Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
425
116.763.665
 
Khúc tráng ca trong tuyển tập “ Thời tôi mặc áo lính” của nhà văn Nguyễn Quang Hà
Hoàng Thị Thu Thủy

 

 

 

1. Tuyển tập “Thời tôi mặc áo lính” (2519 tr.) ([1]) là những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyễn Quang Hà. Tuyển tập thể hiện tài năng, tri thức văn hóa, tầm hiểu biết, sự từng trải của anh khi viết về một giai đoạn lịch sử hào hùng mà đau thương của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Trước 1975, văn chương của ta viết về chiến tranh nghiêng về yếu tố sử thi và lãng mạn. Sau chiến tranh, khi đã có độ lùi về thời gian, nhìn lại hiện thực chiến tranh, tính chân thực văn học đã làm nên sức hấp dẫn và thuyết phục. Thành công lớn nhất của nhà văn Nguyễn Quang Hà là đã viết về hiện thực tàn khốc của chiến tranh hết sức chân thực. Hiện thực đó vừa hào hùng, lẫm liệt mà cũng không kém phần bi thương. Chiến tranh nhân dân, phong trào sinh viên xuống đường… được nhà văn viết ra tường tận; tên người tên đất thân quen đến mức đọc văn của anh mà như gặp lại “cố nhân”.

Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Quang Hà không chỉ sâu sắc mà còn đa diện; sự từng trải ở chiến trường đã mài giũa cái nhìn trực diện, góc cạnh, bóc ra những “khuất lấp” về những bi kịch của số phận con người thời chiến. Nguyễn Quang Hà là người chiến sĩ đứng trong chiến hào viết văn và với tài năng của một nhà văn thì trong văn của anh có sự tham chiếu của văn hóa, quân sự, sử học…

 

Truyền thống văn chương yêu nước “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” đã bộc lộ sâu sắc trong lối viết của anh. Với lối viết sắc sảo, bén nhọn, dứt khoát, không thỏa hiệp khi viết về chân dung những kẻ tham gia kháng chiến, đi làm cách mạng mà “vinh thân phì gia”, tham lam, cơ hội, xu nịnh, đố kị, lợi dụng “ô dù”…; đây là những trang viết quá hay, cuốn hút, khiến người đọc không thể rời trang sách.

 

Đọc văn của anh người đọc vừa bắt gặp cái nhìn tinh tường của một lính trinh sát tài ba, lại vừa có lối quan sát tỉ mẩn của một nhà văn có trí nhớ tốt. Không gian chiến trường Thừa Thiên Huế trong những trang văn của anh được miêu tả kĩ càng từng chi tiết, từng địa danh, đến mức cảm giác như từng tấc đất, từng ngọn cỏ nơi đây thấm mồ hôi và máu của anh và đồng đội. Đọc văn của anh, ta sẽ được “chu du” cùng anh với không gian chiến trận hào hùng mà bi thương ở Thừa Thiên Huế. Một người lính từ miền Bắc vào Nam chiến đấu mà sao anh có thể gần gũi đến gan ruột, hiểu biết tường tận đến từng đường tơ kẽ tóc đến vậy?

2. Tuyển tập “Thời tôi mặc áo lính” đa dạng về thể loại, trầm ổn về giọng văn. Tiểu thuyết về nhiều phương diện đã và đang báo trước sự phát triển tương lai của toàn bộ nền văn học. Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Quang Hà đã khẳng định tầm vóc, vị trí của ông trong nền văn chương đương đại Việt Nam. Mỗi văn bản văn học đều là liên văn bản, nên mỗi tác phẩm trong tuyển tập có những quan hệ, kết nối, đối thoại và liên thuộc với nhau.

 

      Trong 2 tác phẩm “Lửa kinh thành, Nhật ký Đông Sơn” tác giả sử dụng lối viết theo thể ký sự, nhật ký với không thời gian cụ thể; thắng bại cụ thể là để gia tăng tính xác thực. Nhịp điệu câu văn dồn dập, sự kiện được kể liên tiếp nhau tái hiện không khí chiến tranh giai đoạn 1967, 1968. Không, thời gian chiến trường đậm đặc lửa khói chiến tranh, được lấp kín bằng các sự kiện, các trận đánh, các cuộc di chuyển, các cuộc đào hầm, ngụy trang… Điều gì khiến tinh thần chiến đấu, tinh thần cảnh giác, ý thức của người lính lên đến cực điểm; đó là lòng căm thù giặc, là niềm tin chiến thắng, là ý thức về sự đau thương. Sự mất mát và hi sinh của nhân dân quá lớn: giặc ném bom ở Phú Đa đã giết chết 325 em học sinh, sinh viên đang trên đường ra chiến khu; quả bom giặc giết chết cả gia đình anh Nguyễn Tá Thành (mẹ, vợ và hai con) (LKT); trong một trận càn, có 17 người dân vô tội bị giết (có mẹ, vợ đang mang thai, con gái của anh Quyền bị giặc buộc vào cọc tre và bắn chết - NKĐS)…

 

      Ở tác phẩm “Tiếng thở dài của đất”, tư duy tiểu thuyết đã làm dày thêm chất văn xuôi trong những trang văn khi viết về thân phận con người trong thời chiến. Từ cái nhìn cuộc sống ở góc độ đời tư, hình tượng nhân vật Đỗ Quyên – người đẹp truân chuyên, điển hình cho thân phận người phụ nữ chịu nhiều trắc trở trong chiến tranh mang đậm dấu ấn của văn hóa Kinh Bắc. Đỗ Quyên là hình tượng điển hình về con người nếm trải. Nhà văn đã miêu tả sâu sắc số phận éo le, gian nan, mất mát, đớn đau của cô bằng cái nhìn thấm đẫm văn hóa về thân phận con người, số phận con người. Chất văn xuôi, chất tiểu thuyết gia tăng ở những trang văn viết về mối tình của Đỗ Quyên với hai người chồng, với chặng đường chạy trốn của cô để thoát khỏi bọn người bỉ ổi; và dường như số phận trêu ngươi không chỉ với cô mà còn với con gái cô – Như đã trải qua những đớn đau vì nghi ngờ, mất mát và hiểu lầm trong tình yêu, để rồi nhắm mắt đưa chân lấy thằng Tồ Phu – một kẻ tàn ác và thâm hiểm; may mắn là cô thừa hưởng dòng máu quật cường của bố mẹ, nên dù một mình, Như cũng đã giết chết thằng chồng khốn nạn và lũ tay chân…

 

Cuộc chiến đến hồi kết, thì mọi đớn đau vẫn đổ lên đầu người phụ nữ đa đoan Đỗ Quyên: ba con trai đi lính cộng hòa, một con trai chết trận ở Quảng Trị, một con trai nhảy cầu sông Hàn tự tử, một con trai mất tích (sau này mới biết là qua Mỹ); còn cô con gái tên Nghĩa lên chiến khu, đến khi giải phóng rồi không hề về thăm bố mẹ, vì hãnh tiến, vì địa vị mà quên cả gia đình.

 

Bi kịch của gia đình Đỗ Quyên, gia đình ông Nhân  không còn là bi kịch riêng biệt. Cái chết không nhắm mắt của thầy giáo Thành (bố cô), vì theo Việt Minh mà đứng ra làm Lý trưởng; cũng như sự mất tích của ông Dũng (bố Nhân) mãi là vết thương đớn đau xoáy sâu vào tâm hồn người đọc. Con người không chỉ chống ngoại xâm, mà còn phải chống lại cả lòng đố kị, sự thù hằn, gian trá của những kẻ tham lam, lợi dụng Cách mạng để làm điều xấu. Chuyện Thái Công Nhất ôm 100 cây vàng vượt biên, để Tùng bị tai tiếng, bị kỉ luật, bị đuổi việc… Hay chuyện cô Trà My con ông Thiếu tướng đổ vấy chuyện con cái vào Tùng, bắt Tùng “đổ vỏ” không phải là chuyện hiếm thấy trong cuộc sống. Nhà văn không những quan sát sắc sảo, nắm bắt bản chất sự việc mà còn nhìn tường tận cái xấu, cái ác hiện hữu trong cái khốc liệt của chiến tranh. Dường như mỗi nhân vật trong tác phẩm đều không tương hợp với số phận và vị trí của nó; họ không có những ngày yên lành bởi chiến tranh, bởi lòng người hiểm ác. Chuyện cậu Thảo của Đỗ Quyên sau này phải thắt cổ tự tử, cho đến khi sửa sai thì phận người đã nằm dưới ba thước đất.

 

Đọc những trang văn của nhà văn Nguyễn Quang Hà khi viết về chuyện cưới xin của Đỗ Quyên với người lính; chuyện xưng hô chuyện trò của vợ chồng ông giáo Thành; chuyện Đỗ Quyên giữ trinh tiết trước bọn gian dâm… người đọc như được xem những thước phim quay chậm về văn hóa Kinh Bắc, một nền văn hóa đã in sâu trong tâm hồn chúng ta nét đẹp về thuần phong mĩ tục. Nhà văn đã thấm đẫm trong mình dấu ấn quê hương nên viết về Kinh Bắc đã hay; rồi nhà văn lại bám trụ ở chiến trường Thừa Thiên để viết về văn hóa nơi đây lại càng hay hơn. Địa danh Phú Đa bỗng trở nên gần gũi, thân thương dưới ngòi bút của anh.

Ở tác phẩm “Sông dài như kiếm”, “Vùng lõm” hình tượng người lính xuất thân không giống nhau. Thấp thoáng trong mỗi tập truyện là hình tượng người chỉ huy huyền thoại Thân Trọng Một (tập 4, có hơn 200 tr. sách viết về ông); còn người lính điển hình trong tiểu thuyết của anh là những con người bình thường. Phan Hưng – Trường Giang (SDNK) là sinh viên, chủ bút tờ “Tiếng gọi sinh viên”, bị giặc truy đuổi, lên chiến khu, dù bị đố kị, hãm hại vẫn là một người lính anh hùng bởi ở anh không chỉ có lòng dũng cảm, mà còn có tài quân sự, trí tuệ của một sinh viên đã học đến năm cuối. Nguyễn Văn Dư (VL) là lính từ miền Bắc vào, được cử về xã Mai Trung, huyện An Lạc chỉ huy du kích bám trụ chiến đấu; ở anh hội đủ 3 điều: dũng cảm, mưu mẹo, thương người… Câu chuyện xoay quanh cuộc chiến một mất một còn ở xã Mai Trung đã thể hiện toàn diện phẩm chất người lính ở Nguyễn Văn Dư: Xây dựng phong trào, chỉ huy các trận đánh, diệt ác ôn, lôi kéo lính ngụy, chỉ đạo nhân dân biểu tình, chấp nhận hi sinh tình cảm cá nhân để giữ đoàn kết nội bộ; và người lính ấy nhảy khỏi hầm bí mật để cứu đồng bào Mai Trung, cái chết của anh lẫm liệt và bi thương. Đây cũng là cái kết khá buồn ở tiểu thuyết Vùng lõm.

 

3. Mỗi nhân vật trong văn của anh vừa mang vẻ đẹp nho nhã của con người kinh Bắc, vừa mang vẻ đẹp đài các của miền núi Ngự sông Hương; văn hóa Huế và Kinh Bắc in dấu trên mỗi trang văn của anh. Hai nhân vật nữ rất đẹp trong tiểu thuyết của anh là nhân vật Đỗ Quyên (TTDCĐ) mang vẻ đẹp của người con gái Kinh Bắc và Hoàng Lan (SDNK) mang vẻ đẹp của người con gái đất Cố đô. Thấp thoáng hình bóng những người con gái đẹp, trong trắng, trinh nguyên của các cô gái giao liên như An Châu (SDNK), Hoài (VL) chưa được yêu thương thì đã bị hãm hiếp hoặc hi sinh vì chiến tranh… Hình ảnh những người con gái, phụ nữ bị giặc tra tấn dã man, dù chỉ miêu tả thoáng qua cũng để lại ấn tượng về số phận éo le của người phụ nữ thời chiến. Có nhà văn từng nói rằng: tất cả các cuộc chiến tranh lớn nhỏ qua đi đều để lại hậu quả ghê gớm với những người mẹ già, những người phụ nữ và những đứa con thơ. Đọc văn của Nguyễn Quang Hà ta càng nhận ra nỗi đớn đau của những người mẹ, người vợ, những thanh thiếu nữ họ không chỉ “trở về nuôi cái cùng con” mà họ cùng tham chiến, sự tra tấn, hay vết thương trên cơ thể họ, trong lòng họ đớn đau bội phần vì họ là phụ nữ. Nhà văn đã viết đầy sức thuyết phục về người mẹ của một sĩ quan cộng hòa - Trung úy Phan Lộc – gia đình tang tóc, chết một lúc 6 người vì bom đạn, từ nỗi đau đớn của gia đình, từ sự giúp đỡ của bà con, hai mẹ con đã trở về với nhân dân một cách lặng lẽ mà đầy ý nghĩa. (Thông tin mật từ Phan Lộc qua mẹ của mình đã giúp cho du kích và nhân dân an toàn khi có trận càn của giặc - VL).

 

Soi chiếu trên nhiều góc độ để đánh giá người lính, nhà văn chú trọng miêu tả về tính cách nhân vật (qua ngoại hình, ngôn ngữ, hành động…). Miêu tả ngoại hình nhân vật, nhà văn sử dụng lối đặc tả về khuôn mặt (kèm một chút đánh giá về tướng số - ví dụ: miêu tả hàng lông mày của Huỳnh Thế Tố - VL); về hành động của nhân vật nhà văn tập trung vào câu chuyện về  các trận đánh với chiến công vang dội, để người đọc nhận ra chân dung những người lính quả cảm, trí tuệ, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Văn phong gãy gọn phù hợp với câu chuyện kể ở chiến trường, lối viết sắc sảo theo kiểu “điểm huyệt” khiến cho cái tốt, cái xấu của mỗi kiểu người trong chiến trận hiện ra mồn một. Đặc biệt là tên thật của một vài nhân vật trong truyện đã có sức thuyết phục: Thân Trọng Một, Bảy Khiêm, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Phùng, Hoàng Dũng… Giọng kể của nhà văn dù ở ngôi kể nào, thì người đọc cũng nhận ra hình bóng Nguyễn Quang Hà. Nhà văn tài năng là người làm sống lại câu chuyện của ngày hôm qua, câu chuyện của những con người vừa tham gia chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vừa phải vượt qua những éo le của số phận.

 

Thành công của nhà văn ở việc xây dựng hình tượng nhân vật phản diện. Nếu văn học nghiêng về yếu tố sử thi và lãng mạn thì văn học sẽ tô đậm chiến công của nhân vật anh hùng, mà miêu tả sơ sài nhân vật phản diện; còn khi đã viết chân thực về hiện thực chiến tranh, thì sẽ xây dựng hình tượng nhân vật phản diện điển hình. Hệ thống các tên lính giặc, đồn trưởng, ác ôn hay bọn chiêu hồi, phản bội nhân dân và đồng đội đều được nhà văn điểm mặt, chỉ tên; bút lực của anh tập trung miêu những kẻ gọi là “đồng chí” mà hiểm ác. Đây mới thực sự là sự thành công trong thi pháp xây dựng nhân vật ở anh. Từ tên Quản, Phú Nhuận, Lâm và Hoàng trong SDNK, hay Huỳnh Thế Tố trong VL đều có chung một loại tính cách là thâm hiểm, cái thâm hiểm xuất phát tính đố kị, tham vọng cá nhân, ích kỉ, cơ hội, xu nịnh… Liên quan đến bọn ba vua là câu chuyện ô dù – đó cũng là điều đáng suy ngẫm, đọc sách cho ta thêm hiểu biết là vậy, càng đọc, càng hiểu và càng tìm cho mình lối đối nhân xử thế phù hợp.

      5. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tuyển tập của nhà văn Nguyễn Quang Hà là tình cảm yêu nước không hề phai nhạt trong mỗi một con người. Lòng yêu nước là căn cốt, và cũng nhờ cái căn cước bất di bất dịch ấy mà dân tộc ta đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tuyển tập “Thời tôi mặc áo lính” là khúc tráng ca hào hùng; mà tôi chỉ trình bày cảm nhận của mình trong vài trang giấy mỏng, kính mong nhà văn chỉ giáo và lượng thứ!

Huế, ngày 22/4/2023

 

 

 

     



([1]) Tuyển tập “Thời tôi mặc áo lính” (TTMAL) gồm 4 tập, tập 1 (485 tr.) gồm 2 phần: Lửa kinh thành (LKT), Nhật ký Đông Sơn (NKĐS); tập 2 (560tr.): Tiếng thở dài của đất (TTDCĐ); tập 3 (790tr.): Sông dài như kiếm (SDNK), Vùng lõm (VL); Tập 4: (684tr.): Người điệp báo quả cảm, Thân Trọng Một – con người huyền thoại, Bạn bè một thuở, Thủy Tranh trong tôi.

 

 

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 493
Ngày đăng: 19.05.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái - Sự hợp hôn diệu kỳ trong thơ Hoài Vũ * - Trần Hoài Anh
Đọc “Qua đêm” của Nguyễn Tiến Nên - Hoàng Xuân
“Chân dung người hàng xóm” – một truyện hay về bọn Trung Quốc xâm lược. - Nguyễn Anh Tuấn
Đọc bài thơ “Say Yêu” nghĩ về thơ tình của Đặng Xuân Xuyến * - Vũ Thị Hương Mai
Phồn Sinh một trường ca khổng lồ - Đỗ Hoàng
Hình & bóng - Đặng Ngọc Như
Với Nguyễn Đức Tùng, thơ văn-kể như một thử nghiệm chuyển hóa thơ Việt? *) - Đỗ Quyên
Bạch Diệp - “Khuấy thinh lặng trong tách trà màu bạc” - Bùi Thị Diệu
Thơ nhạc hòa thanh khi hoa ngô đồng nở - Võ Quê
Đọc truyện ngắn “Cơn gió bên bờ vực” của Trương Văn Dân - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả