Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
498
116.795.578
 
Nhớ tím
Phạm Minh Châu

Cách đây chừng một tháng,từ Sài Gòn về lại Di Linh,đi qua Phan Thiết lên bằng quốc lộ 28,mục đích là muốn đi lại con đường quanh co đèo dốc bạc ngàn xanh,xanh đến tận chân mây để thưởng lãm vẻ ngoạn mục hùng vĩ của mênh mông Tây Nguyên.

 

            Gần một giờ đồng hồ kể từ thành phố Phan Thiết,tôi và mấy người bạn đã có mặt tại làng Gia Bắc. Ngồi bên quán lá ven đường nhấm nháp ly cà phê.Chiều rơi,những tia nắng vàng cuối ngày ong óng trên tán lá lấp lánh rồi yếu dần,chuyển màu,cũng là lúc không khí của rừng bắt đầu se se.Không mặc áo lạnh mới thấy hết cái rờn rợn chạy dọc cơ thể mà thích thú làm sao,bỡi cảm giác ấy đã lâu tôi mới được tận hưởng nó.

 

            Trong cái lành lạnh của rừng làm cho tôi bồi hồi nhớ nhiều kỷ niệm của ba mươi năm công tác trong ngành văn hoá thông tin Lâm Đồng.Những buôn làng xa,đồng bào dân tộc,tôi yêu làm sao một thời đầy ắp cảm xúc,thương làm sao những em nhỏ bụng trần chân đất mặt cứ nghệch ra,chăm chú lên sân khấu nhìn các anh chị trong đội thông tin lưu động biểu diễn văn nghệ.

 

            Có những ký ức không thể nào quên được,bỡi với tôi là quá thân thương,những giọng nói lơ lớ của bà con dân tộc làm tôi quí mãi,và mỗi khi gặp nhau tay bắt miệng cười vui vẻ:Niam sá ( câu chào ),unch ngăi ( cám ơn ),ngách jơ (tạm biệt ) át tê (bắt tay),nhô lăh (uống rượu),soat (cạn-100%),Brăm dứt (50%-một nửa ) … Bấy nhiêu thôi cũng làm cho cảm giác tôi man mác.Ngồi tại Gia Bắc,nhìn những chàng trai cô gái chiều về rẫy (nói theo kiểu đồng bào là:đi rẫy về) trông chân chất quá,cuộc sống của họ thật đơn sơ,giản dị,đơn sơ đến bình thường,không tham lam,không bon chen,không giành giựt,không toan tính,không vụ lợi …mà thèm làm sao.Bỡi đã có những tháng ngày từng sống với Họ nên tôi đồng cảm,thương yêu.

 

            Hồi tưởng,

            Yêu sao những đêm cùng anh chị em cộng tác viên đi biểu diễn văn nghệ ở các vùng đồng bào dân tộc đến tận nửa khuya mới về,khi con gà rừng lên tiếng gáy. Trên xe,trời tối đen,chiếc xe cà tàng chở đội văn nghệ,lúc la lúc lắc đi qua con đường gập ghềnh dốc đá,bùn trơn. Thế mà vui,vui lắm,thương lắm.Đêm tối,bụng đói,thế mà cứ hát,hát xuyên màn đêm,hát vang tận những cánh rừng đi vào sâu thẳm. Những ca từ của những bài ca truyền thống cách mạng cứ làm cho lòng tôi xốn xang mãi - Sao mà hay đến thế,đẹp đến thế. Nào: Năm anh em trên một chiếc xe tăng như năm bông hoa nở cùng một cội…Đồng chí ơi người chiến sĩ Giải Phóng quân Miền Nam anh hùng thành đồng tổ quốc,Anh đi về đâu từ Qui Nhơn đến Biên Hoà,vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long …Ta là con của núi non Trường Sơn đá mòn mà đôi gót không mòn,ta đi nhằm phương xa …Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn hai đứa ở hai đầu xa thẳm…Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh tiếng hát ai vang đống núi rừng,vân vân và vân vân… Và,cứ thế hát mãi,hát xuyên con đường quanh co đèo dốc,hát cho tới khi trước mặt hiện ra những ngọn đèn  vàng của thị trấn lờ mờ trong sương đục . Thế,là đã về đến nhàrồi,sẽ được ăn tô hủ tíu nóng giữa trời khuya lạnh đã trở thành thói quen của những đội văn nghệ như chúng tôi.

 

            Những chuyện ấy,với tôi giờ đây không có nữa.Chỉ là kỷ niệm.

            Trong tiếng gió xào xạc của rừng,dường như dư âm xưa vẫn quẩn quanh đâu đây làm cho lòng tôi thắt lại.Những giọng nói,nụ cười thân quen,những bài ca,điệu múa,những đêm biểu diễn,những chuyến đi,con đường gập gềnh bùn đá,những buôn làng xa,những đội viên thông tin lưu động sao mà tôi yêu đến vậy.

            Nhắm mắt lại nó cứ hiển hiện mà vô hình./.

 

Vũng Tàu tháng 10/2005

 

 

Phạm Minh Châu
Số lần đọc: 2167
Ngày đăng: 28.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
VIỆT NAM trong tim - Dương Ðình Hùng
Quán nhớ - Nguyễn Ngọc Tư
Sành điệu hay đua đòi - Tâm Việt
Hiên trước nhà một bà già tốt bụng - Nguyễn Ngọc Tư
Lưu lạc một vần thơ - Dương Ðình Hùng
Những đôi mắt ngóng trông - Dương Ðình Hùng
Mật ngọt của rừng - Tạ văn Sĩ
Nơi ấy, biển ở phía Tây… - Nguyễn Thanh Xuân
Làng ngựa Đức Hoà - Lê Phú Khải
Đất phèn - Lê Phú Khải