Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
405
116.740.781
 
Chuyện ở đồng tràm
Đặng Hoàng Thám

Năm 2005 là năm “được mùa” của Đặng Hoàng Thám, tác giả vừa đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL với “Chuyện ở đồng tràm”. Anh đã đạt 7 giải thưởng trong và ngoài Cần Thơ về thơ và truyện ngắn. Miệt mài, nghiêm túc trong viết văn dù anh bước vào “cuộc chơi” hơi muộn: gần 50 tuổi mới được kết nạp làm hội viên Hội Văn học Nghệ thuật địa phương - năm 2004, nhưng Đặng Hoàng Thám đã bước đầu tạo được tên tuổi trong giới văn nghệ ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. VĨNH TRÀ đã viết như vậy về anh.SCL đã giới thiệu anh qua bài viết của Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm ,Và xin giới thiệu truyện ngắn đọat giải của anh.SCL

 

Trời tháng tư, nắng như thiêu đốt đồng bưng. Chúng tôi đi trên cánh đồng tràm chỉ còn trơ những chồi cây tái sinh èo uột. Cánh đồng này mấy mươi năm trước là vùng chiến địa. Chúng tôi đã đi qua và bây giờ trở lại...

 

Tư Sứt “bụp” nhát cuốc xuống nền đất khô nẻ và cứng như xi măng. Những vết phèn ám đỏ như rỉ sắt dính vào lưỡi cuốc của anh, gặp không khí, cái màu đỏ ấy đổi thành vàng sẫm, nhờn nhợn như những vết máu mới khô...

 

- Đây mà! Chỗ này chứ không đâu hết. Hồi đó tôi đã đứng nhiều chỗ... Chỉ có chỗ này là nhìn thấy cái lỗ mũi ló ra từ vách núi đá tai bèo độ gang tay. Cái núi gì mà buổi chiều nhìn xiên giống hình mặt quỷ, buổi sáng thì giống như cô gái đang cười trêu ai! Vậy mà người ta đã ở trên đó, ở cái chỗ tưởng chừng như chỉ có thú rừng, cỏ cây và ma quỷ !

 

Nhẫn nhìn lên ngọn núi mà Tư Sứt vừa mô tả. Quả thật, cái chỗ đá le ra từ trong hẻm núi nó giống như cái mũi của người ta, thế mà tại sao hồi đó, mình và Phấn không thấy ! Chắc mình và cô ấy vô tình không để ý đó thôi!

 

- Gặp rồi! – có tiếng la gọn, giọng phấn khích.

- Gặp gì? Gặp cái gì? – mọi người nhau nhảu hỏi dồn.

- Vải dù. Vải dù - Tôi bó xác cô ấy bằng vải dù! Mà cái khăn choàng vải dù này là của tôi. Chỉ trừ tôi bị “khùng” thôi, thì tôi mới không nhận ra nó. Tôi choàng nó đi đánh giặc cả chục năm, nên tôi và nó như linh thiêng với nhau, nhìn mặt là biết ngay!

 

 

Nhẫn vẹt những người đang xúm xít bên miệng hố mà Tư Sứt và bạn anh ta mới vừa đào, còn nham nhở sình đất dèo dẻo. Hố sâu độ khoảng trên mét rưỡi. “Hà! Lạ thật. Hồi đó, tôi chôn cô ấy đâu có sâu dữ vậy! À! Mà chắc tại bùn vùi lấp. Vùng này mỗi năm mỗi ngập nước mà. Chỉ có tràm, chỉ có tràm là mới sống nổi thôi!”- Tư Sứt lẩm bẩm. Một vật gì như bằng kim loại ánh lên dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè. “Một cái lược bằng nhôm máy bay!”. Nó vẫn còn sáng màu khi Tư Sứt đã rửa lớp bùn đất phủ quanh nó hơn 30 năm! “Đúng là cái lược của mình đã dày công mài cắt từ cái yếm của chiếc máy bay đầm già bị thanh niên xung phong đường 1-C dạo đó, bắn rơi trên cánh đồng tràm này đây! Những ngày bị giặc vây trong hang núi Mo So, mình đã tranh thủ những lúc giặc ngưng đánh để mài cái lược nhôm cứng này cho Phấn. Bây giờ nó vẫn còn! Mình nhận ra nó ngay, giống như anh Tư Sứt đã nhận ra chiếc khăn choàng vải dù của anh ta. Nhưng Phấn! Người con gái xinh đẹp, tuổi mới đôi mươi không còn nữa! Cô ấy đã nằm dưới cánh đồng tràm này lâu lắm rồi! Thịt da mơn mởn ngày ấy, bây giờ chỉ là nắm đất nhão sền sệt với vài sợi tóc hiếm hoi còn sót lại...”- Nhẫn nghe lòng bùi ngùi, xót xa vô hạn!

 

Mở gói ấy ra luôn đi ! - đồng chí trưởng đoàn ra lệnh.

 

Tấm vải mủ khá dày, lem luốc bùn đất, cột bằng dây đèn trái sáng được Tư Sứt mở bung ra: Một cái sọ người bị mẻ bên trán trái với hai hố mắt sâu thẳm và hai cái gò má cao; một ít xương lóng của các chi... Chỉ còn nhiêu đó! Phấn ngày xưa của Nhẫn đó sao ? Thật khó hình dung nổi cái sọ không lành lặn kia với hai hố mắt to buồn như muốn khóc, đã có thời là khuôn mặt ngây thơ, trắng trẻo, sáng đẹp của một người con gái có mái tóc đen dài, óng mượt ngang lưng! Những giọt nước mắt của người đàn ông có khuôn mặt buồn, khắc khổ, dày dạn gió sương rớt xuống nền đất phèn khô quéo. Những cây nhang gầy đét được đốt lên. Gió đưa hương ngan ngát. Mùi của khói nhang. Mùi của quá khứ. Mùi của bom đạn. Mùi của gió biển có vị mặn mồ hôi người. Mùi của phèn chát xì lên từ những lỗ nẻ có dấu chân trâu. Mùi của hương hoa tràm đúng là như còn phảng phất đâu đây... “Cô Phấn! Cô đã trở về với anh em rồi đó!” - giọng Tư Sứt cảm thán ngậm ngùi. Trong phút giây hư ảo của ký ức. Nhẫn lờ mờ, rồi nhớ rõ hẳn cái đêm hôm ấy trên núi, trăng sáng vằng vặc, trăng treo trên cánh rừng tràm bạt ngàn, đen sầm sậm phía dưới đồng bằng xa xa mờ ảo...

 

*

Hồi ấy, đang là mùa nước nổi của vùng Tây cận Nam tứ giác Long Xuyên, giáp Hà Tiên, Ba Hòn...

 

- Ngày mai, anh theo đoàn qua “K”, rồi lên miền Đông nhận hàng. Chắc lâu lắm mới gặp lại em!

- Anh đi đường cố bảo trọng. Lúc này, em nghe nói giặc nó “ghim” đường dây mình dữ lắm! - cô gái ngây thơ và lo lắng nói.

- Thì phải đi tới nơi tới chốn thôi! Như những lần trước vậy.

 

Họ là những chiến sĩ thanh niên xung phong của đường dây 1-C đang làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ các kho ở miền Đông về miền Tây Nam Bộ để phục vụ cho các chiến dịch và các hoạt động vũ trang của ta ở đồng bằng sông Cửu Long trong những thời điểm ác liệt nhất!

 

- Em có nhớ Cần Thơ mình không?

- Anh có nhớ không mà hỏi em! - cô gái gục đầu vô vai Nhẫn thổn thức. Họ là đôi nam nữ học sinh thoát ly theo cách mạng. Quê Phấn ở Phụng Hiệp, còn quê của Nhẫn ở Châu Thành. Họ ra đi phơi phới trong lòng theo tiếng gọi của quê hương. Những thanh niên, nam nữ thời ấy nhiệt tình và đơn giản lắm trong cách nghĩ, cách sống! Chỉ mong hết giặc, thanh bình, về lại quê hương với mảnh vườn, miếng ruộng và một mái ấm gia đình. Đêm ấy họ yêu nhau và thật hạnh phúc như một cặp vợ chồng giữa núi rừng hoang sơ. Chỉ có ánh trăng làm chứng!

 

Sau chuyến đi dài ngày, Nhẫn trở lại. Nhưng anh không vào trong núi được. Thiết giáp và lính sư 21 Sài Gòn đã vây núi mấy ngày qua. Một cánh quân của ta trong núi được lệnh mở đường phá vây, bắt liên lạc, nhận tiếp tế và vũ khí để chiến đấu bảo vệ kho hàng. Phấn gặp lại Nhẫn giữa mặt trận. Mừng mừng tủi tủi chẳng nói nên lời. Họ nằm lại một chốt chiến đấu để bảo vệ các đồng chí thanh niên xung phong gấp rút chuyển một số ít hàng vào trong hang.

 

Buổi sáng, bình minh châu thổ đẹp lạ lùng với những ngọn núi còn mờ sương đứng hiên ngang, hùng vĩ giữa đồng bằng và biển cả. Nắng mai vàng rực rỡ. Những tảng đá lớn nhỏ rơi vãi ngổn ngang qua hàng trăm trận bom bừa và pháo bầy của giặc. Có tiếng rì rì, quần đảo của máy bay đầm già trên không.

 

- Nó bắt đầu lên kìa! Các đồng chí cảnh giác cao, sẵn sàng đánh trả kẻ thù để bảo vệ kho hàng - đồng chí Bảy Thanh chỉ huy đoàn ra lệnh.

 

Sau những loạt pháo lớn nổ rền trời kéo dài nhiều phút, bọn lính bắt đầu tấn công lên núi. Khói cháy rừng khét lèn lẹt nhưng lại có mùi thơm dìu dịu, phảng phất của tinh dầu cây cỏ bị đốt! Quân ta chống trả anh dũng nhưng vì yếu thế hơn chúng, phải rút vào hang. Bọn địch dùng máy bay thả những phuy xăng, dầu đốt hang. Lửa cháy luồn vào hang, khói mù mịt không thấy mặt người. Nhưng lạ lùng thay! Sau vài phút ngột ngạt, ngọn lửa lại phù phù cháy ngược trở ra. Đó là vì khi cháy, không khí ở đó bị nóng lên và ít đi đột ngột, gió từ các ngách hang trên núi bị hút, thổi luồn xuống, phía dưới chân núi bao giờ cũng thấp hơn trên, nên xăng dầu chảy ngược ra cũng là điều dễ hiểu! Bọn địch bị thất bại bất ngờ khi định dùng “hỏa công” thiêu rụi núi! Bọn chúng vốn nhát gan, nên khi có mấy tên liều mạng chun vào hang bị ta tiêu diệt, những tên còn lại hoảng sợ thối lui không dám bén mảng lại gần nữa. Núi đã che chở cho quân ta. Núi trở thành máu thịt của ta...

 

Phấn cột khăn rằn ngang bụng, cô vác khẩu “trường bá đỏ” trên vai bước những bước xiêu vẹo và mệt mỏi. Đơn vị cô bị ngăn cách bởi bọn lính ở lưng chừng núi. Đường trở vào hang bị chúng chốt chặn và canh gác nghiêm nhặt. Tổ chiến đấu của Phấn đã hy sinh và bị thương gần hết. Người này dìu người kia luồn qua những con đường hiểm trở để tránh giặc. Họ đã kiệt sức. Một tiếng nổ lớn. Phấn thấy mình phiêu diêu chập chờn, mơ mơ, màng màng trong một vùng tối sáng mờ ảo, cô không còn biết gì hết...

 

Ngày chiến sự thứ ba. Lối gần sẩm tối. Người ta đưa về trạm quân y một thương binh nữ bị dập xương sống, với cái đầu quấn băng trắng chỉ còn đôi mắt nhắm nghiền và hơi thở hoi hóp. Các đồng đội của cô đã gặp được cô bên một dòng suối cạn trong rừng khi quân địch vừa rút đi. Có một anh bộ đội quần áo bê bết bụi đất, ôm cô khóc. Cặp mắt anh đỏ hoe trên gương mặt bơ phờ, tiều tụy: “Đồng chí bác sĩ. Chú Chín! Ông cố cứu cô ấy, cô ấy là một chiến sĩ gái dũng cảm và tội nghiệp”. Chín Thành vỗ vai anh bộ đội: “Anh bình tĩnh. Tôi sẽ làm hết sức, để cứu đồng chí mình!”. Chín Thành chích thuốc, ghim kim truyền dịch. Anh mở băng ra và rửa ráy vết thương của người chiến sĩ kia. Chín Thành thoáng trầm ngâm. Anh hỏi: “Cô ấy quê ở đâu? Tên gì? Là sao với anh?” - “Cô ấy tên là Hồng Phấn, người Phụng Hiệp Cần Thơ. Phấn là... là người yêu của tôi. Chúng tôi cùng ra vùng giải phóng một lượt! Chúng tôi ở đoàn thanh niên xung phong Tây Đô...”.

 

Mặc dù Chín Thành và các nhân viên của anh đã hết sức cố gắng để mong cứu Phấn, nhưng cô ấy không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Trạm sửa soạn an táng cho Phấn thì giặc đánh tới. Chín Thành phân công cho Tư Sứt gấp rút di chuyển thi hài các liệt sĩ đến một chỗ khác để chôn cất và dặn Tư Sứt nhớ làm dấu tích để mai này hòa bình có thể trở về tìm hài cốt, quy tập họ về quê quán. Phần anh, anh chịu trách nhiệm di dời các thương binh qua biên giới để tiếp tục điều trị. Nhẫn còn sức khỏe, anh phải theo Chín Thành để cứu những thương binh còn sống. Lúc này, hơn lúc nào hết, họ và tổ chức cần anh.

 

*

Một người phụ nữ, có gương mặt sáng đẹp, trên trán đã hằn mấy nếp nhăn, mắt mũi đỏ hoe, tóc tai lòa xòa trên đôi vai thấm đẫm mồ hôi. Chị ôm cái quách nhỏ bằng sành da lươn, vuốt ve, khóc rưng rức: “Chị ơi! Chị ơi... Chị đi đã hơn ba mươi năm... Bây giờ mới về! Chị ơi.. Chị Phấn ơi!”. Mọi người ai nấy cũng mủi lòng, ngại ngần nhìn vào cái quách! Ba Nhẫn dìu vợ đứng lên: “Tại số phần chị ấy vắn! Tại chiến tranh mà. Thôi! Đừng khóc nữa! Đừng để Hồng Phấn tủi thân!”. Ngày hòa bình, Nhẫn tìm về gia đình Phấn. Hoa khi đó, tuổi chớm đôi mươi và đẹp dịu dàng như Phấn ngày xưa. Phấn đi trước Mậu Thân. Lúc Phấn đi, Hoa còn bé lắm, chỉ mới mười hai, mười ba tuổi đầu, tóc tai vàng hoe, vàng hoét. Cô bé Hoa - hôm chị lên đường đi thanh niên xung phong – mặc chiếc áo bà ba xùng xình, nhăn quéo của Phấn cho, chân đất, đầu trần chạy vấp lên, vấp xuống dọc theo bờ kênh tiễn chị. Cô vừa vẫy tay, vừa khóc nức nở, gọi chị đến lạc giọng! Phấn vịn cột chèo, rươm rướm nước mắt, huơ huơ chiếc mũ tai bèo từ giã mẹ và em. Cha cô đã lên miền Đông từ sau Đồng Khởi... Ngày giải phóng, Hoa tham gia công tác ở huyện đoàn, rồi yêu ông anh rể hụt của mình. Chín Thành quen thân với gia đình Phấn. Anh mai mối, tác hợp cho Ba Nhẫn và Hoa. Ba Nhẫn trở thành chồng của Hoa và là em rể của Phấn.

 

Hơn ba mươi năm trôi qua. Chín Thành, Ba Nhẫn, Tư Sứt trở lại cánh đồng tràm thủa trước để tìm mộ và hài cốt các liệt sĩ ngày ấy. Họ đã tìm gặp Phấn. Xương cốt của người con gái Tây Đô được đặt vào cái quách nhỏ, trên có phủ lá cờ Tổ quốc. Chín Thành vặn ống kính chụp mấy “bô” hình. Tư Sứt bắn một tràng A.K giòn giã lên trời...

 

Nắng chiều đã xế trên cánh đồng tràm mênh mông xa tít tắp. Lưa thưa mấy cánh cò chấp chới bay về cụm núi lam xa phía biển. Phía Hòn Đất. Chín Thành vỗ vai Ba Nhẫn:

 

- Thôi đừng buồn! Ngày mai chúng ta sẽ đưa Hồng Phấn về quê hương “gạo trắng nước trong” của cô ấy...

Đặng Hoàng Thám
Số lần đọc: 2044
Ngày đăng: 12.03.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa mắm còng - Nguyễn Hồ
Những thiên thần trong bão lửa - Ngọc Thủy
Chơi vơi màu nắng - Vũ Đình Giang
Còn lại với cõi đời này - Bích Ngân
Khỏang giữa cuộc đời - Đoàn Hữu Hậu
Người tù binh đêm giao thừa - Việt Linh
Hạnh - Bùi Công Thuấn
Chú Bảy - Hồ Tĩnh Tâm
Giọt đắng - Bích Ngân
Thăng trầm - Vinh Huỳnh
Cùng một tác giả