Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
696
116.714.909
 
Vài kỷ niệm về anh Cung Đình Thanh
Nguyễn Đức Hiệp

Anh Cung Đình Thanh đã ra đi giữa tháng 4, 2006, mặc dầu đã biết anh bị bệnh năng khó chữa từ đầu năm, nhưng tôi cũng sững lại khi nhận được tin. Ngoài sự quen biết nhau qua gia dình, tôi có cộng tác với anh Thanh qua tờ báo Tư Tưởng do anh sáng lập từ lúc bắt đầu vào năm 1999. Qua nhiều năm tiếp xúc với anh, tôi đã học hỏi rất nhiều về kinh nghiệm và kiến thức của anh. Anh ra đi là sự mất mát trong sự phát triển và nghiên cứu văn hóa Việt nam ở Úc cùng với sự thương tiếc đau buồn của rất nhiều người quen biết với anh ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.

 

Riêng tôi, tôi có nhiều kỷ niệm với anh Thanh, quí mến sự rộng lượng và kinh nghiệm sống của anh Thanh đã dành cho tôi và nhiều người tôi quen biết cùng với anh, mặc dầu đôi khi có sự khác nhau về chinh kiến. Những câu truyện, dữ kiện, con người về thế hệ của anh là những sự kiện quý giá cho tôi. Tiếc rằng tôi không còn được tiếp tục tiếp nhận nữa.

 

Anh Cung Đình Thanh xuất thân từ trường Bưởi Chu Văn An. Vào Saigon, anh học đại học Văn Khoa năm 1956. Theo ông Dương Minh Kính, bạn học của anh, thì tất cả các bạn bè anh đều nhớ anh như một người bạn rất vui vẽ, lịch thiệp, rất hăng say hoạt động cho văn hóa nước nhà. Sau đó, anh học Luật và ra hành nghề luật sư ở Saigon. Nhưng hoạt động chính của anh là mở trường văn hóa giáo dục bình dân và điều hành hoạt động của trường. Hoạt động của trường hoàn toàn vô vụ lợi. Anh có kể với tôi là hồi đó quốc vụ khanh văn hóa và bộ trưởng giáo dục của chính phủ Saigon đã để ý đến trường dân lập này và đánh giá cao vai trò của trường và họ đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho trường hoạt động. Anh không tham gia đảng phái chính trị nào và thuần tuý làm văn hóa đứng trên lập trường dân tộc.

 

Từ Việt Nam sang Úc đoàn tụ gia đình, anh mang qua rất nhiều sách vở. Sau khi qua Úc một thời gian và ổn định cuộc sống, anh bắt đầu nghiên cứu, đọc sách về cội nguồn văn minh Việt Nam. Tự một mình, anh ra mắt tập san Tư Tưởng và dành hết thời gian vào sáng tác, liên lạc với bạn hữu để cộng tác. Anh tránh những gì có liên hệ đến chính trị, tôn giáo, chủ yếu là đứng ra làm văn hóa. Không thuộc khuynh hướng nào và tránh để bị ảnh hưởng hay lợi dụng của các nhóm, hay tổ chức. Vì thế anh được nhiều người kính nể.

 

Hồi còn làm báo Tư Tưởng, lâu lâu anh triệu tập đến Bankstown Sport Club để trò truyện, trao đổi những gì liên quan đến bài vở, thư từ, các tạp chí khác và những người anh quan hệ qua nhiều tờ báo ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi gồm có anh, tôi, anh Nguyễn Văn Tuấn, Bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, anh Trần Nam Bình, anh Nguyễn Trọng Do, và đôi khi các bạn khác của anh. Anh kể về các nhân vật, các nhóm nghiên cứu Việt học, các khuynh hướng chính trị, các nhóm Công giáo và các chủ trương của họ, các giai thoại hồi những năm 1960, 1970 ở Việt Nam về các nhân vật  làm văn hóa và chính trị. Trí nhớ của anh là một kho tài liệu giúp tôi có thêm một cách sống động những hình ảnh tổng quát và chi tiết về những thời kỳ trước mà tôi chỉ biết qua trên sách báo.

 

Ngoài các số báo Tư Tưởng, anh đã ra một cuốn sách vào cuối năm 2003, tựa đề “Tìm về nguồn gốc văn minh Việt nam dưới ánh sáng mới của khoa học”. Sách được tổ chức ra mắt ở MelbourneSydney, và được nhiều người biết đến. Nhiều bài trong sách là tập hợp của các bài đã đăng trong tạp chí Tư Tưởng. Những lần đầu tôi tiếp xúc với anh vào đầu năm 2000, anh thường đến sở tôi lúc giờ trưa và chúng tôi đi đến đại học gần đó để ăn trưa và bàn truyện viết bài cho báo. Anh nói với tôi là anh phải làm cái gì vì tuổi anh đã lớn và nhiều người bạn anh ở Mỹ, Việt Nam và nhiều nơi đã lần lần “rụng lá” hết không còn ai nữa. Như anh đã thương tiếc bạn Phạm Kim Vinh trong báo. Anh hăng say kể truyện và các hoạt động của các bạn anh như Trần Ngọc Ninh, Phạm Cao Dương, Lư Tấn Hồng, Nguyễn Mạnh Hùng, Cao Thế Dung, Lê Thái Ất, Hoàng Xuân Hào, Nguyễn Xuân Khoang, Vũ Khánh Thành, Vĩnh Như, Trần Văn Hợi, Đào Văn Dương, Trần Văn Ân,..

 

Có thể nói điểm quan trọng nhất trong cuốn sách anh và trong tờ tập san Tư Tưởng là đã dựa vào khám phá, nghiên cứu về di truyền người ở Đông Á để triển khai ra là bán đảo Đông Dương với văn hoá Hòa Bình là con người hiện đại đến từ Phi châu đinh cư ở đấy trước khi lên phương bắc cách đây hơn 40,000 năm. Tôi đã tình cờ đọc được bài nghiên cứu của ông J. Chu trên tạp chí Hàn Lâm khoa học Mỹ và bàn với anh (Chu, J. Y. et al, Genetic relationship of populations in China, Proc. Natl. Acad. Sci, USA 95, 11763-11768 (1998)). Anh lúc đầu không hiểu mấy về sự nghiên cứu DNA về tiến hóa của con người hiện đại, nhưng sau đó anh hiểu được sự quan trọng của vấn đề và lao vào đọc sách tìm hiểu về cơ bản di truyền người và các thuyết về nguồn gốc con người hiện đại. Bài tôi viết triển khai về nguồn gốc con người ở Đông Á của ông Chu đã được anh đăng trên tạp chí Tư Tưởng và lấy ý từ đó cho những bài viết của anh. Anh rất vui vì có thêm được cơ sở cho luận cứ của anh về nguồn gốc văn minh ở Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để anh phát triển nghiên cứu dựa vào các phát hiện mới của khoa học. Anh đôi khi đặt quá sâu vào trọng tâm văn minh, văn hóa Việt, nên đôi lúc lạc và mất đi tính khách quan khi cho văn minh Việt có những tư tưởng, kết quả chưa có chứng cớ hay dựa theo những phỏng đoán. Tôi cũng có những ý kiến khác anh và phản ảnh cho anh, có lúc anh nghe nhưng có lúc anh là anh.

 

Song song với tờ Tư Tưởng và cuốn sách, anh cũng có mong ước là sẽ thiết lập, xuất bản các sách trong chương trình tủ sách Việt học anh đề ra và kêu gọi nhiều chuyên gia của mỗi đề tài viết. Trong nhiều phiên họp gặp nhau ở Bankstown Sports Club với chúng tôi, anh đã luôn đề cập đến tủ sách Việt học. Anh đã liên lạc với nhiều người quen biết để mời họ viết. Đây có lẽ là mộng ước cuối cùng mà anh mong có nhưng chưa thành đạt thì anh đã mất.

 

Lần cuối tôi gặp anh là tháng 12 năm 2005 ở nhà anh, trước khi tôi viếng thăm Việt Nam. Lúc này anh biết mình bị bệnh và anh nói cho tôi biết đang chữa trị dùng thuốc (chemotherapy). Mặc dầu đang bị bệnh, anh cũng viết một lá thư dài nhờ tôi về gởi anh Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu văn hóa học, ở Đại học Nhân Văn, Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Thêm biết anh qua các tạp chí Tư Tưởng trên mạng khi anh ấy đang tu nghiệp ở Nam Hàn và liên lạc với anh qua thư từ. Trong thư anh gởi anh Thêm, theo tôi biết khi nói chuyện với anh Thêm là anh vạch ra các vấn đề cần phải tiếp tục và phát triển nghiên cứu văn hóa theo xu hướng mới và có những nhận định mới dựa trên dữ kiện khoa học vừa phát hiện ở trong ngành hay những ngành khác có liên quan. Tôi quen anh Thêm là cũng qua anh. Lần năm 2004 khi về thăm Việt Nam, tôi có được anh Thêm mời cho một buổi nói chuyện ở Khoa Văn Hóa học của trường Đại học Nhân Văn.

 

Tôi được biết qua tờ Tư Tưởng, anh Trần Văn Đoàn, ở Đài Loan, trước đâ quen biết với anh cũng đã liên lạc và cộng tác viết bài. Anh đã liên lạc và đã được nhiều cây viết khắp nơi gởi bài cho tạp chí. Cuối năm 2004, anh được mời tham dự Hội nghị Việt học của Nhóm Việt Học của trường San Jose State University. Sau hội nghị anh rất vui và hăng say dự định cùng bạn bè sẽ tổ chức hội nghị như thế ở Úc.

 

Ba tuần trước khi anh mất, tôi có nói chuyện với anh trên điện thoại trước khi anh trở lại bệnh viện để tiếp tục chữa bệnh. Anh dăn tôi sau này hãy ráng tiếp tục làm tờ báo Tư Tưởng vì tất cả đã được thiết lập, chỉ cần điều hành vì độc giả và tài chính đều đầy đủ để có thể tiếp tục ra. Con trai anh, anh Cung Đình Lộc cũng đã giúp anh một phần trong việc ra tạp chí và sách, nhưng vấn đề điều hành và có được bài vỡ từ nhiều cây viết bạn của anh là một vấn đề khác. Tôi cũng vậy, không biết có khả năng để mà giúp đở gánh vác một trọng trách như vậy vì chỉ có ít thì giờ viết bài lúc rãnh trong nghiệp sống và gia đình hàng ngày.

 

Sydney, 20/04/2006

Nguyễn Đức Hiệp
Số lần đọc: 4594
Ngày đăng: 11.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ba Giai Tú Xuất đã có tác giả ? - Nguyễn Tý
Liệu có cần bàn đến danh xưng “ Nhà Văn” - Nguyễn Đức Thiện
Phạm Lam Anh Nữ Sĩ – Người mở đầu cho thơ ca Quảng Nam. - Nguyễn Hàn Chung
Vài lời mở đầu : Trong Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ.NXB Hội Nhà Văn- 2006 - Nguyễn Khắc Phê
Nguyễn Bính - Thi sĩ giang hồ - Kỳ 4: Rong ruổi đất phương Nam - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ cuối: Chia tay dòng thơ lãng mạn - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ 1: Chú bé si tình Nguyễn Bính - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ 2: Giữa phố phường Hà Nội - Trần Đình Thu
Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ - Kỳ 3: Bài thơ tạo ra hiệu ứng kỳ lạ nhất - Trần Đình Thu
Mười năm ....chợt nhớ Nguyễn Tuân - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
Wang-Tai là ai? (lịch sử)