Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
628
116.723.795
 
Tình hình Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An gần 200 năm trước; qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc.
Hồ Bạch Thảo

 

 

Ngày 13 [29/2/1836] đến tỉnh thành Quảng Bình (tục gọi là Động Hải, âm Đường gọi là Long Hồi) [Động Hải  nói chệch thành Đồng Hới], trú tại nhà Phố trưởng Hồng Cẩn (người Đồng An, Phúc Kiến). Sau vào yết kiến Bố chánh họ Ngô (1) ( tên là Dưỡng Hạo, tự Tông Mạnh, hiệu Cối Giang; xuất thân từ Cống sinh Quốc Tử Giám), ông ta có vẻ niềm nở nói:

“Xem diện mạo ông không phải là người tầm thường, xin được chỉ bảo về thơ.”

Rồi gọi rượu, ngay trên chiếu vừa ăn vừa bàn luận thơ văn, hứng khởi ngâm nga, các thuộc tòng cũng được dự tiệc. Khi về biếu một con gà, hẹn hôm sau sẽ gặp lại. Hôm sau sai thư lại đến giục.

Khi mới vào cửa, thấy ông họ Ngô đang cùng  Án sát họ Nguyễn (tên Đăng Uẩn) (2) xử kiện, nên tôi dừng chân trù trừ. Ông họ Ngô bèn cho giải phạm nhân đi, rồi mời ngồi trên giường, lại ngâm vịnh thù tạc; hỏi han phong tục, giáo hóa, nhân vật tại Trung Quốc. Ngồi lâu, mời ăn trưa; thay phiên đàm luận, lưu tâm đến vấn đề kinh tế; cảm khái tràn ngập, trò chuyện đến tối mới lui.

Ngày 15 [2/3/1836] ông họ Nguyễn có việc công phải đi; họ Ngô mang rượu đến, tay cầm ly nói:

“ Hôm nay là ngày Nguyên Tiêu, chúng ta cần ca múa ngâm vịnh, để đón buổi chiều đẹp.”

Ông ta đưa ly mời uống, tôi từ chối không dám ngồi lâu. Ông thấy phu khiêng võng đứng đợi bên đường, bèn nói:

“Cơ duyên gặp gỡ sao ngắn quá vậy!”

Ông đưa 3 quan tiền, cùng thơ phú tống tiễn; tôi y vận họa lại. Ông ra, sai gấp nhà trạm dưới cửa quan, dọn chiếu tiệc đợi tôi tới, lại đưa tiễn 3 chén; nước mắt chảy thành dòng, rồi nắm tay đưa ra khỏi quan ải. Ông đi khoảng 2 dặm thì trở lại, leo lên đỉnh ải [lũy Thầy] nhìn, vẫy tay ly biệt. Ông Hồng Cẩn cùng đồng hương Ngô Thâm (cùng người Đồng An ) [Phúc Kiến] cùng vợ con tiễn đưa, mỗi nhà đều đem thuốc tặng, đưa xa đến hơn 5 dặm, rồi khóc ly biệt. Chẳng mấy chốc quan binh hộ tống đến, trong đó có 1 người tùy tùng thân của Bố chánh họ Ngô sai đi để săn sóc trên đường (sau này khi đến Hà Tĩnh, tôi gửi thơ cảm tạ quan ). Chiều hôm đó trú tại chợ Luân (âm Đường gọi là Tọa Luân, cách Quảng Bình 40 dặm)  trời mưa không thấy trăng. Chủ nhân nhà hàng trương đèn, làm yến tiệc đón Nguyên Tiêu, lòng tôi càng thêm buồn.

 Từ chợ Luân đi 2 ngày đến chợ Ròn (lộ trình 80 dặm); mưa dầm không ngớt, y phục ẩm ướt thấm vào da thịt, lạnh không chịu nỗi. Từ chợ Ròn, qua 1 dặm đến sông Ròn [sông Ròn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình], trú tại Cổ Luân (âm Đường gọi là Cứ Luân) (3)

Ngày 19 [6/3/1836] trời hơi tạnh, đi 20 dặm [11 km] đến núi Hoành Sơn; đường núi quanh co, đi lên  2,3 dặm khúc khuỷu thấy một cửa quan chắn ngang, phía trên biển đề “Hoành Sơn Quan”; có viên quan coi đồn cùng mấy chục binh lính, ngày đêm phòng tra, đây là đường trọng yếu ra bắc. Qua khỏi cửa quan, thế đất thấp, vượt đất bằng hàng dặm; đi tiếp hơn 50 dặm [1 dặm=0.576 km.] trú tại Trung Cố (tên đất) [xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh].

 

Ngày 20 [7/3/1836] đến phủ Hà Hoa (phủ thành tại phía đông đường thiên lý khoảng 2 dặm); lại đi 3 dặm đến tỉnh thành Hà Tĩnh, trú tại nhà Vương Thất (người Triều Châu, Quảng Đông). Bấy giờ quan Bố chánh họ Cao ( tên là Hữu Dực, vào năm Nhâm Thìn Đạo Quang [2/2/1832-19/2/1833] từng phụng mệnh Vương, dùng thuyền quan hộ tống gia quyến viên cố Huyện lệnh Chương Hóa [Đài Loan] Lý Chấn Thanh, đến Hạ Môn [Phúc Kiến]; lúc về được gia phong hàm Gia nghị đại phu) (4), bị cảm lạnh không ra gặp, nên biên thư sai thuộc viên đến chỗ cư ngụ tạ lỗi, cùng nói rằng đã từng đến Trung Quốc. Ngày 21[8/3/1836]  ông họ Cao sai 2 viên quan Thông phán, Kinh lịch tiễn đưa; tôi để thư tạ biệt rồi đi.

 

Ngày 22 [9/3/1836] đến sông [sông Lam] thành Nghệ An (từ Trung Cố đến nơi này 200 dặm), trú tại nhà Lâm Tống (người Chiếu An)[Phúc Kiến]. Từ Quảng Bình đến Nghệ An khoảng 400 dặm, đất ẩm thấp, trên đường nhiều bùn dính vào chân, trơn trượt khó đi. Chỗ bình nguyên rộng rãi mấy chục dặm không thấy có khói bếp; trong chốn hoang vu ô uế, trộm cướp có thể ẩn núp, người đi đường cần phòng bị. Nhà trọ có thể dùng trùng độc hại người, trộn vào thịt bò, ân phải không cứu được; thứ thuốc độc này kỵ gừng Tây (cũng gọi là tiêu Tây Phương, trồng tại Hà Lan, hoa trắng có chấm xanh, nấu chín màu đỏ tươi, ruột chua cay, có thể ăn cả vỏ, có loại dài mà nhọn, có loại tròn mà nhọn), khi ăn nên thêm thứ đó vào, để phòng ngộ độc.

 

Ngày 23 [10/3/1836] gặp quan Tổng đốc (quan kiêm quản Hà Tĩnh, gọi là Tổng đốc Nghệ Tĩnh, họ Nguyễn; là thân thuộc Quốc vương, vị cao thế lớn, người ta không dám nói tên) (5) , Thư lại là Trịnh Đức Hưng (tổ tiên người huyện Đức Hóa, Phúc Kiến, có thể nói tiếng vùng Tuyền Châu) làm thông ngôn. Quan đặt sẵn 4 tên lính khỏe, cầm đao chầu chực hai bên sảnh đường ( ngày thường quan lớn lên sảnh đường, không cần phải hô chào, ra vào không phải đánh chuông dẹp đường), mời tôi vào, nói vài câu rồi rút lui. Hai viên quan lớn Bố chánh, Án sát có việc công đi vắng; có Giáo thụ Trần Hải Đình, Tú tài Hồ Bảo Định ( tổ tiên người Thuận Đức, Quảng Đông) đến cùng ngâm vịnh; ông họ Hồ thơ trong sáng, có tài mẫn tiệp; chiều tối lên đèn, chúng tôi ngâm vịnh đến gà gáy mới tan.

 

Ngày 24 [11/3/1836], viên hộ tống đến hỏi ngày ra đi, bèn khởi hành. Các đồng hương người Quảng Đông góp tiền tặng 3 quan; cùng nhau tiễn đưa đến ngoài phố. Ra khỏi thành Nghệ An 10 dặm, trời mưa lâm thâm; may không quá cực! Bên đường nhiều con công đậu trên cây, màu xanh dương chóa mắt, mưa bám vào đuôi nặng nề nên không thể bay xa. Sắp đến Thanh Hoa, có nhiều núi đá, vách thẳng đứng và cao, sừng sửng hiên ngang, như quỉ thần đẽo tạc, thiên nhiên gọt dũa, kỳ khôi không thể tả hết; chim công, bạch trĩ các loài thường tụ tập trên đó; hương vị mặn mà, hơn cả Đông Kinh.

 

Chú thích:

 

1.Đại Nam Thực Lục [ĐNTL], Hà Nội: NXB Giáo Dục, tập 4, trang 821, xác nhận vào tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 16 [20/12/1835-17/1/1836] Ngô Dưỡng Hạo làm Bố chánh tỉnh Quảng Bình.

2. ĐNTL, sách đã dẫn, tập 4, trang 821, xác nhận vào tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 16 [20/12/1835-17/1/1836] Nguyễn Đăng Uẩn làm Án sát tỉnh Quảng Bình.

3.Cổ Luân: Cạnh sông Ròn gần quốc lộ 1, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, hiện nay có tên đất Di Luân.

4.ĐNTL, sách đã dẫn, tập 4, trang 842, xác nhận Cao Hữu Dực làm Bố chánh Hà Tĩnh.

5. ĐNTL, sách đã dẫn, tập 4, trang 867, xác nhận vào tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 17 [17/2-16/3/1836] Tạ Quang Cự làm Tổng đốc An Tĩnh; chắc tác giả nghe người quen kể lại sai, nên bảo rằng Tổng đốc họ Nguyễn người Hoàng tộc.

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 146
Ngày đăng: 29.08.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình hình Huế, Quảng Trị gần 200 năm trước, qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc. - Hồ Bạch Thảo
Đích thực cho một tác phẩm - Võ Công Liêm
Tình hình Quảng Nam, Đà Nẵng gần 200 năm trước, qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc. - Hồ Bạch Thảo
Tình hình tỉnh Quảng Ngãi gần 200 năm trước, qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc. - Hồ Bạch Thảo
Cái nắng cái mưa và những cuộc rong chơi của bé - Hoàng Xuân
Đọc Kiều: Thương “khách viễn phương” - Ninh Giang Thu Cúc
“Hoài thu”, ban nhạc được cảm tác từ tùy bút “Cảm thu” - La Thụy
100. Vua Lê Thánh Tông. 6 - Hồ Bạch Thảo
Phật tính trong cây dâu tằm - Nguyễn Anh Tuấn
Theo Đoàn Quân – Cố quận ta về - Hoàng Dục
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)