Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
713
116.719.162
 
Đọc ba tiểu thuyết mới : Những hành trình qua trống rỗng ,bài một
Nguyễn Chí Hoan

1. Tương truyền rằng Napoleon Bonaparte từng nói : Trong bao đạn của mỗi người lính đều có một cây gậy Thống chế; câu đó cũng đúng cho văn chương nữa. Mỗi cuốn tiểu thuyết viết ra đều mang một tham vọng, một dự phóng ý đồ đặt lại vấn đề về hình thức tiểu thuyết, một tham vọng đổi thay cái nhìn về thực tại - tức là xem xét hay phê phán tính chân lý của những kinh nghiệm có trước, và rốt cục là đặt lại vấn đề về con người với tất cả những rắc rối vốn có và luôn luôn mới mẻ. Tiểu thuyết đương đại ở ta cũng vậy.

 

Dĩ nhiên các tham vọng đó cũng có thể thấy dưới dạng là các thách thức đặt ra với mỗi người viết, và cho dù người ta có nhìn nhận hay chấp nhận các thách thức ấy hay không thì chúng vẫn hiện lên như là những dấu chỉ về ý nghĩa của tác phẩm. Khoan hãy nói đến chuyện đó là các tiêu thức về chất lượng văn chương, các thách thức ấy trước hết nhấn mạnh điều căn bản nhất là tất cả các sáng tác văn chương đều là các sản phẩm của ý thức, có ý thức, có mục đích.

 

Người ta thường dễ bỏ qua điều đó bởi cho là nó quá hiển nhiên và do vậy hầu như không còn ý nghĩa để xem xét. Con mắt của người đọc dĩ nhiên chú mục vào diễn biến câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết, các tình tiết, các nhân vật, các liên tưởng trực tiếp mà những thứ ấy gợi lên, v.v... rồi, lần lượt hay sau cùng, khoác cho những thứ ấy các ý nghĩa nào đó. Nếu các ý nghĩa không xuất hiện, không đến với, không phù hợp, người ta sẽ bảo câu chuyện đó, những nhân vật và tình tiết đó là khó hiểu, vô lý, vô nghĩa, v.v...

 

Tác phẩm luôn luôn bị đoán định mà không có mặt tác giả. Nhưng cái tính có ý thức, tính mục đích, của cái con người ấy không bao giờ vắng mặt. Tất cả được chuyển sang tay người đọc, bằng chính cái câu chuyện ấy, các tình tiết và các nhân vật ấy, chính cái hình thức ngôn từ đã được lựa chọn ấy. Tham vọng và thách thức được chuyển sang tay người đọc. Bởi nhà tiểu thuyết bây giờ trước hết là một người giữa chúng ta, không tiên quyết có một vầng hào quang cách biệt nào. Và cuối cùng thì hình như chính người đọc là người tạo lập mới hình thức của tiểu thuyết qua một tác phẩm cụ thể, là người phê phán tính chân lý của những kinh nghiệm vốn có, là người băn khoăn đặt lại các thứ vấn đề...

 

Chúng tôi nghĩ rằng đó là tình trạng nổi bật đối với các tác phẩm tiểu thuyết đương đại của chúng ta. Phần nhiều các tiểu thuyết đương đại ấy biểu hiện (hay phản ánh) một hiện tượng căn bản: sự khủng khoảng của cái cốt lõi cá nhân nơi con người trong bối cảnh giao thời xã hội.

 

Trong phạm vi loạt bài này, chúng tôi xem xét ba tác phẩm tiểu thuyết mới: Chuyện lan man đầu thế kỷ của Vũ Trọng Nghi, Paris 11 tháng 8 của Thuận và Ngồi của Nguyễn Bình Phương.

 

Tiểu thuyết Chuyện lan man đầu thế kỷ (Nxb Lao Động, 2006), tác phẩm đầu tay của một nữ tác giả thuộc cái gọi là “thế hệ 8X”, là một bổ sung từ phía đối lập với nx gì mà gần đây giống như một sự hình dung quá lố bị thổi phồng về nhục cảm phóng túng và nổi loạn của những người “8X”. Trong khung cảnh đời sống của một số du học sinh Việt Nam ở ThượngHải, Chuyện lan man đầu thế kỷ  là một tác phẩm đầu tiên đề cập đến chủ đề thân phận và quan hệ của những thanh niên đồng tính luyến ái một cách chân thực, giản dị và đầy tính người.

 

Cuốn tiểu thuyết gồm 15 Chương, chia làm hai phần lớn Mùa thu Mùa đông, theo trật tự thời gian thực của câu chuyện; các Chương trong mỗi phần đều được đánh số thứ tự riêng, làm rõ là hai câu chuyện riêng, nối với nhau bằng bộ ba nhân vật: nữ sinh viên Kỳ Cầm, nam sinh viên Lương - người cô Cầm yêu, và nam sinhviên Trung Quốc Trác Tử - người tình “homo” của Lương.

 

Truyện được kết cấu rất mạch lạc, nhất quán, tuần tự và / hoặc đan xen trên trục hành tiến thời gian. Được kể từ ngôi thứ nhất (“Tôi” - tức nhân vật Kỳ Cầm), câu chuyện của “Tôi” bao gồm bốn mối liên hệ cũng là bốn câu chuyện bi kịch: “Tôi” và nhân vật Lương. “Tôi” với gia đình chuột “thương thử” - những con thú cảnh, “Tôi” với nhân vật cô Diêu - một người đàn bà Việt nam bị lừa bán sang Trung Quốc đã lâu nên mất cả tiếng nói và tư cách công dân xã hội, và bi kịch của nhân vật Lương cùng nhân vật Trúc Tử - cặp đồng tính nam, “những người đã bị cô đơn làm cho tuyệt vọng” (tr.223).

 

Xuyên qua tất cả các mối liên hệ, câu chuyện của “Tôi” cũng là một bi kịch được kể bằng một giọng kìm nén ráo hoảnh: “Tôi” là một cư dân Internet, giải khuây bằng cách tham gia một cộng đồng mạng của các “hư nữ” - những cô gái đồng tính giả, chơi trò ghép đôi cho các nhân vật nam trong các cuốn truyện và phim ưa thích, để rồi một hôm nghe chàng trai mà “Tôi” theo đuổi thú nhận mình là gay nên không thể yêu cô ta được, và lại bị nhân vật Trúc Tử - cũng gay - mắng “Tôi” là một “người biến thái”.

 

Cái cô “Tôi” này cũng đặt mình vào một liên hệ nhân hình hóa với những con chuột cảnh gọi là “thương thử”, chăm chút gia đình chuột giống như những bà cô đơn độc sống với cả đàn mèo. Nhưng rồi “Tôi” phải đối mặt với một “Đêm kinh hoàng” (Chương IV), bởi do bản năng và tính sinh dục, bầy chuột cắn xé lẫn nhau. Đây là một chương xuất sắc, phản ánh một cách hình tượng cái cảm quan của nhân vật “Tôi” về sự man rợ của bản năng tính dục tự nhiên. Lại được tiếp nối sau đó bằng lời thú nhận buồn bã của nhân vật Lương, người dường như đã rất gần gũi và đã cố gắng để yêu cái cô “Tôi” này, mà không thể.

 

Trong phần hai - Mùa đông- nhân vật “Tôi” tình cờ quen biết và ra sức giúp đỡ nhân vật cô Diêu. Cô này bị người yêu cũ lừa bán sang Trung Quốc từ năm mười lăm tuổi. Chi tiết này thoạt nghe cũng bình thường (vì ai đọc báo mà chẳng biết những chuyện tương tự!) nhưng, dù tác giả không cố ý nhấn mạnh, có thể thấy chuyện yêu và lừa như một bè phụ họa, một nét tô đậm thêm cái đường diềm tối tăm của những chuyện tình ái “bình thường” thông tục được kể trong tuyến truyện mà “Tôi”/ Kỳ Cầm cố gắng định làm “người bình thường” theo các cô bạn gái “bình thường”.

 

Nhân vật cô Diêu rất muốn được trở về quê hương Thái Bình ở Việt Nam, nhưng, sống ở xứ người đã lâu, cô ta đã gần như mất phản xạ về tiếng mẹ đẻ; cô ta cũng không còn chứng từ gì để chứng minh mình là người Việt - cái điều mà “Tôi” phải ra sức giúp, thông qua một liên hệ trên mạng (thời đại của internet!)... Nhưng mọi nỗ lực đã “Công cốc” (chương VIII). Không chứng minh rõ ràng được về nhân thân, cô Diêu đã mất cả thân phận - cô bị ách lại trước khi kịp thấy chuyến xe bus cuối cùng có thể đưa cô qua biên giới.

 

Chương kết tiểu thuyết là một đoạn vĩ thanh cô đọng, gợi lên một tương lai bất định: Kỳ Cầm trở lại thượng Hải sau kỳ nghỉ Tết, sẽ tiếp tục là một “hủ nữ” trên mạng, lại thỉnh thoảng gặp cô Diêu - người không thân phận. Nhân vật Lương cũng sẽ trở lại với người tình homo Trúc Tử sau khi từ chối đám hôn nhân do gia đình dàn xếp ở Hà Nội - như lời anh ta nói với Kỳ Cầm: “Anh không muốn lừa cô ấy” (tr.287).

 

3. Một điều khá bất thường ở cuốn tiểu thuyết này là gần như không có những trường đoạn hồi cố. Các ký ức về quá khứ ở đây đều rất mỏng và đều bị “xóa nhà” ranh giới với Hiện tại bằng một cách hành văn, cách kể mô phỏng lời nói đến mức bất chấp các qui tắc về dấu ngắt câu - các câu trần thuật thường rất dài và rất nhiều dấu phẩy, chỉ có dấu chấm sau khi hết một nội dung trần thuật đó; tuy nhiên, các trật tự cú pháp không thay đổi - giống như lời nói, các câu lê thê đó đều rõ ràng về nội dung thông báo và dễ hiểu. Đoạn hồi ức đáng kể nhất nằm ở ngay đầu câu chuyện, khi nhân vật “Tôi” kể lai lịch quan hệ cô ta với nhân vật Lương. Chuyện rằng Kỳ Cầm khi còn đi học hay bị bắt nạt, lại không được cha mẹ cảm thông, một buổi chiều tối đứng khóc một mình ngoài ngõ thì Lương - anh hùng tốt bụng - đi học về, an ủi..., từ đó tình cảm nhen nhóm.

 

Tình huống ký ức chiếm một phần đáng kể ở Chương I và đầy cảm xúc nàynghe như mang bóng dáng một câu chuyện cổ tích Cô bé/ đau khổ/ khóc/ bỗng gặp một Ông Bụt hay Hoàng tử... Motif đó được lấy lại, thoáng qua nhưng rất rõ ràng ở đoạn cuối Chương II: “Tôi” lên mạng, thấy và ấn tượng với một chữ ký “khá dễ thương” bằng một câu: “Trong truyện cổ xưa kia nàng Lọ Lem lên xe đến vũ hội, hoàng tử chờ nàng ở đó, ngày nay cậu bé Lọ Lem đến với vũ hội, vậy mà chờ cậu ở đó vẫn là một hoàng tử” (tr.46).

 

Có thể thấy motif (cả hai đoạn) nói trên là hạt nhân cấu tạo của câu chuyện. Mô hình được cấu dựng là: sau cái khởi đầu như cổ tích ấy, một hiện tại trải ra bất ngờ, bất trắc và bất định về tương lai. Người yêu trong mộng hóa ra là gay. Khoảng cách đến với nhau xa vô vọng. Cô bé - “Tôi” rơi lại cảnh cô độc sâu xa trong tâm tư. Đối sánh để nhấn mạnh là nhân vật Diêu - cô gái bị tình lừa, không quá khứ, không tương lai - không thân phận.

 

Hai cái hiện tại được trình bày song song và đan xen: hiện tại của những bạn học “bình thường”, học xong sẽ lấy chồng lấy vợ..., hiện tại của những người đồng tính với cảnh cô đơn phải che giấu và nỗi đau khổ kìm nén dưới một bề ngoài đời sống cũng “bình thường”. Xuyên qua những câu chuyện về hiện tại ấy, ta thấy thế giới của những Lương và Trúc Tử có vẻ ảo không kém gì thế giới ảo của Kỳ Cầm và những “hủ nữ” khác trên mạng, hay là, nói như tác giả - đó không hề là ảo chút nào.

 

Xuyên qua cái thực tại bất thường của giới tính dường như là thấp thoáng một hiện tại khác, to rộng hơn, của một tình trạng khủng hoảng về bản sắc cá nhân mà thời hiện đại phải chịu đựng hay đưa đến, vừa che giấu vừa phô ra, vừa xoa dịu bằng các thú vui vừa khoét sâu và gặm nhấm xói mòn chính cái bản sắc mờ nhạt đó. Ở đó có cuộc đi tìm ý nghĩa của đời sống, với/ trong sự hoang mang: liệu có một ý nghĩa như thế hay không?
Nguyễn Chí Hoan
Số lần đọc: 2792
Ngày đăng: 12.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Vân –Yêu và sống - Một hiện tượng văn học ? - Lê Xuân Quang
Bế tắc trong sáng tạo - Inrasara
Trần Hoài Dương và tuyển tập vừa xuất bản - Triệu Xuân
Tự truyện ‘Lê Vân - Yêu và sống’ - sám hối hay… - Nguyễn Tý
Hình như có người “cởi áo” trước hư không - Đặng Thân
"Nhớ Chùa" một chữ "Thiện" vô bờ (phần 1) - Ngọc Thiên Hoa
"Nhớ Chùa" một chữ "Thiện" vô bờ (phần 2) - Ngọc Thiên Hoa
Lõi “Trầm “ từ “Những tháng năm ở rừng “ của Nguyễn Anh Nông - Nguyễn Hưng Hải
Nhân đọc những bài quanh cuốn "Tây Sơn bi hùng truyện" của tác giả Lê Đình Danh : Bàn về "Bịa đặt", "Trung “ và "Hèn"... - V.B.S
Thơ Tuyết Nga- Ảo giác vết thương chìm - Nguyễn Trọng Tạo