Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
735
116.711.361
 
Ván ù son
Trần Tuyết Lan

Phàm những ai đã trót dính nhựa nghệ thuật, đều thèm khen cả. Tất nhiên, phải là những lời chân tình, tâm huyết, và phải gãi đúng được vào chỗ ngứa đầy chất nghệ… Có khá nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị, khá nhiều nghệ sĩ tên tuổi được ghi nhận, đôi khi nhờ những lời, ngỡ bật thốt lên cốt chỉ để gây một sự sung sướng tức thì!

 

Ví như câu chuyện sau của hai nhà thơ hiện đang nổi tiếng. Ta tạm gọi một người - nhà thơ già, và người kia - nhà thơ trẻ. Hai người từng là lính. Nhà thơ già đi qua cuộc chiến kéo dài dằng dặc đã kịp khẳng định mình là một cây bút thần kỳ. Thơ ông thời đó được tất cả mọi người tìm đọc - để thuộc - rất thuộc, những bài thơ của một thời khói lửa. Những bài hát phổ thơ ông chẳng khác nào những hồi kèn xung trận, hào hùng mà tha thiết. Khi là dòng suối trong tưới mát tâm hồn đầy chất thơ của lớp trẻ, khi là thứ vũ khí sắc bén để họ mang theo vào mỗi trận đánh. Giữa nơi cái sống cái chết chỉ cách nhau gang tấc, thơ ông thực sự là một liều thuốc bổ, để bao người có thể đứng vững, có thể sống đẹp, ngay cả trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất của cuộc chiến.

 

Với một đời thơ, như thế là quá đủ!

Nhưng đời người, qua thời chiến đến thời bình, ông vẫn còn một quãng thời gian rất dài. Đủ buộc đời thơ phải kéo thêm ra. Thơ ông về sau vẫn đáng tự hào như trước - hay chỉ như phần đuôi của vệt sao băng đã phát hết phần sáng? Điều đó tự mỗi người cảm nhận.. Có điều, dần dà người ta nhắc đến nhiều hơn những bài báo, những tập sách giản dị mà sâu sắc của ông. Đặc biệt khâm phục tài thẩm thơ, để qua đó phát hiện ra những tài năng mới cho đất nước…

 

Còn nhà thơ trẻ, tuy đã có nhiều thơ đăng trên vài mặt báo, nhưng cũng dựa vào mối quan hệ bia rượu với mấy ông bạn làm báo là chính. Ông hiểu điều đó. Và hiểu rằng, tiếng tăm về cả thơ lẫn người như thế hãy còn chìm lắm. Tuổi thì đã nhiều. Nhưng ông không sốt ruột. Lỡ theo chân, lỡ phải lòng nàng thơ đỏng đảnh mất rồi, biết làm sao! Ông yêu thơ thì làm thơ… thây kệ người đọc cứ như phải bước lần, phải lội qua những vệt bùn dài lổn nhổn đầy sỏi đá… Những ý thơ còn đẫm nguyên vẻ u mê nhiệt thành được vọng về từ một miền quê nhiều mông muội… Thế nhưng những con chữ hoang sơ, những vần điệu đôi khi quá thiết tha như đang gào gọi ấy, không phải không gây được ấn tượng. Mà độc thơ rừng. Bài này gối bài kia, san sát. Bài trước ca ngợi cây sến, cây lim, thì bài sau thương cây chò chỉ bao lâu sừng sững giữa giời, chỉ trong một đêm đã lên xe đi, để biến thành những giường, những tủ tận nảo tận nao… Cứ thế! Không dữ dội. Chẳng nhẹ nhàng. Thơ ông như những câu kể nhát gừng, nhấm nhẳng của một người đã bắt đầu lẩm cẩm. Có sao đâu! Những bài thơ kiểu thế thời này đầy rẫy. Ông đưa tòa báo, người ta đăng ngay. Chẳng sửa chữa gì. Vì sửa, chắc gì đã hơn. Có gọt giũa, chỉ tổ làm ông mất vui và người ta thêm việc. Đề tài về rừng là quá lành mạnh và thiết thực. Nên khuyến khích. Thế là mỗi tháng đôi bài. Ông làm thơ đều như đếm…

 

*

Chuyện xẩy ra vào cái ngày nhà thơ trẻ vô tình nhận ra nhà thơ già đang ngồi nhâm nhi một mình trong quán rượu. Ông quyết định không để lỡ cơ hội tiếp cận người ông hằng ngưỡng mộ. Rất tự nhiên, ông gọi một chai Chivas và một đĩa thú rừng loại đặc biệt (món ông rất sành) rồi tự tay bưng đến xin ngồi cùng bàn với nhà thơ già. Sau màn giới thiệu tên tuổi, thêm mấy lời kính nể chân thành, đương còn chưa biết nói câu gì tiếp thì trên ti vi chiếu cảnh rừng cháy, ác nỗi, đúng là khu rừng ông đã gác trong suốt 20 năm sau khi xuất ngũ. Khu rừng ông từng thuộc lòng giờ cháy bốc, cháy rực lên rồi rụi dần, rụi dần từng đám. Đầu ông cũng như muốn bốc theo… Vẻ bức xúc của ông khiến nhà thơ già chú ý. Sau mấy phút im lặng, nhà thơ già thủng thẳng:

-          Dạo này anh vẫn thơ rừng đều chứ?

Hơi giật mình, nhà thơ trẻ bất giác cười thú vị. Không ngờ, ông được ông ấy biết đến. Thật mát mặt. Cái cách chỉ viết một vệt về một đề tài để người đời nhanh biết đến - thành công rồi!

-          Anh có đọc?

-          Có. Tôi đọc. ấn tượng lắm!

Lửa rừng như nguội đi…

Nhà thơ già khẽ nghiêng li rượu. Ông cũng vui. Đang lúc tẻ lại hiện ngay ra một chàng thơ giàu nhiệt huyết. Để xem cái lớp này hiện giờ đánh giá mình ra sao?!

 

Ông cố nhớ mấy câu thơ về rừng trong tập tài liêu nghiên cứu rừng nhiệt đới của cô bồ. Những câu thơ tả tỉ mỉ cuộc sống của rừng được cô trích dẫn minh họa khá nhiều. Tác giả là một người gác rừng thích làm thơ cô cũng kể. Hẳn anh ta khoái phải biết nếu được mình tung hứng mấy câu. Mình khen, phải hơn anh hàng xóm khen rồi. Nhưng mặt ông chợt nghệt ra. Ông nào nhớ. Bảo là thơ tình còn dễ, đằng này…

-          Anh nghĩ thế nào ạ?

-          Nghĩ gì cơ? à!… ông đặt vội li xuống.

-          Tôi cũng muốn được anh chỉ bảo đôi điều… về thơ của tôi ấy mà. Có gì chưa ổn?

-                      ổn. ổn chứ. Hay là đằng khác. Người ta cũng nhắc đến nhiều đấy (cô bồ của tôi thôi). Tôi đọc thấy xúc động. Phải sống cùng, phải hiểu, phải yêu rừng lắm mới viết như thế được chứ.

Mặt người đối diện giãn ra. Phải nói ông rất có tài làm vui lòng người khác, nhất là những người biết tỏ ra ngưỡng mộ mình.

-                            … Đọc thơ anh người ta thấy chứa trong đó là một tình yêu lớn. Tại sao không viết về người tình, mà lại về rừng. Anh đã đi qua khuôn khổ của những nhà thơ nghiệp dư, những người chỉ làm thơ khi có hứng. Mà hứng thì được là bao. Đa phần từ tình yêu trai gái. Chẳng có gì mới. Anh anh rồi lại em em. Thiếu tính tư tưởng. Rất nhàm chán. Anh khác. Thơ anh cũng có anh, có em, nhưng không thế. Nó có lý trí. Những vấn đề đặt ra cũng rất cao. Đúng ý nghĩa của thơ dân tộc thời hiện đại. Vượt qua cái Tôi bình thường, ích kỷ…

-                             

Nhà thơ lớn bắt đầu lơ mơ. Ông nhớ lại những lời ngày xưa sư phụ thơ đã nói khi ông nhận giải thưởng thơ lần đầu tiên.

Khẽ xoay vòng cái li, ông tiếp:

-                Anh cũng nên biết, không phải ai cũng xử lý câu chữ chỉn chu mà ấn tượng được như vậy. Còn nhân vật, những nhân vật của anh vừa là nhân vật của văn học, vừa rất xứng đáng là nhân vật của thời đại.

Nhân vật? Anh? Em? Thời đại? … Bài nào nhỉ? Hình như không. Hình như có. Ông chẳng nhớ. Nhưng nhớ làm gì. Ông đang muốn nghe, Đã lâu không được nghe một giọng nói lôi cuốn đến thế!

-                Đa số các nhà thơ trẻ bây giờ làm thơ nhạt. Cảm xúc bật lên không cải lương cũng đơn điệu trong cách thể hiện. Anh khác. Câu chữ của anh như muốn đốt người ta. Sao anh không làm thơ sớm nhỉ!

-                Tôi… Tôi đi lính 5 năm… Sau đó…

-                Thơ anh nhìn tổng quát cả bài, người ta thấy thật trọn vẹn, thật không thể sửa. Vì sao? Anh biết không.

-                …..

-                Vì anh đặt chuẩn đến từng dấu phẩy.

-                …..

-                Đừng nghĩ rằng chỉ con người mới cần đến âm dương. Một tác phẩm dù là văn hay thơ, kể cả báo đều cần đủ hai yếu tố đó. Nếu bài là (-) thì tên đặt cho bài phải là (+). Hay ngược lại. Chúng phải kết hợp, phải hỗ trợ để tôn nhau lên. Nâng tác phẩm đến tầm sang trọng và tinh tế… Tôi thậm ghét mấy cô ca sĩ cứ hát đến từ “tim” là ôm ngay vào ngực, hãy hễ đến “đàn chim bay bay” là tay tiếc khoắng nhặng lên. Đến hay! Chưa kể lỡ chẳng may chỉ phải lung tung thì thật tệ… Thơ cũng thế! Tả bông hoa đẹp lại đặt luôn tên bài là Hoa. Vô duyên. Không có tính gợi cho người đọc. Anh đâu thế. Anh đặt tên bài rất thông minh.

-                Anh cho tên bài nào của em được nhất ạ?

Nhà thơ già từ tốn.

-                Thì cậu thấy. Tên bài của cậu có phải gọi đến chữ rừng đâu… mà đọc lên rừng như hiển hiện đấy thôi.

-                Vâng. Đúng thế ạ. Đặt tên bài phô thế là coi thường người đọc. Cứ như sợ người ta không hiểu.

-                Bố cục bài cũng rất vững. Rất đúng với… Thôi được rồi. Nhất định tớ sẽ viết một bài giới thiệu cho vào mục Tác giả Tác phẩm của một tờ báo có uy tín. Phải lôi ra cái chất rừng bốc lên ngùn ngụt  trong thơ cậu… Tớ sẽ ký tên khác nhưng đọc lên mọi người biết ngay là tớ.

-                Vâng… Quí hóa quá!

Chai Chivas vơi nghiêng như muốn đổ.

-                Thôi. Tớ đủ rồi. Không phải cầu kỳ. Tên bài sẽ là “Một nhà thơ của rừng” hay “Rừng già trong thơ trẻ”. Đại loại thế. Cậu về chọn ngay cho tớ vài bài tâm đắc nhé!

 

Tối đó nhà thơ trẻ bất bình. Hẳn một dãy thơ rừng mà chọn đi chọn lại, chẳng được bài nào thực như ý. Chẳng bài nào giống hết cả những gì nhà thơ nổi tiếng kia cảm nhận. Ông ấy nhậy cảm quá! Mình không thể để ông ấy thất vọng. Nhưng chọn mãi chưa ra… hay làm bài khác… Cũng về rừng. Phải rồi. Tại sao không làm một bài về rừng đang cháy. Đang sẵn bức xúc… Mình sẽ buộc mọi người phải nhìn nhận thật rõ, phải cùng nhau ra tay ngăn chặn ngay mối hiểm họa khủng khiếp của thế kỷ này. Đó sẽ là tư tưởng chính của bài. Mà phải viết được đúng như những gì ông ấy nói. Khó cũng phải viết. Khó cũng phải cố. Nhất định sẽ làm được. Mà phải thật nhanh, để bù bao năm tháng lăn lộn với rừng chả có mấy thời gian cho thơ. Nhưng, ông chợt thừ người, thử hỏi, nếu chưa từng trải qua những năm tháng đó?…

 

3 tuần. 3 tuần liền ông ngồi nhà đóng cửa. Lúc nào ngột ngạt mỏi lưng thì lên sân thượng thư giãn vài động tác. Rồi xuống. Lại viết. Viết xong lại sửa. Ông chỉ ngủ lúc 4 giờ sáng và trở dậy vào 11 giờ trưa, tạm khép cửa với bình minh của thiên nhiên, để hy vọng một bình minh mới đẹp đẽ trong thơ. Thời gian còn lại không hiểu mạch thơ ở đâu bốc ra mạnh thế, như những dòng nham thạch nóng bỏng mãi phun ra, phun ra từ lòng núi lửa. Xưa nay chưa từng thế! Nếu quả thực như cố nhà văn Nguyễn Thành Long nói: “Làm thơ phải giống như người đang hấp hối”, thì sau quãng đó, ông hẳn “yếu”! Những vần thơ, lời thơ được ông vắt ra, thật đúng như những lời cuối của một đời người - không thừa không thiếu - không thể không nói ra - ngắn gọn vô cùng mà cũng trọn vẹn, chan chứa vô cùng! Tình thơ ruột thịt ấy hỏi làm sao không hay, không lay động lòng người? Mà tận tình với rừng, với thơ như thế, hỏi cũng được mấy người!

 

Cuối cùng, kết quả của 3 tuần đằng đẵng là một bản trường ca gồm 3 chương, dài hơn 35 trang viết giấy. Tất cả những tình cảm dồn nén, cả về đời, cả về rừng,… ông ném tuột vào thơ. Đặt dấu chấm cuối cùng, mặt ông rộc đi, nhưng mắt thì sáng rực. Thành công rồi! Chắc chắn ông đã viết được đúng như những gì nhà thơ ấy cảm nhận. Thật trớ trêu! Vô tình mau đỏ rừng rực cháy của rừng đã soi rọi, làm sáng lên cái đời thơ của ông. Rồi thơ ấy sẽ đốt rất nhiều người. Buộc người ta phải tôn trọng và biết cách yêu rừng, giữ rừng hơn… Ngày mai ông sẽ gặp ông ấy. Ngay ngày mai. Gặp người đã hiểu ông hơn tất cả mọi người, hơn cả chính ông.

*

 

Bản trường ca được trao giải nhất ở một cuộc thi thơ cỡ quốc gia, nhờ cả tính thời sự lẫn chất lượng tác phẩm. Nhà thơ trẻ chính thức gia nhập Hội của những người  làm thơ chuyên nghiệp. Tiếng tăm cũng có… Về sau, đương nhiên ông vẫn làm thơ, nhưng không phải thơ rừng. Càng cao tuổi, ông càng làm nhiều thơ tình - thơ ái tình. Cũng có người thắc mắc… Có gì đâu! Chỉ bởi một lần khác ở chính cái quán đó, phê phê rồi nhà thơ già bỗng lại trót cao hứng:

-          Cái chất bỏng khát trong thơ cậu… mà không nhét vào thơ, thơ tình ấy mà… Nói thật… quá uổng!

 

Chuyện thế thôi. Đơn giản. Vì cũng thành chân lý rồi: Những người nhân ái bao giờ cũng nhìn thấy rất nhiều điểm tốt đẹp của người khác. Và nếu đã phát hiện ra, lại biết khuyến khích một cách chân thành, khéo léo thì chẳng cớ gì nó lại không được coi là một cách hữu hiệu để những thành công đích thực nhanh chóng đến với Người xứng đáng!

Trần Tuyết Lan
Số lần đọc: 2248
Ngày đăng: 12.06.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhìn lại cuộc bút chiến của PHAN VĂN TRỊ và TÔN THỌ TƯỜNG - Đoàn Hữu Hậu
Khôi Vũ,Hoá giải lời nguyền hai trăm năm - Inrasara
Với bài thơ “DƯỚI TRĂNG” Của Nguyễn Duy Hoàng. - Nắng Xuân
Nỗi Buồn Rực Rỡ Trong Tác Phẩm Nguyễn Nguyên An - Nguyễn Thị Thuỳ Vân
Nguyễn Hoa : Bâng khuâng mình đấy có yêu được mình ? - Trịnh Thanh Son
Giọt lệ giữa không trung - Bùi Kim Anh
Thương nhớ một thời : nhân đọc tập thơ RU EM RU TÔI của Trương Vĩnh Tuấn ,Nhà xuất bản Hộii nhà văn – 2003. - Nguyễn Đức Thiện
Đọc Am Vang Của Sóng , nhà thơ Nguyễn Hải Thảo - Hoàng Thị Giao
Mười hai con giáp- một góc văn hoá phương Đông - Nguyễn Nguyên An
Với bài thơ dù lượn của Song Phạm - Lê Anh Thu