Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
763
116.774.399
 
Nồi cháo trắng
Võ Ðắc Danh

            Đầu tháng bảy âm lịch năm nay, tôi trở về nhà chú Chín tôi ở Rạch Lùm để dự  ngày giỗ nội.

 

            Bà nội tôi vốn là người tu tại gia, ăn chay trường, nên đám giỗ chỉ cúng toàn đồ chay. Cuộc sống ngày càng khó khăn nên việc cúng quải ông bà cũng càng đơn giản. Chú tôi cũng không mời ai cả, chỉ có bà con trong thân tộc tự giác đến, mỗi người mang đến một ít rau cải, trái cây, họp lại nấu thành vài món đồ chay như: đậu đũa hầm dừa, đu đủ kho, canh khoai nấu dừa, dầu dừa xào bắp cải… rồi dọn ra bốn mâm, con cháu ra đứng sắp hàng mỗi người thắp một nén nhang tưởng niệm. Sau đó, hai mâm được dọn ra hai bộ ván nhà trên, một bên dành cho cánh đàn ông thuộc hàng chú bác, một bên dành cho cánh thanh niên trong cánh anh em con chú con bác chúng tôi. Còn lại hai mâm dọn ra nhà sau cho cánh đàn bà, con nít.

Đang lúc uống rượu cườm cườm, bỗng có tiếng dượng Ba tôi từ mâm bên kia gọi sang:

 

            - Ê, thằng Sanh, năm nay, thằng Tư  Ngạn nó về rồi đó nghe mậy.

 

            Hai Sanh buông đũa quay sang nói:

           

            - Nó về thì kệ nó chớ, ăn thua gì với tôi. Tưởng ai chớ thằng Tư Ngạn, tôi chấp nó câu trước tôi nửa ngày.

 

            - Ai mà chẳng biết nó câu dở hơn mày, tao muốn nói đây là để tụi mình cảnh giác cái tật câu trộm đìa của nó.

 

            - Thằng nào câu trộm đìa thì bị khất nhượng ráng chịu chớ dượng lo gì.

 

            Ở xứ này có hai người câu cá rô nổi tiếng là Tư Ngạn và Hai Sanh. Hai Sanh là con bác Năm tôi, còn Tư Ngạn là dân miệt trên về đây lập nghiệp. Nói là lập nghiệp chớ thật ra sự nghiệp của Tư Ngạn chẳng có gì ngoài chiếc cần câu cá rô để nuôi vợ và tám đúa con. Cách đây năm năm, vào tháng chạp, Tư Ngạn câu trộm đìa ông Tám Trân bị bắt quả tang. Hôm ấy nếu không có mấy người thợ gặt xung quanh đến can kịp thì chắc Tư Ngạn đã bị hai đứa con trai ông Tám Trân nhận nước dưới đìa.

 

            Từ đó, hễ mỗi lần Tư Ngạn vác cần câu ra khỏi nhà thì bị người ta hỏi:

           

         - "Ê, bữa nay định câu đìa ai đó mậy?".

 

            Tư Ngạn cúi đầu xấu hổ. Cái tài câu cá rô  đã từng là niềm kiêu hãnh của anh bây giờ đã trở thành xấu hổ. Sau cái tết năm ấy, vào một buổi sáng, người ta phát giác cái chòi của Tư Ngạn trống hoang, nằm há mồm bên bờ lung chuối.

 

            Còn lại một mình Hai Sanh độc quyền nổi tiếng ở xứ Rạch Lùm.

Sau sự kiện Tư Ngạn là một niềm vinh quang đối với Hai Sanh sau cuộc thách đố với dượng Ba tôi.

 

            Sáng hôm ấy, dượng Ba tôi qua nhà Hai Sanh mua cá về nấu cơm cho công gặt, ông nói:

 

            - Thằng Tư Ngạn mắc cỡ quá nên nó bỏ xứ rồi, còn mày, muốn ở xứ này thì đừng có câu trộm đìa người ta nghe mậy.

 

            Dượng Ba tôi nói chơi nhưng làm Hai Sanh bị tự ái, anh nói như trách:

 

            - Xin lỗi dượng, tôi đành câu đìa là một ngày mười ký lấy lên chớ không phải vài ba ký quèn như thằng Tư Ngạn đâu.

 

            - Nói trời hoài mậy.

 

            - Tôi nói thật, dượng dám thách cho tôi câu đìa dượng hôn. Tôi câu xong rồi dượng cho tát, nếu còn được một ký cá rô, tôi để xứ này cho dượng ở.

Dượng Ba tôi vốn mê đá gà nên cũng ham thách đố.

 

            Chiều hôm ấy tại nhà chú Chín tôi, cuộc thách đố được giao kèo có nhiều người chứng kiến: Nghĩa là sáng ngày mai, Hai Sanh sẽ ra câu đìa dượng Ba tôi, hai ngày sau, gặt hái xong dượng Ba tôi thuê máy tát đìa, nếu trong đìa còn hơn một ký cá rô thì Hai Sanh  sẽ trả lại toàn bộ số cá câu được, còn nếu đúng như Hai Sanh nói, nghĩa là còn dưới một ký cá rô thì chẳng những anh hưởng trọn phần cá câu được mà dượng Ba tôi còn phải chịu thêm cho anh con cá lóc lớn nhất dưới đìa.

 

            Sáng hôm sau, Hai Sanh bắt đầu câu cá trong sự hồi hộp của mọi người. Đến hai giờ chiều, anh xách hai thùng cá vô nhà, chị tôi lấy cân ra cân được mười ba ký rưỡi. Hai Sanh rọng đó chờ, đến hai ngày sau, dượng Ba tôi tát đìa lên chỉ toàn cá lóc, cá trê và cá bổi. Cả nhà dượng Ba tôi cố gắng quần bắt đến nhão nhừ, chỉ được  bảy con cá rô.

 

            Sáng hôm sau, chị Hai chở hai thùng cá rô sang trả lại cho dượng Ba tôi nhưng ông không nhận nên chị chở luôn ra chợ huyện  bán lấy tiền sắm đồ Tết cho con. Chiều hôm ấy, dượng Ba tôi lựa hai con cá lóc lớn nhất mang qua nhà Hai Sanh, ông nói:

 

            - Con này tao thua tao trả, còn con này tao thưởng cho mày. Đồ cái thằng sát cá! - Vợ thằng Hai đâu, bây lên cò nhỏ hai con cá này rồi luộc hèm cho tụi tao nhậu một bữa coi.

 

            Năm năm trôi qua, sự kiện ấy vẫn còn để lại trong lòng Hai Sanh niềm tự hào man mác, mặc dầu cái tài câu cá của anh không làm cho cuộc sống của anh khá hơn năm năm trước. Phải, làm sao khá hơn được khi lượng cá đồng mỗi năm một  giảm mà gia đình anh mỗi năm thêm một miệng ăn.

 

            Hôm nay, dượng Ba tôi báo tin Tư Ngạn trở về, niềm tự hào trong Hai Sanh bỗng bốc lên. Anh uống cạn ly rượu rồi nhổm người lên nói:

 

            - Nè dượng Ba, dượng có gặp thằng Tư Ngạn, dượng nói với nó là câu đìa thì phải câu như tôi vậy mới oai, chớ câu kiểu nó thì đừng có về xứ này nữa.

 

            - Sanh à - Dượng Ba tôi nói - Ở đây bà con không hà, mày nói thiệt coi mày có câu mồi thuốc hôn?

 

            - Không, tui thề danh dự với dượng là tui chỉ câu bằng trứng kiến vàng hoặc ong vò vẽ non, nếu tui có câu mồi thuốc cho ôn binh đại an vật tui cũng được.

 

            Anh Tư Đức, con cô Tư tôi, khều Hai Sanh nói:

 

            - Mày nói ong vò vẽ non tao mới nhớ, sau vườn chú Chín có cái đồn bự quá trời.

 

            - Thiệt hôn? Ở chỗ nào?

 

            - Trên nhánh xoài ở đầu ao Cây lụa.

 

            - Đồn mấy lỗ châu mai?

 

            - Ba lỗ.

 

            - Vậy là ngon rồi, tối nay mình đánh đồn nấu cháo ong non đãi thằng Năm một trận.

Thằng Năm, mày biết ăn thứ đó chưa?

 

            Tôi trả lời:

 

            - Dạ chưa biết.

 

            - Chưa biết thì tối nay ăn cho biết. Ong vò vẽ non mà nấu cháo dừa thì tao nói thiệt với mày, thấy mà hổng ăn thì  chết còn sướng hơn.

 

            Bỗng có tiếng thằng Út la vang ngoài vườn:

 

            - Ba ơi , xe tăng, xe tăng.

 

            Rồi nó ôm vô con rùa vàng chừng hơn một ký lô, làm cho cả nhà xôn xao. Bác Năm tôi nói:

 

            - Tháng này mà lên bờ làm ổ đẻ!

 

            Hai Sanh cãi:

 

            - Đâu phải ba, tại bà nội thấy mình nhậu đồ chay tội nghiệp nên bà khiến nó lên nạp mạng đó chớ - Rồi anh quay vào trong gọi chị Hai - Má thằng Lành đem con rùa đi làm nồi da xáo thịt, nhanh lên?

 

            Mấy phút sau, chị Hai mang ra cái lò nhỏ hừng hực than, cái mu con rùa lật ngửa lên, đặt trên lò làm cái nồi nấu thịt. Hai Sanh mời mấy ông già sang chơi, nhưng bác Năm tôi nói:

 

            - Mình chơi kiểu này xỉn rồi làm sao tối nay đánh đồn được tụi bây?

 

            - Tối nay không được thì tôi mai chớ gì - Anh Tám Bành con Bác Hai tôi - nói.

 

            Hai Sanh hỏi tôi:

 

            - Chừng nào thằng Năm mày về?

 

            - Dạ sáng mai em về.

 

            - Vậy thì không được. Để tao tính coi, bây giờ mà nghỉ chơi chờ đến tối thì phí quá, còn chơi nữa thì tối xỉn mất mẹ rồi. Lâu lâu thằng Năm về mà không đãi nó nồi cháo ong thì uổng lắm. Bây giờ, mình mở chiến dịch đánh đồn giữa ban ngày.

 

            Chị Hai đứng ở cửa buồng nói ra:

 

            - Tài khôn nữa à, bữa hổm bị mấy chục vít chưa tởn hả?

 

            - Bữa  hổm tại tui chưa có kinh nghiệm, bữa nay tui biết cách rồi. Bà yên chí.

 

            - Tui đã nói không được nghen, cái thứ xỉn xỉn vô rồi hăng máu có ngày bỏ mạng.

Hai Sanh vừa nhảy xuống đất vừa nạt vợ:

 

            - Đàn bà  mà biết cái quái gì - Anh quay sang chúng tôi - Tụi bây, thằng nào ra tháo cây sào quần áo làm móc - Hai Sanh lấy chiếc chiếu cột túm một đầu. Xong, anh bảo chị Hai:

 

            - Bà đi bắt nồi cháo lên đi, biểu đứa nào lột trái dừa.

 

            Chị Hai đành phải làm theo.

           

            Hai Sanh ôm chiếc chiếu và vác cây sào ra vườn. Đến ngồi gần ổ ong, anh trùm chiếc chiếu lên đầu và lội xuống ao. Lúc ấy không còn nhìn thấy Hai Sanh mà chỉ thấy giữa ao một đầu chiếu túm lại nhô lên mặt nước.

Mấy đứa con nít kéo ra đứng ở đầu ao hồi hộp chờ xem. Tư Đức nắm tay tôi nói:

- Tao với mày lại xích đằng kia coi mới đã.

 

            Chúng tôi núp dưới đám sậy cách tổ ong chừng ba chục mét. Tư Đức co hai bàn tay đưa lên mắt và nói:

 

            - Mình làm phóng viên quay phim nghen.

 

            Cái ổ ong bằng hai cái thúng táo vàng quánh và quằn quện như da cọp trên nhánh cây, chừng vài chục con ong bò ra bò vào ở mấy lỗ cửa.

 

            Hai Sanh nhón người lên đặt cây móc cẩn thận, chắc chắn ở kèo ong rồi anh thu người nhỏ lại trong chiếc chiếu. Xong, anh giật mạnh cây móc, nhánh xoài oằn xuống, đàn ong túa ra đen nghịt một vùng trời. Cái kèo ong cứ đùng đưa, đùng đưa không chịu gãy. Đàn ong tủa xuống vây quanh Hai Sanh. Thoáng chốc, chúng bu nghẹt trên đầu chiếu. Hai Sanh như không hay biết gì cả, anh cứ ghịt mạnh cần móc và cái ổ ong cứ đùng đưa.

 

            Bất giác, tôi nghe cái bốp trên mí mắt phải, rồi một cái nửa trên lưng. Tôi hốt hoảng và biết ngay chuyện gì xảy ra, tôi co giò chạy. Tư Đức cũng tức tốc chạy theo, anh vừa chạy vừa la:

 

            - Chết mẹ, nó đánh, nó đánh.

 

            Mấy đứa con nít ở đầu ao bên kia vỗ tay hô đồng thanh:

 

            - Vô! Vô! Vô!

 

            Anh Tư Đức quát:

 

            - Đứa nào đi bứt cọng môn nước cho tao! Vô cái gì mà vô, người ta đau chết mẹ mà tụi bây vui lắm hả?

 

            Chúng tôi thoa môn nước lên chỗ ong đánh và chạy lại đầu ao nhìn Hai Sanh, bỗng thấy anh đang cựa quậy trong chiếc chiếu, cái ổ ong vẫn còn nguyên đó và cây móc thì treo lủng lẳng trên nhánh xoài. Đàn ong đớp nghẹt trên đầu chiếu.

 

            Chiếc chiếu bỗng hụp lên hụp xuống rồi trườn một đường dài dưới ao, dạt bèo qua hai bên mé. Trườn được một đoạn, Hai Sanh bỏ chiếu, lặn một hơi dài rồi nhảy qua bờ ao, luồn qua đám lau sậy, đàn ong vẫn đuổi theo.

 

            Chừng năm phút sau, Hai Sanh chạy về, hai mí mắt sưng húp, anh vừa thở vừa nói:

- Đù mẹ, cái nhánh xoài dai quá mà mình lại giựt theo bề xuôi nên giựt hoài không gãy. Hồi nãy tao cột đầu chiếu không kỹ nên mấy con ong nó chui vô làm tao hết năm sáu vít.

 

            Chị Hai chạy ra bứt môn nước thoa cho anh, ánh mắt chị nhìn chồng có vẻ vừa thương vừa giận:

 

            - Tui đã nói mà không chịu nghe. Một hồi nữa ông vô ăn hết cái nồi cháo trắng cho tôi.

Ba anh em tôi nhìn nhau, mặt đứa nào cũng sưng vù, nặng trịch và nhức nhối. Hai Sanh nhìn lại cái ổ ong, đàn ong đã bay về vây quanh như mừng cho sự an toàn sau trận đánh. Hai Sanh lên án:

 

            - Chưa yên đâu con, tao hẹn với mày cho chuyến câu cá rô sắp tới.

 

            Chúng tôi trở vô nhậu tiếp nửa con rùa còn lại, Hai Sanh nói:

 

            - Tại mình nóng ruột mới nông nổi này, chớ đánh nó ban đêm chỉ cần nửa lít đầu lửa là tôi diệt gọn.

 

             Sáng hôm sau, tôi từ giã Rạch Lùm, mang về cái mặt không giống ai, cái mặt sưng vù, nặng nề và nhức nhối. Chỉ vài ngày nữa, nó trở lại bình thường, nhưng kỷ niệm thì chắc không thể nào quên được.

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 3582
Ngày đăng: 05.05.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)