà bình, và dọc theo xóm nhà ai cũng nổi lửa nấu bánh. Ngọn lửa điểm hoa rực rỡ cho cái xóm nhỏ heo hút. Nhớ mấy mùa xuân trước và cả những mùa xuân sau của những năm chiến tranh đêm của tết làng tôi còn không dám thắp đèn chứ đừng nói đốt lửa ngoài trời, vì hễ thấy ánh sáng là lũ máy bay cá nhái bèn đến "soi" chúng bắn từng tràng dài như bò róng.

 

Lũ trẻ chúng tôi được một đêm nô đùa thoả thích. Mệt thì chúng tôi trãi đệm nằm cạnh nồi bánh chờ bánh chín để được mẹ cho ăn. Con nhà nghèo vốn đói bánh trái, cái mùi bánh tét gần chín toả ra thơm nức cả mũi và nước dảy túa ra. Chúng tôi nằm trong đê mê hương bánh mà nghe má tôi nói chuyện. Má bảo: "Ráng ít năm nữa hoà bình má chèo xuồng chở các con ra chợ Bạc Liêu ăn tết một năm cho thoả thích". Niềm mơ ước đơn sơ như thế mà mắt mẹ, mắt con lóng lánh niềm vui.

 

Đến giao thừa ba tôi đánh thức toàn gia quyến. Cái lệ của gia đình tôi là thế, có lẽ nó có từ mấy đời trước, hễ đến giao thừa là tắm rửa sạch sẽ, khăn áo chỉnh tề, ngồi trước bàn thờ có lớp lang trật tự để lạy trả nghĩa gia tiên. Ba tôi giải thích: "Bước sang giao thừa là bước sang năm mới, đó là thời khắc linh khí của trời đất, đại biểu cho một năm…" sau này lớn lên tôi làm đúng như lời ba tôi dạy vì tôi nghĩ ông nói đúng.

 

Sáng mồng một tết là cả làng tôi đổ ra đường thắp nhang "mừng tuổi ông bà". Ai có chồng xa thì trở về nhà thắp nhang, ai có bà con thì đến thắp nhang ông bà, còn láng giềng thì tôi sang nhà anh, anh sang nhà tôi luân phiên nhau mà chúc tết cho kỳ hết đầu trên xóm dưới mới thôi. Thanh niên trai tráng một nhóm, ông già bà cả một nhóm và lũ trẻ chúng tôi cũng hình thành một nhóm để đi thắp nhang. Đi đến nhà nào thì gia chủ dọn cơm rượu để sẵn, thắp nhang xong thì nhập tiệc uống một vài ly, uống ít thôi để chừa đủ sức mà đi hết xóm. Đây là một tập tục đẹp, nó hình thành rất lâu đời ở quê tôi. Trong những năm chiến tranh ác liệt, tang tóc phủ trùm mà cái tập tục ấy vẫn sừng sững như núi sông không bao giờ chết.

 

Năm nay giao thừa tôi cũng lại khấu đầu trước bàn thờ gia tiên nghi ngút khói hương. Ba má và chị Hai, anh Ba tôi giờ đã hoá thành cái cò cánh vạc. Tôi lạy ba má tôi để trả nghĩa vì khi tôi trở nên khá giả đã không còn cơ hội để báo hiếu hai người. Tôi lạy chị Hai tôi bởi nhớ cái lần xức dầu dừa, chải đầu cho tôi chiều ba mươi tết cách đây hơn ba mươi năm; tôi lạy anh Ba tôi bởi cây súng bắn diêm anh làm cho mùng một tết năm đó và tôi lạy cả hai người bởi công ơn góp phần đem độc lập tự do cho đời tôi cho con cháu tôi.

 

Ngoài đường phố phường Bạc Liêu rực rỡ đèn hoa, "ngựa xe như nước, áo quần như niêm" vậy mà nước mắt tôi rớt. Tôi khóc vì nhìn áo váy rực rỡ của vợ con tôi, tôi nhớ tới cái áo vải sờn vai của má tôi và bộ đồ vải sọc của tôi ngày bé. Tôi cố nhớ tất cả để tự răn mình, để điều chỉnh mình trong kiếp làm người.

Phan Trung Nghĩa
Số lần đọc: 3006
Ngày đăng: 13.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hồ sơ một vết thương - Võ Ðắc Danh
Cha con ông Huế bụng - Võ Ðắc Danh
Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Võ Ðắc Danh
Đi lãnh nhuận bút với nhà văn Sơn Nam - Võ Ðắc Danh
Lên Sài Gòn nhớ bác Tư Sâm - Võ Ðắc Danh
Ngậm ngùi phiên chợ trăm năm - Võ Ðắc Danh
Văn chương của chú mục đồng - Võ Ðắc Danh
Dưới chân đài tưởng niệm - Võ Ðắc Danh
Đau thương trên đất Cà Mau - Võ Ðắc Danh
Giữa hai dòng mặn ngọt - Võ Ðắc Danh