Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.416 tác phẩm
2.747 tác giả
592
116.876.787
 
Những cây bút trẻ Tp Hồ Chí Minh mươi lăm năm trở lại đây.
Trần Thanh Giao

Mươi lăm năm trở lại đây, cùng với sự phát triển và đổi mới của văn học thành phố, một đội ngũ người viết trẻ đông đảo, với sức viết dồi dào đã liên tục xuất hiện, tiếp sức cho đội ngũ nhà văn từ kháng chiến trở về. Có thể chia ra từng thời kỳ để tiện quan sát.

 

Thời kỳ từ 1991 đến 1995:

 

Trong thời kỳ này, sáng tác văn học của thành phố tiếp tục phát triển, một số tên tuổi mới dần tự khẳng định trên văn đàn. Có thể kể: Nguyễn Đông Thức, Phan Thị Vàng Anh, Hoàng Đình Quang, Đoàn Thạch Biền, Mường Mán, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trầm Hương, Ngô Thị Kim Cúc, Thái Thăng Long, Bùi Chí Vinh, Phạm Sỹ Sáu, Đỗ Trung Quân, Trương Nam Hương, Thanh Nguyên, Nguyễn Thái Dương, Phạm Thị Ngọc Liên, Khánh Chi, Tôn Nữ Thu Thủy, Lê Minh Quốc, Trần Hữu Dũng, Võ Phi Hùng, Nguyễn Trọng Tín, và nhiều cây bút khác nữa, nhiều người đã sống ở thành phố từ trước giải phóng.

Phần lớn những cây bút này đã viết trước thập niên 1990, có người còn viết trước ngày giải phóng, đến thời kỳ này họ đã tự khẳng định mình là những nhà văn đang sung sức của thành phố. Nguyễn Đông Thức đã viết hơn chục tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn: Ngọc trong đá (1986), Mưa khuya (1987), Trăm sông đổ về biển (1988), Vĩnh biệt mùa hè (1990), Ngôi sao cô đơn (1992), Vòng tay bè bạn (1997), Trái tim con rắn (1994), Những câu chuyện tình (1994)…, dăm kịch bản phim truyện và vài kịch bản sân khấu, trong vòng mươi lăm năm, và khá "ăn khách".

 

Nguyễn Đông Thức là sinh viên đại học Sài Gòn, sau giải phóng anh tham gia Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam. Ngọc trong đá  (Nxb Trẻ) là tiểu thuyết đầu tay của anh có tiếng vang rộng rãi. "Nó đã đến với người đọc nhẹ nhàng và để lại trong lòng họ những cảm xúc sâu lắng… Chất lý tưởng và lãng mạn tràn đầy, bàng bạc như một thứ men say, mãi làm những lớp thanh niên ngày ấy và ngay cả bây giờ vọng tưởng về những chàng trai, những cô gái đã có những tháng ngày tự vượt qua bản ngã để khẳng định cái tôi đích thực của mình: một thực thể của quê hương yêu dấu" (Nguyễn Thị Kim Anh, 25 năm một vùng tiểu thuyết, Nxb Khoa học xã hội, 2002). Những vấn đề Nguyễn Đông Thức đặt ra trong tác phẩm của mình là những vấn đề mà tuổi trẻ mới bước vào đời rất quan tâm, mở ra một hướng đề tài mới mẻ và rất cần thiết cho văn học thành phố mới giải phóng, cách giải quyết nhẹ nhàng, có đạo lý khiến tác phẩm anh được bạn đọc tiếp nhận và mến mộ. 

 

Phan Thị Vàng Anh tốt nghiệp Y khoa Tp Hồ Chí Minh 1993, ngay từ những tác phẩm đầu tiên, chị đã thể hiện một phong cách riêng, được bạn đọc mến mộ. Có thể kể những tác phẩm đã xuất bản của chị: Khi người ta trẻ, truyện ngắn (1993), một năm sau được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Ở nhà, truyện vừa (1994), Hội chợ, truyện ngắn (1995)…

 

Nguyễn Thị Minh Ngọc vừa làm đạo diễn sân khấu vừa viết văn, các tập truyện ngắn Ngọn nến bên kia gương (1992), Một mình bước tới (1994) của chị mang đến những đề tài mới, một giọng văn nữ mới trong văn xuôi thành phố. Truyện dài Trình Tiên (1995) và truyện vừa Năm đêm với bé Su (1995) cũng được dư luận chú ý, riêng cuốn sau được giải A Văn học thiếu nhi của Nxb Kim Đồng. Chị cũng được giải thưởng kịch bản sân khấu toàn quốc với vở Đứng giữa đồi cao, và giải thưởng của Hội Sân khấu và Đài Truyền hình Tp Hồ Chí Minh với kịch bản Một nửa của tôi đâu?

 

Hoàng Đình Quang từng đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ, đã có một số sáng tác trước đó, sau giải phóng, anh làm báo, thời kỳ này mới viết văn trở lại. Anh có tiểu thuyết Những ngày buồn (1992) được giải thưởng Văn học công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nói về những người lao động bị mất việc sau khi chế độ bao cấp bị xóa, cơ quan xí nghiệp bước đầu chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Anh cũng có tập truyện ngắn Mùa chim ngói (1995), được dư luận chú ý.

 

Mường Mán là một cây bút văn xuôi viết rất khỏe, chỉ trong vòng năm, bảy năm đã in ra hơn chục cuốn tiểu thuyết "bán được". Có thể kể: Lá tương tư (1989), Tuần trăng mê hoặc (1990), Mùa thu tóc rối (1990), Chiều vàng hoa cúc (1992), Trộm trái vườn người (1993), Bèo nước long đong (1995)…

 

Phạm Thị Ngọc Liên viết báo, có lúc làm diễn viên điện ảnh, làm thơ, viết văn… Chị có những tập thơ Những vầng trăng chỉ mọc một mình (1989), Biển đã mất (1990), Em muốn giang tay giữa trời mà hét (1992)…

 

Trầm Hương quê ở Bến Tre, xuất thân là một kỹ sư trồng trọt, rồi làm cán bộ biên tập cho Đài truyền hình Vũng Tàu, sau về làm cán bộ Nhà bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tại thành phố Hồ Chí Minh; chị viết nhiều thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết… có nhiều sáng tác được chú ý như các tiểu thuyết Thị trấn không đèn (1990), Mưa biển (1991), Người đẹp Tây Đô (1996) và nhiều tác phẩm dài hơi, có tiếng vang sau này nữa như Đêm trắng của Đức giáo tông, hay Mẹ, tập ký sự về các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Nguyễn Trọng Tín trong kháng chiến chống Mỹ từng làm du kích xã, công tác thanh niên rồi làm văn nghệ ở Cà Mau, về "định cư" ở thành phố Hồ Chí Minh khá muộn; anh lớn lên từ vùng căn cứ nổi tiếng của Nam bộ, với các trường ca Đầu mùa mưa (1980), Chân dung người du kích (1985), các tập thơ Dấu chân trong rừng, Mưa bay trên sông (1990) và tiểu thuyết Bè trầm (1989) báo hiệu một cây bút Nam bộ rất có sắc thái… Những tập truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ… của những tác giả đã kể bên trên, và nhiều tác giả khác nữa của thành phố, làm nên bức tranh màu sắc rộn ràng của những cây bút đang sung sức và càng ngày càng tự khẳng định.

 

Thời kỳ từ 1995 đến 2000:

 

Thời kỳ này có mấy đặc điểm đáng chú ý:

Lớp nhà văn thành phố tạm gọi là "lớp sau 1975" dần trưởng thành, viết đều và sung sức, nhiều sáng tác mới ra đời đề cập nhiều đề tài và lĩnh vực mới trong đời sống xã hội. Nhiều người trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, như Nguyễn Nhật Ánh, Phan Thị Vàng Anh, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Trí Công, Ngô Thị Kim Cúc, Lê Xuân Đố, Đặng Hấn, Đào Chí Hiếu, Tô Hoàng, Trương Nam Hương, Trầm Hương, Phan Triều Hải, Kim Quyên, Lê Minh Quốc, Lê Thị Kim, Phạm Thị Ngọc Liên, Thái Thăng Long, Tạ Nghi Lễ, Trần Hữu Lục, Mường Mán, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phan Tường Niệm, Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Thảo Phương, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Hoàng Đình Quang, Phạm Sĩ Sáu, Cao Xuân Sơn, Lê Quang Sinh, Phùng Thiên Tân,  Nguyễn Vũ Tiềm, Trần Quốc Toàn, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Trường, Tôn Nữ Thu Thủy, Inrasara… Danh sách này mỗi năm lại được bổ sung những tên tuổi mới như Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Ngọc Thường Đoan, Nguyễn Hồ, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Thái Dương, Lê Hoàng Anh, Nguyễn Công Bình, Trần Hữu Dũng, Võ Thị Kim Liên, v.v…

 

Trong số này, có những nhà văn viết rất khỏe và ngày càng tỏ ra sung sức, có người có thể sống được bằng ngòi bút của mình. Có thể kể trường hợp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nguyễn Nhật Ánh vừa viết văn, vừa làm thơ. Anh có mặt trên văn đàn rất sớm sau ngày thành phố giải phóng. Thơ anh cùng với thơ Lê Thị Kim mang đến cho thơ thành phố hơi thở mới. Anh quê miền Trung, học tiểu học và trung học tại quê nhà, rồi vào Sài Gòn học Đại học sư phạm. Sau ngày giải phóng, anh đi thanh niên xung phong, làm công tác thiếu nhi, dạy học. Mảng sáng tác quan trọng nhất và thành công nhất của anh là viết cho thiếu nhi. Anh cũng được nhiều giải thưởng văn chương trong lĩnh vực này. Anh có sách xuất bản từ những năm 1980 và in sách đều đặn từ đó đến nay, mỗi năm ít nhất cũng có một cuốn. Từ 1995, anh cho xuất bản truyện dài nhiều tập Kính vạn hoa được dư luận đánh giá tốt, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam… Trầm Hương cũng là một nhà văn trẻ, sung sức, gặt hái được nhiều thành công như đã giới thiệu bên trên. Trẻ hơn nữa có Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Châu Giang… mà tên tuổi đã được người trong giới và bạn đọc chú ý…     

Thời kỳ từ 2001 về sau:

 

Thời kỳ này có mấy điểm đáng chú ý:

- Điểm đặc biệt là một lớp người viết văn mới, còn rất trẻ, tạm gọi là "lớp sau 2000"xuất hiện ngày càng đông đảo. Nhiều người có sáng tác tốt, lần lượt trở thành hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh như: Nguyễn Thúy Ái, Trần Gia Bảo, Nguyễn Thị Cẩm Châu, Phan Hoàng, Nguyễn Hồng Lam, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Trọng Nghĩa, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Thu Phương, Bùi Anh Tấn, Phan Trung Thành, Liêm Trinh, Nguyễn Danh Lam, Tiến Đạt, Đoàn Hoài Trung…

 

Nhiều người vì hoàn cảnh khác nhau chưa vào Hội nhưng cũng có nhiều sáng tác đáng chú ý như: Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Đoàn Tú Anh, Võ Ca Dao, Võ Mạnh Hảo, Thúy Hằng, Trương Gia Hòa, Thục Linh, Hải Miên, Hà Đình Nguyên, Kim Nhường, Song Phạm, Trần Đình Thọ, Đoàn Diễm Thuyên, Trương Huỳnh Như Trân, Bùi Thanh Tuấn, Nguyễn Phong Việt, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Hồng Dung, Lam Điền, Quân Thiên Kim, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thụy, Trần Văn Thưởng, Phương Trinh, và nhiều cây bút khác nữa. Danh sách này ngày càng dài cùng với thời gian.

 

Nguyễn Thúy Ái có các tiểu thuyết Suối nguồn mùa xuân (1999), Người đàn bà trên cánh gió (1999), Lời nguyện cầu của cô gái nhỏ (truyện thiếu nhi, 2001), Những người lãng mạn (tập truyện ngắn, 2002).

 

Nguyễn Thu Phương trong vòng ba bốn năm đã liên tiếp in mấy tập truyện ngắn, có tập đã được tái bản: Cười trong mơ, Cây lẻ bạn, Những mảnh đời không khớp, Ngồi tựa mạn thuyền, Lối nhỏ vào đời… Cô còn có nhiều kịch bản sân khấu như Thời con gái đã xa, Ở trọ, Con yêu, Nhà có ba chị em, Màn kịch vụng về, Một nửa thiên đường, v.v… Nguyễn Thu Phương cũng vừa được giải C của Nhà xuất bản Thanh Niên và báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ năm 2004 với tập truyện ngắn Luân sinh. Bùi Anh Tấn cũng đã có mấy cuốn tiểu thuyết, đáng chú ý là Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (Nxb Văn hóa dân tộc, 2002) dài gần 700 trang với những dòng rất tâm huyết và những lý giải có chiều sâu và khá thuyết phục về thời đại của Nguyễn Trãi.

 

Liêm Trinh ngoài những truyện ngắn được giải thưởng của báo Thanh niên in chung trong các năm 2002, 2003, còn có các truyện vừa Nàng võ sĩ bé bỏng (2002), Vua mộng mơ (2003)…

 

Nguyễn Thị Cẩm Châu, ở thị trấn Cần Giờ, nơi có rừng và biển cũng có các tập truyện ngắn Bất ngờ lưng chừng trời (2003), Điên vì yêu (2003), truyện vừa Bất ngờ của rừng và biển (2004)…

 

Phan Hoàng có các tập thơ Tượng tình (1995), Hộp đen báo bão (2002) và những tập phỏng vấn được chú ý như Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam (ba tập 1997, 1998, 1999), Phỏng vấn người Sài Gòn (hai tập, 1998, 1999), Phỏng vấn người Hà Nội (2000)…

 

Ly Hoàng Ly được chú ý vì có hơi thơ riêng và lạ, có những chùm thơ được giải thưởng của báo Tuổi trẻ.

 

Lê Thiếu Nhơn có các tập thơ Bài ca phía mặt trời (1997), Dốc gió (1999), Mưa khuya rơi tiếng gọi (2004)…

 

Phan Trung Thành có các tập thơ Vọng sông quê (2001), Mang (2004), v.v… Nhiều cây bút chưa phải hội viên nhưng cũng có sáng tác rất đáng chú ý như :

 

Nguyễn Ngọc Thuần, giải nhất cuộc thi Văn học tuổi hai mươi của Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh với tập truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và đứng đầu giải B (không có giải A) cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ của Nhà xuất bản Thanh niên và báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều bạn viết trẻ được Hội Nhà văn thành phố tài trợ một phần hay toàn phần để in sách hoặc tự mình in sách như quyển truyện ngắn Một nắm mưa trên Ngôi nhà Mondrian của :

 

Vũ Đình Giang và Phan Hồn Nhiên, in trong năm 2004 rất đẹp (Vũ Đình Giang cùng Trần Nhã Thụy đều được giải khuyến khích của cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ, và Đoàn Hoài Trung cũng được tặng thưởng của cuộc thi này).

 

Nguyễn Danh Lam có tiểu thuyết Bến vô thường (Nxb Hội Nhà văn vừa in xong và nộp lưu chiểu trong quí I-2005) dài 300 trang, mới phát hành đã được chú ý.

 

Trường hợp của Mạc Can khá đặc biệt, anh không còn trẻ tuổi đời, là nghệ sĩ sân khấu xiếc và hài, năm 2004 anh in tiểu thuyết Tấm ván phóng dao ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn và liền được dư luận rất khen, v.v… Nhiều cây bút trẻ đã có năm, bảy đầu sách, với giọng điệu, đề tài, vấn đề… đặt ra rất mới mẻ. Hội Nhà văn thành phố đang rất quan tâm bồi dưỡng lực lượng này bằng cách giúp in sách, mở trại bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ Khóa IV, mời đi tham quan thực tế như đối với các hội viên, và đã tổ chức cuộc gặp mặt những người viết văn trẻ thành phố lần thứ nhất vào cuối năm 2003. Còn nhiều điều cần phải quan sát sâu, theo dõi và giúp đỡ thấu đáo hơn, cũng như còn nhiều dịp để nói kỹ hơn về các cây bút trẻ tạm gọi là "lớp sau 2000" của thành phố…

 

Những người viết văn trẻ thành phố không ngừng học tập, nỗ lực sáng tạo để ngày càng có nhiều tác phẩm thật hay.  Chúng ta không vì thích thú riêng, cảm thụ thẩm mỹ riêng mà đề cao một xu hướng này lại dè bỉu hoặc loại bỏ một xu hướng khác, luôn có ý thức đâu là xu hướng chủ đạo, cần cổ vũ, khuyến khích, nhất là trong khi chúng ta vẫn thường xuyên nhấn mạnh tác phẩm văn học hay phải có tính tư tưởng và nghệ thuật cao (tính tư tưởng luôn được đặt lên trước), cả hai tính này hòa quyện hữu cơ, không thể tách rời. Bởi vì mối quan hệ biện chứng này luôn luôn phải được xử lý thích đáng giữa "nội dung và hình thức", giữa "mục đích và phương tiện" (nội dung quyết định hình thức, mục đích quyết định phương tiện), thể hiện qua việc đấu tranh không dứt giữa "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh"… Nếu nhầm lẫn hoặc đặt sai vị trí của các cặp phạm trù này trong lý luận, hoặc giữa "nghệ thuật" và "nhân sinh" trong thực tiễn, hay không hiểu thấu đáo đặc thù của sáng tạo văn chương nghệ thuật mà cứ "trói buộc", hoặc cổ vũ quá mức cho một xu hướng, nhất là xu hướng không chủ đạo, thì đó là nguồn gốc của sự bất ổn trong sáng tác và thưởng thức văn chương (như ta đã thấy trong mấy chục năm qua).

Tuy nhiên, nhà văn và nghệ sĩ là những người hoạt động theo những đam mê và sở thích riêng, càng đam mê, họ càng có "đất" để làm nên những sáng tác tuyệt hay của riêng mình; và cũng không loại trừ những đam mê hoặc những thể nghiệm chưa chín chắn, có khi xa rời tính hướng thiện, hoặc có thể gây nguy hiểm hay hiểu lầm về chính trị, nhất là trong văn học, hình thái nghệ thuật gắn rất chặt với tư tưởng…

Vì vậy, vai trò của những người được xã hội giao cho trọng trách "quản lý" văn hóa nghệ thuật cũng như những nhà phê bình lý luận (cả những nhà báo trên lĩnh vực này) là rất lớn, họ phải là những "nghệ sĩ tỉnh táo" nhất để vận dụng, điều hành những mối quan hệ hết sức tế nhị và phức tạp này, trên cái "mặt trận" hết sức nhạy cảm này, và họ cũng có trách nhiệm nếu không phải là lớn nhất thì cũng không nhỏ trong tình hình bất ổn của văn chương thời gian qua.

                                                                              *

 

Lực lượng viết văn trẻ là một bộ phận của lực lượng sáng tác thành phố, mươi lăm năm qua nó đã đóng góp nhiều và ngày càng trở thành lực lượng sáng tác văn học chủ lực của thành phố.  Được thừa hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới trong văn học, văn chương của các cây bút trẻ đang dần thoát khỏi mọi trói buộc cũ, kể cả trói buộc trong những xu hướng và cảm thụ hẹp hòi, để cho sáng tác ngày càng đa dạng và phong phú, miễn nó nhằm đúng mục đích hướng thiện, tức giữ vững định hướng của chủ nghĩa nhân văn, hướng tới cái đẹp và cái cao thượng.   

 

Trần Thanh Giao
Số lần đọc: 5595
Ngày đăng: 07.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
30 Năm sáng tác văn học Tp Hồ Chí Minh - Trần Thanh Giao
Kỷ niệm 240 năm sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du :Giả thiết về cái chết của tác giả Truyện Kiều - Trần Ngọc Vượng
Nhân Ngày Hội Thơ Việt Nam( Rằm tháng Giêng năm Giáp Thân) : ĐỐI THOẠI VÀ CHUẨN MỰC THI CA - Võ Tấn Cường
Những thông tin chính thức của chính tác giả về Bài thơ Kỷ vật cho em của Linh Phương - Linh Phương
Ba tác phẩm vừa được tái bản của NHÀ VĂN TRIỆU XUÂN - Ngô Thanh Hương
Sự lệch chuẩn của ngôn ngữ thi ca - Võ Tấn Cường
Cách nói - Nguyễn Hữu Hiệp
Cách diễn đạt, sự chạm khắc và phong cách viết - Trúc Thông
Đền thờ quốc mẫu âu cơ - Phạm Anh Hoan
Đi chợ ma mua chiếu - Gia Bảo