Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
685
116.694.186
 
Dây tầm gửi
Phạm Thanh Phúc

Trong phòng tối như mực. Người đàn ông ngồi bất động, nhìn đăm đắm ra phía mặt biển. Mặt biển đẫm ánh trăng. Trăng lung linh dát vàng mặt biển tạo thành những gợn sóng lăn tăn xô đẩy nhau rồi thong thả chạy lên bờ cát. Biển êm dịu như chưa bao giờ nổi sóng. Người đàn ông nhủ thầm rồi đưa tay với lấy bức tượng bằng gỗ trên bàn. Bức tượng được giữ lâu ngày lên nước đen láng thật đẹp, trong đó khuôn mặt một người đàn bà được chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Người đàn ông mở to mắt nhìn trừng trừng vào bức tượng đó. Một thoáng hoài nhớ phút chốc quay về. Người đàn ông mĩm cười một mình. Bức tượng là tác phẩm của ông từ thời còn trẻ. Ông cưạ quậy đôi chân trên ghế, mệt mỏi. Chắc là  sự mệt mỏi của tuổi già đang đến. Có tiếng dép lê chầm chậm trên sàn nhà, rồi dừng lại trước cửa phòng ông. Đèn trong phòng bật sáng. Có tiếng gọi vọng vào:

 

Ông vẫn chưa ngủ à?

Ông lúng búng mấy tiếng trong miệng trả lời cho qua. Tiếng chân bước đi xa dần. Người vừa hỏi là vợ ông. Người vợ- những đứa con nối tiếp ra đời là kết quả của một cuộc hôn nhân đầy tính toán. Và 20 năm qua, bà luôn ở bên cạnh ông, bên những vinh quang mà ông đạt được trong đời . Bà là chỗ dưạ vững chắc cho những bước thành công của ông. Nhưng có một  điều lạ lùng là ông không thể nhớ rõ những đường nét trên gương mặt bà. Hai mươi năm qua, không biết bao nhiêu lần ân ái, không biết bao nhiêu lần ông tì người trên gương mặt ấy, nhưng những lúc đó, tâm trí ông đang để tận đâu đó. Ông thõa mãn những đòi hỏi của cơ thể như vừa thực hiện xong một nhiệm vụ mà tự mình đặt ra. Trong đó không hề có tình yêu – mà nhờ ấy – con đường công danh của ông thẳng tắp, phẳng lỳ như được trải nhựa. Ông cứ bay lên, bay lên mãi cho đến ngày hôm nay. Vậy mà giờ đây, với học vị tiến sĩ, viện trưởng một viện nghiên cứu lớn cũng không làm ông hài lòng. Đôi lúc, ông tự hỏi không biết mình đã thõa mãn  được với những cái mình có chưa. Nhưng không lần nào ông tự trả lời được. Đến bây giờ khi tuổi đã xế bóng, ông vẫn thường băn khoăn về những thành công mà mình đã đạt được.

 

Ông đứng dậy định bước ra cửa., nhưng cơn đau ở đâu kéo về, buộc ông phải ngã xuống chiếc ghế dài. Cơn đau khủng khiếp hình như ở đâu đó từ trong ý thức rồi lan dài xuống trái tim bệnh hoạn của ông. Ông ngồi thở dốc. Một cơn gió từ biển thổi vào mát lạnh. Trăng bên ngoài sắp lặn. Mặt biển đột nhiên xanh lại một màu huyền bí. Người thiếu phụ mà ông gặp lúc chiều chợt thoáng hiện trong tiềm thức để ông nhớ lại một thời nào đó rất xa – ở tận khoảng sâu những hồi ức còn sót lại. Thoáng hoài nhớ ngày càng rõ dần. Cũng mặt biển, cũng bãi cát dài như ở đây. Trên đó có đôi trai gái đang ngồi bên nhau. Cô con gái e thẹn ngồi vuốt ve mấy sợi tóc, anh con trai lúng túng xoa mãi đôi bàn tay vào nhau… Làm sao có thể quên được khoảng thời gian đó. Ông thở một hơi nặng nhọc rồi với tay nắm lấy công tắc điện. Trong phòng lại tối như mực.

 

*

Hoàng dừng chân lại, đứng ngắm biển. Ở quê Hoàng không có biển. Anh biết được biển chỉ qua những lời kể của mẹ. Quê ngoại Hoàng ở một vùng biển, nhưng anh chưa lần nào về thăm quê ngoại. Hoàng lớn lên đã thấy chiến tranh. Và mẹ Hoàng không cho anh về thăm quê ngoại chỉ  vì ở đó hay có những biến động. Những lời mẹ kể về biển càng gây cho Hoàng sự tò mò; háo hức. Nỗi háo hức đó trở thành như một ước mơ, một khát vọng. Nhưng chiến tranh đã đi qua và lôi thốc Hoàng vào cuộc. Hoàng rời ghế nhà trường đi bộ đội, bẵng từ đó không một lần về thăm nhà; thăm quê ngoại, biết đến mặt biển mà từ lâu anh ao ước được nhìn thấy.

 

Toàn trung đoàn được lệnh dừng chân ở thị trấn này. Thị trấn hiền lành nằm nép mình dưới rặng phi lao. Ở đó không hề có dấu vết của chiến tranh. Thị trấn lặng lẽ như một ngôi nhà cổ. Nó không có được mấy ngôi nhà cao  tầng, không có tiếng xe gắn máy, không có những tiếng động ồn ào. Ngoại trừ một số ngôi nhà ngói nhỏ, còn lại, gương mặt thị trấn được thể hiện bằng những căn nhà lá một mái. Và điều tất nhiên là không thể thiếu những con tàu đánh cá. Hoàng sung sướng được ngắm biển thỏa thê. Đây rồi mặt biển từ lâu anh ao ước. Biển long lanh dưới ánh nắng chói chang. Từng ánh chớp li ti được rải đều trên mặt sóng lấp lánh như có muôn vàn mảnh vụn thủy tinh bị vở. Một con sóng ùa qua, những mảnh vụn thủy tinh ấy bỗng biến mất, để lại màu xanh thẩm bí mật của biển. Hoàng thừ người ra ngắm biển. Gió biển thỉnh thoảng đưa lại mùi cá khô hăng hắc quanh anh. Tiếng cười rúc rích sau lưng anh. Hoàng không quay người lại, nhưng anh biết đó là tiếng cười con gái. “Tao đố chúng mày dám bước tới hỏi chuyện anh bộ đội ngồi phía trước”.- Một cô gái nói chuyện nhí nhảnh. Hoàng nghe tiếng mấy cô gái đấm lưng nhau thùm thụp rồi họ lại cười. Hoàng ngồi im như pho tượng. Anh không quay người lại – nói đúng hơn là không dám quay lại. Từ hồi còn đi học, Hoàng vốn mang tiếng là nhát gái. Học xong, đi bộ đội, anh vẫn chưa quen được cô gái nào. Trong đơn vị, anh em thường ngồi lại kể chuyện yêu đương. Đó là một đề tài đựơc Hoàng đặc biệt chú ý. Nhưng những lần như vậy, Hoàng thường ngồi lảng ra xa, vì ngồi đó thì tất phải kể chuyện của mình, mà anh thì chẳng có gì để kể. Tuy lảng ra xa, nhưng anh vẫn lắng tai chăm chú nghe họ kể chuyện. Mỗi lần thích thú, Hoàng thường giả vờ nhìn xuống đất cười một mình. Dần dà, anh em trong đơn vị cũng biết chuyện, có hôm họ trêu chọc Hoàng đến nỗi anh phát cáu lên, suýt đánh nhau. Những lần ấy, Hoàng tự xỉ vả tính nhát gái của mình… nhưng cứ y như rằng sắp nói chuyện, trao đổi với mấy cô gái là Hoàng lại thấy hồi hộp.

Anh bộ đội cho em hỏi thăm… Quân ta về đây có lâu không ạ?

 

Hoàng quay người lại:

- Cô hỏi để làm gì? Đó là bí mật tác chiến, tôi không được tiết lộ.

Tự nhiên, giọng Hoàng trở nên sừng sộ. Anh cũng thấy ngượng, nhưng không thể nào nói nhẹ nhàng hơn, vì có nói bằng giọng đó, anh mới có thể chế ngự được tính nhút nhát của mình. Nhưng cô gái tưởng anh sắp quát nên lúng túng thanh minh:

- Dạ không, chỉ để biết thôi, tại… em  có người anh cũng ở đơn vị này.

Cô gái và mấy người bạn kéo tay nhau bỏ đi. Mặt họ cau lại. Chắc họ hiểu sai về mình. Hoàng nghĩ. Rồi anh cảm thấy giận mình vô cùng, nếu anh đừng giả vờ bực mình thì biết đâu… phải, biết đâu chừng(!) Hoàng đi chầm chậm về khu vưc đóng quân,  lòng hối tiếc.

 

Đơn vị đóng quân ở thị trấn trong suốt mùa khô. Mùa khô, mặt biển như đanh hơn. Cát trên bãi rời ra., nóng lên như có ai đó nghiền nát chúng và hâm nóng lại. Khi có gió thổi về, chúng bay thốc lên trời thành những đám lớn để rồi đáp xuống mấy thân phi lao con con hoặc rơi xuống mặt đất tạo thành nhiều đồi cát nho nhỏ. Đám phi lao mới trồng trên bãi không đủ sức ngăn chặn những cơn gió cát như thế. Gió làm cho những cơn lốc cát rít lên, xoáy tròn như muốn nhổ bật gốc đám phi lao đã ngăn chặn bước chân của chúng. Đám phi lao ngã nghiêng oằn oại theo từng cơn gió. Những đêm như thế, bãi biển trở nên hoang vắng. Buổi tối, khi bàn giao ca gác xong, Hoàng lững thững đi ra bãi. Ở đấy có nhiều ánh sáng hơn đất liền, không hiểu đó là do mặt nước hắt ánh sáng lên hay do phía ngoài rộng rãi không có cây cối, nhà cửa che khuất.

 

Hoàng mãi mê tính toán việc mua lương thực, phân bố xuống từng tiểu đội cho hợp lí, đột nhiên nghe tiếng lội nước lõm bõm ở phía bên trái mình. Tiếng chân lội nước thật nhỏ, nhưng cũng đủ để anh phân biệt với tiếng sóng biển đập nhè nhẹ vào bờ. Một cô gái đang kéo tay lưới. Có lẽ cô đi thật chậm vì nặng chứ không phải vì sợ kinh động buổi tối. Tự nhiên, Hoàng thấy tội nghiệp cho cô gái. Hoàng xắn ống quần lên cao, bước lại gần.

- Cô để tôi giúp một tay nào.

Ý muốn giúp người khiến cho tính nhút nhát biến đâu mất, Hoàng thấy mình bạo dạn hẳn lên.

- Ra là anh…

Hoàng ngớ người ra, không biết mình quen cô từ lúc nào. Anh lúng túng:

- Tôi…

- Anh là anh bộ đội hôm trước ngồi trên bãi biển buổi trưa.

Hoàng chợt nhớ ra. Đúng là cô gái hôm nọ. Mình phải chuộc lại sự thiếu lịch sự hôm trước mới được. Hoàng nghĩ.

- Xin lỗi… hôm trước tôi hơi cáu là vì tôi vừa bị… sếp mắng

- Thì tụi em cũng nghĩ vậy – mặt cô gái giãn ra rồi cười nhẹ.

 

Hoàng không nói gì nữa, đưa tay kéo lưới cùng cô gái. Tay lưới nặng trĩu. Anh bắt tay vào việc để tránh nói chuyện, bởi anh không biết nói gì nữa. Anh vừa làm, vừa dự định sắp xếp những đối thoại trong đầu để nói chuyện cùng cô gái. Nhưng cứ mỗi lần sắp mở miệng là anh lại thấy ngài ngại nên thôi. Họ kéo tay lưới đi vòng ra xa. Cô gái có vẻ mệt. Hoàng ái ngại nhìn cô định gọi ngừng lại, nhưng cô vẫn tiếp tục đi. Hoàng đành phải đi theo. Họ cứ tiếp tục đi như thế cho đến khuya. Khi Hoàng về đến doanh trại thì cũng tới giờ tập trung. Buổi tối đó, tuy người mỏi nhừ nhưng sáng ra, anh lại cảm thấy trong người sảng khoái hơn mọi hôm.

Tối hôm sau, Hoàng cũng vờ như vô tình đi ra bãi. Hoàng lại tới giúp cô gái và Châm -tên cô gái ấy- vui vẻ đồng ý. Châm tỉ mỉ hỏi chuyện về gia đình anh  (anh được dịp trả lời mà không cần phải sắp xếp sẵn ý). Rồi cũng với những câu hỏi đó, Hoàng hỏi lại cô gái. Châm sống trong một gia đình nghèo, mẹ mất sớm, bố cô lại nát rượu. Xưa kia, ông cũng là tay lưới nổi tiếng trong vùng, nhưng kể từ khi vợ mất, ông đâm ra buồn bã, uống rượu ngày đêm rồi sinh ra sa đọa lúc nào không hay. Châm không can ngăn gì được bố. Cô trở thành lao động chính trong nhà, nên mọi chi phí lớn nhỏ trong nhà đều trông mong cả vào một mình cô. Phải vất vả lắm, Châm mới nuôi nổi 4 đứa em. Ngày nào cũng như ngày nào, cô phải đi làm thuê trong thị trấn. Tối đến, cô còn phải kéo tay lưới kiếm chút đồ ăn thêm  hoặc để mang ra phố bán, đổi được tiền đi chợ. Nghe Châm nói chuyện, bất giác Hoàng nhìn xuống người cô. Châm trở nên bé loắt choắt trong bộ đồ rộng như mượn của ai đó. Bộ đồ cũ kỹ, lem luốc nhưng không che lấp được khuôn mặt xinh xắn và đôi mắt long lanh. Buổi tối hôm đó, Hoàng đột nhiên nói chuyện thật nhiều. Anh kể cho Châm nghe về những băn khoăn của  mình trong công tác, về cuộc sống, về lý tưởng. Châm nghe như uống từng lời của Hoàng. Từ hôm đó họ thân nhau hơn. Rồi ngày nào Hoàng cũng xin phép ra bãi. Ban đầu, anh em còn ngạc nhiên, dần dà họ biết chuyện, kháo nhau: “thằng coi lù khù vậy mà ghê nhá!” Ai cũng vun đắp cho mối tình này. Chuyện Châm và Hoàng được  coi như là chuyện chung trong đơn vị. Mùa khô qua đi thật nhanh, đơn vị được lệnh tiếp tục vào Nam chiến đấu. Lệnh được phát ra lúc nửa đêm, thật bất ngờ khiến Hoàng chỉ kịp hộc tốc chạy đến nhà Châm nói vài lời từ giã, rồi chạy vội theo đơn vị. Cuộc chia tay thật ngắn ngủi. Hoàng ghi nhớ buổi tối hôm ấy cho đến suốt chặng đường Nam tiến. Những năm tháng sau đó, ngày nào Hoàng cũng nghĩ tới Châm. Anh ghi thật hiều trong nhật ký của mình nỗi nhớ về vùng biển đó. Cái chuôi dao bằng gỗ quý mà Châm tặng anh trước khi chia tay, đựơc Hoàng cẩn thận cất dưới đáy ba lô. Những buổi tối dừng chân nghỉ trong các trạm giao liên trên đường, Hoàng đã tỉ mỉ chạm lên đó gương mặt Châm – Gương mặt mà anh nhớ như in trong tâm khảm mình. Mảnh gỗ - bức tượng ấy đã được hoàng cất kỹ  trong ba lô suốt  những chặng đường hành quân dài. Như được vị thần may mắn phù trợ, Hoàng đi qua cuộc chiến tranh mà không hề mất mát, tổn thất gì, ngoại trừ một vài vết thương nhẹ. Trong cuộc chạm súng tình cờ, anh cứu được một người mà mãi đến sau này, anh mới biết được  người đó là ai. Hoàng cho biết tên của mình khi được hỏi, rồi quên  bẳng đi việc mình đã cứu thoát được hai người  ra khỏi ổ phục kích của biệt kích Mỹ – Ở chặng đường Trường Sơn, điều đó thường xảy ra, chi viện cho nhau một ít là chuyện không mấy ai quan tâm. Một hôm, Hoàng được gọi lên Trung đoàn bộ, cũng bất ngờ như lần di chuyển quân ra khỏi thị trấn  dạo nào. Anh rất ngạc nhiên, phỏng đoán không hiểu mình mắc khuyết điểm gì.

- Anh có thích được đi học trở lại không? – Đồng chí trung đoàn trưởng hỏi.

Hoàng ngạc nhiên:

- Dạ… nhưng bây giờ đang lúc gay go nhất, tôi không thể…

Mọi người nhìn anh nghi ngờ. Đồng chí trung đoàn trưởng lại nói tiếp:

- Đây là lệnh trên đưa anh về tuyến sau để chuẩn bị đi học nước ngoài. Thôi, không dài dòng nữa. Anh về thu xếp hành lý.

Rồi trong một thoáng ngần ngừ, ông hỏi:

- Anh có người bác trên Sư đoàn bộ phải không?

 

Hoàng lắc đầu, anh ngạc nhiên tột độ. Khi quay ra khỏi  lán trung đoàn bộ, anh còn nghe giọng ai đó dè bĩu:

Đã biết trước, lại còn vờ(!)

 

Hoàng dừng lại, anh muốn thanh minh rằng mình không biết gì hết, nhưng rồi ngẫm nghĩ, anh quay về sắp xếp ba lô từ biệt đồng đội. Cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, nhưng nó sắp kết thúc. Tụi thằng Tân, thằng Bảo đi cùng lượt mình, đều đã hi sinh cả. Anh nghĩ thầm – Rồi sẽ tới lượt mình, mình không hề sợ chết… nhưng chiến tranh sắp kết thúc. Đây chính là  cơ hội để mình được đi học trở lại. Biết đâu, một viên đạn vô tình nào đó sẽ loại mình ra khỏi ước mơ?

 

Hoàng đi qua cuộc chiến tranh mà chưa hề đối diện với cái chết lần nào, số phận đã ưu đãi anh và có lẽ bây giờ vận may lại đến. Buổi tối, anh em trong tiểu đội làm một tiệc liên hoan nhỏ để tiễn Hoàng. Nói là tiệc, nhưng thực ra chỉ có nồi sắn luộc. Nồi sắn bốc khói được mang ra giữa, anh em ngồi quây quần lại. Người nào cũng chân tình chúc Hoàng may mắn và thành công. Họ không thể ngờ vực việc Hoàng được đưa về tuyến sau để đi học, bởi trong số họ, Hoàng là người có trình độ học vấn trội nhất. Đêm nay, anh mới thấy được tình cảm của từng người dành cho anh – người nào cũng quý mến anh. Hoàng lưỡng lự không muốn ra đi nữa. Suốt đêm đó, Hoàng không ngủ được. Đến gần sáng, mệt quá, Hoàng thiếp đi. Anh mơ thấy mình đang ngồi trên bàn tiệc sang trọng cùng với những tiện nghi vật chất khác và anh bước tới diễn đàn giữa tiếng vỗ tay chào đón thật to. Trời mờ sáng, Hoàng thức giấc. Anh em vẫn còn đang ngủ say. Hoàng lặng lẽ gói ghém hành lý ra đi. Người bạn ngồi gác không ngăn Hoàng lại, nhưng anh ta nhìn Hoàng – trong mắt anh ta ánh lên sự ngạc nhiên, bởi lúc ban tối, anh có nghe loáng thoáng rằng Hoàng bảo là sẽ không đi. Hoàng lẻn đi thật nhanh như một tên đào ngũ, chân vấp mấy mô đá dọc đường, nhưng anh không cảm thấy đau, anh phải rời đơn vị trước lúc trời sáng rõ. Đến Sư đoàn bộ, Hoàng mới biết được người cho gọi anh lên Sư đoàn bộ để đưa đi học là đồng chí Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn, Hoàng đã cứu thoát ông trong trận đánh với biệt kích Mỹ dạo ấy. Đến bây giơ, anh mới nhớ ra. Ông ân cần hỏi thăm sức khỏe của Hoàng, báo cho anh biết là chính ông sắp xếp cho anh đi học Liên Xô - ông cười ý nhị. Giữa cuộc chiến tranh đang hồi ác liệt thì đây  quả là một hành động trả ơn hết sức thiết thực. Bây giờ thì chưa chắc ai chịu ơn ai. Ông gọi Hoàng làm cháu ruột, xưng bằng bác. Khi Hoàng lắp bắp mở miệng, định cám ơn thì ông xua tay chận lại ngay: “Ấy chết! Anh đừng làm thế, tôi hiểu anh cũng muốn ở lại chiến đấu, nhưng đây là nhiệm vụ của Đảng giao, theo tôi biết thì học tập cũng là một chiến trường không dễ dàng gì…” Ông bỏ lững câu nói. Hoàng khựng lại, thoáng đỏ mặt. Ông ấy đã hiểu nhầm. Hoàng nghĩ. Thấy vẻ mặt đỏ lừ của anh, vị đại tá cho rằng Hoàng đang xúc động – những xúc động của một kẻ biết ơn(!) Vì vậy, ông sợ Hoàng từ chối, bèn dùng hết lời động viên anh. Tự dưng, Hoàng thấy mọi vật xung quanh mình dường như tươi hẳn lên và giấc chiêm bao mà anh thấy tối hôm qua chắc không còn xa nữa.

*

… Người đàn ông khẽ cựa mình. Chiếc ghế dài kêu lên ken két. Ông nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài hoàn toàn yên lặng, chỉ còn nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ. Có thật mình dễ dàng rứt bỏ lại sau lưng đồng đội, người yêu để lao vào  một ham muốn tột đỉnh như thế không? – Ông lại miên man suy nghĩ, không biết gọi nó là gì, ham muốn hay ước mơ? Ông vẫn còn nhớ nồi sắn bốc khói và không khí ấm áp đêm hôm ấy. Tối đó, mình đã muốn ở lại, nhưng không hiểu sao, sáng ra, mình lại lảng đi. Phải chăng giấc mơ quái ác đã thôi thúc mình? Hồi đó, mình còn dùng dằng chưa quyết định, chưa bước hẳn qua ranh giới giữa trung thực và giả dối. Lúc hiểu ra ngụ ý của ông ấy, mình xấu hổ muốn chết được. Nhưng lúc đó, mình còn biết xấu hổ. Về sau  này…về sau này thì cảm giác đó không còn nữa.

 

*

Khi Hoàng vừa bước xuống sân bay thì đã thấy bác Sáu, vị đại tá mà sáu năm trước đây từng cho gọi Hoàng về từ chiến trường – cùng vợ và cô con gái tươi cười đứng đón ở cầu thang xuống. Ông đưa Hoàng lên xe. Cô gái lí nhí chào mấy tiếng. Hoàng không khỏi ngạc nhiên. Đứng trước mặt anh là một thiếu nữ xinh như mộng. Hồi Hoàng mới về Hà Nội thì cô hãy còn là một con bé đỏng đảnh, cứ đeo theo anh đòi kể chuyện chiến đấu. Khi đó, Hoàng không hề chú ý đến cô gái, anh mãi mê học tập để chuẩn bị đi nước ngoài. Hoàng được học thêm ngoại ngữ ráo riết  trong vẻn vẹn một tháng. Ngoại ngữ là món “tủ” của Hoàng  hồi còn học phổ thông, nên chẳng mấy chốc, anh đã dễ dàng nói tiếng Nga một  cách lưu loát. Thế nhưng các môn chuyên ngành khác thì lại không dễ dàng chút nào. Hoàng suýt bị bỏ lại vì các môn ấy đều có điểm số thấp. Tuy nhiên, dạo đó vài dòng chữ viết tay của vị đại tá ở chiến trường gửi về đã giúp Hoàng vượt qua tất cả. Cái ơn cứu mạng của Hoàng đã nhẹ tênh bay đi đâu mất, còn những điều mà ông làm cho Hoàng thì bây giờ nặng đến mức không gì nhấc lên nổi. Hoàng được đón tiếp như người thân trong gia đình. Hương – tên cô gái – hơi mất tự nhiên, cô không còn được vẻ nhí nhảnh như lúc trước nữa. Hoàng tự nghĩ: “mình cũng phải nghiêm lại, dù gì cô ấy cũng đã trở thành một thiếu nữ, không thể bỡn cợt như xưa được”. Hương rất mến Hoàng, cô chăm sóc cho anh từng chút một, từ chiếc khăn trải giường, bộ quần áo là thẳng nếp cho đến miếng ăn sáng, đều do bàn tay của cô. Lâu ngày, mỗi lần Hương đi đâu vắng là phòng Hoàng lại trở nên bừa bãi. Từ lúc đó, Hoàng đã cảm thấy sờ sợ - một thứ tình cảm ngoài tình anh em thông thường. Ông bà đại tá - bác Sáu- thì quý mến Hoàng như con. Khi Hoàng về nước được hơn tháng thì ông bắt đầu tìm cho anh một việc làm thích hợp . Một bữa, ông hỏi:

Thế cháu đã định về đâu công tác chưa?

Hoàng rụt rè:

- Thưa… có lẽ cháu về trên bộ.

Ông hỏi gặng:

- Làm nhân viên dưới quyền người khác à?

- Thưa vâng!

Ông kêu lên:

Ấy! Sao dại thế. Cháu không nghe người ta bảo “thà ngồi che đầu chuột, còn hơn đứng vuốt đuôi voi à?”. Đi nước ngoài về lại đỗ xuất sắc như cháu phải làm trưởng đầu ngành nào đó chứ. Để bác bảo một tiếng…

 

Ông vẫn nói câu nói quen thuộc như ngày xưa. Tiếng nói của ông bây giờ, còn uy lực hơn hồi đó, vì bây giờ ông đã lên tướng. Hoàng cũng đã quen nghe: “…Để bác nói một tiếng…”, cứ mỗi lần câu ấy thốt lên thì Hoàng lại vượt qua được một khó khăn. Con đường anh đi trơn tru, không mô đồi, cũng không núi đá. Bây giờ thậm chí Hoàng không biết được sức lực mình tới đâu nữa, vì chưa lần nào anh tận dụng hết khả năng của mình. Ông bác đường bệ đứng đó sừng sửng như người khổng lồ nhẹ nhàng đặt anh lên lòng bàn tay và nhấc anh lên trên chiếc ghế quyền lực. Hoàng nghiễm nhiên làm trưởng một phòng nghiên cứu khoa học có tiếng tăm. Anh định ở hẳn trong nhà người bác, nhưng lại ngại. Đã đành họ đều biết anh một thân một  mình, gia đình chẳng còn ai, nhưng trong nhà còn có cô con gái. Có thể họ sẽ không nghĩ gì, nhưng người ngoài sẽ nói ra nói vào. Anh toan tính xin cấp một căn phòng nhỏ ở trung tâm thành phố. Ở thế cho tiện việc đi lại công tác, lại không phải điều ra tiếng vào. Khi Hoàng vừa nói ý định đó thì ông bác gạt đi.

Vẽ chuyện! Tôi còn đây, ai dám nói gì.

Ông trầm ngâm giây lát, rồi nghiêm mặt nói:

 

Tôi định nói với anh chuyện này từ lâu. Anh biết đấy, tôi chỉ có một mụn con. Bà nhà tôi thấy anh hiền lành, siêng năng, lại thật thà nên có ý gửi con Hương nhà tôi cho anh. Tôi xem ý nó cũng quý mến anh, không hiểu bụng anh thế nào…

Ông bỏ lửng, không nói tiếp. Hoàng ấp úng:

Thưa…

Ông đứng dậy xua tay:

- Anh đừng ngại! Tôi đã hiểu ý anh. Anh không phải lo chuyện tiền nong. Biết hoàn cảnh anh, tôi với bà nhà rất thông cảm. Quý nhau là ở chổ cái tình, cái nghĩa, chứ không phải tiền của. Miễn sao anh và con bé nhà tôi thuận hòa với nhau thì vợ chồng tôi cũng vui lây…

 

Rồi ông bưng tách nước đưa mắt nhìn xuống tờ báo – dấu hiệu là câu chuyện đã chấm dứt. Hoàng không nói được gì. Anh về phòng nằm ngả ra đó, vắt tay lên trán. Hình ảnh cô gái miền biển chợt xoay xoay trong đầu anh. Ban nãy, anh định nói về điều đó, nhưng ông bác lại hiểu lầm ý anh. Giờ thì anh không còn can đảm nhắc lại nữa. Hoàng mở ba lô lấy bức tượng Châm đặt lên lòng bàn tay ngắm nghía. Hoàng nhớ như in những ngày đã qua. Anh hối hận vì suốt cả thời gian thành đạt, anh không hề một lần đi tìm Châm hay tỏ ý tìm kiếm. Ngày đó, anh còn là chàng trai mới lớn, bây giờ đã 10 năm qua. Chiến tranh chấm dứt từ  lâu. Anh đã trở thành người đàn ông thực thụ. Anh gần đạt được tất cả những điều mình muốn. Đôi lúc nhớ về Châm, anh tự nhủ : “Có lẽ Châm đã đi lấy chồng rồi cũng nên”, và thế là tâm tư anh lại thoải mái, không còn bị đè nặng cảm giác của kẻ bội phản.

 

Buổi tối hôm đó, Hoàng lại trằn trọc suốt đêm. Anh định sáng hôm sau sẽ nói tất cả với ông Bác rằng anh không thể lấy Hương làm vợ được. Hoàng thiếp đi giữa lúc anh băn khoăn về số phận của Châm- số phận mà từ lâu anh không hề quan tâm tới. Và Hoàng lại nằm mơ thấy mình đang đọc diễn văn trong hội trường đông người. Anh còn nhớ rõ cái hội trường còn được lắp cửa kính, gắn máy điều hòa không khí thật hiện đại.(lúc tỉnh dậy, anh lấy làm ngạc nhiên không hiểu vì sao mình nhớ rõ đến thế). Lúc anh đang được tặng hoa thì bên ngoài cửa kính chợt hiện ra khuôn mặt Châm xanh xao nhìn anh như trách móc. Hoàng buông rơi bó hoa, lúc đó tiếng xe lam nổ máy ven đường đã cắt ngang giấc mơ của anh. Sáng hôm sau, mãi đến 8 giờ Hoàng mới ra khỏi màn. Anh đến cơ quan trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh như người say rượu. Mọi người đều ngạc nhiên, vì từ trước đến nay bao giờ Hoàng cũng gương mẫu và chưa bao giờ mọi người thấy anh quá chén. Ngay tối hôm đó, Hoàng đến bên ông bác, rụt rè xin đặt vấn đề chính thức về lễ cưới. Ông bác- vị tướng- gật đầu hài lòng. Hương bằng lòng dễ dàng. Thật ra, cô đã chú ý tới Hoàng từ lâu, chỉ có điều anh không quan tâm đến thái độ đó mà thôi. Tự ái của con gái một vị tướng đã ngăn cô lại, bây giờ mọi việc đã tuyệt vời như cô hằng nghĩ. Với Hoàng thì mọi dự định lại càng tốt đẹp hơn. Chỉ 6 tháng sau, Hoàng được đề bạt làm viện phó một viện nghiên cứu khoa học. Tiếng tăm của anh ngày càng lan rộng. Hai năm sau, vợ chồng anh sinh đứa con đầu tiên. Một đứa bé gái bụ bẫm. Thế là trong anh bay biến mất hình ảnh cô Châm ngày nào. Tất cả như lùi xa trong ký ức. Thế mà…

 

*

Hơn mười năm trôi qua, Hoàng đỉnh đạc trong chức vụ viện trưởng một viện nghiên cứu Khoa học. Buổi chiều hôm đó, sau phiên họp Hoàng bảo tài xế lái xe về trước, ông muốn đi bách bộ về nhà, cũng là một phương pháp tập thể dục sau những buổi làm việc căng thẳng. Ông đi chầm chậm qua dòng người đông đúc, rồi tiện thể ghé vào công viên ngồi nghỉ một chốc. Ông lại mãi mê suy nghĩ về nội dung buổi họp ban chiều. Một đứa bé đá quá bóng lăn vào gầm ghế dưới chân ông, ông cũng không hay. Đứa bé chạy đến bên ghế đá tìm quả bóng, nó chạm vào chân ông. Ông khẽ ngước nhìn lên. Thằng bé giống ông lạ lùng. Vừa lúc đó, người đàn bà, chắc là người thân của nó, bước tới gần. Thằng bé phụng phịu chỉ vào quả bóng dưới gầm ghế đá.

Bà…

 

Ý chừng nó đòi người đàn bà phải đuổi ông khách đi để lấy quả bóng cho nó. Người đàn bà cất tiếng nói- lúc đó ông mới giật thót người như gặp phải cơn gió lạnh. Giọng nói quen thuộc. Hơn 20 mươi năm qua mà ông chẳng thể nào nhầm lẫn được. Ông run run định cất giọng hỏi. Người đàn bà vẫn thản nhiên nhìn ông, nhưng ông biết bà đã nhận ra ông.

Thằng  bé là…

Bà tiếp lời ngay:

 - Là cháu nội tôi.

Ông ngỡ ngàng:

 - Tôi hỏi khí không phải. Chắc ông nhà vẫn khỏe?

Bà cúi nhìn thằng bé, khẽ  buông một tiếng:

- Vâng!

Ông đột ngột kêu lên:

- Bà nói dối!

Người đàn bà nhìn ông vẻ trách móc. Lòng ông tràn ngập hối hận, ông muốn bước tới chân bà,  quỳ dưới chân bà xin tha thứ tội lỗi của mình, nhưng chân ông cứ mềm nhũn ra. Ông mời bà ngồi xuống ghế. Kỷ niệm từ đâu đổ về ùa vào lòng ông như sóng bể ào ạt vỗ vào bờ cát. Giọng bà âm âm như từ đâu xa lắm: “Vâng, tôi đã nói dối. 8 tháng sau khi ông đi thì tôi sinh thằng bé. Nó tên Hải. Mọi  người đều xa lánh tôi. Tôi bị đuổi việc. Ban đầu bố tôi chửi mắng tôi thậm tệ. Nhưng con mình rứt ruột, bố tôi cũng không nỡ hành hạ. Bố tôi bỏ rượu đi là để nuôi mấy đứa em tôi lúc tôi sinh cháu. Lúc đó tôi mới biết bố tôi thương tôi như thế nào. Thằng bé lớn dần. Tôi tin rằng thế nào ông cũng trở lại tìm tôi. Thế là tôi chờ. Ông đi không có tin tức gì về cho đến ngày chiến tranh chấm dứt. Mọi người trong thị trấn ra đi chiến đấu đều đã trở về. Tôi dò hỏi từng người về tin tức của ông, nhưng không ai biết. Tôi cứ đinh ninh rằng ông đã hi  sinh. Cho đến một hôm, tôi chợt thấy ông trên ti-vi… Đột nhiên, tôi hiểu ra mọi chuyện. Và thế là từ đó tôi hết chờ đợi…”

Giọng bà nhỏ hẳn lại. Bà không kể về nỗi gian khó nuôi con một mình, chịu tiếng đời rẻ khinh, bà không kể về việc đã từ chối biết bao lời mời mọc, đi bước nữa – vì bà vẫn tin rằng ông sẽ trở lại. Bà không kể, nhưng ông thấm thía điều đó qua giọng nói, qua mái tóc đã bạc gần hết của bà. Thế là cả một tuổi thanh xuân, một thời con gái đầy hoa mộng của bà đã trôi qua. Ông muốn hỏi thật nhiều về đứa con mình, nhưng môi ông cứ mấp máy mà không nói được một lời…

 

*

Ông lại trở mình. Trong phòng yên ắng. Ở phòng bên, vợ ông chắc đã ngủ say. Ông lại cầm bức tượng lên ngắm nghía. Cơn đau lại quặn lên. Chắc ngày mai ông phải vào bệnh viện. Cũng thật lạ kỳ, trên người ông không hề có một dấu vết nào của chiến tranh, rượu chè, sái thuốc, ông đều kiêng, người khỏe như vâm. Vậy mà cơn đau quái ác ở đâu lại đột ngột xâm nhập vào người ông, chui rúc vào lục phủ ngũ tạng ông. Trời sắp sáng, từng cơn gió đập mạnh vào hông nhà, cánh cửa sổ kêu cành cạch như sắp gãy. Bên ngòai biển đã thức dậy. Đám sóng chạy rối rít rượt đuổi nhau rồi hối hả lăn lộn trên bờ cát. Biển vẫn trẻ trung như hồi nào mà mình thì ngày càng già đi. Ông thở dài. Từ lâu nay, ông cứ mải suy nghĩ về những thành công của mình mà lòng vẫn chưa thỏa mãn. Ông quên không nghĩ ra rằng những thành công đó do đâu mà có. Cơn đau lại quặn thắt, vòng vèo ở vùng ngục ông. Ông nhăn mặt lại. Trong tột đỉnh cơn đau, ông chợt nhận ra rằng từ trước đến giờ, mình tồn tại cũng như một thứ tầm gửi sống bám vào các thân cổ thụ…

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 2590
Ngày đăng: 08.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cỏ xanh - Quý Thể
Quỳnh Dao công chúa - Trương Đạm Thủy
Quán bên sông - Lê Mai
Chuyện làng - Nguyễn Đông Phương
Mùa cưới cho ai - Phạm Thanh Phúc
Ông ngoại tôi - Mang Viên Long
Khói và mảnh trăng khuyết - Nguyễn Lệ Uyên
Đôi khi người ta đùa cợt... - Trương thị Thái Hòa
Thời chiến - Trần Đại Nhật
Câu chuyện dở nơi mái hiên người - Nguyễn Mỹ Nữ