Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
430
116.741.298
 
Cách sống khôn khéo của con người giữa thần và ma
Phạm Nga

 


Cái miếu dựng tạm trên bãi cát để làm chỗ thờ Ông lụy năm ngoái bỗng nhiên được ông Bảy, chủ sở cá, cho khẩn trương nâng cấp. Gạch, cát, xi măng ùn ùn từ đất liền chuyển ra đảo, để vừa sửa miếu thờ Ông vừa sửa nhà ở của ông Bảy.
Mọi người thì thào rằng hình như ông chủ Bảy muốn đánh dấu, muốn chuẩn bị cho một điều gì đó thật hệ trọng, hay muốn bắt đầu một việc gì đó thật ý nghĩa, ngay ở làng Bích Điệp nằm giữa biển này chứ không phải ở làng Kim Bông quê ông bên đất Nha Trang.
Thật ra thì từ lâu rồi, nơi con người này, đã bắt đầu cùng lúc hai nghịch lý trầm kha, đeo đẳng như mệnh kiếp.
Vóc dáng mạnh mẽ, thích ăn ngon mặc đẹp, ưa chuộng chuyện ân ái…, rõ ràng ông là đỉnh cao của sinh lực đàn ông, tràn đầy dương tính, phải nói là mẫu mực ưu thắng của nam giới. Nhưng điều nghịch lý thứ nhất, có tính ngoại tại và thể hiện nơi sinh hoạt hằng ngày, chính là tình trạng bên cạnh ông, kề cận ông chỉ thường trực toàn là nữ giới, tràn ngập âm tính, điển hình là ba bà vợ và sáu đứa con gái.
Rồi bậc nam tử hán khôi ngô tuấn tú, niềm hãnh diện của dương gian, tràn đầy dương khí của người phàm này thì lại có kiểu mặt “tâm linh” – một cánh cửa u linh dẫn vào cõi âm. Trong những giây phút khác thường, đôi mắt Âm Dương đã cho phép ông Bảy nhìn thấy các loại hồn, từ thần linh cho đến ma quĩ, rốt cuộc dẫn đến điều nghịch lý thứ hai, có tính nội tại. Cứ thấy ma thấy quĩ – thường khi là ngoài ý muốn và mới đây là sự xuất hiện của thần Biển, các thế lực bên ngoài Dương thế là cõi Âm và cõi Thần linh lại can thiệp hoặc có ảnh hưởng nhất định vào cuộc đời của ông Bảy.


Xét về bề ngoài, ai cũng thấy ông Bảy không thể là người vô thần, vì ông luôn luôn tỏ ra sùng tín, nghiêm cẩn trong tín ngưỡng của mình. Trong nhà ông có một căn phòng riêng biệt dành thờ Phật, cũng như trên chùa Hải Đức cũng có một khuôn bảng thếp vàng dành riêng để ghi phần công quả đóng góp liên tục và hậu hĩnh của ông.
Ông Bảy vốn tin chắc rằng bên cạnh cuộc sống, vật chất thế gian có thể nhìn thấy và cầm nắm được, còn có các thế giới siêu nhiên khác, hoạt động song hành với cõi dương trần – đó là cõi Âm, cõi Thần linh chớ có gì lạ. Đó là các thế giới vô hình, có một số cư dân thượng lưu siêu hạng, tích lũy được quá trình tu hành từ nhiều kiếp trước, thường là có chức vụ này nọ, đặc biệt là thường làm việc tốt, theo nghĩa là việc có lợi cho xã hội người phàm, thì gọi là các thần linh. Còn lại là số cư dân mạt hạng, không danh giá, dễ làm điều xấu, theo nghĩa là những điều bất lợi cho người phàm, thì chính là đám ma quĩ, cô hồn các bác…
Nhưng sâu xa hơn, thần linh sẽ cảm thấy không hãnh diện chút nào khi biết rõ được thực chất lòng tin tưởng của ông Bảy. Ở vị thế một người có kiểu mặt “tâm linh” và có khả năng “thông linh” bằng nhãn quan, ông Bảy đã dửng dưng cào bằng, xem như ngang nhau mọi thứ linh hồn, nói chung là mọi thực thể vô hình, vô chất.
Như theo ông Bảy, thần Biển cũng chỉ là một loại hồn phách cổ xưa, tồn tại trong lòng biển cả - tồn tại thôi, không thể nói hồn phách vô hình lại sống thở, đổ mồ hôi như các loài sinh vật, thực vật. Cũng có huyền thuyết cho rằng loài thủy tộc thượng đẳng là cá voi, nếu tu luyện lâu năm – thường phải là niên hạn kha khá, cỡ vài trăm năm, vài ngàn năm - thì khi chết đi, cá sẽ hóa thần. Dù sao nghi vấn này cũng chỉ có thể thuộc về một thuở hồng hoang nào đó, tức lúc loài người chưa có mặt trên trái đất. Khi loài người xuất hiện, một số cá thể hồn phách thần linh, kiểu thần Biển, lại tiếp tục tồn tại theo biển. Đến lượt loài người chết ngoài biển thì theo lẽ tự nhiên, một tập đoàn hồn ma gốc loài người lần hồi thành hình nhưng một chủng ma mới, tồn tại bên cạnh các hồn thần linh. Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng lực lượng hồn ma người ở biển thì phồn tạp gấp vạn lần nhúm hồn thần linh. Chết từ sông hồ trôi ra biển; chết vì chìm ghe, đắm tàu, rơi máy bay; chết vì bị hải tặc quăng xuống nước; chết vì sóng thần tràn vào bờ, lũ cuốn ra khơi.v.v…, số lượng hồn ma người ngoài biển không lúc nào ngừng tăng thêm. Đó là chưa nói đến trường hợp tro cốt được đổ xuống biển theo ý nguyện của một số người đã chết trong đất liền, nghĩa là từ nguyên khởi, cái chết của họ không dính líu gì đến sóng nước, biển khơi.
Nói khác đi, khi vì lợi ích riêng mà phải đầu lụy các loại, hạng cư dân của biển cả, thì con người vừa có thể van vái thần Biển lại vừa có thể cầu cạnh những oan hồn lang thang vẩn vơ trong sóng nước. Do đó, chỉ cần là khôn khéo khi chọn lựa các giao dịch thích hợp đối với các thế giới vô hình này, chứ con người không cần thiết phải có tấm lòng kính sợ, thật sự thần phục đối với một hay cả hai loại hồn ma đối tác – dù là thần linh hay ma quỉ.


Căn cứ vào những tín ngưỡng dân gian, kiểu tin tưởng cùng lúc cả Phật Tổ, Phật Bà Quan Âm, Ngũ Hành Nương Nương, Thần Tài, Ông Nam Hải…, lẫn vô số cô hồn các bác trên biển, người ta có thể gọi ông Bảy là người đa thần, cùng lúc thờ nhiều thần thánh. Chính xác hơn thì phải gọi ông Bảy là người phiếm thần, tức tin rằng ở đâu cũng có thần, mọi vật đều ẩn chứa thần. Đó là một tâm thức lưu truyền từ con người thượng cổ, do trong thiên nhiên có đủ thứ sức mạnh, như: sấm sét, bão bùng, lũ lụt, thú dữ…, có thể dễ dàng giết chết họ nên họ cứ phải tin tưởng và thờ phượng đủ thứ thần. Loài người sơ khai nhìn đâu cũng cho là có thần, từ thần Sấm Sét, thần Gió, thần Bão, thần Lửa…, cho đến thần Sông, thần Rừng, thần Hổ, thần Cá, thần Mam-mút.v.v…
Theo dòng lịch sử và huyền thoại, các tín ngưỡng đa thần và phiếm thần đã để lại nhiều dư âm, dư ảnh trong đời sống tâm linh nhân loại, đặc biệt đậm nét đối với ngư dân. Một loài thủy tộc to xác, một hòn đảo, một vực biển, một luồng lạch, một xoáy nước, một trận gió…, tất cả đều là thần linh các cấp lớn nhỏ, hoặc ít ra là đều có thần linh cai quản, buộc ngư dân phải cúi đầu kính sợ, cảnh giác.


Thậm chí, giữa đêm mắc tiểu, bước đại ra một mé vườn, một gốc dừa nào đó, ông Bảy không bao giờ bỏ quên thói quen van vái khi vén quần đứng tiểu. Cô hồn các bác nào đó, làm ơn xích ra cho tôi đái, cám ơn. Ông Bảy luôn luôn nói thành tiếng, nói ra lời rõ ràng dù lúc đó ông có kịp nhìn thấy ai hoặc cái gì hay không đi nữa. Nghĩa là chỗ nào có bóng tối âm u là có sự tồn tại của người khuất mày khuất mặt. Và phép lịch sự của người đứng tiểu là phải lên tiếng - không phải là xin phép mà là thông báo, đề nghị các vị ẩn mặt nào đó nếu tình cờ xớ rớ ngay lúc đó thì nên tránh qua một bên để khỏi bị dính nước tiểu của người phàm.


Phải kể đến động tác rũ sạch những giọt nước tiểu còn đọng lại nữa, cứ như người đàn ông, khi đi tiểu xong, luôn luôn gục gặc bộ phận sinh vật của mình mà bái tạ đất đai. Chỉ có những cặp trai gái buông tuồng, lấy góc vườn tối làm chỗ ân ái chóng vánh, mới trơ tráo không thèm lên tiếng, báo cho người cõi âm nghe mà tránh qua một bên…

 

*Trích truyện ký ảo (viết gần xong) HỒN MA BIỂN.

 

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 114
Ngày đăng: 16.04.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện ngôi mộ của niềm hóa giải - Nguyễn Hoàn
Du xuân Yên Tử ký - Phan Anh
Ước nguyện hòa bình - Minh Tứ
Đẹp Tuyệt Đỉnh Là Phải… Cô Liêu - Nguyễn Hàng Tình
Về quê ăn tết với cái bụng đói - Phạm Nga
Ghi chép qua một chuyến đi: “Ăn” Dao, “chơi” Mường - Phan Anh
Hành trình “con chữ” Nguyễn Tiến Nên - Hoàng Xuân
Tôi đi buôn và nhọc nhằn mưu sinh (Phần 2: tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Tôi đi buôn (Phần 1) - Hoàng Thị Bích Hà
Tranh hoa giấy – sự sáng tạo không ngừng của họa sĩ – nghệ nhân Thân Văn Huy - Trang Thùy
Cùng một tác giả
Hoa ôm (ký)
Chuyện ở sau chùa (truyện ngắn)
Người già... (tạp văn)
Cữ sáng... (truyện ngắn)